CĂN BẢN THUYẾT NHẤT THIẾT HỮU BỘ TỲ NẠI DA

Hán dịch: Đời Đường Tam Tạng Pháp Sư Nghĩa Tịnh 
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

QUYỂN 41

Học xứ thứ sáu mươi sáu: KHỦNG BỐ BÍ SÔ

Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc rừng Thệ-đa thành Thất-la-phiệt, lúc đó cụ thọ Đại Mục-kiền-liên độ mười bảy thiếu niên xuất gia và cho thọ viên cụ, mười bảy người này ở chung với Lục chúng để thọ học pháp nghĩa. Lúc đó Thập thất chúng nói với nhau: “Chúng ta không hiểu biết lại không thông kinh điển nên bị Lục chúng coi thường, chúng ta nên siêng năng tụng tập”, Ô-đà-di nghe biết rồi liền vào đầu đêm lúc họ đang tụng tập, lật ngược y trùm đầu giả ma nhát khiến cho mười bảy người đều kinh sợ. Thập thất chúng đem lòng hận nên vào một hôm khác hợp nhau lại đánh Ô-đà-di suýt chết, các Bí-sô thấy việc này rồi liền hỏi nguyên do, Ô-đà-di nói: “Tôi đùa giỡn chúng nó một chút mà chúng nó làm nhục tôi thế này”, các Bí-sô nghe rồi liền chê trách, đem việc này bạch Phật, Phật do nhân duyên này nhóm họp các Bí-sô… cho đến câu: … Chế học xứ này cho các Bí-sô như sau: “Nếu lại có Bí-sô tự khủng bố hay bảo người khủng bố Bí-sô khác cho đến đùa giỡn, đều phạm Ba-dật-để-ca”. Nếu lại có Bí-sô là chỉ cho Ô-đà-di.

Trong học xứ này tướng phạm như thế nào?

Nếu Bí-sô có ý khủng bố người khác, làm đủ các hình trạng đáng sợ hoặc hình trạng quỷ thần để hù nhát, dù Bí-sô đó sợ hay không sợ đều phạm Đọa. Nếu Bí-sô có ý khủng bố người khác, làm đủ các âm thanh đáng sợ… kết phạm đều như trên. Cho đến làm các mùi đáng sợ, các sự xúc chạm đáng sợ… đều kết phạm như trên. Cho đến làm các hình sắc khả ái, âm thanh khả ái, các mùi khả ái, các sự xúc chạm khả ái… để khủng bố đều kết phạm như trên. Nếu muốn kia sanh tâm nhàm lìa mà khủng bố thì không phạm; Không phạm nữa là người phạm ban đầu hoặc si cuồng tâm loạn bị thống não bức bách.

Học Xứ Thứ Sáu Mươi Bảy: GIẤU Y BÁT CỦA BÍ SÔ KHÁC

Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc rừng Thệ-đa thành Thất-la-phiệt, lúc đó có một trưởng giả thỉnh Phật và Tăng đến nhà thọ thực, các Bí-sô đều đi phó thực chỉ có Phật không đi, Lục chúng Bí-sô cùng Thập thất chúng chậm rãi đi sau, khi đi đến một cái ao Lục chúng rủ Thấp thất chúng xuống tắm. Lúc đang tắm Lục chúng nói với Thập thất chúng: “Chúng ta cùng lặn thử xem ai lặn lâu hơn”, Thập thất chúng vừa lặn, Lục chúng liền ra khỏi ao, lấy y bát của Thập thất chúng giấu trong bụi rậm rồi đi đến chỗ thỉnh thực. Thập thất chúng lặn một hồi lâu mới trồi lên nhìn tứ phái không thấy Lục chúng cũng không thấy y bát của mình, đành phải đứng yên một chỗ. Vừa lúc đó tôn giả Xá-lợi-tử và Đại Mụckiền-liên du hành về đến, Thập thất chúng từ xa nhìn biết là thầy mình liến kêu cứu, bạch thầy rằng: “Chúng con bị Lục chúng giấu hết y bát, không biết làm sao đến chỗ thỉnh thực được”, hai tôn giả liền cùng tìm kiếm thì thấy y bát giấu trong bụi rậm bèn lấy đưa cho họ. Thập thất chúng mặc y phục rồi vội đến chỗ thỉnh thực thì thấy các Bí-sô đã thọ thực xong đều đứng dậy hết rồi, các Bí-sô hỏi tại sao đến trễ liền đáp: “Vừa rồi nếu không gặp được Ô-ba-đà-da của chúng con thì chúng con đều phải đoạn thực”, nói rồi liền kể lại sự việc trên. Các Bí-sô nghe rồi đều chê trách Lục chúng: “Tại sao Bí-sô lại giấu y bát của Bí-sô khác. Cùng não loạn nhau như thế”, các Bí-sô trở về chùa liền đem việc này bạch Phật, Phật do nhân duyên này nhóm họp các Bí-sô… cho đến câu: … Chế học xứ này cho các Bí-sô như sau: “Nếu lại có Bí-sô biết y bát và tư cụ của Bí-sô, Bí-sô ni, hoặc của Chánh học nữ, Cầu tịch và Cầu tịch nữ mà tự tay cất giấu hoặc bảo người cất giấu thì phạm Ba-dậtđể-ca”.

