CĂN BẢN THUYẾT NHẤT THIẾT HỮU BỘ TỲ NẠI DA TẠP SỰ

Hán dịch: Tam tạng Pháp sư Nghĩa Tịnh đời Đường – TQ
Việt dịch: Ban phiên dịch chùa Pháp Bảo, HT Thích Tịnh Hạnh giám tu – năm 2005
Hiệu đính và nhuận văn: NS Thích nữ Như Lộc tại chùa Phổ Minh – năm 2009

 

QUYỂN 11

10. Nhiếp tụng (tiếp theo)

– Nhân duyên về Nan-đà:

Duyên khởi tại vuờn Đa căn thành Kiếp-tỷ-la, lúc đó em của Thế tôn tên là Nan-đà, thân sắc vàng ròng và có đủ ba mươi hai tướng tốt như Phật, chỉ thấp hơn Phật bốn ngón tay. Vợ của nan-đà là Tôn-đà-la, dung nghi đoan chánh, xinh đẹp tuyệt trần, ai cũng yêu mến nên Nanđà yêu thương không muốn xa lìa, tình sâu nặng cho đến trọn đời. Lúc đó Thế tôn biết thời hóa độ đã đến nên vào sáng sớm đắp y mang bát cùng thị giả A-nan vào thành khất thực, theo thứ lớp đến trước cửa cung củanan-đà. Phật dùng đại bi lực phóng ánh sáng hoàng kim chiếu vào trong cung khiến cho khắp nơi đều trở thành sắc hoàng kim. Nan-đà thấy ánh sáng này bỗng nhiên chiếu đến liền biết là do Như lai làm, sai sứ ra xem thử, sứ ra thấy Phật liền trở vào báo là Phật đang ở trước cửa. Nan-đà nghe rồi liền muốn ra nghinh đón làm lễ, Tôn-đà-la suy nghĩ: “nếu đề Nan-đà đi ra, Thế tôn chắc sẽ cho chàng xuất gia”, nghĩ rồi liền níu áo Nan-đà lại không cho đi, Nan-đà nói: “hãy buông ra, sau khi làm lễ xong anh sẽ trở vào ngay”, Tôn-đà-la nói: “chàng hãy hứa rồi mới được đi”, nói rồi liền dùng son ướt bôi lên trán củanan-đà nói rằng: “chàng hãy trở vào khi vết son này chưa khô, nếu trái lời sẽ bị phạt năm trăm tiền vàng”, Nan-đà nói được rồi vội ra cửa nghinh đón đảnh lễ Phật, kế lấy bát của Phật đem vào trong cung đựng đầy thức ăn thơm ngon rồi mang trở ra, Phật liền bỏ đi, Nan-đà đưa bát cho A-nan, Thế tôn liền hiện tướng không cho A-nan lấy bát. Nan-đà vì tôn trong sự oai nghiêm của Phật nên không dám gọi Thế tôn đứng lại mà đưa bát cho A-nan, A-nan hỏi: “hồi nãy anh nhận bát này từ ai?”, đáp là từ Phật, A-nan nói: “vậy anh nên đưa cho Phật”, đáp: “tôi không dám xúc phạm đại sư”, nói rồi liền im lặng đi theo sau Phật về đến trong tinh xá.

