CĂN BẢN THUYẾT NHẤT THIẾT HỮU BỘ TỲ NẠI DA
Hán dịch: Đời Đường Tam Tạng Pháp Sư Nghĩa Tịnh
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản
QUYỂN 38
Học Xứ Thứ Bốn Mươi Chín: DÙNG TAY DỌA ĐÁNH BÍ SÔ
Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc rừng Thệ-đa thành Thất-la-phiệt, duyên khởi giống như giới trên cho đến câu Ô-đà-di bảo Thập thất chúng làm việc nhưng họ không nghe theo, Ô-đà-di nổi giận lấy tay dọa đánh một người, không ngờ cả mười bảy người đều ngã ngữa ra kêu khóc. Các Bí-sô nghe kêu khóc đến hỏi nguyên do giống như giới trên, các Bí-sô chê trách rồi bạch Phật, Phật quở trách rồi chế học xứ này cho các Bí-sô như sau: “Nếu lại có Bí-sô vì sân giận không vui, dùng tay dọa đánh Bí-sô khác, phạm Ba-dật-để-ca”.
Tướng phạm có nội, ngoại và kiêm cả hai giống như giới trên.
Học Xứ Thứ Năm Mươi: CHE DẤU TỘI CHO NGƯỜI KHÁC
Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc rừng Thệ-đa thành Thất-la-phiệt, lúc đó Lục chúng Bí-sô cho người xuất gia và thọ cận viên, Nan-đà có một thân đệ tử tên là Đạt-ma khi chưa biết thầy mình là người ác hạnh thì cùng ở chung thừa sự cúng dường, nhưng khi biết rồi thì bỏ đi đến ở chung với các Bí-sô thiện hạnh. Vì kính lời Phật dạy nên mỗi ngày ba thời đến kính lễ thầy, một hôm Đạt-ma bạch thầy: “Ô-ba-đà-da, nay con muốn đền chỗ yên tĩnh trong vườn chùa để tu tập theo ý mình”, Ô-ba-nan-đà muốn cùng đi theo nên bảo Đạt-ma cầm tọa cụ của mình, Đạt-ma nói: “A-giá-lợi-da ban ngày cũng đến trong vườn chùa tĩnh tọa sao?”, Ô-ba-nan-đà nói: “Ngươi cho rằng tâm ta thường tán loạn không biết tĩnh tọa hay sao, không có môn tĩnh lự nào mà ta không biết”, Đạtma nói: “Con không dám, con chỉ muốn hỏi A-giá-lợi-da ban ngày có du hóa không?”. Nói rồi liền cầm tọa cụ của Ô-ba-nan-đà đến trong vườn chùa để dưới một gốc cây rồi tìm đến một gốc cây khác ngồi kiết già tĩnh tọa, hệ niệm tư duy. Ô-ba-nan-đà sau đó đến chỗ ngồi tĩnh tọa, lấy y trùm cả đầu mặt hệ niệm tư duy nhưng tâm không thể an định, bèn đứng dậy ngó quanh bốn phía, bổng thấy có một người nữ muốn phá rào vào trong chùa liền kêu Đạt-ma, Đạt-ma nói: “A-giá-lợi-da hãy hệ niệm nơi kinh rừng Thệ-đa”, Ô-ba-nan-đà nói: “Thầy không nhớ lời Phật dạy là đối với vật của Tăng kỳ phải coi trọng, vậy để ta đến ngăn cản người nữ kia”, nói rồi liền đi đến chỗ người nữ hỏi vì sao lại phá rào, người nữ liền cười, lúc đó Ô-ba-nan-đà khởi tâm dục nhiễm nắm cánh tay và ôm người nữ hôn, sau đó đến chỗ Đạt-ma hỏi có thấy gì không, Đạt-ma nói: “Các việc khác đều thấy, chỉ trừ giao hội”, Ô-banan-đà nói: “Cụ thọ có biết cũng đừng nói với ai”, Đạt-ma nói: “Cho đến khi chưa gặp Bí-sô thiện thì tôi hoàn toàn không nói”, Ô-ba-nan-đà nói: “Thân giáo sư của thầy làm những việc xấu xa, tôi đều che dấu, thầy thấy lỗi của tôi mà lại không che dấu hay sao?”, Đạt-ma nói: “Biết người khác có thô ác mà che dấu cho nhau, tôi sẽ bạch các Bí-so”. Nói rồi liền đem việc này bạch các Bí-sô, các Bí-sô bạch Phật, Phật do nhân duyên này nhóm họp các Bí-sô… cho đến câu: … Nay chế học xứ này cho các Bí-sô như sau: “Nếu lại có Bí-sô biết Bí-sô khác có tội thô ác mà che dấu, phạm Ba-dật-để-ca”.
