CĂN BẢN THUYẾT NHẤT THIẾT HỮU BỘ TỲ NẠI DA TẠP SỰ

Hán dịch: Tam tạng Pháp sư Nghĩa Tịnh đời Đường – TQ
Việt dịch: Ban phiên dịch chùa Pháp Bảo, HT Thích Tịnh Hạnh giám tu – năm 2005
Hiệu đính và nhuận văn: NS Thích nữ Như Lộc tại chùa Phổ Minh – năm 2009

 

QUYỂN 21

Nhiếp tụng nội dung:

Mãnh quang, Thị phược ca,
Kim quang, Y bát la,
Na-thích-đà đắc quả,
Diệu phát, bát đựng dầu.

Lúc đó vua Mãnh quang suy nghĩ: “ta mắc bịnh mất ngủ này ngày càng nặng thêm, ta nên triệu tập tất cả thầy thuốc trong nước đến tìm phương cách gì trị bịnh cho ta”, nghĩ rồi liền triệu tập tất cả thầy thuốc trong nước đến nói rằng: “ta mắc bịnh không ngủ được, các khanh hãy cùng tìm cách trị hết bịnh cho ta”, các thầy thuốc tâu: “bịnh này không tầm thường, chúng tôi không thể trị hết bịnh được cho vua, nhưng vua Tần-tỳ-sa-la ở thành Vương xá có vương tử là Thị phược ca, vốn là đại y vương mọi người đều biết tiếng, vị này mới có đủ trí huệ trị hết bịnh cho vua”, vua nghe rồi liền sai sứ mang thư đến cho vua Tần-tỳ-sa-la, trong thư viết: “bạch vua Ảnh Thắng, xin vua cho đại y vương Thị phược ca tạm qua nước tôi, tôi muốn được trị bịnh, mong vua đừng trái lời. Nếu đại y vương không đến thì vua nên dự trữ lương thảo và quân binh để nghinh đón tôi”. Vua Tần-tỳ-sa-la xem thư xong, ngồi chống cằm với dáng vẻ lo buồn suy nghĩ: “nếu cho vương tử đi, thuận theo lời yêu cầu thì sợ bị lệ thuộc, nếu không cho đi thì sợ họ đem binh lực hùng cường sang gây rối”, Thị phược ca thấy vua ưu tư liền hỏi rõ nguyên do, vua nói: “vì khanh có nhiều tài, lại giỏi y thuật nên khiến ta ưu tư”, nói rồi liền nói rõ ý tứ trong thư, Thị phược ca nghe rồi liền tâu: “xin vua ra sắc chỉ, thần sẽ phụng chỉ lên đường”, vua nói: “vua Mãnh quang hung bạo, bất luận có trị hết bịnh hay không, chỉ cần vua nổi giận thì sẽ sát hại ngay, sợ vua kia vô đạo giết chết khanh oan uổng”, Thị phược ca tâu: “nếu không cứu được thân mình thì sao gọi là đại y vương, xin đại vương chớ ưu sầu, thần sẽ đi như lời giao hẹn”, vua nói: “khanh tùy ý đi nhưng khéo phòng hộ, đừng để ta và quốc dân, nội cung phải lo buồn”, Thị phược ca nói: “xin đại vương chớ lo âu, sẽ không có việc ấy đâu. Con xem bịnh tình rồi sẽ trị cho thuyên giảm khiến vua kia không nổi giận”, vua im lặng. Thị phược ca hỏi sứ giả: “vua Mãnh quang mắc bịnh gì, hiện ăn được gì và không ăn được gì?”, sứ giả nói rõ bịnh tình của vua, Thị phược ca nghe rồi liền dùng Tô điều chế thành loại thuốc cao có sắc hương vị như sắc hương vị của rượu, sau đó chọn giờ tốt làm lễ cầu an rồi từ giã thân thuộc theo sứ giả lên đường. Trên đường đi đến nước Ôn thệ ni, ngang qua thành Khúc nữ, có một thầy thuốc trẻ ở trong thành này nghe tin đại y vương sắp đến nước Ôn thệ ni, liền đem trái Ha lê lặc dâng cho Y vương. Sau khi cùng nói chuyện, Y vương cảm thấy ý hợp nên hỏi thầy thuốc trẻ: “vua Mãnh quang bị bịnh như vậy, vì sao các vị không trị liệu?”, đáp: “bịnh mất ngủ của vua vốn nên dùng Tô để trị nhưng vua lại ghét Tô thích rượu, lại ra lịnh ai ở trước vua nói đến tên Tô thì bị chặt đầu. Do vua bạo ác nên các thầy thuốc đều cao chạy xa bay, không dám điều trị cho vua”, Y vương nói: “pháp đệ nên biết, ta đã dùng Tô điều chế thành thuốc cao có sắc hương vị như rượu, đệ nên cùng ta đến chỗ vua, khi nào ta hiện tướng chỉ trao thì đệ liệu lượng đưa thuốc cho vua uống. Đệ sẽ ở lại đó cho vua uống thuốc, còn ta sẽ trở về nước; khi nào vua hết bịnh, ta sẽ thưởng cho đệ, cũng khiến cho vua trọng thưởng đệ”, thầy thuốc trẻ bằng lòng cùng đi đến chỗ vua. Lúc đó vua nghe tin Y vương đến liền suy nghĩ: “Thị phược ca là vương tử lại là Y vương, ta nên dùng nghi lễ long trong nghinh đón”, nghĩ rồi liền ra lịnh trang hoàng đường sá… rồi cùng Thái tử quần thần ra nghinh đón, Y vương đi vào thành giữa trăm ngàn người vây quanh. Sau đó vua nói với Y vương: “tôi mắc bịnh mất ngủ ngày càng nặng, xin Y vương chữa trị cho”, Y vương nói: “tôi sẽ chữa trị nhưng cần dược liệu, những dược liệu này có ở nhiều nơi chỉ riêng tôi