CĂN BẢN THUYẾT NHẤT THIẾT HỮU BỘ TỲ NẠI DA TẠP SỰ

Hán dịch: Tam tạng Pháp sư Nghĩa Tịnh đời Đường – TQ
Việt dịch: Ban phiên dịch chùa Pháp Bảo, HT Thích Tịnh Hạnh giám tu – năm 2005
Hiệu đính và nhuận văn: NS Thích nữ Như Lộc tại chùa Phổ Minh – năm 2009

 

QUYỂN 26

4. Nhiếp tụng thứ tư (Tiếp Theo) – Phật hiện đại thần thông:

Phật tại thành Vương xá, trong Trúc lâm bên bờ ao Yết lan đạc ca. Lúc đó quốc vương, vương tử, đại thần, Bà-la-môn, các cư sĩ và dân chúng trong các thành ấp đều cung kính tôn trọng Phật và Tăng nên cúng dường tứ sự và những vật cần dùng không có thiếu thốn; nhưng các ngoại đạo thì lại không được như thế. Lúc đó Ma vương Ba tuần suy nghĩ: “từ lâu ta đối với Sa môn Kiều-đáp-ma không tìm được dịp thuận tiện nào để làm hại, nay ta nên dựa vào các ngoại đạo để gây não loạn”, nghĩ rồi liền hóa thành ngoại đạo Bộ thích noa, một trong Lục sư ngoại đạo, vì Lục sư tuy không phải là bậc Nhất-thiết-trí nhưng lại kiêu mạn tự xưng là Nhất-thiết-trí, cũng đang ở trong thành Vương xá. Hóa Bộ thích noa này lần lượt đến chỗ Mạt yết lị cù xá lê tử… năm vị sư ngoại đạo kia, hiện thần thông như thân phóng ra nước, lửa, nổi mưa làm sấm chớp… năm vị sư kia thấy rồi đều hỏi: “này Bộ thích noa,ông đã thành tựu được công đức thù thắng như vậy sao?”, đáp là đã chứng đắc. Sau đó ma Ba tuần lại hóa thành Mạt yết lị cù xá lê tử lần lượt đi đến chỗ năm vị sư ngoại đạo kia và cũng hiện các thần biến như trên, năm vị sư kia thấy rồi đều hỏi và đáp như trên. Sau đó ma Ba tuần lại hóa thành San thệ di bệ thích tri tử lần lượt đi đến chỗ năm vị sư ngoại đạo kia và cũng hiện các thần biến như trên, năm vị sư kia thấy rồi đều hỏi và đáp cũng như trên. Sau đó ma Ba tuần lại hóa thành A thị đa kê xá cam bạt la lần lượt đi đến chỗ năm vị sư ngoại đạo kia và cũng hiện các thần biến như trên, năm vị sư kia thấy rồi đều hỏi và đáp như trên. Sau đó ma Ba tuần lại hóa thành Khước câu đà Ca-đa-diễn-na lần lượt đi đến chỗ năm vị sư ngoại đạo kia… như trên. Sau đó ma Ba tuần lại hóa thành Ni yết lan đà thân nhã đê tử cũng lần lượt đi đến chỗ năm vị sư ngoại đạo kia… như trên. Làm như thế khiến cho mỗi người trong nhóm Lục sư đều nghĩ rằng: “những vị kia đều có đại oai thần lực, chỉ riêng mình ta là không có”. Vào một thời khác, Lục sư ngoại đạo đều tụ tập tại Xướng tụng đường bàn luận cùng nhau, họ nói: “trước kia chúng ta đều được quốc vương, đại thần… cung kính tôn trọng nên được nhiều lợi dưỡng, tứ sự cúng dường đầy đủ nhưng nay thì không được như vậy nữa, trong khi đó Sa môn Kiều-đáp-ma lại được. Chúng ta phải thách đấu với Sa môn Kiều-đáp-ma về thần thông đạo lực, nếu Sa môn Kiềuđáp-ma hiện một thần thông thì chúng ta sẽ hiện hai, nếu hiện hai thì chúng ta sẽ hiện bốn, nếu hiện bốn thì chúng ta sẽ hiện tám…, nói chung là chúng ta sẽ hiện gấp ba bốn lần so với Sa môn Kiều-đáp-ma”, bàn xong, họ cùng đến chỗ vua Ảnh Thắng, chú nguyện cho vua rồi tâu rằng: “đại vương nên biết, chúng tôi có đủ đại thần thông lực, có đại trí huệ; Sa môn Kiều-đáp-ma cũng tự xưng là có đại thần thông lực, có đại trí huệ. Xin đại vương chấp thuận cho chúng tôi thách đấu với Sa môn Kiều-đáp-ma về thần thông lực, nếu Sa môn ấy hiện một thần thông thì chúng tôi sẽ hiện gấp hai, ba lần như thế; nếu Sa môn ấy đi đến giữa đường, chúng tôi cũng đi theo đến giữa đường để cùng đấu thần thông”, vua Ảnh Thắng nói: “này lục sư, các vị tuy sống mà không kác gì thây chết, vì sao có thể thách đấu với Như lai về thần thông được”, họ nghe vua nói rồi liền từ giã ra về. Sau đó khi vua ra khỏi thành để đến kính lễ Phật, Lục sư gặp vua ở giữa đường cũng tâu giống như lần trước, vua nói: “đã hai lần đến nói nhưng ta đều bỏ qua, nếu còn đến nói nữa thì ta sẽ đuổi ra khỏi nước”, họ nghe rồi im lặng bỏ đi. Về đến trú xứ, họ nói với nhau: “vua ấy đối với Sa môn Kiều-đáp-ma rất tín kính, không thể trông mong vào vị vua này được. Nghe nói vua Thắng quang nước Kiều-thiểm-tỳ, tánh trung dung không thiên lệch; nếu Sa môn Kiềuđáp-ma đi đến thành kia, chúng ta sẽ xin vua cho thách đấu với Kiềuđáp-ma”. Thời gian sau, do tùy duyên hóa độ nên Phật rời khỏi thành Vương xá đi đến thành Thất-la-phiệt, trú trong vườn Cấp-cô-độc. Lục sư cũng đi theo sau, sau đó đến chỗ vua Thắng quang, chú nguyện cho vua rồi tâu cũng giống như đã tâu với vua Ảnh Thắng ở trên, vua Thắng quang nói: “các vị chờ tôi bạch Phật”, nói rồi liền đi đến chỗ Phật, đảnh lễ rồi ngồi một bên chắp tay bạch Phật: “Thế tôn, Lục sư ngoại đạo muốn thách đấu với Thế tôn về thần thông lực, xin Thế tôn chấp thuận đấu với họ, từ bi hàng phục họ để trời người được vui mừng, khiến cho người có tín tâm được hoan hỉ, người chưa có tín tâm diệt được gốc tội ác”, Phật nói: “đại vương nên biết, ta chế ngăn các đệ tử Thanh văn không được qua lại ở chỗ các Sa môn, Bà-la-môn, trưởng giả, cư sĩ mà hiện pháp thần thông; ta cũng khuyên nhắc các đệ tử nếu có thiện pháp thì nên che giấu, nếu có tội lỗi thì nên phát lồ”. Lúc đó vua ba lần cầu thỉnh, Thế tôn đều đáp như vậy, lại nói: “đại vương, Phật có năm việc nên làm, đó là:

1. Đối với hữu tình chưa phát tâm sẽ làm cho họ phát tâm Vô thượng Bồ đề.

2. Thọ ký cho Thái tử quán đảnh đã gieo trồng thiện căn từ lâu nơi đấng pháp vương.

3. Làm cho cha mẹ được Kiến đế.

4. Hiện đại thần thông nơi thành Thất-la-phiệt.

5. Hóa độ cho chúng sanh hữu duyên đều được giải thoát.” Lúc đó Phật suy nghĩ: “chư Phật quá khứ hiện đại thần thông ở đâu”, liền quán biết là ở tại thành Thất-la-phiệt, lại quán biết bảy ngày sau đại chúng sẽ vân tập. Quán biết rồi Phật liền nói với vua Thắng quang: “đại vương hãy về đi, đúng thời ta sẽ hiện đại thần thông”, vua hỏi lúc nào, đáp là bảy ngày sau, vua liền đảnh lễ Phật rồi ra về. Sau đó vua đến chỗ Lục sư ngoại đạo nói: “các vị nên biết sau bảy ngày nữa, Như lai sẽ hiển đại thần thông, các vị cần làm gì thì cứ tùy ý”, Lục sư nghe rồi nói với nhau: “có thể Sa môn Kiều-đáp-ma chạy trốn hoặc tìm đồng bạn, chúng ta cũng nên tìm đồng bạn”. Lúc đó trong thành Câu-thi-na có một ngoại đạo tên Thiện hiền đã được một trăm hai mươi tuổi, các lực sĩ trong thành này đều cung kính tôn trọng cúng dường và cho là bậc A-la-hán. Lục sư liền đến nói với Thiện hiền: “Thánh giả là người đồng phạm hạnh với chúng ta, nay chúng ta thách đấu với Sa môn Kiều-đáp-ma về thần thông lực, xin Thánh giả hãy đến tương trợ”, đáp: “các vị không nên thách đấu với Sa môn ấy, vì sao, vì vị ấy có đại oai đức, đại thế lực”, hỏi làm sao biết được, đáp: “lúc đại Sa môn ấy chưa ra đời, ta trú ở bên bờ hồ Mạn đà chỉ nhĩ để tĩnh tọa. Sáng sớm sau khi khất thực xong, ta đến bên bờ ao Vô nhiệt lặng lẽ thọ thực, thiên thần trụ ở trong ao này lúc đó đích thân mang nước đến cho ta uống. Sau khi đại Sa môn ấy ra đời, đệ tử bậc nhất của vị ấy là Xá-lợi-phất, đệ tử của vị tôn giả này là Cầu tịch Chuẩn đà mang y phấn tảo đến giặt ở trong ao Vô nhiệt. Thiên thần trụ trong ao này lấy y đem giặt rồi đưa lại cho Cầu tịch này, sau đó lấy nước giặt y này rưới lên mình. Ta thấy việc này rồi suy nghĩ ta không bằng đệ tử của đệ tử của đại Sa môn ấy. Nay các vị muốn thách đấu với đại sư của họ về thần thông thì không phải là việc tốt”, lục sư nghe rồi liền nói với nhau: “vị này là bè đảng của Sa môn ấy, chúng ta nên tìm đến vị khác”, nói rồi giả bộ cung kính từ giã ra về. Đến một chỗ vắng vẻ liền nói với nhau: “chúng ta đi đâu tìm?”, một người nói: “trong thành kia có một vị đã chứng năm thông, hãy đến đó cầu tương trợ”, một người nói: “người ấy không đủ sức, nhưng ở chỗ tịch tĩnh trong núi Tuyết có năm trăm tiên nhân, phần đông đều đã chứng năm thông, chúng ta nên đến đó cầu tương trợ”, nói rồi cùng đi đến chỗ năm trăm tiên nhân chào hỏi rồi yêu cầu tương trợ, họ nói: “đây là việc tốt, chúng tôi bằng lòng tưong trợ, nếu khi thi đấu nên hiện tướng lạ, chúng tôi sẽ đến”, Lục sư nghe rồi từ giã ra về.

