CĂN BẢN THUYẾT NHẤT THIẾT HỮU BỘ TỲ NẠI DA TẠP SỰ

Hán dịch: Tam tạng Pháp sư Nghĩa Tịnh đời Đường – TQ
Việt dịch: Ban phiên dịch chùa Pháp Bảo, HT Thích Tịnh Hạnh giám tu – năm 2005
Hiệu đính và nhuận văn: NS Thích nữ Như Lộc tại chùa Phổ Minh – năm 2009

 

QUYỂN 5

– Nhiếp tụng thứ sáu (tt):

Duyên khởi tại thành Thất-la-phiệt, lúc đó có Bí-sô được cúng nhiều mền nỉ dày, muốn may thành y cắt rọc để thọ trì nên cầm mền này và dao kéo đến dưới một tàng cây để cắt rọc. Phật đi đến thầy liền hỏi Bí-sô muốn làm gì, đáp: “Thế tôn bảo Bí-sô nên thọ trì ba y cắt rọc, con có nhiều mền nỉ dày nên muốn may thành ba y cắt rọc”. Phật do việc này đủ lời khen ngợi giới và người trì giới rồi bảo các Bí-sô: “có năm loại không nên cắt rọc, đó là tất cả loại khăn choàng, thảm lông dài, thảm lông ngắn, mền nỉ dày và vật vụn vặt. Nếu ai đem cắt rọc thì phạm tội Việt pháp”.

Duyên xứ như trên, lúc đó có Bí-sô khách vì có việc phải đi gấp nên quên không mang theo Ni-sư-đàn, đến trời tối ghé vào một ngôi chùa, vị tri sự bảo thọ lấy ngọa cụ, đáp: “tôi quên không mang theo Nisư-đàn, biết lấy gì lót trên nệm”, tri sự nói: “nếu vậy thọ thọ lấy giuờng đơn”. Bí-sô thọ giường đơn nằm ngủ, ban đêm trời lạnh rét, Bí-sô chịu lạnh rét suốt đêm nên bị bịnh, bạch Phật, Phật nói: “Bí-sô không mang theo Ni-sư-đàn thì không được đi ra ngoài, ai làm trái thì phạm tội Việt pháp”. Sau đó, có các Bí-sô có việc muốn đến thôn khác, chùa khác trong thành, định sẽ trở về ngay trong ngày mà vẫn phải mang theo Ni-sư-đàn; Bí-sô già bịnh không mang theo nổi nên sanh phiền não, liền nói với các Bí-sô: “tôi có việc cần phải đi, định sẽ về ngay nên không muốn mang theo Ni-sư-đàn, nhưng Đại sư không cho, tôi phải làm sao?”, các Bí-sô bạch Phật, Phật nói: “nếu các Bí-sô có việc muốn đến thôn khác, chùa khác trong thành, định sẽ trở về ngay trong ngày thì không cần phải mang theo Ni-sư-đàn”. Sau đó lại có Bí-sô có việc cần phải đi, định sẽ về ngay nên không mang theo Ni-sư-đàn, không ngờ đến đó duyên sự lại kéo dài đến tối, vì không mang theo Ni-sư-đàn nên vị này phải trở về trong đêm đó và bị độc trùng… giặc cướp làm hại. Các Bí-sô nghe biết việc này liền bạch Phật, Phật bảo: “nếu định trở về ngay nhưng vì duyên sự nên không về kịp thì nên ngủ lại đêm tại đó, không nên trở về trong đêm. Nên mượn Ni-sư-đàn của vị đồng phạm hạnh nơi đó tạm dùng, mượn được thì tốt, nếu không được thì nên lấy y bảy điều xếp làm bốn để lót nằm, thức nhiều ngủ ít cho đến sáng hôm sau mới trở về”. Sau đó lại có Bí-sô khi mượn Ni-sư-đàn của người khác làm dơ rồi đem trả lại, Bí-sô kia không chịu nhận, bạch Phật, Phật bảo nên giặt sạch rồi mới trả. Bí-sô giặt sạch rồi đem trả nhưng Bí-sô kia vẫn không chịu nhận, bạch Phật, Phật nói: “nên y theo giá mà đền trả hoặc tạ lỗi đừng để giận trách”.

Lúc đó Phật chế Bí-sô xuất giới không được lìa ba y, có các Bí-sô có việc muốn đến thôn khác, chùa khác trong thành, định sẽ trở về ngay trong ngày nhưng vẫn phải mang theo ba y; Bí-sô già bịnh không mang theo nổi nên sanh phiền não, liền nói với các Bí-sô: “tôi có việc cần phải đi, định sẽ về ngay nên không muốn mang theo ba y, nhưng Đại sư không cho, tôi phải làm sao?”, các Bí-sô bạch Phật, Phật nói: “nếu các Bí-sô có việc muốn đến thôn khác, chùa khác trong thành, định sẽ trở về ngay trong ngày thì không cần phải mang theo ba y”. Sau đó lại có Bí-sô có việc cần phải đi, định sẽ về ngay nên không mang theo ba y, không ngờ đến đó duyên sự lại kéo dài đến tối, vì không mang theo ba y nên vị này phải trở về trong đêm đó và bị độc trùng … giặc cướp làm hại. Các Bí-sô nghe biết việc này liền bạch Phật, Phật bảo: “nếu định trở về ngay nhưng vì duyên sự nên không về kịp thì nên ngủ lại đêm tại đó, không nên trở về trong đêm. Nên mượn y của vị đồng phạm hạnh nơi đó tạm thọ trì, sáng hôm sau xả rồi trả lại ”. Lúc đó các Bí-sô không biết tạm thọ trì như thế nào, Phật bảo: “y đã thọ trì trước nên tâm niệm xả rồi mới thọ trì y mới. Có sáu pháp tâm niệm : một là trưởng tịnh, hai là tùy ý, ba là thọ trì y, bốn là xả ba y, năm là phân biệt y dư, sáu là xả biệt thỉnh”.

