CĂN BẢN THUYẾT NHẤT THIẾT HỮU BỘ TỲ NẠI DA TẠP SỰ

Hán dịch: Tam tạng Pháp sư Nghĩa Tịnh đời Đường – TQ
Việt dịch: Ban phiên dịch chùa Pháp Bảo, HT Thích Tịnh Hạnh giám tu – năm 2005
Hiệu đính và nhuận văn: NS Thích nữ Như Lộc tại chùa Phổ Minh – năm 2009

 

QUYỂN 9

4. Nhiếp tụng trong Biệt môn thứ hai (tt):

Lúc đó vua Ác sanh nói với Khổ mẫu: “các Thích tử đóng cửa thành và ở trên thành phòng thủ, chúng ta làm cách nào tru diệt họ được?”, Khổ mẫu nói: “đối với các thành lớn chúng ta nên khéo dùng mưu mới diệt được họ. Thần nghe các vị cổ tiên nói có năm việc quyết định thắng, đó là:

Giao hảo, ngầm hối lộ,
Lừa gạt, dùng kế độc,
Sau đó dùng binh lực,
Là việc của người trí.

Trong năm việc này, chúng ta nên dùng cách lừa gạt, sai sứ mang lịnh vua đến nói với họ rằng: “đối với các vị ta không có ác ý, có việc cần bàn nên muốn vào thành, xin các vị mở cửa cho tạm gặp rồi sẽ trở ra ngay, không dám ở lâu”. Vua liền sai sứ đến nói theo lời của Khổ mẫu, người trong thành bàn với nhau nên cho vào hay không nên cho vào ; có người nói nên, có người nói không nên, có người nói nên bắt thăm để lấy ý kiến của đa số. Lúc đó Ma vương suy nghĩ: “ta thường theo rình tìm sơ xuất của Sa môn Kiều-đáp-ma nhưng không tìm được, nay chính là lúc ta nên hại quyến thuộc của ông ta”, nghĩ rồi ma vương hóa thành một Thích tử già ngồi trên ghế cao bắt thăm trước. Mọi người thấy rồi liền nói với nhau: “bậc kỳ túc đã rút thăm, vì sao chúng ta không rút”, nói rồi liền rút thăm. Kết quả số thăm nên cho vào nhiều hơn nên họ mở cửa thành cho vào. Khi đã vào được trong thành, vua Ác sanh liền ra lịnh tàn sát các Thích tử không thương xót, Thích tử Đại danh thấy việc này rồi, vì thương xót thân quyến nên chạy đến chỗ vua Ác sanh với đầu tóc rối tung nói rằng: “xin vua cho tôi một ước nguyện”, hỏi là nguyện gì, đáp: “xin vua hãy thí vô úy cho Thích chủng”, vua nói: “ta không tha cho các Thích tử khác, nhưng quyến thuộc của ngươi thì được tùy ý ra đi”, Thích tử Đại danh nói: “tôi sẽ lặn xuống đáy hồ, trong lúc tôi chưa nổi lên, xin vua cho quyến thuộc của tôi được chạy thoát”, vua nghe rồi liền nhìn quần thần, quần thần tâu: “Thích tử Đại danh là bạn của tiên vương, vua nên cho ông ấy được như nguyện”, vua nói: “vậy thì hãy cho họ tùy ý chạy đi trong thời gian ngắn”. Được vua chấp thuận, Đại danh trong lòng áo não thương xót nhìn quyến thuộc rồi nhảy xuống hồ lặn xuống đáy, lấy tóc của mình cột vào một gốc cây và chết ở đó. Lúc đó những người trong dòng Thích không cọng nghiệp trong quá khứ thì chạy ra khỏi thành hoặc đến nước Mạt la, hoặc nước Nê ba la hoặc đến các tụ lạc thành ấp khác. Những người cọng nghiệp trong quá khứ thì không thể chạy ra khỏi thành, đến cửa Đông lại chạy trở vào cửa Nam, đến cửa Nam lại chạy trở vào cửa Tây, đến cửa Tây lại chạy trở vào cửa Bắc, đến cửa Bắc lại chạy trở vào cửa Đông. Quần thần thấy vậy liền tâu vua: “không hiểu vì sao họ chạy ra đến cửa thành lại trở vào lại”, vua hỏi quần thần: “hãy xuống xem vì sao Đại danh lại lặn lâu như vậy”, binh lính xuống đáy hồ xem thì thấy Đại danh đã chết. Vua nghe nói Đại danh chết dưới đáy hồ liền nổi giận bảo quần thần: “hãy làm tòa cao để ta lên trên đó tận mắt nhìn thấy máu của dân trong thành này chảy tràn ngập khắp nơi; nếu không như thế thì ta không rời khỏi tòa này”. Lúc đó quần thần nói với nhau: “vua Ác sanh gây tội ác muốn thấy máu chảy tràn ngập, nhưng làm sao có thể được như vậy. Chúng ta lấy chất khoáng màu đỏ tía nấu ra nước đỏ rồi đem tưới khắp nơi, nhìn không khác gì là máu chảy”, nói rồi liền làm như vậy, vua