biết, người khác không biết, hoặc người khác biết mà tôi không biết, hoặc cùng biết, hoặc gần hoặc xa. Vì thế xin vua cho phép tôi được cỡi voi Hiền thiện tùy ý đi tìm”, vua nói lành thay rồi ra lịnh cho Quản tượng: “nếu Y vương cần voi Hiền thiện nên để vị ấy tùy ý cỡi, không nên cản trở”, lại bảo người giữ cửa cung: “Y vương có thể sớm đi trưa về hoặc trưa đi tối về, được tùy ý cỡi voi Hiền thiện ra vào, không nên ngăn cản”. Được vua cho phép, lúc đó Y vương hoặc ban ngày hoặc nửa đêm không nhất định, tùy ý cỡi voi đi đi về về nên mọi người không để ý nữa. Sau đó Y vương bảo vua tắm rửa, tắm xong bảo vua ăn no, đợi vua ăn xong mới tâu: “ta có đem rượu thượng hạng của nước Ma-kiệt-đà đến, vua hãy uống thử”, vua nghe đến rượu ngon, vui mừng bảo mang đến, Y vương liền hiện tướng bảo thầy thuốc trẻ mang thuốc cao đến, vua uống xong liền ngủ say. Y vương biết vua đã ngủ say liền cỡi voi Hiền thiện bỏ chạy, đến nửa đếm vua tỉnh dậy, thở ra nghe thấy có mùi Tô liền nổi giận ra lịnh tả hữu bắt Thị phược ca đem ra chặt đầu. Tả hữu đến bắt mới biết Y vương đã bỏ chạy liền trở về báo lại, vua nghe rồi càng tức giận ra lịnh sứ giả Phi ô: “khanh hãy cỡi voi Vi sơn đuổi theo bắt Y vương, trói đem về đây chặt đầu. Nhớ khi gặp chớ có nhận vật gì, vì Y vương rất giỏi huyễn thuật”. Phi ô tuân lịnh vua cỡi voi Vi sơn noi theo dấu chân voi đuổi theo, đến vườn cây Yêm la thì bắt kịp Y vương liền kêu gọi: “vua gọi Y vương, mau quay trở lại”, Y vương nói: “ông sao vội vậy, hãy dừng lại ở đây ăn trái Yêm la”, Phi ô nói: “vua nói ông giỏi huyễn thuật nên không được nhận vật gì từ ông”, Y vương nói: “ông không phải sợ, hiện đang đói khát hãy cùng tôi ăn chung một trái, mỗi người một nửa”, Phi ô nghĩ ăn chung một trái thì không hại gì nên bằng lòng, Y vương ăn trước nửa trái rồi bấm móng tay có chứa thuốc vào nửa trái còn lại đưa cho Phi ô ăn, Phi ô vừa ăn xong, thuốc trong nửa trái này công phat bịnh Lại mà Phi ô đã mắc phải trước đó, nên liền tiêu chảy không sao cầm được. Y vương vào thôn nói với người trong thôn: “đây là voi lớn bậc nhất và voi mẹ Hiền thiện cùng sứ giả Phi ô của vua Mãnh quang, các người nên chăm sóc cho kỹ chớ để cho tổn thất, nếu không sẽ bị vua trị tội nặng”, người trong thôn theo như lời đã dặn chăm sóc Phi ô cho đến khi hết bịnh, Y vương liền trở về nước. Sau đó thầy thuốc trẻ cũng theo lời Y vương dặn trị cho vua hết bịnh, khi thấy Phi ô trở về, vua hỏi Y vương đấu, Phi ô hỏi: “nếu bắt được Y vương thì vua sẽ làm gì?”, vua nói là sẽ đem chặt đầu, Phi ô nói: “nay vua đã hết bịnh, bịnh Lại của thần cũng đã trừ, phải cùng nhau trọng thưởng cớ sao lại đem chặt đầu?”, vua nghe rồi liền nói: “lành thay, nên trọng thưởng để báo đại ân”. Phi ô liền đưa sắc thư báo cho Y vương biết: “vương tử là Y vương đáng được trọng thưởng, vì sao lại bỏ chạy trốn. Nhận dược thư này xin hãy trở lại để nhận sự ban thưởng của vua”, Y vương liền gởi thư phúc đáp: “tôi nhờ ân vua nên tài sản không thiếu, nếu vua sanh hoan hỉ đối với tôi thì xin cho tôi hồi chuyển những vật mà vua ban thưởng cho thầy thuốc trẻ”. Sau đó vua y lời ban thưởng nhiều tài vật cho thầy thuốc trẻ rồi sai sứ mang một xấp vải bằng giạ thượng hạng trị giá trăm ngàn lượng vàng đưa đến thưởng ban cho Y vương, Y vương suy nghĩ: “Thế tôn là bậc đại sư vô thượng, là đấng cha lành của ta, ta nên đem tấm Giạ này dâng cúng cho Phật”, nghĩ rồi liền đem tấm Giạ đến dâng cúng Phật. Phật thọ rồi đưa cho A-nan may thành y. A-nan cắt rọc may thành ba y cho Phật xong vẫn còn dư, bạch Phật, Phật nói: “thầy và La hỗ la tùy ý thọ dụng”, A-nan may xong hai y thượng hạ cho mình xong, đưa phần còn lại cho La hỗ la may y Tăng khước kỳ.

Nói về nhân duyên của Long vương Y la bát:

Thuở xưa trên cõi trời Đổ-sử-đa, trong cung điện có ghi lại bài vấn tụng của Phật nói như sau:

“Vua nơi đâu là lớn,
Đối với Nhiễm nhiễm đắm,
Không nhiễm mà bị nhiễm,
Hạng nào là kẻ ngu?
Kẻ ngu nơi đâu buồn? 
Bậc trí nơi đâu vui?
Ai biệt ly hòa hợp,
Gọi đó là an lạc?”.

