CĂN BẢN THUYẾT NHẤT THIẾT HỮU BỘ TỲ NẠI DA TẠP SỰ

Hán dịch: Tam tạng Pháp sư Nghĩa Tịnh đời Đường – TQ
Việt dịch: Ban phiên dịch chùa Pháp Bảo, HT Thích Tịnh Hạnh giám tu – năm 2005
Hiệu đính và nhuận văn: NS Thích nữ Như Lộc tại chùa Phổ Minh – năm 2009

 

QUYỂN 22

Nhiếp tụng nội dung:

Trên lầu, gặp Tăng trưởng,
Dâm nữ, đêm xem sao,
Do làm tiếng ngựa hí,
Thương nhân, ôm xương khô.

Trong thành Ôn thệ ni, nơi vua Mãnh quang cai trị, có một trưởng giả cưới vợ chưa bao lâu liền để vợ ở nhà, sang xứ khác kinh doanh mua bán. Người chồng đi rồi, người vợ ở nhà tự do ăn mặc, do tâm dục hừng thạnh nên hằng ngày lên lầu nhìn ngắm nam tử. Một hôm người nữ này nhìn thấy vua Mãnh quang cỡi voi lớn đi ngang, khởi dục tâm nên ném vòng hoa xuống rơi trúng trên vai của vua. Vua nhìn lên thấy người nữ này dung mạo tuyệt trần, biết nàng ta có ý dục liền nói: “nếu nàng có ý yêu vì sao không xuống đây”, đáp: “thiếp là phụ nữ không được vô cớ ra ngoài, nếu vua nghĩ đến thì thật hân hạnh cho thiếp”, vua bị mê hoặc nên xuống voi đi vào nhà cùng người nữ trên lầu hoan lạc, kết quả nàng ta có thai. Người nữ trí huệ biết được năm điều: một là biết người nam có tâm dục hay không, hai là biết thời tiết, ba là biết thời gian thọ thai và là thai của ai, bốn và năm là biết thai nhi là nam hay nữ. Lúc đó người nữ này tâu vua: “đại vương biết không, thiếp đã có thai”, vua trao cho nàng chiếc vòng anh lạc quý rồi nói: “nếu nàng sanh con gái thì tùy tình thọ dụng, nếu là sanh trai thì gởi chiếc vòng này đến cho ta”, nói rồi vua từ giã. Thời gian sau bầu thai lộ rõ ra, lúc đó người chồng cũ lại đưa thư về báo: “nàng hãy sống an vui, không bao lâu nữa ta sẽ trở về”, người nữ này đọc thư xong rất lo âu liền sai người đưa tin báo cho vua biết, vua cũng đưa tin nói rằng: “nàng chớ lo lắng, ta có cách làm cho chồng nàng không trở về”, vua lại đưa tin bảo người chồng rằng: “ta đang cần vật như vậy, khanh hãy đến xứ xa ấy tìm cho được rồi mang về đây”, người chồng tuân lịnh vua lặn lội đến xứ xa tìm kiếm nên phải mất nhiều năm. Người vợ kia ở nhà đủ ngày tháng sanh ra một bé trai, dung mạo đoan nghiêm hiếm có trong đời; trời sắp sáng, nàng mớm mật ngon vào đầy miệng của đứa bé rồi đặt nó vào trong chiếc rương có lót lụa mềm, dùng tấm nỉ trắng đắp lên mình nó, bên trên để chiếc vòng anh lạc của vua ban rồi đóng rương lại, cột lại bằng dây đỏ rồi bảo tỳ nữ mang chiếc rương này đến trước cửa cung vua, lau sạch một hộp đàn hương để cây đèn đốt sáng rồi đứng một bên, chờ khi có người nào đi đến mới trở về. Người nữ tỳ vâng làm theo lời chủ dặn, lúc đó có bầy bò đi trên đường, khi đến chỗ chiếc rương thì vây quanh không đi nữa. Vua Mãnh quang cùng phu nhân An lạc đứng trên lầu cao thấy bầy bò đứng vây quanh không đi, ngạc nhiên sai người ra xem thử, người hầu ra xem rồi trở vào tâu lại, vua liền bảo mang chiếc rương vào cho vua xem, phu nhân tâu vua: “xin vua ban cho thiếp vật trong rương”, vua nói tùy ý. Người hầu mang rương vào, khi mở rương ra thấy chiếc vòng anh lạc và đứa bé; vua nhìn chiếc vòng anh lạc biết đứa bé này là con của mình liền trao đứa bé cho phu nhân nói rằng: “đấy là con của nàng”. Phu nhân nhận lấy rồi chú nguyện cho đứa bé được trường thọ và hỏi vua nên đặt tên cho đứa bé là gì, vua nói: “đứa bé có phúc được bầy bò hộ vệ nên đặt tên là Ngưu hộ, lại do phu nhân An lạc đích thân nuôi dưỡng nên đổi hiệu mẹ là Ngưu hộ mẫu”.

