CĂN BẢN THUYẾT NHẤT THIẾT HỮU BỘ TỲ NẠI DA

Hán dịch: Đời Đường Tam Tạng Pháp Sư Nghĩa Tịnh 
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

QUYỂN 39

Học Xứ Thứ Năm Mươi Bốn: CÙNG NGƯỜI CHƯA THỌ CẬN VIÊN ĐỒNG NHÀ NGỦ QUÁ HAI ĐÊM

Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc rừng Thệ-đa thành Thất-la-phiệt, lúc đó có nhiều thí chủ kính tín đến chùa bạch các Bí-sô: “Xin hãy nói pháp cho chúng con, chúng con rất muốn nghe”, Bí-sô nói: “Các vị muốn nghe pháp nên đến chỗ Phật, Phật sẽ giảng nói cho nghe”, thí chủ nói: “Thánh giả, Đại sư chỉ có một mà người kính ngưỡng lại đông, tất cả trời người rồng quỷ đều muốn nghe pháp, Đại sư làm sao có thể nói cho tất cả, hoặc là Thánh giả tụng kinh cho chúng con nghe”, Bí-sô nói: “Thế tôn chưa cho phép”, các thí chủ nghe rồi đều chê trách rồi bỏ về, các Bí-sô đem việc này bạch Phật, Phật nói: “Ta cho phép các Bísô tùy thời tụng kinh”, các Bí-sô liền hằng ngày tụng kinh không nghỉ, những người có phước đức nhàn rỗi hằng ngày đều đến nghe kinh rồi về nhà khuyên những người làm thuê mướn không có phước đức đến nghe kinh, họ nghe rồi liền nói: “Quý vị có phước gặp Phật ra đời, được nghe pháp yếu, được đại lợi ích, được điều chưa từng có, tuy hằng ngày nghe kinh nhưng sinh kế vẫn ổn định. Chúng tôi ít phước phải làm thuê kiếm sống nếu thường đi nghe kinh ắt sẽ chết đói, nếu chư Tăng có thể tụng ban đêm thì chúng tôi đến nghe”. Các Bí-sô nghe rồi liền đem việc này bạch Phật, Phật nói: “Tuy là ban đêm cũng có thể tụng kinh pháp”, các Bí-sô do tụng kinh suốt đêm nên mõi mệt, Phật nói không nên, các Bí-sô liền tùy thời tụng một ít kinh pháp mà thôi, các thính giả đều chê trách, Phật nói nên tụng đầy đủ. Tuy các Bí-sô tụng kinh ban đêm nhưng những người làm thuê không phải đêm nào cũng đến nghe, những người có phước đức liền hỏi tại sao, họ nói: “Chúng tôi ít phước không thể thường xuyên đến nghe kinh, nếu chư Tăng mỗi tháng vào ngày mồng tám, rằm và cuối tháng tụng kinh suốt đêm, chúng tôi sẽ thường đến nghe để được sanh phước lợi”, các Bí-sô bạch Phật, Phật nói nên tụng. Lúc đó có một Bí-sô khất thực trú nơi A-lan-nhã nói với người ở chung: “Hôm nay là ngày rằm, tôi muốn về chùa cùng làm lễ Trưởng tịnh và nghe kinh”, nói rồi liền đến chùa ở lại nghe kinh đến nửa đêm, tự nghĩ: “Bây giờ là phi thời không thể trở về chốn Lan-nhã”, nghĩ rồi liền ở lại chùa nghỉ qua đêm, ở đó cũng có nhiều người thế tục nghe pháp nghĩ lại qua đêm. Lúc đó vị tri tự muốn tắt đèn, những người thế tục yêu cầu đừng tắt, tại đây cũng có một Bí-sô Ma-ha-la ở lại ngủ qua đêm, khi ngủ không nhiếp tâm nên trong mộng thấy cùng người vợ cũ họp mặt muốn làm việc phi pháp, nói mớ ra tiếng khiến người tục nghe được, trông thấy Bí-sô ngủ mớ như vậy liền nói với nhau: “Bí-sô già còn như vậy, Bí-sô trẻ sẽ như thế nào”. Bí-sô khất thực nghe người thế tục chê trách như vậy nên trời vừa sáng liền trở lại chốn Lan-nhã, người cùng ở chung hỏi: “Các đống phạm hạnh ở trong chùa đó tụng kinh ban đêm có khiến cho người thế tục sanh tịnh tín hay không?”, Bí-sô khất thực nói: “Họ nghe diệu pháp đều sanh hỷ tín nhưng có một Bí-sô già đã làm cho người thế tục chê trách”, nói rồi liền kể lại sự việc trên. Các Bí-sô nghe biết được liền đem việc này bạch Phật, Phật nói: “Do các Bí-sô cùng người chưa thọ cận viên đồng một nhà ngủ và thắp đèn nên có lỗi này sanh, từ nay ta không cho phép Bí-sô cùng người chưa thọ cận viên đồng một nhà ngủ mà có thắp đèn”. Đây là duyên khởi nhưng Phật chưa chế giới.

