CĂN BẢN THUYẾT NHẤT THIẾT HỮU BỘ TỲ NẠI DA TẠP SỰ

Hán dịch: Tam tạng Pháp sư Nghĩa Tịnh đời Đường – TQ
Việt dịch: Ban phiên dịch chùa Pháp Bảo, HT Thích Tịnh Hạnh giám tu – năm 2005
Hiệu đính và nhuận văn: NS Thích nữ Như Lộc tại chùa Phổ Minh – năm 2009

 

QUYỂN 7

1. Nhiếp tụng trong Biệt môn thứ hai (tiếp theo):

Duyên khởi tại thành Thất-la-phiệt, lúc đó Lục chúng Bí-sô tuy lớn tuổi nhưng vẫn thường trạo cử, các Bí-sô khác nói: “các vị tuổi đã xế chiều mà vẫn chưa ngừng trạo cử”, Lục chúng Bí-sô nghe rồi im lặng, sau đó nói với nhau: “bọn Hắc bát này thật nhiều chuyện nên mới dạy khôn chúng ta, chúng ta hãy làm việc sĩ nhục khiến họ xấu hổ”, nói rồi liền rình tìm cơ hội. Sau đó có nhiều Bí-sô kỳ túc vào trong rừng ngồi tịnh dưới gốc cây, Lục chúng Bí-sô cũng đến đó thấy rồi liền ở trên hướng gió thổi đốt lửa khắp cả ba phía xong, cùng tới một chỗ từ xa nhìn lại. Lúc đó các Bí-sô thấy lửa cháy lan tới, kinh sợ đứng dậy theo hướng khói chạy ra, Lục chúng Bí-sô thấy rồi liền nói: “các vị tuổi đều già mà vẫn chưa hết trạo cử, cớ sao bỏ chạy làm mất hết oai nghi tường tự”, đáp: “các vị không thấy lửa cháy lan đến hay sao, bỏ chạy thì có gì lạ đâu”, Lục chúng Bí-sô nói: “Thế tôn há có thể vào lúc ở yên mà chế giới, lúc gặp ách nạn lại được phạm hay sao?”, các Bí-sô hỏi: “há chẳng phải các thầy gây ra hỏa hoạn này hay sao?”, Lục chúng Bí-sô cười lớn nói: “là do chúng tôi cố ý muốn sĩ nhục các thầy”, các Bí-sô bạch Phật, Phật nói: “Bí-sô không được đốt rừng, ai làm trái thì phạm Tốt thổ la để”.

Duyên khởi tại thành Thất-la-phiệt, lúc đó có hai Bí-sô một già một trẻ cùng du hành trong nhân gian, vị già mang theo nhiều y vật, vị trẻ chỉ mang theo ba y. Sau đó vị giả bảo vị trẻ: “thầy mang đãy y giúp tôi, tôi mệt muốn nghỉ vai một lát”, vị trẻ nói: “con có vài lời muốn nói, xin trưởng lão đừng trách”, vị già nói: “thầy cứ tùy ý nói, ta không giận trách”, vị trẻ nói: “trưởng lão há không thấy Phật pháp tăng bảo đi đến đâu tùy được dâng cúng tới đó, hơi đâu lại cất chứa những vật ngu si này”, vị già nói: “thầy không chịu mang giúp thì thôi, không ai ép thầy; nhưng tôi hỏi thầy, thầy có phải là A-giá-lợi-da hay là Ô-ba-đà-da của tôi đâu mà lại khuyên dạy tôi”, vị trẻ liền im lặng, vị già suy nghĩ: “rồi ta sẽ xử lý thầy”. Đến chiều tối cả hai đến một ngôi chùa xin nghỉ qua đêm, trong chùa này tăng chúng có lập chế: ai không có y chỉ thì không được ở lại dù là một đêm. Lúc đó vị tri sự bảo hai khách tăng thọ lấy ngọa cụ, vị già thọ rồi bảo vị trẻ thọ, vị trẻ nói: “con chưa có y chỉ, đợi con xin y chỉ rồi sẽ thọ lấy ngọa cụ”, nói rồi liền đi đến chỗ vị Thượng tòa thủ chúng đảnh lễ cầu y chỉ, Thượng tòa hỏi: “thầy di với ai đến đây?”, đáp là đi với Bí-sô tên —, Thượng tòa nói: “thầy hãy đến vị ấy cầu y chỉ, đừng để vị ấy nói Thượng tòa thủ chúng chia rẽ thầy trò hai người”. Vị trẻ nghe rồi liền đi đến cầu vị khác, như thế khắp hết trong chùa, không ai chịu cho y chỉ ; cuối cùng vị trẻ đành phải trở lại chỗ vị già gõ cửa phòng gọi: “kính lễ Thượng tòa”, vị già trong phòng hỏi vọng ra là ai, vị trẻ liền đáp: “con tên là —, Thượng tòa biết không, đại chúng trong chùa này lập chế ai không có y chỉ thì không được ở lại dù là một đêm, xin Thượng tòa cho con y chỉ”, vị già nói: “lập chế tốt, chúng tăng không làm thì ta cũng sẽ làm. Trước đây thầy đã nói với ta há không thấy Tam bảo nên mới cất chứa những vật ngu si này, sao nay lại nói là kính lễ Thượng tòa. Thầy khinh mạn như vậy thì ai lại cho thầy y chỉ, thầy hãy đi tìm thầy y chỉ khác theo ý mình”, nói rồi im lặng không mở cửa cho y chỉ khiến vị trẻ phải ở ngoài suốt đêm chịu khổ. Các Bí-sô nghe biết việc này liền bạch Phật, Phật bảo: “ai không có thầy y chỉ thì không nên du hành ; lại nữa, các Bí-sô không nên như Sư tử cố chấp lòng sân hận không chịu xả và Tăng không được lập chế ác nghiệt như vậy, khiến Bí-sô kia phải chịu khổ suốt đêm bên ngoài. Bísô nào không có thầy y chỉ mà du hành, lại nói lời xúc não người khác và tăng lập chế phi pháp đều phạm tội Việt pháp”.