Sau đó có Bí-sô gởi y cho Bí-sô khác, Bí-sô này khi cất y chỉ cất y của mình, không cất y của Bí-so kia nên bị kẻ trộm lấy đi, khiến Bí-sô kia thiếu y, Phật nói trừ thời nhân duyên thì cất không phạm. Nói rồi bảo các Bí-sô: “Trước kia là sáng chế, bây giờ là tùy khai, học xứ này nên nói lại như sau:

Nếu có Bí-sô tự cất giấu hay bảo người cất giấu y bát và tư cụ của Bí-sô, Bí-sô ni, hoặc của Chánh học nữ, Cầu tịch, Cầu tịch nữ, trừ thời nhân duyên, phạm Ba-dật-để-ca”.

Nếu lại có Bí-sô là chỉ cho Lục chúng.

Trong học xứ này tướng phạm như thế nào?

Nêu Bí-sô tự tay giấu y bát, tư cụ của Bí-sô khác hoặc bảo người cất giấu đều phạm đọa. Trừ thời nhân duyên là chỉ cho tám nạn khởi thì không phạm; Không phạm nữa là người phạm ban đầu hoặc si cuồng tâm loạn bị thống não bức bách.

Học Xứ Thứ Sáu Mươi Tám: NHẬN Y CỦA NGƯỜI KHÁC GỞI, KHÔNG HỎI CHỦ LIỀN LẤY MẶC

Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc rừng Thệ-đa thành Thất-la-phiệt, lúc đó Ô-đà-di đã đoạn phiền não chứng A-la-hán… chỉ còn có Nan-đà và Ô-ba-nan-đà nương ở trong chúng. Ô-ba-nan-đà tuổi già suy, các môn nhơn không ai thừa sự nên y phục do bẩn, muốn nhờ giặt nhuộm nên đưa cho một đệ tử nói rằng: “Pháp y này tôi không dùng nữa, nay cho thầy”, người đệ tử này nhận rồi liền đem giặt nhuộm. Lúc đó Thế tôn muốn du hành trong nhân gian, người đệ tử này muốn đi theo Phật nên đem pháp y vừa mới giặt nhuộm gởi cho Thân giáo sư, Ô-ba-nan-đà nhận y rồi liền đắp mặc đến khi dơ bẩn mới đem cất vào chỗ cũ. Thời gian sau Thế tôn trở về, có người đến thỉnh Phật và Tăng về nhà thọ thực, người đệ tử của Ô-ba-nan-đà muốn đắp pháp y mà mình đã giặt nhuộm đi thọ thực nên đến chỗ thầy lấy về, không ngờ khi mở ra thì thấy y đã dơ bẩn không thể mặc được, liền phải tùy nghi mặc y cũ của mình đi đến chỗ thỉnh thực. Các Bí-sô thấy mặc y dơ liền hỏi nguyên do, Bí-sô đem sự việc trên kể lại, các Bí-sô nghe rồi đều chê trách và bạch Phật, Phật do nhân duyên này nhóm họp các Bí-sô… cho đến câu: … Chế học xứ này cho các Bí-sô như sau: “Nếu lại có Bí-sô nhận y của người khác gởi, sau đó không hỏi chủ liền tự lấy mặc, phạm Ba-dật-để-ca”.

Nếu lại có Bí-sô là chỉ cho Ô-ba-nan-đà.

Trong học xứ này tướng phạm như thế nào?

Nếu Bí-sô nhận y của người khác gởi, không hỏi mượn mà lấy dùng kết tội như trên; nếu là thân tình quen biết hoặc biết nghe mình lấy dùng vẫn hoan hỉ, tuy không hỏi mượn mà lấy dùng không phạm. Không phạm nữa là người phạm ban đầu hoặc si cuồng tâm loạn bị thống não bức bách.

Học Xứ Thứ Sáu Mươi Chín: DÙNG TỘI CHÚNG GIÁO VU BÁNG BÍ SÔ THANH TỊNH

Phật ở trong Trúc lâm bên ao Yết-lan-đạc-ca thành Vương xá, lúc đó cụ thọ Thật-lực-tử ở trên núi Thứu phong đi kinh hành bên ao Tích thạch, Bí-sô ni Ốt-bát-la trông thấy liền kính lễ, cúi mình lễ bái xong vừa đứng dậy thì đầu cô vướng chéo y của Thật-lực-tử. Hai Bí-sô Hữu và Địa thấy việc này rồi liền trở về trú xứ nói với các Bí-sô rằng:

“Chúng tôi không biết dựa vào đâu để khởi lòng tin, vừa rồi chính mắt chúng tôi trông thấy Thật-lực-tử cùng Bí-sô ni Ốt-bát-la hai thân xúc chạm nhau”, các Bí-sô đem việc này bạch Phật, Phật bảo các Bí-sô: “Các thầy nên khéo gạn hỏi hai Bí-sô đó đã thấy ở đâu, thấy như thế nào và vì sao họ đến đó thấy được …”. Khi các Bí-sô gạn hỏi hư thật, hai Bí-sô này liền nói: “Chúng tôi thật không thấy Thật-lực-tử cùng Bí-sô ni kia hai thân xúc chạm nhau, chỉ thấy khi cô ni lễ bái xong vừa đứng dậy thì đầu vướng chéo y của Thật-lực-tử. Chúng tôi vì có tâm sân hận nên cố y vu báng như thế”, các Bí-sô nghe rồi đều chê trách và bạch Phật, Phật do nhân duyên này nhóm họp các Bí-sô… cho đến câu: … Chế học xứ này cho các Bí-sô như sau: “Nếu lại có Bí-sô vì sân hận, biết Bí-sô kia thanh tịnh không phạm lại đem pháp Tăng-già-phạt-thi-sa vô căn cứ vu báng, phạm Ba-dật-để-ca”.

