CĂN BẢN THUYẾT NHẤT THIẾT HỮU BỘ TỲ NẠI DA TẠP SỰ

Hán dịch: Tam tạng Pháp sư Nghĩa Tịnh đời Đường – TQ
Việt dịch: Ban phiên dịch chùa Pháp Bảo, HT Thích Tịnh Hạnh giám tu – năm 2005
Hiệu đính và nhuận văn: NS Thích nữ Như Lộc tại chùa Phổ Minh – năm 2009

 

QUYỂN 4

– Nhiếp tụng thứ tư (tt):

Phật tại thành Quảng nghiêm, trong thành có một Lật-cô-tỳ tử tên Thiện hiền, tánh hạnh chất trực, không có khi dối, hằng ngày đều đến kính lễ Thế tôn. Một hôm, trên đường đi đến gặp Phật bỗng gặp hai Bísô Hữu và Địa, hai Bí-sô này trong nhiều đời đã có oán thù với Bí-sô Thật lực tử, khi thấy Thiện hiền liền hỏi đi đâu, đáp là đến kính lễ Thế tôn. Hai Bí-sô này hỏi: “ông đến gặp Thế tôn dùng lời cúng dường, vậy ông có chuẩn bị lời nói nào thù thắng hay chưa?”, đáp là không có, hai Bí-sô liền chỉ vẻ: “khi ông đến gặp Phật nên nói rằng: “Bí-sô Thật lực tử không biết xấu hổ, hành phi pháp, đã cùng vợ của con hành dâm, làm hạnh bất tịnh, phạm Ba-la-thị-ca. Thế tôn nghe rồi chắc chắn sẽ hoan hỉ”. Thiện hiền nghe rồi liền đi đến chỗ Phật, đảnh lễ rồi đứng một bên bạch Phật: “Thế tôn, Bí-sô Thật lực tử không biết xấu hổ, hành phi pháp, đã cùng vợ của con hành dâm, làm hạnh bất tịnh, phạm Ba-lathị-ca.”, nói xong liền ra về, Phật bảo các Bí-sô: “Lật-cô-tỳ tử kia nói lời phỉ báng, khi dối; các thầy nên làm yết ma phú bát cho ông ta, nếu có ai giống như vậy, Tăng cũng nên làm yết ma phú bát. Tác pháp như sau: trải tòa, đánh kiền chùy, Tăng tập họp, trong Tăng nên sai một Bísô tác bạch yết ma: Đại đức Tăng lắng nghe, Lật-cô-tỳ tử Thiện hiền đã đem pháp Ba-la-thị-ca không căn cứ vu báng cho Bí-sô thanh tịnh Thật lực tử. Nếu tăng già đúng thời đến nghe, Tăng già nên chấp thuận, Tăng nay tác yết ma phú bát cho Thiện hiền. Bạch như vậy. Tăng tác yết ma phú bát xong thì các Bí-sô không được đến nhà người ấy, nếu có đến cũng không được ngồi, không được thọ thức ăn uống, cũng không được thuyết pháp cho họ”. Phật lại bảo A-nan: “thầy hãy đi đến nhà của Thiện hiền nói với ông ta rằng: “Tăng đã tác yết ma phú bát cho ông rồi”, tôn giả A-nan vâng lời Phật dạy đến nhà Thiện hiền, không có ông ta ở nhà nên tôn giả hỏi người vợ: “Thiện hiền đang ở đâu?”, đáp: “ông ấy có việc nên đi vắng, đại đức cần gặp có chuyện gì không?”, tôn giả nói: “bà nên biết Tăng đã tác yết ma phú bát cho chồng bà”, lại hỏi yết ma phú bát là gì, đáp: “nếu người nào bị Tăng tác yết ma phú bát thì các Bí-sô không được đến nhà người ấy, nếu có đến cũng không được ngồi, không được thọ thức ăn uống, cũng không được thuyết pháp cho họ”, người vợ nói: “theo lời nói này thì Tăng đã vì chồng con mà phát thẻ lập chế không qua lại nữa, nhưng chồng con có lỗi gì mà bị phú bát?”, đáp: “chồng bà đến gặp Phật nói rằng: “Bí-sô Thật lực tử không biết xấu hổ, hành phi pháp, đã cùng vợ của con hành dâm, làm hạnh bất tịnh, phạm Ba-la-thị-ca”, người vợ nghe xong liền vào phòng, tôn giả ra về. Lúc đó Thiện hiền giải quyết xong công việc liền trở về nhà, người vợ nói: “chàng biết không, Thánh chúng đã tác yết ma phú bát cho chàng”, Thiện hiền nói lành thay, người vợ hỏi: “chàng có biết yết ma phú bát là gì không?”, đáp là không biết, người vợ nói: “người nào bị Thánh chúng tác yết ma phú bát thì các Bí-sô không được đến nhà người ấy, nếu có đến cũng không được ngồi, không được thọ thức ăn uống, cũng không được thuyết pháp cho họ. Có phải chàng đã từng thấy Bí-sô Thật lực tử cùng tôi làm việc phi pháp ở chỗ khuất phải không?”, đáp là không thấy, người vợ nói: “chàng hãy đến sám hối với Đại sư, nếu Đại sư dung thứ cho chàng thì tốt, nếu không dung thứ thì chàng đừng bước vào nhà”. Thiện hiền nghe rồi, trong lòng xấu hổ, sợ hãi liền đi đến gặp Phật, đảnh lễ rồi chắp tay bạch rằng: “Thế tôn, con hằng ngày đều đến kính lễ Thế tôn. Một hôm, trên đường đi đến gặp Phật, con bỗng gặp hai Bí-sô Hữu và Địa, hai Bí-sô này trong nhiều đời đã có oán thù với Bí-sô Thật lực tử, khi thấy con liền hỏi đi đâu, con đáp là đến kính lễ Thế tôn. Hai Bí-sô này hỏi: “ông đến gặp Thế tôn dùng lời cúng dường, vậy ông có chuẩn bị lời nói nào thù thắng hay chưa ?”, con đáp là không có, hai Bí-sô liền chỉ vẻ: “khi ông đến gặp Phật nên nói rằng: Bí-sô Thật lực tử không biết xấu hổ, hành phi pháp, đã cùng vợ của con hành dâm, làm hạnh bất tịnh, phạm Ba-la-thị-ca”. Lời nói đó là do hai Bí-sô kia dạy con nói, không phải là ý của con”, Phật bảo các Bí-sô: “Thiện hiền tuy phỉ báng nhưng vốn không phải là ý mình, các thầy nên tác pháp yết ma ngưỡng bát cho ông ta. Nếu có ai giống như vậy, Tăng cũng nên cho yết ma ngưỡng bát. Tác pháp như sau: trải tòa, đánh kiền chùy, Tăng tập họp; sau khi Tăng tập họp, nên bảo Thiện hiền đến trước vị Thượng tòa chắp tay bạch như sau:

Đại đức Tăng lắng nghe, con tên Thiện hiền do bị ác tri thức dối hoặc nên đã đem pháp Ba-la-thị-ca không căn cứ vu báng cho Bí-sô thanh tịnh Thật lực tử. Do việc này, Tăng đã tác yết ma phú bát cho con, con nay theo Tăng xin yết ma ngưỡng bát. Cúi xin Tăng cho con yết ma ngưỡng bát, xin thương xót (ba lần).

Kế đó nên đưa Thiện hiền đến chỗ chỉ thấy nhưng không nghe, đứng chắp tay. Một Bí-sô ở trong Tăng tác bạch yết ma như sau:

Đại đức Tăng lắng nghe, Lật-cô-tỳ tử Thiện hiền do bị ác tri thức dối hoặc nên đã đem pháp Ba-la-thị-ca không căn cứ vu báng cho Bí-sô thanh tịnh Thật lực tử. Do việc này nên Tăng đã tác yết ma phú bát cho ông ta. Nay Thiện hiền biết lỗi sám hối, theo Tăng xin yết ma ngưỡng bát. Nếu tăng già đúng thời đến nghe, Tăng già nên chấp thuận, Tăng nay cho Thiện hiền yết ma ngưỡng bát. Bạch như vậy.

Khi Tăng đã tác yết ma ngưỡng bát rồi thì các Bí-sô được đến nhà người ấy, được ngồi, được thọ thức ăn uống và được thuyết pháp cho họ.

5. Nhiếp tụng thứ năm trong Biệt môn thứ nhất:

Sanh chi, mặt như gương,
Không được ca múa nhạc,
Khai cho ngâm vịnh, tán,
Dùng bát, cả thảy bốn.

Duyên khởi tại thành Thất-la-phiệt, lúc đó có một Bí-sô chuyên tu tịch định, khi ngồi kiết già, sanh chi bỗng khởi lên. Hôm khác sau khi khất thực trở về, thọ thực xong, thu xếp y bát, rửa chân rồi đến bên gốc cây ngồi ngay thẳng tư duy thì sanh chi lại khởi lên. Bí-sô này bị dục làm cho phiền não nên nổi sân, đăt sanh chi lên đá rồi dùng đá đập làm cho tổn hoại. Bí-sô khổ não không chịu đựng nổi liền suy nghĩ: “Thế tôn từ bi, sao không thương tưởng đến ta”. Lúc đó Phật từ xa biết được tâm niệm của Bí-sô nên đi đến bên cạnh hỏi: “thầy đã làm việc gì?”, Bí-sô đem việc trên bạch Phật, Phật nói: “thầy há không nghe ta đã dạy rằng: Bí-sô khi dục nhiễm phát sanh thì nên quán bất tịnh để ngăn dứt. Tại sao thầy lại làm người ngu si, nên đánh cái này (tâm dục nhiễm) lại đánh cái khác (sanh chi)”, Bí-sô nghe rồi xấu hổ im lạng. Do việc này, Phật bảo các Bí-sô: “trước đây há ta đã không dạy các thầy: khi tâm dục nhiễm phát sanh thì nên quán bất tịnh, khi tâm sân hận phát sinh thì nên quán từ bi, khi tâm ngu si phát sanh thì nên quán mười hai nhân duyên. Đối với pháp nên tu tập mà lại không tu tập, đối với điều nên đánh mà không đánh, lại đánh cái khác thì phạm tội Việt pháp”.