Nếu lại có Bí-sô là chỉ cho Ô-ba-nan-đà. Bí-sô khác là chỉ cho Nan-đà. Tội thô ác gồm có tội Ba-la-thị-ca và tội Tăng-già-phạt-thi-sa, sở dĩ gọi là thô ác vì nhơn của nó là thô ác xấu xa. Trong học xứ này tướng phạm như thế nào?
Nếu khi Bí-sô thấy Bí-sô khác phạm tội Tha thắng, khởi ý che dấu cho đến khi mặt trời chưa mọc thì phạm Ác-tác, mặt trời mọc thì phạm tội Đọa; che dấu tội Tăng tàn cũng giống như vậy. Nếu khi Bí-sô thấy Bí-sô khác phạm tội Ba-dật-để-ca, khởi tâm che dấu cho đến mặt trời chưa mọc thì phạm Ác-tác, mặt trời mọc cũng phạm Ác-tác. Như thế biệt sám cho đến tội Ác-tác, tội phú tàng cũng vậy. Nếu người nói tội sợ nói ra sẽ gặp rắc rối hoặc các nạn phạm hạnh… hoặc nói ra sẽ khiến Tăng bị phá nên che dấu thì không phạm. Không phạm nữa là người phạm ban đầu… giống như trong các giới trên.
Nhiếp Tụng Thứ Sáu:
Xúc não bạn, chạm lửa, gởi dục,
Pháp đồng ngủ, nhà chẳng ngăn che,
Chưa xả, cầu tịch, nhuộm hoại sắc,
Cầm vật báu, khí trời quá nóng.
Học Xứ Thứ Năm Mươi Mốt: CÙNG ĐẾN NHÀ THẾ TỤC KHÔNG CHO ĂN
Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc rừng Thệ-đa thành Thất-la-phiệt, duyên khởi giống như trong giới năm mươi cho đến câu Đạt-ma vì tôn trọng lời Phật dạy nên mỗi ngày đến kính lễ thầy là Nan-đà. Lúc đó Ô-ba-nan-đà nói với Nan-đà: “Đại đức nên biết, Đạt-ma trước đây có hiềm khích với tôi, tôi sẽ ở trước Phật và Tăng làm việc không Lợi-ích vạch bày tội của Đạt-ma hoặc khiến cho nhịn đói một ngày”, Nan-đà nói: “Đạt-ma ưa thích trì giới, biết hổ thẹn thường ôm lòng truy hối, từng không có phạm, làm sao có thể làm việc không Lợi-ích cho nó được”, Ô-ba-nan-đà nói: “Nếu vậy tôi sẽ khiến cho nhịn đói một ngày”, Nan-đà nghe rồi liền tự nghĩ: “Thà để cho Đạt-ma nhịn đói một ngày”. Lúc đó có một trưởng giả đến thỉnh Nan-đà và Ô-ba-nan-đà về nhà thọ thực, Nan-đà nói với Ô-ba-nan-đà: “Hôm nay chúng ta cho Đạt-ma nhịn đói”. Vừa lúc đó Đạt-ma đến kính lễ thầy, Nan-đà bảo Đạt-ma: “Hôm nay có thí chủ đến mời ta và một đệ tử về nhà thọ thực, con hãy cùng đi với ta”, Đạt-ma nói: “Há con từng theo thầy đi thọ thỉnh thực hay sao?”, Ô-ba-nan-đà nói: “Này Đạt-ma, điều mà ta nghe trước đây khác với điều hôm nay ta thấy. Ta cho rằng ngươi ưa thích trì giới… biết vâng lời thầy dạy không có trái nghịch, há chúng ta bảo thí chủ đem vật bất tịnh cho ngươi hay sao?”. Đạt-ma bị quở liền im lặng, sau đó bạch thầy: “Con đi lấy đãy lượt nước và bát rồi đi với thầy”, Ô-ba-nan-đà nói: “Khỏi phải đi lấy đãy lượt nước và bát làm chi, ở trong nhà thí chủ có đủ tịnh khí, nước đã lượt sẵn rồi không có trùng, cứ đi với chúng ta”, Đạt-ma đành phải đi theo hai thầy, có một Bí-sô khất thực gặp liền hỏi đi đâu, Đạt-ma nói là đi đến chỗ thọ thỉnh thực. Lúc đó hai thầy dẫn Đạt-ma đến một quán trọ, Ô-ba-nan-đà để Nan-đà đứng với Đạt-ma ở đó rồi đi đến nhà thí chủ thọ thực, ăn no rồi liền trở lại quán trọ đứng với Đạt-ma để cho Nan-đà đi thọ thực. Lúc đó Đạt-ma thấy sắp đến giờ ngọ liền nhắc Ô-ba-nan-đà, Ô-ba-nan-đà nói: “Ngươi cho rằng ta không có tâm hộ thi la, thường ăn phi thời hay sao? Ngươi hãy đi đi, nếu ngươi ở đây sẽ khiến ta không vui, nói chuyện hay ngồi với ngươi ta đều không vui, chẳng bằng ngồi đứng một mình”, Đạt-ma thầm nghĩ: “Nếu hồi sáng ta đem theo đãy lượt nước và bát thì bây giờ có thể đi khất thực được rồi”, không biết phải làm sao đành phải trở về chùa, do thế lực của thức ăn vẫn còn nên Đạt-ma tiếp tục tu phẩm thiện, đến khi thế lực của thức ăn hết, cảm thấy đói Đạt-ma mới nằm xuống nghỉ. Vừa lúc đó Bísô khất