CĂN BẢN THUYẾT NHẤT THIẾT HỮU BỘ TỲ NẠI DA

Hán dịch: Đời Đường Tam Tạng Pháp Sư Nghĩa Tịnh 
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

QUYỂN 34

Nhiếp Tụng Thứ Tư:

Thường ăn, chỗ ngủ một đêm,
Thọ ba bát không cho người khác,
Ăn đủ, riêng chúng, phi thời,
Xúc chạm, không thọ, diệu thực.
(xúc chạm thức ăn, không thọ mà ăn, đòi thức ăn ngon)

Học Xứ Thứ Ba Mươi Mốt: ĂN NHIỀU LẦN

Phật ở trong vườn Trúc lâm bên ao Yết-lan-đạc-ca thành Vương xá, lúc đó cụ thọ Đại Mục-kiền-liên thường đến các cõi Nại-lạc-ca, bàng sanh, ngạ quỷ, cõi người và cõi trời quán thấy trong cõi Nại-lạcca, các hữu tình chịu khổ bị gươm đao cắt xẻ thân thể hoặc bị thiêu đốt nấu…; quán thấy trong cõi bàng sanh, chúng sanh chịu khổ ăn nuốt lẫn nhau; quán thấy trong cõi ngạ quỷ chúng sanh bị đói khát bức bách khổ sở; quán thấy trong cõi người có khổ vì tìm cầu y thực, vì đấu tranh sinh tồn mà giết hại lẫn nhau; quán thấy trong cõi trời khổ vì bị đọa lạc, ái biệt ly. Quán thấy rồi liền nói cho bốn chúng biết: “Các vị nên biết, như tôi đã quán thấy quả báo khổ vui sai biệt của năm cõi đều là không hư dối, các vị nên tin chớ có nghi hoặc. Người thọ quả báo khổ là do nghiệp ác chiêu cảm như sát, đạo, tà dâm cho đến tà kiến, không tin Tam bảo, khinh mạn tôn thân, không có tâm từ bi, không trì cấm giới; do ác hạnh này nên chịu quả khổ dị thục. Người thọ quả báo vui là do nghiệp thiện chiêu cảm như không sát, không trộm cho đến không tà kiến, sùng tín Tam bảo, kính trọng tôn thân, đủ lòng từ bi, phụng trì cấm giới; do thiện hạnh này nên được quả vui dị thục”. Bốn chúng nghe rồi đều khen ngợi là chưa từng có: “Thánh giả đã vì hạng người mờ ám chỉ hấy hiện tại không thấy vị lai như chúng tôi, chỉ dạy rõ về nghiệp thiện ác trong năm cõi mà Thánh giả đã quán thấy được. Chúng tôi nay mới biết nhân quả báo ứng không sai, từ nay chúng tôi cải ác tu thiện để đươc sanh vào cõi lành, không bị đọa vào cõi ác”. Sau đó bốn chúng suy nghĩ: “Đệ tử chúng ta hoặc con cái chúng ta thường tạo nghiệp ác, không siêng tu phạm hạnh thanh tịnh. Nay muốn chúng bỏ các nghiệp ác phải bảo chúng đến chỗ Thánh giả Đại Mục-kiền-liên nghe pháp, nhờ nghe pháp chúng sẽ tu thiện hạnh, không đọa trong đường ác”. Do nghĩ như vậy nên bốn chúng đến nghe pháp rất đông nên gây ồn ào, Thế tôn tuy biết nguyên do nhưng vẫn hỏi A-nan-đà: “Vì sao bốn chúng lại tụ tập đông đảo ở chỗ Mục liên?”, đáp: “Do tôn giả Mục liên quán thấy nổi khổ trong năm Đường nói cho bốn chúng biết nên họ đến tụ tập để nghe”, Phật nói: “Người như Đại Mục-kiền-liên rất khó được gặp, không phải lúc nào chỗ nào cũng có. Các Bí-sô ở trong chùa nơi chỗ nào dễ nhìn thấy nên vẻ một biểu đồ vòng tròn sanh tử”. Lúc đó các Bí-sô không biết vẻ như thế nào, Phật nói: “Tùy vòng tròn lớn nhỏ vẻ thành hình bánh xe ở giữa có trục xe, kế vẻ năm Cái căm tiêu biểu cho năm Đường, trong khoảng giữa ba cái căm ở dưới trục xe vẻ ba cõi: Cõi Nại-lạc-ca ở giữa, hai cõi bàng sanh và ngạ quỷ ở hai bên; trong khoảng giữa ở hai cái căm trên vẻ hai cõi trời người. Trong cõi người vẻ bốn châu: Đông Tỳ-đề-ha. Nam-thiệm-bộ-châu, Tây-Cù-đà-ni, Bắc-Cu-lô-châu. Ở trục giữa vẻ vòng tròn sắc trắng, trong đó vẻ tượng Phật, phía trước Phật vẻ ba hình: Hình chim Bồ câu tiêu biểu cho tham nhiễm, hình con răn tiêu biểu cho sân hận, hình con heo tiêu biểu cho ngu si. Bên ngoài vòng tròn bánh xe nên vẻ nhiều sóng nước với nhiều vò nước, trong vò nước có hữu tình tiêu biểu cho hữu tình ngụp lặn trong biển sanh tử, hữu tình nào sống thì vẻ đầu ló ra khỏi vò, chết thì vẻ chân ló ra khỏi vò, trong năm cõi tùy cõi nào vẻ hữu tình của cõi ấy. Chung quanh vòng tròn sanh tử nên vẻ tướng sanh diệt của mười hai chi duyên sanh, ở chi Vô minh nên vẻ hình La-sát, ở chi Hành nên vẻ hình vòng tròn, ở chi Thức nên vẻ hình con khỉ, ở chi Danh sắc nên vẻ hình người đi thuyền, ở chi Lục xứ nên vẻ hình sáu căn, ở chi Xúc nên vẻ hình nam nữ xúc chạm nhau, ở chi Thọ nên vẻ hình nam nữ thọ khổ lạc, ở chi Ái nên vẻ hình nam nữ ôm nhau, ở chi Thủ nên vẻ hình trượng phu cầm bình lấy nước, ở chi Hữu nên vẻ hình Đai Phạm thiên, ở chi Sanh nên vẻ hình người nữ sanh đẻ, ở chi Lão nên vẻ hình nam nữ già nua, ở chi Bịnh nên vẻ hình nam nữ bịnh, ở chi Tử nên vẻ hình đám ma, ở chi Ưu nên vẻ hình nam nữ ưu sầu, ở chi Bi nên vẻ hình nam nữ khóc, ở chi Khổ nên vẻ hình nam nữ đau khổ, ở chi Não nên vẻ hình nam nữ kéo con lạc đà khó điều phục.

