CĂN BẢN THUYẾT NHẤT THIẾT HỮU BỘ TỲ NẠI DA TẠP SỰ

Hán dịch: Tam tạng Pháp sư Nghĩa Tịnh đời Đường – TQ
Việt dịch: Ban phiên dịch chùa Pháp Bảo, HT Thích Tịnh Hạnh giám tu – năm 2005
Hiệu đính và nhuận văn: NS Thích nữ Như Lộc tại chùa Phổ Minh – năm 2009

 

QUYỂN 23

Nhiếp tụng nội dung:

Ngưu hộ, thợ săn chết,
Thả cho ra khỏi cung,
Vương nữ Thiên thọ đi,
Mãnh quang đến Đắc xoa,
Giết người, tiếng, tám mộng.

Một hôm sau khi thức dậy, vua Mãnh quang suy nghĩ: “sau khi ta qua đời, Thái tử Ngưu hộ có đủ trí lực để kế thừa vương vị hay không, ta nên thử trí mưu của nó”, nghĩ xong vua liền cho gọi Ngưu hộ đến nói rằng: “trong nội cung có ít việc, ta cần giải quyết trong vòng bảy ngày, trong bảy ngày này con thay ta trị nước”. Thái tử vâng lịnh trị nước và thưởng phạt thích đáng việc lợi hại, lúc đó quan giải tới hai kẻ thông dâm cho Thái tử xử, Thái tử hỏi họ có yêu nhau không, đáp là yêu nhau, Thái tử nghe rồi liền nói: “nếu đã yêu nhau sao lại không cho họ tùy tình, từ nay không cấm việc thông dâm”, mọi người nghe rồi liền tùy tình tạo lỗi. Sau bảy ngày vua xuất cung hỏi Tăng dưỡng: “sau khi ta qua đời, Thái tử có thể kế vị được không?”, đáp: “có thể được, tuy Thái tử trị nước nghiêm túc, nhưng đối với việc thông dâm lại cho tùy tình tạo lỗi”, nói rồi liền kể lại việc trên, vua nghe rồi suy nghĩ: “không có đố kỵ với phụ nữ của người, nhưng đối với thê thiếp của mình há lại không đố kỵ hay sao, ta hãy thử xem”. Lúc đó có người ở nước Kiền-đà-la từ phương Bắc đến trú trong thành này, vua nghe nói người này có trí liền cho gọi đến hỏi: “ngươi có thể làm việc phi pháp với đại phi của Thái tử Ngưu hộ không?”, người này nghe rồi liền bịt tai nói: “nếu làm việc phi pháp này thì thần hết còn đường sống”, vua nói: “vua muốn làm như vậy nên không có lỗi, nếu không làm tức là trái lịnh vua”, đáp: “thần sẽ tuân lịnh nhưng việc này không thể gấp được, phải từ từ mới có thể thi hành”, vua nói: “tuần tự làm như thế nào là tùy ý ngươi”, đáp: “xin vua cấp cho thần chi phí xây cất một cửa hàng lớn gần cung của Thái tử để tìm cách thân cận”, vua liền cấp tiền bạc cho người này, người này liền dựng lên một cửa hàng mua bán hương liệu. Sau đó có tỳ nữ của mẹ vợ Thái tử đến mua hương liệu, chủ cửa hàng hỏi là mua cho ai, đáp là mua cho mẹ vợ của Thái tử, liền hỏi bà ấy tên gì, đáp: “tên họ là —-, vì bà ấy cùng họ với mẹ tôi nên tôi xem như mẹ”, chủ cửa hàng nghe rồi liền lấy ít tiền nhưng lại đưa nhiều hương liệu. Tỳ nữ mang về, bà mẹ thấy nhiều hương liệu hơn trước kia nên hỏi nguyên do, tỳ nữ đem việc trên kể lại, bà mẹ nói: “tốt, người ấy như con ta”, ba lần đến mua như vậy đều được nhiều hương liệu nên bà mẹ rất vui mừng. Thời gian sau, chủ cửa hàng hỏi tỳ nữ: “cô hãy thưa với mẹ là tôi muốn đến viếng thăm”, tỳ nữ về bạch lại, bà mẹ nói hãy đến, tỳ nữ sang báo lại, chủ cửa hàng liền đem nhiều hương liệu đến. Vừa gặp nhau, chủ cửa hàng liền ôm chầm bà mẹ này mà khóc, bà hỏi nguyên do, liền đáp: “vì mẹ giống hệt mẹ con nên con xúc động”, bà mẹ nói: “từ nay ta là mẹ con, đừng khóc nữa”. Chủ cửa hàng khéo làm cho tình cảm hai bên thêm sâu đậm, lúc đó vợ Ngưu hộ đứng bên cạnh, bà mẹ bảo: “con hãy đến đây, đây là anh con, hãy ôm lấy chân ân cần cung kính”, vợ Ngưu hộ làm theo lời mẹ dạy, chủ cửa hàng hỏi tên, đáp tên là —, chủ cửa hàng liền nói: “chị dâu của tôi ở nhà cũng đồng tên, dáng vóc cũng giống, từ nay chị là chị dâu của tôi”, bà mẹ nói lành thay. Sau đó chủ cửa hàng giả bịnh, khi thấy tỳ nữ đến mua hương thoa liền nói với tỳ nữ: “tôi bịnh rất nặng, sao mẹ không đến thăm”, tỳ nữ nói: “bà không biết, để tôi về báo”, khi nghe tỳ nữ báo bà mẹ liền đến thăm và hỏi bịnh như thế nào, đáp là bịnh rất nặng, bà mẹ nói: “nên hỏi thầy thuốc, tùy bịnh uống thuốc”, đáp: “thuốc không trị bịnh này được, con mắc bịnh này chắc phải chết”, bà mẹ nói: “con chớ ưu sầu, chắc cũng có cách gì trị hết bịnh chứ?”, đáp: “tuy có thuốc trị bịnh nhưng không