thực trở về thấy Đạt-ma nằm liền quở: “Ăn chi quá no rồi nằm không tu phẩm thiện”, Đạt-ma nói: “Tôi không có đến chỗ thọ thỉnh thực thì làm gì ăn quá no”, Bí-sô khất thực nghe rồi liền hỏi rõ nguyên do, Đạt-ma đem sự việc trên kể lại, Bí-sô khất thực liền đem việc này bạch các Bí-sô, các Bí-sô bạch Phật, Phật do nhân duyên này nhóm họp các Bí-sô… cho đến câu: Chế học xứ này cho các Bí-sô như sau: “Nếu lại có Bí-sô nói với Bí-sô khác rằng: Cụ thọ hãy cùng tôi đi đến nhà thế tục, tôi sẽ bảo họ cúng thức ăn ngon. Bí-sô kia nghe rồi liền cùng đi nhưng cuối cùng lại không được ăn, còn bị xua đuổi nói rằng: Thầy hãy đi đi, tôi cùng thầy nói chuyẹn hay ngồi chung đều không vui, tôi ngồi một mình, nói chuyện một mình vui hơn. Khi nói lời này là muốn cho Bí-sô kia sanh phiền não thì phạm Ba-dật-để-ca”.
Nếu lại có Bí-sô là chỉ cho Ô-ba-nan-đà. Bí-sô khác là người trong pháp luật này. Thầy hãy đi đi… là lời xua đuổi, khởi ý xúc não muốn khiến cho người kia nhịn đói, chỉ do lý do này không vì việc gì khác.
Trong học xứ này tướng phạm như thế nào?
Nếu lại có Bí-sô cố tâm khiến cho Bí-sô khác nhịn đói thì phạm đọa, nếu vì bịnh thầy thuốc bảo nhịn ăn, không cho ăn thì không phạm. Không phạm nữa là người phạm ban đầu… giống như trong các giới trên.
Học Xứ Thứ Năm Mươi Hai: ĐỐT LỬA
Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc rừng Thệ-đa thành Thất-la-phiệt, duyên khởi giống như trong giới bốn mươi bốn ở trên cho đến câu Anan-đà nói với các thương nhơn: “Xem tướng có thể đoán biết Thế tôn sẽ đi đến thành Vương xá”, các thương nhơn sau khi hỏi biết được mỗi ngày Thế tôn đi được bao nhiêu dặm đường liền chuẩn bị vật thực để cúng dường ở mỗi đoạn đường. Lúc đó A-nan-đà đi đến một ngã rẽ liền dừng lại đợi Thế tôn đi đến, Thế tôn đến nơi liền hỏi vì sao không tiếp tục đi, A-nan-đà bạch Phật: “Thế tôn, ở đây có hai con đường, một là con đường thẳng có nhiều sư tử hổ lang khủng bố, hai là con đường quanh co nhưng an ổn vô ngại. Con không biết phải đi theo con đường nào?”, Phật nói: “Nên đi con đường thẳng, Đát-tha-yết-đa đã lìa các sự sợ hãi”. Thế tôn chọn đi con đường thẳng đến một thôn xóm, ở đầu thôn có hai đồng tử đang chơi giỡn, một đứa cầm trống, một đứa cầm cung. Hai đồng tử này thấy Thế tôn đi đến liền đảnh lễ bạch Phật: “Thế tôn tại sao lại chọn đi con đường hiểm, nhưng Thế tôn chớ sợ hãi, chúng con sẽ đi trước dẫn đường”, nói rồi đứa cầm trống đánh trống đi trước, đứa cầm cung đi sau cùng dẫn đường cho Phật. Thế tôn thấy rồi liền suy nghĩ: “Hai đồng tử này đã gieo trồng căn lành từ lâu nên nay mới gặp ta”, sau đó Phật bảo hai đồng tử: “Hai ngươi hãy trở về, Như lai đại sư từ lâu đã lìa sợ hãi, sư tử hổ lang đều không làm gì được”, hai đồng tử nghe rồi liền đảnh lễ Phật quay trở về. Lúc đó Phật liền mĩm cười, từ trong miệng phóng ra các ánh sáng xanh vàng đỏ trắng… hoặc chiếu lên hoặc chiếu xuống… giống như duyên khởi trong giới thứ bốn Ba-la-thịca nói về tiền thân của cá Ma kiệt, cho đến câu nếu nói việc chánh đẳng chánh giác vô thượng thì ánh sáng vào từ đảnh. Lúc đó ánh sáng xoay quanh Phật ba vòng rồi vào từ đảnh, cụ thọ A-nan-đà liền bạch Phật: “Thế tôn Như lai Ứng chánh đẳng giác không phải không nhân duyên mà vui vẻ mĩm cười”, liền nói kệ tụng:
“Thế tôn lìa trạo cử, kiêu mạn,
Trong các hữu tình, Phật bậc nhất,
Hàng phục phiễn não và các oán,
Nếu không duyên cớ không mĩm cười,
Như lai tự chứng chơn diệu giác,
Tất cả thính giả đều muốn nghe,
Xin Mâu ni tối thắng tuyên dương,
Giải tỏa lòng nghi của đại chúng”.