Lúc đó vương tử Ca la là em khác mẹ với vua Thắng quang, mặc y phục chỉnh tề với tràng hoa thơm, chuỗi anh lạc trang nghiêm thân đi ngang qua cung vua. Lúc đó trên lầu cao, nội nhân của vua thấy vương tử đi qua, do khởi tâm yêu mến nên ném vòng hoa xuống dính trên người của vương tử. Có người oán ghét vương tử thấy việc này rồi liền mách với đại thần, đại thần tâu lên vua là vương từ Ca la có tư tình với nội nhân của vua. Vua nghe rồi không xét kỹ liền ra lịnh chặt tay chân vương tử, đại thần tuân lịnh vua đưa vương tử ra giữa chợ bảo đao phủ chặt tay chân. Thân tộc của vương tử và dân chúng trong thành vây quanh thương khóc, thấy có ngoại đạo đi ngang qua, họ nói: “vua giận ra lịnh chặt tay chân vương tử, Thánh giả có thể dùng năng lực của lời nói thật làm cho vương tử được bình phục như cũ hay không?”, ngoại đạo nghe rồi im lặng. Lúc đó thân tộc của vương tử lại thấy tôn giả Anan khất thực ngang qua liền nói như đã nói với ngoại đạo, tôn giả đáp: “hãy đợi tôi vể bạch Phật rồi sẽ trở lại nói cho biết”, thân tộc nghe rồi rất vui mừng. Tôn giả vội trở về trong rừng Thệ đa đem việc trên bạch Phật, Phật nói: “thầy hãy trở lại chỗ đó bảo thân tộc sắp xếp tay chân của vương tử lại như cũ rồi mới dùng lời nói thật để chú nguyện như sau: “trong các chúng sanh, loài không chân, hai chân, nhiều chân, loài có sắc hay không sắc, có tưởng hay không tưởng, loài phi tưởng hay phi phi tưởng thì Như lai là tối thượng. Trong các pháp hữu vi hay vô vi thì pháp không dục nhiễm là tối thượng. Trong các tập thể đại chúng thì chúng đệ tử Thanh văn của Phật là tối thượng. Trong các giới cấm tinh cần tu tập khổ hạnh thì Thánh giới thanh tịnh là tối thượng. Nếu lời này là chân thật không hư dối thì nguyện cho tay chân của vương tử Ca la đã bị chặt đứt được bình phục như cũ”. Tôn giả A-nan vâng theo lời Phật dạy đến chỗ vương tử Ca la, sau khi bảo thân tộc sắp xếp tay chân của vương tử lại như cũ rồi dùng lời nói thật để chú nguyện như Phật đã dạy, sau khi tôn giả nói xong, tay chân dã bị chặt đứt của vương tử được bình phục như cũ. Mọi người thấy việc này rồi đều vui mừng reo vang dậy, khen là việc chưa từng có và nói là tôn giả đã thắng ngoại đạo. Tôn giả đưa vương tử Ca la đến chỗ Phật, đảnh lễ rồi đứng một bên bạch Phật: “Thế tôn, đây là vương tử Ca la”, vương tử đảnh lễ Phật rồi ngồi một bên, Phật thuận theo căn tánh và ý thích của vương tử mà nói pháp yếu, vương tử nghe pháp xong liền chứng quả Bất hoàn và được thần thông. Lúc đó vua Thắng quang nghe biết vương tử nhờ tôn giả A-nan dùng lời nói thật chú nguyện khiến cho tay chân được bình phục như cũ, liền đến xin lỗi vương tử: “khanh hãy tha thứ cho ta”, vương tử đáp là đã tha thứ, vua bảo Ca la trở về nhà, Ca la nói: “đại vương, tôi nay đã lìa dục, xin được ở lại đây thừa sự Như lai, không muốn về nữa”, vua nói: “lành thay, hãy làm theo ý của khanh”, sau đó vua cho làm nơi kinh hành trong rừng cho vương tử ở, vì các chi phần của vương tử được nối lại từng phần nên rừng này được gọi là rừng Từng phần. Lúc đó vua Thắng quang bạch Phật: “Thế tôn, nếu Phật chấp thuận, con sẽ cho làm