Nếu lại có Bí-sô là chỉ cho hai Bí-sô Hữu và Địa.

Trong học xứ này tướng phạm như thế nào?

Nếu biết người thanh tịnh mà đem pháp vô căn cứ vu báng thì có mười việc thành phạm và năm việc không phạm. Sao gọi là mười việc thành phạm? Không thấy, không nghe, không nghi mà khởi tưởng và hiểu biết hư dối, nói rằng: Tôi có thấy, nghe, nghi; khi nói lời này phạm Đọa. Nếu nghe mà quên hoặc nghi mà quên lại khởi tưởng và hiểu biết hư dối, nói rằng: Tôi nghe, nghi không quên; khi nói lời này phạm Đọa. Nếu nghe mà tin hoặc nghe mà không tin, lại nói rằng tôi thấy; nếu nghe mà nghi hoặc nghe mà không nghi hoặc chỉ tự nghi lại nói rằng tôi thấy; khi nói lời này phạm Đọa. Sao gọi là năm việc không phạm? Nếu không thấy không nghe không nghi, lại tưởng có thấy, hiểu biết có thấy… nói rằng tôi có thấy, nghe, nghi thì không phạm. Nếu nghe mà quên hoặc nghi mà quên, lại tưởng có nghe nghi, nói rằng có nghe nghi… đều không phạm. Khi vu báng người thanh tịnh có mười việc thành phạm và năm việc không phạm, nếu vu báng người thanh tịnh mà tợ như không thanh tịnh cũng giống như vậy.

Nếu vu báng người không thanh tịnh có một việc thành phạm và sáu việc không phạm. Sao gọi là mười một việc thành phạm? Nếu không thấy, không nghe, không nghi lại khởi tưởng và hiểu biết hư dối, nói rằng tôi có thấy, nghe, nghi; khi nói lời này phạm Đọa. Nếu thấy mà quên hoặc nghe mà quên hoặc nghi mà quên lại khởi tưởng và hiểu biết hư dối, nói rằng thấy nghe nghi không quên; khi nói lời này phạm Đọa. Sao gọi là sáu việc không phạm? Nếu không thấy, không nghe, không nghi lại khởi tưởng và hiểu biết là có thấy nghe nghi nên nói là có thấy nghe nghi thì không phạm. Nếu thấy, nghe, nghi mà quên lại khởi tưởng và hiểu biết là có thấy nghe nghi nên nói là có thấy nghe nghi thì không phạm. Không phạm nữa là người phạm ban đầu hoặc si cuồng tâm loạn bị thống não bức bách.

Học Xứ Thứ Bảy Mươi: CÙNG NGƯỜI NỮ ĐI CHUNG ĐƯỜNG

Phật ở trong Trúc lâm bên ao Yết-lan-đạc-ca thành Vương xá, trong thành này có một người thợ dệt tánh tình thô bạo khó cùng ở chung nên không ai chịu gả con cho ông ta. Sau đó người thợ dệt này đến trong thành Thất-la-phiệt hỏi cưới được con gái của một người thợ dệt làm vợ rồi đưa về thành Vương xá. Người con gái này về làm vợ không lâu, vì thường bị chồng hành hạ khổ sở nên cảm thấy không an lạc, liền tâm sự với một bà già hàng xóm là muốn trốn đi, bà già nghe rôi im lặng không nói. Người vợ này đi ra ngoài gặp một Bí-sô đang trên đường đến thành Thất-la-phiệt, liền đi theo sau Bí-sô. Lúc đó người chồng phát hiện người vợ đã bỏ đi, liền noi theo dấu tìm thì thấy vợ mình đang đi cùng đường với Bí-sô, noi theo đến một thôn xóm người chồng liền kêu gọi những người thợ dệt quen biết đến cùng đánh Bí-sô suýt chết. Khi Bí-sô đến được thành Thất-la-phiệt, các Bí-sô trông thấy liền hỏi nguyên do, Bí-sô này đem sự việc trên kể lại, các Bí-sô chê trách rồi đem việc này bạch phật, Phật do nhân duyên này nhóm họp các Bí-sô… cho đến câu: … Chế học xứ này cho các Bí-sô như sau: “Nếu lại có Bí-sô cùng người nữ đi chung đường, không có nam tử khác bên cạnh, cho đến đi trong phạm vi một thôn, phạm Ba-dật-để-ca”.

Nếu lại có Bí-sô là chỉ cho người trong pháp luật này.

Trong học xứ này tướng phạm như thế nào?