Phật trải tòa ngồi rồi, Nan-đà đưa bát cho Phật, Phật thọ thực xong rồi hỏi Nan-đà: “em có thể ăn cơm dư này không?”, đáp là ăn, đợi Nan-đà ăn xong, Phật hỏi: “em có thể xuất gia không?”, đáp là có thể. Do trong quá khứ khi Phật hành Bồ-tát đạo không có trái nghịch lời dạy của cha mẹ, sư trưởng và các tôn giả khác, nên đời này được quả báo không ai dám trái lời. Phật nghe Nan-đà đáp như vậy rồi liền bảo A-nan cạo tóc cho Nan-đà, A-nan lại bảo thợ cạo cạo tóc cho Nan-đà. Lúc đó Nan-đà nói với thợ cạo: “ngươi có biết không, không bao lâu nữa ta sẽ làm Lực luân vương, nếu ngươi cạo tóc của ta, sau này ta sẽ chặt cổ tay ngươi”, thợ cạo nghe rồi sợ hãi thu cất dao cạo muốn ra về, A-nan bạch Phật, Phật tự đi đến hỏi Nan-đà: “em không muốn xuất gia phải không?”, lại đáp là muốn xuất gia, Phật liền tự cầm bình nước xối lên đầu củananđà rồi bảo tịnh nhân cạo tóc, Nan-đà suy nghĩ: “ta vì kính phụng Thế tôn nên tạm xuất gia, đến chiều sẽ trở về nhà”. Đến chiều, Nan-đà tìm đường trở về nhà, Phật hóa ra một hố lớn ở giữa đường, Nan-đà thấy hố liền suy nghĩ: “ta rất nhớ Tôn-đà-la nhưng không cách gì qua được hố này, vậy còn phải xa Tôn-đà-la cho đến sáng mai, ta sẽ tìm cách trở về nhà”. Lúc đó Phật biết tâm ý của nan-đà nên bảo A-nan: “ thầy hãy đến bảo Nan-đà làm tri sự”, A-nan vâng lời Phật đến bảo Nan-đà làm tri sự, Nan-đà hỏi: “thế nào là tri sự và phải làm việc gì?”, đáp là coi ngóviệc chúng, lại hỏi coi ngó như thế nào, đáp: “hễ là tri sự thì khi các Bí-sô đi khất thực phải quét dọn trong chùa, dùng tân cù ma tô trét nền, coi giữ vật của Tăng không cho thất lạc ; nếu có việc bình luận thì nên bạch Tăng…, ban đêm đóng cửa chùa, sáng mở ra…”, Nan-đà nói: “được, tôi sẽ làm theo lời Phật dạy”. Sáng hôm sau khi các Bí-sô đắp y mang bát vào thành khất thực, Nan-đà quét dọn trong chùa nghĩ là quét xong sẽ trở về nhà. Lúc đó Phật dùng thần thông lực làm cho những nơi đã quét sạch lại đầy rác rến trở lại, nên Nan-đà quét mãi mà vẫn không sạch hết rác. Nan-đà liền nghĩ: “hãy đóng cửa rồi bỏ đi”, Phật lại dùng thần thông lực làm cho Nan đóng cửa này xong, khi đến đóng cửa khác thì cửa này lại mở ra; Nan-đà phiền muộn liền suy nghĩ: “dù giặc có phá tan chùa này cũng chẳng hại gì, khi lên làm vua ta sẽ cho xây lại trăm ngàn ngôi chùa đẹp hơn chùa này. Nay ta nên trở về nhà”. Nan-đà sợ đi đường lớn sẽ gặp Phật nên đi đường nhỏ, Phật biết nên đi đường nhỏ theo chiều ngược lại, Nan-đà nhìn thấy Phật nhưng không muốn gặp nên nấp dưới một tàng cây bên đường. Phật dùng thần thông lực khiến cho cây đưa cành cây lên cao để lộ thân hình của nan-đà rồi hỏi: “thầy đi đâu, hãy theo ta trở về”, Nan-đà hổ thẹn đi theo Phật trở về. Lúc đó Phật suy nghĩ: “người này luyến Ái vợ sâu nặng, ta nên làm phương tiện khiến cho từ bỏ”, nghĩ rồi Phật dẫn Nan-đà ra khỏi thành Kiếp-tỷ-la đi đến thành Thất-la-phiệt, trú trong vườn của Tỳ-xá-khư Lộc tử mẫu. Lúc đó Tỳ-xá-khư nghe biết em của Thế tôn tên là Nan-đà, thân sắc vàng ròng và có đủ ba muơi hai tướng tốt như Phật, chỉ thấp hơn Phật bốn ngón tay, đã cùng Phật đến đây liền suy nghĩ: “ta nên đến làm lễ để được gặp”. Sáng hôm sau, Nan-đà đắp y mang bát vào thành khất thực, theo thứ lớp đến trước nhà của Tỳ-xá-khư , Tỳ-xá-khư thấy tướng mạo củanan-đà hơn người thường liền suy nghĩ: “đây há chẳng phải là em của Phật hay sao?”, nghĩ rồi với tâm tín kính đảnh lễ, đặt tay lên chân của nan-đà. Do sự xúc chạm này nên Nan-đà với bản tánh đa dục liền sanh tâm nhiễm ô, xuất tinh rơi trên đầu của Tỳ-xá-khư . Phật dùng thần lực biến chất bất tịnh kia thành dầu thơm Tô hợp, Tỳ-xá-khư sờ lên đầu chạm dầu thơm này liền biết là do thần lực của Phật làm ra nên sanh tâm hi hữu vui mừng tán thán: “lành thay Phật đà, lành thay Đạt ma, lành thay Tăng già. Pháp luật khéo thuyết giảng thật không thể nghĩ bàn mới có thể khiến cho người đa dục như Nan-đà cũng xuất gia trong Phật pháp, chuyên tu phạm hạnh”. Lúc đó Nan-đà sanh tâm hối hận suy nghĩ không biết có phạm Tăng tàn hay không nên bạch các Bísô, các Bí-sô bạch Phật, Phật nói: “không phạm, nếu người nào nhiều dục như vậy thì nên dùng túi da bọc lại” , các Bí-sô không biết làm bằng da gì, Phật nói nên dùng ba loại da là da dê, da nai và da chuột. Lúc đó Bí-sô dùng da sống làm túi da nên có mùi hôi; Phật bảo nên thuộc da, rửa sạch phơi khô rồi mới dùng. Khi Bí-sô gặp người nữ sanh dục nhiễm, xuất tinh làm dơ hạ y, Phật bảo nên làm hai cái túi da, một cái phơi, một cái dùng. Lúc đó túi da dính nhiều tinh nên ẩm hư, Phật bảo nên dùng vật lót để phơi trên nền cát. Lại có Bí-sô sau khi dùng túi da bọc lại rồi đi thọ thực hoặc nhiễu tháp, Phật bảo nên tháo ra để ở chỗ khuất, rửa sạch tay rồi mới đi dùng cơm hay lễ kính.