Nếu Phật không ra đời thì không có ai thọ trì và hiểu được ý nghĩa của bài vấn tụng này, nhưng nếu có Phật ra đời thì sẽ có người thọ trì và hiểu nghĩa. Lúc đó Bắc thiên vương dược xoa Đa văn có việc lên đến cõi trời Đổ-sử-đa, nhìn thấy bài vấn tụng này, sanh tâm hi hữu liền ghi nhớ nhưng không hiểu được nghĩa, sau khi trở về cung trời của mình liền chép lại trên bảng. Tại nước Đắc xoa thi ca có một Long vương cựu trụ tên là Y la bát, ngày đêm mong mõi lúc nào đó được gặp Phật ra đời. Long vương này có một Dược xoa thân hữu tên là Kim quang, Dược xoa này nhân đến trong cung của thiên vương Đa văn, nhìn thấy bài vấn tụng này liền nhớ thuộc lòng nhưng vẫn không hiểu nghĩa. Sau đó đến nói với Long vương Y bát la: “này bạn, đây là lời Phật dạy, ý nghĩa sâu xa không ai hiểu được. Bạn hãy ghi nhớ bài pháp tụng này, sau đó mang một rương đựng đầy vàng đến khắp trong các thành ấp xướng lên rằng: “nếu ai giải nghĩa được bài vấn tụng này thì tôi sẽ dâng cúng một rương vàng”. Nếu nơi nào không có ai đáp được thì bạn nên nói: “nơi này không có người thì không gọi là thành ấp”, nói xong mới đi đến nước khác”, Long vương nghe rôi cung kính thọ trì rồi hóa thành một Ma-nạp-bà mang rương vàng đi khắp nơi xướng lên như trên, vẫn không có ai giải đáp được, dần dần đến thành Bà-la-nê-tư. Nơi ngã tư đường xướng lên như trên, lúc đó có vô lượng trăm ngàn người tụ tập lại như mây. Trong số đó có người thông minh bác học, tâm ý kiêu ngạo sau khi nghe bài vấn tụng này rồi tâm sanh hi hữu và kinh ngạc nhưng vẫn không giải nghĩa được, Hóa long vương liền nói: “thành Bà-la-nê-tư không có bậc trí thì không gọi là thành ấp”, các cư sĩ, Bà-la-môn nghe lời này liền nói: “xin chớ nói lời này, trong thành này có bậc thượng trí trụ nơi A-lan-nhã, xin hãy chờ vị ấy đến để giải nghĩa”, Hóa long vương hỏi tên, đáp là Na-thích-đà. Lúc đó Na-thích-đà ở trong rừng vắng nghe tin liền đi đến, Hóa long vương đến trước mặt nói: “nếu đại tiên giải nghĩa được bài vấn tụng này thì tôi sẽ dâng cúng rương vàng”, nói rồi liền nói ra bài vấn tụng, Na-thích-đà nghe rồi liền ghi nhớ và nói: “tôi sẽ giải thích cho ông”, hỏi là lúc nào, đáp là mười hai năm, Hóa long vương nói lâu quá, Na-thích-đà lại hẹn sáu năm, nói vẫn lâu, lại hẹn ba năm, một năm, sáu tháng, một tháng… cho đến bảy ngày, Hóa long vương nói: “đại tiên, tôi sẽ đợi bảy ngày”. Trước kia Na-thích-đà vốn quen thân với năm Bí-sô nên đến chỗ họ và đem việc trên kể lại rồi nói: “bài vấn tụng ấy chữ ít nghĩa nhiều, lại sâu xa khó hiểu thì phải làm sao?”, Bí-sô bảo đến hỏi Phật, Na-thích-đà hỏi: “Phật đã ra đời rồi sao?”, đáp là đã ra đời, liền hỏi hiện đang ở đâu, đáp: “hiện đang ở vườn Thi lộc, chỗ Tiên nhơn đọa xứ thuộc thành Bà-la-nê-tư”. Nathích-đà vui mừng vội đến chỗ Phật, thấy Phật có ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp trang nghiêm thân, ánh sáng bao quanh trên đảnh rộng một tầm sáng rỡ như trăm ngàn mặt trời, sắc tướng thù diệu, thân như núi báu… Na-thích-đà tận mặt thấy rồi sanh tâm hoan hỉ như người không con bỗng nhiên có con, như người nghèo được của báu, như Thái tử được kế vị vua, như hữu tình tích chứa thiện căn đã lâu mới được gặp Phật; thân tâm của Na-thích-đà hoan hỉ cũng như vậy, liền đến chỗ Phật đảnh lễ rồi ngồi một bên, Phật quán biết căn tánh tùy miên của Na-thích-đà, nói pháp Tứ đế khiến cho được khai ngộ và chứng quả Dự lưu. Sau khi chứng quả liền chắp tay bạch Phật: “Thế tôn, xin cho con được ở trong thiện pháp luật xuất gia thọ giới cụ túc, thành tánh Bí-sô, tu tập phạm hạnh”, Phật nói: “trước đây ông đã hứa giải nghĩa bài vấn tụng cho Ma-nạp-bà, ông nên đến đó thực hiện lời đã hứa rồi mới xuất gia”, đáp: “tuy con đã được Kiến đế nhưng đối với nghĩa của bài vấn tụng vẫn chưa hiểu rõ, đã không hiểu thì có đến đó cũng không ích gì”, Phật nói: “ông hãy đến đó nói rằng: người hãy nói ra bài vấn tụng cho tôi nghe. Sau khi nghe xong nên đáp:

“Vua thứ sáu là lớn,
Nơi chỗ nhiễm đắm nhiễm,
Không nhiễm mà khởi nhiễm,
Là ngu phu tham ái,
Kẻ ngu vì vậy buồn,
Còn người trí vẫn vui.
Xa lìa được tham ái,
Đây gọi là an lạc”.

