CĂN BẢN THUYẾT NHẤT THIẾT HỮU BỘ TỲ NẠI DA

Hán dịch: Đời Đường Tam Tạng Pháp Sư Nghĩa Tịnh 
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

QUYỂN 32

Học Xứ Thứ Hai Mươi Mốt: TĂNG KHÔNG SAI VỘI GIÁO THỌ BÍ SÔ NI (Tiếp Theo)

Lúc đó các Bí-sô vẫn còn nghi thỉnh hỏi Thế tôn: “Thế tôn, tại sao Bí-sô Ngu-lộ chỉ nhơn một ít giáo giới tự phát chánh cần, mau chóng ra khỏi sanh tử chứng được cứu cánh Niết-bàn?”, Phật nói: “Này các Bí-sô, chẳng phải ngày nay Bí-sô Ngu-lộ chỉ nhơn một ít giáo giới mà được chứng ngộ, trong đời quá khứ cũng đã nhơn một lời dạy bảo tự phát chánh cần trở thành một người giàu có sống trong an lạc. Các thầy lắng nghe:

Thuở xưa trong một thôn xóm nọ có một trưởng giả giàu có, cưới vợ không bao lâu sau sanh được một đứa con trai…, trưởng giả nói với vợ:”Chúng ta nay có con chi dùng sẽ nhiều hơn trước, ta muốn vào trong biển cả tìm cầu châu báu”, người vợ đồng ý, trưởng giả suy nghĩ: “Nếu ta để lại nhiều tiền bạc sợ vợ ta tiêu xài phung phí làm điều phi pháp”. Do suy nghĩ như vậy nên ông chỉ để lại ít tiền bạc rồi đem số của cải còn lại gởi cho một thương chủ là bạn tri thức và dặn dò: “Tôi nay ra biển tìm cầu châu báu chưa biết được ngày trở về, nếu vợ tôi ở nhà có thiếu thốn về cơm áo thì bạn hãy lấy số tiền này trợ cấp”. Không ngờ lần ra biển này gặp bão nhận chìm thuyền nên trưởng giả không thể trở về được nữa, vị thương chủ kia cũng quên lời dặn dò trước lúc ra đi của trưởng giả nên lúc vọ của trưởng giả gặp khó khăn phải nhờ thân tộc giúp đỡ và tự kiếm sống để nuôi con khôn lớn. Đến khi khôn lớn đứa con hỏi mẹ: “Tổ phụ của con trước kia làm nghề gì?”, người mẹ nghe rồi liền suy nghĩ: “Nếu ta nói tổ phụ là thương chủ đã đi ra biển tìm cầu châu báu thì nó cũng sẽ đi ra biển giống như cha nó không thể trở về, ta sẽ phải cô khổ nữa”, nghĩ rồi liền nói với con: “Tổ phụ của con là thương buôn”, người con nói: “Mẹ hãy cho con tiền để con ra buôn bán”, người mẹ nói: “Mẹ làm gì có tiền, cũng không có tư trang gì để toại sở cầu của con, nhưng mẹ biết cha con có một người bạn tri thức là một thương chủ, con hãy đến đó tìm cầu tài vật rồi tùy ý kinh doanh”. Người con nghe lời mẹ đến chỗ thương chủ gặp lúc đó nhà của thương chủ có người lấy tiền khiến ông ba lần mất lời nên ông đang giận dữ quở trách, người con trai này không thể xin vào gặp được còn đứng bên ngoài, thấy đứa tớ gái từ trong nhà mang con chuột chết ra ngoài vất bỏ, lúc đó thương chủ liền nói với người lấy tiền: “Ngươi nên biết, người biết tính toán cầu lợi trên thế gian này có thể nhơn một con chuột chết mà đứa tớ gái vừa đem vất bỏ, làm cho sản nghiệp được hưng thịnh”. Người con trai này đứng bên ngoài nghe được lời nói này