Trong thành này có một trưởng giả cưới vợ không bao lâu liền sanh được một trai, tướng mạo tuấn tú khiến mọi người đều yêu mến. Đứa bé được thương yêu nuôi dưỡng cho đến trưởng thành thì xuất gia trong giáo pháp của Phật, thành tánh Bí-sô. Bí-sô này có duyên sự nên rời khỏi rừng Thệ đa, du hành trong nhân gian, trên mặt bỗng mọc một ung nhọt nên tìm thầy thuốc chữa trị, không may gặp phải thầy thuốc dở dùng kim châm chích, khiến miệng của Bí-sô bị méo xệch. Khi trở về lại trong vườn Cấp, các vị quen biết trước kia không ai thăm hỏi nên Bí-sô này hỏi: “thầy không nhận ra tôi hay sao?”, đáp: “tôi không nhớ có quen thầy, thầy là ai?”, Bí-sô liền đem việc trên kể lại. Các Bí-sô nghe biết việc này liền bạch Phật, Phật bảo: “luận về người giữ khuôn mặt cũng như giữ gương sáng, không nên vội cho thầy thuốc không giỏi châm chích trên mặt. Ai làm trái thì phạm tội Việt pháp”. Sau đó có Bí-sô đầu mặt bị nóng sốt, muốn chích bớt máu nóng trên trán nhưng không tìm được thầy thuốc bậc thượng; Phật nói: “nếu không có thầy thuốc bậc thượng thì nên nhờ thầy thuốc bậc trung lễ lấy máu ra”.

Trong thành này có hai nhóm người kết thân hữu với nhau, một nhóm thuộc hạng người mua bán giao dịch, một nhóm là Bà-la-môn; nhóm người mua bán giỏi về ca múa hơn nhóm Bà-la-môn, nhưng thua về chiến đấu. Một hôm, nhóm Bà-la-môn nói với nhau: “nhóm người mua bán ca múa hay hơn chúng ta nhưng thua về chiến đấu, chúng ta làm cách nào để hơn họ về ca múa?”, một người nói: “muốn thắng họ, chúng ta nên học tập ca múa”, một người nói: “ý kiến hay, nhưng nên học ca múa với ai?”, một người nói: “Lục chúng Bí-sô giỏi âm nhạc và ca múa, chúng ta nên cầu học. Các vị ấy đa tham, thích tài vật ; nếu họ yêu cầu điều gì, chúng ta nên đáp ứng”. Bàn xong họ cùng đi đến chỗ Lục chúng Bí-sô, đảnh lễ rồi bạch rằng: “cúi xin các đại đức từ bi dạy chúng tôi ca múa”, đáp: “nếu cung cấp đầy đủ bánh trái thì ta sẽ dạy”, họ nghe rồi liền cung cấp đầy đủ bánh để theo học ca múa. Thời gian sau, trong lễ hội nhóm Bà-la-môn này không những thắng nhóm người kia về chiến đấu mà ngay cả ca múa cũng thắng luôn. Nhóm người kia liền hỏi nguyên do, đáp: “đó là do chúng tôi cố công học tập ca múa”, lại hỏi là ai dạy, đáp là Lục chúng Bí-sô. Nhóm người kia nghe rồi liền sanh tâm cơ hiềm, nói rằng: “Sa môn Thích tử hành pháp trạo cử, ca múa chơi nhạc, lại còn dạy cho thế tục”. Các Bí-sô nghe biết việc này liền bạch Phật, Phật bảo: “do ca múa nên có lỗi này, từ nay Bí-sô không được học ca múa, ai làm trái thì phạm tội Việt pháp”. Sau đó nhóm Bàla-môn quên âm nhạc của họ nên đến yêu cầu Lục chúng Bí-sô ôn tập giúp, đáp là Phật đã chế ngăn, Bà-la-môn nói: “nếu vậy nên lược bớt”, Lục chúng Bí-sô nghe rồi liền lược bớt phần ca múa nhạc để dạy họ. Khi đến lễ hội, nhóm Bà-la-môn này lại thua nhóm kia về ca múa nên họ chê trách: “Sa môn Thích tử dạy lược bớt làm cho chúng ta thua”. Các Bí-sô nghe biết việc này liền bạch Phật, Phật bảo: “Bí-sô không nên lược bớt phần ca múa nhạc của người khác, ai làm thế thì phạm tội Việt pháp”. Vào thời khác, nhóm Bà-la-môn lại đến yêu cầu Lục chúng Bí-sô dạy về hí nhạc, Lục chúng Bí-sô không dạy, họ nói: “nếu các Thánh giả không dạy, thì xin đến có mặt nơi đó cổ vũ cho chúng tôi được thắng”. Lục chúng Bí-sô liền đến cổ vũ, nhóm kia thấy sanh hổ thẹn, không thể trổ tài được nên chê trách: “Sa môn Thích tử lại hiện diện ở chỗ ca múa”, Phật bảo: “Bí-sô không được đến chỗ ca múa, từ nay Bí-sô nào tự mình ca múa, ngâm, vịnh và dạy cho người khác hoặc lược bớt nhạc của người khác đều phạm tội Việt pháp”.