Phật tại nước Ma-kiệt-đà du hành trong nhân gian, đến ở trong cung điện của Dược xoa Bạc-câu-la tại núi Mộ câu; Bí-sô Long hộ theo làm thị giả. Lúc đó Phật đang kinh hành ngoài đất trống, trong đêm tối trời mưa lâm râm, có ánh chớp nhưng Phật vẫn không trở về phòng; thường pháp của chư Phật là Phật chưa nằm nghỉ thì thị giả không được nằm nghỉ trước. Trong lúc đó vua trời Đế thích dùng thiên nhãn quán xem hạ giới, thấy Thế tôn đang kinh hành… liền suy nghĩ: “ta nên đến lễ bái Thế tôn”, nghĩ rồi liền hóa ra cung điện bằng lưu ly theo thân đến chỗ Thế tôn, đi theo sau để che mưa cho Phật. Dân chúng nước Makiệt-đà có thói quen hễ thấy trẻ con kêu khóc ban đêm thì dọa chúng là có Dược xoa Bạc-câu-la đến ăn thịt, để chúng ngưng khóc. Lúc đó Bí-sô Long hộ thấy Phật không chịu về phòng nằm nghỉ liền suy nghĩ: “ta hãy giả làm Dược xoa Bạc-câu-la để hù dọa Thế tôn”, nghĩ rồi liền trùm cái mền lông dài lớn đi đến chỗ Phật đang kinh hành nói rằng: “Sa môn, Dược xoa Bạc-câu-la hiện thân đến đây”, Phật nói: “thầy là người ngu si nên mới đem Dược xoa Bạc-câu-la ra hù dọa Thế tôn, Như lai Ứng chánh đẳng giác đã lìa sợ hãi từ lâu, thân tâm đầu không còn kinh hãi nữa”. Vua trời Đế thích thấy Bí-sô Long hộ làm việc phi pháp này rồi liền sanh tâm hiềm trách, bạch Phật rằng: “ở trong Phật pháp lại có hạng người như thế hay sao?”, Phật nói: “ông nên biết, ngồi nhà của Kiều-đáp-ma rất rộng lớn, bên trong có nhiều phẩm loại khác nhau; nhưng chớ khinh nguời này, vì ở đời vị lai họ sẽ chứng được thắng pháp”, vua trời Đế thích đảnh lễ Phật rồi trở về thiên cung. Phật bảo các Bí-sô: “do Bí-sô dùng mền lớn day phần lông dài ra ngoài nên có lỗi này, từ nay các Bí-sô không được đắp mền như thế, nếu ai làm trái thì phạm tội Việt pháp”. Sau đó có các Bí-sô tháp tùng theo các thương nhân du hành trong nhân gian, đến chỗ người chăn bò nghỉ đêm, ban đêm trời lạnh phải đắp mền lông dài, mền có mùi hôi và nhiều rận rệp. Các Bí-sô muốn day phần lông dài ra ngoài để đắp nhưng lại sợ trái chế, đem việc này bạch Phật, Phật nói: “được dùng mền day phần lông dài ra ngoài khi ngồi yên, không được trùm đi kinh hành. Ai làm trái thì phạm tội Việt pháp”.