Lúc đó có Bí-sô được y, không rảnh để cắt may giặt nhuộm, Phật bảo nếu không đủ duyên để cắt may giặt nhuộm thì nên tính ra giá của vải chưa nhuộm đủ để sắm ba y thọ trì, cho đến y vật của thế tục, muợn dùng thọ trì thì không phạm. Lại có Bí-sô đến nơi khác ngủ đêm không mang theo Ni-sư-đàn, cho là đã phạm tội lìa y, bạch Phật, Phật nói: “ta chế không được lìa ba y ngủ đêm, không chế lìa Ni-sư-đàn; nhưng Bí-sô không nên cố ý không mang theo, nếu quên thì không phạm”.

7. Nhiếp tụng thứ bảy trong Biệt môn thứ nhất:

Cái lượt nước có năm,
Cùng ăn chung một bát,
Lộ hình khi ăn uống,
Việc tắm rửa nên biết.

Duyên khởi tại thành Thất-la-phiệt, lúc đó ở phương Nam có hai Bí-sô muốn đến thành Thất-la-phiệt để yết kiến Thế tôn, nhưng cả hai đều không mang theo cái lượt nước. Trên đường đi khát nước, khi đến một ao nước, người này bảo người kia xem nước có trùng không để uống cho đở khát, nhìn thấy nước có trùng nên họ không uống, cứ như thế đi đến ba nơi, nơi nào cũng nhìn thấy có trùng, cả hai nói với nhau: “nước đều có trùng, nếu uống thì hại chúng sanh, nếu không uống thì chết khát, chúng ta phải làm sao?”, Bí-sô nhỏ nói kệ:

“Trăm ngàn câu chi kiếp,
Khó được gặp Thế tôn,
Nay ta nên uống nước,
Đến đảnh lễ Đại sư”.

Bí-sô lớn nói kệ:

“Như lai đại bi thương chúng sanh,
Diệt hết Ái nhiễm của ba cõi,
Thọ trị cấm giới trong pháp này,
Ta thà chịu chết, không sát sanh”.

Lúc đó Bí-sô nhỏ không nhịn khát được nên uống nước có trùng rồi lên đường, Bí-sô lớn vì hộ trùng nên quyết tâm không uống nuớc có trùng, cố gắng ngồi thẳng dưới một gốc cây, trong lúc sức chưa kiệt quệ hệ tâm nơi việc thiện cho đến khi kiệt quệ mới qua đời. Do phước lực này nên được sinh lên chỗ thắng diệu của cõi trời Tam thập tam, tất cả hữu tình sanh lên cõi trời đều khởi ba niệm: một là ta từ đâu sanh đến đây, hai là nay ta đang ở đâu, ba là ta do nghiệp duyên gì. Vị thiên tử này liền nhớ biết tiền thân mình là người, được sanh lên cõi trời Tam thập tam là nhờ tôn trọng lời Phật dạy. Thiên tử suy nghĩ: “nếu ta không đến kính lễ Thế tôn trước là bất kính”, nghĩ rồi liền dùng chuỗi anh lạc trang nghiêm thân, dùng y kích đựng đầy các loại hoa trời như hoa Ưu bát la, Bát đầu ma… qua đầu đêm đến chỗ Phật, rải hoa cúng dường, đảnh lễ rồi ngồi một bên nghe Phật thuyết diệu pháp. Thân quang của vị thiên tử này chiếu sáng khắp cả rừng Thệ đa, Phật quán biết căn tánh tùy miên của thiên tử này, nói pháp Tứ đế khiến cho được khai ngộ và chứng quả Dự lưu. Sau khi chứng quả, thiên tử bạch Phật: “Thế tôn, nhờ Phật khai ngộ khiến con ở trong các nạn mà được giải thoát, điều này không phải do cha mẹ… cho đến sa môn, Bà-la-môn có thể làm được. Thế tôn là bậc đại thiện tri thức đã cứu vớt con ra khỏi ba cõi, đặt để con vào cõi trời người, hết khổ sanh tử, được đạo Niết-bàn, làm cạn biển máu, vượt khỏi núi xương, núi thân kiến từ vô thỉ đến nay đếu bị phá tan bằng chày trí Kim cang, chứng được Sơ quả. Nay con xin quy y Tam bảo, từ hôm nay cho đến trọn đời thọ trì năm học xứ, cúi xin Thế tôn chứng biết con là Ô-ba-sách-ca”, thiên tử liền cung kính nói kệ:

“Con nương nhờ Phật lực,
Đóng bít ba đường ác,
Sanh cõi trời thắng diệu,
Thú hướng cõi Niết-bàn.
Con nương nhờ Thế tôn,
Nên được thanh tịnh nhãn,
Chứng được Chân đế lý.
Phật vượt trên trời người,
Thoát khỏi già bịnh chết,
Khó gặp trong biển Hữu,
Nay gặp được chứng quả.
Con với thân trang nghiêm,
Tâm tịnh đảnh lễ Phật,
Nhiễu bên phải trừ oán,
Nay trở về thiên cung”.