Sau đó khi ngồi trên tảng đá, Nan-đà lại nhớ đến Tôn-đà-la nên vẽ hình cô lên đá, tôn giả Đại Ca-diếp đi ngang qua thấy vậy liền hỏi: “thầy đang làm gì vậy?”, đáp là đang vẽ hình Tôn-đà-la, Đại Ca-diếp nói: “này cụ thọ, Thế tôn dạy Bí-sô nên làm hai việc là thiền định và đọc tụng, thầy không làm hai việc này lại ở đây vẽ hình phụ nữ?”, Nanđà nghe rồi im lặng, Đại Ca-diếp đem việc này bạch Phật, Phật nói: “kẻ ngu si Nan-đà nhớ Tôn-đà-la nên vẽ hình cô ấy, từ nay Bí-sô không được vẽ hình, ai vẽ thì phạm tội Việt pháp”. Lúc đó các Bí-sô không dám dùng hương thoa, hương bột thoa ở tháp Phật, Phật hỏi A-nan nguyên do, A-nan bạch Phật, Phật nói: “được dùng hương thoa, hương bột thoa ở tháp Phật nhưng không được vẽ hình tượng chúng sanh. Ai làm trái thì phạm tội Việt pháp, nếu vẽ hình đầu lâu hay xương khô thì không phạm”. Lúc đó Phật suy nghĩ: “Nan-đà ngu si Ái nhiễm nên nhớ đến vợ mãi, không dứt tình xưa được, ta nên làm phương tiện khiến cho dứt tâm Ái nhiễm”, nghĩ rồi liền hỏi Nan-đà: “thầy đã từng thấy núi Hương túy chưa?”, đáp là chưa thấy, Phật bảo: “hãy nắm lấy chéo y của ta”, Nan-đà vâng lời nắm lấy chéo y. Lúc đó Phật như Nga vương bay lên hư không, đưa nan-đà đến núi Hương túy. Đến nơi, Nan-đà nhìn ngó hai bên thấy dưới một gốc cây ăn trái có một con vượn cái mù, Phật hỏi có thấy vượn mù hay không, đáp là có thấy, lại hỏi: “ý thầy thế nào, con vượn cái này so với Tôn-đà-la thì ai xinh đẹp hơn?”, đáp: “Tôn-đà-la thuộc dòng Thích ca cũng như thiên nữ, nghi dung bậc nhật, tuyệt thế vô song, con vượn này so với Tôn-đà-la không bằng một phần ngàn”, Phật lại hỏi: “thầy đã thấy thiên cung chưa?”, đáp là chưa thấy, Phật bảo: “hãy nắm lấy chéo y của ta”, Nan-đà vâng lời nắm lấy chéo y. Lúc đó Phật như Nga vương bay lên hư không, đưanan-đà đến cõi trời Tam thập tam rồi bảo Nan-đà: “thầy hãy đi tham quan các nơi trong thiên cung”. Nan-đà tham quan các nơi như vườn Hoan hỉ, vườn Thể thân, vườn Thô thân, vườn Giao hợp, Thiện pháp đường… thấy hoa trái, ao tắm và chỗ vui chơi hoan lạc trong các vườn đó thảy đều thù thắng. Khi vào trong thành Thiện kiến, Nan-đà thấy các loại nhạc khí như trống kèn… với âm thanh vi diệu, khắp nơi đều có các thiên nữ xinh đẹp vui chơi mà không thấy có thiên tử nên hỏi một thiên nữ vì sao, thiên nữ đáp: “Thế tôn có người em tên là Nan-đà theo Phật xuất gia tu phạm hạnh, sau khi qua đời sẽ sanh lên đây nên chúng tôi ở đây chờ đợi”, Nan-đà nghe rồi vui mừng trở lại gặp Phật, Phật hỏi: “thầy đã thấy những việc thắng diệu của chư thiên chưa?”, đáp là đã thấy rồi kể lại những việc trên, Phật lại hỏi có thấy thiên nữ không, đáp là đã thấy, lại hỏi: “những thiên nữ đó so với Tôn-đà-la thì ai xinh đẹp hơn?”, đáp: “Tôn-đà-la so với các thiên nữ ở đây cũng như đem con vượn mù ở núi Hương túy so với Tôn-đà-la, không bằng một phần ngàn”, Phật nói: “người tu tịnh hạnh có lợi thù thắng này, vậy thầy hãy cố tu phạm hạnh để được sanh thiên thọ hưởng những khoái lạc này”, Nan-đà nghe rồi im lặng. Sau khi trở về rừng Thệ đa, Nan-đà vì muốn sanh thiên hưởng khoái lạc nên nổ lực tu phạm hạnh, Phật biết tâm ý củanan-đà nên bảo A-nan: “thầy hãy đi thông báo với các Bí-sô là không ai được cùng với Nan-đà ngồi chung, kinh hành chung, ngồi tụng kinh chung, phơi y chung một sào, cũng không để bát và bình nước chung”, A-nan thông báo xong, các Bí-sô phụng hành theo. Lúc đó Nan-đà thấy mọi người không cùng mình sinh hoạt chung nên trong lòng cảm thấy xấu hổ, một hôm thấy A-nan cùng các Bí-sô giúp nhau may y trong phòng may, Nan-đà suy nghĩ: “các Bí-sô đều bỏ rơi ta nhưng A-nan là em ta, lẽ nào cũng bỏ rơi ta hay sao”, nghĩ rồi liền đến ngồi cạnh, A-nan liền đứng dậy tránh đi, Nan-đà hỏi: “các Bísô khác tránh ta còn được, nhưng thầy là em ta, vì sao cũng tránh ta?”, đáp: “vì anh hành đạo theo hướng khác, tôi hành đạo theo hướng khác nên phải tránh nhau”, lại hỏi: “tôi theo hướng nào còn thầy theo hướng nào?”, đáp: “anh vì muốn sanh thiên nên tu phạm hạnh, tôi vì cầu viên tịch nên trừ dục nhiễm”, Nan-đà nghe rồi càng ưu sầu. Lúc đó Phật hỏi Nan-đà: “thầy từng thấy địa ngục chưa?”, đáp là chưa thấy, Phật bảo: “hãy nắm lấy chéo y của ta”, Nan-đà vâng lời nắm lấy chéo y. Lúc đó Phật như Nga vương bay lên hư không, đưa nan-đà đến địa ngục rồi bảo Nan-đà đi tham quan các nơi. Nan-đà đến tham quan các địa ngục như Khôi hà, Kiếm thọ, Phẩn niệu, Hỏa ha … thấy trong đó chúng sanh chịu khổ như bị kìm kéo lưỡi, nhổ răng, móc mắt, thân bị cưa, tay chân bị chặt, thân bị mâu giáo đâm, bị chùy đồng đập nát, hoặc bị nước đồng sôi rót vào miệng, hoặc leo lên núi dao vào rừng kiếm, hoặc bị giã trong cối, bị nghiền dưới đá, hoặc ôm trụ đồng, nằm rên giường sắt nóng đỏ … Lại thấy chúng sanh bị đốt nấu trong chão nước sôi sùng sục chịu khổ, nhưng có một chão nước sôi sùng sục không có chúng sanh, Nan-đà lấy làm lạ hỏi ngục tốt vì sao, ngục tốt đáp: “Nan-đà em của Phật muốn sanh thiên nên tu phạm hạnh, tuy được sanh lên cõi trời tạm thời hưởng thọ hoan lạc, nhưng sau khi chết lại đọa xuống đậy ở trong chão nước sôi này thọ khổ. Vì vậy tôi nấu nước sẵn chờ”, Nan-đà nghe rồi sợ hãi đến nỗi toàn thân nổi gai ốc, đổ mồ hôi suy nghĩ: “nếu hắn biết ta chính là Nan-đà thì chắc là bắt ta bỏ vào trong chão nước sôi này”, nghĩ rồi vội chạy trở lại chỗ Phật, Phật hỏi đã thấy các cảnh trong địa ngục chưa, đáp là đã thấy rồi kể lại những việc đã thấy trên, Phật nói: “nếu nguyện sanh cõi người hay cõi trời mà tu phạm hạnh thì đều có lỗi này, vì vậy thầy nên vì cầu Niết-bàn viên tịch mà tu phạm hạnh, chớ vì ưa thích sanh thiên mà cần khổ tu phạm hạnh”, Nan-đà nghe rồi xấu hổ im lặng. Sau khi trở về rừng Thệ đa, Phật bảo Nan-đà và các Bí-sô: “có ba cấu uế bên trong, đó là tham dục, sân hận và ngu si; các thầy nên từ bỏ, nên xa lìa, nên tu học như vậy”.