Thế tôn nói: “Đúng vậy, Như lai Ứng chánh đẳng giác không phải không có nhân duyên mà hiện mĩm cười. Thầy có thấy hai đồng tử dẫn đường hồi nãy không, hai đồng tử này nhờ thiện căn này ở đời vị lai trong mười ba kiếp không bị đọa trong ba đường ác, thường sanh trong cõi trời người ở thân sau cùng thành tựu đạo quả vô thượng chánh đẳng bồ đề vô thượng, một vị hiệu là Như lai Pháp cổ âm, một vị hiệu là Như lai Thí vô úy”. Thế tôn nói lời thọ ký này rồi tiếp tục lên đường đến một thôn xóm ở ven rừng để nghỉ qua đêm. Như lời Phật dạy Bí-sô dù ở trong trú xứ hay ở dưới gốc cây đều theo thứ lớp lớn nhỏ phân chia chỗ nghỉ, lúc đó lục chúng được phân chia ở cạnh một cây khô. Ban đêm bị lạnh bức bách Lục chúng liền dùng lửa đốt cây khô để sưỡi ấm, không ngờ trong bộng cây là chỗ ở của rắn, rắn bị khói xông nên bò lên nhánh cây rồi buông mình xuống, Lục chúng thấy rồi liền lớn tiếng kêu là sắp rớt, các thương nhơn nghe tiếng kêu lớn này cho là có sư tử đến liền hoảng sợ bỏ chạy tứ tán. Thế tôn liền hỏi A-nan-đà nguyên do, A-nan-đà liền đem sự việc trên bạch Phật, Phật bảo A-nan-đà: “Thầy hãy mau đến nói với các thương nhơn, Như lai ở chỗ nào thì chỗ đó lìa sợ hãi về sư tử, hãy nên quay trở lại chớ có sợ hãi nữa”. A-nan-đà vâng lời Phật dạy đến thông báo khiến các thương nhơn yên tâm quay trở lại chỗ cũ, các Bí-sô thấy việc này rồi đều có nghi thỉnh hỏi Phật: “Thế tôn, tại sao Lục chúng kêu lớn sắp rớt lại khiến các thương nhơn kinh sợ bỏ chạy tứ tán, tại sao Thế tôn lại nhơn việc này an ủi khiến họ lìa sợ hãi?”, Phật nói: “Chẳng phải chỉ ngày nay Lục chúng làm cho các thương nhơn hoảng sợ mà từ thuở xưa cũng đã từng làm cho họ kinh sợ bỏ chạy tứ tán, ta cũng đã an ủi khiến họ lìa ưu não. Các thầy lắng nghe: Thuở xưa có sáu con thỏ kết bạn nương ở bên nhau cạnh một ao nước trong rừng cây trái Tần loa, lúc đó trái Tần loa chín rụng xuống ao nước phát ra tiếng, sáu con thỏ này vừa nghe tiếng trái rụng này do thân hình nhỏ bé nhu nhược nên kinh sợ bỏ chạy tứ tán. Lúc đó con dã can thấy thỏ bỏ chạy liền hỏi nguyên do, thỏ nói: “Tôi nghe trong ao nước có tiếng động lạ, sợ có mãnh thú đến hại nên bỏ chạy”, dã can nghe rồi cũng bỏ chạy theo, cứ như Thế-lan ra khắp các cầm thú trong rừng vừa nghe nói cũng đều bỏ chạy theo. Cách đó không xa có một sư tử chúa ở trong hang núi thấy các loài thú bỏ chạy tứ tán như thế liền nói: “Các ngươi đều có móng bén, răng nhọn và có sức mạnh, tại sao phải hoảng sợ bỏ chạy như thế?”, tất cả đều nói như lời thỏ đã nói ở trên, sư tử hỏi: “Các ngươi nghe tiếng đáng sợ đó từ đâu”, tất cả đều đáp là không biết từ đâu, sư tử nói: “Nếu chưa biết gốc ngọn thì đừng chạy nữa, để ta xem xét kỹ tiếng đáng sợ đó là tiếng gì, phát ra từ đâu”, nói rồi liền hỏi cọp, cọp nói là nghe được từ con báo, như Thế-lần lượt hỏi đến con thỏ, thỏ nói là chính tai nghe được tiếng động lạ đó từ trong ao nước, sư tử liền dẫn các loài thú đến bên ao nước, tạm đứng chốc lát liền nghe tiếng trái Tần loa chín rụng xuống ao phát ra, sư tử nói: “Đây là tiếng của loại cây trái ăn được rụng xuống ao, không gì phải sợ hãi”. Lúc đó trong hư không chư thiên nói kệ:
“Không nên nghe người nói liền tin,
Phải đích thân xem xét tường tận,
Đừng như trái cây rớt trong ao,
Khiến thú trong rừng đều hoảng chạy”.