sao tìm được”, bà mẹ nói: “chỉ cần có, ta sẽ lo liệu cho con”, đáp: “nếu con được cùng đại phi tư thông thì sẽ hết bịnh”, bà mẹ nghe rồi liền tức giận nói: “ngươi là kẻ bần hàn muốn được vương phi làm sao toàn mạng”, nói xong liền giũ áo ra về. Sau đó chủ cửa hàng lập kế làm di chúc, trong đó ghi là nếu sau khi tôi chết, nhà cửa tài sản đã có đều giao cho vợ Thái tử. Viết di chúc xong gởi cho bà mẹ, bà mẹ xem di chúc xong liền hết giận, suy nghĩ: “ta tức giận bỏ đi mà nó lại đối với ta ân nặng, tình nghĩa không giảm. Người như thế khó được, nhưng việc này ta nên hỏi ý con gái, đừng để vì việc này mà nó phải chết”, nghĩ rồi liền bảo con gái: “chủ cửa hàng lâu nay có ân tình, đã xem như em chồng, nay nó bị bịnh sao con không đến thăm?”, đáp: “sao không mời thầy thuốc chữa trị?”, bà mẹ nói: “bịnh ấy khó trị chắc phải chết, nhưng mẹ nghe nói nếu được cùng tư thông với chị dâu thì hết bịnh”, đại phi nghe rồi liền tức giận nói: “hắn là kẻ bần hàn, muốn cùng đại phi làm việc phi pháp há không bị mất mạng hay sao?”, bà mẹ nói: “sang hèn khó định, hiện tại làm sao con biết được, chúa công vốn từ ai mà được sanh ra, con có biết không?”, đáp là không biết, bà mẹ nói: “là từ bồ cạp mà được sanh ra, nay được làm vua có nhiều quyền lực; chồng con cũng từ vợ trưởng giả sanh ra, sau này cũng sẽ làm vua. Nếu con cùng anh ta tư thông mà có con, con của con cũng sẽ làm vua, đâu có hại gì”, đại phi nghe bà mẹ nói rồi liền bằng lòng cùng tư thông, bà mẹ liền đưa tin cho chủ cửa hàng: “thấy ngươi tha thiết nên con ta bằng lòng, người hãy biết thời đến để gặp nhau”, chủ cửa hàng liền báo tin cho vua biết: “việc sắp thành, xin vua khiến cho Thái tử tạm rời khỏi nhà”. Lúc đó vua suy nghĩ: “sau khi ta qua đời, Ngưu hộ sẽ làm vua, con của Ngưu hộ cũng sẽ kế vị; nếu Kiền-đà-la cùng vương phi tư thông có con, con nó lên làm vua thì tuyệt dòng dõi của ta. Ta nên cho nó uống thuốc để không sanh con”, nghĩ rồi vua liền đưa thuốc cho Kiền-đà-la và nói rằng: “trước khi ngươi cùng đại phi làm việc phi pháp, hãy uống thuốc này”, sau đó bảo Ngưu hộ tạm vắng nhà, Ngưu hộ vâng lời vua không về nhà. Lúc đó Kiền-đà-la sau khi uống thuốc xong cùng đại phi tư thông, ngủ chung trên giường, vua nghĩ việc ắt đã xong nên bảo Ngưu hộ trở về nhà. Ngưu hộ về đến nhà, thấy hai người họ nằm chung trên giường, buông thõng tay xuống giường; Thái tử liền đỡ tay họ lên rồi lấy chăn đắp cho cả hai. Hai người ngủ chung đến sáng nghĩ là không ai nhìn thấy, Kiền-đà-la trở về cửa hàng. Hôm sau vua nói với Thái tử: “đêm qua ta nằm mộng thấy vợ con tư thông với người ngoài”, Thái tử đáp: “đại vương thấy trong mộng, còn con chính mắt nhìn thấy”, vua hỏi thấy như thế nào, Thái tử kể lại việc đã thấy hôm qua, vua hỏi: “con không ghen sao?”, đáp là không ghen, vua hỏi vì sao, đáp: “từ khi sanh ra đến nay con biết được túc mệnh, đời trước con là vợ một thương chủ, khi chồng con đi đến phương xa buôn bán, con đòi đi theo; chồng con nói đường đi xa khó nhọc, không có ai săn sóc nên không cho con đi theo. Thấy con khóc, các thương nhân khác nói với chồng con là cứ cho đi theo, nếu cần gì chúng tôi sẽ cung cấp; vì thế con được đi theo. Khi đi đến đường hiểm gặp phải năm trăm tên cướp giết người cướp của, giết chết chồng con rồi làm việc phi pháp với con. Thời gian sau bọn cướp này đánh cướp một đoạn thương buôn khác và bắt được một người nữ, con thấy người nữ kia được họ yêu thương nên khởi tâm ghen tức và sai người ném xuống giếng cho chết. Đại vương, con nghĩ thuở xưa con đã làm việc dâm dục với năm trăm tên cướp còn chưa vừa ý, huống chi là với một người. Do nhớ được việc thuở xưa nên con đối với phụ nữ không có tâm ghen tức, người ngu trên đời phần đông đem phụ nữ vào trong cung để hộ vệ, thật ra đàn ông phải đề phòng đàn bà, không phải đàn bà đề phòng đàn ông”, vua nói: “đúng như lời con nói, bỏ được tâm ghen tức là việc khó trong đời; tuy lý này đúng nhưng ta chưa làm được”.