Nếu người kia nói không hiểu thì nên nói kệ:

“Người nào nghe diệu ngữ,
Hiểu rồi tu thắng định,
Ai nghe không hiểu nghĩa,
Người ấy do phóng dật”.

Nếu người kia nghe kệ xong lại nói rằng:

“Ông nói ra lời Phật,
Nhưng tôi chưa rõ nghĩa,
Ý còn mê chưa hiểu,
Xin giải nghi giùm tôi”.

Lúc đó ông nên dùng tay xé lá trước mặt người ấy, nếu hỏi Phật đã ra đời rồi sao thì nên đáp đã ra đời, nếu hỏi hiện đang ở đâu thì nên đáp đang ở trong vườn Thi lộc”. Na-thích-đà thọ trì lời Phật dạy rồi liền đến gặp Ma-nạp-bà nói y như lời Phật đã dạy, hỏi đáp giống như trên… cho đến câu Phật đang ở trong vườn Thi lộc. Lúc đó Hóa long vương suy nghĩ: “nếu trước mặt Na-thích-đà mà ta hiện thân rồng thì ông ta sẽ khinh ta, nếu mang thân Bà-la-môn đến gặp Phật thì các Bà-la-môn thông hiểu Tứ minh trong thành Bà-la-nê-tư sẽ chê trách ta là Bà-la-môn vốn thuộc dòng tộc cao quý vì sao lại tự hạ mình đến gặp Kiều-đáp- ma. Nếu ta mang thân rồng đến gặp Phật thì rồng có nhiều oán ghét, sợ gặp chướng ngại; ta nên hóa thành Chuyển luân thánh vương đến gặp Phật”, nghĩ rồi liền hóa thành Chuyển luân thánh vương có bảy báu dẫn đầu, cùng chín mươi chín Câu đê binh kỳ theo sau; với ngàn người con vây quanh theo hình bán nguyệt, thân trang nghiêm bằng các loại vật báu; lại có vô lượng ngoại đạo, Sa môn, Phạm chí và trăm ngàn tùy tùng cầm lọng trăm nan che trên đầu của vua, oai quang rực rỡ như vầng nhật nguyệt, để đi đến chỗ Phật. Lúc đó Phật đang thuyết pháp cho vô lượng trăm ngàn người, đại chúng từ xa nhìn thấy vị Luân vương này rồi liền sanh tâm hi hữu, nói với nhau: “Luân vương này từ đâu đến, sao chưa từng thấy trên đời hay là Phạm thiên vương…”, người có tâm ái lạc ngắm nhìn thân vua đều sanh tham đắm. Hóa long vương này đến đảnh lễ Phật rồi ngồi một bên, Phật nói: “ngươi là người ngu si, trong thời Phật Ca-diếp-ba tuy thọ cấm giới của Phật nhưng lại không hộ trì, lại hủy báng giới nên bị quá báo làm thân rồng hạ liệt. Cớ sao ngươi lại sanh tâm hư dối để gạt đồ chúng của ta, ngươi hay mau hiện trở lại thân rồng”, Hóa long vương nói: “con mang thân rông có nhiều oán ghét nên sợ có chúng sanh làm hại”, Phật bảo Kim cang thủ bảo hộ Long vương đừng để bị hại, Kim cang thủ vâng lời Phật dạy đi theo sau Long vương để bảo hộ. Lúc đó Hóa long vương đứng dậy đi đến một nơi khác hiện trở lại thân rồng có bảy đầu, thân dài lớn vô cùng: đầu gát trên thành Bà-la-nê-tư, đuôi nằm ở nước Xoa thi ca ( cách nhau hai trăm trạm ngựa ). Do nghiệp đời trước nên trên mỗi đầu rồng đều có cây Y la, khi bị gió lay động trên đầu chảy máu làm dơ thân rồng bốc mùi hôi hám, lại bị giòi nhặng bu đến rúc rỉa ngày đêm khiến mọi người không muốn nhìn. Lúc đó Long vương đến đảnh lễ Phật rồi ngồi một bên, đại chúng nhìn thấy thân rồng ghê sợ như vậy, những người đã ly dục còn kinh sợ huống chi là người chưa ly dục. Khi họ nhìn thấy thân rồng với vi vẩy thô rít bị tét nứt, máu mủ chảy ra có đủ màu sắc kỳ lạ, thân dài lớn với nhiều chỗ cao thấp không bằng phẳng, liền hỏi Phật là vật gì. Phật nói: “đây là thân Chuyển luân thánh vương đã đến lúc nãy, các vị sanh tâm tham ái đối với thân vinh hoa sanh tử của nó. Thân trước là biến hóa, đây mới là thân thật, do nghiệp ác đời trước nên phải chịu khổ báo này”, đại chúng nghe Phật nói rồi đều ưu sầu im lặng. Long vương hỏi Phật: “xin Thế tôn thọ ký cho con biết đến lúc nào con mới bỏ được thân rồng này?”, Phật nói: “đời vị lai lúc con người thọ đến tám vạn tuổi, có Phật Từ thị ra đời đủ mười hiệu sẽ thọ ký cho ngươi thoát được thân rồng”, Long vương nghe rồi đau buồn, mắt ở trên các đầu rồng liền ở trước mặt Phật đồng thời rơi lệ, nước mắt chảy thành mười bốn dòng sông. Phật nói: “ngươi hãy ngừng khóc, nước mắt chảy thành sông sẽ làm cho quốc độ tiêu vong”, Long vương nói: “bản tâm con không làm hại đến mạng nhỏ huống chi là làm cho quốc độ tiêu vong”, nói rồi đảnh lễ Phật và biến mất. Lúc đó đại chúng đều có nghi thỉnh hỏi Phật: “đời trước Long vương này đã tạo nghiệp gì mà lại mang thân rồng với cây Y la mọc trên đầu… như thế?”, Phật nói: “nghiệp mà Long vương đã tạo đời trước, tự chịu quả báo không ai thay thế được, như bài kệ:

“Dù trải qua trăm kiếp,
Nghiệp đã tạo không mất,
Khi nhân duyên hội họp,
Tự thọ lấy quả báo”.