nhà hiện thần thông từ cửa thành đến rừng Thệ đa”, Phật nói tùy ý, vua liền cho làm nhà hiện thần thông với năm trăm cây lọng thù diệu, cho rưới nước thơm chiên đàn, rải hoa quý; treo cờ phướn đẹp, gió thổi bay phất phới rất đáng yêu với linh báu kêu vang; lại cho đốt hương Hải ngạn, khói tỏa thành lọng, quang cảnh giống như vườn Hoan hỉ trên cõi trời Đao lợi; lại cho làm một bảo tòa sư tử thắng diệu cho Phật bằng bảy báu. Các đệ tử của Lục sư ngoại đạo cũng tùy sức mình làm sáu tòa ngồi cho thầy mình, khi Lục sư đi đến nhà hiện thần thông, các ngoại đạo đều theo sau hộ vệ, Lục sư đến tòa ngồi rồi sai sứ đến tâu vua: “đại vương, chúng tôi đã đến, xin vua cho gọi Sa môn Kiều-đáp-ma đến”. Vua nghe báo rồi liền cùng nội cung, đại thần và tất cả dân chúng trong thành đều đi đến nhà hiện thần thông; lại sai sứ giả Ma-nạp-bà: “khanh đến đảnh lễ Phật và đem lời của ta thăm hỏi Phật có được khỏe mạnh, khinh an hay không và bạch Phật rằng các ngoại đạo đã đến đông đủ, xin Phật biết thời”, sứ giả tuân lịnh đến đảnh lễ Phật và nói lại những lời vua đã nói, Phật nghe rồi liền bảo sứ giả trở về. Lúc đó Phật dùng thần thông lực gia bị cho sứ giả như Nhạn vương xóe hai cánh, bay lên hư không đi đến nhà hiện thần thông, mọi người có mặt nơi đó thấy sứ giả từ trên hư không đến đều vui mừng khen là hi hữu. Vua càng thêm tín kính liền bảo Lục sư ngoại đạo: “Như lai đã hiện thần thông, các vị hãy tuần tự hiện thần biến”, Lục sư đáp: “đại vương, có vô biên đại chúng vân tập, nếu hiện thần thông thì không biết thần thông hiện là của ai”. Lúc đó vương tử Ca la dùng thần lực đi đến núi Hương túy lấy các loại cây rừng với hoa trái kỳ lạ và có chim đẹp lạ bay theo, mang về trang trí ở phía bắc của nhà hiện thần thông. Vua thấy rồi càng thêm tín kính liền bảo Lục sư ngoại đạo: “Như lai đã hiện thần thông, các vị hãy tuần tự hiện thần biến”, Lục sư đáp: “đại vương, như trước đã nói có vô biên đại chúng vân tập, nếu hiện thần thông thì không biết thần thông hiện là của ai”. Kế đó, trưởng giả Tu đạt đa (Cấp-cô-độc) cũng dùng thần thông lực lên cõi trời Tam thập tam lấy cây Như ý mang về trang trí ở phía bắc của nhà hiện thần thông. Vua càng thêm hoan hỉ liền bảo Lục sư ngoại đạo: “Như lai đã hiện thần thông, các vị hãy tuần tự hiện thần biến”, Lục sư đáp: “đại vương, có vô biên đại chúng vân tập, nếu hiện thần thông thì không biết thần thông hiện là của ai”. Lúc đó có trăm ngàn dân chúng các nước xa gần đều đã đến, trên hư không cũng có trăm ngàn ức chư thiên hiện đến để xem thần thông. Phật lúc đó tạm ra khỏi phòng rửa tay chân rồi trở vào trong phòng, ngồi kiết gia nhập định Hỏa quang, từ lỗ khóa của phòng Thế tôn, lửa phun ra ụp xuống nhà hiện thần thông, các ngoại đạo thấy liền nói: “Sa môn hiện thần thông làm cho nhà bị cháy, hay mau gọi Sa môn ấy dập tắt lửa”, vua im lặng tỏ vẻ buồn bã; phu nhân Thắng man, phu nhân Hành vũ… thấy việc này rồi đều rất kinh ngạc; Lục sư ngoại đạo và các đệ tử thì vui mừng. Lúc đó ngọn lửa từ định Hỏa quang này sau khi đốt hết các trần cấu làm cho được thanh tịnh xong liền tắt mà không làm tổn hại gì