Lúc đó ở phương Bắc tại nước Đắc xoa thi ca có vua Viên thắng trị nước được phồn vinh, dân chúng được an cư lạc nghiệp…, trong các vườn cây thường có hoa trái, mưa gió thuận hòa nên khất thực dễ được. Một hôm, vua cùng các quan ở trên lầu cao yến ẩm vui vẻ, vua hỏi: “có nước nào phồn thịnh như nước của ta không?”, đại thần tâu: “có nước Ôn thệ ni, vua hiệu là Mãnh quang trị nước cũng được phồn vinh không khác nước ta, hiện có các thương nhân của nước đó đến nước ta muaa bán”, vua liền cho gọi các thương nhân đó đến hỏi. Khi biết được nước kia cũng phồn thịnh như nước mình, vua sanh tâm đố kị liền ra lịnh tập họp bốn binh để sang chinh phạt nước đó, đến nơi vua ra lịnh chém giết vô độ, phi lý tàn hại khiến bá tánh điêu linh. Vua Mãnh quang đem binh ra chống cự nhưng không địch nổi, quân binh tan rã, vua đơn thân độc mã bỏ chạy. Khi chạy đến bên ngoài đồng hoang, vua gặp một nông phu tên là Tăng trưởng đang tự cày ruộng. Vua thấy dung mạo khác với người thường nên hỏi: “ông là người dõng mãnh, có nghe biết việc vua Viên thắng cùng vua Mãnh quang đánh nhau và vua Mãnh quang đại bại hay không?”, đáp: “tôi có nghe nhưng không biết rõ thật hư”, vua nói: “việc đó là thật”, nông phu này không biết người này là vua Mãnh quang nên nói: “vua kia là khách, vua Mãnh quang ở trong nước mình bị vua kia đến xâm lấn phải bỏ chạy, vậy thì mưu thần tướng mạnh dùng vào việc gì. Nếu trước đó vua dùng tôi làm người phò tá thì tôi đã dùng dây cột cổ vua Viên thắng lôi vào trong thành rồi”. Nói chuyện chưa xong thì người vợ đưa thức ăn đến, vật đựng được kết bằng lá, người chồng rửa tay muốn ăn, nhìn sang vua thấy bộ dạng có vẻ đói nên nói: “tôi là kẻ nghèo hèn, chỉ có thức ăn thô dỡ này, nếu không chê thì hãy cùng ăn”, vua suy nghĩ: “nếu ta không ăn thì sẽ chết đói”, nghĩ rồi liền xuống ngựa lấy vật lót ngồi, rửa tay rồi cùng ngồi ăn. Lúc đó người vợ rót rượu trong chén mẻ cho uống, vua suy nghĩ: “tuy biết chén mẻ nhưng ta sẽ chỗ không bị mẻ”, vua vốn có trí sách lược biết tùy thời ứng xử nên nghĩ lại: “nếu ta uống chỗ không bị mẻ thì người kia sẽ cho là ta khinh khi họ, ta nên uống chỗ bị mẻ để họ có cảm tình sâu đậm với ta”. Lúc đó nông phu uống ngay chỗ bị mẻ để tránh độc rồi rót rượu vào chén đưa cho vua, vua nhận lấy rồi uống ngay chỗ bị mẻ, nông phu thấy rồi liền suy nghĩ: “người này là bậc trượng phu, ý không phân biệt mới cùng uống chung chén rượu với ta ở chỗ bị mẻ, ta nên kính trọng và kết giao hảo”, nghĩ rồi liền nói với vợ: “bậc đại trượng phu này là người bạn thân thiện đắc ý của ta, nàng hãy đưa vị này về nàh mình, đưa dầu thoa thân và nước nóng để tắm rồi dọn thức ăn cho ăn; cũng lo cỏ nước đầy đủ cho con ngựa”, người vợ làm y theo lời người chồng dặn cung cấp cho vua đầy đủ.

Lúc đó có một nước nhỏ tên là Kiệt sa lén đến cướp phá, lấy cá của dân ở trong nước của vua Viên thắng, đại thần đưa tin tâu rõ mọi việc để vua khéo xử trí, cuối thư có viết kệ:

Vua đang ở nước khác,
Khổ nhọc chinh phục người,
Ngay tại đất nước mình,
Cũng phải cần bảo vệ.