Các thầy lắng nghe: Quá khứ Hiền kiếp, lúc con người thọ hai vạn tuổi có Phật Ca-diếp-ba ra đời đầy đủ mười hiệu, trụ trong vườn Thi lộc, chỗ Tiên nhơn đọa xứ thuộc thành Bà-la-nê-tư. Lúc đó Long vương ở trong giáo pháp của vị Phật ấy xuất gia, thông suốt ba tạng, tu thiền định ở nơi yên tĩnh dưới cây Y la. Khi đang kinh hành, lá cấy Y la rơi xuống trúng vào trán, tuy đau nhưng vị này vẫn chịu đựng; sau đó vì quá chú tâm nên mệt mõi, lại bị lá cây y la rơi xuống trúng vào trán rất đau, vị này liền nổi giận dùng hai tay xé lá cây Y la ném xuống đất và nói: “Phật Ca-diếp-ba ở trên vật vô tình, thấy có lỗi gì mà chế học xứ làm cho ta phải chịu khổ này”. Do sân giận nên hủy báng giới, do hủy báng giới nên sau khi qua đời bị đọa vào loài rồng chịu quả báo như thế. Này các Bí-sô, Bí-sô thông suốt ba tạng thuở xưa chính là Long vương ngày nay. Này các Bí-sô, hễ tạo nghiệp thuần đen thì cảm quả báo dị thục thuần đen; tạo nghiệp thuần trắng thì cảm quả báo dị thục thuần trắng; tạo nghiệp xen tạp thì được quả báo xen tạp, các thầy nên bỏ nghiệp thuần đen và nghiệp xen tạp, phải siêng tu tập nghiệp trắng”.

Lúc đó Na-thích-đà đến đảnh lễ Phật rồi ngồi một bên bạch Phật: “Thế tôn, điều con hứa trước đây nay đã làm xong, cúi xin Thế tôn cho con xuất gia trong thiện pháp luật của Như lai”, Phật nói: “thiện lai Bí-sô, hãy xuất gia tu phạm hạnh”, Phật vừa nói xong, râu tóc của Nathích-đà tự rụng, ca sa hiện trên thân trở thành Bí-sô, giống như người đã được xuất gia bảy ngày, oai nghi nghiêm túc giống như Bí-sô trăm tuổi hạ. Phật nói kệ:

“Thế tôn gọi “Thiện lai”,
Tóc rụng, đủ y bát,
Các căn đều tịch tĩnh,
Thành tựu theo ý niệm”.

Các Bí-sô thấy Na-thích-đà xuất gia rồi, những vị đồng phạm hạnh không biết nên gọi tên như thế nào, bạch Phật, Phật nói: “Bí-sô này mang họ Ca-đa-diễn-na, nên dùng họ này gọi thành tên”. Lúc đó Phật bảo Ca-đa-diễn-na: “thế gian có hai chỗ y cứ là Hữu kiến và Vô kiến (chấp có và chấp không), do phiền não buộc ràng nên sanh cố chấp vào hai kiến này, phiền não không trừ thì ông lòng ngã mạn, cùng với khổ có Sanh, theo khổ nên có Diệt. Này Ca-đa-diễn-na, do không còn nghi hoặc nên trí huệ tự phát sanh, chánh kiến hiện tiền như tri kiến Phật, vì sao, vì với chánh trí thấy được pháp Sanh ở thế gian nên không còn chấp không; với chánh trí thầy rõ pháp Diệt ở thế gian nên không còn chấp có. Này Ca-đa-diễn-na, đối với cái thấy hai bên (có và không) không nên chấp trước, Như lai thường nương theo lý trung đạo mà thuyết pháp. Đó là:

1. Hễ cái này có thì cái kia sanh nên Vô minh duyên Hành, Hành duyên Thức, thức duyên Danh sắc, Danh sắc duyên Lục xứ, Lục xứ duyên Xúc, Xúc duyên Thọ, Thọ duyên Ái, Ái duyên Thủ, Thủ duyên Hữu, Hữu duyên Sanh, Sanh duyên Lão tử, ưu bi khổ não.

2. Hễ cái này diệt thì cái kia diệt nên Vô minh diệt thì Hành diệt, Hành diệt thì Thức diệt, Thức diệt thì Danh sắc diệt, Danh sắc diệt thì Lục xứ diệt, Lục xứ diệt thì Xúc diệt, Xúc diệt thì Thọ diệt, Thọ diệt thì Ái diệt, Ái diệt thì Thủ diệt, Thủ diệt thì Hữu diệt, Hữu diệt thỉ Sanh diệt, Sanh diệt thì Lão tử, ưu bi khổ não đều diệt.

Ca-đa-diễn-na vừa nghe xong liền ngay nơi chỗ ngồi quán thấy năm đuờng luân hồi sanh tử hữu vi là khổ không, vô thường, vô ngã, tâm ý khai ngộ, đoạn trừ các phiền não, chứng A-la-hán, ba minh, sáu thông, đủ tám giải thoát, được như thật tri: sanh tử đã hết, phạm hạnh đã lập, việc nên làm đã làm xong, không còn thọ thân sau. Tâm không chướng ngại như tay nắm hư không, như dao cắt mùi thơm, yêu ghét không khởi, xem vàng và đất như nhau không khác, tất cả danh lợi đều xả bỏ, Thích Phạm chư thiên thảy đều cung kính. Do Phật đặ tên là Cađa-diễn-na nên từ đó về sau tôn giả được gọi là Đại Ca-đa-diễn-na.