iền suy nghĩ: “Nếu lời thương chủ là không hư dối thì có thể nhơn con chuột chết này làm cho sản nghiệp được hưng thịnh cũng nên”, nghĩ rồi liền lượm lại con chuột chết mà đứa tớ gái vừa vất bỏ đem ra chợ, thấy có một con mèo đói bị cột vào cây cột liền đưa con chuột chết đến trước mặt con mèo, con mèo liền nhảy nhót kêu lên, người chủ của con mèo nói: “Cậu hãy đưa con chuột cho con mèo”, người con trai này nói: “Há dùng một lời nói mà đổi được vật của người khác ư, ông nếu trả tiền tôi sẽ đưa con chuột”, người chủ con mèo bèn đưa bát đậu để đổi lấy con chuột chết cho con mèo. Người con trai đem bát đậu rang chín rồi suy nghĩ: “Nếu ta ăn hết thì vẫn hoàn tay trắng”, nghĩ rồi liền cầm bọc đậu rang và một bình nước đi ra ngoài thôn đến chỗ những người đốn củi thường nghỉ chân đợi họ trở về mời họ ăn đậu rang và uống nước, họ hỏi: “Em muốn đi đâu?”, đáp: “Muốn đi lượm củi”, mọi người nói: “Chúng tôi sáng sớm ra khỏi thành giờ này mới trở về, nếu giờ này em đi thì vất vả mà không được gì, thôi thì chúng tôi trích bớt một ít củi đền đáp số đậu rang của em”. Người con trai nhận lấy số củi này mang ra chợ bán được ít tiền, mua lại đậu đem rang rồi mang theo bình nước đến chỗ hôm trước đợi những người đốn củi trở về, cứ như thế mỗi ngày dần dần người con trai này kiếm được một số tiền, lúc đó chàng trai này nói với những người đốn củi: “Các anh đốn được củi không cần gánh ra chợ nên gánh vào nhà tôi, tôi sẽ trả tiền một lần cho các anh”. Những người đốn củi bằng lòng việc mua bán này, thời gian sau gặp lúc trời mưa liên tiếp bảy ngày, củi hút nên lên giá cao, chàng trai được lời to liền suy nghĩ: “Ta tuy kiếm lời được nhiều nhưng đây không phải là việc làm lâu dài, vì người bán củi bị người khác coi thường”. Với số tiền kiếm được chàng trai liền mở một cửa hàng nhỏ bán tạp hóa, lợi nhuận ngày một nhiều hơn, sau đó chàng trai đổi thành cửa hàng bán hương, lợi nhuận tăng gấp bội, chàng trai lại đổi sang mua bán vàng lợi tức càng nhiều thêm dần dần lấn áp các cửa hiệu khác khiến các thương buôn ganh ghét ban cho danh hiệu là chủ tiệm vàng con chuột, họ bàn tính với nhau: “Chủ tiệm vàng con chuột này lấn áp các cửa hiệu của chúng ta, chúng ta nên đến khiêu khích ông ta vào biển tìm châu báu khiến cho ông ta bị chết chìm trong biển không thể trở về”. Các thương buôn cùng đến chỗ chủ tiệm vàng con chuột bàn tán cố ý cho chàng trai nghe thấy: “Trên thế gian này nhà nào không có con kế thừa thì sản nghiệp ngày một lụn bại, ví như có người trước kia cởi voi sau lại cởi ngựa, bỏ ngựa lại đi xe đẩy, sau đó bỏ xe đẩy đi bộ. Ông chủ tiệm vàng con chuột này cũng vậy, tổ phụ là thương chủ ra biển tìm cầu châu báu mà người con lại