Bên trên vòng tròn này vẻ hình con quỷ Vô thường tóc bồm xồm đang há miệng, hai tay ôm lấy vòng tròn sanh tử, hai bên đầu của con quỷ nên viết hai bài kệ:

“Ngươi nên cầu ra khỏi,
Siêng tu lời Phật dạy,
Hàng phục quân sanh tử,
Như voi xô nhà cỏ.
Ở trong pháp luật này,
Thường tu không phóng dật,
Làm cạn biển phiền não,
Cảnh giới khổ không còn”.

Bên trên con quỷ Vô thường nên vẻ cái đài tròn trắng tiêu biểu cho Niết-bàn viên tịnh”. Các Bí-sô vâng lời Phật dạy ở chỗ dễ thấy vẻ biểu đồ vòng tròn sanh tử, các Bà-la-môn cư sĩ trông thấy hỏi biểu đồ này tiêu biểu cho cái gì, các Bí-sô nói không biết , các Bà-la-môn cư sĩ nói: “Nếu không biết thì vẻ làm chi?”. Các Bí-sô bạch Phật, Phật nói: “Nên sai Bí-sô nào giải thích được ngồi gần bên hình vẻ để giải thích cho họ hiểu nhân duyên luân chuyển trong sanh tử”. Lúc đó các Bí-sô không lựa chọn mà sai, khi giải thích không khiến cho người sanh tín tâm mà còn bị mỉa mai chê trách, Phật nói: “Nên sai người hiểu biết giải thích”.

Lúc đó trong thành Vương xá có một trưởng giả cưới vợ chưa bao lâu sanh được một trai, trưởng giả bàn với vợ: “Chúng ta nay đã có con sẽ phải chi dụng nhiều, tôi nay muốn vào biển cả tìm châu báu”, người vợ đồng ý, trưởng giả chuẩn bị đầy đủ hành trang lên đường ra biển tìm châu báu, không ngờ gặp bão thuyền bị đắm nên trưởng giả không thể trở về. Người vợ phải nhờ tôn thân giúp đở và tự lực kiếm tiền nuôi con khôn lớn và cho con đi học, đứa trẻ lớn lên trong cảnh nghèo khó nên được gọi là Bần-sanh. một hôm Bần-sanh cùng bạn đồng học đến trong Trúc lâm nhìn thấy biểu đồ vòng tròn sanh tử liền yêu cầu Bí-sô giải thích, Bí-sô nói: “Đây là năm cõi Nại-lạc-ca, bàng sanh, ngạ quỷ, người và trời sai khác nhau”, Bần-sanh hỏi: “Hữu tình trong cõi Nại-lạc-ca này đã tạo nghiệp gì mà phải chịu khổ bị cắt xẻ thân thể…?”, Bí-sô nói: “Do tạo mười nghiệp ác với tâm thô trọng thường làm ác không dứt nên phải chịu quả khổ này”, Bần-sanh hỏi: “Loài bàng sanh này đã tạo nghiệp gì mà phải chịu khổ ăn nuốt lẫn nhau?”, Bí-sô nói: “Do tạo mười nghiệp ác với tâm ác nhẹ hơn, nhưng thường làm ác không dứt nên phải chịu quả khổ này”, Bần-sanh hỏi: “Loài ngạ quỷ này đã tạo nghiệp gì mà phải chịu khổ đói khát bức bách?”, Bí-sô nói: “Do bỏn xẻn không chịu bố thí, khi thấy người khác bố thí thì ngăn chận; đối với tam bảo, cha mẹ, tôn thân không có tâm cung kính cúng dường, thường làm không dứt nên phải chịu quả khổ như thế “, lại hỏi: “Loài trời do tạo nghiệp gì mà được quả vui thắng diệu?”, đáp: “Do tu mười nghiệp thiện với tâm ân trọng, kính tín Tam bảo, thọ trì cấm giới nên mới được quả vui thắng diệu như thế”, lại hỏi: “Loài người do tạo nghiệp gì mà tuy ở trong chỗ vui lại có cái khổ dong ruỗi tìm cầu?”, đáp: “Do tu mười nghiệp thiện với tâm ít ân trọng hơn nhưng thường có tu tập nên có quả khổ vui như thế”. Bần-sanh nghe rồi nói: “Thánh giả, con không muốn đọa vào ba cõi dưới, con muốn sanh vào cõi trời người, nhưng con phải làm gì để được sanh lên cõi trời?”, Bí-sô nói: “Nếu con có thể ở trong pháp luật khéo thuyết giảng của Phật xuất gia siêng tu đoạn trừ phiền não, nếu trong đời này chưa chứng quả thì khi mạng chung sẽ sanh lên cõi trời”, Bần-sanh hỏi: “Nếu xuất gia thì phải tu tập những gì?”, Bí-sô nói: “Trọn đời tu phạm hạnh”, Bần-sanh nói: “Vậy thì con không thể làm được. Thánh giả, còn tu nghiệp gì khác có thể sanh lên cõi trời?”, Bí-sô nói:

“Thọ tám chi giới làm cận trụ nam hay năm học xứ làm cận sự nam”, Bần-sanh hỏi: “Thọ rồi phải tu tập những gì?”, Bí-sô nói: “Một ngày một đêm hay trọn đời không sát sanh, trộm cắp, tà dâm, vọng ngữ…”, Bần-sanh nói: “Đều này con cũng không làm được. Thánh giả, còn tu nghiệp gì khác có thể sanh lên cõi trời không?”, Bí-sô nói: “Nếu tu nghiệp phước cúng dường thức ăn cho Phật và Tăng thì có thể sanh lên cõi trời”, Bần-sanh hỏi: “Muốn cúng dường thức ăn cho Phật và Tăng thì cần khoảng bao nhiêu tài vật?”, Bí-sô nói: “Khoảng năm trăm kim tiền”, Bần-sanh nói: “Việc này con có thể làm được”, nói rồi liền đảnh lễ Bí-sô. Về đến nhà liền thưa với mẹ: “Vừa rồi con đến trong Trúc lâm thấy treo biểu đồ vòng tròn sanh tử, con không muốn đọa vào ba cõi ác, con rất muốn sanh lên cõi trời, mẹ có muốn sanh lên cõi trời không?”, người mẹ đáp là muốn, Bần-sanh nói: “Vậy mẹ hãy cho con năm trăm kim tiền để con thiết thực cúng dường Phật và Tăng, nhờ phước nghiệp này có thể sanh lên cõi trời”, người mẹ nói: “Con mồ côi cha từ nhỏ và lớn lên trong cảnh nghèo khó, trong nhà ta làm gì có đến năm trăm kim tiền”, Bần-sanh nói: “Nếu vậy con sẽ đi làm thuê để kiếm đủ số tiền đó”, người mẹ nói: “Con còn nhỏ sức yếu làm sao có thể đi làm thuê được”, Bần-sanh nói: “Con sẽ cố gắng”. Người mẹ thấy ý con đã quyết nên khng ngăn cản, Bần-sanh ra chợ hỏi thăm có ai cần người làm thuê để xin làm, tuy lúc đó có Bà-la-môn cư sĩ cần tìm người nhưng đều không hỏi đến Bần-sanh, đến khi chợ tan Bần-sanh mới trở về nhà, người mẹ hỏi có tìm được chỗ làm không, Bần-sanh đáp là không, người mẹ nói: “Con phải ăn mặc rách rưới đến đứng trong chỗ những người xin việc làm, người cần thuê trông thấy mới kêu con làm”. Bần-sanh làm theo lời mẹ chỉ dạy đứng trong chỗ những người xin việc làm, có một trưởng giả muốn xây cất nhà cần tìm nhiều người làm thuê, nhưng không hỏi tới Bần-sanh, Bần-sanh hỏi Trưởng giả: “Vì sao ông không thuê tôi làm việc?”, Trưởng giả nói: “Ta thấy ngươi ốm yếu sợ làm không được việc”, Bần-sanh nói: “Ông xem khả năng làm trước rồi trả tiền công sau”, Trưởng giả nói: “Vậy cuối ngày mãn việc mới trả tiền công, chịu không?”, Bần-sanh nói: “Nếu ông thấy tôi làm không được việc thì khỏi phải trả tiền công”. Trưởng giả nghe nói vậy liền thuê Bần-sanh làm, những người làm thuê kia làm việc không có tận tâm thấy Bần-sanh hết sức làm việc như vậy liền nói: “Ngươi nên biết, làm thuê thì chỉ nên làm cho qua ngày, cuối ngày lấy tiền công, không cần phải hết sức làm cho khổ thân như vậy”, Bần-sanh nói: “Tôi nay sanh trong nhà nghèo là do đời trước đã tạo nghiệp ác, nếu nay lại khi dối người thì đời sau sẽ sanh vào chỗ khổ hơn”, những người làm thuê nói: “Ngươi chưa hiểu biết gì thì cứ ra sức làm, không bao lâu sau ngươi sẽ còn lười hơn cả chúng ta”. Trong lúc làm việc Bần-sanh khéo kể chuyện khiến mọi người cảm thấy hứng thú nên công việc làm có kết quả nhiều hơn, Trưởng giả cho là có thêm người làm thuê nên hỏi, sau khi biết rõ nguyên do liền trả tiền công gấp đôi cho Bần-sanh, Bần-sanh nói: “Nếu ông vừa ý thì cho tôi làm đến khi xây cất xong, ông hãy cất giùm số tiền công này đến lúc đó hãy đưa cho tôi luôn một lần”. Trưởng giả bằng lòng, đến khi ngôi nhà được xây cất xong mới tính tiền trả cho Bần-sanh tổng cộng được bốn trăm năm mươi kim tiền, Bần-sanh thấy chưa đủ số tiền thiết thực cúng dường nên đứng khóc, Trưởng giả hỏi nguyên do, Bần-sanh nói: “Tôi làm thuê cốt là để kiếm đủ năm trăm kim tiền thiết trai cúng dường Phật và tăng, nay thấy chưa đủ nên tôi khóc”, Trưởng giả nói: “Nếu làm việc phước này thì ta sẽ giúp thêm cho ngươi số tiền còn lại”, Bần-sanh nói: “Nếu để trưởng giả thêm vào thì trái bổn nguyện, làm sao tôi được sanh lên cõi trời”, Trưởng giả nói: “Ngươi do tín tâm cúng dường Phật và Tăng