CĂN BẢN THUYẾT NHẤT THIẾT HỮU BỘ TỲ NẠI DA

Hán dịch: Đời Đường Tam Tạng Pháp Sư Nghĩa Tịnh 
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

QUYỂN 36

Học Xứ Thứ Ba Mươi Bốn: ĂN NO ĐỦ

Đức Bạc-già-phạm ở trong vườn Cấp-cô-độc rừng Thệ-đa thành Thất-la-phiệt, lúc đó Phật bảo các Bí-sô: “Khi ta hành theo pháp Nhất tọa thực, ta thường được thiểu dục, không bịnh, thân tâm khinh an, được an lạc trụ. Các thầy cũng nên hành theo pháp Nhất tọa thực… để được an lạc trụ”. Các Bí-sô nghe Phật nói hành theo pháp Nhất tọa thực được công đức như thế nên tất cả đều hành theo, nhưng khi đang ăn thấy Agiá-lợi-da, Ô-ba-đà-da cho đến các bậc kỳ túc khác đến đều đứng dậy rời khỏi chỗ ngồi; đã rời khỏi chỗ ngồi liền cho là ăn đủ nên không dám ăn nữa, do ăn không đủ nên sắc mặt xanh xao, thân thể gầy yếu. Thế tôn biết rõ nguyên do mà vẫn hỏi A-nan-đà: “Vì sao các Bí-sô sắc mặt lại xanh xao và thân thể gầy yếu?”, đáp: “Do Thế tôn dạy hành theo pháp Nhất tọa thực được an lạc trụ nên tất cả các Bí-sô đều hành theo pháp này, nhưng khi thấy hai thầy và các bậc kỳ túc khác đến đều đứng dậy chào hỏi, đã rời khỏi tòa ngồi liền cho là ăn đủ nên không dám ăn nữa; do ăn không đủ nên sắc mặt xanh xao thân thể gầy yếu”, Phật bảo A-nan-đà: “Bí-sô hành Nhất tọa thực khi đang ăn dù hai thầy hay ai khác đến cũng không nên đứng dậy, cứ tùy ý ăn cho no”. Sau đó các Bí-sô tùy có được chút ít các loại canh rau đậu ăn rồi cho là ăn đủ liền đứng dậy, đã đứng dậy rồi nên không dám ăn nữa; do nhân duyên này nên gầy yếu, Thế tôn lại hỏi A-nan-đà nguyên do, A-nan-đà liền đem nguyên do trên bạch Phật, Phật nói: “Có năm loại thức ăn Khađãn-ni là củ, cọng, lá, hoa và quả nếu ăn thì không thành ăn đủ; có năm loại thức ăn Bồ-thiện-ni là cơm, bánh, bún, cá thịt nếu ăn thì thành ăn đủ. Nếu Bí-sô được ăn năm loại thức ăn Kha-đãn-ni trước thì sau được ăn năm loại thức ăn Bồ-thiện-ni. Nếu trước được ăn năm món Bồ- thiện-ni thì sau không nên ăn năm món Kha-đãn-ni, nếu ăn phạm tội Việt pháp”. Sau đó các Bí-sô vừa thọ thực được một ít, vì có duyên sự nên đứng dậy, đã đứng dậy rồi nên không dám ăn nũa, do nhân duyên này nên gầy yếu, Thế tôn lại hỏi A-nan-đà nguyên do, A-nan-đà đem nguyên do trên bạch Phật, Phật nói: “Có năm nhân duyên mới thành ăn đủ,lại có năm nhân duyên không thành ăn đủ. Thế nào là năm nhân duyên thành ăn đủ?

1. Biết đây là thức ăn: Tức là biết thuộc năm món Kha-đãn-ni hay thuộc năm món Bồ-thiện-ni.

2. Biết có người trao thức ăn: Tức là nam, nữ hay bán-trạch-ca…

3. Biết thọ rồi mới ăn: Tức là biết hai loại của năm món ăn trên thọ được từ người khác mà ăn.

4. Biết ngăn món ăn: Tức là biết ngăn hai loại năm món thức ăn trên.

5. Biết xả oai nghi: Là từ chỗ ngồi đứng dậy đi.

Ngược với năm nhân duyên trên thì không thành ăn đủ.

Lại có năm duyên thành ăn đủ và năm duyên không thành ăn đủ. Thế nào là năm duyên thành ăn đủ? Một là thức ăn thanh tịnh, hai là có một ít thức ăn không thanh tịnh xen tạp, ba là không phải thức ăn thuộc ác xúc, bốn là có một ít thức ăn thuộc ác xúc xen tạp, năm là rời khỏi chỗ ngồi. Thế nào là năm duyên không thành ăn đủ? Một là thức ăn không thanh tịnh, hai là có phần nhiều thức ăn không thanh tịnh xen tạp, ba là thức ăn thuộc ác xúc, bốn là có phần nhiều thức ăn thuộc ác xúc xen tạp, năm là chưa rời khỏi chỗ ngồi ăn.

Lại có năm duyên thành ăn đủ và năm duyên không thành ăn đủ. Thế nào là năm duyên thành ăn đủ? Một là thấy người dọn đưa thức ăn đến, Bí-sô nói không cần; hai là hoặc Bí-sô nói hãy đi; ba là Bí-sô hoặc nói thôi, bốn là Bí-sô hoặc nói đã đủ, năm là Bí-sô hoặc nói ăn xong rồi. Năm cách nói trên là quyết đoán không thọ thêm thức ăn nữa; ngược với năm cách nói trên gọi là năm duyên không thành ăn đủ.”

Như Thế tôn dạy Bí-sô không nên ăn quá no hay ăn rồi lại ăn nữa, lúc đó Lục chúng Bí-sô dù no hay không no vẫn ăn nữa, các Bí-sô bạch Phật, Phật do nhân duyên này nhóm họp các Bí-sô… cho đến câu: … Chế học xứ này cho các Bí-sô như sau: “Nếu lại có Bí-sô ăn đủ rồi lại nữa, phạm Ba-dật-để-ca”.