bắt đầu từ bán đậu rang kế bán củi, sau đó mở cửa hàng nhỏ buôn bán cho đến cửa tiệm vàng vất vả kiếm sống”. Chàng trai nghe được những lời này liền về nhà hỏi mẹ: “Có phải tổ phụ của con là một thương chủ đã từng vào biển cả tìm cầu châu báu không hả mẹ?”, người mẹ nghe rồi liền suy nghĩ: “Chắc là con ta nghe người khác nói cho biết, ta nay không nên lừa dối nó nữa”, nghĩ rồi liền nói sự thật cho con nghe, chàng trai nghe rồi liền muốn vào biển tìm châu báu như cha nhưng người mẹ không cho, thời gian sau lại xin mẹ cho phép đi ra biển, người mẹ biết ý con đã quyết định không thể ngăn cản được bèn đồng ý cho con ra biển. Chàng trai liền ra thông cáo khắp trong thành ấp: “Nếu ai muốn cùng vào biển tìm cầu châu báu với chủ tiệm vàng con chuột thì sẽ khỏi đóng thuế và trở về an ổn. Ai muốn đi thì chuẩn bị đầy đủ hành lý và hàng hóa đợi ngày lên đường”. Lúc đó có năm trăm thương nhơn muốn tháp tùng theo, chàng trai thương chủ vào ngày giờ tốt cùng đoàn thương nhơn vận chuyển hàng hóa ra cửa biển để lên thuyền, đến nơi thấy biển mênh mông họ đâm lo sợ thối chí muốn trở về, thương chủ thấy vậy liền nói với thuyền trưởng: “Ông hãy đem sự thật nói cho mọi người biết châu báu trong biển cả nhiều như thế nào”, thuyền trưởng liền nói với mọi người: “Mọi người hãy lắng nghe, trong biển cả này có rất nhiều châu báu như Ma ni, Chơn châu, Lưu ly, San hô… không phải một loại. Các vị nếu vào biển tìm được những châu báu này thì thọ hưởng trọn đời, cha mẹ vọ con thân tộc không còn cực khổ nữa, lại còn có thể cúng dường sa môn, Bà-la-môn để được sanh vào đường lành, quả bào tùy theo ý muốn hoặc được sanh lên cõi trời thọ phước lạc… Nếu ai ưa thích những điều trên thì hãy lên thuyền cùng chúng tôi vào biển cả”. Thường tình hễ nghe nói được giàu sang thì ai cũng vui thích nên toàn bộ các thương nhân đều bước lên thuyền. Thấy người đông thuyền nặng thương chủ liền suy nghĩ: “Đã khuyên lên thuyền làm sao khiến họ xuống bớt”, nghĩ rồi liền nói với thuyền trưởng: “Ông nay nên nói qua việc họa hoạn trong biển cả”, thuyền trưởng liền nói với mọi người: “Các vị lắng nghe, trong biển cả lại có đại khủng bố như đại ngư Ma kiệt có thể nuốt cả chiếc thuyền, nếu gặp sóng to gió bão đánh gãy cột buồm, lật úp chiếc thuyền xuống biển; còn có hải tặc có thể đến đánh cướp thuyền giết người cướp của… khiến chúng ta không thể trở về gặp lại cha mẹ tôn thân… Các vị hãy suy nghĩ lại”. Số người thiếu dũng khí khiếp nhược nghe rồi vội vả xuống thuyền nên thuyền được nhẹ bớt, thuyền trưởng ra lịnh nhổ neo, thuyền thuận buồm xuôi gió lướt sóng như mây bay, không bao lâu sau đến được bảo châu an ổn. Thuyền trưởng nói với mọi người: “Trên bảo châu này lưu