Nhân duyên của tôn giả Thiện hòa:

Tại nước Kiều thiểm tỳ có một trưởng giả tên Đại thiện, bẩm tánh nhu hòa, vợ trưởng giả đang có thai. Lúc đó tôn giả Xá-lợi-phất quán biết thai nhi sau này sẽ được mình hóa độ, chứng quả thắng thượng nên đi đến nhà trưởng giả. Trưởng giả sanh tín tâm, cầu quy y thọ trì năm giới, từ đó tôn giả thường hay lui tới nhà này. Một hôm, tôn giả một mình đi đến nhà trưởng giả, trưởng giả hỏi vì sao lại đi một mình, tôn giả đáp: “thị giả của tôi không ở trong thảo am mà ở chỗ trưởng giả”, trưởng giả liền nói: “vợ con đang có thai, sau này nếu sanh con trai sẽ cho làm thị giả của tôn giả”, tôn giả nghe rồi liền chú nguyện cho đứa bé được khỏe mạnh rồi ra về. Thời gian sau đủ ngày tháng, vợ trưởng giả hạ sanh một bé trai, thân hình ốm gầy xấu xí nhưng lại có âm thanh hòa nhã. Trải qua hai mươi mốt ngày, trưởng giả mở tiệc ăn mừng và đặt tên cho bé, thân thuộc nói: “đứa bé này thân hình ốm gầy xấu xí, nhưng lại có âm thanh hòa nhã, là con của trưởng giả Đại thiện nên đặt tên cho bé là Thiện hòa”. Đợi khi Thiện hòa khôn lớn, tôn giả Xá-lợiphất vào một buổi sáng đắp y mang bát vào thành khất thực, thứ lớp đến nhà trưởng giả Đại thiện. Trưởng giả thấy liền chào hỏi thiện lai, đảnh lễ tôn giả rồi đón lấy bát đựng đầy thức ăn dâng cúng; lúc đó đồng tử Thiện hòa ra chào tôn giả, tôn giả liền hiện tướng khiến trưởng giả nhớ lại chuyện trước đây. Trưởng giả liền bảo con: “khi con còn ở trong bụng mẹ, cha đã hứa cho con làm đệ tử của tôn giả. Nay đã đến thời, con nên đi theo tôn giả”, đồng tử ở trong đời này thọ thân sau cùng nên rất dễ lìa tục, nghe cha nói rồi liền đi theo tôn giả. Về đến trú xứ, tôn giả cho Thiện hòa xuất gia, sau đó cho thọ giới cụ túc, như pháp giáo hóa, Thiện hòa siêng năng tinh tấn tu tập, không bao lâu sau đoạn trừ phiền não, chứng được quả A-la-hán. Lúc đó Bí-sô Thiện hòa có năng khiếu ngâm vịnh tán tụng kinh pháp, âm thanh trong suốt thấu tận cõi Phạm thiên, ai nghe cũng đều sanh tâm hoan hỉ ; các Bí-sô chưa ly dục đều bỏ phế việc của mình để lắng nghe diệu âm này. Vô số chúng sanh nghe được âm thanh này đều gieo trồng căn lành giải thoát, cho đến loài bàng sanh cũng lắng tai nghe diệu âm này. Phật nhân lúc đại chúng nhóm họp liền nói với đại chúng: “này các Bí-sô, trong giáo pháp của ta, Bí-sô Thiện hòa có âm thanh vi diệu bậc nhất trong số các đệ tử Thanh văn”.