Nói kệ rồi, thiên tử vui mừng như người đi buôn được lời, như người cày ruộng được thu hoạch, như người ra trận được thắng, như người bịnh được lành, đảnh lễ Phật rồi trở về thiên cung. Sau đó Bí-sô nhỏ đến thành Thất-la-phiệt, vào trong rừng Thệ đa, cất y bát, rửa chân rồi đến chỗ Phật, đảnh lễ rồi đứng một bên. Pháp thường của Phật là khi có khách Bí-sô đến, Phật an ủi rồi hỏi Bí-sô từ đâu đến, đáp là từ phương Nam đến, lại hỏi hạ an cư ở đâu, đáp là cũng ở phương Nam, lại hỏi đi đường có bạn không, đáp là có, lại hỏi người bạn đó hiện nay ở đâu, Bí-sô liền kể lại việc trên. Phật nghe rồi liền nói kệ:

“Nếu khinh mạn giới ta,
Thì gặp ta làm chi,
Dù cho có gặp ta,
Cũng như là không gặp.
Bí-sô kia gặp ta,
Do thọ trì tịnh giới,
Thầy ngu si vô trí,
Không thể thật thấy ta”.

Lúc đó Phật vạch bày thượng y cho Bí-sô này thấy ngực mình rồi nói kệ:

“Thầy hãy nhìn thân ta,
Thân do cha mẹ sanh,
Sắc ví như vàng ròng,
Là do nghiệp đời trước.
Ai không kính pháp thân,
Thì không thật thấy Phật,
Ai thành tựu pháp thân,
Mới thật thấy Mâu ni.
Pháp thân đứng thứ nhất,
Sắc thân đứng thứ hai,
Người trí thấy biết rõ,
Nên khéo hộ Thi la.
Thời Phật Ca-diếp ba,
Có Bí-sô phạm giới,
Vì tổn lá Y la,
Hiện đọa trong loài rồng”.

Nói kệ rồi Phật suy nghĩ: “do Bí-sô không mang theo cái lượt nước nên có lỗi này”, nghĩ rồi liền bảo các Bí-sô nên cất chứa cái lượt nước. Lúc đó các Bí-sô không biết cái lượt nước có mấy loại, Phật nói: “có năm loại:

1. Cái lượt nước lưới vuông: thông thường dùng chừng ba, hai hay một thước vải để làm cái lượt nước, nên làm hai lớp, vải nên dày và mịn để trùng không lọt qua được, nếu vải thưa mỏng thì không nên dùng.

2. Pháp bình tức là bình âm dương.

3. Quân trì: dùng vải bịt miệng bình rồi dùng dây cột nơi cổ bình, nhúng xuống nước cho nửa miệng bình nổi lên, nếu chìm ngập miệng bình thì nước sẽ không vào trong bình, chờ nước vào đầy bình mới lấy ra khỏi nước, vẫn phải xem kỹ có trùng hay không.

4. Chước-thủy-la: cái lượt nước lưới tròn, hình thức tuy khác nhưng ý hộ trùng là giống nhau.

5. Y-giác-la: không phải chéo y ca-sa, mà là miếng vải vuông chừng một khuỷu tay bịt, cột vào miệng bình để lượt lấy nước khi cần”.

Duyên khởi tại thành Thất-la-phiệt, lúc đó có hai Bí-sô trước đã có hiềm khích, nay làm bạn cùng du hành trong nhân gian. Một người có cái lượt nước, một người không có; người có lấy ra dùng để lượt nước, người không có hỏi mượn, người kia không cho mượn nên công việc của người này bị trở ngại. Bí-sô bạch Phật, Phật nói: “nếu trước đã có hiềm khích thì không nên cùng du hành, nếu gặp duyên phải đi chung thì nên sám tạ nhau rồi mới đi chung”.