Sau đó có một trưởng giả thỉnh Phật và tăng đến nhà thọ thực, lúc đó có rất nhiều Bí-sô mắc bịnh, những người nuôi bịnh đi phó thực ăn no rồi lấy thức ăn mang về cho các Bí-sô bịnh ăn, nhưng các Bí-sô bịnh ăn không hết, người nuôi bịnh đã ăn đủ rôi nên không dám ăn nữa, lại không có cầu tịch hay tịnh nhân để cho họ ăn, bèn đem thức ăn dư đó đổ đống ở bên ngoài, chim quạ bay đến giành ăn kêu la inh ỏi. Thế tôn nghe rồi liền hỏi A-nan-đà: “Vì sao có tiếng chim kêu la như thế?”, A-nan-đà liền đem sự việc trên bạch Phật, Thế tôn suy nghĩ: “Nay ta nên làm cho các Bí-sô được an lạc trụ và thí chủ được phước thọ dụng, nên cho các Bí-sô tác pháp dư thực để ăn”, nghĩ rồi liền bảo A-nan-đà: “Nay ta cho phép các Bí-sô tác pháp dư thực để được tùy ý ăn”. Lúc đó các Bí-sô không biết tác pháp như thế nào liền bạch Phật, Phật nói: “Trường hợp Bí-sô ăn đủ rồi, lại có thí chủ đem hai loại của năm món ăn đến, nếu Bí-sô cần nên rửa tay sạch rồi thọ, sau đó mang đến chỗ Bí-sô đang ăn mà chưa rời khỏi chỗ ngồi, ở trước vị ấy nói rằng: “Cụ thọ, tôi Bí-sô tên ___ đã ăn đủ rồi lại được hai loại của năm món ăn, ý muốn ăn nữa nên đến trước cụ thọ xin tác pháp dư thực”. Bí-sô kia nên vì tác pháp dư thực bằng cách tự mình ăn vài miếng rồi nói: “Hãy mang đi, đây là thức ăn của thầy cứ tùy ý ăn”. Sau khi tác pháp dư thực rồi, Bí-sô này được tùy ý ăn no. Nếu Bí-sô ăn đủ rồi, ý muốn ăn nữa mà không tác pháp dư thực, khi ăn phạm tội Việt pháp”.

Có năm nhân duyên không thành tác pháp dư thực: ở ngoài giới, ở chỗ xa có che ngăn, ở sau lưng, ở một bên và vị đối tác pháp đã rời khỏi chỗ ngồi. Ngược với năm duyên trên thì thành tác pháp dư thực.

Lại có năm duyên không thành tác pháp dư thực: Ngoài giới, chỗ có ngăn che, không dùng đồ đựng, tay không cầm thức ăn đến và vị đối tác pháp đã rời khỏi chỗ ngồi. Ngược với năm duyên trên thì thành tác pháp dư thực. một người tác pháp dư thực rồi có nhiều Bí-sô đến cùng ăn đều không phạm.

Lúc đó Thế tôn khen ngợi người trì giới, tôn trọng giới nói pháp tùy thuận cho các Bí-sô rồi nói: “Trước kia là sáng chế, bây giờ là tùy khai, nên nói lại học xứ này như sau: Nếu lại có Bí-sô ăn đủ rồi, không làm pháp thức ăn dư mà ăn nữa thì phạm Ba-dật-để-ca.”

Nếu lại có Bí-sô là chỉ cho Lục chúng, Không làm pháp thức ăn dư là không đem hai loại của năm món ăn đến trước một Bí-sô khác-tác pháp.

Trong học xứ này tướng phạm như thế nào?

Nếu có Bí-sô ăn đủ rồi, khởi tưởng ăn đủ rồi và nghi mà ăn nữa thì phạm đọa. Ăn không đủ khởi tưởng là ăn đủ và nghi mà ăn nữa thì phạm Ác-tác. Ăn không đủ khởi tưởng ăn không đủ hoặc ăn đủ khởi tưởng là ăn không đủ mà ăn nữa đều không phạm. Lúc đó cụ thọ Ưu ba ly hỏi Phật: “Ăn những thứ cháo như thế nào được gọi là ăn đủ?”, Phật nói: “Cháo vừa chín nếu dựng cái muỗng vào mà không ngã, hoặc lấy ngón tay vẻ cái móc mà dấu không mất, ăn loại cháo này được gọi là ăn đủ”, lại hỏi: “Thế tôn, ăn loại bún như thế nào được gọi là ăn đủ?”, Phật nói: “Bún khi nấu với nước nếu dựng cái muỗng vào mà không ngã, hoặc dùng tay vẽ cái móc mà dấu không mất, ăn loại bún như thế được gọi là ăn đủ. Lại nữa tất cả loại cháo lỏng, bún lỏng đều gọi là ăn không đủ”. Không phạm là người phạm ban đầu hoặc si cuồng tâm loạn bị thống não bức bách.