Nếu Bí-sô một mình cùng đi chung đường với người nữ thì phạm Đọa. Trong phạm vi một thôn có từ một Câu-lô-xá cho đến bảy Câulô-xá, nếu chưa đủ Câu-lô-xá thì phạm Ác-tác, nếu đủ thì phạm Đọa. Nếu đi từ thôn xóm ra đến đồng trống vắng vẻ hoặc từ đồng trống vắng vẻ đến trong thôn cũng tính theo dặm đường mà kết tội như trên. Nếu đến chỗ xa lạ nhờ người nữ dẫn đường thí không phạm, hoặc Bí-sô lạc đường nhờ người nữ chỉ đường cũng không phạm. Không phạm nữa là người phạm ban đầu hoặc si cuồng tâm loạn bị thống não bức bách.

Nhiếp Tụng Thứ Tám:

Cùng giặc đi, tuổi chưa đủ,
Đào đất, đòi hỏi, trái giáo,
Nghe lén, làm thinh bỏ đi,
Không kính, uống rượu, phi thời.

Học Xứ Thứ Bảy Mươi Mốt: CÙNG ĐI CHUNG VỚI GIẶC

Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc rừng Thệ-đa thành Thất-la-phiệt, lúc đó có một Bí-sô hạ an cư ở trong Trúc lâm thành Vương xá xong muốn đến thành Thất-la-phiệt đảnh lễ Thế tôn nên tìm các thương nhơn để tháp tùng, không ngờ thương nhơn này là người trốn thuế. Khi đến gần trạm thu thuế họ liền lánh đi đường khác để trốn thuế bị quan thuế bắt được, quan thuế biết Bí-sô vô tội nên thả ra. Khi đến trong vườn Cấp, các Bí-sô thăm hỏi có an không, liền nói không an và đem việc trên kể lại, các Bí-sô nghe rồi chê trách và bạch Phật, Phật do nhân duyên này nhóm họp các Bí-sô… cho đến câu: … Chế học xứ này cho các Bí-sô như sau: “Nếu lại có Bí-sô cùng đi chung đường với thương nhơn là giặc cho đến trong phạm vi một thôn, phạm Ba-dật-để-ca”.

Nếu lại có Bí-sô là chỉ cho người trong pháp luật này. Tướng phạm cũng giống như trong giới trên.

Học Xứ Thứ Bảy Mươi Hai: CHO NGƯỜI CHƯA ĐỦ TUỔI THỌ CẬN VIÊN

Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc rừng Thệ-đa thành Thất-la-phiệt, lúc đó Đại Mục-kiền-liên cho mười bảy thiếu niên xuất gia và thọ cận viên, các thiếu niên này qua giờ đến sáng hôm sau không được ăn nên kêu khóc làm động niệm chúng. Thế tôn nghe tiếng kêu khóc này liền hỏi A-nan-đà nguyên do, A-nan-đà đem việc trên kể lại, Phật nói: “Các Bí-sô cho người chưa đủ tuổi thọ cận viên thành tánh Bí-sô hay sao, nếu người chưa đủ hai mươi không thể chịu đựng được lạnh nóng, đói khát cho đến không thể theo thứ lớp khất thực thì không nên cho thọ cận viên”. Phật do nhân duyên này nhóm họp các Bí-sô… cho đến câu: …Chế học xứ này cho các Bí-sô như sau: “Nếu lại có Bí-sô biết người chưa đủ hai mươi tuổi mà cho thọ cận viên thành tánh Bí-sô thì phạm Ba-dật-để-ca, người này không phải là cận viên, các Bí-sô đều phạm tội”.

Nếu lại có Bí-sô là chỉ cho người trong pháp luật này. Người này không phải cận viên là tuy bạch tứ yết ma truyền thọ nhưng không thành tánh Bí-sô. Các Bí-sô phạm tội nghĩa là trừ bổn sư phạm Đọa, các Bí-sô khác đều phạm Ác-tác.

Trong học xứ này tướng phạm như thế nào?

Nếu người chưa đủ hai mươi tuổi, khởi tưởng chưa đủ muốn thọ cận viên, các Bí-sô hỏi đủ hai mươi tuổi chưa, nếu đáp là chưa đủ mà các Bí-sô cho thọ cận viên thì người này không đắc giới, bổn sư phạm Đọa, các Bí-sô khác phạm Ác-tác; những người khác cùng ở chung và cùng thọ dụng đều Ác-tác.

Nếu người chưa đủ hai mươi tuổi, khởi tưởng chưa đủ muốn thọ cận viên, các Bí-sô hỏi đủ hai mươi tuổi chưa, nếu đáp là tự nhớ biết chưa đủ hai mươi, không có nghi hoặc mà các Bí-sô cho thọ cận viên thì người này không đắc giới, các Bí-sô phạm tội như trên. Nếu người chưa đủ hai mươi tuổi, khởi tưởng là đủ hai mươi muốn thọ cận viên, các Bí-sô hỏi đủ hai mươi tuổi chưa, nếu đáp là đủ, các Bí-sô cho thọ cận viên thì người này đắc giới, các Bí-sô đều không phạm. Nếu người chưa đủ hai mươi tuổi, khởi tưởng là đã đủ muốn thọ cận viên, các Bí-sô hỏi đã đủ hai mươi chưa, nếu đáp là tự nhớ biết đã đủ hai mươi, tâm không nghi hoặc, các Bí-sô cho thọ cận viên thì người này đắc giới, các Bí-sô đều không phạm.