2. Nhiếp tụng trong Biệt môn thứ hai:

Nệm lót, cho không cho,
Không để bát chỗ dơ,
Cột y, ba loại nút,
Dây đai lưng cũng vậy.

Duyên khởi tại thành Thất-la-phiệt, Phật bảo các Bí-sô: “nếu được nệm lót bằng Kiếp bối hoặc nỉ lông dài hoặc Cao nhiếp bà… đều được thọ, Tăng hay cá nhân đều tùy ý thọ dụng; nhưng nếu là nỉ hay Cao nhiếp bà thượng diệu thì chỉ có Tăng được cất chứa còn cá nhân không được”.

Duyên xứ như trên, lúc đó có Bí-sô khất thực sáng sớm đắp y mang bát vào thành khất thực, thượng y bỗng tuột xuống nên Bí-sô vội để bát xuống để kéo y lên. Các cư sĩ, Bà-la-môn thấy rồi liền chê trách : “Sa môn Thích tử không biết dơ sạch, tùy tiện để bát trên đất dơ”, bạch Phật, Phật nói: “ai tùy tiện để bát trên đất dơ thì phạm tội Việt pháp, nhưng để giự y khỏi tuột xuống, Bí-sô nên làm nút”. Lúc đó Bí-sô dùng dây gai cột y khiến y bị rách, Phật bảo không nên; lại dùng dây tơ cột, Phật bảo: “không nên, nên ở trên vai làm dây khuy và tra nút phía trước ngực”. Các Bí-sô không biết làm nút như thế nào, Phật nói: “có ba loại nút : một là như hạt Anh túc, hai là như hạt Quỳ, ba là như hạt Đường lê. Bên đường viền y ở trên vai tra dây khuy có thể mau bị đứt, nên tra thụt vô khoảng chừng bốn ngón tay”, lúc đó dây khuy vẫn bị đứt, Phật nói: “nên may thêm cái bàn bà hai lớp, khoét lỗ trên đó để tra dây khuy vào bên trong của hai lớp bàn bà này, xếp y lại làm ba lớp, ngay chỗ đó nên tra nút. Ai làm trái thì phạm tội Việt pháp”. Duyên xứ như trên, lúc đó có Bí-sô khất thực sáng sớm đắp y mang bát vào thành khất thực, hạ quần bỗng tuột xuống nên Bí-sô vội để bát xuống để kéo y lên. Các cư sĩ, Bà-la-môn thấy rồi liền chê trách: “Sa môn Thích tử không biết dơ sạch, tùy tiện để bát trên đất dơ”, bạch Phật, Phật nói: “nên cột hạ quần rồi mới vào tụ lạc”. Các Bí-sô dùng dây cột khiến quần mau rách, Phật nói không nên dùng dây, nên dùng dây đai lưng; các Bí-sô không biết làm dây đai lưng như thế nào, Phật nói: “có ba loại dây đai lưng: một là làm dẹp, hai là làm vuông, ba là làm tròn. Ai làm khác thì phạm tội Việt pháp”.

3. Nhiếp tụng trong Biệt môn thứ hai:

Việc Thắng man, Ác sanh,
Chế đeo chuỗi anh lạc,
Dây vàng, vật màu sắc,
Thảy đều không cất chứa.