Học Xứ Thứ Ba Mươi Lăm: KHUYÊN NGƯỜI KHÁC ĐÃ ĂN ĐỦ

Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc rừng Thệ-đa thành Thất-la-phiệt, trong thành có một trưởng giả cưới vợ đã lâu mà không có con, thân thích đều qua đời nên gia đạo càng ngày càng sa sút. Lúc tuổi về già, trưởng giả nói với vợ : “Nay tôi tuổi già sức yếu không thể buôn bán kiếm tiền được nữa, tôi muốn bỏ việc đời đi xuất gia”, người vợ nói: “Nếu ông có lòng tin thì cứ theo ý ông muốn”. Trưởng giả liền đến trong rừng Thệ-đa gặp một Bí-sô trẻ liền đảnh lễ cầu xin xuất gia, Bí-sô nói: “Tôi còn nhỏ tuổi không thể độ cho ông xuất gia”, trưởng giả nói: “Tôi vừa đến đây liền gặp đại đức, xin hãy chỉ giúp ai khác độ cho tôi xuất gia để tôi được toại bổn tâm”. Bí-sô trẻ liền dẫn trưởng giả đến chỗ vị Thân giáo sư của mình đang tu tịch tĩnh trong rừng vắng, Bí-sô đảnh lễ thầy rồi bạch rằng: “Ô-ba-đà-da, thiện nam này muốn được xuất gia trong pháp luật khéo giảng nói, cúi xin Thân giáo sư độ cho ông ta xuất gia và thọ viên cụ”, vị thầy nói: “Ta không có rảnh để dạy bảo họ, như Thế tôn có dạy: “Thà làm tên đồ tể thường làm việc giết hại, chứ đừng độ cho người xuất gia thọ viên cụ rồi không giáo thọ cho họ”, Bí-sô trẻ nói: “Cúi xin Thân giáo sư cho người này xuất gia và thọ viên cụ, con sẽ thay thầy giáo thọ”. Vị thầy nghe rồi liền chấp thuận, sau khi hỏi về các giá nạn biết là thanh tịnh liền cho xuất gia và thọ viên cụ rồi bảo rằng: “Bí-sô trẻ này là A-giá-lợi-da của thầy, thầy nên theo vị này thọ học nghiệp, muốn được tiến tu thì cần phải thưa hỏi”. Bắt đầu từ hôm đó Bí-sô trẻ dạy cho người đệ tử già này đọc tụng và các hành pháp của Bí-sô, nhưng người đệ tử già này tuổi đã già suy không thể ghi nhớ hết nên thường phạm phải lỗi lầm, thầy giáo thọ trẻ này thường bắt người đệ tử già này quỳ gối phát lồ sám hối tội đã phạm. Người đệ tử già suy nghĩ: “A-giá-lợi-da này thường bắt ta quỳ gối đối trước mặt thuyết tội, ta sẽ làm phương tiện gì khiến cho vị ấy phải quỳ gồi đối trước ta thuyết hối”. Lúc đó có một trưởng giả thỉnh Phật và tăng đến nhà thọ thực… sau khi thọ thỉnh thực xong hai thầy trò trẻ già này đi đến nhà thân hữu, thân hữu mời ăn, Bí-sô nói: “Tôi đã thọ thỉnh thực rồi”, thân hữu nói: “Chưa qua giờ ngọ, Thánh giả hãy mang về làm pháp thức ăn dư rồi tùy ý ăn, xin thương xót thọ dụng”, vị thầy hỏi người đệ tử già: “Thầy muốn được thức ăn này không?”, đáp là muốn được, nói rồi liền nhận lấy hai phần thức ăn mang về chùa. Về đến trong chùa vị thầy hỏi người đệ tử già: “Thầy muốn lược nước hay đi tác pháp dư thực?”, đáp: “Con đi tác pháp dư thực”. Vị thầy liền đi lược nước còn đệ tử đi đến chỗ Bí-sô chưa ăn xong mang phần thức ăn của mình ra xin tác pháp dư thực, còn phần thức ăn của thầy thì không làm. Vị thầy lược nước xong trở vào trong chùa hỏi người đệ tử già đã tác pháp dư thực chưa, liền đáp là đã tác pháp rồi nên vị thầy lấy phần thức ăn của mình ra ăn. Đợi thầy ăn xong, người đệ tử già nói: “Thầy cho phép con gạn hỏi tội phạm?”, thầy nói: “Ông cứ tùy ý hỏi”, đệ tử nói: “Thầy có tội phải như pháp sám hối”, thầy nói: “Tôi không thấy tội”, đệ tử nói: “Thầy không tác pháp dư thực mà ăn”, thầy nói: “Này cụ thọ, tôi há không hỏi ông đã tác pháp dư thực chưa, ông nói đã tác pháp rồi, tại sao đợi tôi ăn rồi ông mới nói là không tác pháp dư thực?”, đệ tử nói: Phần của con thì đã tác pháp rồi, nhưng phần của thầy thì không làm”, thầy nói: “này cụ thọ, tôi thật không có tội, chuẩn theo lý thì ông mới có tội”. Thầy giáo thọ liền đem việc này bạch các Bí-sô, các Bí-sô nghe rồi liền chê trách: “Tại sao Bí-sô biết thức ăn dư, không làm pháp dư thực mà cố ý bảo người khác ăn”, liền đem việc này bạch Phật, Phật do nhân duyên này nhóm họp các Bí-sô… cho đến câu: … Chế học xứ này cho các Bí-sô như sau: “Nếu lại có Bí-sô biết Bí-sô khác ăn đủ rồi, không làm pháp dư thực mà khuyên ăn nữa, nói rằng: Cụ thọ nên ăn thức ăn này, chỉ vì muốn cho người kia phạm tội, sanh ưu não thì phạm Ba-dật-để-ca”.

Nếu lại có Bí-sô là chỉ cho Bí-sô đệ tử già. Biết là tự biết hay do người khác nói mà biết. Bí-sô khác là chỉ cho người trong giáo pháp này.

Trong học xứ này tướng phạm như thế nào?

Nếu Bí-sô biết người khác ăn đủ rồi, không làm pháp dư thực mà khuyên người kia ăn hai loại của năm món ăn thì phạm Đọa. Không phạm giống như giới trên.

Học Xứ Thứ Ba Mươi Sáu: ĂN BIỆT CHÚNG

Phật ở trong vườn Trúc lâm bên ao Yết-lan-đạc-ca thành Vương xá, lúc đó Đề-bà-đạt-đa cùng nhiều Bí-sô ở gần chùa ăn biệt chúng. Bísô thiểu dục nghe biết đều chê trách: “Tại sao Bí-sô ở gần chùa mà lại ăn biệt chúng?”, liền đem việc này bạch Phật, Phật do nhân duyên này nhóm họp các Bí-sô… cho đến câu: … Chế học xứ này cho các Bí-sô như sau: “Nếu lại có Bí-sô ăn biệt chúng, phạm Ba-dật-để-ca”

Sau đó có nhiều Bí-sô bịnh, các Bí-sô hỏi thầy thuốc nên uống thuốc gì, thầy thuốc nói: “Nên uống thuốc như vầy, như vầy và ăn tiểu thực”, Bí-sô bịnh hỏi: “Ai có thể thí cho?”, thầy thuốc nói: “Tôi có thể thí”, Bí-sô bịnh hỏi: “Ông có thể thí cho tất cả tăng già không?”, đáp: “Tôi chỉ thí cho vị nào bịnh mà thôi”, Bí-sô bịnh nói: “Thế tôn chế giới không cho ăn biệt chúng”, thầy thuốc nói: “Đại sư của Thánh giả từ bi ắt sẽ duyên việc này mà khai cho”. Các Bí-sô đem việc này bạch Phật, Phật nói trừ nhơn duyên bịnh.

Sau đó lại có các Bí-sô vì công việc của tháp hoặc công việc của chúng nên thân thể mõi mệt, nằm ngồi uể oải phế bỏ việc tu phẩm thiện. Lúc đó có trưởng giả tín kính đến chùa thấy vậy liền hỏi: “Giáo pháp của Phật cốt ở chỗ tinh cần, tại sao Thánh giả lại ngủ ban ngày không lo tu phẩm thiện?”, Bí-sô nói: “tôi vì đói nên mõi mệt”, trưởng giả hỏi: “Sao không ăn tiểu thực?”, Bí-sô nói: “Ai sẽ thí cho tôi?”, trưởng giả nói: “Tôi thí”, Bí-sô nói: “Ông có thể thí cho tất cả Tăng già không?”, trưởng giả nói: “Tôi chỉ thí cho Thánh giả nào khốn đốn mà thôi”, Bí-sô nói: “Thế tôn chế giới không cho ăn biệt chúng”, trưởng giả nói: “Đại sư của Thánh giả từ bi ắt nhơn việc này sẽ khai cho”. Các Bí-sô đem việc này bạch Phật, Phật nói trừ nhơn duyên làm việc.