Nếu người chưa đủ hai mươi tuổi, tâm không tự biết cũng không nghi hoặc muốn thọ cận viên, các Bí-sô cũng không hỏi, dù hỏi cũng không biết trả lời; các Bí-sô cho thọ cận viên, người này đắc giới nhưng các Bí-sô truyền giới đều có phạm, các Bí-sô cùng ở cùng thọ dụng thì không phạm.

Nếu người đủ hai mươi tuổi, khởi tưởng là chưa đủ muốn thọ cận viên, các Bí-sô hỏi đủ hai mươi chưa, nếu đáp là tự nhớ biết chưa đủ hai mươi, không có nghi hoặc; các Bí-sô cho thọ cận viên thì người này tuy đắc giới nhưng các Bí-sô truyền giới đều có phạm, các Bí-sô cùng ở không phạm.

Nếu người đủ hai mươi tuổi, khởi tưởng là đủ hai mươi, các Bí-sô hỏi đủ hai mươi chưa, đáp là đủ; các Bí-sô cho thọ cận viên, người này đắc giới các Bí-sô đều không phạm. Nếu người đủ hai mươi tuổi, khởi tưởng là đủ hai mươi, các Bí-sô hỏi đã đủ hai mươi chưa, đáp là tự nhớ biết đã đủ hai mươi, tâm không nghi hoặc; các Bí-sô cho thọ cận viên, người này đắc giới, các Bí-sô đều không phạm. Nếu người đủ hai mươi tuổi nhưng không tự biết cũng không nghi hoặc muốn thọ cận viên, các Bí-so không hỏi, dù hỏi cũng không biết trả lời; các Bí-sô cho thọ cận viên, người này đắc giới nhưng các Bí-sô truyền giới có phạm, người cùng ở không phạm. Trong các trường hợp trên, hai trường hợp đầu là chẳng phải thọ cận viên, nếu cùng các thiện Bí-sô cùng ở chung hoặc hai, ba lần làm bố tát thì gọi là Tặc trú, nên diệt tẩn.

Nếu người chưa đủ hai mươi tuổi, khởi tưởng là đủ thì người này thọ đắc giới thành cận viên; nếu có thân thuộc nói là chưa đủ hai mươi thì nên tính tháng trong thai và tháng nhuần, đủ thì tốt, không đủ thì cho lui xuống làm Cầu tịch, sau đó cho thọ giới lại. Nếu không cho lui xuống làm Cầu tịch cũng không cho thọ giới lại mà cùng ở chung hoặc đã hai, ba lần bố tát thì gọi là Tặc trú, nên diệt tẩn.

Nếu người mới mười chín tuổi mà cho thọ cận viên, chưa quá một năm liền tự nhớ biết là chưa đủ hai mươi thì nên tính tháng trong thai và tháng nhuần, đủ thì tốt… giống như đoạn văn trên… hai, ba lần bố tát thì gọi là Tặc trú, nên diệt tẩn. Nếu hơn một năm mới nhớ biết thì gọi là thiện thọ cận viên.

Nếu người mới mười tám tuổi mà cho thọ cận viên, chưa quá một năm liền nhớ biết là chưa đủ hai mươi thì nên cho lui xuống làm Cầu tịch… hai, ba lần bố tát thì gọi là tặc trú, nên diệt tẩn. Nếu hơn một năm nhớ là chưa đủ hai mươi thì nên tính tháng trong thai và tháng nhuần… nên diệt tẩn.

Nếu người chưa đủ hai mươi mà có nghi thì nên cho nhớ lại, tính ngày tháng năm sanh xem có đủ hay không, nếu chưa đủ thì nên tính tháng trong thai và tháng nhuần… như trên.

Nếu người đủ hai mươi tuổi khởi tưởng là đủ hai mươi, cho thọ cận viên thì gọi là thiện thọ. Không phạm nữa là người phạm ban đầu hoặc si cuồng tâm loạn bị thống não bức bách.

Học Xứ Thứ Bảy Mươi Ba: PHÁ HOẠI ĐẤT SỐNG

Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc rừng Thệ-đa thành Thất-la-phiệt, lúc đó Lục chúng Bí-sô tự tay đào đất hoặc bảo người đào để đắp bờ đê làm thương tổn ổ kiến, các ngoại đạo thấy đều chê trách: “Tại sao Bí-sô lại lạm công việc của người thế tục, đào đất hại mạng hữu tình, không có tâm từ bi”. Các Bí-sô nghe biết đem việc này bạch Phật, Phật do nhân duyên này nhóm họp các Bí-sô… cho đến câu: … Chế học xứ này cho các Bí-sô như sau: “Nếu lại có Bí-sô tự tay đào đất hoặc bảo người đào, phạm Ba-dật-để-ca”.

Nếu lại có Bí-sô là chỉ cho Lục chúng. Đất có hai loại: Đất sống và chẳng phải đất sống. Sao gọi là đất sống? Là tánh chất của đất còn sống, nếu đào đã trải qua ba tháng có trời mưa cũng gọi là đất sống; nếu trời không mưa thì phải trải qua sáu tháng mới gọi là đất sống. Ngược lại là chẳng phải đất sống. Trong học xứ này tướng phạm như thế nào?

Nhiếp Tụng:

Tưởng sống xới lớp đất,
Đóng cọc và vẽ đất,
Phân bò, sụp lở bờ,
Vách bùn với tánh ướt,
Vẽ vách tổn rêu xanh,
Cát đá đất lẫn lộn,
Giờ tốt, không tịnh nhơn,
Đóng cọc sâu bốn ngón.