Ở trong rừng Thệ đa chưa bao lâu, Thế tôn muốn tùy duyên hóa độ chúng sanh nên cùng các môn đồ du hành đến nước Chiêm ba, trụ bên bờ hồ Yết già. Lúc đó Nan-đà cùng năm trăm Bí-sô cũng đi theo đến chỗ Phật đảnh lễ rồi ngồi một bên, Phật bảo Nan-đà và các Bí-sô: “ta có pháp yếu ban đầu, khoảng giữa và sau cùng đều thiện, văn nghĩa xảo diệu, thuần nhất không tạp, đầy đủ tướng phạm hạnh trong sạch, đó là kinh Vào thai mẹ. Các thầy lắng nghe:

Này Nan-đà, tuy có thai mẹ nhưng có trường hợp nhập và không nhập. Như thế nào là thọ sanh vào thai mẹ? Nếu cha mẹ có tâm dâm cùng giao hội, bụng người mẹ thanh tịnh, khi đến nguyệt kỳ Trung uẩn hiện tiền thì biết lúc đó gọi là Vào thai mẹ. Thân Trung uẩn (Trung ấm, Trung hữu) có hai: một là xinh đẹp, hai là xấu xí. Trung hữu của địa ngục có dung mạo xấu xí như khúc cây cháy đen, Trung hữu của bàng sanh có sắc như khói, Trung hữu của ngạ quỷ có sắc như nước, Trung hữu của người trời có sắc vàng kim, Trung hữu của sắc giới có sắc tươi trắng, cõi Vô sắc giới vốn không có sắc nên không có Trung hữu. Trung uẩn của hữu tình có hai tay hai chân hoặc bốn chân, nhiều chân hoặc không chân; tùy theo nghiệp đời trước thác sanh vào cõi nào mà cảm thọ thân Trung hữu ứng với cõi ấy. Nếu Trung hữu cõi trời thì đầu hướng lên; Trung hữu cõi người, bàng sanh và ngạ quỷ thì đi ngang ; Trung hữu cõi địa ngục thì đầu chúc xuống. Các Trung hữu đều có thần thông nương theo hư không mà đi, cũng có thiên nhãn thấy chỗ thác sanh từ xa. Nguyệt kỳ là thời kỳ nạp thai, có những người nữ trải qua ba ngày hoặc năm ngày, nửa tháng… cũng có người phải chờ đợi lâu mới có nguyệt kỳ. Nếu người nữ không có uy thế thì phải chịu nhiều đau khổ, hình dung xấu xí, ăn uống không ngon, nguyệt kỳ có đến nhưng lại dứt ngay, như đất khô dù rưới nước cũng rất mau khô. Nếu người nữ có uy thế thì thường an lạc, hình dung xinh đẹp, ăn uống ngon, nguyệt đến sẽ không dứt liền, như đất ẩm, rưới nước sẽ lâu khô. Như thế nào là không nhập thai?: khi người cha xuất tinh mà người mẹ không xuất tinh hoặc mẹ xuất tinh mà cha không xuất tinh hoặc cả hai đều không xuất tinh thì không nhập thai. Nếu người mẹ không thanh tịnh, người cha thanh tịnh hoặc mẹ thanh tịnh, cha không thanh tịnh, hoặc cả hai đều không thanh tịnh thì cũng không nhập thai. Nếu căn môn của người mẹ bị bịnh như bịnh phong, bịnh vàng, bịnh đàm ấm… hoặc uống thuốc, eo quá nhỏ, hoặc sản môn như miệng ngựa, hoặc bên trong như cây nhiều rễ, hoặc như đầu lưỡi cày hoặc như dây leo, hoặc như lá cây; hoặc trên bụng dưới bụng quá sâu, hoặc không có dạ con, hoặc thường chảy máu, hoặc như mỏ quạ thường mở không khép, hoặc trên dưới bốn bên không bằng nhau, hoặc cao thấp lồi lõm ; hoặc bên trong có trùng ăn làm cho hư hoại bất tịnh… thì người mẹ không thể thọ thai. Nếu cha mẹ tôn quý mà thân Trung hữu ty tiện hoặc thân Trung hữu tôn quý mà cha mẹ ty tiện cũng không thành thai. Nếu cha mẹ và thân Trung hữu đều tôn quý nhưng nghiệp không hòa hợp thì cũng không thành thai, hoặc thân trung hữu đối với cảnh trước không luyến Ái nam hay nữ thì cũng không thọ sanh. Như thế nào thì Trung hữu vào thai mẹ? Nếu bụng người mẹ thanh tịnh, Trung hữu hiện tiền thấy cha mẹ làm việc dâm, người mẹ không có các bịnh kể trên, đối ới cha mẹ có nghiệp lực cảm ứng thì Trung hữu mới nhập thai. Nếu khi nhập thai, thân Trung hữu là nam thì sẽ luyến Ái với mẹ mà ghét cha ; nếu là nữ thì sẽ luyến Ái với cha mà ghét mẹ. Đối với các nghiệp đã tạo trong đời trước liền sanh vọng tưởng và hiểu sai như tưởng lạnh, gió lớn, mưa to, mây mù… hoặc nghe tiếng của nhiều người cải nhau; sanh các vọng tưởng này rồi tùy nghiệp mạnh yếu mà phát sinh mười vọng tưởng, đó là ta đang vào nhà, ta sắp lên lầu, ta lên đài điện, ta lên giường tòa, ta vào thảo am, ta vào nhà lá, ta vào bụi cỏ, ta vào trong rừng cây, ta vào trong khe tưởng hở, ta vào trong hàng rào.