Sau đó lại có các Bí-sô cùng đi với các thương nhơn đến một thôn xóm, thấy giờ khất thực đến, các Bí-sô nói với các thương nhơn: “Các hiền thủ tạm dừng lại một chút, chúng tôi muốn vào thôn khất thực”, thương nhơn nói: “Thánh giả, nơi đây là đường hiểm có nhiều giặc cướp. Hãy đi cùng với chúng tôi, chúng tôi sẽ cung cấp thức ăn cho các vị”, Bí-sô nói: “Có thể cung cấp hết cho Tăng không?”, đáp: “Tôi chỉ có thể cung cấp cho vài vị mà thôi”, Bí-sô nói: “Thế tôn chế giới không cho ăn biệt chúng”, vì vậy các Bí-sô đoạn thực trong ngày hôm đó, các Bí-sô đem việc này bạch Phật, Phật nói trừ khi đi đường. Sau đó lại có các Bí-sô tháp tùng đi trên thuyền để du hành, khi đến một thôn xóm các Bí-sô nói với người trên thuyền: “Hãy tạm thời dừng lại cho chúng tôi vào thôn khất thực”, người trên thuyền nói: “Khúc sông này nguy hiểm sợ có giặc cướp. Hãy cùng đi với chúng tôi, chúng tôi sẽ cung cấp thức ăn cho các vị”… Cho đến câu Phật nói trừ khi đi thuyền.

Như Thế tôn có dạy cứ năm, sáu năm làm lễ Đảnh-kếmột lần, trong ngày hội có vô lượng Bí-sô đến tập họp. Lúc đó có một cư sĩ tịnh tín biệt thỉnh Bí-sô đến nhà thọ thực, Bí-sô hỏi: “Có thỉnh hết Tăng không?”, đáp: “Tôi chỉ có thể thỉnh vài mươi vị thọ thực mà thôi”… Cho đến câu Phật nói trừ khi đại hội.

Lúc đó vua Ảnh-thắng chưa được Kiến đế nên đem Trúc lâm cúng cho ngoại đạo lộ hình, sau khi sanh tịnh tín được Kiến đế liền lấy lại Trúc lâm cúng cho Phật và Tăng thọ dụng. Cậu của vua xuất gia theo ngoại đạo, vua bạch Tăng: “Đây là cậu của con, xin hãy cho tạm ở lại trong Trúc lâm, nếu cậu con không phạm lỗi lầm gì thì xin cho ở luôn, nếu có phạm lỗi lầm thì mới đuổi đi”. Nhà vua tự cung cấp thức ăn cho cậu, người cậu ngoại đạo này thấy các Bí-sô đầu đêm sau đêm tĩnh giác tư duy nên sanh tâm tín kính nói với các Bí-sô: “Tôi cúng thức ăn cho Bí-sô”, Bí-sô hỏi: “Ông có cúng hết cho Tăng không?”, đáp: “Thức ăn của tôi là do vua cung cấp, chỉ có thể cúng cho mười hoặc hai mươi vị mà thôi “…Cho đến câu Phật nói trừ khi sa môn thí thực. Lúc đó Thế tôn khen ngợi người thiểu dục và tôn trọng giới, tùy thuận nói pháp yếu rồi bảo các Bí-sô: trước kia là sáng chế, bây giờ là tùy khai, học xứ này nên nói lại như sau: “Nếu lại có Bí-sô ăn biệt chúng phạm Ba-dật-để-ca, trừ thời khác.”

Nếu lại có Bí-sô là chỉ cho Đề-bà-đạt-đa. Trừ thời khác: khi bịnh là người bịnh không thể ngồi yên suốt trong bữa ăn; khi làm việc là làm công việc của tháp hay của chúng, cho đến quét dọn lau chùi; khi đi đường là đi và về khoảng một trạm đường hay nửa trạm; khi đi thuyền là đi trên thuyền qua một trạm hay nửa trạm; khi đại hội là khi có nhiều người tụ tập; khi sa môn thí thực là chỉ cho các ngoại đạo ngoài Phật pháp, vì họ cũng nhọc thân cầu đạo nên gọi là sa môn. Những thời này được ăn biệt chúng, đây là tùy khai.

Trong học xứ này tướng phạm như thế nào?

Nếu Bí-sô đồng trong một giới, khởi tưởng đồng trong một giới và nghi mà ăn biệt chúng đều phạm đọa. Nếu ở ngoài giới, khởi tưởng là ở trong giới và nghi thì phạm Ác-tác. Nếu ở ngoài giới, khởi tưởng ở ngoài giới và ở trong giới tưởng là ở ngoài giới thì không phạm. Trú xứ có hai là trú xứ căn bản và trú xứ ngoài viện, khi Bí-sô ăn ở trong trú xứ can bản thì nên hỏi Bí-sô ở ngoài viện có cùng đến ăn hay không, nếu không hỏi mà ăn thì phạm Ác-tác. Khi Bí-sô ở ngoài viện ăn nên hỏi Bí-sô ở bổn xứ có cùng đến ăn không, nếu không hỏi mà bốn người cùng ăn thì phạm Đọa; nếu chỉ có ba người ăn, một người không ăn; hoặc ba người là viên cụ, một người chưa là viên cụ cùng ăn thì không phạm. Nếu đem thức ăn đến cho vị kia cho đến đem cho Bí-sô ở trú xứ kia muối hay rau trái cũng đều không phạm; hoặc thi chủ nói: “Vị nào đến nhà tôi đều thỉnh thọ thực”; hoặc thí chủ xây phòng riêng để cúng nói rằng: “Vị nào vào phòng này tôi đều dâng cúng “Cùng ăn đều không phạm. Không phạm nữa là người phạm ban đầu… giống như các giới trên.