ly giả cùng lưu ly thật giống nhau, các vị nên xem xét kỹ rồi hãy lấy đừng để trở về bổn xứ phải hối hận. Lại nữa trên bảo châu này có loài La-sát Minh hạc khi gặp người sẽ phương tiện nói lời im dịu mê hoặc lòng người làm cho các vị mất mạng. Lại nữa trên bảo châu này có loại trái ăn sẽ bị say suốt trong bảy ngày không thể tỉnh dậy, các vị nên cẩn thận đề phòng. Lại nữa trên bảo châu này có loài phi nhơn nương ở, trong bảy ngày đầu cho chúng ta tùy ý nhưng sau bảy ngày sẽ nổi gió to phá hủy thương thuyền”. Mọi người nghe rồi đếu cảnh giác đề phòng, sau khi lấy được nhiều châu báu chất lên thuyền, thuyền trưởng cho nhổ neo trở về bổn xứ. Thuyền chủ ra biển tìm châu báu như vậy đến bảy lần thảy đều an ổn trở về, một hôm người mẹ bảo con: “Con nay nên cưới vợ để ổn định gia nghiệp”, người con nói: “Đợi con trả nợ xong sẽ làm theo ý mẹ”, người mẹ hỏi: “Tổ phụ con trước kia đâu có mắc nợ ai, vì sao con lại nói đợi con trả hết nợ?”, người con nói: “Con tự biết có”. Sau đó chàng trai này đem tứ bảo làm thành bốn con chuột rồi dùng mâm bằng bạc đựng đầy lúa bằng vàng, cuối cùng đặt bốn con chuột tứ bảo lên trên bưng tới nhà thương chủ mà mình đã đến trước kia. Lúc đó vị thương chủ này đang cùng nhiều người bạn nói về ông chủ tiệm vàng con chuột: “Các vị biết không, ông chủ tiệm vàng con chuột này có đại phước đức, ngói đá đến với ông ta đều thành vàng bạc…”, vừa nói đến đó thì người giữ cửa bước vào báo là có ông chủ tiệm vàng con chuột xin được gặp. Thương chủ bảo mời vào, chàng trai bưng mâm bạc đựng lúa vàng với bốn con chuột tứ bảo đến trước mặt thương chủ nói: “Đây là con chuột gốc của thương chủ và lợi tức của nó, xin thương chủ nhận cho”. Thương chủ nói: “Tôi không hề nhớ có cho ông vay tiền, cớ sao hôm nay nói là trả gốc lẫn lãi?”, chàng trai nói: “Tôi tự nhớ rất rõ”, nói rồi liền kể lại nhân duyên con chuột chết đem vất bỏ ở nhà thương chủ trước đó, thương chủ nghe rồi liền hỏi: “Cậu chính là con trai của trưởng giả ___ phải không?”, đáp phải, thương chủ nói: “Nếu cậu chính là con trai của người bạn cố tri thì tôi mới là người trả lại của cải cho cậu, đâu có chuyện cậu trả nợ cho tôi. Trước khi cha cậu đi ra biển có gởi một số của cải cho tôi… nay đã đến lúc tôi hoàn lại cho cậu”. Sau đó thương chủ đem trưởng nữ của mình gả cho chàng trai làm vợ.

“Này các Bí-sô, thương chủ xưa kia chính là thân ta, ông chủ tiệm vàng con chuột chính là Ngu-lộ. Xưa kia ta nói một câu liên quan tới con chuột chết làm nhơn giúp cho chàng trai trở thành người giàu có; ngày nay ta giáo thọ vài lời lại làm nhơn khiến Ngu-lộ tự siêng năng đoạn trừ phiền não, ra khỏi biển sanh tử, thành tựu quả thắng diệu, chứng cứu cánh Niết-bàn”.