Vua Viên thắng đọc thư xong suy nghĩ: “nếu ta dẫn binh trở về, mọi người sẽ cho là ta bị thua nên trở về, vậy ta nên kết giao hảo với vua nước này rồi hãy rút binh trở về”, nghĩ rồi liền đưa tin đến nói với vua Mãnh quang: “việc đã qua không nên nhắc lại, vua hãy tạm ra ngoài cùng tôi gặp mặt, việc thắng bại không luận tới nữa, từ nay hai nước kết giao hảo, không chống đối nhau, đồng hòa bình như xưa, tôi sẽ rút binh trở về nước mình”. Các đại thần xem thư xong cùng luận bàn: “nếu chúng ta nói là không có vua thì vua kia tất sẽ khinh thường, chúng ta hãy phương tiện ứng phó”, bàn xong liền đưa tin nói rằng: “đại vương, tôi xem thư xong tuy biết sự việc thật như vậy nhưng vẫn còn do dự, nếu hai bên gặp mặt nhau ắt có hồ nghi nên không thể cùng tiếp kiến. Tôi cho con ruột của tôi là Thái tử Ngưu hộ ra gặp đại vương, nếu vua hoan hỉ thì tùy ý đi hay ở lại”, Ngưu hộ liền ra thành gặp vua Viên thắng kết giao hảo, hai bên hoan hỉ, vua Viên thắng rút binh trở về nước. Lúc đó quần thần nói với nhau: “việc oán địch nay như mưa đã tạnh, chúng ta hãy mau tìm kiếm quốc vương”, nói rồi liền cho sứ giả đi khắp bốn phương tìm kiếm vua Mãnh quang. Lúc đó vua Mãnh quang nghe tin vua Viên thắng đã rút binh về nước liền nói với nông phu: “nay tôi đã hết sợ, xin từ giã trở về, nếu bạn có vào thành thì hãy ghé đến nhà tôi”, nông phu nói: “bậc đại trương phu tên gì, nhà ở đâu tôi còn chưa biết thì làm sao hỏi thăm để đến nhà?”, vua nói: “trong thành ai lại không biết nhà tôi, khi bạn vào thành cứ hỏi nhà người có nhiều ngựa ở đâu, thì sẽ có người dẫn tới”, nói xong vua lên ngựa trở về. Khi đến cửa thành, vua bảo người giữ cửa thành rằng: “các ngươi nên biết, nếu có người nào hỏi thăm nhà người có nhiều ngựa ở đâu thì hãy dẫn đến gặp ta”, nói rồi vua trở vào cung. Thời gian sau, nước Ôn thệ ni có lễ hội lớn nên dân chúng gần xa đều tụ tập về thành, vợ nông phu nói với chồng: “hôm nay trong thành có lễ hội lớn, chúng ta đến dự hội, nhân dịp đó hỏi thăm nhà của người có nhiều ngựa”, nông phu nói: “lời của những kẻ hào sĩ lẽ nào lại thật, có thể gặp được họ trong ba trường hợp: một là bị người khác đánh phá, hai là bị người khác khinh khi, ba là bậc quốc chủ tan nhà mất nước. Ngoài ba trường hợp này ra không làm sao gặp được họ”, người vợ nói: “tuy biết khó gặp nhưng vẫn nên hỏi thử”, nói rồi hai vợ chồng cùng vào thành và hỏi thử người giữ cửa thành nhà của người có nhiều ngựa ở đâu, người giữ cửa thành theo như lời vua đã dặn liền dẫn hai người đến chỗ vua. Vua từ xa trông thấy vừa kinh ngạc vừa vui mừng chào hỏi thiện lai, lúc đó nông phu Tăng trưởng thấy vua ngồi trên tòa sư tử với các quan vây quanh, vì chưa nhận biết vua nên trong lòng thầm nghĩ không biết phạm tội gì mà bị bắt đến đây. Vua biết họ nghi sợ, muốn làm cho họ nhớ lại nên bước xuống tòa, giở thiên quan xuống để lộ cái trán rộng ra. Tăng trưởng vừa thấy liền nhớ biết vua chính là người đã gặp trước kia, hai vợ chộng vội quỳ xuống trước vua, vua với nghi thức long trọng đưa họ vào trong hậu cung tắm rửa bằng nước thơm và cho mặc y phục đẹp, ở trong nhà khách thọ trăm món thức ăn thượng diệu và cho họ nghỉ ngơi trong cung, trên giường nệm với màn trướng thơm ngát. Vua bảo hậu cung: “đây là cha mẹ ta, thức ăn y phục, đồ nằm và người hầu, nếu họ cần gì đều phải cung cấp đầy đủ”, thấy vua kính trọng họ nên từ vương tử, đại thần cho đến thứ dân cũng đều kính trong họ. Tăng trưởng thấy mình được kính trọng như vậy cũng cảm thấy ngượng ngùng nên sau bảy ngày đến gặp vua xin từ giã, vua nói: “khanh hãy ở lại cùng ta trị nước”, đáp: “tôi là nông phu làm sao biết được việc nước”, vua nói: “chẳng phải trước kia khanh có nói rằng nếu được vua trọng dụng thì sẽ dùng dây trói cổ vua Viên thắng lôi vào trong thành hay sao. Sao bây giờ lại nói là không biết được việc nước, hãy tạm ở lại chớ nghĩ đến việc trở về nhà”, Tăng trưởng im lặng. Sau đó vua cố lập chức đại tướng và phong làm tễ phụ nhưng cung cấp thức ăn còn sơ sài, thời gian sau hỏi thăm sống có tốt không, đáp: “ăn sáng chưa no làm sao sống tốt được”, vua nghe rồi liền bảo đại thần cung cấp đầy đủ cho Tăng trưởng về thức ăn áo mặc, do đây được có tên là Tăng dưỡng. Thời gian sau, vua lại hỏi thăm có sống tốt không, đáp: “tuy ăn mặc đầy đủ nhưng bị các quan đại thần khinh khi làm sao sống tốt được”, vua nói: “khi nào các quan đang bàn luận, khanh hãy đến trong đó thì họ sẽ không dám coi thường”, đáp: “tôi là nông phu làm sao dám đến chỗ các bậc quyền quý trong triều đang bàn luận”, vua nói: “khanh cứ đến dự, ta sẽ làm cho họ quý trọng khanh”, sau đó khi triêu đình hội họp, vua muốn các đại thần quý trọng Tăng dưỡng nên phương