Duyên xứ như trên, lúc đó có hai Bí-sô cùng du hành, một người có cái lượt nước, một người không có. Người không có hỏi: “thầy có mang theo cái lượt nước không?”, đáp là có, người này nghe rồi lại không hỏi người kia có cho mượn dùng hay không. Sau đó người kia lượt lấy nước uống, người này hỏi mượn, người kia không cho mượn và nói: “thầy chỉ hỏi tôi có mang cái lượt nước hay không chứ không hỏi mượn dùng, nay lại hỏi mượn thì thật là bất kính nên tôi không cho”, do duyên này nên công việc bị trở ngại như trên. Phật nói: “khi các Bí-sô muốn đi đâu nếu không có cái lượt nước thì nên hỏi đồng bạn có mang theo cái lượt nước hay không, nếu đáp là có thì nên hỏi cho tôi dùng chung được không, nếu đáp là được thì mới cùng đi chung, nếu đáp không được thì không nên cùng đi chung”. Duyên xứ như trên, lúc đó có hai Bí-sô cùng du hành, một người có cái lượt nước, một người không có. Người không có hỏi: “thầy có mang theo cái lượt nước không?”, đáp là có, lại hỏi cho tôi dùng chung được không, đáp là được nên cả hai cùng đi chung. Trên đường đi bỗng gặp đoàn thương buôn, người có mang theo cái lượt nước có việc nên theo các thương nhân trở về, người không có cái lượt nước liền nói: “trước đây thầy có hứa cho tôi dùng chung cái lượt nước, nay thầy trở về hãy đưa nó cho tôi”, đáp: “tôi hứa cho thầy dùng chung nhưng không nói là để lại cho thầy dùng”. Do duyên này nên công việc bị trở ngại như trên. Phật nói: “khi các Bí-sô muốn đi đâu nếu không có cái lượt nước thì nên hỏi đồng bạn có mang theo cái lượt nước hay không, nếu đáp là có thì nên hỏi cho tôi dùng chung được không, nếu đáp là được thì nên hỏi nếu thầy có việc phải trở về thì có thể để lại cái lượt nước cho tôi mượn dùng hay không; nếu bằng lòng thì tốt, nếu không bằng lòng thì không nên cùn đi chung”.

Tôn giả Ưu-ba-ly bạch Phật: “Thế tôn, nếu không mang theo cái lượt nước thì có được đi đến thôn khác hay chùa khác hay không?”, Phật nói: “không được, nếu biết đến nơi đó có thể cầu được cái lượt nước, không làm trở ngại công việc thì không phạm”; lại hỏi: “hai người chỉ có một cái lượt nước thì có được du hành hay không?”, Phật nói: “nếu không làm trở ngại công việc thì được”; lại hỏi: “nếu nhiều người cho đến đại chúng chỉ có một cái lượt nước thì có được du hành hay không?”, Phật nói như trên, lại hỏi: “nếu không có cái lượt nước thì có nên đi lại trên bờ sông hay không?”, Phật nói: “nếu nước chảy xiết, không có dòng nước khác chảy vào thì cách năm dặm nên xem nước rồi mới dùng; nếu có dòng nước khác chảy vào thì khi dùng nước cũng phải xem kỹ; nếu nước sông không chảy xiết thì tùy chỗ nên xem kỹ”; lại hỏi: “khi xem nước, nên xem trong phạm vi bao nhiêu?”, đáp là chừng một tầm lại hỏi: “nếu không xem nước cũng không lượt thì nước đó có được dùng hay không?”, đáp là không được, nếu dùng thì phạm; lại hỏi: “nước đã lượt rồi mà không xem lại thì có được dùng hay không?”, đáp là không được; lại hỏi: “nước không lượt nhưng có xem kỹ thì có được dùng hay không?”, Phật nói: “nếu xem kỹ thấy không trùng thì được tùy ý dùng”; lại hỏi: “nước đã lượt và xem kỹ thì có được dùng hay không?”, đáp là không trùng thì được dùng. Phật bảo Ưu-ba-ly: “có năm loại nước sạch (tịnh thủy):

1. Tăng già tịnh thủy: đại chúng sai một Bí-sô xem nước, khi vị này đang như pháp xem kỹ nước, một Bí-sô khác đến nói: “nước này Tăng đã lượt sạch rồi” thì uống dùng không phạm.

2. Biệt nhân tịnh thủy: nếu biết Bí-sô kia đối với giới, kiến, oai nghi, chánh mạng đều thanh tịnh thì dùng nước của vị ấy không phạm.

3. Lự la tịnh thủy: dùng cái lượt nước để lượt nước, không có trùng lọt qua, được dùng không phạm.

4. Dũng tuyền tịnh thủy: ngay chỗ nước suối phun ra thì không có trùng.

5. Tỉnh thủy tịnh thủy: khi múc nước giếng lên xem thấy trong sạch không có trùng, để đến sáng hôm sau được tùy ý lấy dùng”.

Lúc đó có Bí-sô do chăm chú xem nước có trùng hay không nên mắt bị loạn thị, Phật bảo không nên nhìn quá lâu, chỉ nên bằng khoảng thời gian xe sáu con bò chở tre quay trở lại, trong khoảng thời gian tâm tịnh trở lại để xem nước thì không phạm.