“Này các Bí-sô, sư tử chúa thuở xưa chính là thân ta, sáu con thỏ chính là Lục chúng, xưa kia đã làm cho các loài thú hoảng sợ, ta cũng đã an ủi khiến họ lìa sợ hãi; ngày nay lại làm cho các thương nhơn hoảng sợ, ta cũng an ủi khiến họ yên tâm”. Sau khi Thế tôn nói duyên xưa cho các Bí-sô nghe rồi liền bảo A-nan-đà: “Thầy hãy thông báo cho các thương nhơn hôm nay để Thế tôn đi trước, họ đi phía sau”, A-nan-đà vâng lời Phật dạy đi thông báo. Lúc đó Thế tôn và Tăng chúng đi trước các thương nhơn khi đến trong rừng hiểm có một sư tử chúa muốn đến hại Phật, Phật liền đưa bàn tay hữu ra, ở năm đầu ngón tay hóa ra năm sư tử, sư tử chúa thấy rồi liền bỏ chạy, Phật liền hóa ra lửa mạnh bao vây bốn phía, sư tử muốn tránh chỗ nào cũng không được. Lúc đó chỉ có bên chỗ Phật là mát mẻ thanh lương nên sư tử đến bên Phật sụp lạy, Thế tôn liền đưa bàn tay hữu trăm phước trang nghiêm sờ đầu sư tử nói rằng: “Này Hiền thủ, đời trước ngươi đã tạo nghiệp ác nên đọa trong loài bàng sanh, nay lại khởi tâm ác hại giết chết kẻ khác để tự nuôi sống, sau khi chết sẽ sanh trở lại trong đường ác. Này hiền thủ, các hành vô thường, các pháp vô ngã, Niết-bàn tịch tịnh, ngươi hãy sanh tâm tịnh tín, ở trong loài bàng sanh nên khởi tâm nhàm lìa”. Lúc đó các Bí-sô cũng đưa tay sờ đầu sư tử, sư tử liền gầm lên tỏ vẻ không chịu, Phật bảo các Bí-sô: “Các thầy chớ nên chạm vào sư tử, vì sao, vì loài mãnh thú tánh vốn hung bạo khó gần gũi, nếu vội sờ có thể bị tổn thương, nếu các Bí-sô sờ sư tử thì phạm Ác-tác, sờ sư tử bằng đá, bằng đất hay tượng vẽ đều không phạm”. Điều phục được sư tử rồi Phật cùng các Bí-sô tiếp tục lên đường, sư tử chúa tạ từ Phật rồi suy nghĩ: “Nay ta đã nghe pháp rồi thì không nên giết các loài khác để tự nuôi sống, ta phải kiên quyết tuyệt thực không ăn thịt nữa”. Loài mãnh thú không thể nhịn đói nên không bao lâu sau sư tử mạng chung được sanh lên cõi trời Tứ đại vương chúng, thường pháp của hữu tình vừa được sanh lên cõi trời đều nghĩ về ba điều: Ta từ cõi nào vừa chết, nay được sanh vào cõi nào và do tạo nghiệp gì mà được quả dị thục này. Lúc đó thiên tử liền tự biết mình từ cõi súc sanh chết đi, nay được sanh lên cõi trời Tứ đại vương chúng là do ở bên Phật khởi tâm tịnh tín. Sau khi biết rồi Thiên tử muốn đến chỗ Phật thừa sự cúng dường liền dùng anh lạc của cõi trời để trang nghiêm thân và dùng hoa trời đựng trong cái gùi mang đến cúng dường Phật. Qua đêm thiên tử đến chỗ Phật rồi rải các loại hoa trời cúng dường Phật, ánh sáng của thiên tử này chiếu sáng khắp cả khu rừng, Phật tùy theo ý nhạo tùy miên, căn tánh sai biệt mà nói pháp khiến cho thiên tử được Kiến đế, sau khi kiến đế Thiên tử bạch Phật: “Thế tôn, nay con được Kiến đế là nhờ Thế tôn khai thị, không phải do cha mẹ, thiên chúng, sa môn, Bà-la-môn… nào có thể làm được. Thế tôn là thiện tri thức đã cứu vớt con từ trong