Phật ở trong vườn Diệu-âm nước Kiều-thiểm-tỳ, lúc đó tôn giả Xá-lợi-tử có hai cầu tịch: Một tên là Chuẩn-đà, hai tên là La-hỗ-la. một hôm La-hỗ-la có duyên sự đi vắng, một Bí-sô khách đến chùa xin nghỉ lại qua đêm, vị Thọ sự thấy La-hỗ-la đi vắng liền bảo khách Bí-sô tạm nghỉ trong phòng của La-hỗ-la, vị khách Bí-sô này đem y bát của La-hỗ-la để bên ngoài phòng, La-hỗ-la trở về thấy y bát của mình ở ngoài cửa nên đứng với vẻ buồn bã, Chuẩn-đà trông thấy liền hỏi tại sao, La-hỗ-la nói: “Tôi vừa ra ngoài, có khách Bí-sô đến ở trong phòng tôi, đem y bát của tôi để bên ngoài, trời sắp tối lại sắp mưa, đêm nay tôi ngủ ở đâu đây?”, Chuẩn-đà nói: “Tùy chỗ nào nằm được thì nằm, ưu phiền làm gì, hoặc dựa trước cửa phòng ngủ cũng được”. La-hỗ-la suy nghĩ: “Phi thời gặp Phật thưa hỏi là không có lý đó, ta nên đến trong nhà vệ sinh ngủ qua đêm”, nhà vệ sinh này trước đó đã được một thí chủ tịnh tín dùng bùn diêu hương thoa trét sạch sẽ nên La-hỗ-la vào trong đó ngủ tạm, đến đêm trời mưa lớn, nước mưa tràn ngập khiến cho con rắn độc ở trong hang dưới đất gần đó phải bò ra ngoài và bò vào trong nhà vệ sinh. Như lai đại sư chứng được tâm không quên, lúc đó khởi nghĩ: “Nếu La-hỗ-la bị rắn độc này cắn chắc phải chết, chỉ còn lại cái tên gọi mà thôi. Dòng họ Thích kiêu ngạo sẽ sanh bất tín nói rằng: “Nếu La-hỗ-la không xuất gia sẽ kế thừa ngôi vị Chuyển luân vương, nay xuất gia lại không có nơi nương tựa, phải nằm ngủ trong nhà vệ sinh bị rắn cắn chết thật là oan uổng”, nghĩ rồi Như lai liền duỗi tay hữu ra như cái vòi voi đến chỗ La-hỗ-la đang nằm, nhấc lên đưa đến phòng mình đặt trên giường, đêm đó Như lai hoặc đi hoặc ngồi cho đến sáng. Các Bí-sô sau khi thức dậy rửa mặt súc miệng xong liền đến chỗ Như lai đảnh lễ, thường pháp của Như lai là khi muốn chế học xứ cho các Bí-sô, nếu Bí-sô nào chưa đến thì đợi đến đủ, nếu Bí-sô nào đến rồi thì không cho đi để tập trung đầy đủ. Lúc đó La-hỗ-la thức dậy biết mình đang nằm trên giường của Phật hoảng hốt vội ngồi dậy, Chuẩn-đà nói: “Nếu Thế tôn không nghĩ đến thầy thì thầy đã bị rắn cắn chết rồi, chỉ còn lưu lại cái tên mà thôi”. Khi các Bí-sô tập họp đã đủ, Phật bảo các Bí-sô: “Các cầu tịch không cha không mẹ, chỉ có các thầy là người đồng phạm hạnh cùng thương tưởng nhau. Hầu hết những vị này đều là mầm của A-la-hán sẽ được xuất ly, nếu các thầy không thương tưởng nhau, bảo hộ cho nhau thì ai sẽ thương tưởng và bảo hộ cho họ. Nay ta cho phép các Bí-sô cùng người chưa thọ viên cụ đồng một phòng ngủ hai đêm không phạm”.

Lúc đó có Bí-sô mắc bịnh kiết lỵ, chân dính bất tịnh vì trong phòng không có đèn nên tìm chỗ rửa không được, bèn đưa chân ra ngoài giường nằm suốt đêm. Trời vừa sáng, đệ tử vào phòng thăm hỏi có được an không, liền kể lại sự việc trên, các Bí-sô nghe biết liền đem việc này bạch Phật, Phật nói nên để đèn sáng. Lúc đó các Bí-sô để đèn sáng khiến người bịnh không ngủ đuợc, bịnh càng thêm nặng, Phật nói: “Bísô có bịnh cần đốt đèn, nằm đối đầu để tránh ánh sáng không phạm”, người nuôi bịnh lúc đó không dám nằm nên bịnh sanh, Phật nói: “Người nuôi bịnh tuy nằm có đèn cũng không phạm”. Lúc đó có người bịnh cần uống thuốc không có người trao, Phật bảo nên cùng ngủ với người thế tục, quá hai đêm các Bí-sô không dám ngủ nên bịnh sanh, Phật nói: “Người bịnh tuy cùng ngủ quá hai đêm cũng không phạm”. Lại có Bí-sô bịnh không thể tự ăn được phải nhờ người thọ cụ túc đút cho ăn, người thọ cụ túc này có việc ra ngoài không biết nhờ ai, Phật nói: “Người chưa thọ cụ túc cũng được phép đút cho ăn, nếu không có người này thì đại Bí-sô cũng phải đút cho người bịnh ăn”. Lúc đó các Bí-sô nằm nơi có ánh sáng mặt trời, mặt trăng không dám ngủ, Phật nói nằm ngủ không phạm. Phật đã chế không được cùng người chưa thọ cụ túc ngủ quá hai đêm nên qua hai đêm các Bí-sô liền đuổi họ ra khỏi chùa bị giặc, thú dữ… làm tổn thương, Phật nói không nên đuổi. Các Bí-sô đuổi ra ngoài mái hiên, Phật nói cũng không nên, chỉ nên đuổi ra ở tạm bên ngoài thế lực của phòng. Có một Bí-sô nuôi một Cầu tịch, ban đêm bảo ra ngoài ngủ, một Bí-sô phạm tội từ ngoài vào hỏi Cầu tịch là đêm nay ngủ ở đâu, đáp là ở ngoài cửa phòng, vị sư chủ bên trong phòng nghe có tiếng người nói liền hỏi là ai, Cầu tịch đem việc trên bạch thầy, sư chủ liền kêu vào trong phòng ngủ, tự mình suốt đêm hoặc đi hoặc ngồi cho đến sáng. Sáng sớm các đệ tử đến vấn an, sư chủ đem việc trên kể lại, các đệ tử nói: “Thầy há không nghe như Phật đã dạy có hai việc mới thành đại nhân: Một là việc việc đó không thể làm thì không nên làm, hai là đã làm việc gì thì không nên bỏ, phải làm cho xong. Thầy thương Cầu tịch nuôi dưỡng dạy dỗ trước sau khó nhọc”, sư chủ nghe rồi liền im lặng. Các Bí-sô đem việc này bạch Phật, Phật nói: “Nếu có người phạm tội đến muốn khuyến dụ Cầu tịch, vị thầy xua đuổi được thì cùng nhau xua đuổi, nếu không xua đuổi được thì nên đưa Cầu tịch đến chùa khác. Nếu trong Hạ an cư có Bí-sô xấu ác đến chùa, sư chủ nên cùng Cầu tịch đồng phòng ngủ cho đến mãn an cư, an cư xong nếu xua đuổi được Bí-sô xấu ác thì tốt, nếu không xua đuổi được thì nên đưa Cầu tịch đến chùa khác”.