cả. Vua vui mừng liền bảo Lục sư ngoại đạo: “Như lai đã hiện thần thông, các vị hãy tuần tự hiện thần biến”, Lục sư cúi đầu im lặng. Lúc đó Phật tác ý đạp chân phải lên hương điện, đại địa liền chấn động sáu cách: rung nhẹ, rung vừa, rung cực mạnh; động nhẹ, động vừa và động cực mạnh. Phương Đông nổi lên, phương Tây chìm xuống; phương Tây nổi lên, phương Đông chìm xuống; phương Nam nổi lên, phương Bắc chìm xuống; phương Bắc nổi lên, phương Nam chìm xuống; ở giữa nổi lên, hai bên chìm xuống; hai bên nổi lên, ở giữa chìm xuống. Lúc đó ở núi Tuyết, năm trăm tiên nhân thấy hiện tượng này rồi liền nói với nhau: “các vị đồng phạm hạnh ấy đã hiện tướng lạ này, chúng ta nên đến đó”, nói rồi liền lên đường. Phật muốn giáo hóa họ nên phóng ánh sáng màu hoàng kim chiếu đến, trong ánh sáng này các tiên nhân thấy thấy Phật có ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp trang nghiêm thân, ánh sáng bao quanh trên đảnh rộng một tầm sáng rỡ như trăm ngàn mặt trời. Thấy rồi tâm các tiên nhân này trở nên thanh tịnh như tu thiền định đã lâu, như người không con được con, như người nghèo được của báu, như Thái tử được quán đảnh lên ngôi vua, như người đã gieo trồng thiện căn nhiều đời lần đầu tiên được gặp Phật. Các tiên nhân này liền đến Chỗ Phật đảnh lễ rồi ngồi một bên, Phật quán biết căn tánh tùy miên của họ nói pháp tứ đế khiến cho họ được khai ngộ và chứng quả Dự lưu. Sau khi chứng quả, họ chắp tay bạch Phật: “Thế tôn, xin cho con được ở trong thiện pháp luật xuất gia thọ giới cụ túc, thành tánh Bí-sô, tu tập phạm hạnh”, thiện lai các Bí-sô, hãy xuất gia tu phạm hạnh”, Phật nói: “thiện lai Bí-sô, hãy tu tập phạm hạnh”, Phật vừa nói xong, râu tóc của các tiên nhân này đều tự rụng, ca sa hiện trên thân trở thành Bí-sô, giống như người đã được xuất gia bảy ngày, đầy đủ oai nghi giống như Bí-sô trăm tuổi hạ. Các Bí-sô này chuyên tâm tu tập đoạn trừ các phiền não, chứng A-la-hán, ba minh, sáu thông, đủ tám giải thoát, được như thật tri: sanh tử đã hết, phạm hạnh đã lập, việc nên làm đã làm xong, không còn thọ thân sau. Tâm không chướng ngại như tay nắm hư không, như dao cắt mùi thơm, yêu ghét không khởi, xem vàng và đất như nhau không khác, tất cả danh lợi đều xả bỏ, Thích Phạm chư thiên thảy đều cung kính. Lúc đó Phật cùng năm trăm tân Bí-sô tiên nhân này và các Bí-sô khác trước sau vây quanh đi đến nhà hiện thần thông, Phật lên tòa sư tử ngồi trước đại chúng. Lúc đó có một Ô-ba-sách-ca tên là Thần tiên mẫu đến trước Phật bạch rằng: “Thế tôn, xin cho con được cùng các ngoại đạo kia đấu thần thông hiển bày pháp thượng nhân để hàng phục họ, làm cho trời người vui mừng, khiến người có tín tâm được tăng trưởng, người chưa tin được kết nhân duyên”, Phật nói: “tuy ông có khả năng thi triển thần thông để hàng phục ngoại đạo, nhưng họ sẽ nói rằng: Sa môn Kiều-đáp-ma không có khả năng hiện thần thông, hiển pháp thượng nhân, chỉ nhờ đệ tử Thanh văn hiển hiện. Vì vậy ông nên trở lại chỗ ngồi”. Kế đó, trưởng giả Cấp-cô-độc, Cầu tịch Chuẩn đà, Cầu tịch nữ Tổng kế, Bí-sô ni Liên hoa sắc… cho đến tôn giả Đại Mục-kiền-liên đều lần lượt