Duyên khởi tại vườn cây Đa căn, thành Kiếp-tỷ-la; lúc đó người trông coi công việc trong một tụ lạc của Thích tử Đại danh đột ngột qua đời. Người trong thôn đến báo tin và yêu cầu Thích tử Đại danh cử người khác đến thay thế, Thích tử Đại danh bảo một Ma-nạp-bà đứng bên cạnh: “ngươi hãy tạm đến trông coi công việc trong thôn, sau đó ta sẽ cử người khác đến thay thế”. Người này đến trông coi công việc như pháp rồi đem lợi nhuận về đất đai nộp cho Thích tử Đại danh, Thích tử Đại danh thấy lợi nhuận này nhiều hơn trước kia nên hỏi: “người thu thuế ruộng nhiều hơn trước kia, có phải lúc bình thường đã bức bách dân trong thôn hay không?”, đáp: “tôi thu thuế như pháp, không làm ai oán hận”. Thích tử Đại danh liền hỏi dân trong thôn: “Ma-nạp-bà này có bức bách dân trong thôn hay không?”, đều đáp là không có, Thích tử Đại danh liền cử Ma-nạp-bà này làm người trông coi mọi việc trong thôn, vì người nay thu thuế như pháp, không áp bức cướp đoạt của dân. Sau đó Ma-nạp-bà lấy một cô gái dòng Bà-la-môn trong thôn làm vợ, không bao lâu sau sanh được một trai, năm sau lại sanh thêm một gái đặt tên là Minh nguyệt; Minh nguyệt trưởng thành thông minh trí huệ và rất xinh đẹp. Thời gian sau người cha bịnh nặng, thuốc thang chữa trị đều không thuyên giảm; tiền thu thuế hàng năm đều dùng cho việc chữa trị cũng không đủ, phải vay mượn thêm người ở ngoài thôn nhưng bịnh người cha ngày càng nặng, cuối cùng qua đời. Người trong thôn đến báo tin và kể rõ mọi việc cho Thích tử Đại danh nghe, Thích tử Đại danh hỏi: “xem họ còn dư chút nào thì lấy đem trả nợ”, người trong thôn nói: “trong nhà không còn gì cả, chỉ còn ba mẹ con, người con gái tên Minh nguyệt thông minh và rất xinh đẹp”, Thích tử Đại danh nói: “thế thì để cho người mẹ và con trai tự kiếm sống, còn người con gái gọi đến đây giúp việc cho ta”. Người trong thôn liền dẩn Minh nguyệt đến chỗ Thích tử Đại danh, trong nhà của Thích tử Đại danh có một bà già làm kiêm hai việc : bếp núc và hái hoa. Bà liền xin Thích tử Đại danh cho Minh nguyệt phụ giúp bà hái hoa, Thích tử Đại danh nói tùy ý, Minh nguyệt vào vườn hái hoa rồi kết thành vòng hoa dâng cho Thích tử Đại danh, Thích tử Đại danh vui mừng nói: “vậy thì từ nay cho cô bé hái hoa trong vườn, kết thành vòng hoa đem dâng cho ta”, nhân đó đặt lại tên là Thắng man. Một hôm, sau khi nhận lấy phần ăn của mình rồi đi vào vườn để hái hoa, Thắng man gặp Thế tôn đang vào thành khất thực. Thấy Phật tướng hảo trang nghiêm, Thắng man sanh tâm tín kính đứng chiêm ngưỡng Thế tôn rồi suy nghĩ: “từ trước tới nay do ta chưa từng cúng dường bậc chân thật phước điền, nên phải làm nô tỳ như thế này. Nếu Thế tôn nhận thức ăn này của ta, ta sẽ cúng dường”, Phật quán biết tâm niệm của Thắng man nên đưa bát ra và nói: “này thiện nữ, nếu muốn dâng cúng thì hãy để vào trong bát”. Thắng man cung kính để phần thức ăn vào trong bát của Phật rồi đảnh lễ và phát nguyện : “nguyện nhờ phước cúng dường này, con được xả bỏ thân nô tỳ, không còn nghèo khổ, được đại phú quý”, phát nguyện xong đảnh lễ Phật rồi đi. Trên đường đi Thắng man gặp người bạn của cha mình trước kia, người này giỏi xem tướng nên thấy được dị tướng của Thắng man, liền bảo: “này cháu gái, hãy đưa tay ra cho ta xem”, sau khi xem xong ông liền nói kệ:

“Lòng bàn tay của ai,
Có luân tướng vòng câu,
Tuy mang thân nô tỳ,
Sẽ làm đại vuơng phi.
Lòng bàn tay của ai,
Có tướng thành lầu các,
Tuy mang thân nô tỳ,
Sẽ làm đại vuơng phi.
Người nào miệng như ao,
Tiếng nói như Ngỗng chúa,
Tuy mang thân nô tỳ,
Sẽ làm đại vuơng phi.
Cháu chớ nên ưu sầu,
Sẽ thoát kiếp nô tỳ,
Hưởng thọ cảnh giàu sang,
Được làm Đại vương phi”.