Lúc đó có nhiều Bí-sô đi đường có dẫn Cầu tịch theo, qua hai đêm liền bảo họ ra ngoài ngủ nên bị thú dữ hại. Các Bí-sô đem việc này bạch Phật, Phật nói: “Không nên bảo họ ra ngoài, chỉ nên phân chia phạm vi Bí-sô làm hai tùy đêm chưa mãn cùng ngủ không phạm”. Sau đó các Cầu tịch vì ban đêm phải thức dậy nên dọc đường ngủ gật, Bí-sô bỏ họ lại cũng bị thú dữ hại, Phật nói không nên. Sau đó có Cầu tịch đòi thức ăn trong bữa tiểu thực, Bí-sô không cho, Phật nói nên cho; đến giờ cũng đòi thức ăn, Bí-sô cũng không cho, Phật nói: “Thiếu niên sung sức nên mau đói, hãy cho họ ăn”. Lại có Bí-sô cùng người chưa thọ cụ túc đồng hành, do Phật chế học xứ này nên Bí-sô suốt đêm không ngủ sanh mõi mệt, Phật nói: “Nên hộ đến lúc mặt trời mọc, không nên thức suốt đêm”, tuy vậy các Bí-sô vẫn mõi mệt, Phật nói: “Nếu đi suốt đêm thì nên ngủ”. Lúc đó Ô-ba-nan-đà có hai Cầu tịch, một tên là Lợi thích, hai tên là Trưởng đại, cả ba thầy trò cùng ngủ quá hai đêm, các Bí-sô chê trách, Ô-ba-nan-đà nói: “Đêm thứ hai với đêm thứ ba có tướng gì khác đâu, lại nữa đêm thứ ba đâu có uống rượu hay ăn hành tỏi”. Các Bí-so chê trách rồi bạch Phật, Phật nhóm họp các Bí-sô… cho đến câu: … Chế học xứ này cho các Bí-sô như sau: “Nếu lại có Bí-sô cùng người chưa thọ cận viên đồng nhà ngủ quá hai đêm, phạm Ba-dật-để-ca”.

Nếu lại có Bí-sô là chỉ cho Ô-ba-nan-đà; người chưa thọ cụ túc là chỉ cho Cầu tịch. Nhà có bốn loại: Một là có che lợp khắp hết và có vách ngăn khắp hết như các phòng xá và nhà khách…; hai là che lợp khắp hết nhưng chỉ có phần lớn là có vách ngăn tức là có cửa sổ thông với nhau; ba là phần lớn có che lợp nhưng có vách ngăn khắp hết tức là bốn mặt là nhà, bốn bên là vách nhưng bên trong có mái hiên, có hành lang thông với nhau; bốn là phần nhiều có che lợp và phần nhiều có vách ngăn, tức là nhà bốn mặt nhưng có một mặt không có vách ngăn hoặc ngăn phân nữa hoặc lợp phân nửa hoặc mái hiên giao nhau thì không phạm. Không phạm nữa là người phạm ban đầu hoặc si cuồng tâm loạn bị thống não bức bách.

Học Xứ Thứ Năm Mươi Lăm: KHÔNG BỎ ÁC KIẾN, TRÁI CAN

Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc rừng Thệ-đa thành Thất-la-phiệt, lúc đó có Bí-sô tên là Vô tướng tự sanh ác kiến nói rằng: “Như Phật đã dạy pháp chướng ngại không nên tập hành, nhưng tôi biết khi tập hành chẳng phải là chướng ngại”, nhiều Bí-sô nghe biết đem việc này bạch Phật, Phật bảo các Bí-sô: “Các thầy nên trao cho Bí-sô Vô tướng pháp Biệt gián (can ngăn riêng), nếu lại có Bí-sô nào giống như vậy cũng nên can riêng như sau: Nên đến chỗ Bí-sô kia nói rằng: “Này Vô tướng, thầy chớ nói lời này: Như Phật đã dạy pháp chướng ngại… giống như đoạn văn trên cho đến chẳng phải là chướng ngại. Thầy chớ nên phỉ báng Thế tôn, phỉ báng Thế tôn là không tốt, nếu Thế tôn không nói là pháp chướng ngại thì chẳng phải là pháp chướng ngại; nhưng nếu Thế tôn đã dùng các phương tiện nói là pháp chướng ngại, nếu tập hành nhất định là pháp chướng ngại. Thầy nên bỏ ác kiến này đi “Các Bí-sô vâng lời Phật dạy đến chỗ Vô tướng khuyên can giống như trên nhưng Vô tướng cô chấp không bỏ nói rằng: “Những gì tôi nói là thật, những lời khác đều là hư vọng”. Các Bí-sô can riêng không được bèn đến bạch Phật, Phật nói: “Các thầy nên tác pháp Bạch tứ yết ma can Bí-sô kia như sau; đánh kiền chùy tập họp chúng, sau đó một Bí-sô bạch yết ma như sau:

Đại đức tăng lắng nghe, Bí-sô Vô tướng này tự sanh ác kiến nói rằng: Như Phật đã dạy pháp chướng ngại không nên tập hành nhưng khi tập hành tôi biết chẳng phải là pháp chướng ngại. Các Bí-sô tác pháp can riêng như Bí-sô này cố chấp không chịu bỏ ác kiến còn nói rằng: Những gì tôi nói là thật, những lời khác đều là hư vọng. Nếu Tăng đúng thời đến, Tăng chấp thuận nay Tăng trao cho Bí-sô Vô tướng pháp bạch tứ yết ma để kia hiểu rõ điều này như sau: Này Vô tướng, thầy đừng nói răng như Phật đã dạy pháp chướng ngại không nên tập hành… cho đến câu thầy nên bỏ ác kiến này đi. Bạch như vậy. Kế tác yết ma chuẩn theo văn tác bạch ở trên mà làm.