Nếu Bí-sô đào đất làm tổn hại đất sống thì phạm đọa, nếu chẳng phải đất sống thì Ác-tác. Nếu khi Bí-sô xới lớp da của đất có tánh ướt thì phạm Đọa, nếu không có tánh ướt thì Ác-tác. Nếu Bí-sô đóng cọc phạm Đọa, nhổ cọc phạm Ác-tác, nếu vẽ trên đất phạm Ác-tác, nếu gạch làm dấu thì không phạm. Nếu Bí-sô làm sụp lở bờ sông làm tổn hoại đến đất sống thì phạm Đọa; nếu đất đã nứt làm cho sụp lở xuống thì Ác-tác. Nếu Bí-sô làm chao động bùn trong ao, trong sông thì Áctác; kéo cái hũ ở trong bùn lên cũng Ác-tác. Đóng cọc hay đóng đinh trên tường phạm Đọa, cạo phân bò dính trên tường phạm Ác-tác. Nếu xô tường ngã phạm Đọa, tường đã bị nứt làm cho ngã thì Ác-tác. Nếu vẽ trên vách phạm Ác-tác, ghi dấu cho nhớ thì không phạm. Cạo rêu xanh trên tường phạm Ác-tác. Nếu đào đất mà có đá, đá ít đất nhiều thì phạm Đọa; đất ít thì Ác-tác, nếu toàn là đá thì không phạm; đất sỏi cũng như vậy. Nếu Bí-sô coi việc xây cất khi sắp làm nền móng, chọn được giờ tốt mà không có tịnh nhơn, được tự tay đóng cọc xuống đất sâu bốn ngón tay không phạm. Không phạm nữa là người phạm ban đầu hoặc si cuồng tâm loạn bị thống não bức bách.

Học Xứ Thứ Bảy Mươi Bốn: QUÁ BỐN THÁNG ĐÒI HỎI THỨC ĂN

Phật ở trú xứ Thích ca du hành trong nhân gian dần dần đến thành Kiếp-tỷ-la ở trong vườn Đa-căn-thọ, lúc đó Thích ca Đại danh liền đến chỗ Phật đảnh lễ rồi ngồi một bên nghe pháp, nghe pháp xong bạch Phật: “Thế tôn, xin Phật và Tăng thương xót thọ con cúng dường ẩm thực trong ba tháng”, Thế tôn im lặng nhận lời, Đại danh biết Phật đã nhận lời liền đảnh lễ ra về, về đến nhà liền bảo các gia nhân lo liệu đầy đủ thức ăn uống cúng dường Phật và Tăng trong ba tháng. Lục chúng nghe biết việc này liền suy nghĩ: “Làm cách nào để trong ba tháng chúng ta thường được thức ăn ngon để thân khinh an không có bịnh khổ”, nghĩ rồi liền đến chỗ thầy thuốc hỏi phương thuốc, thầy thuốc bảo nên ăn thức ăn có dầu mỡ. Lục chúng nghe rồi liền trong ba tháng thường đòi thức ăn ngon như thầy thuốc chỉ bảo. Qua ba tháng vẫn còn đòi thức ăn ngon nhưng nhà bếp không đáp ứng và đem việc này bạch với thí chủ Đại danh, Đại danh nghe rồi liền chê trách. Các Bí-sô nghe biết việc này liền chê trách Lục chúng: “Tại sao Bí-sô đã thọ hết thời hạn người khác thỉnh rồi, lại còn gắng gượng đòi hỏi nữa”, rồi đem việc này bạch Phật, Phật nói: “Các thầy chớ nên đến chỗ thí chủ gắng gượng cầu xin khiến họ không vui. Các thầy lắng nghe: Thuở xưa, ở trong một khu rừng yên tỉnh, bên ao có một tiên nhơn ngồi kiết già hệ niệm tư duy. Lúc đó có một con rồng từ trong ao hiện ra hằng ngày quấn quanh tiên nhơn để ngăn khổ vì lạnh cho tiên nhơn, khiến tiên nhơn phiền não sanh bịnh. Có tiên nhơn khác đến thăm thấy vậy liền hỏi nguyên do, tiên nhơn đem sự việc trên kể lại, tiên nhơn kia nói: “Nếu rồng đến nữa thì ông hãy xin hạt châu trên đảnh của nó, nó tiếc hạt châu ắt sẽ không đến nữa”. Tiên nhơn này nghe lời, khi rồng đến liền xin rồng hạt châu, rồng bèn không đến nữa và nói kệ:

“Ẩm thực và y phục,
Đều do ngọc châu có,
Dù tiên nhơn ép xin,
Tôi cũng không thể cho,
Ông cứ xin châu mãi,
Lời nói như gươm bén,
Cũng như đá lớn đè,
Từ nay không đến nữa”.

Này các Bí-sô, rồng là loài bàng sanh nghe ép xin còn bỏ đi luôn huống chi là người, các thầy không nên gượng ép cầu xin thí chủ”.