phải không?”, đáp là phải, Trưởng giả nói: “Nếu là do tín tâm thì ngươi nên đến hỏi Thế tôn, Phật dạy thế nào ngươi phụng hành như thế ấy”. Bần-sanh liền đến chỗ Phật đảnh lễ rồi bạch: “Thế tôn, con vì muốn cúng dường Phật và Tăng nên đi làm thuê mong kiếm được đủ số năm trăm kim tiền, nhưng cuối cùng cũng không đủ số, Trưởng giả là người đã thuê con làm việc thấy vậy muốn giúp thêm cho đủ, con có nên nhận hay không?”, Phật nói nên nhận, Bầnsanh nói: “Nếu con nhận số tiền của người khác giúp thêm vào, con sợ không được sanh lên cõi trời”, Phật nói: “Khi con phát tâm thì con được sanh lên cõi trời rồi, huống chi nay thiết cúng lại không được sanh lên cõi trời hay sao?”. Bần-sanh vâng lời Phật dạy đảnh lễ Phật rồi trở về chỗ trưởng giả nhận tiền, sau đó trở về thưa với mẹ: “Đây là năm trăm kim tiền, xin mẹ hay chuẩn bị lo liệu các món ăn cúng dường Phật và Tăng”, người mẹ nói: “Nhà mình nghèo thiếu nên không có đủ vật dụng để thiết thực cúng dường, con nên đến nhà trưởng giả xin ông cho phép được ở bên nhà ông thiết thực cúng dường Phật và tăng”. Bầnsanh nghe lời mẹ đến nhà Trưởng giả xin ông cho phép ở bên nhà ông thiết thực cúng dường Phật và tăng, Trưởng giả nghe rồi suy nghĩ: “Ta vừa cất xong ngôi nhà liền thiết thực cúng dường Phật và Tăng cũng là việc tốt”, nghĩ rồi liền bằng lòng. Bần-sanh nghe rồi trở về cho mẹ hay để mẹ mua sắm vật thực mang đến nhà trưởng giả, sau đó đến chỗ Phật đảnh lễ bạch Phật: “Cúi xin Thế tôn sáng mai đến nhà của trưởng giả ___ thọ con cúng dường”, Phật im lặng nhận lời, Bần-sanh biết Phật đã nhận lời liền đảnh lễ ra về đến báo cho Trưởng giả biết, Trưởng giả liền giúp Bần-sanh lo liệu mọi thứ, sáng ngày trải tòa, để nước rửa chân, rải hương hoa rồi sai sứ đến bạch Phật: “Xin Phật biết thời”. Sáng sớm Phật cùng Thánh chúng đên nhà trưởng giả, Lục chúng hỏi vị Thọ sự: “Hôm nay ai thỉnh Phật và Tăng?”, vị Thọ sự đáp là Bần-sanh, Lục chúng liền nói với nhau: “Người ấy làm thuê kiếm tiền thiết cúng, thức ăn uống chắc cũng thường, chúng ta nên đến nhà quen biết thọ tiểu thực trước rồi đến chỗ thiết cúng sau”. Lúc đó Bần-sanh thấy Phật và đại chúng an tọa rồi bèn dâng cúng các món ăn thượng diệu khiến đều được no đủ, chỉ riêng có Lục chúng là ăn ít, Bần-sanh liền đến chỗ Phật hỏi: “Con thấy trong Thánh chúng có vài vị ăn rất ít, như vậy có trở ngại việc sanh thiên của con không?”, Phật nói: “Chỉ cần vào chỗ ngồi cũng đủ sanh thiên huống chi là Phật và tăng đã thọ thực”. Bần-sanh thấy Phật và tăng thọ thực xong và thâu bát rồi liến lấy ghế thấp ngồi một bên nghe Phật nói diệu pháp, Phật nói diệu pháp chỉ dạy được lợi hỉ rồi cùng Thánh chúng ra về. Lúc đó có năm trăm thương nhơn đến thành Vương xá, ngày mới đến gặp tiết hội nên hàng hóa mang theo chưa buôn bán được, muốn tìm chỗ mua đổi thức ăn, nghe biết nhà Trưởng giả vừa thiết thực cúng dường Phật và tăng liền tìm đến gặp Trưởng giả muốn đổi lấy thức ăn dư, Trưởng giả nói: “Những thức ăn này đều là của thiếu niên đó thiết cúng Phật và Tăng”, các thương nhơn đến chỗ Bần-sanh ngỏ ý muốn đổi lấy thức ăn dư, Bần-sanh nói: “Những thức ăn dư này xin biếu cho các vị”. Các thương nhơn ăn no đủ rồi cám ơn và khen ngợi thiếu niên rồi hỏi trưởng giả là con của ai, trưởng giả nói: “Cậu ấy là con của trưởng giả tên ___”, vị thương chủ nghe rồi liền nói: “Nếu như vậy thì cậu ấy là con của người bạn tri thức của tôi”. Thương chủ bèn lấy đại điệp ra trải trên đất để một ít châu báu lên đó rồi nói với các thương nhơn: “Trong các vị tùy ý cho ít nhiều để vào đây”, chỉ một lát sau trên đại điệp có một đống châu báu, thương chủ mang đến đưa cho Bần-sanh bảo nhận lấy. Bần-sanh nói: “Tôi chỉ biếu thức ăn chứ không cầu đổi lấy châu báu”, thương chủ nói: “Số châu báu này không phải là dùng trao đổi mà đây là chúng tôi