Khi các Bí-sô tác bạch yết ma can như trên rồi, Vô tướng vẫn cố chấp không chịu bỏ ác kiến còn nói rằng: “Những gì tôi nói là thật, những lời khác đều là hư vọng”, các Bí-sô thấy can không được bèn bạch Phật, Phật nói: “Các thầy nên trao cho Bí-sô Vô tướng pháp yết ma Xả trí không bỏ ác kiến, nếu có ai khác phạm giống như vậy cũng tác pháp Xả trí như sau: đánh kiền chùy, tập họp tăng và sai một Bí-sô tác bạch yết ma như sau:

Đại đức Tăng lắng nghe, Bí-sô Vô tướng này tự sanh ác kiến… giống như đoan văn trên cho đến câu Nếu tăng đúng thời đến nghe, Tăng nên chấp thuận, nay Tăng trao cho Bí-sô Vô tướng pháp yết ma Xả trí. Cho đến khi nào Bí-sô kia chưa chịu bỏ ác kiến thì Tăng không nên cùng nói chuyện, vì đây là là kẻ đáng ghét, cực ác như Chiên-đà-la. Bạch như vậy. Kế tác yết ma chuẩn theo văn tác bạch mà làm.

Lúc đó các Bí-sô tuy đã trao pháp yết ma Xả trí cho Vô tướng nhưng kia vẫn cố chấp không chịu bỏ, các Bí-sô bạch Phật, Phật do nhân duyên này nhóm họp các Bí-sô… cho đến câu: … Chế học xứ này cho các Bí-sô như sau: “Nếu lại có Bí-sô nói rằng: Tôi biết pháp Phật dạy Dục là chướng ngại nhưng khi tập hành chẳng phải là chướng ngại. Các Bí-sô nên nói với Bí-sô kia rằng: Thầy chớ nên nói là tôi biết lời Phật dạy Dục là pháp chướng ngại nhưng khi tập hành chẳng phải là pháp chướng ngại. Thầy đừng phỉ báng Thế tôn, phỉ báng Thế tôn là không tốt, Thế tôn không nói như vậy, Thế tôn dùng vô lượng pháp môn nói Dục là chướng ngại, thầy hãy bỏ ác kiến đó đi. Khi các Bí-sô can gián như thế, nếu bỏ thì tốt, không bỏ thì nên tác pháp yết ma ân cần can ngăn khiến cho bỏ việc ấy, bỏ thì tốt, không bỏ thì phạm Badật-để-ca”.

Nếu lại có Bí-sô là chỉ cho Bí-sô Vô tướng. Pháp chướng ngại là chỉ cho bốn Tha thắng, hai Bất định, ba mươi Xả đọa, chín mươi Đọa, bốn Biệt hối và Chúng học pháp. Khi tập hành chẳng phải là chướng ngại là không chướng ngại Thánh quả của sa môn. Phỉ báng là nói lời phi lý, bất thiện chiêu lấy quả ác dị thục.

Trong học xứ này tướng phạm như thế nào?:

Nếu Bí-sô nói rằng: Tôi biết lời Phật dạy… giống như đoạn văn trên. Khi các Bí-sô can riêng nếu bỏ thì tốt, không bỏ thì phạm Ác-tác. Khi yết ma chánh can, nếu tác bạch và yết ma lần nhất, lần hai xong mà không bỏ đều phạm Ác-tác; yết ma lần ba xong thì phạm Đọa. Nếu tác yết ma phi pháp thì không phạm, không phạm nữa là người phạm ban đầu…

Học Xứ Thứ Năm Mươi Sáu: THEO NGƯỜI BỊ XẢ TRÍ

Khi Bí-sô Vô tướng bị yết ma xả trí rồi liền đến chỗ Ô-ba-nan-đà khóc kể, Ô-ba-nan-đà hỏi nguyên do, Vô tướng nói: “Tôi bị các Hắcbát trao cho pháp yết ma Xả trí”, Ô-ba-nan-đà nói: “Nếu bị yết ma Xả trí thì thành ấp thôn xóm và ba cõi hữu tình há không có hay sao, thôi đừng có ưu phiền hãy cầu sám tạ đi”, Ô-ba-nan-đà khuyên rồi cùng với Vô tướng nói chuyện, thọ dụng y thực và đồng nhà nằm ngồi, các Bí-sô thiểu dục thấy rồi chê trách và đem việc này bạch Phật, Phật do nhân duyên này nhóm chúng và chế học xứ như sau: “Nếu lại có Bí-sô biết người kia nói lời như vậy, chưa tùy thuận Tăng và không chịu bỏ ác kiến lại cùng nói chuyện, cùng thọ dụng và ở chung đồng nhà nằm ngủ thì phạm Ba-dật-để-ca”.

Nếu lại có Bí-sô là chỉ cho Ô-ba-nan-đà, người nói lời như vậy là chỉ cho Vô tướng. Chưa tùy thuận tăng là chưa tùy thuận sám hối.

Trong học xứ này tướng phạm như thế nào?

Nếu Bí-sô biết người nói như vậy, chưa tùy thuận Tăng… lại cùng nói chuyện, cùng ở chung… thì phạm Đọa. Nếu người đó bịnh chăm nom thì không phạm, hoặc đồng ở để khuyên họ bỏ ác kiến thì không phạm; không phạm nữa là người phạm ban đầu…