Lại nữa, thuở xưa có một tiên nhơn ở trong rừng tu tĩnh lự, trong rừng này có nhiều chim kêu la ồn ào khiến tiên nhơn không thể nhập định được, tiên nhơn khác liền chỉ vẻ cho tiên nhơn này rằng: “Ông hãy trong đêm đốt lửa rồi ở dưới tàng cây nói với chim rằng: Này các loài chim, các ngươi hãy cho ta cánh, trứng chim và các chim con để ta làm thức ăn”. Chim nghe rồi liền tha trứng và các chim con dời đến chỗ khác ở.

Này các Bí-sô, loài chim kia khi nghe người gượng ép xin còn dời đi chỗ khác huống chi là người”. Phật do nhân duyên này nhóm họp các Bí-sô… cho đến câu: … Chế học xứ này cho các Bí-sô như sau: “Nếu lại có Bí-sô khi thí chủ thỉnh cúng dường bốn tháng, cần thì thọ thỉnh, nếu  thọ quá thời hạn này thì phạm Ba-dật-để-ca”.

Thế tôn chế học xứ rồi tuần tự du hành đến thành Vương xá ở trong Trúc lâm cho đến hạ an cư, lúc đó vua Ảnh-thắng thỉnh Phật và Tăng cúng dường ba tháng. Anh rễ của cụ thọ Tất-lân-đà-bạt-ta xin thỉnh riêng cụ thọ cúng dường, Tất-lân-đà-bạt-ta bạch Phật, Phật nói: “Nay ta tùy khai, nếu có người thỉnh riêng, Bí-sô được thọ không phạm”. Lúc đó có khách Bí-sô đến nghĩ rằng mình không được vua thỉnh nên đi khất thực, vua thấy liền hỏi tại sao lại đi khất thực, Bí-sô liền nói là vì mình không được thỉnh, vua nghe rồi nói rằng: “Nếu còn có Bí-sô thì tôi xin thỉnh lại”, các Bí-sô bạch Phật, Phật nói: “Nếu thỉnh lại thì Bí-sô nên thọ”. Lúc đó các Bí-sô suy nghĩ: “Nhà vua bận nhiều viêc có thể quên, ta nên đi khất thực”, nghĩ rồi liền đi khất thực, vua thấy liền hỏi tại sao, Bí-sô nói ý nghĩ của mình cho vua nghe, vua nói: “Tôi ân cần thỉnh lại, xin hãy thọ tôi thỉnh thực”, các Bí-sô bạch Phật, Phật nói: “Nếu thí chủ ân cần thỉnh lại thì nên thọ”. Lúc đó thời hạn vua thỉnh thực đã mãn, các Bí-sô liền theo thứ lớp khất thực, vua thấy liền hỏi tại sao, các Bí-sô nói vì thời hạn vua thỉnh thực đã mãn, vua nói: “Vậy nay tôi xin thường thỉnh”, các Bí-sô bạch Phật, Phật nói: “Nếu thường thỉnh thì Bí-sô nên thọ”. Thế tôn liền khen ngợi người trì giới thiểu dục và quở trách kẻ tham muốn nhiều rồi bảo các Bí-sô: Trước kia là sáng chế, bây giờ là tùy khai, học xứ này nên nói lại như sau: “Nếu lại có Bí-sô có người thỉnh cúng dường bốn tháng, cần thì được thọ, nếu thọ quá thời hạn đã thỉnh, trừ thời khác, phạm Ba-dật-để-ca. Thời khác là thỉnh  riêng, thỉnh lại, thỉnh ân cần và thường thỉnh; đây là Thời.” Nếu lại có Bí-sô là chỉ cho Ô-ba-nan-đà và lục chúng.

Trong học xứ này tướng phạm như thế nào?

Nếu Bí-sô được người khác cúng thức ăn thô dở, lại theo đòi hỏi thức ăn ngon hơn, khi đòi phạm Ác-tác, khi ăn phạm Đọa. Nếu người khác cúng thức ăn ngon, lại theo đòi thức ăn dở, khi đòi phạm Áctác, khi ăn không phạm. Cúng sữa đòi lạc… cũng như vậy, nếu bịnh thì không phạm. Nếu Bí-sô thứ lớp khất thực, thí chủ cúng thức ăn, Bí-sô muốn được thứ mình cần thì nên nói tôi không cần cơm, nếu thí chủ hỏi cần gì tức là thỉnh tùy ý, Bí-sô nói thứ mình cần thì không phạm. Không phạm nữa là người phạm ban đầu hoặc si cuồng tâm loạn bị thống não bức bách.

Học Xứ Thứ Bảy Mươi Lăm: NGĂN TRUYỀN LỜI PHẬT DẠY

(Ngăn truyền đạt học xứ)