Ác sanh nhìn thấy cho là máu chảy liền suy nghĩ: “ta đã được thỏa mãn, nay nên rút binh trở về”. Trong trận chiến này, kẻ ngu si Ác sanh đã giết oan bảy vạn bảy ngàn người họ Thích, trong số đó có nhiều người đã Kiến đế. Vua Ác sanh khi rút quân dẫn theo năm trăm đồng nam và năm trăm đồng nữ họ Thích đến một khu vườn là trú xứ của ngoại đạo, Khổ mẫu hỏi vì sao không giết chết, vua hỏi nên giết như thế nào, đáp là cho voi giày đạp. Trong số năm trăm Thích tử này có người khỏe mạnh đánh voi ngã, Khổ mẫu thấy rồi liền tâu vua: “những Thích tử khỏe mạnh này nếu thả ra, họ sẽ gây bất lợi cho Đại vương”, vua hỏi nên giết họ như thế nào, đáp: “nên đào hố chôn sống, cho đầu ló lên rồi dùng sắt đóng”. Lúc đó có hai Thích tử chạy đến chỗ Phật, Phật muốn cho mọi người biết nghiệp báo là thật có nên dùng thần lực hóa ra cái bát lớn cho họ ẩn nấp, nhưng họ vẫn chết ở trong bát. Lúc đó Phật cảm thấy đau đầu nên bảo A-nan mang bát đầy nước đến, hai ba giọt mồ hôi trên cổ Phật nhỏ vào trong bát nước này khiến nước bốc khói và phát ra tiếng kêu như bỏ sắt nóng vào nước. Lúc đó vua Ác sanh để một người ở lại thám thính nói rằng: “nếu người nghe thấy Phật nói gì thì hãy trở về báo lại”, nói rồi dẫn năm trăm Thích nữ về nước. Các Bí-sô thấy việc này rồi đều có nghi thỉnh hỏi Phật: “Thế tôn do nghiệp gì mà bị đau đầu, các Thích tử trong thành Kiếp-tỷ-la đã tạo nghiệp gì mà nay tuy không phạm tội lại bị vua Ác sanh tru diệt?”, Phật bảo A-nan: “thầy hãy thông báo các Bí-sô tập họp, cùng ta đi đến vườn của ngoại đạo để nghe ta nói nhân duyên của túc nghiệp khiến cho kẻ ngu Ác sanh tàn sát Thích chủng”, tôn giả A-nan vâng lời Phật đi thông báo. Phật cùng đại chúng đi đến vườn ngoại đạo, một Bà-la-môn ở giữa đường gặp Phật liền nói: “Sa môn Kiều-đáp-ma, kẻ ngu Ác sanh đã tạo nghiệp ác, giết oan Thích chủng vô tội”, Phật nói: “đúng vậy, kẻ ngu Ác sanh đã tạo nghiệp ác, giết oan Thích chủng vô tội”. Đến nơi Phật thấy các Thích tử bị sắt đóng đang thoi thóp, họ thấy Phật đều kêu khóc, Phật ở một bên trải tọa cụ ngồi xuống rồi bảo các Bí-sô: “các Thích tử này quá khứ là những người đánh cá đã giết hại loài thủy tộc, chúng rên la cũng giống như các Thích tử ngày nay. Các thầy có từng nghe thợ săn đồ tễ để tự nuôi sống mà có voi ngựa xe uy nghiêm hùng mạnh hay không ?, đáp là chưa từng nghe, Phật nói: “lành thay các Bí-sô, ta cũng chưa từng nghe, vì sao, vì khi kẻ đồ tễ tội ác giết hại loài vật, con vật bị giết sẽ nhìn người giết nó bằng ác nhãn thì kẻ tạo nghiệp ác này không thể có được voi ngựa xe hùng mạnh và tài sản phong phú. Huống chi kẻ ngu Ác sanh đã giết hại các vị Hữu học có đủ oai đức, trì giới thanh tịnh mà lại có được voi ngựa xe uy nghiêm hùng mạnh và được an lạc trụ thì không có lý đó. Các thầy nên biết ví như rồng độc quay nhìn đến nơi đâu thì nơi đó sẽ bị tiêu diệt, thành Kiều-tát-la cũng vậy; sau bảy ngày nữa kẻ ngu Ác sanh và Khổ mẫu sẽ bị lửa đốt cháy kêu khóc vang trời, sau khi chết bị đọa vào địa ngục Vô gián chịu khổ não vô cùng. Vì vậy, đối với cây khô còn không nên có tâm ác huống chi là đối với chúng sanh”. Lúc đó các Bí-sô đều có nghi thỉnh hỏi Phật: “năm trăm Thích tử này đã tạo nghiệp gì, do nghiệp lực này nên nay bị kẻ ngu Ác sanh giết oan; lại do nghiệp gì khi họ bị giết hại, Phật bị đau đầu?”, Phật nói: “các thầy lắng nghe nghiệp của các Thích tử và của ta đã làm, đã tạo nghiệp rồi, theo thời gian nghiệp ấy tăng trưởng thần thục, duyên biến hiện tiền như bộc lưu (thác nước) không thể chảy ngược lại, quyết định phải chiêu lấy quả báo không ai có thể thọ thay…