Học Xứ Thứ Ba Mươi Bảy: ĂN PHI THỜI

Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc rừng Thệ-đa thành Thất-la-phiệt, Lúc đó cụ thọ Đại Mục-kiền-liên cho mười bảy thiếu niên xuất gia và thọ viên cụ, đứng đầu là tiểu Ô-ba-ly, sáng sớm chúng mười bảy người đắp y mang bát vào thành khất thực. Lúc đó có rất nhiều thiếu nữ thấy mười bảy Bí-sô trẻ tuổi này mang bát khất thực liền đấm ngực nói: “Các Bí-sô này, mẹ của họ nhọc nhằn nuôi lớn, chưa báo ân đức liền bỏ đi xuất gia, có quả lợi gì sao không thấy sanh, nên lấy đất trám vào miệng họ rồi quăng họ xuống hố”, mười bảy Bí-sô này nghe rồi đều cảm thấy hổ thẹn nói với nhau: “Thà nhịn đói hôm nay chớ không thèm đi khất thực từng nhà để nghe những lời ác kia”. Nói rồi tất cả đều quay trở về chùa đoạn thực, lúc chưa thấy đói họ vẫn tu phẩm thiện, khi thấy đói mới nằm xuống nghỉ. Ô-ba-nan-đà thấy liền hỏi: “Tại sao ăn no rồi lại nằm không chịu tu phẩm thiện?”, đáp: “Chúng tôi chưa ăn gì”, Ôba-nan-đà liền hỏi nguyên do, Thập thất chúng liền kể lại sự việc trên, Ô-ba-nan-đà nghe rồi làm thinh bỏ đi. Lúc đó có nhiều người thế tục vào trong viên lâm vui chơi yến tiệc, mặt trời vừa xế bóng Thập thất chúng vào trong vườn đến trước những người thế tục này lấy tay xoa bụng rồi nói kệ:

“Phật nói lời mỹ diệu,
Ảnh hưởng khắp thế gian,
Khổ vì đói đứng đầu,
Lời này thật không sai”.

Mọi người nghe rồi liền hỏi: “Các Thánh giả muốn ăn phải không?”, đáp là muốn ăn, mọi người đều lấy thức ăn ngon cho Thập thất chúng. Sau khi ăn no rồi cùng trở về, vừa đi vừa cao tiếng tụng tập, Ô-ba-nan-đà nghe thấy liền hỏi: “Các cụ thọ sao bây giờ lại phát khởi tinh tấn cao tiếng tụng tập khác hẳn lúc nảy bội phần?”, đáp: “Đại đức há không nghe Thế tôn có nói: Nếu tâm hoan lạc thì có thể diễn nói pháp nghĩa hay sao?”, Ô-ba-nan-đà nói: “Vậy là các cụ thọ được ăn thức ăn ngon phải không?”, đáp: “Chúng tôi vừa được ăn thức ăn ngon no đủ ở trong viên lâm”, Ô-ba-nan-đà nói: “Hồi trưa tôi hỏi, các cụ thọ đều nói là đói, bây giờ lại nói là ăn no đủ, há không phải các cụ thọ đã ăn phi thời hay sao?”, đáp: Trước ngọ không ăn, giữa ngọ cho đến sau ngọ cũng không ăn, không lẽ nhịn đói mà chết hay sao?”. Các Bí-sô thiểu dục nghe biết đều chê trách rồi bạch Phật, Phật do nhân duyên này nhóm họp các Bí-sô… cho đến câu: … Chế học xứ này cho các Bí-sô như sau: “Nếu lại có Bí-sô ăn phi thời, phạm Ba-dật-để-ca”.

Nếu lại có Bí-sô là chỉ cho Thập thất chúng. Phi thời có hai là từ giờ ngọ trở đi và sáng lúc mặt trời chưa mọc.

Trong học xứ này tướng phạm như thế nào?

Nếu Bí-sô phi thời tưởng là phi thời và nghi mà ăn đều phạm Đọa. Nếu thời tưởng là phi thời và nghi mà ăn thì phạm Ác-tác. Nếu thời tưởng là thời; phi thời tưởng là thời thì không phạm. Không phạm nữa là người phạm ban đầu… giống như trong các giới trên.

Học Xứ Thứ Ba Mươi Tám: ĂN THỨC ĂN TỪNG XÚC CHẠM

Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc rừng Thệ-đa thành Thất-la-phiệt, lúc đó thường pháp của cụ thọ Ca-la là mỗi khi ở thôn xóm thành ấp nào vào sáng sớm đắp y mang bát theo thứ lớp khất thực, oai nghi tỏ rõ, phòng hộ các căn, khéo an trụ chánh niệm. Khi được thức ăn nếu là cơm nhão thì đựng trong bát, nếu là cơm khô thì đựng trong đãy bát, cơm nhão trong bát thì ăn trong ngày, còn cơm khô thì hong phơi rồi cất trong một hủ bằng sành, gặp lúc trời mưa gió lạnh thì lấy nước nóng rưới lên cơm khô này để ăn, ăn no rồi liền thọ an lạc giải thoát của tĩnh lự đẳng trì đẳng chí vi diệu. Thường pháp của chư Phật là lúc còn ở thế gian thường đi đến các cõi Nại-lạc-ca… cho đến rừng núi sông ngòi… hoặc đến trú xứ của các Bí-sô để quán sát, nhơn duyên trong giới này là Phật đến trú xứ của Bí-sô. Lúc đó Phật tuần tự đi đến phòng của Ca-la thấy phơi cơm khô ở ngoài liền hỏi cụ thọ A-nan-đà: “Cơm khô này là của ai?”, cụ thọ A-nan-đà liền đem việc làm của Ca-la kể lại, Phật nghe rồi liền nói: “như vậy là có Bí-sô ăn lại thức ăn đã từng xúc chạm phải không?”, đáp là có. Sau đó Thế tôn nhóm họp các Bí-sô… cho đến câu: … Chế học xứ này cho các Bí-sô như sau: “Nếu lại có Bí-sô ăn thức ăn đã từng xúc chạm thì phạm Ba-dật-để-ca”

Nếu lại có Bí-sô là chỉ cho Bí-sô Ca-la. Đã từng xúc chạm có hai: Một là trước ngọ thọ, qua ngọ xúc chạm; hai là qua ngọ thọ, qua ngọ lại xúc chạm. Nếu Bí-sô biết thức ăn này đã từng xúc chạm, không tác pháp mà ăn lại thì phạm Đọa.

Trong học xứ này tướng phạm như thế nào?

Nếu Bí-sô đối với thức ăn đã từng xúc chạm, khởi tưởng là đã từng xúc chạm và nghi mà ăn thì phạm Đọa. Nếu chẳng phải đã từng xúc chạm khởi tưởng là đã từng xúc chạm và nghi mà ăn thì phạm Áctác. Nếu chẳng phải đã từng xúc chạm khởi tưởng là không phải đã từng xúc chạm; hoặc đã từng xúc chạm lại khởi tưởng là chẳng phải đã từng xúc chạm đều không phạm. Phật nói: “Nếu Bí-sô từng xúc chạm bát chưa rửa sạch cho đến cái nuỗng rồi lấy dùng để ăn đều phạm Đọa. Nếu tay xúc chạm vào các vật như đãy bát… sau đó không rửa tay sạch mà cầm lấy thức ăn ăn đều phạm Đọa. Nếu Bí-sô muốn uống nước, không súc miệng mà uống thì Ác-tác, nếu rửa tay sạch hay súc miệng sạch rồi thì không phạm”. Không phạm nữa là người phạm ban đầu… giống như trong các giới trên.