Lúc đó trời gần sáng, vua Thắng quang nước Kiều-tát-la cỡi voi Bạch liên hoa cùng tùy tùng ra khỏi thành để đi đến thành khác vì công việc. Khi đi ngang qua rừng Thệ đa, voi của vua nghe tiếng tán tụng kinh pháp của Bí-sô Thiện hòa vang ra, liền đứng lại vễnh tai lắng nghe, không chịu đi tới; Quản tượng dùng móc câu đập vào chân, voi vẫn đứng yên. Vua bảo Quản tượng thúc voi đi tới, Quản tương tâu: “thần đã tận lực thúc đẩy nó đi tới, nhưng nó vẫn không chịu đi, không biết nó muốn gì”, vua nói: “nếu vậy, hãy thả ra cho nó tùy ý đi”, Quản tượng thả ra, voi liền đi vào trong vườn Cấp đứng trước cửa chùa vễnh tai lắng nghe tiếng tán tụng. Lúc đó Bí-sô Thiện hòa tán tụng xong liền đọc kệ phát nguyện:

“Chư thiên, A-tu-la, Dược xoa,
Ai đến nghe pháp nên chí tâm,
Ủng hộ Phật pháp khiến thường còn,
Ai nấy siêng tu lời Phật dạy.
Những vị nghe pháp đã đến đây,
Ở trên mặt đất hoặc hư không,
Thường hành tâm từ với người đời,
Ngày đêm tự mình nương theo pháp.
Nguyện cho thế giới thường an ổn,
Vô biên phước trí lợi quần sanh,
Bao nhiêu tội nghiệp thảy tiêu trừ,
Xa lìa các khổ về viên tịch.
Thường dùng hương giới thoa thân sáng,
Thường mặc áo thiền để che thân,
Diệu hoa Bồ-đề khắp trang nghiêm,
Tùy ở nơi đâu đều an lạc”.

Voi nghe kệ này xong biết thời kinh đã mãn liền vẩy tai trở về lại chỗ vua, nghe theo sự điều khiển của Quản tượng. Vua hỏi: “vì sao bây giờ voi lại nghe theo ý khanh?”, đáp: “vì hồi nãy voi nghe tiếng tán tụng vi diệu của vị Thánh giả nào trong chùa, ưa thích nghe nên mới không chịu đi tới; bây giờ đã nghe xong nên chịu nghe thần điều khiển”, vua nghe rồi liền nói: “nếu vậy, hãy quay voi về, ta muốn đến thăm hỏi vị Thánh giả đó và muốn dâng cúng thượng y cho vị ấy. Ngày mai đến thành kia cũng được”, Quản tượng tuân lịnh vua quay voi trở về cung. Lúc đó phu nhân Thắng man thấy vua quay trở về, ngạc nhiên hỏi nguyên do; vua đem việc trên kể lại rồi nói: “phu nhân hãy đưa thượng y cho ta, ta muốn tự mình dâng cúng cho vị kinh sư kia”, phu nhân nghe rồi liền suy nghĩ: “phải chăng chính là Bí-sô Thiện hòa đã tán tụng kinh pháp với âm thanh vi diệu. Tôn giả hình dung ốm gầy xấu xí, vua lại thích người tuấn tú; nếu vua gặp nhất định sẽ không vừa ý và sanh tâm khinh mạn, hối tiếc là đã kính trọng. Ta nên tìm cách làm cho vua không đích thân đến gặp”, nghĩ rồi liền tâu vua: “Đại vương cứ đi đến thành kia, y này thiếp sẽ mang đến dâng cho tôn giả kia”, vua nói: “phu nhân mặc tình lấy y khác dâng cúng, lẽ nào vì cái y mà nước Kiều-tát-la của ta lại trở nên nghèo thiếu hay sao?”, phu nhân nghe rồi liền im lặng. Vua cầm thượng y đi đến trong rừng Thệ đa, lúc đó tôn giả A-nan đang đi kinh hành trước cửa chùa, vua thấy rồi liền bước xuống voi đảnh lễ rồi hỏi tôn giả: “xin hỏi đại đức sáng sớm hôm nay, vị tôn giả nào đã tán tụng kinh pháp?”, tôn giả hỏi: “Đại vương cần gì mà hỏi như vậy?”, đáp: “tôi muốn đích thân cúng thượng y này cho vị ấy”, tôn giả nghe rồi suy nghĩ: “Bí-sô Thiện hòa tuy tán tụng kinh pháp với âm thanh vi diệu, âm vận hòa nhã siêu quần; nhưng hình dung ốm gầy xấu xí, vua lại thích người tuấn tú; nếu vua gặp nhất định sẽ không vừa ý và sanh tâm khinh mạn, hối tiếc là đã kính trọng. Ta nên tìm cách làm cho vua không đích thân đến gặp”, nghĩ rồi liền nói với vua: “Đại vương hãy đưa y cho tôi, tôi sẽ đưa lại cho vị ấy”, vua nói: “đại đức, Thế tôn tán thán việc tự mình dâng cúng là tối thượng, nên tôi muốn tự tay dâng cúng”. Lúc đó vào ban ngày, tôn giả Thiện hòa đang ngồi kiết già bên gốc cây, tôn giả A-nan dẫn vua đến rồi nói: “Đại vương, vị ngồi kiết già dưới gốc cây chính là vị tụng kinh với âm thanh vi diệu”, vua bước tới nhìn thấy tôn giả hình dung xấu xí liền sanh tâm khinh thường, không còn tín kính nữa, quay đầu và nhăn mày, để thượng y xuống trước mặt rồi bỏ đi. Tôn giả Thiện hòa thấy nhà vua có hành động như vậy liền nói kệ:

“Ai dùng sắc thấy ta,
Dùng âm thanh cầu ta,
Ái nhiễm loạn tâm họ,
Không thể thấy được ta.
Ai chỉ biết bên trong,
Mà không thấy bên ngoài,
Ở bên trong cầu quả,
Là bị mê theo tiếng.
Ai chỉ biết bên ngoài,
Mà không thấy bên trong,
Ở bên ngoài cầu quả,
Cũng bị mê theo tiếng.
Ai không biết bên trong,
Cũng không thấy bên ngoài,
Phàm phu đều bị chướng,
Cũng bị mê theo tiếng.
Ai biết rõ bên trong,
Lại khéo thấy bên ngoài,
Người trí sẽ xuất ly,
Không bị mê theo tiếng”.

Lúc đó các Bí-sô đều có nghi thỉnh hỏi Phật: “do nhân duyên gì mà Bí-sô Thiện hòa hình dung xấu xí mà âm thanh lại hòa nhã, được xuất gia trong Phật pháp, được Lậu tận chứng quả A-la-hán?”, Phật nói: “Bí-sô Thiện hòa tự tạo nghiệp nên nay tự thọ lấy quả báo… cho đến nói kệ:

“Dù trải qua trăm kiếp,
Nghiệp đã tạo không mất,
Khi nhân duyên hội họp,
Tự thọ lấy quả báo”.
Các thầy lắng nghe:

Quá khứ Hiền kiếp lúc loài người sống thọ bốn vạn tuổi, có Phật Câu lưu tôn ra đời đầy đủ mười hiệu; sau khi làm xong các Phật sự, Phật liền nhập Niết-bàn vô dư. Lúc đó có vua Vô ưu muốn cúng dường xá lợi Phật nên cho xây tháp rộng một du thiện na, cao nửa du thiện na rồi sai người trông coi việc xây cất. Người này có tín tâm, ý thích hiền thiện, siêng năng làm việc không biết mệt; lại có một người làm công thấy việc xây tháp quá cao liền cơ hiềm: “vua xây tháp này quá cao, tốn nhiều sức người sức của, biết ngày nào mới xong”, người trông coi việc xây cất nói: “nếu anh không muốn làm nữa thì tùy ý đi nơi khác, vì sao lại cơ hiềm như vậy?”, người làm công nghe rồi im lặng, sau đó xin lỗi và làm việc như cũ. Thời gian sau thấy tháp vẫn chưa xong, người làm công này lại cơ hiềm như trước, người trông coi việc xây cất bèn đuổi đi, người làm công xin lỗi và làm việc như cũ. Đến khi tháp hoàn thành, mọi người đến nhìn ngắm hoan hỉ ca ngợi; người làm công này thấy vậy liền sanh tâm hối hận nghĩ rằng: “trước đây ta đã nói lời bất thiện, thấy tháp quá cao nên cơ hiềm; nay ta nên sắm sửa đồ cúng dường”, nghĩ rồi liền đem số tiền làm công đã có làm một cái linh bằng vàng treo trên tháp cúng dường.

Này các Bí-sô, người làm công thuở xưa chính là Thiện hòa ngày nay, do nói lời cơ hiềm tháp thờ xá lợi Phật nên nay thọ thân xấu xí; do cúng dường chiếc linh bằng vàng nên nay được âm thanh hòa nhã, khiến người nghe đều sanh tâm hoan hỉ”. Lúc đó các Bí-sô vẫn còn nghi nên thỉnh hỏi Phật: “Bí-sô Thiện hòa đã tạo nghiệp gì, do nghiệp lực này đọc tụng kinh pháp, âm thanh thấu tận cõi Phạm thiên?”, Phật nói: “các thầy lắng nghe:

Quá khứ lúc loài người thọ hai vạn tuổi, có Phật Ca-diếp ba ra đời đầy đủ mười hiệu; lúc đó tại vườn Thi lộc, chỗ Tiên nhơn đọa xứ thuộc thành Bà-la-nê-tư có cây Hương quả, trên cây có một con chim hót hay nương ở. Một hôm vào sáng sớm, Phật Ca-diếp ba đắp y mang bát vào thành khất thực, con chim này thấy Phật tuớng mạo đoan nghiêm như núi vàng, liền cất tiếng hót vang nhiễu quanh Phật ba vòng rồi bay trở lại trên cây, cứ như thế mỗi ngày cho đến một hôm nó bị chim Ưng bắt ăn thịt. Chim qua đời thác sanh vào nhà đại Bà-la-môn, từ đó về sau không thác sanh vào loài hạ tiện xấu xa nữa, mãi đến ngày nay thọ thân người vẫn cảm quả báo có âm thanh vang vọng đến cõi Phạm thiên, người nghe đều ưa thích.