Quá khứ, ở bên bờ sông có năm trăm ngư dân thấy có hai con cá từ biển bơi vào sông rồi ngoi lên mặt nước, họ vui mừng thả lưới lớn để bắt. Bắt được rồi, thấy cá quá lớn liền nói với nhau: “cá to quá, nếu giết hết cả hai, thịt dùng không hết sẽ bị ươn”, một người nói: “giết một con, còn một con cột dưới nước”, một người nói: “cả hai đều lớn, dù giết một con, thịt dùng không hết cũng bị ươn. Nên cột cả hai dưới nước, khi nào cần thịt ăn thì cắt lấy để ăn, như vậy thịt mới tươi sống”, mọi người đồng ý và cứ cắt thịt ăn từ từ, cá đau đớn kêu rống vang trời. Lúc đó có một đồng tử nhìn thấy cảnh này lấy làm vui thích, hai con cá suy nghĩ: “ta bất hạnh nên gặp nỗi khổ này, trong đời vị lai họ sanh đến nơi nào, ta cũng sanh đến nơi đó, dù họ vô tội ta cũng sát hại làm cho họ đau khổ”.

Phật bảo các Bí-sô: “hai con cá thuở xưa chính là Ác sanh và Khổ mẫu ngày nay, năm trăm ngư dân chính là năm trăm Thích tử. Thuở xưa họ làm cho hai con cá đau khổ nên nay trở lại bị chôn sống và bị sắt đóng vô cùng đau khổ. Các Thích chủng khác chính là những người thuở xưa đã tùy hỉ theo việc làm của các ngư dân, đồng tử tùy hỉ thuở xưa chính là thân ta ngày nay, Nay ta tuy chứng Vô thượng Bồ-đề nhưng vận chịu quả báo đau đầu, nếu ta không có phước tụ vô biên công đức này thì ta cũng sẽ bị tru diệt như các Thích tử. Các thầy hãy lắng nghe thêm:

Quá khứ có năm trăm giặc cướp đến trong một thôn cướp đoạt tài vật, chúng thấy có hai trưởng giả ở trên lầu liền gọi xuống nhưng không chịu xuống, giặc cướp nói: “nếu không xuống ta sẽ giết hết”, đáp: “ta thà chết chứ không xuống”, giặc cướp liền chất củi đốt lầu khiến hai trưởng giả chịu khổ thiêu đốt liền suy nghĩ: “ta vô tội mà chịu nỗi khổ này, trong đời vị lai họ sanh ở chỗ nào, ta cũng sanh đến chỗ đó và sẽ làm cho họ đau khổ”.