Duyên khởi tại thành Thất-la-phiệt, lúc đó có các cư sĩ tịnh tín mang các khí cụ đựng thức ăn đến cúng cho các Bí-sô, các Bí-sô không thọ nên các cư sĩ nói: “khi Phật chưa ra đời, chúng tôi xem ngoại đạo là chỗ tu phước; nay Phật ra đời, chúng tôi xem các vị là đại phước điền. Vì sao các vị không thọ vật của chúng tôi cúng, há không phải khiến chúng tôi bỏ tư lương tốt thú hướng cho đời sau hay sao?”, Bí-sô bạch Phật, Phật nói: “vì đại chúng nên thọ”, Bí-sô vâng lời Phật dạy thọ rồi đem cất vào trong kho, thọ thực vẫn bằng bát như cũ, thí chủ thấy rồi liền hỏi: “những khí cụ đựng thức ăn đã cúng trước đây vì sao không dùng?”, đáp là đã cất vào trong kho, thí chủ nói: “Thánh giả, không lẽ trong nhà tôi không có kho để cất chứa hay sao, chúng tôi dâng cúng là muốn các thầy thọ dụng; nay thầy đem cất vào trong kho thì chúng tôi chỉ được phước bố thí mà không được phước thọ dụng”, Bí-sô bạch Phật, Phật nói: “vật của thí chủ cúng nên thọ dụng”, Bí-sô vâng lời Phật dạy thọ dụng. Sau đó lại có thí chủ dâng cúng cái mâm đồng lớn, Bí-sô già được mâm đồng này hằng ngay lau chùi nên cực khổ, Phật bảo: “nên cử người cất giữ khí vật và lau chùi”. Lúc đó các Bí-sô không chọn người để sai làm việc này nên khiến các khí vật hư hoại, Phật bảo: “người có đủ năm pháp nếu chưa sai thì không nên sai, nếu đã sai rồi thì không cho làm, đó là: tùy Ái, tùy sân, tùy sợ, tùy si, không nhớ đã làm hay chưa làm. Ngược với năm pháp trên thì nếu chưa sai nên sai, nếu đã sai rồi thì nên bảo làm. Tác pháp sai như sau : trải tòa, đánh kiền chùy, nhóm Tăng; Tăng nhóm rồi nên hỏi trong chúng: “Bí-sô tên — có thể làm người cất giữ khí vật cho Tăng hay không?”, nếu người này đáp là có thể thì một Bí-sô trong Tăng nên tác bạch yết ma như sau:

Đại đức Tăng lắng nghe, Bí-sô tên —- hoan hỉ làm người cất giữ khí vật cho Tăng. Nếu tăng già đúng thời đến nghe, Tăng già nên chấp thuận, Tăng nay sai Bí-sô —- làm người cất giữ khí vật cho Tăng. Bạch như vậy.

Lúc đó có Bí-sô được khí vật, sau khi dùng xong đem khí vật dơ này đưa cho người coi giữ khí vật, Phật bảo nên đưa cho môn nhân đệ tử rửa sạch. Sau đó có Bí-sô không có đệ tử nên tự chùi rửa, Phật bảo nên đưa cho người cất giữ khí vật chùi rửa, nếu đệ tử không biết cách chùi rửa cũng nên đứa cho người cất giữ khí vật làm.

Duyên khởi tại thành Thất-la-phiệt, lúc đó Lục chúng Bí-sô cùng ăn chung trong một bát, cùng đưa tay vào trong bát rồi cùng rút tay ra nên bát bị kéo theo lên. Họ bèn nói với nhau: “hãy nhìn xem bát đen này đang hiện thần thông”, khi họ rút tay ra khỏi bát thì bát rơi xuống bể. Thấy bát bể, họ cùng cười lớn, Bí-sô khác thấy rồi liền trách: “các thầy cùng làm việc sai trái như vậy, đáng lẽ phải xấu hổ, ngược lại còn cười lớn nữa”, Lục chúng Bí-sô nói: “chúng ta làm việc gì, uống rượu hay là ăn hành tỏi?”, đáp: “việc đó không bao lâu nữa cũng sẽ làm”, Lục chúng Bí-sô nói: “bát tuy bể như không lẽ thợ gốm đều chết hết, đất sét cũng không còn hay sao; ta sẽ bảo họ làm cái khác thì có lỗi gì?”, Bí-sô nghe rồi liền im lặng, bạch Phật, Phật nói: “do ăn chung một bát nên có lỗi này, từ nay không được cùng một chỗ ăn chung một bát, ai làm trái thì phạm tội Việt pháp”. Sau đó có các Bí-sô tháp tùng theo đoàn thương buôn, khi các thương nhân cùng ăn chung một chỗ, các Bí-sô cũng ăn nhưng vì ít vật đựng nên không dám ăn chung, chờ họ ăn xong mới ăn thì trễ giờ, không theo kịp họ rớt lại phía sau nên gặp giặc cướp. Các Bí-sô bạch Phật, Phật nói: “nếu đang trên đường đi, không tìm được vật đựng thì nhiều người có thể cùng ăn chung một vật đựng, đợi người này đưa tay lên, người kia mới đưa tay xuống, không được đồng thời đưa lên hay đưa xuống”. Sau đó lại có Cầu tịch không dám ăn chung với Bí-sô nên sinh lỗi giống như trên, Phật bảo Bí-sô thọ lấy thức ăn trước, tay cầm vật đựng rồi mới cùng ăn chung một chỗ. Gặp lúc đi chung với tịnh nhân, việc cũng giống như với Cầu tịch, Phật bảo vắt cơm thành từng nắm chuyền đưa cho tịnh nhân ăn. Lại có Bí-sô trở về quê quán, thân tộc nói: “xa cách đã lâu, nay mới gặp nhau nên ngồi ăn chung mâm”, Bí-sô nói: “các vị là thế tục, tôi là người xuất gia không thể ăn chung mâm”, thân tộc nghe rồi buồn khóc, Bí-sô bạch Phật, Phật nói: “biết họ ân cần mời thì nên cùng ăn chung ở chỗ khuất để không chiêu lấy cơ hiềm. Bí-sô thọ lấy thức ăn trước rồi tay đụng vào mâm thì cùng ngồi ăn không lỗi”.