Khi thân Trung hữu có các vọng tưởng này liền vào thai mẹ.

Này Nan-đà, khi vừa thọ thành thai gọi là Yết-la-lam, Yết-lalam chính là tinh cha huyết mẹ, do tinh cha huyết mẹ làm nhân duyên hòa hợp để thức nương dựa tồn tại. Như nhân công đổ sữa vào bình rồi khuấy đều không ngững sẽ được tô, nếu làm khác thì sẽ không được tô ; thân Yết-la-lam sanh do tinh cha huyết mẹ cũng như vậy. Lại có bốn ví dụ : một là như trùng dựa vào cỏ xanh mà sanh ra, cỏ không phải trùng nhưng trùng không lìa cỏ, dựa vào cỏ làm nhân duyên hòa hợp mà trùng sanh ra có sắc xanh; thân Yết-la-lam sanh do tinh cha huyết mẹ cũng như vậy, nhân duyên hòa hợp sanh đại chủng căn. Hai là như trùng dựa vào phân bò mà sanh ra, phân bò không phải trùng nhưng trùng không lìa phân bò, dựa vào phân bò làm nhân duyên hòa hợp mà trùng sanh ra có sắc vàng; thân Yết-la-lam sanh do tinh cha huyết mẹ cũng như vậy, nhân duyên hòa hợp sanh đại chủng căn. Ba là như trùng dựa vào gai mà sanh ra, gai không phải trùng nhưng trùng không lìa gai, dựa vào gai làm nhân duyên hòa hợp mà trùng sanh ra có sắc đỏ; thân Yết-la-lam sanh do tinh cha huyết mẹ cũng như vậy, nhân duyên hòa hợp sanh đại chủng căn. Bốn là trùng dựa vào lạc mà sanh ra… như trên cho đến câu trùng sanh ra có sắc trắng; thân Yết-la-lam sanh do tinh cha huyết mẹ cũng như vậy, nhân duyên hòa hợp sanh đại chủng căn.

Lại nữa nan-đà, nương vào thân Yết-la-lam bất tịnh của cha mẹ, địa giới hiện tiền có tánh cứng, thủy giới hiện tiền có tánh ướt, hỏa giới hiện tiền có tánh nóng, phong giới hiện tiền có tánh nhẹ động. Thân Yết-la-lam bất tịnh của cha mẹ nếu chỉ có địa giới không có thủy giới thì khô và bị phân tán, như tay cầm bột tro khô; nếu chỉ có thủy giới mà không có địa giới thì ly tán như giọt dầu trên nước; do thủy giới nên địa giới không rã, do địa giới nên thủy giới không bị trôi. Nếu thân Yết-lalam có địa thủy giới mà không có hỏa giới thì bị hư nát, như mùa hạ để cục thịt nơi chổ râm mát. Nếu thân Yết-la-lam có địa thủy hỏa giới mà không có phong giới thì không thể tăng trưởng to lớn; chúng đều do nghiệp đời trước làm nhân lại lẫn nhau làm duyên, cùng chiêu cảm nhau nên thức được sanh. Địa giới nâng đỡ, thủy giới kết dính, hỏa giới làm chín, phong giới làm tăng trưởng; ví như có người điều chế đường, dùng hơi thổi vào làm cho phòng lên nhưng bên trong trống rỗng như ngó sen. Địa thủy hỏa phong trong thân do nghiệp lực tăng trưởng cũng như vậy. Chẳng phải chỉ có chất bất tịnh của cha mẹ, cũng chẳng phải bụng mẹ, cũng chẳng phải nghiệp này, chẳng phải nhân hay duyên mà phải do tất cả duyên này hòa hợp mới thành thai. Như hạt giống mới không bị gió nắng làm hư hoại, chắc mà kông lép, được cất giữ đúng cách rồi đem gieo xuống ruộng tốt, đủ độ ẩm… các duyên hòa hợp thì hạt mới nẩy mầm và theo thứ lớp phát triển thành cành lá hoa trái. Vì vậy nên biết không phải chỉ có cha, mẹ hay các duyên khác mà thành thai; phải do tinh cha huyết mẹ… các nhân duyên hòa hợp mới thành thai. Như có người tìm lửa, đem ngọc nhật quang để dưới ánh mặt trời, trên phân bò khô thì lửa mới phát sanh; cũng vậy do tinh cha huyết mẹ… các nhân duyên hòa hợp mới thành thai. Chất bất tịnh của cha mẹ hòa hợp thành Yết-la-lam gọi là Sắc, thọ tưởng hành thức gọi là Danh, hợp lại gọi là Danh sắc. Uẩn tụ danh sắc đáng chán ghét này gá sanh các Hữu, cho đến một sát na nhỏ nhất ta cũng không tán thán nó, vì sao, vì sanh trong các Hữu là đại khổ. Ví như phẩn uế dù chút ít cũng hôi thối, vì vậy nên biết sanh trong các Hữu là đại khổ. Năm Thủ uẩn sắc thọ tưởng hành thức này đều có sanh trụ tăng trưởng cho đến hoại diệt; sanh là khổ, trụ là bịnh, tăng trưởng hoại diệt là già chết. Vì vậy ở trong biển Hữu, ai lại sanh yêu thích, nằm trong thai mẹ thọ đại khổ não này.