tiện hỏi: “hiện nay trong nước có các việc bất an như vậy, các khanh làm thế nào để chấm dứt?”, khi các quan lần lượt trình bày ý kiến của mình, vua đều nói không được nhưng khi hỏi ý kiến của Tăng dưỡng, nghe Tăng dưỡng trình bàt vua liền chấp nhận cho là đúng lý; các quan thấy việc này rồi đều suy nghĩ: “lời Tăng dưỡng nói vua đều tin dùng, vậy không nên coi thường người này”. Thời gian sau, vua lại hỏi thăm sống có tốt không, đáp: “chỗ ở chưa rộng làm sao sống tốt được”, vua liền bảo đại thần cung cấp nhà rộng cho Tăng dưỡng, đáp: “có đại thần — vừa qua đời, thê thiếp hiện còn đang ở trong nhà”, vua nói: “hãy ban nhà này cùng thê thiếp và các tài vật cho Tăng dưỡng”. Thời gian sau, vua lại hỏi tham sống có tốt không, đáp: “những người trong nhà cho tôi là nông phu nên đều khinh mạn”, vua nói: “nếu như vậy khi khanh đang tắm, ta sai sứ đến gọi, khanh nói là đợi ta tắm xong sẽ đến gặp vua”, đáp: “làm sao tôi dám trái lại lịnh của đại vương”, vua nói: “việc này do ta sắp đặt, khanh không có lỗi; lại nữa, khi khanh đang ăn, ta sai sứ đến gọi, khanh nói là đợi ta ăn xong sẽ đến gặp vua; hoặc là ta sẽ đến nhà cùng ăn chung mâm với khanh”, đáp: “tôi làm sao dám ăn chung với đại vương”, vua nói: “ta cho phép, khanh không có lỗi”. Sau đó khi Tăng dưỡng đang tắm, vua sai sứ đến gọi, Tăng dưỡng nói đợi tôi tắm xong sẽ đến, sứ ra về, người trong nhà nghe rồi liền nói với nhau: “chủ nhà này dám trái lịnh vua, ai khinh mạn ắt rước lấy họa; nhưng vốn không phải là người sang trọng, khi được chút thế lực liền sanh cao ngạo. Người trèo cao ắt sẽ té nặng, hôm nay người này chắc sẽ bị vua giết, việc này sẽ thấy ngay thôi”. Sau đó khi Tăng dưỡng đang ăn, vua sai sứ đến gọi, Tăng dưỡng nói đợi tôi ăn xong sẽ đến, sứ ra về, vua nghe sứ báo rồi liền cỡi voi đến nhà, Tăng dưỡng mời vua dùng. Người trong nhà thấy vua không nổi giận, cùng chủ nhà nói chuyện bình thường nên ngạc nhiên trương mắt ra nhìn; khi thấy vua rửa tay ngồi vào bàn ăn chung với chủ nhà, người trong nhà đều sợ hãi nói với nhau: “vua cùng ăn chung với người nông phu này, từ nay về sau, chúng ta chớ có khinh thường, nếu không ắt bị tai họa”. Thời gian sau, vua lại hỏi thăm sống có tốt không, đáp: “có một đại thần là thân tộc của vua thường khinh mắng tôi, làm sao sống tốt được”, vua nói: “nếu ta nói ra thì có trở ngại, khi cần xử sự, khanh tự biết tiến thối”, đáp: “xin vua đừng trách hành động của tôi”, vua nói sẽ không trách. Sau đó, khi Tăng dưỡng đang đi trên đường thấy hai đồng tử nghèo, không thân thuộc đang cầm ná và đạn đứng chơi bên đường. Lúc đó có một nô tỳ đội một vò nước đi ngang qua, một đồng tử nói: “tôi sẽ dùng đạn khô bắn lủng vò nước”, đồng tử kia nói: “dùng đạn khô bắn lủng thì không có gì là lạ, tôi sẽ dùng đạn ướt bắn lấp lổ thủng đó mới thật là việc lạ”, nói xong một người dùng đạn khô bắn lủng vò nước, một người dùng đạn ướt lấp lại lỗ thủng. Tăng dưỡng thấy rồi liền suy nghĩ: “hai đồng tử này có thể giúp ta hàng phục vị vương thân kia, đồng thời trừ được nỗi oán hận bị khinh mắng”, nghĩ rồi liền hỏi hai đồng tử là con nhà ai, đáp: “chúng cháu không thân thích, tự kiếm sống qua ngày”, Tăng dưỡng nói: “nếu vậy hãy về sống với ta”. Sau khi về sống với Tăng dưỡng, chúng hỏi: “chúng cháu nên làm việc gì?”, đáp: “hai cháu chỉ cần tập bắn đạn, sau này khi thấy có ai cạnh tranh với ta thì cháu nên bắn viên đạn bùn, bất tịnh vào miệng người đó là được”. Sau đó khi Tăng dưỡng đang cùng vị vương thân kia tranh cãi, đồng tử này từ xa bắn đạn bùn bẩn vào miệng của người ấy, người ấy mửa ra rồi ôm miệng bỏ chạy, từ đó về sau không còn đến khinh mắng nữa. Thời gian sau, vua lại thăm hỏi sống có tốt không, đáp: “nội cung của vua cho tôi là nông phu nên đều khinh thường”, vua nói: “nếu vậy khi ta ở trong cung, khanh ở ngoài cửa hỏi vua đang ở đâu, nếu nói là ở trong cung, khanh nên nói là việc nước ngổn ngang, nếu ở mãi trong hậu cung thì làm sao giải quyết được. Lại nữa khi ta ở trong cung thì khanh lên giường bên cung điện của ta nằm duỗi chân ngủ, ta sẽ ra đỡ chân khanh lên”, đáp: “đại vương, chẳng lẽ tôi có hai đầu hay sao mà khiến vua đỡ chân. Vua tôi có sai biệt, cao thấp khác nhau đâu thể làm trái ngược”, vua nói: “đó là sự yêu mến của ta, khanh có lỗi gì”. Sau đó Tăng dưỡng làm y theo lời vua đã dặn, khi thấy vua đỡ chân của Tăng dưỡng, nội cung đều không nhịn nổi muốn tới làm nhục Tăng dưỡng, vua nói: “các khanh chớ hành động, đây là sự yêu mến của ta, người này có lỗi gì”, họ nghe rồi liền nói với nhau: “người này được vua yêu mến, nếu chúng ta còn khinh mạn, vua ắt sẽ trị tội chúng ta”, thời gian sau vua hỏi thăm sống có tốt không, đáp là tốt.