Thắng man bái tạ rồi đi vào vườn hái hoa. Thời gian sau, vua Thắng quang nghiêm giá bốn binh ra ngoài thành săn bắn, con ngựa của vua đang cỡi bỗng vọt chạy không sao kìm lại được, nó đưa vua đến vườn của Thích tử Đại danh ở thành Kiếp-tỷ-la. Lúc đó Thắng man đang hái hoa trong vườn, thấy vua liền chào hỏi, vua hỏi: “vườn này của ai?”, đáp là của Thích tử Đại danh. Vua xuống ngựa, Thắng man cột ngựa vào gốc cây, vua nói: “hãy lấy nước cho ta rửa chân”, Thắng man suy nghĩ: “rửa chân nên lấy nước ấm”, nghĩ rồi liền đến chỗ nước có mặt trời chiếu xuống, dùng lá sen múc đầy nước mang đến cho vua rửa chân. Vua lại bảo: “hãy lấy nước cho ta rửa mặt”, Thắng man suy nghĩ: “rửa mặt nên lấy nước mát”, nghĩ rồi liền dùng tay khuấy nước cho vừa mát rồi múc nước mang đến cho vua rửa mặt. Vua lại bảo: “hãy đem nước cho ta uống”, Thắng man suy nghĩ: “uống nước nên lấy nước lạnh”, nghĩ rồi liền múc nước ở dưới sâu trong ao mang đến cho vua uống. Vua uống xong liền hỏi: “trong vườn này có ba loại nước phải không?”, đáp: “trong vườn không có ba loại nước, chỉ lấy nước ở một chỗ”, nói rồi liền tâu lại việc làm của mình, vua nghe rồi suy nghĩ: “cô gái này khéo biết đáp ứng thời cơ”. Vua lại bảo: “ta muốn nằm nghỉ một chút, nàng hãy bóp chân cho ta”, Thắng man bóp chân cho đến khi thấy vua ngủ say liền suy nghĩ: “những vị vua tôn quý ắt có nhiều người oán ghét, ít người yêu mến. Vua đang ngủ say sợ có kẻ ác đến hại, ta nên đóng cửa phòng hộ, nếu có ai đến hại vua, ta và chủ nhân sẽ bị tội”, nghĩ rồi liền đóng cửa khu vườn. Lúc đó bốn binh noi theo dấu của vua tìm đến vườn, gặp Thắng man liền hỏi: “nhà vua đang ở trong đây phải không?”, Thắng man nghe hỏi không trả lời, cũng không chịu mở cửa, vua nghe tiếng ồn ào liền thức giấc hỏi vọng ra: “là tiếng ồn gì vậy?”, đáp: “có nhiều người đến hỏi Đại vương nhưng thiếp không muốn mở cửa”, vua hỏi là ai đã đóng cửa, đáp: “chính thiếp đã đóng”, vua hỏi vì sao lại đóng, đáp: “thiếp tự nghĩ: những vị vua tôn quý ắt có nhiều người oán ghét, ít người yêu mến. Vua đang ngủ say sợ có kẻ ác đến hại, ta nên đóng cửa phòng hộ, nếu có ai đến hại vua, ta và chủ nhân sẽ bị tội. Vì vậy thiếp đã đóng cửa”, vua nghe rồi liền khen ngợi : “nàng thật tốt mới nghĩ ra kế hay này”, vua lại hỏi: “Thích tử Đại danh có thân thuộc gì vói nàng?”, đáp: “thiếp là người giúp việc”, vua nói: “nàng là con gái của Thích tử Đại danh, không phải hạng thấp hèn, vì sao không nói thật?”, Thắng man im lặng, vua liền bảo Thắng man đi báo cho Thích tử Đại danh biết là vua Thắng quang đang ở trong vườn. Thắng man vội đi báo, Thích tử Đại danh nghe báo liền cho nhiều người mang thức ăn ngon và hương hoa đến trong vườn rồi đến gặp vua Thắng quang. Sau khi chào hỏi xong, đợi vua tắm rửa thay đổi y phục rồi dâng hương hoa và thức ăn ngon. Vua ăn xong rồi hỏi Thích tử Đại danh: “cô gái này có thân thuộc gì với khanh?”, đáp là người giúp việc, vua nói: “nàng ấy là con gái của khanh, không phải người giúp việc, khanh hãy dâng cho ta”, Thích tử Đại danh nói: “có rất nhiều con gái dòng họ thích xinh đẹp gấp bội, vì sao vua lại chọn người con gái này?”, vua nói: “cô gái này mới chính là người mà ta cần, không phải người nào khác”, Thích tử Đại danh nói: “nếu thế thì thần sẽ trang nghiêm cho đủ lễ rồi đưa đến dâng vua”, vua nói lành thay. Thích tử Đại danh liền cho quét dọn sạch sẽ và trang hoàng đường sá, dùng chuỗi anh lạc trang nghiêm cho Thắng man rồi cho ngồi trên voi lớn đưa đến nơi rộng rãi, lắc linh thông báo cho dân trong thành Kiếp-tỷ-la biết: Thắng man là con gái của Thích tử Đại danh được đưa đến dâng cho vua Thắng quang, nước Kiều-tát-la làm đệ nhất phu nhân. Trước sự tiễn đưa của dân chúng trong thành và với lễ nghi đầy đủ, vua Thắng quang đón Thắng man về nước. Lúc đó quốc thái phu nhân nghe biết vua lấy nô tỳ làm phu nhân, trong lòng ưu phiền và tức giận suy nghĩ: “đây không phải là đứa con tốt, lúc còn trong bụng đã làm ta phiền não, nay trưởng thành lại làm chổng kẻ nô tỳ”. Về đến trong thành, vua liền bảo Thắng man đấn ra mắt đại gia, Thắng man đến đảnh lễ đại gia, hai tay ôm lấy chân. Do bàn tay của Thắng man mềm mại nên khi chạm vào chân, quốc thái phu nhân cảm thấy thân tâm ngây ngất, giâu lâu mới chợt tỉnh, nói rằng: “cô gái hạ tiện có thân hình xinh đẹp mềm mại này sẽ làm tan nát thành Kiều-tát-la của ta” . Lúc đó vua Thắng quang có hai phu nhân : một tên là Hành vũ, hai tên là Thắng man; khi ở bên Thắng man thì vua thường khen ngợi Hành vũ là người xinh đẹp tuyệt trần, Thắng man hỏi vua: “bao giờ thiếp mới được gặp?”, vua nói: “không bao lâu nữa sẽ gặp”. Thời gian sau, vào mùa xuân trăm hoa đua nở, cây cỏ tươi tốt, nước hồ trong xanh, đủ các loại chim bay đến tụ tập trong vườn như Anh vũ, Công, Uyên ương… Vua cùng các cung phi thể nữ vào trong vườn du ngoạn, vua mõi mệt nên nằm nghỉ, các cung nhân đi dạo khắp trong vườn. Lúc đó Hành vũ đứng vịn nhánh cây Vô ưu, Thắng man nhìn thấy cho là thần cây nên đến bên đảnh lễ, hai tay chạm vào chân làm cho Hành vũ cảm thấy ngây ngất. Vua chợt tỉnh dậy nhìn thấy Thắng man đang ở bên Hành vũ liền ra lịnh trở về cung, sau đó ở bên Hành vũ, vua khen ngợi Thắng man, Hành vũ hỏi: “bao giờ thiếp mới được gặp”, vua nói: “nàng đã gặp rồi”, đáp: “thiếp nhớ là chưa từng gặp”, vua nói: “để ta nhắc cho nàng nhớ, khi vào trong vườn du ngoạn, nàng đứng bên cây Vô ưu, Thắng man đã đến đảnh lễ và chạm vào chân của nàng”, Hành vũ hỏi: “nàng ấy là Thắng man sao?”, đáp là phải, Hành vũ nói: “thiếp biết được Đại vương yêu mến nên mới bỏ qua người có thân hình xinh đẹp mềm mại như vậy mà hạ cố đến thiếp”. Sau đó ở bên Thắng man, vua khen ngợi Hành vũ, Thắng man hỏi: “bao giờ thiếp mới được gặp?”, vua nói: “nàng đã gặp rồi”, Thắng man nói: “thiếp nhớ là chưa từng gặp”, vua nói: “để ta nhắc cho nàng nhớ, khi vào trong vườn du ngoạn, ở bên cây Vô ưu nàng đã đảnh lễ Hành vũ”, Thắng man hỏi: “nàng đó là Hành vũ sao?”, đáp là phải, Thắng man nói: “thiếp biết được Đại vương yêu mến nên mới bỏ qua người xinh đẹp tuyệt trần như vậy mà hạ cố đến thiếp”.