Lại nữa nan-đà, nên biết bất cứ ai nhập thai, nói chung là có ba mươi tám lần bảy ngày:

Trong bảy ngày đầu, thai trong bụng mẹ gọi là Yết-la-lam, thể trạng như cháo lỏng hay như lạc tương nằm trong cái nồi, thân căn và thức cùng ở một chỗ bị nung nấu nóng bức rất là khổ não. Trong bảy ngày bị nung nấu, tánh cứng của địa giới, tánh ướt của thủy giới, tánh nóng của Hỏa giới, tánh động của phong giới mới hiện tiền.

Trong bảy ngày thứ hai, trong bụng mẹ có gió tự nổi lên gọi là Biến xúc do nghiệp đời trước sanh ra, xúc chạm vào thai gọi là Yên bộ đà, dạng như lạc hay tô; trong bảy ngày bị nung nấu nên bốn giới hiện tiền.

Trong bảy ngày thứ ba, trong bụng mẹ lại có gió tên là Dao cắt miệng do nghiệp đời trước sanh ra, xúc chạm vào thai gọi là Bế thi, dạng như đũa sắt hay giun; trong bảy ngày này bốn giới hiện tiền.

Trong bảy ngày thứ tư, trong bụng mẹ lại có gió tên là nôi khai do nghiệp đời trước sanh ra, thổi vào thai như tên bắn gọi là Kiện nam, dạng như chiếc hài hay Ôn thạch; trong bảy ngày này bốn giới hiện tiền.

Trong bảy ngày thứ năm, trong bụng mẹ lại có gió tên là Nhiếp trì, khi xúc chạm vào thai thì có năm tướng hiện ra, đó là hai bắp tay, hai đùi và đầu. Như mùa xuân, trời mưa nước ngọt, rừng cây phát triển cành là rậm rạp; năm tướng này hiện cũng như vậy.

Trong bảy ngày thứ sáu, trong bụng mẹ lại có gió tên là Quảng đại, khi xúc chạm vào thai thì có bốn tướng hiện ra, đó là hai khuỷu tay và hai đầu gối. Như mùa xuân trời mưa, cỏ Di phát triển thành cọng; bốn tướng này hiện cũng như vậy.

Trong bảy ngày thứ tám, trong bụng mẹ có gió tên là Toán chuyển, khi xúc chạm vào thai thì có bốn tướng hiện ra, đó là hai bàn tay và hai bàn chân; bốn tướng này như bọt tụ hay như rêu nước.

Trong bảy ngày thứ tám, trong bụng mẹ lại có gió tên là Phiên chuyển, khi xúc chạm vào thai thì có hai mưới tướng hiện ra, đó là mười ngón tay và mười ngón chân. Như trời mưa mới, rễ cây mọc ra.

Trong bảy ngày thứ chín, trong bụng mẹ có gió tên là Phân tán, khi xúc chạm vào thaithì có chín tướng hiện ra, đó là hai mắt, hai tai, hai mũi, miệng và hai chỗ đại tiểu.

Trong bảy ngày thứ mười, trong bụng mẹ lại có gió tên là Kiên tiên làm cho thai nhi cứng chắc ; trong bảy ngày này, trong bụng mẹ lại có gió tên là Phổ môn thổi phồng thai tạng lên, như cái pháo được thổi đầy khí.

Trong bảy ngày thứ mười một, trong bụng mẹ lại có gió tên là Sơ thông, khi xúc chạm vào thai làm cho thai thông suốt, chín lỗ hiện ra. Khi mẹ đi đứng, nằm ngồi hay làm việc… gió này xoay chuyển theo các lỗ làm cho các lỗ lớn dần lên; nếu thổi lên thì thông lỗ trên, nếu thổi xuống thì thông lỗ dưới. Như người thợ rèn dùng ống bễ quạt thổi khí lên xuống, gió thổi qua rồi tự ẩn mất.

Trong bảy ngày thứ mười hai, trong bụng mẹ có gió tên là Khúc khẩu thổi vào hai bên thai làm cho bụng lớn nhỏ, cũng như tơ sen quấn theo thân mà trụ. Trong bảy ngày này lại có gió tên là Xuyên phát làm cho thai phát sanh đúng một trăm ba mươi tiết, lại do sức gió làm thành một trăm lẻ một chỗ cấm.

Trong bảy ngày thứ mười ba, trong bụng mẹ do sức gió trước nên thai nhi biết đói khát, khi mẹ ăn uống, những chất bổ dưỡng sẽ theo cuống rốn dẫn vào để nuôi lớn thai nhi.

Trong bảy ngày thứ mười bốn, trong bụng mẹ có gió tên là Tuyến khẩu làm cho thai nhi mọc ra một ngàn sợi gân, ở thân trước có hai trăm năm mươi sợi, bên phải có hai trăm năm mươi sợi, bên trái cũng có hai trăm năm mươi sợi.