Học Xứ Thứ Năm Mươi Bảy: NHIẾP THỌ CẦU TỊCH KHÔNG XẢ ÁC KIẾN

Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc rừng Thệ-đa thành Thất-la-phiệt, lúc đó Ô-ba-nan-đà có hai đệ tử: Một tên là Lợi thích, hai tên là Trưởng đại. Ở trú xứ khác có nhiều Bí-sô đến cùng ở chung với hai Cầu-tịch cùng đùa giỡn, cùng trạo cử xúc chạm lẫn nhau. Sau đó các Bí-sô này khởi tâm truy hối tự trách những tội đã phạm, tội nào cần trách tâm sám thì tự trách tâm sám, tội nào cần đối thuyết sám hối thì đối thuyết sám hối. Sám hối rồi phát tâm dõng mãnh khởi ý quyết định đoạn các phiền não được chứng A-la-hán và đại thần thông. Thời gian sau hai Cầu tịch kia đang hái hoa trong rừng bổng thấy có Bí-sô lướt hư không mà đi, hai Cầu tịch liền hỏi vọng tới: “Các vị tên là gì?”, các Bí-sô nói tên, hai Cầu tịch nói: “Các vị còn nhớ trước kia cùng ở chung với tôi, cùng đùa giỡn… phạm nhiều tội lỗi, tại sao hôm nay lại được chứng quả tăng thượng”, các Bí-sô nói: “Đúng vậy, nhưng sau đó chúng tôi thành tâm sám hối những tội đã phạm… giống như đoạn văn trên cho đến câu và đại thần thông”. Cầu tịch nghe rồi liền nói: “Các Bí-sô này trước kia cùng tôi làm việc phi pháp như vậy, tại sao hôm nay lại chứng được quả tăng thượng, dựa vào nhân duyên này tôi biết lời Phật dạy Dục là pháp chướng đạo nhưng khi tập hành chẳng phải là chướng đạo”. Các Bí-sô nghe rồi đem việc này bạch Phật, Phật bảo các Bí-sô: “Hai Cầu tịch này nói lời phi lý, các thầy nên tác pháp can riêng để hiểu dụ họ, nếu có ai giống như vậy cũng nên tác pháp can như sau: “Này Lợi thích và Trưởng đại, đừng nên nói rằng: Tôi biết pháp Phật dạy Dục là pháp chướng đạo nhưng chẳng phải là chướng đạo. Ngươi đừng phỉ báng Thế tôn, phỉ báng Thế tôn là không tốt, Thế tôn không có nói như vậy, Thế tôn dùng mọi phương tiện nói Dục là pháp chướng ngại, hai ngươi nên bỏ ác kiến này đi”. Các Bí-sô vâng lời Phật dạy đến hiểu dụ hai Cầu tịch nhưng hai Cầu tịch cố chấp không chịu bỏ ác kiến, còn nói rằng: “Chỉ đây là sự thật, ngoài ra đều là hư vọng”. Các Bí-sô bạch Phật, Phật bảo các Bí-sô: “Các thầy nên bạch tứ yết ma chánh can hai Cầu tịch như sau: đánh kiền chùy, tập họp chúng, bảo hai Cầu tịch ở chỗ mắt thấy tai không nghe rồi sai một Bí-sô bạch tứ yết ma như sau:

Đại đức tăng lắng nghe, hai Cầu tịch Lợi thích và Trưởng đại này tự khởi ác kiến nói rằng: Tôi biết lời Phật dạy… giống như đoạn văn trên. Khi các Bí-sô tác pháp can riêng, hai Cầu tịch này cố chấp không bỏ còn nói rằng: Chỉ việc này là thật, ngoài ra đếu là hư vọng. Nếu tăng đúng thời đến nghe, Tăng nên chấp thuận, nay Tăng tác pháp Bạch tứ yết ma để hiểu dụ khiến cho bỏ việc này như sau: “Này hai Cầu tịch, chớ nên nói rằng… giống như đoạn văn trên cho đến câu hai ngươi nên bỏ ác kiến này đi. Bạch như vậy.

Lúc đó một Bí-sô đến nói với hai Cầu tịch: “Chúng tăng tác pháp một bạch tứ yết ma nay đã tác bạch xong, các ngươi nên bỏ ác kiến đó đi”, nếu bỏ thì tốt, nếu không bỏ thì Bí-sô nên trở lại trong Tăng báo cho biết là không chịu bỏ. Tăng tiếp tục tác yết ma chuẩn theo văn tác bạch mà làm, cho đến câu đây là yết ma lần thứ nhất, giống như trước đến nói với cầu tịch, nếu vẫn không chịu bỏ thì trở lại trong Tăng báo cho biết, kế tác yết ma lần hai, lần ba cũng đều như trước đến khuyên cầu tịch nên bỏ ác kiến. Lúc đó các Bí-sô vâng lời Phật dạy tác pháp Bạch tứ yết ma hiểu dụ, cầu tịch vẫn không chịu bỏ ác kiến, còn nói rằng: “Chỉ đây là thật, ngoài ra đều là hư vọng”, các Bí-sô bạch Phật, Phật bảo: “Các thầy nên tác pháp yết ma bất xả ác kiến tẩn xuất hai Cầu tịch kia như sau: đánh kiền chùy, tập họp Tăng, sai một Bí-sô tác bạch yết ma như sau:

Đại đức Tăng nghe, hai Cầu tịch Lợi thích và Trưởng đại kia tự khởi ác kiến… giống như đoạn văn trên. Tăng đã tác pháp can riêng và tác pháp Bạch tứ yết ma hiểu dụ nhưng họ vẫn cố chấp không chịu bỏ ác kiến, còn nói: Chỉ đây là thật, ngoài ra đều là hư vọng. Nếu Tăng đúng thời đến nghe, Tăng nên chấp thuận, nay Tăng tác pháp yết ma bất xả ác kiến tẩn xuất, nói với hai Cầu tịch kia rằng: Từ nay về sau, hai ngươi không được nói Như lai Ứng chánh đẳng giác là đại sư của tôi, cũng không được đi theo sau các Bí-sô trên cùng một con đường, cũng không được cùng với đại Bí-sô đồng nhà ngủ hai đêm như các cầu tịch khác, hai ngươi hãy đi đi. Bạch như vậy. Bạch xong một Bí-sô đến nói với hai Cầu tịch: “Tăng đã tác pháp yết ma tẩn xuất hai ngươi, tác bạch xong rồi, hai ngươi nên bỏ ác kiến đó đi”, nếu chịu bỏ thì tốt, nếu không chịu bỏ thì Bí-sô nên trở lại trong Tăng báo cho biết, kế tác yết ma chuẩn theo văn tác bạch mà làm, mỗi lần yết ma xong đều đến khuyên hai Cầu tịch bỏ ác kiến giống như trên, cho đến yết ma lần ba và văn kết yết ma chuẩn theo đó mà làm. Các Bí-sô vâng lời Phật dạy tác pháp yết ma tẩn xuất hai Cầu tịch, hai Cầu tịch này đến chỗ Ô-banan-đà khóc kể và kể lại sự việc trên, Ô-ba-nan-đà nói: “Tăng đã tác pháp tẩn xuất hai con rồi thì thôn xóm, thành ấp cho đến ba cõi há lại không có hay sao, hai con chớ ưu não nên đến trong Tăng sám hối”. Ôba-nan-đà khuyên rồi bèn thu nhận hai Cầu tịch này cùng ở chung, cùng nói chuyện và cấp dưỡng y thực, các Bí-sô thấy vậy liền chê trách rồi bạch phật, Phật do nhân duyên này nhóm họp các Bí-sô… cho đến câu: … Chế học xứ này cho các Bí-sô như sau: “Nếu lại có Bí-sô biết có cầu tịch nói rằng: Tôi biết lời Phật dạy Dục là pháp chướng ngại nhưng khi tập hành chẳng phải là chướng ngại. Các Bí-sô nên nói với cầu tịch kia rằng: Ngươi chớ nên nói là tôi biết lời Phật dạy Dục là pháp chướng ngại nhưng khi tập hành chẳng phải là chướng ngại. Ngươi chớ nên phỉ báng Thế tôn, phỉ báng Thế tôn là không tốt, Thế tôn không có nói như vậy, Thế tôn đã dùng vô lượng pháp môn nói Dục là pháp chướng ngại, ngươi nên bỏ ác kiến này đi. Khi các Bí-sô khuyên can như vậy, nếu chịu bỏ thì tốt, nếu không chịu bỏ thì nên Bạch tứ yết ma chánh can cho bỏ ác kiến này, nếu chịu bỏ thì tốt, nếu không chịu bỏ thì các Bí-sô nên nói với cầu tịch kia rằng: Từ nay trở đi, ngươi không nên nói Như lai Ứng chánh đẳng giác là đại sư của tôi, cũng không được đi theo sau các bậc tôn túc đồng phạm hạnh, cũng không được cùng Bí-sô đồng nhà ngủ hai đêm như các cầu tịch khác, ngươi hãy mau đi đi. Nếu Bí-sô biết cầu tịch kia đã bị tẩn xuất mà còn thu nhận cùng ở chung, cùng nói chuyện và cấp dưỡng y thực thì phạm Ba-dật-để-ca”.