Duyên khởi tại thành Thất-la-phiệt, lúc đó Lục chúng Bí-sô chỉ mặc quần ngồi ăn, người tục thấy liền hỏi là ai đang ăn, có người đáp là Sa môn Thích tử, thế tục liền hiềm trách: “giáo chủ của họ gìn lòng hổ thẹn, vì sao đệ tử lại làm việc không biết hổ thẹn như thế”. Các Bísô nghe biết việc này liền bạch Phật, Phật bảo: “do chỉ mặc quần ngồi ăn nên có lỗi này, từ nay Bí-sô không được chỉ mặc quần ngồi ăn. Ai làm trái tì phạm tội Việt pháp”. Sau đó có Bí-sô già bịnh sức yếu, khi ăn không thể đắp thêm y, Phật bảo nên mặc y Tăng khước kỳ thì không phạm. Lại có Bí-sô bịnh nặng không thể mặc y Tăng khước kỳ, Phật bảo: “nếu vậy thì được chỉ mặc quần ngồi ăn, nhưng nên ngồi ăn ở chỗ khuất, chớ để người ngoài nhìn thấy”.

Duyên khởi tại thành Thất-la-phiệt, lúc đó Lục chúng Bí-sô lộ hình tắm trong sông A thị la, thế tục thấy liền hỏi là ai tắm, có người đáp là ngoại đạo lõa hình, lại có người đáp là Sa môn Thích tử, thế tục liền hiềm trách: “giáo chủ của họ gìn lòng hổ thẹn, vì sao đệ tử lại làm việc không biết hổ thẹn như thế”. Bí-sô bạch Phật, Phật nói: “do lộ hình tắm nên có lỗi này, từ nay các Bí-sô nên cất chứa quần tắm, không được lộ hình tắm. Ai làm trái thì phạm tội Việt pháp”. Sau đó có Bí-sô may quần tắm hai lớp, Phật nói: “sợ có trùng chui vào bên trong nên không được dùng; nếu ai chỉ có quần tắm kép, không có quần đơn thì nên xem kỹ nước không trùng mới được tắm”. Lúc đó có Bí-sô thọ trì ba y, sợ trái pháp nên không may quần tắm, Phật bảo nên thọ trì rồi cất chứa dùng; lại có người nghèo không may được quần tắm, Phật nói: “nếu không thể có được thì nên dùng dây cột lá cây để che phía trước và phía sau rồi tắm nơi chỗ khuất, chớ để người khác nhìn thấy thì không phạm”. Lúc đó Bí-sô tắm xong, sợ trong quần tắm có trùng nên không vắt quần ráo nước ; Phật bảo: “quần đơn một lớp thì không có trùng bám vào, nhưng khi vắt ráo nên giũ, nếu có trùng bám cũng sẽ văng ra”.

8. Nhiếp tụng thứ tám trong Biệt môn thứ nhất:

Đậu mọc nơi đất dơ,
Ói thức ăn, đòi hỏi,
Không được dùng đồ đồng,
Được đựng muối … không phạm.

Duyên khởi tại thành Thất-la-phiệt, lúc đó Bí-sô Hiệt-ly-bạt để tánh đa nghi, một hôm vào trong nhà xí nhìn thấy một hạt đậu mọc lá liền cho là mình làm tổn hại sanh chủng (hạt giống sống). Thời gian sau, trong Tăng làm nhiều bánh đậu xanh, Bí-sô này không dám ăn, các đệ tử hỉ nguyên do, liền kể lại việc đã thấy trước kia, các đệ tử nghe rồi cũng không dám ăn và đem việc này kể lại cho người khác nghe, không bao lâu sau lan truyền khắp trong chúng nên đại chúng cũng không dám ăn. Các Bí-sô nghe biết việc này liền bạch Phật, Phật bảo: “trong các loại đậu có hạt dù nấu lâu vẫn không chín nên mọc lại, loại đậu đã nấu qua thì ăn không lỗi”.

Duyên xứ như trên, lúc đó tôn giả Ưu-ba-ly hỏi Phật: “cây mọc trên đất không sạch, rái rụng trên đất không sạch thì có được ăn hay không?”, Phật nói không được, lại hỏi: “cây mọc trên đất không sạch, trái rụng trên đất sạch thì có được ăn hay không?”, Phật nói được ăn, lại hỏi: “cây mọc trên đất sạch, trái rụng trên đất không sạch thì có được ăn hay không?”, Phật nói nếu không để cách đêm thì được ăn, lại hỏi: “cây mọc trên đất sạch, trái rụng trên đất sạch thì có được ăn hay không?”, Phật nói được ăn.