Lúc đó cả nước đều biết vua Thắng quang có hai phu nhân: Thắng man thân hình xinh đẹp mềm mại và Hành vũ dung mạo xinh đẹp tuyệt trần. Các Bí-sô đều có nghi thỉnh hỏi Phật: “Thế tôn, Thắng man và Hành vũ đã tạo thiện nghiệp gì, do nghiệp lực này nên một người được thân xinh đẹp mềm mại, còn người kia dung mạo xinh đẹp tuyệt trần?”, Phật nói: “hai người này đều do nghiệp đã tạo chiêu cảm tăng trưởng thành thục… Các thầy lắng nghe:

Quá khứ trong Đại thành có một Bà-la-môn lấy vợ chưa bao lâu thì người vợ hạ sanh được một trai, vài năm sau lại sanh thêm một gái. Khi hai anh em trưởng thành thì cha mẹ đều bị bịnh và qua đời, người anh gặp việc đau buồn nên nghĩ đến núi rừng, liền dắt em vào núi rừng hái hoa quả sống qua ngày.

Này các Bí-sô, như rắn độc lớn có năm điều hại: một là nhiều sân, hai là nhiều hận, ba là làm ác, bốn là vô ân, năm là lợi độc. Người nữ cũng có năm điều hại: một là nhiều sân, hai là nhiều hận, ba là làm ác, bốn là vô ân, năm là lợi độc; người nữ lợi độc là người có tâm nhiễm dục rất mãnh liệt.