hoan hỉ biếu tặng cho cậu”, Bần-sanh nói: “Tôi thiết thực cúng dường là mong cầu được sanh thiên, tuy là các vị hoan hỉ biếu tặng nhưng tôi thật không dám nhận vì do duyên này có thể trở ngại việc sanh thiên của tôi”, thương chủ nói: “Cậu có tin Phật không?”, đáp là tin, thương chủ nói: “Nếu tin thì cậu nên đến hỏi Phật. Phật dạy như thế nào cậu phụng hành theo như thế ấy”. Bần-sanh liền đến chỗ Phật đảnh lễ rồi bạch Phật: “Thế tôn, con thiết thực cúng dường Phật và tăng rồi, những thức ăn dư con biếu cho năm trăm thương nhơn từ xa đến. Họ ăn no đủ rồi hoan hỉ biếu tặng con rất nhiều châu báu, con có nên nhận hay không?”, Phật nói nên nhận, Bần-sanh nói: “Nếu con nhận số châu báu này thì có trở ngại việc sanh thiên của con không?”, Phật nói: “Đây là hoa báo, quả báo ở sau”. Bần-sanh đảnh lễ Phật rồi ra về đến chỗ các thương nhơn nhận lấy số châu báu mà họ biếu tặng. Lúc đó trong thành Vương xá có một trưởng giả Thủ vọng lâm bịnh qua đời, không có con kế tự nên mọi người muốn tìm người có đại phước đức để lập làm Thủ vọng, nhưng biết ai là người có đại phước đức. Có một người trí nói với mọi người: “Nên bỏ nhiều loại đậu trong một cái hủ, mỗi người thò tay vào bốc nếu ai bốc được đậu thuần một màu thì người đó được lập lên làm Thủ vọng”, mọi người đều đồng ý và làm theo như lời người trí nói, ai nấy đều bôc được những hạt đậu nhiều màu chỉ riêng có Bần-sanh là bốc được những hạt đậu thuần một màu. Trong lòng mọi người không muốn lập một người làm thuê như Bần-sanh lên làm Thủ vọng nên họ bảo Bần-sanh bốc lại như vậy đến ba lần, lần nào cũng bốc được những hạt đậu thuần một màu. Mọi người cho là việc hi hữu nói với nhau: “Người nay nhất định có thiên thần gia hộ, chúng ta nên đồng tâm lập lên làm Thủ vọng”, bàn xong mọi người cùng bái thỉnh Bần-sanh lên làm Thủ vọng. Trưởng giả thuê Bần-sanh làm việc 2 trước kia thấy việc này rồi liền đem con gái gả cho Bần-sanh làm vợ. Lúc đó Bần-sanh nhờ oai lực của nghiệp thiện nên trong nhà châu báu bổng tự sanh, nên từ đó được gọi là Thiện sanh trưởng giả. Trưởng giả suy nghĩ: “Nay ta được quả báo như thế đều là nhờ sức oai thần của Phật, ta nên thỉnh Phật và tăng về nhà cúng dường”, nghĩ rồi liền đến chỗ Phật đảnh lễ rồi ngồi một bên nghe Phật thuyết diệu pháp rồi bạch Phật: “Cúi xin Phật từ bi cùng các Bí-sô sáng mai đến nhà con thọ thực”, Phật im lặng nhận lời, Thiện sanh biết Phật nhận lời liền đảnh lễ rồi ra về. Trong đêm ấy lo liệu đủ các món ăn thượng diệu… cho đến câu Thiện sanh thấy Phật và tăng thọ thực xong và thâu bát rồi liền lấy ghế nhỏ ngồi một bên nghe pháp, Phật tùy căn cơ và ý muốn của thiện sanh mà nói pháp khiến cho được khai ngộ, ngay nơi chỗ ngồi hai vợ chồng Thiện sanh đều được Kiến đế. Thiện sanh bạch Phật: “Thế tôn, chúng con nhờ Phật được quả giải thoát, điều nay không phải do cha mẹ, tôn thân… sa môn, Bà-la-môn mà được. Thế tôn là bậc đại thiện tri thức đã cứu vớt chúng con ra khỏi ba đường ác, đặt chúng con vào cõi trời người dứt hết mé khổ được an lạc Niết-bàn, chứng được sơ quả. Chúng con nay xin quy y Tam bảo, xin phật chứng tri cho chúng con là Ô-ba-sáchca và Ô-ba-tư-ca, từ nay cho đến trọn đời thọ trì năm học xứ”. Phật nói pháp yếu chỉ day được lợi hỉ rồi liền cùng đại chúng trở về trú xứ, lúc đó các Bí-sô đều nghi thỉnh hỏi Phật: “Thế tôn, trưởng giả Thiện sanh đã tạo nghiệp gì mà phải làm thuê mướn, lại do tạo nghiệp gì mà trong nhà châu báu tự sanh?”, Phật nói: “Nghiệp mà trước kia trưởng giả Thiện sanh đã tạo, nay do nhân duyên họi họp được thành thục, quả báo không mất. Tất cả hữu tình trước kia đã tạo những nghiệp thiện ác gì đều chẳng phải do địa thủy hỏa phong ở ngoài giới mà nghiệp quả được thành thục, chính là do uẩn xứ giới của tự thân mà nghiệp quả được thành thục”. Phật liền nói kệ:

“Dù trải qua trăm kiếp,
Nghiệp đã tạo không mất,
Khi nhân duyên hội đủ,
Tự thọ lấy quả báo”.

Các Bí-sô hãy lắng nghe: Thuở xưa, trong một tụ lạc có một trưởng giả giàu có, thọ dụng đầy đủ. Vào tháng mùa xuân, hoa nở khắp vườn, cây cỏ xanh tươi, nước ao trong xanh, lại có các loại chim như Xá lợi, Anh vũ… hòa nhã hót vang, trước cảnh vật khả ái như thế nên trưởng giả cùng quyến thuộc đến trong vườn thưởng ngoạn. Lúc đó ở thế gian không có Phật, chỉ có Độc giác ra đời, vì thương xót hạng người nghèo khổ nên vị Độc giác này ở chỗ đơn sơ và thọ thức ăn thô dở. Vị Độc giác này du hành đến tụ lạc, vào sáng sớm đắp y mang bát vào thôn khất thực bổng khởi nghĩ: “Tại sao ta lại vì cái thân khó thỏa mãn này mà vất vả vào thôn khất thực, ta nên ở trong vườn, tùy người đến trong vườn bố thí gì, ta thọ cái ấy”, nghĩ rồi vị độc giác vào trong vườn. Lúc đó trưởng giả từ xa nhìn thấy vị Độc giác oai nghi ngời sáng liến sanh tín kính, đến đảnh lễ bạch rằng: “Thánh giả, tôi muốn cầu phước, cúi xin Thánh giả hãy ở trong vườn thọ tôi cúng dường”, vị Độc giác im lặng nhận lời, bắt đầu từ hôm đó trưởng giả hằng ngày đến trong vườn hiến cúng thức ăn cho vị Độc giác. Sau đó vì có việc phải đi đến thôn khác nên trưởng giả dặn vợ: “Tôi có việc phải đi đến thôn khác, hiền thủ ở nhà nhớ hằng ngày mang thức ăn cúng dường vị Độc giác, đừng để thiếu thốn”. Người vợ nhớ lời chồng dặn nên sáng nào cũng lo liệu thức ăn mang đến trong vườn cúng dường vị độc giác, đứa con thấy vậy liền nói với mẹ: “Ông ấy không chịu làm việc, cứ ngồi ở đó thọ người khác cúng thức ăn hằng ngày”, người mẹ nói: “Vị ấy là thắng phước điền, con không nên tạo tội trọng khẩu nghiệp này”. Thời gian sau trưởng giả trở về hỏi vợ có cúng dường thức ăn đầy đủ không, người vợ nói: “Cúng dường thức ăn đầy đủ, nhưng đứa con chúng ta đã tạo tội trọng khẩu nghiệp”, trưởng giả nghe nói rồi liền suy nghĩ: “Do không biết nên con ta tự hại thân, sẽ bị đọa vào cõi ác”, nghĩ rồi liền dẫn con đến chỗ vị Độc giác, vị Độc giác từ xa trông thấy hai cha con đi đến quán biết phải dùng thân thuyết pháp chứ không thể dùng lời. Vì thương tưởng đứa con của trưởng giả nên vị Độc giác hiện đại thần thông bay lên hư không biến hóa mười tám cách, trên thân phóng ra lửa, dưới thân tuôn ra nước… Hàng phàm phu khi thấy thần biến này liền bị chiết phục cũng như cây đại thọ bị gảy đổ, đứa con của trưởng giả mọp xuống đảnh lễ sám hối. Trưởng giả bạch rằng: “Xin Thánh giả từ bi thương xót hiện trở xuống thọ con cúng dường”, vị Độc giác liền hiện thân trở xuống, hai cha con đảnh lễ cúng dường rồi phát nguyện: “Đây là đại phước điền nên cúng dường mà con lại nói ra lời ác hủy báng, nguyện con ở đời sau chớ thọ khổ báo. Công đức cúng dường này con xin nguyện đời sau được sanh trong nhà giàu có, đối với vị nào hơn Đại sư này con sẽ thừa sự không có nhàm chán và được quả thù thắng”.