Này các Bí-sô, hai trưởng giả thuở xưa chính là Ác sanh và Khổ mẫu ngày nay, năm trăm giặc cướp chính là năm trăm Thích tử, thuở xưa bị giết nay giết trở lại. Thế nên này các Bí-sô, hễ tạo nghiệp thuần đen thì cảm quả báo dị thục thuần đen; tạo nghiệp thuần trắng thì cảm quả báo dị thục thuần trắng; tạo nghiệp xen tạp thì được quả báo xen tạp, các thầy nên bỏ nghiệp thuần đen và nghiệp xen tạp, phải siêng tu tập nghiệp trắng”.

Lúc đó vua Ác sanh trở về thành Thất-la-phiệt, khi sắp vào thành, vua nghe thấy Thái tử Thệ đa đang thọ hưởng ngũ dục lạc cùng các thể nữ ở trên lầu cao, liền cho gọi đến hỏi: “ta đi đánh dẹp kẻ thù vô cùng mệt nhọc, vì sao người lại ở đây thọ hưởng dục lạc?”, Thái tử đáp: “thần không biết Đại vương đi đánh dẹp kẻ thù, nhưng kẻ thù là ai?”, vua nói: “đó là các Thích tử ở thành Kiếp-tỷ-la”, Thái tử nói: “nếu các Thích tử là kẻ thù thì ai là bạn thân?”, vua nghe rồi liền nổi giận ra lịnh: “đây cũng là phe đảng của các Thích tử, hay mau giết chết”. Thái tử vô tội bị giết chết, do phước báo thù thắng ở cõi người chưa hưởng hết nên được sanh lên cõi trời Tam thập tam để tiếp tục thọ diệu lạc ở cõi trời. Lúc đó Thế tôn liền nói kệ tụng:

“Đời này vui, đời sau cũng vui,
Do làm phước, hai đời đều vui,
Tự biết vui này do nghiệp trước,
Lại được chuyển sanh vào cõi lành.
Đời này vui, đời sau cũng vui,
Do làm phước, hai đời đều vui,
Tự biết vui này do nghiệp trước,
Sanh đến cõi khác cũng an lạc”.

Cụ thọ A-nan nghe kệ tụng này rồi liền bạch Phật: “con chưa hiểu rõ ý nghĩa của bài kệ tụng này” , Phật nói: “Thái tử Thệ đa vô tội bị kẻ ngu Ác sanh giết chết, do phước báo thù thắng ở cõi người chưa hưởng hết nên được sanh lên cõi trời Tam thập tam để tiếp tục thọ diệu lạc ở cõi trời. Vì thế ta mới thuyết kệ tụng này”, A-nan nghe rồi hoan hỉ tín thọ.

Thời gian sau, khi vua Ác sanh cùng các Thích nữ thọ lạc trong cung liền tự khoe rằng: “ta là bậc dũng mãnh hiếm có, trong thế gian không ai bằng được”, các Thích nữ nói kệ:

“Các Thích tử quy Phật,
Vì thọ trì giới luật,
Mới bị vua giết chết,
Có gì phải tự khoe”.

Vua nghe rồi liền nổi giận nói kệ:

“Giết rồng giữ Long nữ,
Khiến ta sanh sân độc,
Hãy chặt hết tay chân,
Để mau theo thân tộc”.