Vua Mãnh quang tánh ưa nữ sắc, một hôm cùng các thiếu niên lên lầu cao luận bàn thế sự liền hỏi: “các người có biết ở đô thành nào có gái đẹp không?”, một người nói là ở thành Khúc nữ, một người nói là ở thành Xuất xà cái, một người nói: “các thành ở nước khác chưa đáng kể, trong thành này có một dâm nữ tên là Thiện hiền, nhan sắc tuyệt trần hiếm có trong đời như thiên nữ trên cung trời Đế thích, như mặt trăng che hết muôn sao”, vua nghe rồi vui mừng, ý muốn được gặp nên ngay trong đêm ấy cởi bỏ ngự bào, mặc y phục thường dân mang theo năm trăm tiền vàng đến nhà dâm nữ. Thiện hiền thấy vui mừng chào đón rồi bảo nữ tỳ phục vụ cho vị trượng phu này tắm, nữ tỳ tuân lời tắm rửa cho vua; lúc đó bỗng có người đem đến năm trăm tiền vàng, muốn cùng qua đêm. Dâm nữ này có quy tắc là nếu có người đến sau thì giết người đến trước để cùng người đến sau hoan lạc, nữ tỳ thấy vua dung mạo đoan chánh không giống như người thường nên rơi lệ suy nghĩ: “phải chăng người này là thuộc dòng Sát-đế-lỵ, vì dung mạo rất đoan chánh hiếm có trên đời. Vì sao dâm nữ lại ác tâm phi lý giết chết”. Lúc đó nước mắt rơi trên người vua, vua ngước lên hỏi vì sao, đáp là không có gì cả, vua nghi ngờ nên gạn hỏi, nữ tỳ này liền nói rõ nguyên do, vua hỏi: “nay ta đã thất thế, có cách gì chạy thoát khỏi nơi đây không?”, đáp: “bốn phía nhà đều có người cầm dao phòng vệ, không thể chạy thoát được; tuy có chỗ ra nhưng rất dơ bẩn”, vua nói: “bất luận dơ bẩn như thế nào, hãy chỉ cho ta, ta cần phải sống”, đáp: “nơi đó là ống cống của nhà xí được đóng bằng cọc sắt, nếu nhổ ra được thì đó là đường thoát”, vua nói: “hãy chỉ chỗ, ta sẽ nhổ thử xem”, nữ tỳ liền chỉ chỗ. Lúc đó vua đưa người xuống ống cống để nhổ cọc sắt, tuy ráng hết sức vẫn không thể nhổ được; bên ngoài tường cách chỗ ấy không xa có một Bà-la-môn giỏi xem thiên văn, ban đêm ra ngoài ngước nhìn sao, người vợ bưng nước theo sau.
Bà-la-môn nói: “ta xem sao thấy vua đang gặp nạn khổ lớn”, người vợ nói: “việc cơ mật quốc gia đâu nên nói ra, nếu người khác nghe được ắt sẽ bị hình phạt”, Bà-la-môn nói: “ta được che chở, trên hết là nhờ vua, vua nay gặp nạn ta làm sao an ổn”, nói rồi liền quỳ xuống giữa sân hướng về ngôi sao tai ách cầu nguyện. Trong ống cống vua nghe được lời cầu nguyện đó nên tận lực nhổ được cọc sắt, liền theo hướng đó thoát ra ngoài, mình dính dầy chất bất tịnh, vua vừa thoát ra ngoài thì sao tai ách cũng biến đổi; Bà-la-môn thấy sao biến đổi liền nói với vợ: “vua tuy mắc nạn nhưng nay đã được thoát rồi, tánh mạng vẫn còn, thật là may mắn”. Lúc đó vua vội chạy lén vào trong thành đến chỗ phu nhân An lạc, phu nhân vừa nhìn thấy liền nói: “đại vương vì sao lại ra nông nỗi như thế này”, vua kể lại việc trên. Phu nhân nghe rồi rơi lệ, dùng lược tre chãi sạch chất bất tịnh rồi dùng đất thơm tẩy sạch, sau đó dùng các loại hương bột và nước thơm tắm cho vua, thoa dầu thơm rồi đưa y phục thượng diệu cho vua mặc. Sáng hôm sau vua thượng triều bảo đại thần: “hãy gọi tất cả các tướng sư biết xem thiên văn đến đây”, đại thần liền cho gọi đến, vua hỏi: “đêm qua có thấy việc gì lạ đối với ta hay không?”, đáp là không có thấy gì lạ, vua liền bảo đại thần: “hãy đến chỗ — cho gọi Bà-la-môn giỏi xem thiên văn đến đây”, sứ giả liền đến gọi, Bà-la-môn mặc áo định đi, người vợ nói: “ta đã nói việc cơ mật quốc gia đâu cần nói ra, ông không chịu nghe nên nay bị gọi đến hỏi”, Bà-la-môn liền quan sát ánh mặt trời buổi sáng, biết là không có việc xấu nên nói với vợ: “bà không nên sợ, đây là điềm tốt lành”. Vua từ xa trông thấy liền chào hỏi và gọi đến gần vua, Bà-la-môn chúc vua được trường thọ, vua mời ngồi rồi hỏi: “ông biết xem thiên văn phải không?”, đáp là biết chút ít, lại hỏi: “đêm qua ông thấy có việc gì đối với ta?”, đáp: “thần thấy vua gặp nạn khổ, may nhờ phước lực của vua nên vẫn được toàn mạng sống”, vua nghe rồi liền bảo các quan: “đúng như lời đại sư đã nói, đêm qua mạng ta gặp nguy, các tướng sư kia không thông thiên văn, từ nay về sau tước bỏ bổng lộc. Hãy bắt dâm nữ Thiện hiền đem cột tóc dưới chân ngựa cho nó đạp chết, nhà nó đang ở cho lừa đến cày xới lên, người nữ tỳ ở trong nhà đó tắm cho ta đưa vào trong hậu cung”, đại thần làm theo lịnh vua ban ra. Lúc đó vua bảo Bà-la-môn: “khanh đã cầu nguyện cho ta nên ta còn sống, nay muốn báo ân, vậy khanh muốn gì?”, Bà-la-môn đáp: “xin cho thần hỏi lại người trong nhà rồi sẽ đến tâu vua”, vua nói tùy ý. Bà-la-môn trở về hỏi người trong nhà: “vua ban cho ta điều nguyện, vậy các người muốn gì?”, người vợ hỏi: “vậy ông muốn gì?”, đáp là muốn được phong ấp bằng năm tụ lạc lớn; người vợ nói muốn được một trăm con bò mẹ để lấy sữa; con trai nói muốn được xe ngựa báu để cỡi đi; con gái nói muốn được đồ trang sức bằng chuỗi anh lạc thượng diệu, người hầu nói muốn được cục đá nghiền hương dùng để làm thức ăn. Bà-la-môn nghe rồi liền suy nghĩ: “muốn nhiều điều như vậy thì không nên nói thẳng ra, ta nên làm bài kệ”, sau đó đến chỗ vua tâu rằng: “những điều mà người trong nhà của thần mong muốn, xin vua tha tội thần mới dám nói”, nói rồi liền trình lên vua bài kệ:

“Thần muốn năm ấp phong,
Vợ xin trăm con bò,
Trai muốn xe ngựa báu,
Gái thích chuỗi anh lạc,
Người giúp việc trong nhà,
Cần đá để nghiền hương,
Những mong cầu như thế,
Xin vua thương ban cho”.

Vua liền nói kệ đáp:

“Cho ông năm ấp phong,
Một trăm bò cho vợ,
Xe ngựa báu cho trai,
Chuỗi anh lạc cho gái,
Người giúp việc trong nhà,
Cho đá quý nghiền hương.
Những mong cầu như vậy,
Ta đều cho mãn nguyện”.

Sau khi ban cho tất cả theo yêu cầu, vua bảo Bà-la-môn: “khanh hãy ở lại giúp ta trị nước, cùng luận bàn chính sự”, đáp: “thần là Bà-lamôn vốn không nên biết việc nước”, vua vẫn cố nài ép đưa Bà-la-môn lên làm đại thần.

Lúc đó có nước lân cận tên Kiệt sa phản nghịch, vua sai Tăng dưỡng đem binh đánh dẹp; Tăng dưỡng dẹp xong phản nghịch, thu được nhiều tài vật, đóng binh ở bên ngoài. Vua nghe họ sắp vào thành nên đích thân ra thành đón, thấy một thiếu nữ của nước Kiệt sa trên thân có nhiều ghẻ lở liền hỏi Tăng dưỡng: “có trượng phu nào lại ngủ với cô gái này hay không?”, đáp: “không những đồng chăn gối mà còn có thể cỡi trên lưng chồng bắt làm tiếng ngựa hí”, vua nói: “há có việc như thế hay sao?”, đáp: “vua sẽ tự nghiệm biết”. Lúc đó Tăng dưỡng đưa cô gái này đến chỗ thầy thuốc bảo rằng: “thầy hãy khéo chữa trị cho cô gái này, tốn bao nhiêu ta cũng không tiếc”, thầy thuốc theo như lời dặn trị lành bịnh cho cô gái, Tăng dưỡng lại cung cấp đầy đủ y thực nên không bao lâu sau cô gái xinh đẹp hơn trước bội phần. Tăng dưỡng đưa về nhận làm con gái đặt tên là Tinh quang, sau đó nói với Tinh quang: “khi ta thỉnh vua về nhà thọ thực, con hãy trang điểm cho thật đẹp với các chuỗi anh lạc nghiêm thân rối xuất hiện trước vua”. Váo thời khác, Tăng dưỡng thỉnh vua ngày mai đến nhà thọ thực, vua nói lành thay, Tăng dưỡng liền trở về cho lo liệu đủ các món ăn thịnh soạn, khi vua đến tắm cho vua bằng nước thơm và dâng cho vua y phục vô giá. Ăn sắp xong, còn đang nói chuyện thì Tinh quang từ trong màn ném trái cầu nhỏ ra, kế vén màn nói với Tăng dưỡng: “cha đưa trái cầu cho con”. Vua nhìn thấy Tinh quang nhan sắc tuyệt đẹp liền sanh tâm luyến ái, hỏi Tăng dưỡng: “người này là gì của khanh?”, đáp là con gái, vua hỏi đã gả chưa, đáp là chưa, vua nói: “sao khanh không dâng cho ta”, đáp: “nếu vua không chê thì tùy ý dẫn đi”, vua liền dùng nghi lễ đón Tinh quang vào cung. Thường tình là được mới nới cũ, từ khi có Tinh quang vua say mê nên không đến các cung khác nữa, cũng bỏ bê các việc khác. Lúc đó Tăng dưỡng suy nghĩ: “đã đến lúc cho vua nghiệm biết việc đã nói trước kia”, nghĩ rồi liền hỏi Tinh quang: “con có thể cỡi trên lưng vua và bắt vua làm tiếng ngựa hí hay không?”, đáp: “để con suy nghĩ, chưa biết có thể được hay không?”. Người nữ có trí huệ, không học cũng tự biết, lúc đó cô mặc y phục dơ, nằm trên giường hư; khi vua đến thấy liền hỏi nguyên do, cô đáp là bị thiên thần giận trách phạt, vua lại hỏi đã từng cầu nguyện việc gì, đáp: “khi vua sai cha thiếp đi đánh dẹp nước Kiệt sa, thiếp đã cầu nguyện: nếu cha thiếp đánh dẹp được nước kia bình an trở về, khi nào thiếp xuất giá sẽ cỡi trên lưng chồng và bảo chồng làm tiếng ngựa hí. Nay vua tuy cưới thiếp nhưng đã có đầy đủ nội cung, ai lại có thể vì thiếp đáp trả lại nguyện xưa”. Khi bị ái dục lôi cuốn thì việc gì cũng chịu làm cả, lúc đó vua nói: “điều mà nàng nguyện cầu, thật là vì ta nguyện không bịnh hoạn, ta sẽ làm theo lời cầu nguyện của nàng”, Tinh quang im lặng, vua hỏi vì sao im lặng hay là còn cầu việc gì khác nữa, đáp: “không có nguyện khác, chỉ là thiếp muốn có Bà-la-môn đại thần chú nguyện và một nhạc sĩ đánh đàn tỳ bà”, vua nói: “Bà-la-môn đại thần là người của ta, còn người đánh đàn tỳ bà cũng có thể tìm được”, đáp: “xin đại vương tìm cho”.