Này các Bí-sô, con ông trưởng giả xưa kia chính là trưởng giả thiện sanh ngày nay, do đối với vị độc giác nói ra lời ác mắng là không chịu làm việc mà cứ thọ người khác cúng dường, nên trong năm trăm đời thường làm thuê mướn cho người, đến ngày nay nghiệp ác ấy mới dứt. Lại do công đức cúng dường phát nguyện sanh trong nhà giàu có… nên gặp được ta nghe pháp và được quả thù thắng, được thắng quả rồi quy y, thừa sự không có nhàm chán. Này các Bí-sô, nếu tạo nghiệp thuần đen thì được quả dị thục thuần đen, tạo nghiệp thuần trắng thì được quả dị thục thuần trắng, tạo nghiệp đen trắng xen tạp thì được quả dị thục đen trắng xen tạp. Cho nên các Bí-sô nên xa lìa nghiệp thuần đen và nghiệp đen trắng xen tạp, nên tu nghiệp thuần trắng để được quả báo thuần trắng, nên học như thế”. Đây là duyên khởi nhưng Phật chưa chế học xứ.

Lúc đó Thế tôn du hành đến thành Quảng nghiêm, trụ trong Cao các đường bên ao Di hầu, trong thành có trưởng giả tên là Dũng-lợi nghe tin Phật ở trong Cao các đường liền đến đảnh lễ rồi ngồi một bên nghe Phật thuyết diệu pháp, Phật nói pháp chỉ dạy được lợi hỉ rồi im lặng, trưởng giả liền bạch Phật: “Cúi xin Phật thương xót cùng chúng tăng sáng mai đến nhà con thọ thực”, Phật im lặng nhận lời, trưởng giả biết Phật đã nhận lời liền đảnh lễ rồi ra về. Về đến nhà trưởng giả liền đốc thúc gia nhân lo liệu các món ăn thượng diệu để sáng mai cúng dường Phật và Tăng. Sáng ngày trưởng giả trải tòa, để nước rửa chân… rồi sai sứ đến bạch Phật: “Thức ăn đã chuẩn bị xong, cúi xin Phật biết thời”. Lục chúng trước đó đã đến nhà của môn đồ, họ thành kính mời thọ tiểu thực, lục chúng nói là đã thọ người khác thỉnh thực rồi, nhưng các môn đồ nài dùng bánh Yêm-một-la, không từ chối được nên ăn no. Lúc đó có một Bí-sô đi ngang qua, các môn đồ ra mời vào dùng bánh, Bí-sô nói: “Tôi hành pháp Nhất tọa thực”, môn đồ nói: “Nếu vậy xin hãy mang đi đến chỗ phó thực rồi dùng”, nói rồi liền lấy cái bát nhỏ đựng bánh Yêm-một-la đưa cho Bí-sô. Tuy trưởng giả Dũng-lợi thỉnh Phật và Phật đã nhận lời nhưng sáng hôm đó Phật không đi phó thực. Có năm nhân duyên Phật không đi phó thực: Một là tự muốn yên tĩnh, hai là nói pháp cho chư thiên, ba là thăm bịnh, bốn là xem xét ngọa cụ, năm là chế học xứ cho các đệ tử. Trong trường hợp này Phật muốn chế học xứ nên mới bảo người lấy thức ăn mang về. Lúc đó trưởng giả Dũng-lợi thấy chư tăng đã an tọa liền dâng cúng các món ăn thượng diệu, chư tăng đều ăn được no đủ, trưởng giả bổng thấy một Bí-sô lấy bánh Yêm-một-la từ trong bát nhỏ ra ăn liền đi đến trước Bí-sô đó. Bí-sô thấy trưởng giả nhìn mình như muốn nói điều gì nên nói: “Không phải chỉ mình tôi ăn bánh Yêm-một-la, Lục chúng Bí-sô cũng đã ăn rồi”, Trưởng giả nghe rồi nổi giận nói: “Thánh giả cho rằng trong nhà tôi không có thứ bánh ấy hay sao?”, nói rồi liền bảo người nhà mang bánh ra. Lúc đó Bí-sô lấy thức ăn mang về cho Phật, Phật hỏi: “Hôm nay chúng tăng thọ thực có được no đủ không”, đáp: “Tất cả đều được no đủ, nhưng có vài Bí-sô làm cho trưởng giả nổi giận”, Phật hỏi rõ nguyên do rồi nói: “Trưởng giả nổi giận là đúng đạo lý”. Thế tôn thọ thực xong… đến xế chiều xuất định đến chỗ chúng tăng tụ họp ngồi vào chỗ ngồi… quở trách Lục chúng rồi bảo các Bí-so: … Chế học xứ này cho các Bí-sô như sau: “Nếu lại có Bísô ăn nhiều lần, phạm Ba-dật-để-ca.”

Sau đó có Bí-sô mắc bịnh, thầy thuốc bảo nên dùng tiểu thực, Bí-sô bịnh nói: “Thế tôn đã chế ngăn không được ăn nhiều lần”, thầy thuốc nói: “Đối với người bịnh thì đây là phương pháp trị bịnh hữu hiệu nhất. Thế tôn từ bi vì duyên bịnh sẽ khai cho được ăn”, các Bí-sô đem việc này bạch Phật, Phật nói trừ nhân duyên bịnh.

Sau đó lại có Bí-sô vì lo liệu công việc của chúng tăng hoặc việc ở Tốt-đổ-ba nên thân thể suy yếu, nằm không dậy nổi, bỏ việc tu phẩm thiện. Các Bà-la-môn cư sĩ tịnh tín đến trong chùa thấy vậy liền hỏi: “Phật dạy phải siêng năng tu tập, vì sao Thánh giả lại nằm hoài như vậy?”, đáp: “Thân tôi suy yếu không thể ngồi dậy nổi”, các thiện tín nói: “Thánh giả nên dùng tiểu thực”, … cho đến câu Phật nói trừ nhân duyên làm việc.

Thế tôn từ thành Quảng nghiêm trở về trong vườn Cấp, lúc đó các Bí-sô đi đường xa mõi mệt nên thân thể suy yếu nói với nhau: “Nếu Phật cho chúng ta dùng tiểu thực thì dù đi đường xa cũng không thấy mõi mệt”, các Bí-sô bạch Phật, Phật nói trừ khi đi đường.