Nếu lại có Bí-sô là chỉ cho Ô-ba-nan-đà; cầu tịch là chỉ cho Lợi thích và Trưởng đại. Nhiếp thọ là cho y chỉ.

Trong học xứ này tướng phạm như thế nào?

Nếu Bí-sô biết cầu tịch bị tẩn xuất… cho đến đồng nhà ngủ thì phạm Đọa, nếu là thân tộc hoặc kia bị bịnh hoặc muốn khiến cho kia bỏ ác kiến nên tạm thời thu nhận đều không phạm. Không phạm nữa là người phạm ban đầu…

Học Xứ Thứ Năm Mươi Tám: MẶC Y KHÔNG HOẠI SẮC

Phật ở trong Trúc lâm thành Vương xá, lúc đó trong thành này có hai Long vương: Một tên là Kỳ-lợi, hai tên là Bạt-lũ Nhờ sức oai thần của hai Long vương này nên năm trăm suối nước nóng và các ao hồ trong thành Xá vệ thường chảy không dứt, mưa thuận gió hòa, ngũ cốc tốt tươi. Khi Thế tôn điều phục được hai Long vương Nan-đà và Ô-banan-đà rồi, mỗi tháng vào những ngày mồng tám, rằm. Hai mươi ba và cuối tháng, hai Long vương này từ trong biển cả bay lên núi Diệu cao đến chỗ Phật cúng dường và nghe pháp. Lúc đó hai Long vương Kỳ-lợi và Bạt-lũ gặp hai Long vương này cùng đến chỗ Phật cúng dường nên nói với nhau: “Hai Long vương này từ nơi xa xôi còn đến thành này thừa sự Thế tôn và nghe pháp, tại sao chúng ta ở tại thành này lại không đến kính lễ, chúng ta nên đến cúng dường Thế tôn”, nói rồi liền đến chỗ Phật đảnh lễ rồi ngồi một bên, Thế tôn liền nói pháp yếu khiến cho hai Long vương này quy y Tam bảo và thọ trì năm học xứ. Từ đó về sau thân rồng và của cải đều tăng thạnh, được tăng thạnh rồi hai rồng bàn với nhau: “Chúng ta nên vào biển cả cư trú ở chỗ sâu rộng nhất”, bàn xong liền đến bạch Phật xin Phật thương xót chấp thuận cho việc vào biển cư trú, Phật nghe rồi liền nói: “Đại vương Ảnh-thắng là quốc chủ, hai ngươi muốn đi thì nên báo cho đại vương biết”, hai rồng nghe rồi liền từ tạ ra về, nói với nhau: “Như lời Phật dạy thì hình như Phật không đồng ý, chúng ta nên nương ở chỗ cũ”. Hai Long vương này nếu ban đêm đến yết kiến Phật thì giữ nguyên hình trạng, nếu ban ngày đến thì

hóa thân trưởng giả. Thời gian sau vào một hôm giữa ban ngày hai Long vương hóa thân trưởng giả đến chỗ Phật nghe pháp, cùng lúc đó đại vương Ảnh-thắng cũng đến Trúc lâm. Đến cửa ngỏ vua ra lịnh cho tả hữu đến chỗ Phật xem có ai không, tả hữu vâng lịnh đến chỗ Phật thấy có hai trưởng giả bèn trở lại tâu với nhà vua, vua nghe rồi liền suy nghĩ: “Hai trưởng giả là người trong nước ta, thấy ta đến há không đứng dậy hay sao”, nghĩ rồi liền đến chỗ Phật. Lúc đó hai Long vương thấy nhà vua đến liền hỏi Phật: “Thế tôn, chúng con nên kính pháp hay kính nhà vua?”, Phật nói: “Chư Phật Thế tôn và A-la-hán đều tôn kính pháp”, liền nói ba bài kệ:

“Như chư Phật quá khứ,
Cho đến Phật vị lai,
Hiện tại các Thế tôn
Đã đoạn tất cả ưu,
Đều cùng tôn kính pháp.
Nói năng và đi đứng,
Thường trong tất cả thời,
Đều tôn trọng chánh pháp.
Cho nên người cầu ích,
Mong muốn được giàu vui,
Nên phải tôn kính pháp,
Thường nhớ lời Phật dạy”.