Lúc đó trong thành Ôn thệ ni có một thợ săn, vì vợ anh rất đẹp và anh rất yêu thương nên khi muốn đi săn bắn, anh sợ để vợ ở nhà sẽ cùng kẻ khác làm việc phi pháp; nhưng nếu không đi săn thì không thể sinh sống được, cho nên anh đưa vợ cùng đi vào rừng, ở trong một chòi lá, săn bắn được cầm thú đem bán để đổi lấy lương thực. Một hôm, vua Mãnh quang vào rừng săn bắn, ngựa chạy đến chỗ thợ săn, thợ săn nhớ biết nên lên tiếng chào đón, vua bèn xuống ngựa ngồi nghỉ dưới gốc cây. Lúc đó thợ săn suy nghĩ: “ta không nên đem thịt cũ cách đêm dâng cho vua quán đảnh, ta nên săn bắt thịt mới để dâng vua”, nghĩ rồi liền mang cung tên vào rừng. Vua lúc đó đưa mắt nhìn khắp nơi, bỗng thấy vợ thợ săn có thân hình khả ai nên khởi dục tâm, cùng vợ thợ săn làm việc phi pháp. Khi thợ săn trở về với con vật mới săn bắt được, thấy vua cùng vợ mình làm việc phi pháp liền nổi giận muốn giết chết vua, nhưng lại suy nghĩ: “lẽ nào vì một người nữ mà ta lại giết vua”. Lúc anh khởi tâm từ không nở giết vua thì có sư tử vồ tới giết anh chết, thợ săn sau khi mạng chung thác sanh lên cõi trời Tứ thiên vương. Vua thấy thợ săn chết liền suy nghĩ: “người nữ này đã cùng ta tư thông, ta không nên ruồng bỏ”, nghĩ rồi liền an ủi vợ thợ săn. Lúc đó đại thần của vua tìm kiếm vua, đến nơi thấy có người nữ bên cạnh liền hỏi, vua bảo đưa về cung. Khi trở về cung nhìn thấy nội cung đông, vua suy nghĩ: “thợ săn kia đưa vợ vào trong rừng mà còn không thể giữ được, huống chi nội cung của ta đông, làm sao ta giữ được”, nghĩ rồi vua liền cho đánh trống thông báo cho dân chúng trong thành, ngoài thành hoặc từ phương xa đến được biết: “từ nay ta cho tất cả nội cung được tự do ra khỏi cung, tùy ý gặp gỡ tư thông với người mà mình ưa thích, ta không cho là lỗi”, vua lại bảo nội cung: “ta cho các khanh được tự do ban đêm ra khỏi cung tùy ý tìm hoan lạc, nhưng khi nghe tiếng trống thì phải trở về, ai trái lịnh sẽ giết chết”. Phụ nữ vốn thích nam tử, huống chi họ là những người từ lâu đã bị giam giữ trong thâm cung; cho nên các cung nữ ban đêm đều ra khỏi cung tìm hoan lạc, chỉ riêng có phu nhân An lạc là mẹ của Ngưu hộ và Tinh quang vì giữ tình với vua nên không đi. Vua bảo phu nhân An lạc nên đi, phu nhân đáp là không thể; vua lại bảo Tinh quang nên đi, Tinh quang vốn còn trẻ lại xinh đẹp nên ý cũng muốn ra ngoài, khi nghe vua nói lời này liền im lặng. Đêm đó, cô vào chợ nhìn thấy đồng tử bán hương có dung mạo đoan chánh liền ngỏ lời, đồng tử đáp: “hãy cầm đèn cho tôi tính toán sổ sách rồi sẽ tùy tình”, do đồng tử buôn bán đắc nên tính toán mãi cho đến trời sáng, Tinh quang nghe tiếng trống liền vứt đèn xuống để trở về cung, đồng tử nói: “xin hãy đợi thêm một chút”, đáp: “tôi không thể vì vua có lịnh nếu khi nghe tiếng trống mà không trở về cung thì sẽ giết chết, tôi không có hai đầu nên không dám ở lại”, nói rồi liền bỏ đi. Trở về trong cung, vua gặp liền hỏi có được vui vẻ không, đáp là không rảnh, vua hỏi vì sao, liền kể lại việc trên. Tiếng đồn vua Mãnh quang thả cho các cung nhân được ra khỏi cung tùy ý tìm hoan lạc, lan sang các nước khác; lúc đó vua Xuất quang nước Kiều-thiểm-tỳ nghe biết tin này liền hỏi đại thần Du-kiện-na: “ta muốn đến nước đó hưởng lạc một chút”, đáp: “vua Mãnh quang đối với vua có điều không vừa ý, nếu nghe vua đến ắt sẽ làm điều bất lợi cho vua”, vua nói: “trượng phu hành sự dù tốt hay xấu đều phải cương quyết, khanh ở lại đây, chỉ một mình ta đi đến đó”, đáp: “vua đã quyết ý, thần đâu dám ngăn giữ, chỉ mong vua lên đường nên cẩn thận”. Vua Xuất quang vốn thích nữ sắc nên không nghe đại thần can ngăn, một mình đi đến nước Ôn thệ ni, đêm đó vua gặp Tinh quang. Sau khi biết rõ lai lịch Tinh quang vua nói: “này cô gái đẹp Tinh quang dòng Sát-đế-lỵ hãy đến đây cùng ta hoanlạc”, Tinh quang yêu cầu vua trải thảm, vua lại bảo Tinh quang trải, cả hai vì kiêu ngạo nên không ai chịu trải, mãi như thế cho đến sáng, Tinh quang nghe tiếng trống liền muốn trở về cung, vua bảo hãy ở lại, Tinh quang nói: “vua có lịnh nếu nghe tiếng tống mà không trở về cung thì sẽ giết chết nên tôi không dám ở lại”, nói rồi liền rút chiếc nhẫn trên tay vua mang về cung, vua Xuất quang cũng trở về nước mình. Về đến trong cung gặp vua, vua hỏi có vui vẻ không, Tinh quang liền kể lại việc trên rồi đưa chiếc nhẫn cho vua xem, vua nhìn thấy dấu trên nhẫn biết là của vua Xuất quang liền bảo Tăng dưỡng: “vua Xuất quang đem cả đại binh vào trong thành mà không ai hay biết, lại còn muốn hoan lạc cùng cung nhân của ta, làm sao lại để cho hắn thoát đi như thế”, Tăng dưỡng tâu: “đại vương, lần này là lén đến nên thần không tính trước, nếu lần sau trở lại, thần nhất định sẽ không để cho vua ấy chạy thoát”. Vua Xuất quang sau đó tuy nghe biết tin này vẫn nói với đại thần Du-kiện-na như trước, đại thần nói: “lần trước do vua lén đến, họ không hay biết nên vua mới trở về an ổn. Nay vua ấy đã phòng bị nghiêm mật, nếu vua đến nữa ắt sẽ không bình an trở về, vua không nên đi là hơn”. Tuy Du-kiện-na hết sức ngăn cản nhưng vua Xuất quang vẫn không nghe, Du-kiện-na đành phải đi theo hộ vệ, khi vào trong thành Ôn thệ ni, họ trú trong một ngôi nhà. Không ngờ Tăng dưỡng cũng biết, cho binh lính đến bao vây và ra lịnh: “trong nhà này nếu là phụ nữ thì cho ra, nếu là đàn ông thì giữ lại”, Du-kiện-na nghe biết điều này liền suy nghĩ: “thấy vua gặp nạn, ta không nên âm thầm bỏ đi, phải làm cách gì để cho vua chạy thoát”, nghĩ rồi liền bảo vua mặc y phục nô tỳ đội bình nước đi ra rồi sai người đứng ở sau cầm cây xua đi và nói rằng: “hãy mau đi lấy nước đem về cho vua tắm”, những người canh giữ cho là nô tỳ nên không ngăn lại, vua Xuất quang đi đến bờ ao vứt bình rồi chạy trốn. Sau đó Tăng dưỡng vào nhà tìm không thấy vua, chỉ thấy Du-kiện-na nên bắt dẫn đến chỗ vua tâu rằng: “vì người này nên để vua Xuất quang chạy thoát”, Du-kiện-na nói với vua Mãnh