Khi cô em gái đến tuổi trưởng thành thì tâm Ái dục hừng thạnh, liền nói với người anh: “em không thể chỉ ăn hoa quả sống ở nơi đây, chúng ta hãy đến nơi có người tìm thức ăn”, người anh nghe rồi liền dẫn em gái ra khỏi rừng, đi dần đến trước nhà của một Bà-la-môn khất thực, Bà-la-môn nhìn thấy liền hỏi: “ẩn sĩ cũng có vợ hay sao?”, đáp: “đây là em gái, không phải vợ tôi”, Bà-la-môn hỏi đã đính hôn chưa, đáp là chưa, Bà-la-môn nói: “nếu vậy hãy gả cho tôi”, đáp: “em tôi đã xa lìa ác pháp”. Lúc đó người em do tâm Ái dục hừng thạnh nên nói với người anh: “không phải em không thể ở trong núi rừng ăn trái cây để sống, mà là vì em không chịu nổi phiền não bức bách nên mới muốn cùng anh rời bỏ núi rừng đến ở trong nhân gian. Anh hãy gả em cho Bà-la-môn này”, người anh nói: “ta không thể đem gả em vì đây là ác pháp thế gian, không phải là việc làm của ta; nếu em có tục tâm thì mặc tình em muốn làm gì thì làm”. Bà-la-môn hiểu ý cô gái liền dẫn vào nhà, hội họp thân tộc làm lễ cưới ; lúc đó người em gái nói với anh: “anh nay có thể ở cùng nhà với em nhưng khác phòng”, người anh nói: “ta không cầu dục lạc, chỉ ưa muốn xuất gia”, người em nói: “xin hãy hứa với em rồi tùy ý xuất gia”, người anh hỏi hứa điều gì, người em nói: “nếu anh chứng quả thù thắng, xin hãy trở lại gặp em”, người anh nói: “em sẽ được như nguyện”, nói rồi từ giã ra đi. Người anh sau khi xuất gia ở chỗ các ẩn sĩ, do thiện căn đời trước nổ lực tu tập, không bao lâu sau ngay nơi ba mươi bảy phẩm pháp Bồ-đề phần, không thầy tự ngộ chứng quả Độc giác. Lúc đó vị Độc giác suy nghĩ: “trước đây ta có hứa với em gái, nay nên trở lại gặp”, nghĩ rồi liền đi đến nhà người em gái, ở trên hư không hiện các thần biến : trên thân phóng lửa, dưới thân phun nước… rồi hạ xuống đất. Thường tình hễ phàm phu nhìn thấy thần biến này liền như cây đại thọ sụp đổ, lúc đó người em gái sụp xuống đảnh lễ người anh nói rằng: “anh thật đã chứng được thắng đức thù diệu”, đáp là phải, người em nói: “anh cần ăn uống để duy trì mạng sống còn em vì cầu phước, xin anh hãy ở lại đây để em được cúng dường”, Độc giác nói: “em nay không được tự tại, hãy bàn với chồng”. Người em liền đến nói với chồng: “anh biết không, anh của em xuất gia nay đã chứng được quả thượng diệu, em muốn cúng dường nhưng không dám tự chuyên. Nếu anh đồng ý, em sẽ cúng dường ẩm thực và các vật cần dùng trong ba tháng”, người chồng nói: “nếu anh của em không xuất gia, dù không muốn ta cũng phải chu cấp đầy đủ ; huống chi nay anh ấy xuất gia đã chứng quả thù thắng, tùy ý em cúng dường trong ba tháng”. Người chồng này có có một người vợ nữa, người vợ trước này thấy người vợ sau cúng dường ẩm thực liền suy nghĩ: “gia tài là của chung, nay cô ấy biết cầu phước, vì sao ta lại không làm”, nghĩ rồi liền nói với người vợ sau: “anh của cô cũng là bậc tôn của tôi, hãy cho tôi được cách ngày cúng dường”, đáp là tùy ý. Người vợ sau muốn giữ tình cảm với người vợ trước nên khi đem thức ăn cúng dường cho anh, cô để thức ăn ngon ở bên trong, bên ngoài để thức ăn thường rồi nói với người vợ trước: “em mang thức ăn này cúng dường cho người anh, xin chị tùy hỉ”. Đến ngày người vợ trước cúng dường, muốn giữ tình cảm với người vợ sau nên cô để thức ăn thường ở bên trong, bên ngoài để thức ăn ngon rồi nói với người vợ sau: “tôi mang thức ăn này cúng dường cho tôn huynh, cô hãy tùy hỉ”.