Trong bảy ngày thứ mười lăm, trong bụng mẹ có gió tên là Liên hoa làm cho thai nhi hình thành hai mươi mạch máu để hấp thụ chất bổ dưỡng, thân trước có năm mạch, thân sau có năm mạch, bên phải có năm, bên trái có năm. Các mạch này có nhiều tên và nhiều sắc, hoặc tên là Bạn, hoặc tên là Lực, Thế sắc…; với các sắc như xanh vàng đỏ trắng… hay màu xen tạp. Hai mươi mạch này, mỗi mạch có bốn mươi mạch phụ hợp thành tám mươi mạch để hấp thụ khí; thân trước, thân sau và hai bên mỗi nơi có hai trăm mạch. Tám mươi mạch này lại có trăm đường mạch phụ hợp thành tám vạn; thân trước, sau và hai bên mỗi nơi có hai vạn. Tám vạn mạch này có nhiều lỗ, từ một cho đến bảy lỗ, mỗi lỗ nối tiếp với lỗ chân lông, như ngó sen có nhiều lỗ.

Trong bảy ngày thứ mười sáu, trong bụng mẹ lại có gió tên là Cam lộ hành có thể làm phương tiện hình thành chỗ hốc mắt, hai tai, hai mũi, cuống họng, ngực và ức của thai nhi; lại làm cho thức ăn dẫn vào có chỗ chứa giữ và làm cho thông hơi thở ra vào. Như người thợ gốm lấy cục đất nhuyễn đạt trên bàn quay, tùy hình dạng của vật mà nắn làm cho không sai lạc; trong bảy ngày này do sức gió nghiệp sắp xếp các chỗ như mắt, tai… cho đến làm cho thông hơi thở ra vào.

Trong bảy ngày thứ mười bảy, trong bụng mẹ lại có gió tên là Mao phất khẩu làm cho chất dinh dưỡng vào trong thai, qua mắt tai mũi miệng… của thai nhi một cách trơn tru và làm cho thông hơi thở ra vào. Ví như người thợ giỏi dùng dầu và tro hay đất mịn để chùi tấm kính bị bụi làm ố làm cho sạch; trong bảy ngày này do sức của gió nghiệp sắp xếp các chỗ… không có trở ngại.

Trong bảy ngày thứ mười tám, trong bụng mẹ lại có gió tên là Vô cấu làm cho sáu căn của thai nhi sáng sạch. Như mây che nhật nguyệt, có gió mạnh thổi tan mây làm cho nhật nguyệt sáng soi; trong bảy ngày này do sức gió nghiệp làm cho sáu căn sáng sạch cũng như thế.

Trong bảy ngày thứ mười chín, thai nhi trong bụng mẹ hình thành bốn căn là mắt tai mũi lưỡi; khi mới nhập thai đã có ba căn là thân mạng ý.

Trong bảy ngày thứ hai mươi, trong bụng mẹ lại có gió tên là Kiên cố nương vào thai làm cho chân trái sanh ra hai mươi đốt xương ngón chân, chân phải cũng sanh ra hai mươi đốt xương, gót chân bốn đốt xương, bắp tay hai đốt xương, đầu gối hai đốt xương, bắp đùi hai đốt xương, bàn tọa ba đốt xương, xương sống mười tám đốt xương, xương sườn hai mươi bốn đốt xương, bàn tay trái hai mươi đốt xương, bàn tay phải hai mươi đốt xương, cổ tay hai đốt xương, cánh tay bốn đốt xương, ngực bày đốt xương, vai bảy đốt xương, cổ sau bốn đốt xương, cằm hai đốt xương; răng có ba mươi hai cái, sọ có bốn đốt xương, Như người thợ đúc tượng, trước dùng gỗ cứng làm tướng trạng, sau đó quấn dây chung quanh rồi đắp đất nắn hình tượng; do sức gió nghiệp sắp xếp các đốt xương cũng như vậy. Trong đây có khoảng hai trăm đốt xương lớn, còn lại đều là xương nhỏ.

Trong bảy ngày thứ hai mươi mốt, trong bụng mẹ có gió tên là Sanh khởi làm cho trên thân thai nhi sanh thịt, như người thợ hồ trộn hồ trước rồi mới tô lên vách; do sức gió nghiệp sanh ra thịt cũng như vậy.

Trong bảy ngày thứ hai mươi hai, trong bụng mẹ có gió tên là Phù lưu làm cho trong thân thai nhi sanh máu. Trong bảy ngày thứ hai mươi ba, trong bụng mẹ có gió tên là Tịnh trì làm cho trên thân thai nhi sanh da. Trong bảy ngày thứ hai mươi bốn, trong bụng mẹ có gió tên là Tư mạn làm cho da dẻ trên thân thai nhi trơn láng. Trong bảy ngày thứ hai mươi lăm, trong bụng mẹ có gió tên là Trì thành làm cho máu thịt trong thân thai nhi tươi nhuận. Trong bảy ngày thứ hai mươi sáu, trong bụng mẹ có gió tên là Sanh thành làm cho trên thân thai nhi mọc tóc, lông, móng tay, móng chân liên kết với các mạch máu trong thân. Trong bảy ngày thứ hai mươi bảy, trong bụng mẹ có gió tên là Khúc nghiệp làm cho tóc lông, móng tay, móng chân của thai nhi được thành tựu.