quang: “tôi nhờ vua mà nuôi sống thân mạng, nay tôi giúp vua của tôi chạy thoát là đúng đạo nghĩa. Những vị quan này hưởng bỗng lộc của đại vương mà lại để cho vua của tôi chạy thoát thì có đúng đạo lý hay không?”, vua nghe rồi liền trách Tăng dưỡng: “vua của nước địch đến đây mà các khanh lại để cho chạy thoát, có cách gì bắt được hắn thì tốt, nếu không thì các khanh phải chịu cực hình”, Tăng dưỡng nghe rồi kinh hoàng vội suy nghĩ tìm cách. Lúc đó có người thợ giỏi về máy móc từ phương Nam đến, Tăng dưỡng hỏi: “ngươi có trí lực làm được máy móc như vậy phải không?”, đáp: “tôi có học làm và mong được thành tựu”. Tăng dưỡng nghe rồi liền giấu voi Vi sơn của vua và thông báo khắp trong thành biết là voi Vi sơn đã chạy mất, không biết ở đâu; sau khi gần xa đều nghe biết tin này, Tăng dưỡng bảo người thợ: “ngươi nên theo hình dạng cũ mà làm thành con voi Vi sơn máy”, người thợ tuân lịnh làm thành voi máy. Trong con voi máy này có thể chứa được năm mươi người với nhiều phân voi và nước, Tăng dưỡng bảo người thợ: “các người điều khiển voi máy này đi gần đến nước Kiều-thiểm-tỳ rồi dừng ở đó, nếu vua kia cùng bốn binh đến xem thì cho voi chạy trở về, nếu một mình vua kia đến xem thì hãy bắt nhốt vào bên trong rồi cho voi chạy mau trở về nước”, người thợ tuân lịnh liền cho voi đi đến thành Kiều-thiểm-tỳ rồi đứng ở một chỗ cách đó không xa. Lúc đó những người chăn bò, chăn dê… thấy có voi kỳ lạ nên đến xem, có người nói voi từ núi rừng đến, có người nói là voi lớn của vua Mãnh quang chạy lạc đến. Quần thần nghe biết liền tâu vua: “do phước lực của vua nên voi lớn vi sơn của vua Mãnh quang chạy đến đây, nay đã có ngàn ức người khắp gần xa kéo đến xem”, vua nghe rồi vui mừng bảo Du-kiệnna đánh trông thông báo khắp trong thành rồi thống lĩnh bốn binh cầm nhiều lưới dây ra khỏi thành bắt voi. Quan và dân từ trong thành kéo ra như mây tụ tập ngoài đồng để xem bắt voi, lúc đó những người ở bên trong voi máy thấy quân binh của vua đến liền điều khiển cho voi chạy xa. Đại thần tâu vua: “vua vốn điều khiển voi rất thiện nghệ, làm cách nào dẫn dụ để đến gần nó?”, vua liền bảo bốn binh lui lại, một mình vua cầm đàn tỳ bà khảy lên âm thanh vi diệu đi đến gần voi. Người bên trong voi máy thấy một mình vua đến liền cho voi đứng lại, vua vừa đến gần bên voi, những người bên trong voi liền ào ra bắt vua đưa vào trong bụng voi rồi vội điều khiển voi chạy nhanh trở về nước. Thấy vua Xuất quang bị bắt, đại thần gia tăng binh lính đuổi rượt theo tới biên giới nước kia liền nói: “đã đến biên giới nước họ, không thể rượt theo được nữa, đành phải trở về suy nghĩ tìm cách cứu vua”. Lúc đó Tăng dưỡng dẫn vua Xuất quang đến gặp vua Mãnh quang, vua thấy rất vui mừng liền ra lịnh đánh trống thông báo dân trong thành tụ đến xem rồi bảo Tăng dưỡng đem vua Xuất quang ra giết. Tăng dưỡng tâu: “vua Xuất quang giỏi thuật huấn luyện voi, nếu đem giết thì thuật này bị mất. Nên cho người đến học diệu thuật này với vua ấy, học xong rồi đem giết cũng không muộn”, vua nói: “vậy khanh hãy theo học đi”, đáp: “nếu vậy thì vua ấy là thầy dạy học của thần, thần làm sao giết được, nếu giết là trái đạo lý”, vua hỏi: “vậy ai có thể theo học được”, đáp: “vương nữ Thiên thọ thông minh, siêng năng ai cũng biết, nếu bảo vương nữ theo học ắt sẽ học được diệu thuật này”. Sau đó, vua bảo vương nữ Thiên thọ: “có một người nam đủ mười tám tướng xấu nhưng hắn rát giỏi thuật huấn luyện voi, con hãy đến học diệu thuật của hắn ở sau bức màn ngăn. Sau này cha sẽ học lại nơi con, nhưng con không được nhìn mặt kẻ xấu tướng ấy, nếu ai nhìn thấy chắc chắn sẽ chết”, vương nữ vâng lời cha đến học diệu thuật điều luyện voi ở sau bức màn. Lúc đó tại nước Kiềuthiểm-tỳ, Du-kiện-na suy nghĩ: “ta phải nghe ngóng tin tức của vua, nếu còn sống thì tìm cách cứu ra, nếu đã chết thì tìm người kế vị”, nghĩ rồi liền bảo em gái tên Kim lan là người thông minh trí huệ hơn anh gấp bội: “em hãy đến trong thành Ôn thệ ni hỏi thăm tin tức của vua, nếu vua còn sống thì chúng ta tìm cách cứu ra, nếu đã chết thì tìm người kế vị”. Kim lan nghe rồi liền lặng lẽ suy tính, cô thay đổi y phục giả làm một nữ ngoại đạo với y phục dơ bẩn đi dần đến thành Ôn thệ ni. Đến nơi, cô hỏi thăm người giữ cửa thành: “vua Xuất quang còn sống không?”, người giữ cửa hỏi: “vua ấy cùng cô có oán thù gì?”, đáp: “thù giết chồng con và thu đoạt tài sản”, người giữ cửa nói: “vua ấy chưa chết, hiện đang dạy diệu thuật điều luyện voi vho vương nữ”. Kim man lần lượt đi đến bốn cửa thành hỏi và họ đều đáp giống như thế, cô tìm cách đúc lót để đến được chỗ giam vua. Sau khi nhìn ngó khắp bốn phía, cô nhỏ giọng hỏi: “đại vương vẫn còn sống phải không?”, vua kinh hoàng nhìn ngó bốn phía rồi đáp là còn sống. Cô bèn tìm cách thân cận Thiên thọ rồi hỏi: “vương nữ học thuật điều luyện voi với ai vậy?”, đáp: “tôi học với một người nam có đủ mười tám tướng xấu ở sau bức màn”, Kim man nói: “làm gì có người nam nào lại có đủ mười tám tướng xấu, người đó chính là vua Xuất quang oai nghiêm đoan chánh với đầy đủ tướng tốt, hiếm có trên đời. Nếu vương nữ không tin thì hãy giở màn lên nhìn xem”, vương nữ nghe rồi liền giở màn lên nhìn thử, vừa nhìn thấy vua liền sanh lòng yêu mến nên nói với Kim man: “đúng như lời cô nói, có cách gì làm cho vua tư thông với tôi không?”, Kim man nói: “tuy đó là viễn vông vì khó gặp được trường hợp này, nhưng nếu vương nữ đem lòng yêu mến thì thật là đúng lúc. Đây chính là vua dòng Sát-đế-lỵ quán đảnh thọ vương vị, tôi sẽ tìm cách làm cho vương nữ toại ý”. Sau khi biết được cả hai đều hợp ý, vương nữ Thiên thọ cùng vua rất yêu mến nhau, Kim man liền báo tin này cho anh biết. Du-kiện-na biết được tin này rồi liền giấu trong người năm loại anh lạc, bên ngoài mặc áo cỏ xưng là Xuân hoa, giả dạng điên cuồng đi đến thành Ôn thệ ni, nằm ngồi ngoài đường nói ra những lời điên cuồng như:

“Mùa xuân hãy dạo chơi,
Mùa xuân hãy hưởng lạc,
Ta tên là Xuân hoa,
Cùng dạo chơi thưởng ngoạn”.

Nếu có ai nhận ra, nói chính là Du-kiện-na thì ông liền ngầm đưa vàng ngọc cho họ; nếu không có ai nhận biết, nói là kẻ điên thì ông cũng không đáp lại. Khi đi đến những nơi giàu có được cho y thực, ông đều đem cho kẻ nghèo đói, dần dần lén đến chỗ giam giữ vua. Một hôm, vương nữ Thiên thọ nói với vua Xuất quang: “nếu cha thiếp biết được chắc sẽ giết chết, chúng ta nên tìm cách chạy trốn là thượng sách”, vua nói: “nếu như vậy thì nàng nên tâu với vua cha rằng: con học thuật điều luyện voi chỉ trên sách vở, chưa đích thân thực hành. Xin cha cho con voi mẹ Hiền thiện để con tùy ý cỡi, thực hành điều đã học”, vương nữ liền làm theo lời vua Xuất quang nói. Lúc đó vua Mãnh quang nghe vương nữ nói rồi liền bảo Quản tượng đưa voi mẹ Hiền thiện cho vương nữ thực tập, vương nữ lúc thì cỡi voi sáng đi trưa về, lúc thì xế đi chiều về khiến cho mọi người không để ý. Du-kiện-na sau khi bày kế chạy trốn cho vua liền gánh mang phân voi ra cửa thành, người giữ cửa hỏi thì đáp là vua bày tiệc trong vườn Hoan hỉ, người giữ cửa cho là lời điên khùng nên không để ý. Du-kiện-na đem phân này trộn với cỏ treo trên cành cây ở hai bên đường đi đến nước Kiều-thiểm-tỳ. Sau đó ông lại xách bình đựng đầy nước tiểu voi ra cửa thành, người giữ cửa hỏi thì đáp là vua bày tiệc dùng làm nước uống, người giữ cửa cũng không để ý như lần trước, ông đem treo bình nước tiểu voi này lên nhánh cây trên đường mà vua định chạy trốn. Sau đó đúng thời gian đã hẹn ước nhau, vua Xuất quang với cây đàn tỳ bà cùng Thiên thọ cỡi voi mẹ Hiền thiện đi đến chỗ đã ước hẹn với Du-kiện-na và Kim man để cùng chạy trốn.