đến trước Phật bạch giống như Thần tiên mẫu đã bạch và Phật cũng đáp giống như vậy. Lúc đó Phật hỏi vua Thắng quang: “ai sẽ thỉnh Như lai cùng Lục sư ngoại đạo đấu thần thông?”, vua liền đứng dậy chắp tay bạch Phật: “Thế tôn, nay con xin thỉnh Phật cùng Lục sư ngoại đạo đấu thần thông, hiển bày pháp thượng nhân để hàng phục họ, làm cho trời người vui mừng, khiến người có tín tâm được tăng trưởng, người chưa tin được kết nhân duyên; khiến cho Sa môn, Bà-la-môn trong đời vị lai được lợi ích và an lạc mãi mãi”, Phật im lặng nhận lời, vua biết Phật đã nhận lời liền trở lại chỗ ngồi. Ngay lúc đó Phật liền nhập Tam-ma-địa Như thị thắng, từ trên tòa ngồi bỗng nhiên ẩn mất rồi hiện ra ở phương đông đi đứng nằm ngồi trên hư không. Lại nhập định Hỏa quang, thân phóng ra các ánh sáng xanh, vàng, đỏ, trắng, hồng; hoặc hiện thần biến như trên thân tuôn ra nước, dưới thân tuôn ra lửa, hoặc trên thân tuôn ra lửa, dưới thân tuôn ra nước. Phương Đông đã như vậy, các phương Nam, Tây, Bắc cũng hiện như vậy. Hiện các thần biến xong, Phật thu nhiếp thần thông hiện trở lại trên bảo tòa rồi bảo vua: “thần thông này Phật và chúng Thanh văn đều có được. Đại vương, ai sẽ thỉnh Như lai hiện vô lượng đại thần thông của Phật?”, vua lại đứng dậy thỉnh Phật giống như lần trước, Phật im lặng nhận lời rồi dưa bàn tay thí vô úy có luân tướng thượng diệu với màn lưới kiết tường có chữ vạn, do vô lượng phước trang nghiêm để chạm xoa trên mặt đất và khởi tâm thế tục: “nếu Long vương mang hoa sen đẹp lớn như bánh xe có đủ ngàn cánh, vật báu làm đài, kim cương làm nhụy đến đây thì tốt”. Thường pháp của chư Phật là hễ khởi tâm thế tục thì ngay đến loài kiến cũng hiểu được ý Phật, nếu khởi tâm xuất thế thì ngay đến bậc Thanh văn, Độc giác cũng không thể hiểu. Do Phật khởi tâm thế tục nên Long vương biết Phật muốn hiện thần biến cần có loại hoa sen này, Long vương liền mang hoa sen này hiện đến ở trước Phật, Phật liền lên ngồi trên hoa sen này. Ngay lúc đó, ở hai bên và sau lưng Phật đều có vô lượng hoa sen báu giống như hoa sen này đồng thời hiện ra, trên mỗi hoa sen đó đều có vị Hóa phật ngồi ở trên. Hai bên và sau lưng của mỗi Hóa Phật lại có vô lượng hoa sen báu giống như thế đồng thời hiện ra và đều có vị Hóa phật ngồi ở trên, như thế hiện ra trùng trùng lớp lớp hoa sen nối nhau lên tới tận cõi trời Cứu cánh. Thân của các Hóa Phật ấy đều xuất hỏa quang hoặc tuôn mưa, hoặc phóng ánh sáng, hoặc thọ ký hoặc hỏi đáp hoặc hiện bốn oai nghi… Nhờ thần lực của Phật nên ngay cả trẻ con cũng nhìn thấy được quang cảnh này. Lúc đó vua Thắng quang cùng nội cung, vương tử, đại thần cùng vô lượng trăm ngàn người trong và ngoài thành đều chăm chú nhìn đại thần thông này; vô lương trăm ngàn chư thiên trên hư không cũng chăm chú nhìn đại thần thông này không nhàm chán. Khắp nơi đều vang lên tiếng trống nhạc, tiếng tù và… cho đến loài cầm thú cũng vui mừng phát ra tiếng như ngựa hí, voi rống, bò kêu, chim hót…; chư thiên tấu thiên nhạc, rải thiên hoa, hương hoa và thiên y thượng diệu… Phật hiện đại thần thông rồi, vì muốn điều phục giáo hóa các hữu tình nên nói kệ:

“Người nên cầu xuất ly,
Siêng tu lời Phật dạy,
Hàng phục quân sanh tử,
Như voi xô nhà cỏ,
Ở trong pháp luật này,
Nên tu không phóng dật,
Khô được biển phiền não,
Dứt hết bờ mé khổ”.

Các Hóa Phật cũng đồng thanh nói kệ:

“Khi mặt trời chưa mọc,
Ánh đuốc sáng lập lòe,
Mặt trời mọc trên không,
Làm mất ánh sáng đuốc,
Ánh sáng Phật chưa chiếu,
Lời ngoại đạo còn lạ,
Phật quang chiếu khắp nơi,
Hàng phục thầy trò họ”.

Lúc đó Phật bảo các Bí-sô: “các thầy hãy ghi nhớ thần biến này, đại thần thông sắp biến mất”, Phật vừa nói xong, thần biến liền tan biến mất. Vua Thắng quang lại bảo Lục sự hiện thần biến, Bộ thích noa im lặng đưa cùi chỏ thúc vào người của Mạt yết lị cù xá lê tử, lần lượt người này lại thúc người kia, cả Lục sư đều im lặng cúi đầu như đang nhập thiền định. Dược xoa Kim cang thủ suy nghĩ: “nhóm Lục sư ngu si này đã xúc não Thế tôn, ta nên làm cho họ sửa đổi lỗi lỗi trước để họ không dám tái phạm nữa và đều phải bỏ đi”, nghĩ rồi liền phóng ra mưa to gió lớn làm sập ngã chỗ ngoại đạo đang ở trong nhà hiện thần thông, khiến họ kinh sợ bỏ chạy tứ tán hoặc chạy vào bụi cây, hoặc miếu thờ trời để ẩn nấp; còn chỗ của Phật và tăng chúng ở thì không sao cả. Lúc đó Thế tôn nói kệ:

“Mọi người bị sợ bức,
Thường quy y thần núi,
Vườn cây, gốc đại thọ,
Đền miếu, rừng hoang vu.
Quy y này không thắng,
Quy y này không tôn.
Không nhờ quy y này,
Mà thoát khỏi các khổ.
Ai quy y Phật đà,
Chánh pháp và Tăng già,
Thường dùng tuệ quán sát,
Ở trong bốn Thánh đế,
Biết Khổ, biết Khổ tập,
Biết Diệt đế thoát khổ,
Biết tám chi Thánh đạo,
Đến Niết-bàn an ổn.
Quy y này tối thắng,
Quy y này tối tôn,
Nhờ pháp quy y này,
Giải thoát hết các khổ”.

Lúc đó, Phật quán biết tâm niệm sai khác của mọi người liền ứng cơ thuyết pháp khiến cho họ sau khi nghe pháp, có người được Noãn pháp, hoặc được Đảnh pháp, hoặc được Nhẫn pháp; có người được vơi bớt ba độc, lìa tham dục, có người được Thế đệ nhất pháp, có người đắc quả Tu đà hoàn, hoặc quả Tư-đà-hàm, hoặc quả A-na-hàm, có người gieo trồng nhân duyên với Thanh văn thừa, có người gieo trồng nhân duyên với Bích chi Phật thừa, có người gieo trồng nhân duyên với Phật thừa. Sau khi thuyết pháp làm cho họ được lợi hỉ, Phật rời khỏi tòa ra về.