Lúc đó trong nước Kiền-đà-la có một thương nhân mang hàng hóa đến trong thành Ôn thệ ni buôn bán, vì say mê dâm nữ nên không bao lâu sau tiền tài đều tiêu sạch hết, tùy tùng thảy đều bỏ đi hết. Dâm nữ thấy người này trở nên nghèo cùng liền nói rằng: “tôi không có ruộng đất để cày, cũng không có cửa hàng buôn bán, chỉ lấy việc bán sắc để kiếm sống. Ai có tiền thì đến, ai không có thì đi chỗ khác để tôi tiếp người đến sau”, người này đáp: “tôi nay trở nên nghèo cùng, không còn gì cả nhưng tôi rất yêu mến nàng, xin nàng hãy dung thọ tôi chớ có đuổi đi, cho tôi ở trong nhà mới gọi là biết thương nhau”, dâm nữ nói: “nếu có thể làm theo lời tôi thì tôi cho ở lại”, đáp là sẽ làm tất cả. Dâm nữ muốn đuổi đi nên sau khi đại tiện xong, cắm một khúc cây trên bãi phân rồi bảo người này dùng miệng cắn lấy khúc cây lên, người kia nghe lời làm theo, dâm nữ thấy rồi liền dùng chân đạp vào hông và nói: “vật bần tiện, việc dơ bẩn như vậy mà ngươi cũng làm, ngươi là kẻ không sạch sẽ, hay rời khỏi nơi đây”, người này bị dâm nữ đuổi đi đành phải trở lại nghề đánh đàn tỳ bà để kiếm sống. Lúc đó vua bảo Tăng dưỡng: “con gái khanh có cầu nguyện thiên thần, khanh nên tìm một người biết đánh đàn tỳ bà cho ta”, đáp: “có một người nước Kiền-đà-la sống bằng nghề đánh đàn tỳ bà, nên dùng khăn bịt mặt rồi dẫn vào trong cung”, vua chấp thuận. Sau đó vua cùng đại thần lên lầu cao ở tầng thứ bảy, Tăng dưỡng dùng khăn bịt mắt người đánh đàn dẫn lên để đánh đàn, Bà-la-môn đại thần chú nguyện, Tinh quang mặc y phục trắng sạch cỡi trên lưng vua bắt vua làm tiếng ngựa hí. Người đánh đàn này nghe tiếng ngựa hí liền suy nghĩ: “ở trên tầng lầu thứ bảy sao lại có tiếng ngựa hí, chắc là chúng ta đã bị phụ nữ khinh lộng”, nghĩ rồi trong lòng cảm khái liền cất tiếng ca:

“Việc này giống hệt nhau,
Việc này người cùng biết,
Tiền tài tiêu tán hết,
Khúc cây dơ răng mình”.