Lúc đó ở nước Ôn thệ ni, dân chúng mắc bịnh dịch chết rất nhiều, xe tang nối nhau, thây chết đầy đồng nên vua và dân đều buồn khổ. Quần thần tâu vua nên tu phước nghiệp; có người tâu nên cúng dường Sa môn, Bà-la-môn; có người tâu nên làm chú thuật trị bịnh dịch. Vua nghe xong những lời luận bàn này rồi liền làm đủ việc cầu thỉnh trừ tai, muốn cho bá tánh được an ổn và bảo người giữa cửa thành: “ nếu các khanh thấy có Sa môn, Bà-la-môn nào đến thành này mà có thể trừ được bịnh dịch thì báo ngay cho ta biết”. Lúc đó Phật cũng nghe biết dân chúng nước ấy gặp bịnh dịch chết nhiều vô số nên muốn cứu hộ. Thường pháp của chư Phật là khởi tâm đại từ bi cứu giúp chúng sanh, trụ trong chánh quán, không nói hai lời, dựa trên định huệ hiển phát ba minh, thành tựu ba học, điểu phục hoàn toàn ba nghiệp, vượt qua bốn Bộc lưu, an trụ nơi bốn Thần túc, thường tu bốn nhiếp hạnh, xả trừ năm triền cái, đầy đủ năm chi, năm lực, viên mãn sáu độ, bố thí khắp tất cả bằng bảy Thánh tài, nở hoa bảy giác ngộ, chỉ bày tám chi Thánh đạo, xa lìa tám nạn, đoạn dứt hẳn chín kết, phương tiện thiện xảo tùy ý nhập Cửu định, đủ mười Lực, danh vang khắp mười phương, tự tại vô úy, hàng phục ma oán, cất tiếng sấm lớn, rống lên tiếng rống của sư tử, ngày đêm ba thời thường dùng Phật nhãn quán sát chúng sanh: trí huệ tùy chuyển của ai tăng, của ai giảm; ai gặp khổ nạn, ai bức bách, ai bị bức bách; ai xuống nẽo ác, ai lên đường lành, ai một bề thú hướng, ai còn mang gánh nặng. Nên dùng phương tiện gì để cứu độ chúng sanh ra khỏi đường ác, vào cõi trời người và được giải thoát; người chưa tu thiện căn khiến tu tập thiện căn, người đã tu thiện căn chưa thành thục khiến cho được thành thục, đã thành thục rồi khiến được giải thoát hướng tới Niết-bàn. Như bài kệ:

Cho dù hải triều lớn,
Cũng có khi trễ hạn,
Đối với người đáng độ,
Phật liền độ, không bỏ.
Như mẹ có con một,
Luôn giữ gìn mạng nó.
Đối với người đáng độ,
Phật thương hơn cả mẹ.
Đối với các hữu tình,
Phật từ bi thương tưởng,
Nghĩ cứu họ thoát khổ,
Như bò mẹ theo con.