Phật ở trong Trúc lâm bên ao Yết-lan-đạc-ca thành Vương xá, thường pháp của Phật là khi chế học xứ chung cho hai bộ tăng thì hai bộ tăng đều phải tập họp. Khi Phật chế học xứ trên chung cho cả hai bộ Tăng nhưng ni chúng không có mặt, Phật bảo A-nan-đà: “Thầy hãy đến bảo Châu đồ bán thác ca đến chỗ Bí-sô ni truyền đạt lại học xứ này”, A-nan-đà vâng lời Phật đến nói, Châu đồ bán thác ca liền đi đến chùa ni để truyền lại lời Phật dạy, trên đường đi gặp Lục chúng liền nói: “Này các cụ thọ, Phật vừa chế học xứ cho hai bộ tăng”, liền hỏi là học xứ gì, Châu đồ bán thác ca liền nói lại học xứ trên rồi nói học xứ này nên tu tập, Lục chúng nói: “Thầy phân tích không rõ ràng, tôi há có thể nghe theo lời thầy mà phụng hành theo hay sao. Nếu tôi gặp Bí-sô nào thông tam tạng, tôi sẽ nghe theo mà thọ hành học xứ này”, Lục chúng nói rồi liền bỏ đi. Châu đồ bán thác ca đến chỗ chúng ni truyền đạt, Thập nhị chúng Bí-sô ni cũng nói lời phi pháp giống như Lục chúng, các Bí-sô ni khác nghe rồi đều hoan hỉ phụng hành. Châu đồ bán thác ca trở về trú xứ đem việc trên bạch các Bí-sô, các Bí-sô bạch Phật, Phật do nhân duyên này nhóm họp các Bí-sô… cho đến câu: … Chế học xứ này cho các Bí-sô như sau: “Nếu có Bí-sô nghe Bí-sô khác nói rằng: Này cụ thọ, nay nên học tập theo học xứ này. Bí-sô này liền nói: Tôi không thể nghe theo lời của người không hiểu rõ, không khéo giải thích như thầy mà phụng hành học xứ; nếu tôi gặp Bí-sô nào rõ thông tam tạng, tôi sẽ nghe theo lời của vị ấy mà thọ hành; thì Bí-sô này phạm Ba-dật-để-ca”.

Nếu lại có Bí-sô là chỉ cho Lục chúng.

Trong học xứ này tướng phạm như thế nào?:

Nếu có Bí-sô nói với Bí-sô khác rằng: Cụ thọ hãy tập hành theo học xứ này, Bí-sô kia nói như đoạn văn trên thì phạm Đọa. Nếu Bí-sô truyền đạt lời Phật quả thật không hiểu biết thì không phạm; Không phạm nữa là người phạm ban đầu hoặc si cuồng tâm loạn bị thống não bức bách.

Học Xứ Thứ Bảy Mươi Sáu: NGHE LÉN VIỆC NGƯỜI

Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc rừng Thệ-đa thành Thất-la-phiệt, lúc đó Ô-đà-di đã đoan hoặc chứng A-la-hán…, chỉ còn Nan-đa và Ôba-nan-đà nương ở trong chúng. Thập thất chúng đến trong nhà ăn bàn tính làm cách nào có thể tác pháp yết ma Xả trí cho Ô-ba-nan-đà, lúc đó Ô-ba-nan-đà đứng bên cửa sổ nghe lén được liền vào nhà ăn quở trách và nói: “Ta sẽ trị phạt các ngươi, các ngươi há không nghe:

“Như cột voi bằng dây da mục,
Gió thổi nắng phơi đã nhiều năm,
Tuy nay sức yếu không như trước,
Vẫn còn trói được năm trăm dê”.

Thập thất chúng biết Ô-ba-nan-đà đã nghe biết được mưu tính của mình liền cùng đến trong nhà ấm bàn tính lại, Ô-ba-nan-đà lại đi theo rình nghe; Thập thất chúng liền lên gác trên, Ô-ba-nan-đà cũng đi theo rình nghe, cứ như thế khiến cho Thập thất chúng không thể bàn tính được, đành phải đến trước Ô-ba-nan-đà xin sám tạ, được tha thứ rồi liền hỏi: “Thượng tọa vì sao biết được chúng tôi định tác pháp yết ma xả trí cho thượng tọa?”, Ô-ba-nan-đà liền kể lại việc trên và nói: “Các ngươi đi đến đâu, ta đi theo rình nghe tới đó”. Các Bí-sô nghe biết liền đem việc này bạch Phật, Phật do nhân duyên này nhóm họp các Bí-sô… cho đến câu: “… Chế học xứ này cho các Bí-sô như sau:

Nếu lại có Bí-sô biết các Bí-sô khác luận bàn việc phát sanh tranh cải lăng xăng mà rình theo nghe lén, nghĩ rằng: Ta nghe rồi sẽ khiến sanh đấu loạn, chỉ lấy lý do này làm duyên; thì phạm Ba-dật-để-ca.”

Nếu lại có Bí-sô là chỉ cho Ô-ba-nan-đà; các Bí-sô khác là chỉ người trong pháp luật này.

Trong học xứ này tướng phạm như thế nào?

Nếu các Bí-sô ở gác trên bàn luận, Bí-sô khác muốn lên gác phải tạo tiếng động hay tằng hắng hoặc khảy móng tay cho họ biết có người lên gác, nếu không làm như thế thì khi lên gác vừa nghe tiếng nói chưa kịp hiểu nghĩa liền phạm Ác-tác, nếu hiểu được nghĩa thì phạm Đọa. Đến cửa nhà người hoặc đến chỗ kinh hành… chuẩn theo trên nên biết. Nếu Bí-sô trên đường đi bàn luận, Bí-sô từ phía sau đi đến cũng chuẩn theo trên nên biết. Nếu Bí-sô tình cờ nghe được hoặc sau khi nghe được muốn làm phương tiện khiến cho việc tranh cải chấm dứt thì không phạm. Không phạm nữa là người phạm ban đầu hoặc si cuồng tâm loạn bị thống não bức bách.