Duyên xứ như trên, lúc đó có một Bà-la-môn đứng đầu về dạy học được cúng một con bò đực, nhiều lần sau đó đều được cúng bò đực, số bò nhiều nên trở thành bầy. Bà-la-môn này cho con bò đực đầu tiên là điềm lành nên không giết nó và để nó được tự do. Thời gian sau nó già yếu, một hôm vì khất nên nó đến bên sông uống nước, không may bị lún xuống bùn không thể lên được. Lúc đó tôn giả Xá-lợi-phất đi ngang qua nhìn thấy, liền quán thấy con bò này có thiện căn và có duyên với mình nên kéo nó lên khỏi bùn, lấy nước rửa sạch rồi cho nó ăn cỏ uống nước. Sau đó nói cho nó nghe ba câu pháp: “hiền thủ, các hành vô thường, các pháp vô ngã, tịch diệt là vui. Hãy khởi tâm tịnh tín nơi ta và nhàm lìa cõi bàng sanh”, nói rồi bỏ đi. Đêm đó khi bị con dã can làm hại, con bò này suy nghĩ: “nếu có thầy ta bên cạnh thì ta đã không bị khổ này”, nghĩ rồi đối với tôn giả Xá-lợi-phất hệ tâm tôn trọng, do nhân duyên này sau khi qua đời liền thác sanh vào nhà một Bà-la-môn. Lúc đó tôn giả Xá-lợi-phất suy nghĩ: “ta nên tạm đến thăm con bò già kia”, nghĩ rồi liền tác ý quán biết nó đã qua đời và thác sanh vào nhà một Bà-la-môn. Tôn giả vì muốn hóa duyên nên thường lui tới nhà Bà-la-môn này, khiến cả hai vợ chồng đều thọ Tam quy ngũ giới… giống như trường hợp của Bí-sô Thiện hòa ở trên. Thời gian sau đủ ngày tháng, vợ Bà-la-môn hạ sanh một trai có khuôn mặt như bò…, do đứa bé có khuôn mặt như bò nên được đặt tên là Ngưu chủ… giống như trường hợp của Bí-sô Thiện hòa ở trên, cho đến câu được chứng A-la-hán. Do nghiệp lực đời trước nên trong cổ của tôn giả Ngưu chủ có hai cuống họng, một ói thức ăn ra và một nuốt vào nhai lại. Khi Phật chưa chế giới ăn phi thời thì tôn giả này ở chỗ khuất ói ra rồi nhai lại, sau khi Phật chế giới thì ói thức ăn ra ngoài luôn; do không ăn được thức ăn nên thân thể tiều tụy. Phật tuy biết nhưng vẫn hỏi tôn giả A-nan: “vì sao Bí-sô Ngưu chủ lại ốm gầy tiều tụy như thế?”, A-nan đem việc trên bạch Phật, Phật nói: “nếu do túc nghiệp có hai cuống họng thì khi ói thức ăn ra nên súc miệng ba lần rồi hãy nhai lại thì không phạm”. Sau đó lại có Bí-sô sau khi ăn no xong lại ợ thức ăn, không biết mình có phạm giới ăn phi thời không, Phật nói nên súc miệng sạch thì không phạm. Sau khi Ngưu chủ xuất gia thành Bí-sô, nhiều thế tục chê bai nói rằng: “Sa môn Thích tử sao lại cho người có hình dáng như Ngưu chủ xuất gia”, các Bí-sô nghe biết việc này liền bạch Phật, Phật bảo: “Thánh đệ tử của ta đức độ như núi Diệu cao lại bị người đời cơ hiềm, do nhân duyên này Bí-sô Ngưu chủ không nên ở trong thành nơi chỗ đông người, nên ở ngoài biên phương”, Bí-sô Ngưu chủ vâng lời Phật dạy rời khỏi rừng Thệ đa, ra ngoài biên phương ở an trong cung Thế lị sa. Phật bảo các Bí-sô: “trong các đệ tử sống nơi biên phương thì Ngưu chủ là tối thắng”, lúc đó các Bí-sô đều có nghi thỉnh hỏi Phật: “Bí-sô Ngưu chủ đã tạo nghiệp gì, do nghiệp lực ấy tuy được sanh làm người nhưng lại có khuôn mặt như bò và được xuất gia trong Phật pháp, chứng quả A-la-hán?”, Phật nói: “nghiệp đã tạo theo thời gian tăng trưởng thuần thục, trở lại tự thọ quả báo… Các thầy lắng nghe:

Quá khứ Hiền kiếp, lúc con người thọ hai vạn tuổi có Phật Cadiếp ba ra đời đầy đủ mười hiệu, Ngưu chủ xuất gia trong giáo pháp của Phật này, Thân giáo sư của Ngưu chủ là bậc thượng thủ trong chúng đã chứng quả A-la-hán, tuổi già sức yếu không thể ăn mau. Ngưu chủ thường đợi thầy ăn xong thu bát, rửa sạch rồi mới đến chỗ các Bí-sô tập tụng; do thầy ăn chậm nên thường đến trễ, một hôm nổi sân nói rằng: “vì sao lại ăn chậm như bò già vậy”, vị thầy nghe rồi suy nghĩ: “nó đang sân, không nên nói với nó, đợi nó hết sân sẽ nói cho nó biết”. Sau khi đệ tử hết sân, vị thầy hỏi: “hồi nãy con nói lời gì?”, đáp: “con nói thầy ăn chậm như bò già”, thầy nói: “con có biết ta là ai không?”, đáp: “con biết thầy là người xuất gia trong Phật pháp này, là bậc thượng thủ trong chúng”, vị thầy nói: “quả là như vậy, nhưng đối với việc nên làm của người xuất gia thì ta đã làm xong, còn con thì vẫn còn bị trói buộc. Con đã nói lời thô ác, phải mau chí thành sám hối mới trừ được nghiệp ác này”, đệ tử nghe rồi liền chí thành sám hối.