Học Xứ Thứ Ba Mươi Chín: KHÔNG THỌ MÀ ĂN

Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc rừng Thệ-đa thành Thất-la-phiệt, lúc đó cụ thọ Đại Ca-la dùng bát, y, thức ăn và ngọa cụ được vất bỏ nơi Thâm-ma-xá-na. Sao gọi là bát nơi Thâm-ma-xá-na? Nếu có người chết đem đến bỏ nơi Thâm-ma-xá-na, các thân tộc dùng cái âu hay bát sành đựng đồ cúng tế cho người chết thì Đại Ca-la lượm lấy cái âu hay cái bát này rửa sạch rồi dùng để đựng thức ăn. Sao gọi là y nơi Thâmma-xá-na? Nếu thân tộc dùng tấm vải phủ cho người chết khi đem bỏ nơi Thâm-ma-xá-na thì Đại Ca-la lượm lấy tấm vải này đem về giặt nhuộm rồi cắt may thành y để mặc. Sao gọi là thức ăn nơi Thâm-ma-xána? Nếu thân tộc dùng năm loại đoàn thực cúng cho người chết thì Đại Ca-la sau đó lấy ăn. Sao gọi là ngọa cụ nơi Thâm-ma-xá-na? Nghĩa là Đại Ca-la thường ngủ ở trong rừng thây chết. Do vậy nếu có người chết nhiều mang đến trong rừng thây chết thì Đại Ca-la mập mạp, sáng sớm khỏi phải vào thành khất thực; nếu không có người chết thì Đại Ca-la thường phải vào thành khất thực. Người giữ cửa thành thấy vậy liền suy nghĩ: “Nếu có người chết thì Bí-sô Đại Ca-la khỏi vào thành khất thực, nếu không có người chết thì phải vào thành khất thực, há không phải Thánh giả này ăn thịt người chết hay sao?”. Lúc đó trong thành có một trưởng giả cưới vợ chưa bao lâu thì sanh được một con gái, người con gái này vừa lớn khôn thì người cha qua đời, thân tộc liền đưa người chết vào rừng thây chết hỏa thiêu, sau đó tất cả đều trở về nhà chỉ còn lại người vợ và con gái đứng bên đống lửa khóc. Lúc đó Đại Ca-la đang đứng nhìn lửa thiêu thây chết, người con gái trông thấy liền nói với mẹ: “Hôm nay thánh giả Đại Ca-la giống như con quạ mù đứng giữ thây chết”. Có người nghe được lời nói này liền nói cho các Bí-sô biết, các Bí-sô bạch Phật, Phật nói: “Người con gái của Bà-la-môn kia tự làm tổn hại, đệ tử thanh văn của ta đức như núi Diệu cao mà nói lời thô ác khinh hủy nhau, do nghiệp ác này trong năm trăm đời phải làm con quạ mù”. Người trong thành đều nghe biết Thế tôn thọ ký người con gái của Bà-la-môn kia trong năm trăm đời phải đọa làm con quạ mù, lời thọ ký này đến tai của người mẹ, người mẹ liền dẫn con gái đến chỗ Phật đảnh lễ rồi bạch rằng: “Thế tôn, xin Phật từ bi tha thứ cho đứa con gái nhỏ này, vì không hiểu biết mới nói ra lời ấy, chứ không có tâm độc hại”, Phật nói: “Không phải là ta trù rủa, mà chính là con gái của bà với tâm khinh thị nói ra lời thô ác phải bị đọa trong loài bàng sanh, nếu tâm ác này nặng thì sẽ đọa vào địa ngục”, người con gái này nghe rồi liền bỏ ra về. Lúc đó người trong thành nghe người giữ cửa nói cụ thọ Đại Ca-la ăn thịt người chết, lại nghe người con gái kia nói ra lời thô ác nên cùng bàn với nhau: “Chúng ta phải đến trong thi lâm để xem việc cụ thọ Đại Ca-la ăn thịt người chết là thật hay hư”, bàn xong mọi người liền bảo một người giả làm người chết để mọi người khiêng đến trong rừng thây chết, người giả chết nói: “Không lẽ mọi người muốn ông ta ăn thịt tôi sao?”, mọi người nói: “Chúng tôi sẽ bảo vệ ông”. Người giả chết nghe mọi người hứa như vậy nên yên tâm để cho mọi người hóa trang mình thành người chết, cúng tế rồi khiêng đến trong rừng thây chết. Lúc đó Đại Ca-la vào thành khất thực thấy khiêng người chết đi bèn suy nghĩ: “Ta nên trở lại trong rừng thây chết để ăn năm món đoàn thực cúng tế người chết, khỏi phải đi khất thực nữa”. Người giả chết thấy Đại Ca-la quay trở lại liền báo cho mọi người biết, đoàn người khiêng người giả chết đến trong Thi lâm đặt xuống chỗ đất bằng rồi vào một bụi rậm ngồi rình xem hành động của Đại Ca-la. Lúc đó có một con dã can đến chỗ thây chết để ăn năm món đoàn thực, Đại Ca-la thấy rồi liền chạy nhanh tới để đuổi con dã can, người giả chết thấy Đại Ca-la chạy đến liền la lớn: “Ăn tôi, ăn tôi”. Mọi người cùng nhau chạy đến, trong tay đều cầm gậy gộc nói với Bí-sô: “Thánh giả, thầy mặc y phục của đại tiên, bỏ tục xuất gia sao lại làm nghiệp cực ác này?”, Bí-sô hỏi: “Tôi làm việc gì?”, mọi người nói: “Thầy ăn thịt người”, Bí-sô nói: “Các ông thấy tôi ăn thịt sao?”, mọi người nói: “Không thấy, nếu không ăn thịt người tại sao thầy lại chạy đến bên người chết?”, Bí-sô nói: “Tôi thấy con dã can đến ăn đồ cúng, nếu để nó ăn thì tôi phải nhịn đói nên tôi chạy đến xu đuổi nó đi”, mọi người nói: “Mặc cho thầy nói là ăn vật gì, nhưng khắp trong thành đều đồn là thầy ăn thịt người chết”. Nói xong mọi người cùng đến chỗ các Bí-sô kể lại sự việc trên, các Bí-sô đem việc này bạch Phật, Thế tôn nghe rồi suy nghĩ: “tất cả các Bí-sô do không thọ mà ăn nên có lỗi này phát sanh”, nghĩ rồi liền bảo các Bí-sô: “Có thọ lấy mới được ăn để người khác chứng biết”, các Bí-sô không biết thọ lấy như thế nào, Phật nói: “Có năm cách thọ lấy:

Một là thân trao cho, thân thọ: Nghĩa là người kia dùng tay trao cho, mình dùng tay thọ lấy.