Lúc đó các đệ tử của Bộ thích noa… cùng thầy ngồi chung một chỗ liền hỏi thầy: “cái gì là thật”, Bộ thích noa… Lục sư đều khởi tâm khi dối đệ tử, nói thế gian thường còn là thật, hoặc nói vô thường là thật, hoặc nói vừa thường vừa vô thường là thật, hoặc nói không phải thường cũng không phải vô thường là thật; hoặc nói hữu biên, hoặc nói vô biên, hoặc nói vừa hữu biên vừa vô biên, hoặc nói không phải hữu biên cũng không phải vô biên; hoặc nói mạng trong thân là thật, hoặc nói mạng ngoài thân là thật, hoặc nói sau khi chết có ngã là thật, hoặc nói sau khi chết không có ngã là thật, hoặc nói sau khi chết vừa có ngã vừa không có ngã, hoặc nói không phải có ngã cũng không phải không có ngã là thật, ngoài ra đều là hư vọng. Tuy họ đáp như vậy nhưng trong lòng lại xấu hổ, cúi đầu buồn bã, do lửa sầu não đốt cháy trong tâm nên Bộ thích noa muốn tìm ao nước để uống nước. Trên đường đi, một huỳnh môn gặp liền nói kệ hỏi:

“Ông đi một mình muốn đến đâu,
Dáng vẻ như bò thua gãy sừng,
Không biết diệu pháp Phật Thích ca,
Thì như bò rừng chạy đi mãi”.
Bộ thích noa nghe rồi liền nói kệ:
“Thần chết thường đi trước mắt ta,
Thân ta lê bước không còn sức,
Luân hồi các cõi thọ khổ vui,
Ta nay giải thoát cầu chỗ an.
Ánh nắng mặt trời chiếu nóng bức,
Thân tâm của ta đều mệt mõi,
Ngươi hãy thật lòng chỉ cho ta,
Nơi nào có ao nước trong mát?”

Huỳnh môn nói kệ đáp:

“Gần đây có ao nước trong mát,
Vịt trời, hoa thơm mọc khắp nơi.
Ông vì quá ác nên mù tối,
Không thấy ao thơm nên hỏi ta”.

Bộ thích noa nói kệ:

“Hỡi này kẻ phi nam phi nữ,
Sao không chỉ đường đến ao nước,
Ta đang muốn đến ao nước mát,
Uống cho thân tâm hết nóng bức”.

Huỳnh môn liền chỉ đường, Bộ thích noa đến bên ao nước, dùng cái vò đựng cát rồi cột vào cổ trầm mình xuống ao nước mà qua đời. Lúc đó các đệ tử của Bộ thích noa hỏi nhau: “các vị có thấy Ô-ba-đà-da của tôi không?”, đáp là không thấy, họ lại hỏi nhau: “các vị đã nghe Ôba-đà-da nói những gì?”, có người đáp: “thầy nói thế gian thường còn là thật, ngoài ra đều là hư vọng”, người khác nói: “thầy nói thế gian vô thường là thật…”, như đoạn văn trên. Các đệ tử nghe rồi liền nói với nhau: “các thuyết này đều không giống nhau, chúng ta nên tìm Thân giáo sư để hỏi cho rõ cái gì là thật”, nói rồi cùng đi tìm, trên đường đi gặp một đồng nữ liền nói kệ hỏi:

“Hiền thủ, cô có gặp,
Đại sư Bộ thích noa,
Thân không mặc y phục,
Đứng trên đất, ăn bốc”.

Đồng nữ nói kệ đáp:

“Ổng là người địa ngục,
Giang tay theo người xin,
Tay chân đều trắng bệt,
Thấy đàng chìm trong nước”.

Đệ tử nói kệ:

“Cô đừng nói như vậy,
Đó là lời bất thiện,
Dùng pháp làm y phục,
Mâu ni trụ pháp này”.

Đồng nữ nói kệ:

“Lỏa hình đi khắp nơi,
Sao lại cho là trí,
Mọi người đều nhìn thấy,
Mà không biết xấu hổ,
Trơ mặt, lộ hình thể,
Lại cho đó là pháp,
Vua Tỳ sa môn thấy,
Dùng đao chém không tha”.

Các đệ tử nghe rồi đều im lặng bỏ đi, khi đến ao nước thấy thầy mình dùng cái vò đựng cát cột vào cổ trầm mình xuống ao đã chết. Trong các đệ tử, người ưa thích giới nói: “đây chính là sự thật, ngoài ra đều là hư vọng”, nói rồi cùng dùng cái vò đựng cát cột vào cổ trầm mình xuống ao nước chết giống như thầy; các ngoại đạo khác tứ tán khắp nơi, ra ở chốn biên phương.

Khi Phật hiện đại thần thông hàng phục các ngoại đạo như vậy, đại chúng trời người thảy đều hoan hỉ.