Quần thần tuân lịnh vua dẫn năm trăm Thích nữ này đến bên bờ hồ Ba thát la và chặt hết tay chân của họ, do nhân duyên này hồ còn có tên là Hồ chặt tay chân. Các Thích nữ đau đớn không chịu nỗi liền suy nghĩ: “chúng ta đang đau đớn không chịu nỗi, vì sao Thế tôn không thương xót”. Phật không có điều gì là không biết, lúc đó Phật liền khởi tâm đại bi đi đến chỗ đó và thấy các Thích nữ đang ngồi lõa hình, Phật liền khởi tâm thế tục. Thường pháp của chư Phật, nếu Phật khởi tâm thế tục thì ngay cả côn trùng cũng biết được ý Phật, nếu Phật khởi tâm xuất thế thì dù là Thanh văn, Duyên giác cũng không thể biết được ý Phật, huống chi là chúng sanh khác. Phật nghĩ: “lành thay, nếu thiên nữ Xá chi đem y phục và nước đến đây thì tốt quá”, Phật vừa khởi niệm, thiên nữ Xá chi liền biết ý Phật muốn thuyết diệu pháp để hóa độ các Thích nữ, nên đến ao Vô nhiệt múc đầy bình nước và đem năm trăm thiên y đến chỗ Phật, đảnh lễ rồi bạch Phật: “Thế tôn, con đem thiên y và nước thơm đến”, Phật bảo thiên nữ đến an ủi các Thích nữ, tắm rửa và mặc y phục giúp cho họ. Thiên nữ làm theo lời Phật dạy xong, Phật liền dùng thần thông lực làm cho năm trăm Thích nữ không còn đau đớn nữa rồi nói rằng: “nghiệp đã tạo đời trước nay đã thành thục phải tự thọ lấy quả báo, không ai thay thế được”, nói rồi bỏ đi. Các Thích nữ nghe rồi liền khởi tâm tịnh tín đối với Phật, sau khi qua đời được sanh lên cõi trời Tứ thiên vương. Tất cả hữu tình vừa sanh lên cõi trời đều khởi ba niệm: một là ta từ đâu sanh đến đây, hai là nay ta đang ở đâu, ba là ta do nghiệp duyên gì. Các thiên nữ liền biết mình từ cõi người chết được sanh lên cõi trời Tứ thiên vương là nhờ khởi tâm tịnh tín đối với Phật. Các thiên nữ suy nghĩ: “nếu ta không đến kính lễ Thế tôn trước là bất kính”, nghĩ rồi liền dùng chuỗi anh lạc trang nghiêm thân, dùng y kích đựng đầy các loại hoa trời như hoa Ưu bát la, Bát đầu ma… vào nửa đêm đến chỗ Phật, rải hoa cúng dường, đảnh lễ rồi ngồi một bên nghe Phật thuyết diệu pháp. Thân quang của các thiên nữ này chiếu sáng khắp cả rừng Thệ đa, Phật quán biết căn tánh tùy miên của các thiên nữ này, nói pháp Tứ đế khiến cho được khai ngộ và chứng quả Dự lưu. Các thiên nữ chứng ngộ rồi liền chắp tay bạch Phật: “Thế tôn, nhờ Phật khai ngộ khiến chúng con ở trong các nạn mà được giải thoát, điều này không phải do cha mẹ… cho đến sa môn, Bà-la-môn có thể làm được. Thế tôn là bậc đại thiện tri thức đã cứu vớt chúng con ra khỏi ba cõi, đặt để chúng con vào cõi trời người, hết khổ sanh tử, được đạo Niết-bàn, làm cạn biển máu, vượt khỏi núi xương, núi thân kiến từ vô thỉ đến nay đều bị phá tan bằng chày trí Kim cang, chứng được Sơ quả. Nay chúng con xin quy y Tam bảo, từ hôm nay cho đến trọn đời thọ trì năm học xứ, cúi xin Thế tôn chứng biết chúng con là Ô-ba-tư-ca” , ở trước Phật cung kính nói kệ:

“Chúng con nhờ Phật lực,
Đóng bít ba đường ác,
Sanh cõi trời thắng diệu,
Thú hướng cõi Niết-bàn.
Chúng con nhờ Thế tôn,
Nên được thanh tịnh nhãn,
Chứng được Chân đế lý.
Phật vượt trên trời người,
Thoát khỏi già bịnh chết,
Khó gặp trong biển Hữu,
Nay gặp được chứng quả.
Chúng con thân trang nghiêm,
Tâm tịnh đảnh lễ Phật,
Nhiễu bên phải trừ oán,
Nay trở về thiên cung”.

Các thiên nữ vui mừng như người đi buôn được lời, như người cày ruộng được thu hoạch, như người ratrận được thắng, như người bịnh được lành, đảnh lễ Phật rồi trở về thiên cung. Lúc đó các Bí-sô đều có nghi thỉnh hỏi Phật: “năm trăm Thích nữ này đã tạo nghiệp gì, do nghiệp lực này nên trong đời này tuy vô tội mà lại bị kẻ ngu Ác sanh chặt hết tay chân; lại do nghiệp lực gì mà được sanh lên cõi trời, được nghe diệu pháp và được chứng chân đế lý?”, Phật nói: “nghiệp đã tạo đời trước nay thành thục phải tự chịu lấy quả báo… Các thầy lắng nghe:

Quá khứ Hiền kiếp, lúc con người thọ hai vạn tuổi có Phật Cadiếp ba ra đời đầy đủ mười hiệu: Như lai, Bạc già phạm, Ứng chánh đẳng giác, Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Điều ngự trượng phu, Thiên nhơn sư, Phật, Thế Tôn. Năm trăm Thích nữ này xuất gia trong giáo pháp của vị Phật ấy làm Bí-sô ni, do đối với các Bísô ni Hữu học, Vô học khởi sân nói lời mắng nhiếc đòi chặt tay chân của họ nên trong vô lượng năm bị đọa trong địa ngục chịu khổ thiêu đốt. Do nghiệp dư tàn phải trong năm trăm đời chịu quả báo bị chặt tay chân, đời này là cuối cùng. Do khởi tâm tịnh tín nơi ta nên được sanh lên cõi trời, lại do thuở xưa khi làm Bí-sô ni đã thọ trì đọc tụng chánh pháp nên nay được gặp ta nghe thuyết diệu pháp và được Kiến đế.

Phật bảo các Bí-sô: “các thầy nên biết thế gian đều do nghiệp lực mà thọ lấy quả báo, do nghiệp lực mà sanh, do nghiệp lực mà trụ ; tất cả chúng sanh đều tùy theo nghiệp thiện ác mà thọ lấy quả báo”.

Lúc đó người ở lại thám thính sau khi nghe lời Phật dự ký rồi liền trở về chỗ vua Ác sanh, vua hỏi: “Phật đã nói gì?”, đáp: “Phật dự ký qua bảy ngày sau nước Kiều-tát-la sẽ bị hủy diệt, vua Ác sanh và Khổ mẫu sẽ bị lửa thiêu đốt, sau khi chết bị đọa vào địa ngục Vô gián”, vua nghe rồi trong lòng rất lo buồn, Khổ mẫu hỏi nguyên do rồi tâu rằng: “Đại vương, như Bà-la-môn, khất sĩ đến cầu xin mà không được cho, họ sẽ muốn nhà ấy gặp trăm ngàn điều không lành. Sa môn Kiều-đáp-ma thấy thân tộc bị Đại vương giết chết mới nói lời oán hận trù rủa này. Nếu vua lo sợ thì hãy cho xây một tòa lầu ở trong hồ nước phía sau vườn rồi ở đó trong vòng bảy ngày mới trở vào lại trong thành”. Vua nghe lời Khổ mẫu cho xây lầu rồi cùng các cung nhân lên lầu đó ở, qua được một đêm Khổ mẫu tâu: “đã qua được một đêm, còn sáu đêm nữa sẽ trở vào lại trong thành”, như thế cho đến ngày thứ bảy Khổ mẫu lại tâu: “Đại vương, hôm nay an ổn hãy cùng trở vào lại trong thành”. Lúc đó mây bỗng kéo đến giăng che bốn phía, các cung nhân nói với nhau: “chúng ta hãy trang điểm để trở vào lại trong thành”, một cung nhân lấy ngọc nhật quang ra để trên gối rồi tự trang điểm. Mây bỗng tan, trời quang đãng trở lại, ánh mặt trời chiếu soi vào viên ngọc liền phát ra lửa đốt cháy cái gối thành lửa ngọn thiêu đốt tòa lầu. Các cung nhân bỏ chạy, lúc đó vua Ác sanh và Khổ mẫu muốn chạy ra nhưng có phi nhân đóng cửa khiến họ không ra được nên bị lửa thiêu đốt, đau khổ kêu la, sau khi chết bị đọa vào địa ngục Vô gián. Lúc đó Thế tôn nói kệ tụng:

“Đời này khổ, đời sau cũng khổ,
Do tạo tội, hai đời đều khổ,
Tự biết khổ này do nghiệp ác,
Chết rồi bị đọa trong cõi ác.
Đời này khổ, đời sau cũng khổ,
Do tạo tội, hai đời đều khổ,
Tự biết khổ này do nghiệp ác,
Sanh cõi khác vẫn phải chịu khổ”.

Cụ thọ A-nan nghe kệ tụng rồi liền bạch Phật: “con chưa hiểu ý nghĩa của bài kệ tụng này”, Phật nói: “kẻ ngu Ác sanh và Khổ mẫu bị lửa thiê đốt, sau khi chết bị đọa vào địa ngục Vô gián nên ta mới nói kệ tụng này”.