Lúc đó vua đánh đàn, đại thần ca như sau:

“Cùng cỡi voi Hiền thiện,
Và đàn khúc Diệu âm,
Thiên thọ cùng chúng tôi,
Vẫy tay để từ giã,
Vua chính là thương chủ,
Trở về Kiều-thiểm-tỳ,
Nguyện của tôi đã mãn,
Ca hát thật vui vẻ”.

Lúc đó vua Mãnh quang không thấy vương nữ Thiên thọ vào cung liền hỏi Tăng dưỡng, Tăng dưỡng tìm kiếm mới biết là vua Xuất quang cùng Thiên thọ đã cỡi voi Hiền thiện chạy trốn, liền báo cho vua biết, vua nghe rồi liền nổi giận bảo Tăng dưỡng cỡi voi Vi sơn đuổi theo bắt lại. Tăng dưỡng vội cỡi voi lớn đuổi rượt theo, thấy voi lớn sắp đuổi kịp, Du-kiện-na liền lấy phân voi treo sẵn trên nhánh cây vất ra đất rồi chạy. Voi lớn chạy tới gặp phải vật bất tịnh nên không chịu tiến tới, voi mẹ Hiền thiện nhờ thế chạy được xa. Trải qua nhiều dặm voi lớ lại đuổi kịp, Du-kiện-na lại lấy bình nước tiểu voi treo sẵn trên cành cây vất ra đất, voi lớn chạy tới gặp phải vật bất tịnh nên không chịu tiến tới, nhờ vậy họ chạy được tới biên giới của nước mình. Tăng dưỡng đuổi theo tới biên giới liền suy nghĩ: “đã tới biên giới ta nên quay trở về, nếu không voi lớn cũng sẽ bị bắt”, nghĩ rồi liền quay về báo cho vua biết, vua nghe rồi ngồi chống cằm với dáng vẻ ưu sầu. Vua Xuất quang sau khi chạy thoát được trở về nước mình, vui mừng mở đại hội bố thí, thỉnh mời các Sa môn, Bà-la-môn… cho đến kẻ nghèo hèn xa gần tụ về chỗ vua dự hội. Một hôm cùng phu nhân Thiên thọ lên lầu, vua nói: “ta dùng thuật dối gạt mà đưa được nàng về đây”, phu nhân nói: “cha thiếp cũng dùng thuật dối gạt mới bắt giữ được vua”, vua nói: “nếu không đưa được cha nàng về thành Kiều-thiểm-tỳ này làm thợ dệt thì ta không xứng gọi là vua Xuất quang”, phu nhân nghe rồi trong lòng tức giận nhưng im lặng. Sau đó vua Xuất quang hỏi Du-kiện-na: “khanh có cách nào làm cho ta hết ưu sầu chăng?”, Du-kiện-na hỏi: “vua muốn làm gì?”, vua nói: “ta muốn dùng dây cột cổ vua Mãnh quang kéo về đây bắt làm thợ dệt”, Du-kiện-na nói: “hóa ra đem được voi Hiền thiện và Thiên thọ về đây, vua vẫn không hết ưu sầu. Để thần nghĩ cách, không biết có được không”, suy tinh xong liền báo cho vua biết là được. Sau đó ông liền thu mua hàng hóa rồi tìm một thương chủ giỏi và một mỹ nhân cho giả làm vợ thương chủ với nhiều món trang sức trang nghiêm thân, sắp xếp xong xuôi, ông cùng đoàn thương buôn lên đường đi đến nước Ôn thệ ni. Lúc đó vua Mãnh quang nghe có đoàn thương buôn lớn đến nước mình liền đích thân đến thu thuế, đến nơi, vua hỏi thương chủ ở đâu, họ chỉ chỗ, khi vua bước vào trong thì thấy vợ thương chủ xinh đẹp tuyệt trần nên sanh tâm đắm nhiễm, yêu cầu cùng giao hoan, vợ thương chủ nói: “đây là giường nệm, vua cứ tùy ý”. Khi bị ái dục trói buộc thì không có việc gì mà không dám làm, lúc đó vua liền lên giường cùng vợ thương chủ giao hoan. Trong lúc vua đang mờ mịt trong hoan lạc thì thương chủ dùng vải phủ kín rồi sai bốn người khiên cả giường đi ra khỏi thành Ôn thệ ni bằng cửa sau, đoàn tùy tùng theo sau ca rằng:

“Ở nhân gian muỗi ăn được Trăng,
Vua Tỳ sa môn bị đòi nợ,
Mặt đất, cây cối bay lên trời,
Dâm nữ bắt vua Mãnh quang đi”.