Lúc đó Phật khởi niệm: “ai có thể điều phục vua Mãnh quang cùng cung phi thể nữ và dân chúng nước Ôn thệ ni”, liền quán biết Đại Ca-đa-diễn-na có thể điều phục được họ nên bảo Đại Ca-đa-diễn-na: “thầy nên quán vua Mãnh quang… và khiến cho họ được an lạc”, tôn giả vâng lời Phật dạy. Sáng hôm sau tôn giả đắp y mang bát vào thành khất thực, sau khi thọ thực xong cùng năm trăm Bí-sô đi đến nước ôn thệ ni, trên đường đi ngang qua nước Kiến noa cúc xã. Trong thành này có một Bà-la-môn là bạn cũ của tôn giả, ông ta có một người con gái dung nghi đoan chánh với mái tóc sáng mượt không ai sánh bằng, nên có tên là Diệu phát. Một nhạc công từ phương Nam đến thấy cô có mái tóc tuyệt đẹp nên đến yêu cấu Bà-la-môn bán tóc của cô con gái với giá ngàn tiền vàng, Bà-la-môn nói: “pháp của Bà-la-môn là không được bán tóc, vì sao ông lại nói lời phi pháp này?”, người kia nghe rồi im lặng bỏ đi. Thời gian sau người cha qua đời, người mẹ nghe tin tôn giả Ca-đa-diễnna cùng năm trăm Bí-sô ghé lại trong thành này, ở cách đây không xa liền ngồi chống cằm suy tư. Diệu phát thấy mẹ suy tư liền hỏi rõ nguyên do, người mẹ nói: “tôn giả Đại Ca-đa-diễn-na vốn là bạn cũ của cha con, nay đã đến đây nhưng cha con đã qua đời, nhà ta lại nghèo không thể lo liệu một bữa ăn thịnh soạn cúng dường nên mẹ lo buồn”, Diệu phát nói: “nếu vậy hãy bán tóc của con cho người nhạc công với giá ngàn vàng để lo việc cùng dường. Thời gian sau tóc con sẽ mọc ra lại, mẹ chớ lo buồn”, người mẹ nghe rồi biết con có tín tâm liền mang tóc đến nói với nhạc công: “trước đây nhân giả hỏi mua tóc của con gái tôi với giá ngàn vàng, nay mang tới đây xin ông trả theo giá trước”, nhạc công nói: “lúc đó tôi cần có tóc này nhưng nay thì không cần nữa, nếu bà đã cắt mang đến thì tôi trả cho nửa giá”, người mẹ bằng lòng bán với nửa giá, đưa tóc rồi nhận tiền mang về. Sau đó bà đi đến chỗ tôn giả Đại Ca-đa-diễn-na đảnh lễ rồi bạch rằng: “Thánh giả đi đường có an ổn không, chồng con lúc sanh tiền là bạn của Thánh giả, xin thỉnh Thánh giả trưa mai đến nhà con thọ thực”, tôn giả nói: “chúng tôi rất đông người làm sao bà dâng cúng cho đủ?”, hỏi có bao nhiêu vị, đáp là năm trăm, bà nói được, tôn giả im lặng nhận lời. Bà mẹ biết tôn giả đã nhận lời, đảnh lễ rồi trở về lo liệu đủ các món ăn ngon cúng dường, sáng hôm sau trải tòa ngồi và để nước sạch xong, bà đến bạch thời đáo (đã đến giờ thọ thực). Tôn giả đắp y mang bát cùng năm trăm Bí-sô đến nhà bà và ngồi vào chỗ ngồi, bà tự tay dâng cúng các món ăn ngon, đợi đại chúng thọ thực xong, bà lấy chiếc ghế nhỏ ngồi trước tôn giả muốn nghe thuyết pháp. Tôn giả thuyết pháp xong rồi hỏi: “Diệu phát con bà đang ở đâu?”, đáp: “vì dung nghi không tề chỉnh nên không dám đến”, bậc A-la-hán nếu không quán sát thì không thể biết được, tôn giả liền nhiếp niệm quán biết tâm Diệu phát thuần thiện nên nói với bà mẹ: “con gái bà có tâm thiện, hãy gọi đến đây”. Diệu phát ra khỏi phòng đến chỗ tôn giả đảnh lễ rồi ngồi một bên, bà mẹ bạch: “đây là Diệu phát, tuy biết mạo phạm nhưng xin thỉnh tôn giả cho làm con gái”, lại nói: “đã hệ thuộc nhau, nay có việc nhân duyên xin thỉnh hỏi tôn giả: đứa con gái nên gả cho nhà nào?”, tôn giả nói: “tôi là người xuất gia không nên đem việc thế tục ra hỏi, nhưng cô gái này sẽ được vật trang sức và chuỗi anh lạc trong ngoài số lượng đều bằng năm trăm tiền vàng, lại được phong ấp bằng năm tụ lạc”, bà mẹ nói: “là con của nhà nghèo, ai lại ban cho thắng sự như vậy”, tôn giả nói: “bà chớ nói lời này, cô gái này có phước đức do tâm ân trọng cúng dường thắng phước điền nên đáng được hưởng quả báo thù thắng này, xin chớ lo buồn”, bà mẹ im lặng. Sau khi thuyết diệu pháp khiến cho hai mẹ con được lợi hỉ, tôn giả đứng dậy từ giã, tiếp tục lên đường đến nước Ôn thệ ni, khi cúng tăng vừa vào thành thì phân nửa tai họa đã có đều dứt trừ. Người giữ cửa đến tâu vua: “đại vương biết không, có năm trăm người với dung nghi thù đặc, vừa vào trong thành thì phân nửa tai họa đã có đều dứt trừ”, vua nói: “đây là việc tốt, ta nên đích thân cúng dường”, các Bà-la-môn đến tâu vua: “chúng tôi cực khổ ngày đêm làm việc trừ tai chướng, nhờ oai lực của chúng tôi nên phân nửa tai chướng được tiêu trừ, không bao lâu nữa sẽ trừ hết, không phải do ai khác, sao nay lại nói là do các Sa môn kia”, vua bảo đại thần: “ta nghe người giữ cửa thành nói có năm trăm người với dung nghi thù đắc, vừa mới vào thành thì phân nữa tai họa đã có đều dứt trừ. Ta không biết do công sức của ai, vậy các khanh hãy đưa các Bí-sô và Bà-la-môn đến trong chuồng voi, ở chỗ không sạch dâng bánh gạo thô có tẩm nước dấm cho họ ăn, đợi họ ăn xong rồi hỏi: các vị hôm nay thọ thức ăn của vua cúng dường như thế nào?”