cõi Địa ngục, Bàng sanh, Ngạ quỷ, đưa con vào cõi trời thắng diệu, chấm dứt sanh tử hướng tới Niết-bàn… chứng quả dự lưu. Nay con xin quy y Phật, Pháp, Tăng, cúi xin Thế tôn chứng tri con là Ô-ba-sách-ca, từ hôm nay cho đến trọn đời thọ năm học xứ không sát sanh cho đến không uống rượu”. Thiên tử bạch rồi thân tâm hoan hỉ được việc chưa từng có, đảnh lễ Phật trở về lại thiên cung. Các Bí-sô đầu đêm sau đêm tỉnh giác tư duy, thấy chỗ Thế tôn rực sáng không biết có thiên chúng nào đến chỗ Phật, do phước lực của họ nên ánh sáng của thiên tử chiếu sáng khắp cả khu rừng. Sáng hôm sau các Bí-sô liền đến chỗ Phật đảnh lễ rồi bạch Phật: “Thế tôn, đêm qua chúng con khu rừng rực sáng không biết là sức oai thần của Phạm thiên hay trời Đế thích hay trời Tứ thiên vương… đã đến chỗ Phật nên khu rừng mới rực sáng như thế?”, Phật nói: “Ánh sáng trong đêm qua không phải sức oai thần của Phạm vương, Đế thích… Các thầy còn nhớ sư tử chúa trong rừng ở bên ta nghe pháp không, sư tử này sau khi nghe pháp đã nhịn đói mà chết, sau khi chết được sanh lên cõi trời Tứ đại vương chúng, nay muốn báo ơn nên đến chỗ ta rải hoa trời cúng dường, ta nói pháp khiến kia được kiến đế rồi trở về lại thiên cung, do thần lực của vị trời này nên khắp khu rừng đều rực sáng”. Các Bí-sô nghe rồi bạch Phật: “Thế tôn, vị trời sư tử này đã từng làm nghiệp gì mà chiêu chiêu cảm quả dị thục đọa trong loài sư tử, lại do tạo nghiệp gì sau khi chết được sanh lên cõi trời Tứ đại vương chúng, lại do tạo nghiệp gì nghe Phật nói pháp liền được kiến đế chứng quả Dự lưu?”, Phật nói: “Thiên tử này tiền thân tạo nghiệp, khi nhân duyên vận hiệp thành thục không phải do địa thủy hỏa phong của giới ngoại mà thành thục, chính ngay nơi Uẩn xứ giới của tự thân mà thọ lấy quả báo”, Phật liền nói kệ:
“Dầu cho trải trăm kiếp,
Nghiệp đã làm không mất,
Khi nhân duyên hội ngộ,
Trở lại tự thọ báo”.
Các Bí-sô lắng nghe:
Thuở xưa lúc con người sống thọ hai vạn tuổi có Phật ra đời hiệu là Ca-diếp-ba đủ mười hiệu, quyến thuộc của Phật có đến hai vạn đệ tử cùng ở trong nước Ba-la-nê-tư. Khi Phật Ca-diếp-ba chưa ra đời, trong thành này có một Bà-la-môn thông suốt bốn minh và các luận được mói người tôn kính là Đại sư. Sau khi Phật Ca-diếp-ba ra đời, mọi người đều tôn kính Phật không đến thừa sự vị Bà-la-môn ấy nữa, Bà-la-môn này sanh tâm tật đố nên lúc Phật đang thuyết pháp giữa đại chúng liền nói lời thô rằng: “Sa môn này ở giữa đại chúng nói pháp không biết sợ cũng như sư tử, thính chúng nghe pháp cũng như các loài thú nhỏ kính thọ pháp của sư tử”. Phật nghe lời nói này rồi liền bảo vị Bà-la-môn: “Nay ông ở chỗ bậc Thiên nhơn sư nói ra lời thô ác sẽ thọ khổ báo trong địa ngục. Ông nên chí tâm sám hối, tội sẽ nhẹ bớt”. Vị Bà-la-môn nghe Phật nói rồi sanh lòng hổ thẹn, đến trước Phật sám hối xin quy y Tam bảo, thọ trì năm học xứ làm Ô-ba-sách-ca.