Lúc đó ở trong thành Kiếp-tỷ-la, sau khi các Thích tử bị tru diệt còn để lại nhiều vật trang sức như anh lạc, vòng xuyến…; các Thích nữ nhìn thấy những vật này càng thêm đau buồn, suy nghĩ: “chủ của những vật này khi còn sống rất kính Tăng, nay ta nên đem cúng cho Tăng để truy tiến cho họ”, nghĩ rồi liền đem đến cúng Tăng. Lục chúng Bí-sô được vật trang sức này liền dùng trang nghiêm thân rồi đi vào thành khất thực, các Thích nữ nhìn thấy lại đau buồn nói rằng: “chúng con không muốn nhìn thấy những vật này nên đem cúng Tăng để dứt ưu phiền, không ngờ các thầy lại đeo nó làm cho chúng con nhớ lại càng thêm đau buồn”, Lục chúng Bí-sô im lặng. Các Bí-sô nghe biết việc này liền bạch Phật, Phật bảo: “do Bí-sô đeo anh lạc, dây vàng nên có lỗi này, từ nay Bí-sô không được đeo các vật tráng sức, ai làm trái thì phạm tội Việt pháp”.

5. Nhiếp tụng trong Biệt môn thứ hai:

Xuất gia có năm lợi,
Không cầm tiền, thọ học (học hối Sa di)
Đại chúng nói kệ tụng,
Ho khai cho hút thuốc.