Vua nghe rồi liền hỏi: “câu hát lạ thường là có ý nghĩa gì?”, người đánh đàn liền đem việc của mình kể lại cho vua nghe, vua nghe rồi suy nghĩ: “người này đã biết ta, không nên giữ ở lại đây”, nghĩ rồi liền ban cho năm trăm tiền vàng rồi đuổi ra khỏi nước. Lúc đó đại thần can gián vua: “bậc làm vua không nên để phụ nữ đem ra làm trò đùa”, vua nghe rồi xấu hổ im lặng, sau đó vua hỏi Tăng dưỡng: “Bà-la-môn đại thần chê trách ta, khanh có thể làm cho vợ của hắn cạo đầu hắn hay không?, đáp: “để thần thử xem sao”. Tăng dưỡng trở về nhà hỏi vợ: “Bà-la-môn ngay trước mặt vua chê trách, bà có cách gì làm cho vợ hắn cạo đầu hắn hay không?”, đáp: “không nên nói trước, đợi cạo xong rồi xem”, Tăng dưỡng nói: “nếu làm được thì tốt, chồng giỏi tất có vợ tài ba”. Người vợ liền tìm cách giao hảo với vợ đại thần, sau khi hợp ý nhau, vợ Tăng dưỡng nói với vợ đại thần: “phu nhân, chồng tôi rất thương yêu tôi, tôi yêu cầu gì chàng cũng đáp ứng”, vợ đại thần nói: “tuy chị nói chồng chị yêu thương chị như vậy, nhưng cũng không hơn được tôi; đối với chồng tôi thường được tự tại”, vợ Tăng dưỡng nói: “nếu đối với chồng phu nhân được tự tại, vậy thì thử cạo đầu ông ấy xe, tôi chắc chị không thể làm được”, vợ đại thần nói: “hãy đợi cắt rồi mới biết là có thể hay không”. Sau đó vợ đại thần liền mặc y phục dơ nằm trên giường hư rên rỉ, đại thần hỏi nguyên do, đáp là bị thiên thần giận trách, đại thần nói: “chẳng lẽ nhà ta nghèo không đáp đủ lễ nên thiên thần giận trách nàng hay sao, nàng đã cầu nguyện gì, ta sẽ đáp trả để thiên thần hoan hỉ”, đáp: “khi chàng chưa ra làm quan, được vua triệu lần đầu, thiếp đã cầu nguyện sao cho chàng được vua gọi đi; nếu được toại ý mong cầu, chàng bình an trở về, thiếp sẽ cạo đầu tạ lễ. Từ đó đến nay gia đình hưng thạnh, tiền tài dư dã, thiếp tham hưởng sung sướng nên quên đáp tạ. Do tâm ngạo mạn này nên thiên thần giận trách, chắc là thiếp sẽ chết, không thể nào sống được”, đại thần nói: “điều mà nàng cầu nguyện thật là vì ta, để ta tâu vua rồi sẽ đáp trả cho nàng”. Vợ đại thần nghe rồi liền đưa tin cho vợ Tăng dưỡng: “chồng tôi đã hứa, chắc sẽ làm theo”, vợ Tăng dưỡng liền đưa tin báo cho Tăng dưỡng biết, Tăng dưỡng liền vào tâu lại cho vua biết. Sau đó, đại thần đến gặp vua tâu rằng: “đại vương, thần có lời nguyện phải đáp tạ thiên thần nên không thể ra khỏi cửa trong sáu tháng, xin đại vương ban ân cho được toại nguyện”, vua nói lành thay. Đại thần trở về nhà cạo tóc xong cảm thấy xấu hổ nên không ra ngoài, người vợ sai sứ báo cho vợ Tăng dưỡng biết, vợ Tăng dưỡng báo cho Tăng dưỡng biết, Tăng dưỡng tâu lại cho vua biết, vua nghe rồi vui mừng liền sai sứ gọi đại thần đến. Đại thần nghe vua triệu kiến vội đội mão vào cung, vua bảo ngồi một bên; lúc đó hai đồng tử theo như lời Tăng dưỡng đã dạy bảo liền ca bài ca:

“Nếu gái nhà lành lại xinh đẹp,
Có thể khiến chồng theo ý mình,
Trên lầu tầng bảy làm ngựa hí,
Và xem đại thần đã cạo tóc”.

Ca xong tiến tới sát bên đại thần cởi bỏ mão ra, bá quan trong triều thấy đã cạo tóc đều vỗ tay cười lớn; đại thần xấu hổ ngượng ngùng trước mọi người nên rụt vai cúi đầu im lặng rồi bỏ đi ra cửa. Sau đó Tăng dưỡng tự mãn cao giọng nói với mọi người: “ai bị phụ nữ khinh lộng như vậy thì làm sao làm được việc lớn cho đất nước”, vua nghe rồi liền ở chỗ khuất hỏi đại thần: “khanh có cách gì làm cho Tăng dưỡng bị sĩ nhục không?”, đáp: “để thần thử xem xét, không biết có được hay không”. Sau đó đại thần hỏi con trai của em gái mình là người iỏi huyễn thuật: “khi lâm triều, Tăng dưỡng đã khinh lộng ta, con có thể làm cho hắn bị sĩ nhục, tức là trừ được mối sĩ nhục lớn cho ta?”, đáp: “cậu cho cháu suy nghĩ xem nên làm như thế nào”. Sau khi suy tính xong, người này nói là làm được, liền dùng huyễn thuật hóa làm một đoàn thương nhân, nơi đống phân lớn hóa làm phòng thất, dùng bộ xương khô hóa làm vợ thương chủ xinh đẹp tuyệt trần. Theo quốc pháp hễ có đoàn thương nhân đến thì vua phải đích thân thu thuế hoặc sai Tăng dưỡng, lúc đó vua sai Tăng dưỡng đi thu thuế. Tăng dưỡng đến chỗ thương nhân hỏi thương chủ ở đâu, họ chỉ chỗ, Tăng dưỡng đến nơi thấy vợ thương chủ quá xinh đẹp liền đắm nhiễm nói rằng: “nếu nàng chịu cùng ta hoan lạc, ta sẽ không thu thuế”, đáp: “tùy ý, nhưng không nên vào ban ngày, nên đợi đến đêm”. Huyễn sư liền dùng huyễn thuật che ngày thành đêm, Tăng dưỡng liền cùng huyễn nữ làm việc phi pháp rồi ôm cổ ngủ say. Lúc đó huyễn sư giải pháp thuật, Tăng dưỡng đang nằm ôm bộ xương khô trên đống phân. Đại thần đến tâu vua: “xin vua ngự giá đến xem Tăng dưỡng”, vua liền xuất thành đến xem, đến nơi nhịp tay đánh thức Tăng dưỡng dậy rồi nói: “này Tăng dưỡng, ngươi đã giao hợp với người nữ nơi đồng vắng, lại còn ăn cả thịt nữa hay sao?”. Lúc đó Tăng dưỡng mới biết là việc này do vua sắp bày nên trong lòng hổ thẹn, suy nghĩ: “làm sao ta sống được nữa, thà chết còn hơn, nhưng bỏ thân mạng rất khó, ta nên đến chỗ tôn giả Đại Ca-đa-diễn-na xin xuất gia”, nghĩ rồi liền đến chỗ tôn giả xin xuất gia, tôn giả liền cho xuất gia và lần lượt cho thọ Cận viên, sau khi giáo giới xong bảo học kinh A Cấp ma. Lúc đó vua Mãnh quang không có Tăng dưỡng bên canh nên tâm ý bất an, vua liền bắt Tăng dưỡng hoàn tục và cho trở lại chức vụ cũ.