Này các Bí-sô, vị Bà-la-môn thuở xưa do ác khẩu, ở trước Phật nói lời khinh mạn tuy đã sám hối nhưng dư báo của ác nghiệp ấy khiến cho trong năm trăm đời làm thân sư tử đến nay vẫn chưa hết. Do ở bên ta sanh tâm chánh tín nghe pháp mà được sanh lên cõi trời; lại do thuở xưa đối trước Phật Ca-Diếp-ba quy y Tam bảo, thọ năm học xứ nên đời này gặp ta nghe pháp chứng quả Dụ lưu. Cho nên các Bí-sô, hễ tạo nghiệp thuần đen thì quả dị thục thuần đen, tạo nghiệp thuần trắng thì quả dị thục thuần trắng, nếu tạo nghiệp xen tạp thì quả dị thục cũng xen tạp. Các thầy nên bỏ nghiệp thuần đen và nghiệp xen tạp, nên tu nghiệp thuần trắng chớ có buông lung, nên học như thế”, các Bí-sô và chúng trời người nghe Phật nói rồi đều tín thọ phụng hành. Lúc đó Thế tôn dần dần đến nước Ma-kiệt-đà ở trong Trúc lâm bên ao Yết lan đac ca thành Vương xá, Lục chúng Bí-sô ngồi bên đống lửa, mỗi người cầm cây củi đang cháy đùa giỡn vẽ hình tròn…, ngoại đạo trông thấy đều chê trách rằng: “Sa môn Thích tử cầm khúc củi đang cháy đùa giỡn có khác gì đồng tử, tại sao các người lại giảm phần chi dụng của vợ con cúng cho những người trọc đầu này”. Các Bí-sô nghe rồi liền bạch Phật, Phật do nhân duyên này nhóm họp các Bí-so… cho đến câu: “… Chế học xứ này cho các Bí-sô như sau: “Nếu lại có Bí-sô tự đốt lửa, bảo người khác đốt lửa, phạm Ba-dật-để-ca.”
Thế tôn chế học xứ này rồi các Bí-sô không dám đốt nhang đèn cúng dường ở trong tháp cũng không thừa sự các Thân giáo sư, Quỹ phạm sư trong việc nấu nước, xông bát, nhuộm y…, Thế tôn biết nhưng vẫn hỏi A-nan-đà nguyên do, A-nan-đà đem sự việc trên bạch Phật, Phật nói: “Nếu người cần dùng lửa, khi dùng cẩn thận giữ gìn thì không phạm. Khi dùng lửa nên khởi nghĩ rằng ta dùng lửa để cúng dường tháp Phật, hoặc thừa sự hai thầy hoặc vì mình và các đồng phạm hạnh cần dùng lửa để làm việc này việc kia, thì không phạm”. Các Bí-sô khi dùng lửa để nhuộm y xông bát… quên khởi nghĩ như lời Phật đã dạy bèn hối hận, Phật nói nên khởi nghĩ trong suốt thời gian dùng lửa. Sau có một Bí-sô mắc bịnh phong, thầy thuốc bảo nên gần lửa, Bí-sô nói Phật không cho đốt lửa, thầy thuốc nói: “Thế tôn đại từ do lý do này sẽ khai cho đốt lửa”, các Bí-sô bạch Phật, Phật bảo các Bí-sô: Trước kia là sáng chế, bây giờ là tùy khai, nên nói lại học xứ này như sau: “Nếu lại có Bí-sô không bịnh mà vì mình đốt lửa hoặc bảo người đốt lửa, phạm Ba-dật-để-ca”.
Nếu lại có Bí-sô là chỉ cho Lục chúng.
Trong học xứ này tướng phạm như thế nào?