. Đại thần làm theo lời vua dặn bảo, đợi họ ăn xong liền hỏi các Bà-la-môn trước, Bàla-môn tức giận cao giọng nói lớn rằng: “cúng dường như vậy là phi pháp, vua đem bánh gạo thô có tẩm nước dấm cúng dường thì làm sao có phước”, kế hỏi các Bí-sô, Bí-sô đáp: “thức ăn mà thí chủ cúng, gnười thọ nên ăn để nuôi thân trọn ngày đêm”. Đại thần đem việc trên tâu lại vua, vua nghe rồi nói: “hôm nay ở nơi sạch trong chuồng voi, dâng cúng các món ăn ngon rồi hỏi như trước”, đại thần làm theo lời vua dặn bảo, đợi họ ăn xong liền hỏi các Bà-la-môn trước, Bà-la-môn nói: “vua dòng Sát-đế-lỵ quán đảnh cúng dường thức ăn ngon như thế được phước vô lượng”, đại thần nói: “nhà bếp của vương cung làm việc không chuẩn mực, hôm nay họ may mắn không bị chê trách”, Bà-la-môn im lặng; kế hỏi các Bí-sô, Bí-sô cũng đáp như trước. Đại thần đem việc trên tâu lại vua, vua nghe rồi lại bảo đem thức ăn thô dở và thức ăn ngon cho họ ăn trong chồng ngựa, như trong chuồng voi rồi hỏi như trên, họ cũng đáp giống như trên. Vua nghe rồi suy nghĩ: “chúng Bí-sô mới là ruộng phước, không phải là Bà-la-môn”, nghĩ rồi sanh tín tâm đến chỗ tôn giả Đại Ca-đa-diễn-na, đảnh lễ rồi ngồi một bên, tôn giả vì nói diệu pháp khiến được lợi hỉ rồi im lặng, vua đứng dậy đảnh lễ rồi bạch: “xin thỉnh tôn giả cùng các Thánh chúng ngày mai đến trong vương cung thọ thực”, tôn giả im lặng nhận lời, vua từ giả trở về cung. Ngay trong đêm ấy, vua cho lo liệu đầy đủ các món ăn ngon, sáng hôm sau trải tòa ngồi để nước sạch rồi sai sứ đến bạch thời đáo, tôn giả đắp y mang bát cùng các Bí-sô đến trong cung ngồi vào chỗ ngồi. Lúc đó, vua ra lịnh cho nhạc công trỗi nhạc, các vũ công ca múa; tôn giả cùng chúng tăng ngồi nghiêm trang thu nhiếp các căn, vua hỏi tôn giả: “tôn giả nghe nhạc và nhìn thấy ca múa như thế nào?”, tôn giả nói: “đại vương, người có nghe thấy mới biết hay dỡ”, vua nói: “các căn đóng kín có thể cho là không biết, nhưng tâm theo ngoại cảnh sao nói là không thấy nghe?”, tôn giả muốn dùng phương tiện khiến cho vua hiểu rõ việc này nên hỏi vua: “hiện nay có người nào sắp bị xử tội chết hay không?”, vua hỏi để làm gì, đáp: “vua có thể để một bát đựng đầy dầu vào trong tay họ rồi sai người cầm dao đi sau, tuy làm cho họ kinh sợ nhưng không nên làm tổn hại, kế bảo họ đi một vòng ở trước chỗ các kỹ nữ tấu nhạc và nói với họ rằng: nếu để cho một giọt dầu văng ra đất thì sẽ bị chặt đầu. Khi họ đi xong một vòng, vua hỏi họ có thấy kỹ nữ đẹp và có nghe tấu nhạc hay không. Vua nghe họ nói rồi sẽ tin lời tôi nói là thật”. Vua liền cho làm theo lời tôn giả nói, khi được hỏi người cầm bát dầu đáp: “ai có thấy nghe mới biết hay dỡ”, vua nói: “ngươi có mắt tai vì sao nói là không nghe thấy?”, người ấy đáp: “đại vương, nếu tôi làm văng ra một giọt dầu thì người cầm dao theo sau sẽ chặt đầu tôi. Tôi vừa sợ bát dầu nghiêng đổ, vừa sợ bị đầu rơi nên nhất tâm cầm bát dầu cẩn trọng từng bước chân đi, rảnh đâu mà nhìn nghe để biết kỹ nữ có đẹp và âm nhạc có hay hay không”, vua nghe rồi im lặng. Tôn giả nói: “đại vương, người này chỉ vì sanh mạng của một đời này, sợ bị khổ lớn mà còn cẩn trọng như vậy không dám buông lung để hộ tự thân; huống chi Bí-sô chúng tôi đã từ bỏ việc xem nghe ca múa âm nhạc. Biết đây chính là nhân sanh ra thống khổ, lẽ nào chúng tôi lại muốn thấy nghe nữa”, vua nghe rồi càng thêm kính phục tôn giả. Lúc đó Thái tử và các thể nữ, nội cung cùng dân chúng đều tùy hỉ dâng các món ăn thượng diệu đến cúng dường các Bí-sô. Đợi chúng tăng thọ thực xong, vua ngồi trên ghế thấp ở trước tôn giả hỏi: “có nơi nào dâng cúng thức ăn thượng diệu cho năm trăm Thánh chúng như tôi hay không?”, tôn giả nói: “vua là quốc chủ cai trị trăm thành, mọi việc đều theo ý vua, dùng thức ăn thượng diệu dâng cúng năm trăm vị Tăng chưa phải là hiếm có. Trước khi tôi đến đây, ở trong tụ lạc kia, có một cô gái nhà nghèo đã tự cắt tóc mình đem bán được năm trăm tiền vàng để thiết thực cúng dường cho chúng tôi, tâm thành như vậy mới là hiếm có”, vua nghe rồi suy nghĩ: “tóc của cô gái ấy trị giá năm trăm tiền vàng, các thể nữ trong cung khó thể so được, ta nên tìm kiếm xem là người nào rồi sẽ hỏi cưới, tôn giả là bậc cao đức ta không nên hỏi”, nghĩ rồi liền bảo sứ giả: “ngươi hãy đến những nơi tôn giả đã đi đến, tìm kiếm xem cô gái cắt tóc bán được năm trăm tiền vàng để thiết thực cúng dường cho tôn giả Đại Ca-đa-diễn-na ở đâu, đó là người ta muốn gặp”. Sứ giả biết tâm ý của vua liền đi dò hỏi, cuối cùng cũng tìm được nhà của Bà-la-môn, bà mẹ bước ra hỏi: “sứ giả đến đây có việc gì?”, đáp: “tôi muốn tính việc hôn nhân cho Diệu phát, con gái bà”, bà mẹ hỏi với ai, đáp: “để sung vào gnôi hoàng hậu cho vua Mãnh quang”, bà mẹ nói: “rất tốt nhưng sính lễ không ít: đồ trang sức và chuỗi anh lạc trong ngoài đều phải đủ số năm trăm, lại được phong ấp bằng năm trăm tụ lạc thì tôi mới gả con gái”, sứ giả nghe rồi liền trở về tâu lại vua, vua nghe rồi nói: “họ đòi sính lễ bao nhiêu thảy đều cung cấp đủ”, sứ giả tuân theo lịnh vua đưa sính lễ đến nhà cô gái, chọn ngày tốt với nghi lễ đầy đủ, quân lính trước sau trang nghiêm với cờ trống rước cô dâu về. Ngay trong ngày cô dâu vào thành Ôn-thệ-ni, tất cả tai dịch đều tiêu trừ, đất nước bình yên, nhân dân an lạc; nhờ điềm lành này nên mọi người gọi Diệu Phát là phu nhân An lạc.