Phật bảo các Bí-sô: “do quá khứ Ngưu chủ nói lời thô ác với vị A-la-hán nên trong năm trời đời thường thọ thân bò, đời này do nghiệp dư tàn nên tuy thọ thân người vẫn còn mang khuôn mặt của bò; lại nhờ trong quá khứ siêng năng tập tụng nên đời này được xuất gia trong giáo pháp của ta, đoạn trừ phiền não chứng quả A-la-hán”, các Bí-sô lại có nghi thỉnh hỏi Phật: “Bí-sô Ngưu chủ đã tạo nghiệp gì mà lại ở biên phương và được Phật khen là tối thắng?”, Phật nói: “đó là do lực của phát nguyện, các thầy lắng nghe:

Vào thời Phật Ca-diếp ba, Ngưu chủ xuất gia tuy trọn đời tu tập nhưng không được chứng quả, thầy của Ngưu chủ trú ở biên phương thọ dụng y thực được khen là tối thắng, vì thế khi lâm chung Ngưu chủ phát nguyện rằng: “nguyện đem công đức tu tập này, ở đời vị lai lúc con người thọ trăm tuổi, có Phật Thích ca mâu ni ra đời đầy đủ mười hiệu, con sẽ được xuất gia trong giáo pháp của vị Phật ấy, đoạn trừ phiền não chứng quả A-la-hán và được giống như thầy của con, trú ở biên phương thọ dụng y thực được khen là tối thắng”.

Phật bảo các Bí-sô: “do nguyện lực thuở xưa nên nay được thọ quả báo này. Này các Bí-sô, hễ tạo nghiệp thuần đen… cho đến câu chỉ nên tạo nghiệp trắng”.

Duyên xứ như trên, lúc đó Lục chúng Bí-sô chỉ trỏ đòi thức ăn: “hãy đưa cho chúng tôi vật này, đưa cho chúng tôi vật kia…”, khiến người dọn đưa thức ăn mất thứ lớp đưa đến ai, bạch Phật, Phật nói: “Bísô không được chỉ trỏ đòi thức ăn, ai làm trái thì phạm tội Việt pháp; 00 nếu không có lửa, đòi thức ăn chín thì không phạm”.

Duyên xứ như trên, lúc đó cụ thọ Ô ba-nan-đà đến nhà thợ làm đồng hỏi: “hiền thủ, có thể làm bát bằng đồng được không?”, đáp: “đây là nghề của con, có gì không làm được. Thánh giả muốn làm bát lớn hay bát nhỏ?”, đáp là làm lớn cở —- lại hỏi: “Thánh giả làm bát lớn như thế để làm gì?”, đáp: “người ngu si này, chẳng lẽ ông làm không, không lấy tiền hay sao mà hỏi”, người thợ làm đồng suy nghĩ: “làm lớn theo ý của khách đối với ta có hại gì”, nghĩ rồi liền làm bát lớn. Làm xong, Ô banan-đà lại bảo làm thêm một bát nữa đặt lọt vào trong bát này, thứ lớp như thế đến cái bát thứ bảy. Sau khi làm xong liền bảo đệ tử đánh bóng rồi dùng chỉ ngũ sắc đan lưới để đựng cả bảy cái bát đó và bảo Cầu tịch đội trên đầu mà đi đến chỗ thọ thỉnh. Sau khi Lục chúng Bí-sô vào nhà thí chủ, ngồi vào chỗ ngồi rồi liền mở lấy bảy cái bát ra để ở trước mặt; các cư sĩ thấy rồi liền nói: “chẳng lẽ các thầy mở cửa hàng bán đồ đồng hay sao?”, đáp: “các người không biết gì cả, bảy cái bát này : bát thứ nhất đựng cơm ; bát thứ hai đựng bún, miến hay mì ; bát thứ ba đựng bánh, bát thứ tư đựng thức ăn ngon, bát thứ năm đựng canh rau, bát thứ sáu đựng sữa hay lạc, bát thứ bảy đựng gia vị”, cư sĩ nói: “nếu vậy cần thêm một vật đựng nữa để đựng thức ăn uống nhiều hơn”, Lục chúng Bí-sô nghe rồi liền im lặng. Các Bí-sô nghe biết việc này liền bạch Phật, Phật bảo: “do Bí-sô chứa bát đồng nên có lỗi này, từ nay Bí-sô không được chứa bát đồng. Ai làm trái thì phạm tội Việt pháp, nhưng cất chứa muỗng đồng, mâm đồng đựng muối, chung nước bằng đồng thì không phạm; hoặc dùng vật của người khác thì không phạm”.