Lúc đó mọi người trong thành Ôn thệ ni không biết vua đi đâu, Tăng dưỡng kinh hãi cho người đi khắp nơi tìm kiếm. Khi đưa được vua Mãnh quang về nước Kiều-thiểm-tỳ, các quan mừng rỡ tâu vua: “đại vương, đất nước được hưng thịnh, các nguyện đều như ý”, vua Xuất quang nói: “hãy gông cùm hắn lại và bắt làm thợ dệt, không ai được báo cho Thiên thọ biết”. Sau đó, nhân lúc cùng Thiên thọ lên lầu ngắm cảnh, vua Xuất quang từ trên lầu cao thấy vua Mãnh quang từ trong nhà thợ dệt đi ra liền hỏi Thiên thọ: “nàng có nhận biết người kia không?”, vua Mãnh quang vốn có cái trán rộng, Thiên thọ nhìn kỹ liền nhận ra ngay, rơi nước mắt ướt áo suy nghĩ: “ác vương này bắt giam cha ta đến ở chỗ khổ sở như thế, nếu ta không giết được ác vương này thì ta không xứng gọi là Thiên thọ nữa. Tuy ta ra tay giết nhưng làm cho ác vương không thể biết được”. Với bản tánh thông minh, vua Xuất quang nhận biết trong lòng Thiên thọ oán hận nên bảo đại thần: “đối với vua Mãnh quang, ta đã báo oán xong, khanh hãy cho tắm rửa thân hắn sạch sẽ, cho ăn các món ăn ngon, làm cho thân trang nghiêm rồi thả về nước, đại thần làm theo lời vua bảo rồi thả cho vua Mãnh quang về nước. Lúc đó Thiên thọ suy nghĩ: “nếu ta tìm cách giết ngay, ác vương sẽ sanh nghi. Ta hãy chờ đợi một thời gian nữa”, nghĩ rồi liền gượng cười nói để xua tan nỗi ưu sầu. Thời gian sau, Thiên thọ mặc y phục dơ nằm trên giường hư cũ, vua hỏi nguyên do, đáp là vì thiên thần giận, vua hỏi: “nàng đã cầu nguyện gì mà không tạ lễ?”, đáp: “điều mà thiếp đã hứa trước đây nay không thể làm được”, vua hỏi: “nàng đã hứa điều gì?”, đáp: “trước kia khi cha thiếp giam giữ đại vương, thiếp cầu khẩn thiên thần rằng nếu thiếp cùng vua trở về nước Kiều-thiểm-tỳ được an toàn thì thiếp sẽ cùng vua nhịn ăn uống trong bảy ngày đêm, mãn bảy ngày sẽ dùng dây hoa đẹp quấn từ ngón chân lên đầu rồi kiệu lên đầu thành, lúc đó thiếp sẽ vì vua mở hội đại thí, thỉnh cúng dường một ngàn vị Sa môn, Bà-la-môn. Nay trong cung vua có nhiều cung phi, chắc là không còn ưu ái thiếp nữa, thiếp chắc sẽ chết không sai”, vua nói: “nàng đã vì ta mà cầu khẩn thiên thần, nàng không nên buồn nữa, ta sẽ làm theo điều nguyện của nàng”. Bắt đầu từ hôm đó, Thiên thọ làm phương tiện giết vua, nuôi hai con chó cột dưới chân thành, hằng ngày cho ăn thịt ngon nên chúng to lớn đến nỗi ăn một lượng thịt bằng thân người. Lúc đó Thiên thọ cùng vua nhịn ăn uống trong bảy ngày, nhưng ban đêm lại lén ăn uống no nê; vua vì quyết tâm nhịn ăn uống nên thân thể suy nhược, không thể đi đứng được. Mãn bảy ngày, Thiên thọ bảo người hết vòng hoa: “hãy dùng dây thô làm dây hoa thơm rồi mau đem đến”, lại bảo Du-kiện-na: “hôm nay đại vương đã mãn giới kỳ, khanh hãy cho trang trí hoàng thành để mở hội đại thí, cúng dường một ngàn vị Sa môn, Bàla-môn. Các khanh hãy làm cho nhanh, không để cho họ biết được việc kín trong cung”. Du-kiện-na nghe rồi liền cho người quét dọn sạch sẽ đường sá, rưới nước thơm, đốt hương thơm, rãi hoa thơm… trang hoàng đẹp đẽ như trong vườn Hoan hỉ. Lúc đó trong thành khắp nơi đều huyên náo bởi tiếng trống nhạc với các vũ công lượn múa, Thiên thọ liền đưa vua lên thành, cho vua nằm trên đất rồi dùng dây hoa quấn vua từ chân lên đầu, không một chỗ nào hở kín rồi đẩy vua xuống chân thành cho hai con chó tranh nhau ăn thịt, chừa lại xương trắng để cho diều hâu, kên kên bay đến rỉa xương. Lúc đó dân chúng trong thành thấy việc này rồi kinh hoàng lớn tiếng kêu khóc, không mấy chốc tin tức lan truyền, cả kinh thành chấn động. Các đại thần tụ họp bàn tán: “vì sao đại vương lại tự lên thành, vì sao dưới chân thành lại có chó ăn thịt vua?”, sau khi kiểm tra phát hiện ra dây hoa, họ mới biết chính là do Thiên thọ đã tính kế ác để giết vua. Họ tức giận làm nhà bằng đồng đỏ rồi nhốt Thiên thọ trong đó, dùng lửa thiêu đốt cho Thiên thọ chịu đau khổ đến chết. Thế nên biết oán thù tương báo ngày nào mới dứt.

Lúc đó các Bí-sô đều có nghi thỉnh hỏi Phật: “Thế tôn, vua Xuất quang đời trước đã tạo nghiệp gì mà nay phải chịu quả báo bị chó ăn thịt?”, Phật nói: “nghiệp mà vua Xuất quang đã tạo, nhân duyên hội họp nên phải chịu quả báo, đã tạo nghiệp rồi, theo thời gian nghiệp ấy tăng trưởng thuần thục, duyên biến hiện tiền như bộc lưu (thác nước) không thể chảy ngược lại, quyết định phải chiêu lấy quả báo không ai có thể thọ thay. Này các Bí-sô, nếu người nào đã tạo nghiệp thiện ác, không phải địa thủy hỏa phong ở ngoài giới mới khiến người đó thọ báo, mà đều ở trong uẩn xứ giới của tự thân chiêu cảm quả dị thục. Như bài kệ:

“Dù trải qua trăm kiếp,
Nghiệp đã tạo không mất,
Khi nhân duyên hội họp,
Tự thọ lấy quả báo”.