Thời gian sau có một đại Y vương ở thành Vương xá tên là Thị phược ca nghe biết cụ thọ Ngu-lộ là người hết sức ngu độn nhưng chưa biết cụ thọ này đã chứng Thánh quả, Y vương suy nghĩ: “Nếu Thế tôn đến đây ta sẽ thỉnh Phật và Tăng đến nhà thọ thực chỉ trừ cụ thọ Ngulộ”. Lúc đó Thế tôn vì muốn hóa độ hữu tình nên từ thành Thất-la-phiệt du hành đến thành Vương xá trụ trong Trúc lâm bên ao Yết-lan-đạcca. Y vương nghe tin này liền đến Trúc lâm đảnh lễ Phật rồi ngồi một bên, Phật nói pháp yếu chỉ dạy được lợi hỉ rồi, Y vương liền bạch Phật: “Thế tôn, con xin thỉnh Thế tôn và tăng già sáng mai đến nhà con thọ thực”, Thế tôn im lặng nhận lời, Y vương đảnh lễ rối lui ra đến chỗ cụ thọ A-nan-đa bạch: “Đại đức, con vừa thỉnh Phật và tăng sáng mai đến nhà con thọ thực, trước oai đức của Phật con không dám nói là trừ cụ thọ Ngu-lộ”, A-nan-đà nói: “Tùy tâm Y vương mà phước được tăng trưởng”. Sau khi Y vương ra về, A-nan-đà đến chỗ Ngu-lộ nói: “Cụ thọ thông cảm, sáng mai Y vương thỉnh Phật và tăng đến nhà thọ thực nhưng nói chỉ trừ cụ thọ”, Ngu-lộ nghe rồi liền nói: “Tùy tâm Y vương mà phước được tăng trưởng”. Y vương trở về ngay trong đêm ấy chuẩn bị đầy đủ các món ăn thượng diệu để cúng dường, sáng ngày trải tòa để nước rửa chân rồi cho sứa giả đến báo là thời đến. Thế tôn sáng sớm đắp y mang bát cùng Đại chúng, trừ Ngu-lộ, đi đến nhà Y vương, sau khi an tọa rồi Phật bảo A-nan-đà chừa một chỗ ngồi cho Ngu-lộ. Lúc đó Y vương bưng bát vàng đựng nước tinh khiết mời Phật và tăng, nhưng Phật không chịu thọ dụng, Y vương bạch Phật: “Vì sao Thế tôn không thọ dụng nước uống này?”, Phật nói: “Này Y vương, vì Tăng chưa có mặt đầy đủ”, Y vương hỏi: “Hãy còn vị nào chưa đến?”, Phật nói: “Bí-sô Ngu-lộ chưa đến”, Y vương nói: “Con không có thỉnh mời vị ấy”, Phật nói: “Này Y vương, há chẳng phải ông đã thỉnh ta và tăng đến thọ thực hay sao?”, đáp: “Con đã thỉnh Phật và Tăng đến nhà con thọ thực”, Phật nói: “Này Y vương, Bí-sô Ngu-lộ ở ngoài số Tăng chúng hay sao?”, đáp: “Vị ấy không ở ngoài số Tăng chúng”, Phật nói: “Vậy thì nên cho người đến mời Ngu-lộ” , Thị phược ca nghe rồi liền suy nghĩ: “Vì kính Phật nên ta sai người đến mời chứ không do tôn trọng mà cúng dường”, nghĩ rồi liền bảo sứ giả đến Trúc lâm mời cụ thọ Ngu-lộ. Lúc đó Ngu-lộ trong Trúc lâm biết được ý nghĩ của Y vương liền hóa làm 1hai trăm năm mươi vị Bí-sô giống như Ngu-lộ, khi sứ giả đến nơi mời Ngu-lộ thấy các Bí-sô này đều giống nhau không biết ai là Ngu-lộ liền trở về báo lại, Phật liền bảo sứ giả: “Ngươi trở lại đó nói rằng: vị nào là Ngu-lộ thật xin mời đến”, sứ giả liền trở lại nói y theo lời Phật dạy. Lúc đó Ngu-lộ dùng thần thông đến nhà Y vương ngồi vào chỗ chừa cho mình. Thị phược ca thấy Ngu-lộ đến rồi liền dâng cúng thức ăn cho Phật và tăng nhưng đối với