Nếu Bí-sô dùng củi đang cháy đùa giỡn với nhau vẽ thành hình tròn… đều phạm Đọa. Khi Bí-sô đốt lửa nên khởi nghĩ cẩn thận đề phòng, nếu không khởi nghĩ mà vội đốt lửa thì phạm Đọa, tắt lửa cũng phạm đọa. Nếu Bí-sô cầm củi đang cháy bươi lửa trong tro rồi đem lửa ấy dùng nấu thức ăn, đốt đèn… đều phạm Ác-tác; nếu nếu bỏ móng tay… phun nước miếng vào lửa cũng phạm Ác-tác. Nếu khi dùng lửa có khởi nghĩ cẩn thận đề phòng thì không phạm, không phạm nữa là người phạm ban đầu…
Học Xứ Thứ Năm Mươi Ba: GỞI DỤC RỒI LẠI NGĂN
Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc rừng Thệ-đa thành Thất-la-phiệt, lúc đó cụ thọ Ô-đà-di đã đoạn trừ phiền não chứng A-la-hán, Bí-sô Xiển-đà đến nước Kiều-thiểm-tỳ sống trong tịch tĩnh, A-thuyết-ca và Bổ-nại-phạt-tố đều đã qua đời, chỉ còn Nan-đà và Ô-ba-nan-đà vẫn ở trong rừng Thệ-đa nhưng tuổi đều đã già. Lúc đó Thất thập chúng đều đã khôn lớn, sức khỏe dồi dào lại thông tam tạng, khởi ý nghĩ: “Thời gian qua chúng ta thường bị Lục chúng coi thường, Nan-đà và Ô-banan-đà thường hại chúng ta nhất là Ô-ba-nan-đà, nay chúng ta nên tác pháp xả trí ông ta”, một người trong số Thập thất chúng nói: “Thượng tọa-nan-đà thông hiểu pháp vụ, làm sao chúng ta có thể tác pháp yết ma được”, người khác nói: “Chúng ta nên quyền xảo tìm cách gạt ông ta đừng vào trong chúng, lúc đó chúng ta sẽ tác pháp yết ma”. Bàn xong Thập thất chúng đến chỗ Nan-đà thăm hỏi và nói: “Y của thượng tọa dơ quá, sao không giặt?”, Nan-đà nói: “Nay ta đã già, thấy ta già suy nên các đệ tử khởi tâm khinh, không ai chịu giặt y cho ta nữa”, Thập thất chúng nói: “Hãy đưa cho con giặt”. Nan-đà liền đưa y, Thập thất chúng lại nói: “Còn cái nào dơ cứ đưa hết cho con giặt”, Nan-đà liền đưa hết ba y chỉ mặc áo trong, Thập thất chúng lấy y rồi đem ngâm vào nước tro rồi đến nhà họp chúng trải tòa, đánh kiền chùy, sau đó đến bạch với Nan-đà: “Thượng tọa, chúng tăng có việc, đã đánh kiền chùy xin thỉnh thượng tọa vào nhà họp chúng để bàn việc”, Nan-đà nói: “Ba y của ta đã đưa giặt không thể vào nhà họp chúng được, nếu chúng tăng có tăng sự như pháp thì ta xin gởi dục”. Nan-đà liền gởi dục, Thập thất chúng nhận dục rồi mang đến trong Tăng, sau đó một người đến chỗ Ô-ba-nan-đà nói: “Thượng tọa có tội, tôi muốn gạn hỏi xin thượng tọa cho phép”, Ô-ba-nan-đà nói tùy ý, Thập thất chúng liền khởi tố và hỏi tội, Ô-ba-nan-đà nghe khởi tố liền nói: “Mụt ghẻ đã lành, khơi lại làm chi khiến nó tổn thương, sự việc đã là quá khứ nay cần gì nói lại nữa”, Thập thất chúng nói: “Thế tôn há chẳng dựa vào việc quá khứ mà chế học xứ cho các đệ tử hay sao”, nói rồi liền cưỡng trao pháp yết ma Xả trí cho Ô-ba-nan-đà. Đại chúng giải tán rồi, Ô-ba-nan-đà liền đến chỗ Nan-đà khóc kể, Nan-đà hỏi nguyên do, Ô-ba-nan-đà đem việc trên kễ lại, Nan-đà nói: “Họ đã trao cho em yết ma Xả trí tức là trong ba phạm vi xóm phường thành ấp xua đuổi em, nhưng em có lỗi gì, ta sẽ đến trong Tăng xin lỗi giúp cho em, lại nữa họ tác pháp yết ma biệt chúng là tác pháp không thành vì ta không đến nhóm”. Lúc đó các Bí-sô nói: “Há chẳng phải đại đức đã gởi dục rồi hay sao?”, Nan-đà nói: “Nếu làm việc không ưa thích như thế thì ta không gởi dục, trì dục bất thành, là ác gởi dục”. Các Bí-sô nghe rồi đều chê trách, đem việc này bạch Phật, Phật do nhân duyên này nhóm họp các Bí-sô… cho đến câu: … Chế học xứ này cho các Bí-sô như sau: “Nếu lại có Bí-sô gởi dục cho Bí-sô khác rồi, sau ăn năn nói rằng: Hãy trả dục lại cho tôi, tôi không gởi dục nữa thì phạm Ba-dật-để-ca”.
Nếu lại có Bí-sô là chỉ cho Nan-đà, Bí-sô khác là chỉ cho người trong pháp luật này.
Trong học xứ này tướng phạm như thế nào?
Nếu Bí-sô trước đã gởi dục rồi sau lại hối hận nói rằng: Hãy trả dục lại cho tôi, tôi không muốn gởi dục nữa thì phạm Đọa. Không phạm là người phạm ban đầu…