Duyên khởi tại thành Thất-la-phiệt, lúc đó trong một tụ lạc có một trưởng giả cưới vợ sông với nhau rất hạnh phúc, nhưng sau đó gia tộc ly tán, tài sản cũng không còn. Trưởng giả suy nghĩ: “ta đã lớn tuổi không thể kiếm tiền được nữa, thân tộc không còn ai, ta nên bỏ tục xuất gia”, nghĩ rồi liền đến nói với vợ ý nghĩ của mình, người vợ nghe rồi liền nói: “xuất gia cũng tốt, nhưng ông phải thường trở về thăm tôi”, đáp được. Trưởng giả đến trong rừng Thệ đa, đảnh lễ các Bí-sô cầu xuất gia, Bí-sô nói: “xuất gia là việc tốt, ông sẽ được như ý. Như Phật đã dạy người trí thấy năm điều nên cầu xuất gia trong thiện pháp luật: một là ta được tự lợi, người khác không có ; hai là tự biết mình thuộc giai cấp hạ tiện bị người sai khiến, sau khi xuất gia trở lại được họ cung kính tán thán, lễ bái cúng dường; ba là sẽ chứng được Niết-bàn vô thượng; bốn là sau khi qua đời sẽ được sanh lên cõi trời; năm là thường được chư Phật, chúng Thanh văn và các bậc thắng nhân khen ngợi”, nói rồi liền cho trưởng giả xuất gia và thọ cận viên. Qua hai ba ngày, sau khi chỉ dạy xong các pháp thức các Bí-sô bảo tân Bí-sô: “nai không nuôi nai, thành Thất-la-phiệt rộng lớn là cảnh giới của Phật, thầy từ nay nên theo thứ lớp khất thực để nuôi mạng sống”, tân Bí-sô này sáng hôm sau đắp y mang bát vào thành khất thực, nhìn thấy một người nữ liền nhớ đến người vợ của mình, suy nghĩ: “ta trước đây có hứa với vợ sau khi xuất gia sẽ về thăm, nay ta nên giữ lời hứa trở về thăm, chớ để bà ấy buồn”. Khất thực xong trở về trong rừng Thệ đa, sau đó đến xin phép thầy cho trở về thăm người vợ cũ, vị thầy nói: “được nhưng phải khéo hộ tâm ý”, đáp vâng. Tân Bí-sô này khi trở về đến nhà, người vợ vừa nhìn thấy liền chạy ra đón và kêu to: “Thánh tử mới về”, muốn đưa tay cầm lấy y bát, Bí-sô nói: “hiền thủ muốn làm gì?”, đáp là muốn cầm lấy y bát, Bí-sô bảo đừng đụng vào y bát, người vợ hỏi vì sao, đáp: “tôi vâng lời thầy dạy phải khéo hộ tâm ý”, người vợ nói: “Thánh tử cứ hộ tâm ý, tôi có làm chướng ngại gì đâu”, nói rồi vẫn cầm lấy y bát, trải tòa mời ngồi rồi lấy nước muốn rửa chân cho Bí-sô, Bí-sô nói đừng chạm vào chân, hỏi vì sao, Bí-sô đáp như trên, người vợ cũng nói câu như trên và vẫn cứ rửa chân cho Bí-sô, kế lấy dầu muốn thoa chân cho Bí-sô, Bí-sô nói đừng thoa, người vợ hỏi và Bí-sô đáp cũng như trên. Sau đó người dọn thức ăn và muốn cùng ăn, Bí-sô cũng nói như trên…; ăn xong người vợ trải nệm bảo Bí-sô nằm nghỉ. Bí-sô vừa nằm xuống nghỉ, người vợ liền đến muốn nằm chung, Bí-sô nói như trên… cho đến câu người vợ ôm Bí-sô, khi bị xúc chạm tâm Bí-sô loạn động liền cùng người vợ giao hợp. Như thế trải qua nhiều ngày, Bí-sô nói muốn trở về chùa, người vợ suy nghĩ: “ông ấy cùng ta tư thông, người ngoài không thấy, ta nên làm cho mọi người đều biết, lúc đó các Bí-sô sẽ đuổi và ông ấy sẽ trở về với ta”, nghĩ rồi liền nói với Bí-sô: “Thánh tử không nên trở về không, nên mang theo ít lương thực và tiền đi đường”, Bí-sô nói: “tôi không được cầm tiền bạc”, người vợ nói: “tôi có cách khiến Thánh tử không chạm đến nó”, nói rồi gói các vật ấy cột vào phía đầu của cây tích trượng, Bí-sô cầm tích trượng trở về thành Thất-la-phiệt. Lúc đó Lục chúng Bí-sô đang kinh hành trước cổng chùa, Ô ba-nan-đà từ xa nhìn thấy Bí-sô này liền bước tới chào hỏi, Bí-sô liền đáp: “xin kính lễ A-giá-lợi-da”, Ô ba-nan-đà nghe rồi liền biết đây là một Bí-sô Ma ha la nên mới không phân biệt được Ô-ba-đà-da và A-giá-lợi-da. Lúc đó Ô ba-nan-đà hỏi Bí-sô từ đâu đến, đáp là vừa thăm người vợ cũ trở về, Ô ba-nan-đà nói: “thầy là người tốt nên còn nhớ ân xưa, người nhớ ân xưa thường được khen ngợi. Phật có nói các bs nên thường nhớ báo ân, ân nhỏ còn báo đáp huống chi là ân lớn. Thầy có gặp được vợ hay không?”, đáp là có gặp, lại hỏi có bình an không, đáp là bình an, lại hỏi vật gì cột trên đầu tích trượng, đáp là tiền của vợ cho để đổi lương thực trên đường đi. Ô ba-nan-đà nghe rồi liền suy nghĩ: “thầy già thầy có phước, về thăm vợ nên được lợi này. Ta xem hình dáng cử chỉ chắc là đã cùng vợ tư thông, ta nên tra gạn”, nghĩ rồi liền dùng lời ôn hòa tra hỏi, Bí-sô này thật thà đem việc trên kể lại, Ô ba-nan-đà nghe rồi liền nói: “thầy hãy đem việc mà thầy đã làm kể lại cho Ô-ba-đà-da nghe, vị ấy ắt sẽ vui mừng”, Bí-sô này thật thà nghe theo lời của Ô ba-nan-đà đến chỗ thầy kể lại mọi việc đã làm, vị thầy nghe rồi liền bạch với các Bí-sô, các Bí-sô bạch Phật, Phật nói: “Bí-sô Ma ha la này không biết khinh trọng, không cố ý phạm; nếu có ai chưa từng được nghe nói bốn pháp Ba-la-thị-ca thì cũng không phạm. Này các Bí-sô, do việc này từ nay khi truyền thọ giới cụ túc, bạch tứ yết ma xong, các thầy nên nói bốn pháp Ba-la-thị-ca cho người mới thọ giới biết, nếu không nói cho họ biết thì phạm tội Việt pháp”.