Ngu-lộ không có thành kính. Thế tôn suy nghĩ: “Đệ tử này của ta đức nặng như núi Diệu cao, Thị phược ca này ngu si tự làm thương tổn, ta nay nên hiển dương thắng đức của Ngu-lộ”. Sau khi thọ thực xong, cụ thọ A-nan-đà muốn lấy bát của Phật đem rửa nhưng Phật không cho lấy. Thường pháp của Phật là nếu Phật ăn xong chưa thu bát thì các Bí-sô cũng không thu bát. Ngu-lộ thấy các Bí-sô ăn xong mà chưa thu bát liền quán biết Thế tôn muốn hiển bày thắng đức của mình nên di chuyển nửa chỗ ngồi, duỗi cánh tay ra như cái vòi voi đến chỗ Thế tôn thu lấy bát. Lúc đó Y vương đang đứng bên đức Phật nhìn thấy cánh tay duỗi dài như cái vòi voi thu lấy bát, liền đưa mắt nhìn theo để xem là thần thông của đại đức nào, khi biết đây là thần thông của Ngu-lộ Y vương liền ngất xỉu ngã xuống đất. Thân tộc rưới nuớc lên mặt giây lâu mới tỉnh, tỉnh rồi liền đến chỗ Ngu-lộ đảnh lễ ai cầu sám tạ, nói kệ:

“Cây Chiên đàn tánh hằng mát lạnh,
Hoa Ốt-bát-la thể ngát hương,
Mâm vàng thường phát ánh sáng diệu,
Ngọc Phệ lưu ly thường sáng sạch,
Người tạo tội ác thường sân hại,
Như vẻ lên đá khó bôi xóa,
Thánh nhơn thường cùng chung diệu thiện,
Xin hãy thương xót tha thứ con”.

Lúc đó Ngu-lộ nói với Y vương: “Tôi thường tu nhẫn đâu có tâm hận”, sau đó Y vương đến chỗ Phật đảnh lễ rồi tiễn đưa Phật và Tăng ra về. Sau khi về đến trú xứ các Bí-sô đều có nghi thỉnh hỏi Phật: “Thế tôn, nhân duyên gì Thị phược ca khi chưa biết cụ thọ Ngu-lộ có chơn thật đức thì không cung kính; biết rồi liền đảnh lễ ai cầu sám tạ?”, Phật nói: “Không phải ngày nay mới có việc như vậy, xưa kia cũng đã xảy ra việc tương tợ như thế, các thầy khéo lắng nghe:

Thuở xưa có một vị vua tên là Phạm-ma-đạt-đa, lúc đó ở phương Bắc có một người buôn ngựa dẫn năm trăm thớt ngựa đi đến nước trung phương, trong số năm trăm con ngựa này có một con Thảo mã mang thai lại là Trí mã. Từ khi con Thảo mã mang thai Trí mã, cả bầy ngựa đều không hí nữa; người buôn ngựa cho là cả bầy ngựa đều mắc bịnh nên không hí, đến khi con Thảo mã sanh ra Trí mã, cả bầy ngựa đều đứng xũ tai không dám khua động, người buôn ngựa cho là do sanh con ngựa con này nên có điều bất tường như vậy, nên đối với con ngựa con này không có thương mến. Người buôn ngựa đi về phương Nam dần dần đến ranh giới nước Trung phương, dừng lại ở một thôn xóm tên là Cung thị vì lúc này đang là mùa Hạ trời mưa, nếu tiếp tục đi bầy ngựa dễ bị sút móng, người buôn ngựa sợ bầy ngựa bịnh nặng thêm, gây tổn thất cho ông nên dừng ở đây một thời gian cho đến khi mãn mùa mưa. Khi mới đến ở được mọi người trong thôn biếu tặng món này món kia nên khi ra đi người buôn ngựa cũng biếu tặng lại mọi người trong thôn món này món kia. Lúc đó vợ của người thợ gốm bảo chồng đến tiễn đưa người buôn ngựa, mục đích để được biếu tặng lại vì trước