Hai Long vương nghe Phật dạy như vậy nên khi thấy nhà vua đến không đứng dậy kính lễ, vua liền suy nghĩ: “Hai trưởng giả này là người trong nước ta, thấy ta đến mà không kính lễ”, nghĩ rồi liền nổi sân, khi đến đảnh lễ Phật, Phật biết tâm nhà vua đang sân nên nói qua việc khác mà không nói pháp, vua thấy vậy liền thỉnh Phật nói pháp, Phật nói kệ:

“Nếu tâm không thanh tịnh,
Trong lòng còn sân hận,
Không thể hiểu lời Phật,
Đã nói pháp vi diệu.
Hàng phục tâm đấu tranh,
Không có ý bất định,
Và trừ tâm phẫn hại,
Mới hiểu được pháp mầu”.

Nhà vua nghe kệ rồi liền suy nghĩ: “Chính do hai trưởng giả này nên Thế tôn không nói pháp cho ta nghe”, nghĩ rồi liền đảnh lễ Phật ra về, sau đó ra lịnh cho tả hữu: “Các ngươi nên tìm hiểu hai trưởng giả ở bên Phật là ai, khi họ cáo từ Phật ra về, các ngươi nên bảo họ rằng: Đại vương có dạy hai người phải mau ra khỏi nước, không nên ở trong đất nước của đại vương nữa”. Tả hữu vâng lịnh ở lại đợi hai Long vương và nói lại lời của nhà vua, hai Long vương nghe rồi liền nói với nhau: “Đây là điều ta hằng mong muốn, nay không nhọc công mà được toại nguyện”, hai Long vương liền mật lịnh khiến mây đen và giáng mưa như trút nước, nước từ các kênh ngòi khe suối đều chảy vào sông, các sông lần lượt chảy ra biển, từ đó trở đi thân và tư tài của hai Long vương càng tăng thạnh. Sau khi hai rồng ra đi thì năm trăm suối nước ấm đều khô cạn, trời hạn hán không mưa khiến cho ngũ cốc mất mùa, dân chúng lo buồn. Vua Ảnh-thắng thấy việc này rồi liền suy nghĩ: “Trong thành Vương xá có hai Long vương, nhờ oai lực của chúng… giống như đoạn văn trên, cho đến câu tại sao nay bỗng nhiên sông suối ao hồ đều cạn khô, trời hạn hán không mưa khiến cho ngũ cốc mất mùa. Phải chăng hai Long vương này đã qua đời hoặc đã đi đến nước khác hoặc có kẻ chú yếm nhiếp giữ rồng hoặc là đã bị chim Kim súy điểu ăn thịt. Thế tôn là bậc Nhất thiết trí, ta nên đến hỏi Phật nguyên do”, nghĩ rồi nhà vua liền đến chỗ Phật đảnh lễ Phật rồi bạch hỏi như trên, Phật nói: “Đại vương nên biết, chẳng phải hai rồng kia đã qua đời… cho đến chẳng phải bị chim Kim súy điểu ăn thịt, mà chính là Đại vương đã xua đuổi chúng”. Vua nói: “Con không nhớ là đã gặp lần nào huống chi là xua đuổi”, Phật liền nhắc cho vua nhớ: “Lúc đó nhà vua đến chỗ ta đã gặp hai trưởng giả đang ngồi bên ta nghe pháp, khi ra về nhà vua đã nói gì với sứ giả?”, vua nói: “Con bảo sứ giả nói với họ là đừng ở trong nước của con nữa”, Phật nói: “Hai trưởng giả đó là hóa thân của hai Long vương đến chỗ ta nghe pháp yếu”, vua liền hỏi: “Hiện nay họ đã đi đâu?”, Phật nói: “Họ đã ra biển cả”, vua nghe nói rồi mặt hiện vẻ buồn lo hỏi Phật: “Thế tôn, quốc giới của con có bị suy tổn hay không?”, Phật nói: “Quốc giới của nhà vua chưa đến nỗi suy tổn, nhưng nhà vua nên sám tạ hai Long vương kia”, vua nói: “Họ ở trong biển cả con làm sao gặp để sám tạ?”, Phật nói: “Mỗi tháng vào bốn ngày chay họ thường đến kính lễ ta, ngày ấy vua nên đến ta sẽ chỉ để nhà vua sám tạ họ”, vua hỏi: “Khi sám tạ họ, con có lễ dưới chân họ không?”, Phật nói: “Nhà vua chỉ cần duỗi tay phải ra nói với họ rằng: Xin dung thứ cho tôi, xin đừng giận lời nói trước kia. Hai Long vương nghe rồi sẽ tha thứ cho nhà vua”. Thời gian sau đến ngày Bảo-sái-đà, hai Long vương đến chỗ Phật, vua Ảnh-thắng cũng đến, Thế tôn hiện tướng chỉ cho vua biết, vua liền như lời Phật dạy sám tạ Long vương và yêu cầu hai Long vương trở lại, hai Long vương nói: “Chúng tôi đã ra biển, thân và tư tài của chúng tôi càng rộng lớn không thể trở lại trong đây ở như trước kia”, vua nói: “Nếu như vậy thì nước tôi sẽ bị mất”, hai Long vương nói: “Nhà vua chớ lo lắng, vua nên xây hai thần đường ở ngoài thành: Một cái gọi là Kỳ-lợi long thần đường, một cái gọi là Bạt-lũ long thần đường. Chúng tôi sẽ bảo quyến thuộc ở trong hai thần đường này, cứ sáu tháng một lần có đại hội chúng tôi sẽ đến xem xét quốc độ của nhà vua, không để cho thiếu thốn”. Sau đó vua Ảnh-thắng y theo lời của hai Long vương cho xây cất hai thần đường ở ngoài thành, mỗi năm hai lần đến ngày tiết hội dân chúng khắp nơi tụ về rất đông. Tiết hội lần đó có đội ca nhạc từ phương Nam đến Vương thành, họ nói với nhau: “Chúng ta nên làm phương tiện gì để lôi cuốn dân chúng, chúng ta cũng thu được nhiều tài lợi”, một người nói: “Nếu chúng ta trình diễn nói về hành tích thù thắng của bậc đại nhơn, có thể lôi cuốn được nhơn tình”, đội ca nhạc nhất trí nói với nhau: “Trong thế gian này đức Phật là thù thắng, tất cả hữu tình đều tôn kính, nếu chúng ta tán thán Phật nhất định sẽ lôi cuốn được quần