Này các Bí-sô, con chim hót hay đó chính là Thiện hòa ngày nay”. Các Bí-sô lại có nghi thỉnh hỏi Phật: “Bí-sô Thiện hòa đã tạo nghiệp gì, do nghiệp lực này có âm thanh mỹ diệu bậc nhất trong số các đệ tử Thanh văn của Phật?”, Phật nói: “Bí-sô Thiện hòa do lực phát nguyện nên cảm được quả báo này, các thầy lắng nghe:

Quá khứ vào thời Phật Ca-diếp ba, Thiện hòa xuất gia, bổn sư của Thiện hòa là người đứng đầu trong việc hướng dẫn việc phúng tụng cho các đệ tử của Phật. Thiện hòa từ khi xuất gia cho đến cuối đời, tuy tu tập phạm hạnh nhưng vẫn không chứng quả, đến khi lâm chung liền phát nguyện: “con tuy xuất gia tu tập phạm hạnh nhưng đến cuối đời vẫn không chứng quả, nguyện nhờ thắng nhân này ở đời vị lai lúc con người thọ trăm tuổi, có Phật Thích ca mâu ni ra đời đầy đủ mười hiệu, con sẽ được xuất gia trong giáo pháp của vị Phật ấy, đoạn trừ phiền não chứng quả A-la-hán, là người tán tụng bậc nhất trong số các đệ tử của Phật; cũng như Thân giáo sư của con hiện nay”.

Này các Bí-sô, do nguyện lực ấy nên nay Thiện hòa được xuất gia trong giáo pháp của ta và là người tán tụng bậc nhất trong số các đệ tử Thanh văn của ta. Này các Bí-sô, hễ tạo nghiệp thuần đen thì cảm quả báo dị thục thuần đen; tạo nghiệp thuần trắng thì cảm quả báo dị thục thuần trắng; tạo nghiệp xen tạp thì được quả báo xen tạp, các thầy nên bỏ nghiệp thuần đen và nghiệp xen tạp, phải siêng tu tập chớ có buông lung”.

Duyên xứ như trên, lúc đó có các Bí-sô tụng kinh không thông hiểu âm vận, chỉ đọc theo câu giống như tiếng trút Táo sang chậu khác; trong khi các ngoại đạo lại đọc tụng với âm thanh ngâm vịnh dễ nghe. Trưởng giả Cấp-cô-độc mỗi ngày đều đến kính lễ Thế tôn, nghe tiếng ngoại đạo tụng kinh liền suy nghĩ: “các Bí-sô tụng kinh không thông hiểu âm vận, chỉ đọc theo câu giống như tiếng trút Táo sang chậu khác; trong khi các ngoại đạo lại đọc tụng với âm thanh ngâm vịnh dễ nghe. Ta nên đem việc này bạch Phật”, nghĩ như thế rồi nên khi đến chỗ Phật, đảnh lễ rồi chắp tay bạch Phật: “Thế tôn, các Bí-sô tụng kinh không thông hiểu âm vận, chỉ đọc theo câu giống như tiếng trút Táo sang chậu khác; trong khi các ngoại đạo lại đọc tụng với âm thanh ngâm vịnh dễ nghe. Cúi xin Thế tôn từ bi chấp thuận cho Thánh chúng đọc tụng kinh pháp với âm thanh ngâm vịnh”, Phật im lặng chấp thuận, trưởng giả biết Phật đã chấp thuận liền đảnh lễ rồi ra về. Sau đó Phật bảo các Bí-sô: “từ nay các thầy được tán tụng kinh pháp với âm thanh gâm vịnh”. Lúc đó các Bí-sô không những đọc tụng kinh pháp mà cho đến việc cung thỉnh, dạy bảo, tác cũng đều dùng âm thanh ngâm vịnh. Trưởng giả Cấp-cô-độc khi vào trong chùa nghe những âm thanh huyên náo này liền nói: “già lam này trước đây là pháp vũ, nay trở thành Càn-thát-bà”, các Bí-sô đem việc này bạch Phật, Phật bảo: “không phải tất cả việc đều dùng âm thanh ngâm vịnh, chỉ có hai việc được dùng âm thanh ngâm vịnh: một là tán thán ân đức của Đại sư, hai là tung kinh Tam khải; các việcc khác đều không nên ngâm vịnh”. Sau đó có một Bí-sô nhỏ tuổi tuy làm hai việc này nhưng lại không ngâm vịnh, các Bí-sô hỏi tại sao không ngâm vịnh, đáp là không biết, các Bí-sô bạch Phật, Phật nói nên học. Lúc đó các Bí-sô bất cứ ở chỗ nào cũng học cách ngâm vịnh, trưởng giả Cấp-cô-độc đến chùa nghe những âm thanh huyên náo này liền chê trách như trước, Phật nói: “các Bí-sô nên ơ chỗ khuất học cách ngâm vịnh, không nên ở chỗ hiển lộ, ai làm trái thì phạm tội Việt pháp”.