Các thầy lắng nghe:

Quá khứ trong một đô thành kia có một đại thần Bà-la-môn nuôi một bầy chó để đi săn. Vào thời đó không có Phật, chỉ có Phật Bích chi ra đời thường thương xót người nghèo khổ, thích trụ nơi yên tĩnh, là phước điền duy nhất ở thế gian. Vị Độc giác này du hành đến trong thành này, dừng ở qua đêm trong khu rừng vắng, sáng hôm sau đắp y mang bát vào thành khất thực. Đúng lúc đó Bà-la-môn dẫn bầy cho ra khỏi thành đi săn liền gặp vị Độc giác, vị Độc giác này không có lỗi lại có tương của bậc đại nhân, nhưng Bà-la-môn cho là điềm xấu nên thả chó chạy đến ăn thịt vị Độc giác.

Này các Bí-sô, đại thần Bà-la-môn thuở xưa chính là vua Xuất quang ngày nay, do thả chó đến ăn thịt bậc Thánh nhân nên trong năm trăm đời chịu quả báo thường bị chó ăn thịt. Này các Bí-sô, hễ tạo nghiệp thuần đen thì cảm quả báo dị thục thuần đen; tạo nghiệp thuần trắng thì cảm quả báo dị thục thuần trắng; tạo nghiệp xen tạp thì được quả báo xen tạp, các thầy nên bỏ nghiệp thuần đen và nghiệp xen tạp, phải siêng tu tập nghiệp trắng”.

Sau khi vua Xuất quang nước Kiều-thiểm-tỳ qua đời, vua Mãnh quang nước Ôn thệ ni không còn oán thù nên sống an lạc. Một hôm, vua ở trên lầu cao cùng các đại thần nói chuyện phi pháp, vua hỏi: “trong thành ấp nào có dâm nữ đẹp?”, có người nói: “trong thành Đắc xoa thi la của vua Viên thắng cai trị có một kỹ nữ, dung nhan thù diệu, giỏi sáu mươi bốn kỹ năng, nam tử trong thế gian này gặp nàng rồi không ai là không say đắm”, vua nghe rồi sanh tâm yêu thích muốn gặp, liền nói với Tăng dưỡng: “cho dù phải đi đến nơi xa để tìm gặp một cô gái như thế là khó, ta cũng muốn đến đó gặp”, Tăng dưỡng nói: “vua Viên thắng từ lâu đã có oán thù với vua, nếu vua một mình đi đến Đác xoa thi la, vua đó biết được thì không tốt”, vua nói: “ta đã quyết ý, khanh hãy ở lại đây còn ta đi một mình”, Tăng dưỡng nói: “vua đã quyết ý thì tùy ý ra đi nhưng phải cẩn thận”. Vua cỡi voi Vi sơn đến thành kia rồi để voi ở trong núi Thạch chử, một mình vào thành để đến gặp dâm nữ kia và trao cho dâm nữ chiếc vòng ngọc trị giá ngàn vạn để được cùng giao hoan. Lúc đó trong nước Ôn thệ ni, các đại thần Bà-la-môn ngạc nhiên vì không thấy vua, không biết vua đi đâu nên nói với nhau: “vua không phải người tầm thường, nếu đi ắt có người biết”, một người nói: “vua đã có đủ nội cung, còn đi đâu nữa”, một người nói: “chúng ta nên đến hỏi Tăng dưỡng”, nói rồi cùng đến gặp và hỏi vua hiện đang ở đâu, Tăng dưỡng nói: “các vị vội gì mà muốn gặp vua, xin hãy chờ, không bao lâu sẽ gặp”, lại hỏi bao giờ, đáp là hai năm, mọi người tức giận nói: “ông đã giết vua để tự lập nên nói ra lời bất nghĩa như thế, nếu nội trong bảy ngày, gặp được vua thì tốt, nếu không gặp thì chúng tôi sẽ lập vua khác và giết chết ông”, Tăng dưỡng nghe rồi trong lòng ưu sầu. Lúc đó phu nhân An lạc thấy Tăng dưỡng ưu sầu nên hỏi nguyên do, Tăng dưỡng kể lại việc trên, phu nhân nghe rồi liền nói: “khanh hãy dùng mật hòa với Tô rồi trộn vào trong cám gạo, đựng trong mâm vàng mang đến trong chuồng ngựa quỳ nói rằng: ai có thể nội trong ngày nay đi đến nước Đắc xoa thi la thì hãy ăn cám gạo trộn bơ và mật trong mâm vàng này”, Tăng dưỡng làm theo lời, sau khi nói lời trên thì không thấy có con ngựa nào đến ăn cả. Lúc đó có một con ngựa già yếu, đứng một bên rũ tai, ông liền bưng mâm vàng đến trước ngựa này nói như trước, ngựa này nghe xong liền đến bên mâm ăn hết, ông vội đi báo cho phu nhân biết. Phu nhân nói: “hãy đi gắn yên cương, nếu thấy có hiện tượng lạ thì khanh không nên sợ. Hãy đối trước nó biểu lộ dũng khí oai hùng, người có dũng khí thì vật không xem thường”, Tăng dưỡng nghe theo lời đến chỗ con ngựa kia, vừa đặt yên cương lên lưng thì con ngựa bỗng biến đổi hình dạng lớn lên, nói với Tăng dưỡng: “này trượng phu, ông có từng thấy con ngựa như thế này chưa?”, Tăng dưỡng rút dao ra nói: “này Trí mã Dược xoa, ngươi có từng thấy kỵ mã như thế này chưa?”, đáp là chưa thấy, Tăng dưỡng nói: “này Trí mã Dược xoa, nếu biến đổi lại hình dạng cũ và chạy đi thì tốt, nếu không thì ta sẽ chặt rơi đầu”, ngựa nói: “trượng phu hãy giao ước là sẽ không đưa tôi trở lại nơi này thì tôi sẽ chạy đi”, Tăng dưỡng nói: “nếu đồng ý cùng đi thì ta hứa sẽ không phụ lòng ngươi”, ngựa bằng lòng cùng đi, Tăng dưỡng liền lên ngựa đi đến thành Đắc xoa thi la.