Lúc đó trong thành Thất-la-phiệt có một trưởng giả tự lập thời khóa là hằng tháng trong bốn ngày mồng tám, mười lăm, hai mươi ba, ba mươi thọ tám thánh chi cận trụ học xứ; lại lập thời khóa là nếu thỉnh các Bí-sô về nhà thọ thục, nếu Bí-sô chưa đến thì sẽ không ăn trước. Cùng ngày với trưởng giả thỉnh thực cũng có nhiều nhà khác thỉnh thực nên khi sứ giả đến trong chùa không thấy có Bí-sô, liền trở về báo lại. Trưởng giả hỏi rõ nguyên do rồi nói: “Ngươi hãy đến chỗ thỉnh thực tùy thỉnh cho được một người”, sứ giả vâng lời đi đến thì thấy các Bí-sô đã thọ thực xong đang từ chỗ thỉnh thực đi ra, liền bước tới nói: “Trưởng giả ___ thỉnh các Bí-sô đến nhà thọ thực”, các Bí-sô đáp là đã ăn no rồi, sứ giả liền trở về báo lại, trưởng giả nghe rồi liền nói: “Ngươi đến bạch các Bí-sô là thọ thực xong trưởng giả sẽ cúng đại điệp”, sứ giả vâng lời đến chỗ các Bí-sô bạch lại lời của trưởng giả, các Bí-sô nói: “Dù điệp lớn hay nhỏ, chúng tôi cũng không thể đi ăn lần nữa”, sứ giả trở về báo lại. Vì hôm đó các Bí-sô không đến thọ thực nên trưởng giả phải đoạn thực. Hàng xóm nghe biết được việc này liền chê trách, các Bí-sô nghe được đem việc này bạch Phật, Phật nói trừ khi thí y. Lúc đó Phật khen ngợi người thiểu dục, trì giới, tôn trọng giới, nói pháp tùy thuận rồi bảo các Bí-sô: Trước kia là sáng chế, bây giờ là tùy khai, nên nói lại học xứ này như sau: “Nếu lại có Bí-sô ăn nhiều lần, trừ thời nhân duyên khác, phạm Ba-dật-để-ca”.

Nếu lại có Bí-sô là chỉ cho Lục chúng. Triển chuyển thực là thường thường ăn, ăn nhiều lần. Thời nhân duyên khác là khi bịnh: Bí-sô bịnh nếu hành pháp nhất tọa thực thì không thể ăn no; khi làm việc chúng cho đến lau quét, khi đi đường cho đến chỉ đi và về nửa trạm đường, khi thí y… đều không phạm. Trong học xứ này tướng phạm như thế nào?

Khi thí y có đến mười sáu cách thí: Nếu Bí-sô trước được thỉnh có thực có y, sau cũng được thỉnh có thực có y, Bí-sô thọ cả hai nơi đều không phạm. Nếu Bí-sô trước được thỉnh có y sau được thỉnh không có y, Bí-sô nên thọ chỗ thỉnh trước chớ thọ chỗ thỉnh sau, nếu thọ rồi nên chuyển cho người khác, nếu không chuyển cho người khác, khi thọ phạm Ác-tác, khi ăn phạm đọa. Nếu Bí-sô trước được thỉnh có y, sau cũng được thỉnh có y hay có giá y, Bí-sô thọ cả hai chỗ đếu không phạm. Nếu Bí-sô trước được thỉnh có y, sau được thỉnh không y cũng không có giá y, Bí-sô nên thọ chỗ thỉnh trước chớ thọ chỗ thỉnh sau, nếu thọ rồi nên chuyển cho người khác, nếu không chuyển cho người khác, khi thọ phạm Ác-tác, khi ăn phạm Đọa. (Đây là bốn câu của cách thí y thứ nhất).

Nếu Bí-sô trước được thỉnh không có y, sau được thỉnh có y, Bí-sô thọ cả hai chỗ đều không phạm. Nếu Bí-sô trước được thỉnh không có y, sau được thỉnh không có y, Bí-sô nên thọ chỗ thỉnh trước bỏ chỗ thỉnh sau. Nếu Bí-sô trước được thỉnh không có y, sau được thỉnh có y hoặc có giá y, Bí-sô thọ cả hai chỗ đều không phạm. Nếu Bí-sô trước được thỉnh không có y, sau được thỉnh không có y, cũng không có giá y, Bí-sô nên thọ chỗ thỉnh trước chớ thọ chỗ thỉnh sau, nếu thọ rồi nên chuyển cho người khác, nếu không chuyển cho người khác kết phạm giống như trên (đây là bốn câu của cách thí y thứ hai).

Nếu Bí-sô trước được thỉnh có y hay có giá y, sau được thỉnh có y, Bí-sô thọ cả hai chỗ đều không phạm. Nếu Bí-sô trước được thỉnh có y hay có giá y, sau được thỉnh không có y, Bí-sô nên thọ chỗ thỉnh trước bỏ chỗ thỉnh sau. Nếu Bí-sô trước sau đều được thỉnh có y hay có giá y, thọ cả hai chỗ đều không phạm. Nếu Bí-sô trước được thỉnh có y hay có giá y, sau được thỉnh không có y cũng không có giá y, Bí-sô nên htọ chỗ thỉnh trước chớ thọ chỗ thỉnh sau, nếu thọ rồi nên chuyển cho người khác, nếu không chuyển cho người khác kết phạm giống như trên (đây là bốn câu của cách thí y thứ ba).

Nếu Bí-sô trước được thỉnh không có y cũng không có giá y, sau được thỉnh có y, Bí-sô thọ cả hai chỗ đều không phạm. Nếu Bí-sô trước được thỉnh không có y cũng không có giá y, sau được thỉnh chỗ cũng không có y, Bí-sô nên thọ chỗ thỉnh trước bỏ chỗ thỉnh sau. Nếu Bí-sô trước được thỉnh không có y cũng không có giá y, sau được thỉnh có y hay có giá y, Bí-sô thọ cả hai chỗ đều không phạm. Nếu Bí-sô trước được thỉnh không có y cũng không có giá y, sau được thỉnh chỗ không có y cũng không có giá y, Bí-sô nên thọ chỗ thỉnh trước chớ nên thọ chỗ thỉnh sau, nếu thọ rồi nên chuyển cho người khác, nếu không chuyển cho người khác kết phạm giống như trên (Đây là bốn câu của cách thí y thứ tư).

Không phạm là người phạm ban đầu hoặc si cuồng tâm loạn bị thống não bức bách.