Phật bảo các Bí-sô: “người em gái thuở xưa chính là Thắng man ngày nay, do cúng dường thức ăn thơm ngon để ở bên trong cho người anh là vị Độc giác, nên trong năm trăm đời thân thường mềm mại. Người vợ trước chính là Hành vũ ngày nay, do để thức ăn thơm ngon ở bên ngoài đem cúng dường cho vị Độc giác, nên trong năm trăm đời dung mạo thường xinh đẹp. Này các Bí-sô, hễ tạo nghiệp thuần đen thì cảm quả báo dị thục thuần đen; tạo nghiệp thuần trắng thì cảm quả báo dị thục thuần trắng; tạo nghiệp xen tạp thì được quả báo xen tạp, các thầy nên bỏ nghiệp thuần đen và nghiệp xen tạp, phải siêng tu tập như vậy”.

Thời gian sau, phu nhân Thắng man có thai, cùng ngày ấy vợ của một đại thần Bà-la-môn cũng có thai và chịu khổ nhiều vì cái thai này. Qua chín tháng, phu nhân Thắng man hạ sinh được một trai khôi ngô tuấn tú, ai cũng yêu mến; qua hai mươi mốt ngày vua bảo đại thần bồng đứa bé này đến xin quốc thái phu nhân đặt tên. Đại thần vâng lịnh vua bồng đứa bé đến, quốc thái phu nhân nói: “có phải trước đây ta có nói rằng: cô gái hạ tiện có thân hình xinh đẹp mềm mại này sẽ làm tan nát thành Kiều-tát-la của ta”, đại thần đáp phải, quốc thái phu nhân nói: “khi đứa bé chưa sanh, ta đã báo trước điều không lành, vậy nên đặt tên cho nó là Ác sanh”. Cùng ngày Ác sanh sanh ra, vợ của đại thần cũng hạ sanh một trai… do đứa bé này khi còn ở trong thai cũng đã làm khổ mẹ, sau khi sanh ra cũng làm người mẹ khổ nên đứa bé này được đặt tên là Khổ mẫu. Cả hai đều được tám bà nhũ mẫu chăm sóc cho đến trưởng thành, lúc đó Thái tử Ác sanh và Khổ mẫu ra thành săn bắn, con ngựa của Thái tử đang cỡi bỗng chạy vọt đến trong vườn Thích ca ở thành Kiếp-tỷ-la. Người giữ vườn đến báo với các Thích tử , các Thích tử nghe rồi liền nói với nhau: “chúng ta cùng tiến ra giết Ác sanh, bây giờ là đúng lúc”, nói rồi cùng trang bị binh giáp muốn xuất thành. Các bậc kỳ lão thấy rồi liền hỏi muốn đi đâu, đáp là muốn giết Ác sanh, các kỳ lão nói: “họ là khách mới đến chưa xúc phạm gì, hãy nhẫn nhịn”, các Thích tử nghe rồi liền lui bịnh trở vào thành. Lúc đó bốn binh noi theo dấu tìm Thái tử đến trong vườn, người giữ vườn lại đến báo với các Thích tử, các Thích tử nghe rồi nổi giận lại muốn xuất thành. Các bậc kỳ lão thấy liền hỏi muốn đi đâu, đáp: “bốn binh của Ác sanh đến trong vườn phá hoại, chúng tôi muốn đến giết họ”, các kỳ lão nói: “hãy nhẫn nhịn”. Lúc đó Ác sanh biết các Thích tử muốn hại nên vội dẫn binh trở về nước, chỉ để lại một người thám thính tình hình. Khi các Thích từ kéo binh đến, không thấy Ác sanh đâu liền hỏi: “Ác sanh đứa con của kẻ nô tỳ nay ở đâu?”, đáp là vừa đi khỏi, các Thích tử nói với nhau: “nếu chúng ta bắt được Ác sanh trước hết chặt tay, kế chặt chân rồi moi tim nó; nay nó đi khỏi thì làm được gì”, nói rồi liền sai người đào bỏ chỗ đất mà Ác sanh đã đứng rồi lấy đất khác lấp lại, sau đó rưới nước thơm lên tường vách mà Ác sanh đã dựa vịn và cho quét dọn sạch sẽ lại khu vườn. Người ở lại thám thính nhìn thấy mọi việc rồi liền trở về gặp Ác sanh, Ác sanh hỏi: “người đã nghe và thấy những gì?”, đáp là không dám nói, Ác sanh nói: “ngươi thấy nghe như thế nào cứ nói ra, ta muốn biết rõ sự thật”, người kia liền kể rõ lại mọi việc. Ác sanh nghe rồi phẩn nộ nói với tả hữu : “các ngươi hãy nhớ kỹ, sau khi phụ vương băng hà, khi ta lên ngôi kế vị, các ngươi phải nhắc lại việc này cho ta nhớ. Đây là mối thù đầu tiên của ta, ta nhất định sẽ tru diệt Thích chủng”, Khổ mẫu nói: “lành thay Thái tử, xin hãy kiên tâm, khi Thái tử lên ngôi kế vị, thần sẽ nhắc lại việc này”.