Duyên xứ như trên, lúc đó có một Bí-sô đứng lấy bát ra khỏi đãy đựng bát, một Bí-sô khác nói chớ đứng lấy bát, hỏi có lỗi gì, đáp: “nếu rơi xuống đất bể thì không phải là có lỗi hay sao”, Bí-sô kia im lặng, các Bí-sô nghe biết việc này liền bạch Phật, Phật bảo: “Bí-sô không nên đứng lấy bát, dù là bát ở trong đãy hay đứng rửa, đứng phơi; nếu ai làm trái thì phạm tội Việt pháp”.

6. Nhiếp tụng thứ sáu trong Biệt môn thứ nhất:

Bước trên vải, các đãy,
Mền nệm và tọa cụ,
Có duyên lìa ba y,
Có sáu pháp tâm niệm.

Phật tại vườn thi lộc, rừng Khủng úy, núi Giang trư; lúc đó vương tử Bồ-đề thỉnh Phật và Tăng đến trên lầu Diệu hoa cúng dường. Trên lầu vương tử cho trải điệp y thượng hạng màu đỏ như ráng trời buổi sáng, Phật đến nơi thấy trải vải này nên không bước chân lên, các Bí-sô cũng không ai bước chân lên. Vương tử thỉnh Phật bước lên, Phật vẫn không bước lên, vương tử liền cho cuộn điệp y đem cất, lúc đó Phật mới bước lên lầu đến chỗ ngồi ngồi. Ngoại đạo nghe biết việc này liền nói: “Sa môn Kiều-đáp-ma chưa kham nổi sự cúng dường nên mới không dám bước chân lên vải đã trải”, Phật nghe biết liền bảo các Bí-sô: “nếu có Bà-la-môn, cư sĩ, trưởng giả tín tâm trải vải thượng diệu rồi thỉnh Bísô bước lên, lúc đó nếu muốn hàng phục tâm ngã mạn của ngoại đạo thì Bí-sô nên quán các hành vô thường rồi bước lên, chớ có nghi ngại”.

Duyên xứ như trên, lúc đó có Bí-sô đang mang bát đi trên đường, bị vấp chân nên bát bị rơi xuống bể, bạch Phật, Phật nói: “Bí-sô không nên dùng tay mang bát, nên dùng chéo y bọc bát”, dùng chéo y bọc bát cũng chiêu lỗi như trên, Phật nói: “nên làm đãy đựng bát”, Bí-sô làm đãy đựng bát cũng chiêu lỗi như trên, Phật bảo: “nên làm dây cột rồi quải trên vai mang đi, ai làm trái thì phạm tội Việt pháp”.

Duyên xứ như trên, lúc đó có Bí-sô tháp tùng theo đoàn thương buôn để du hành trong nhân gian, lúc đó có một Bà-la-môn bị bịnh đến thầy thuốc yêu cầu chữa trị, thầy thuốc bảo nên dùng trái Ha lê lặc thì hết bịnh, đáp: “đang trên đường đi, không thể tìm được thuốc này”, thầy thuốc nói: “Sa môn Thích tử thường mang theo thuốc, theo họ xin chắc sẽ được”, Bà-la-môn liền đến gặp Bí-sô hỏi có Ha lê lặc hay không, đáp: “có, ông cần thuốc này làm gì?”, đáp: “tôi có bịnh, thầy thuốc bảo dùng nó thì hết bịnh, thầy có xin hãy cho tôi”. Bí-sô liền ở trước mặt người này mở đãy ra tìm thuốc, trước tiên lấy ra dao, kế lấy da thuộc và các tạp vật rồi mới lấy thuốc; Bà-la-môn thấy thuốc để xen lẫn với các vật tạp nhạp nên nói: “Bí-sô sao lại để thuốc xen lẫn với các tạp vật như vậy, tôi thà chết chứ không dùng thuốc này”. Các Bí-sô nghe biết việc này liền bạch Phật, Phật bảo: “Bí-sô nên sắm ba loại đãy: đãy đựng bát, đãy đựng thuốc và đãy đựng tạp vật”. Lúc đó các Bí-sô đeo ba loại đãy ngang bằng nhau này ở dưới nách phía dưới y, khiến nó nhô ra ngoài; người bất tín thấy rồi liền chê trách: “bộ các thầy kẹp cái trống dưới nách hay sao?”. Các Bí-sô nghe biết việc này liền bạch Phật, Phật bảo: “không nên đeo ba laọi đãy ngang bằng nhau, nên may theo thứ lớp dài ngắn để mang đi cho tương xứng”. Lúc đó các Bí-sô đeo mang đãy bằng dây nhỏ nên khiến thân bị tổn, Phật bảo nên dùng dây bản lớn, bên dưới may lót thêm vải, đừng cho cuộn co lại, khi đeo mang sẽ không bị tổn. Ai làm trái thì phạm tội Việt pháp.