Này Nan-đà, nếu nghiệp đời trước của thai nhi là keo kiệt biển lận tiền tài, chấp chặt không thí xả; không vâng lời cha mẹ, sư trưởng; thân miệng ý tạo nghiệp bất thiện ngày đêm tăng trưởng thì thọ quả báo nếu sanh trong cõi người thì không được vừa ý như sau: nếu người đời cho dài là đẹp thì họ ngắn, cho ngắn là đẹp thì họ dài; nếu cho thô to là đẹp thì họ nhỏ bé, cho nhỏ bé là đẹp thì họ thô to …; nếu người đời thích mập thì họ ốm gầy, thích ốm gầy thì họ lại mập; thích trắng thì họ đen, thích đen thì họ trắng… Lại do nghiệp ác chiêu cảm ác báo như đui điếc câm ngọng, ngu si, xấu xí, ngôn ngữ nói ra mọi người không thích nghe, tay chân cong vẹo, hình dáng như ngạ quỷ, người thân còn không thích nhìn huống chi người khác. Do ba nghiệp bất thiện này nên nói ra lời gì mọi người không tin và không để ý đến. Ngược lại nếu đời trước thai nhi có tu tập phước nghiệp, thích bố thí thương xót người nghèo, không có tâm tham lam bỏn xẻn tài vật… Thiện nghiệp này ngày đêm tăng trưởng thọ quả báo nếu sanh trong cõi người thì được vừa ý như sau: nếu người đời cho dài là đẹp thì họ được dài, cho ngắn là đẹp thì họ được ngắn… cho đến dung mạo đoan chánh ai cũng thích nhìn và yêu mến, các căn đầy đủ, lời nói rõ ràng, âm thanh hòa nhã… Do ba thiện nghiệp này nên nói ra lời gì mọi người đều tin nhận và để ý đến. Lại nữa nan-đà, nếu thai nhi là nam thì ngồi bên hông phải của mẹ, hai tay ôm mặt hướng vào xuông sống của mẹ; nếu là nữ thì ngồi bên hông trái của mẹ, hai tay ôm mặt hướng vào bụng mẹ; ở dưới Sanh tạng, ở trên Thục tạng, bị sanh vật đè xuống, bị Thục vật đẩy lên như trói năm vọc để trên cọc nhọn, mẹ ăn nhiều hay ít đều khiến thai nhi khổ não. Nếu mẹ ăn chất béo quá hay cứng quá, lạnh quá hay nóng quá… thai nhi đều thống khổ. Nếu mẹ hành dục, hay đi nhanh, ngôi chỗ nguy hiểm hoặc ngồi lâu, nằm lâu… thai nhi đều thống khổ. Thai nhi ở trong bụng mẹ chịu các khổ não như thế, bức bách thân không thể nói hết. Thọ sanh trong loài người còn chịu khổ như thế huống chi là thọ khổ nạn trong ba đường ác thì khó ví dụ được. Vì thế nên Nan-đà, ai là người có trí lại thích ở trong biển khổ sanh tử thọ vô biên ách nạn như thế.

Trong bảy ngày thứ hai mươi tám, thai nhi trong bụng mẹ khởi tám tướng điên đảo; đó là tưởng nhà, xe, vườn, lầu gác, rừng cây, giường tòa, sông, ao đều là do vọng tưởng phân biệt chứ không thật có.

Trong bảy ngày thứ hai mươi chín, trong bụng mẹ có gió tên là Hoa điều thổi vào thai nhi làm cho thân sắc trở nên tươi sáng; hoặc do nghiệp lực làm cho đen đúa, hoặc xanh hoặc xen lẫn vớí các sắc khác, hoặc làm cho khô xấu không tươi sáng. Như vậy đen hay trắng đều là tùy nghiệp mà hiện.

Trong bảy ngày thứ ba mươi, trong bụng mẹ có gió tên là Thiết khẩu thổi vào thai nhi làm cho tóc lông, móng tay móng chân tăng trưởng và có sắc trắng hay đen cũng đều tùy nghiệp mà hiện.

Trong bảy ngày thứ ba mươi mốt, thai nhi trong bụng mẹ lớn dần cho đến ngày thứ ba mươi bốn thì thành to lớn. Trong bảy ngày thứ ba mươi lăm, các chi trên thân thai nhi đều đầy đủ. Trong bảy ngày thứ ba mươi sáu, thai nhi không thích ở trong bụng mẹ nữa. Trong bảy ngày thứ ba mươi bảy, thai nhi bỗng khởi ba tưởng không điên đảo ; đó là tưởng bất tịnh, tưởng xú uế và tưởng tối tăm.

Trong bảy ngày thứ ba mươi tám, trong bụng mẹ cógió tên là Lam hoa làm cho thai nhi chuyển thân trở xuống, duỗi thẳng hai tay hướng về sản môn. Lại có gió tên là Thú hạ làm cho thai nhi quay đầu xuống dưới, chân hướng lên trên để ra khỏi sản môn. Này Nan-đà, nếu đời trước thai nhi có tạo ác nghiệp như làm cho người sảy thai thì do nhân duyên này, khi sắp sanh ra tay chân ngang ngược không có xuôi chiều nên chết ở trong bụng mẹ. Lúc đó người nữ có trí hoặc thầy thuốc giỏi dùng dầu ấm, nước vỏ cây Du và các chất trơn bôi lên tay rồi dùng ngón tay kẹp con dao nhỏ bén nhọn đưa vào bên trong bụng mẹ để cắt lấy thai nhi ra ngoài; trong bụng mẹ giống như hầm phẩn hôi hám với vô số vi trùng, tinh huyết lầy nhầy với lớp da mỏng bao bọc bên ngoài. Lúc đó người mẹ chịu đau khổ vô cùng và vì thế mà qua đời, nếu còn sống cũng không khác gì chết. Ngược lại nếu thai nhi nhờ vào thiện nghiệp đã làm thì dù có điên đảo cũng không làm tổn hại mẹ, an ổn sanh ra và không chịu đau khổ; nếu là người bình thường thì không có các ách nạn này. Trong bảy ngày thứ ba mươi tám này, người mẹ khi sắp sanh chịu nhiều đau đớn, tưởng chừng sắp chết mới sanh ra thai nhi.

Này Nan-đà, thầy hãy quán kỹ để cầu xuất ly.