Hai là thân trao cho, dùng vật thọ: Nghĩa là người kia dùng tay trao cho, mình dùng bát để thọ lấy.

Ba là dùng vật trao cho, thân thọ lấy: Nghĩa là người kia dùng bát trao cho, mình dùng tay thọ lấy.

Bốn là dùng vật trao cho, dùng vật thọ lấy: Nghĩa là người kia dùng bát trao cho, mình dùng bát thọ lấy.

Năm là để dưới đất thọ lấy.

Có một biên quốc, người trong nước đó phần nhiều xấu ác, cho đến cha mẹ, anh em… cũng hiềm hận nhau, không cần gần nhau. Nếu Bí-sô đến biên quốc này ở bên đường khất thực nên làm đàn tiểu Mạntrà-la rồi đặt bát trên đàn đứng một bên duyên nơi bát, nếu có ai cúng thí thì bảo bỏ vào bát, đó gọi là thọ.

Có năm cách không thành thọ thực: Chỗ thấy xa, chỗ ngăn che, ở bên cạnh, ở sau lưng và lúc chắp tay. Ngược với trên là năm cách thành thọ thực”.

Sau đó có Bà-la-môn cư sĩ tịnh tín đem trái cây đến cúng dường Bí-sô, Bí-sô không thọ, mọi người nói: “Khi Phật chưa hiện ở đời, chúng tôi coi ngoại đạo là ruộng phước; nay Phật đã hiện ở đời, chúng tôi coi các thánh giả là ruộng phước. Chúng tôi cúng dường, các vị không thọ nhận vậy chẳng phải là chúng tôi bỏ tư lương thiện của đời sau hay sao?”. Các Bí-sô bạch Phật, Phật bảo nên thọ, tác tịnh rồi ăn, các Bísô không biết tác tịnh như thế nào, Phật nói: “Có năm cách tác tịnh là bằng lửa, bằng dao, bằng móng tay, bằng cách làm cho khô hoặc do chim mổ cắn. Lại có năm cách tác tịnh là bằng cách nhổ gốc, dùng tay bẻ gãy, hoặc cắt đứt, hoặc chẻ ra, hoặc lấy hết hạt ra”. Lúc đó các Bísô tác tịnh từng trái nên qua ngọ vẫn chưa ăn được, Phật nói: “Nên tụ lại thành đống rồi dùng lửa hay dao chạm vào ba, bốn chỗ cho có dấu tổn”. Do Phật dạy thọ rồi mới ăn, các Bí-sô mỗi người thọ riêng nên qua ngọ, Phật nói: “Nếu ăn chung thì thọ chung, không nên thọ riêng”. Lúc đó tịnh nhơn dọn đưa trái cây cho Tăng, chia không đồng đều, Phật nói nên sai cầu tịch, cầu tịch cũng dọn đưa chia không đồng đều, Phật nói đại Bí-sô nên làm, đại Bí-sô vẫn không thể dọn đưa chia đều, Phật nói: “Nên chia trái cây làm ba loại ngon, vừa và dở rồi chia đều”, người dọn đưa chia trái cây cho Tăng xong mới nhận phần của họ, có khi được loại dở hoặc có khi không còn, Phật nói: “Họ nên lấy phần trước”, liền lấy loại ngon cho mình, các Bí-sô chê trách, Phật nói: “Hai thầy nên nhận lấy phần của họ”, vẫn lấy được loại ngon, Phật nói: “hãy đợi đến tòa kế tiếp sau mới được nhận phần của họ”. Lúc đó khi được chia phần, Bí-sô đứng dậy nhận, Phật nói: “Không nên đứng dậy nhận, khi nào đến trong tầm tay mới nhận”. Lúc đó khi được chia để vào trong bát, trái cây lăn rớt ra ngoài, Bí-sô nhận thêm nữa, Phật nói: “Không được nhận thêm nữa, nếu trái rơi nên với tay nhặt lấy, nếu với tay không tới thì mới được nhận thêm nữa”. Lúc đó vật đựng trái cây lớn và năng, Bí-sô không thể bưng được, người tục thấy vậy muốn bưng phụ, Bí-sô không cho, Phật nói: “Nên để họ bưng giúp”. Hai người cùng bưng, người tục bưng trước, Bí-sô bưng sau, Phật nói: “Bí-sô nên cầm một bên trước, người tục cầm sau rồi cả hai cùng bưng đi”. Sau đó người tục để xuống trước, Bí-sô để xuống sau, Phật nói: “Bí-sô nên để xuống trước, người tục để xuống sau”. Lúc đó các Bí-sô thọ nữa để ăn, Phật nói: “Nếu ở bên Bísô mà thọ thì gọi là cựu thọ; ở bên người tục mà thọ thì gọi là tân thọ”. Sau đó có thí chủ tịnh tín dùng cái bình đựng đầy sữa, mật, dầu… đem đến cúng cho Tăng hiện tiền, các Bí-sô không chịu nhận, Phật bảo nên nhận. Khi chia đưa cho Tăng bị dơ y, Phật bảo nên lau; khi để bình dưới đất, bình bị nghiêng, Phật nói nên dùng vật lót bên dưới. Các Bí-sô chia đưa sữa mật… cho Tăng rồi đem trả cái bình cho chủ, họ nói: “Thánh giả, há cúng sữa, mật… mà không cúng luôn cái bình hay sao, Thánh giả cứ tùy ý lấy dùng”. Bí-sô không biết có được thành tịnh không, Phật nói: “Nên đem ngâm cái bình trong nước bảy, tám ngày, khi cá… đến rỉa hết cặn sữa… mới đem rửa sạch rồi đưa cho nhà bếp dùng”. Như Phật đã dạy thọ lấy rồi mới ăn, Lục chúng thọ hay không thọ đều ăn, các Bí-sô thiểu dục chê trách rồi bạch Phật, Phật do nhân duyên này nhóm họp các Bí-sô… cho đến câu: … Chế học xứ này cho các Bí-sô như sau: “Nếu lại có Bí-sô, thức ăn không thọ mà đưa vào miệng ăn nhai thì phạm Ba-dật-để-ca”.