chúng”. Bàn xong họ cùng đến chỗ Lục chúng bạch rằng: “Rất mong các Thánh giả thuật lại cho chúng tôi nghe về quá trình từ khi Phật làm bồ tát ở trên cung trời Đổ sử sắp hạ sanh vào châu Thiệm bộ, sau đó giáng thần vào thai mẹ và đản sanh, đến khi lớn lên dạo chơi bốn cửa thành thấy cảnh già bịnh chết mà vượt thành xuất gia, sau đó đến trong rừng tu khổ hạnh sáu năm, sau đó được thành tựu đạo quả cứu độ muôn loài”, Lục chúng hỏi: “Các vị hỏi việc ấy để làm gì?”, họ nói: “Chúng tôi muốn viết thành ca khúc và phổ nhạc để trình diễn cho dân chúng xem”, Ô-đà-di nói: “Ông là người ngu si, ông muốn đem thắng sự của Phật đưa vào ca nhạc hay sao, hãy đi mau”. Các nhạc công bỏ ra về, sau đó đến chỗ Bí-sô ni Thổ la-nan-đà bạch giống như trên, Thổ lanan-đà hỏi và các nhạc công cũng đáp giống như đoạn văn trên. Thổ la-nan-đà nghe rồi liền nói: “Nếu các vị cung cấp cho tôi vật thực đầy đủ, tôi sẽ nói cho các vị nghe”, các nhạc công đồng ý, Thổ la-nan-đà liền trình bày rõ ràng đầu đuôi về cuộc đời của đức phật, các nhạc công liền viết thành ca khúc và phổ nhạc rồi nói với nhau: “Chúng ta nên làm phương tiện gì khiến người tín kính sanh hoan hỉ và người không tin cũng khởi tâm hoan hỉ”. Nói rồi họ cùng trở lại chỗ Lục chúng, lúc đó Bí-sô Xiển-đà ăn no rồi xả oai nghi thì có thí chủ mang thức ăn thượng diệu đến cúng, Xiển-đà muốn ăn nữa nên rửa tay thọ rồi mang đến chỗ Ô-đà-di, lúc đó Ô-đà-di chưa ăn xong chưa đứng dậy, Xiển-đà liền đối 2 trước Ô-đà-di tác pháp dư thực, Ô-đà-di ăn vài miếng rồi đưa lại cho Xiển-đà nói rằng: “Đây là thức ăn của thầy, thầy cứ tùy ý ăn”. Các nhạc công thấy việc này rồi liền viết thành ca khúc và phổ nhạc, sau đó đem ra trình diễn cho công chúng xem. Người tín kính xem liền sanh tâm hi hữu, khen ngợi và thưởng tiền rất hậu, người không tín kính sau khi xem xong màn trình diễn về việc Bí-sô Xiển-đà đối trước Bí-sô Ôđà-di tác pháp dư thực cũng đều khen là hi hữu và thưởng tiền rất hậu. Sau khi giải tán ra về, đi đến đâu họ đều kể lại những gì đã xem được cho người khác nghe, Lục chúng Bí-sô nghe biết được liền nói với nhau: “Đám xướng ca vô thức dám đưa hình ảnh chúng ta vào trong hý trường mà cho là hy kỳ, chúng ta phải làm việc bất lợi cho chúng”. Nói rồi cùng đến chỗ các đào hát nhờ diễn lại vũ kịch trên, Lục chúng xem rồi sau đó đến chỗ Thần đường cách hý trường không xa dựng lên một hý trường thứ hai, đánh trống chiên kêu gọi quần chúng đến xem. Lúc đó Lục chúng đều mặc y phục thế tục trình diền, quần chúng liền bỏ hý trường kia kéo đến hí trường này, đội nhạc công kia cũng kéo đến để xem diễn xuất ra sao, đều khen là tuyệt hay và nói với nhau: “Họ đều là trời, rồng, dược xoa, Càn thát bà… đến đây trình diễn”, khen rồi tặng thưởng rất hậu. Trình diễn xong Lục chúng mang hết tiền được thưởng trở về chùa, lúc đó đội nhạc công đi theo sau muốn biết những người trời trình diễn này ở đâu thì thấy Lục chúng vào Trúc lâm. một lát sau thấy Ô-đà-di bước ra, ở hai bên má còn nguyên vết thư hoàng, họ liền hỏi: “Đoàn kỷ nhạc trình diễn vừa rồi có Thánh giả hay sao?”, Ô-đà-di nói: “Phải, đó là chúng ta cố ý muốn làm nhục những người ngu si các ngươi, há để cho các ngươi mượn oai quang của chúng ta để kiếm sống. Các ngươi đi đến đâu, chúng ta theo đến đó khiến cho các ngươi không kiếm được đồng nào”, đội nhạc công nghe rồi liền xin sám tạ, Ô-đà-di nói: “Các ngươi trình diễn đã thu được bao nhiêu hãy đưa hết cho ta, chúng ta sẽ không đi theo nữa”. Đội nhạc công liền đưa hết số tiền đã thu hoạch được cho Ô-đà-di để Lục chúng không theo làm não hại nữa rồi trở về chỗ ở với dáng vẻ ưu buồn, các bạn hỏi nguyên do, đội nhạc công liền kể lại sự việc trên, các bạn của nhạc công nghe rồi liền chê trách: tại sao Bí-sô lại mặc sắc phục của bạch y tự thân làm kỹ nhạc khiến cho các nhạc công đều thua thiệt”. Các Bí-sô nghe biết rồi liền đem việc này bạch Phật, Phật do nhân duyên này nhóm họp các Bí-sô… cho đến câu: … Chế học xứ này cho các Bí-sô như sau: “Nếu lại có Bí-sô được y mới nên dùng một trong ba loại màu để nhuộm cho hoại sắc hoặc màu xanh, màu xám, màu đỏ. Nếu không dùng ba loại màu này  nhuộm cho hoại sắc mà thọ dụng thì phạm Ba-dật-để-ca”.

Nếu lại có Bí-sô là chỉ cho Lục chúng. Y mới có hai loại: Một là thể y mới, hai là mới được từ người khác cúng cho, trong học xứ này là chỉ cho thể y mới.

Trong học xứ này tướng phạm như thế nào?

Nếu các Bí-sô được y mới không dùng một trong ba loại màu kể trên nhuộm cho hoại sắc mà thọ dụng thì phạm Đọa. Không phạm là người phạm ban đầu hoặc si cuồng tâm loạn bị thống não bức bách.