Sau đó có một Bí-sô ở A-lan-nhã thấy nước và tăm không có người trao bèn bỏ tịnh xứ vào trong thôn xóm, Thế tôn hỏi cụ thọ A-nan-đà nguyên do Phật bảo A-nan-đà trừ nước và tăm. Sau đó lại có các Bí-sô du hành qua con đường hiểm, không có người trao thức ăn, lúc đó có Bồ tát vì điều phục hữu tình nên thị hiện làm Trí mã, di hầu… để trao trái cây và thức ăn cho các Bí-sô, Bí-sô không nhận , sau đó bạch Phật, Phật nói: “Nếu là loài hữu tình có hiểu biết, đã trao hay chưa trao thức ăn, Bí-sô nên nhận để ăn”. Do nhân duyên này, Phật bảo các Bí-sô: Trước kia là sáng chế, bây giờ là tùy khai, học xứ này nên nói lại như sau: “Nếu lại có Bí-sô, thức ăn không thọ mà đưa vào miệng ăn nhai thì phạm Ba-dật-để-ca, trừ nước và tăm xỉa răng”.

Nếu lại có Bí-sô là chỉ cho Đại Ca-la. Không thọ là không nhận đuợc từ người khác.

Trong học xứ này tướng phạm như thế nào?

Nếu Bí-sô đối với thức ăn không thọ, khởi tưởng không thọ và nghi… phạm hai nặng hai nhẹ và hai không phạm giống như giới trên. Không phạm nữa là người phạm ban đầu… như trên.

Lúc đó các Bí-sô không rõ về tiền kiếp của Đại Ca-la nên thỉnh hỏi Thế tôn: “Thế tôn, cụ thọ Đại Ca-la đã từng làm nghiệp gì nên thường ưa ở nơi Thâm-ma-xá-na, lại nương theo Phật xuất gia, đoạn trừ các hoặc thành A-la-hán mà lại bị phỉ báng độc là ăn thịt người?”, Phật nói: Đại Ca-la này tự mình tạo nghiệp thiện ác, khi nhân duyên hội đủ, quả chín muồi thì trở lại ngay nơi uẩn xứ giới của tự thân mà thọ lấy quả báo, chứ không phải địa thủy hỏa phong của ngoại giới khiến nó được thành thục”, Phật liền nói kệ:

“Dầu cho trải trăm kiếp,
Nghiệp đã làm không mất,
Khi nhân duyên hội đủ,
Tự thọ lấy quả báo”.
Các thầy hãy lắng nghe:

Trong quá khứ tại thành Ba-la-nê-tư có một vị Độc giác tên là Hy Thượng, ngoài thành có một trú xứ là chỗ ở của Cổ tiên, khi vị Độc giác nương ở nơi đây thường có vô lượng trăm ngàn vạn ức chư thiên và đồ chúng theo sau. Mỗi khi vị Độc giác vào thành khất thực thường đi qua Thi lâm, trong chỗ vất tử thi này có một Dược xoa nương ở để ăn thịt người chết. Mỗi khi vị Độc giác đi ngang qua Thi lâm, do oai thế của chư thiên, Dược xoa này phải tránh đi nơi khác, mỗi lần tránh đi như vậy thì thây chết bị dã can, hồ ly, chó sói… ăn thịt hết. Dược xoa liền suy nghĩ: “Người xuất gia này thường não hại ta, ta nên làm việc bất lợi cho ông ta để ông ta khỏi trở lại đây nữa”, nghĩ rồi Dược xoa liền lấy một cánh tay của người chết tìm cách bỏ vào trong bát của vị Độc giác để cho mọi người nhìn thấy. Cho nên không bao lâu sau tiếng xấu loan truyền khắp trong thành rằng người xuất gia này ăn thịt người. Vị Độc giác nghe biết rồi khởi lòng thương xót nghĩ rằng: “Ta không nên để cho Dược xoa không hiểu biết này chịu khổ báo”, nghĩ rồi liền ở trước Dược xoa bay vút lên hư không hiện đại biến hóa, trên thân phun lửa, dưới thân phun ra nước… biến hiện không thể nghĩ bàn khiến hữu tình liền sanh chánh tín. Loài dị sanh khi thấy được thần biến liền tự cải hối cúi lạy sát đất như cây đại thọ bị xô ngã ai cầu sám hối: “Cúi xin đại phước điền thương xót hiện thân xuống, con vô thức nên chìm trong bùn ác hạnh, cúi xin Thánh giả từ bi cứu vớt”. Vị độc giác thương xót nên hiện thân xuống, Dược xoa liền lấy cánh tay người chết ra khỏi bát của vị độc giác rồi nói với mọi người: “Chẳng phải người xuất gia ăn thịt người mà là do tâm ác của tôi đã làm việc phỉ báng này, Tôi xin đảnh lễ sám tạ tội đã làm ác nghiệp xúc nãovị thắng phước điền, mong cầu đời sau không bị đại khổ báo. Do thâm tâm lễ kính và công đức sám tạ này nguyện đời sau gặp được vị đại sư vô thượng thù thắng hơn vị đại sư này để thừa sự cúng dường và được chứng Thánh quả”.

Phật bảo các Bí-sô: “Dược xoa xưa kia chính là Đại Ca-la ngày nay, do đối với vị Độc giác ác tâm phỉ báng khiến cho tiếng ác đồn khắp nên trong năm trăm đời thường bị tiếng ác phỉ báng. Sau đó cũng chính Dược xoa khởi tâm hối hận ai cầu sám hối và phát nguyện nên được gặp ta, nương theo ta xuất gia, đoạn trừ phiền não chứng quả A-la-hán, lại nương bên ta thừa sự cúng dường không có nhàm chán. Này các Bísô, nếu tạo nghiệp thuần đen thì được quả dị thục thuần đen, nếu tạo nghiệp thuần trắng thì được quả dị thục thuần trắng, nếu tạo nghiệp đen trắng xen tạp thì được quả dị thục đen trắng xen tạp. Cho nên các thầy nên bỏ hai nghiệp thuần đen và đen trắng xen tạp, nên tu nghiệp thuần trắng, nên học như thế”.

Nhiếp Tụng Sau:
Thường ở nơi Thi lâm,
Cho đến người giữ cửa,
Và người giả thây chết,
Mọi người xét thật hư.
Thọ thực có năm cách,
Khai (cho) Bí-sô tự làm,
Đường hiểm khai (cho) súc sanh
Ca-la duyên (khởi) sau cùng.