đó người thọ gốm này có tặng người buôn ngựa một món bằng sứ. Để tiễn đưa người thợ gốm làm một cái ấn kiết tường bằng bùn nhuyễn đem tặng người buôn ngựa, người buôn ngựa nhận tặng vật rồi nói: “Rất tiếc ông đã đến trễ vì hàng hóa đã đưa đi trước rồi, hiện giờ tôi chị còn con ngựa con này nếu ông cần thì tùy ý dẫn nó đi”, người thợ gốm nói: “Trong nhà tôi toàn là sản phẩm gốm, nếu đem con ngựa này về, nó chạy nhảy đạp bể hết thì sao, đối với tôi nó là con vật vô dụng”. Con ngựa nghe rồi liền bước đến quỳ bên người thợ gốm liếm chân ông khiến ông sanh ái niệm đổi ý nhận lấy và dẫn nó về nhà. Về đến nhà người vợ hỏi được biếu tặng món gì, người thọ gốm chỉ con ngực con, người vợ nói: “Con ngựa này ư, nó sẽ đạp bể hết đồ gốm của chúng ta”. Con ngựa nghe rồi liền bước tới liếm chân bà vợ khiến bà khởi tâm yêu mến nó, hằng ngày nó tới lui trong sân chỗ phơi đồ gốm nhưng không hề đụng bể cái nào, hai vợ chồng thợ gốm nói: “Con ngựa này thật dễ thương, đi trong chỗ phơi đồ gốm mà chẳng gây tổn thất gì”. Khi người thợ gốm đi xa lấy đất về để làm đồ gốm thì con ngựa này theo sau, khi lấy đất xong nó khom lưng xuống cho người thợ gốm đặt lên rồi nó từ từ chở đất về nhà. Người chồng nói với vợ: “Con ngựa này thật dễ thương, nó thay tôi làm công việc nặng nhọc, bà nên thường lấy cám gạo trộn với cặn dầu mè cho nó ăn nhé”. Lúc đó ở nước Ba-la-nê-tư, con Trí mã của vua Phạmma-đạt-đa bị bịnh chết, các nước Biên phương liền sai sứ đến uy hiếp vua: “Từ nay nhà vua phải nộp cống phẩm cho nước tôi, không nộp thì không được ra khỏi thành, nếu ra khỏi thành chúng tôi sẽ vây bắt”, nhà vua nghe rồi nhưng không muốn nộp cống phẩm và cũng không dám ra khỏi thành. Khi nghe tin có người buôn ngựa dẫn năm trăm con ngựa vào trong nước của mình, vua liền bảo đại thần: “Lâu nay ta thường được thắng trận là nhờ có con trí mã, nay nó chết ta bị các nước Biên phương khinh thị, nay ta tạm ẩn trong thành một thời gian, các khanh ra ngoại tìm cho ta một con Trí mã khác”. Đại thần tuân lịnh vua cùng một người coi tướng ngựa đến chỗ người buôn ngựa để xem tướng ngựa, vừa nhìn thấy bầy ngựa người xem tướng ngựa liền biết bầy ngựa này đã bị một con Trí mã điều phục, nhưng tìm không ra con Trí mã đó. Khi nhìn thấy con Thảo mã mẹ, người xem tướng ngựa liền biết con ngựa này đã sanh được con Trí mã, liền hỏi người buôn ngựa: “Trong bầy ngựa của ông, ông có bán cho ai một con ngựa nào chăng?”, người buôn ngựa nói: “Tôi chưa bán cho ai, nhưng có một con ngựa con tôi cho là điều bất thường nên đã đem cho người thợ gốm trong thôn xóm tên là Cung thị”. Người xem tướng ngựa nói với đại thần: “Con ngựa con đó chính là con Trí mã, người buôn ngựa này không phân biệt được là tuấn mã nên đã đem vất bỏ đề hồ thượng vị”. Đại thần liền trở về tâu vua, vua bảo đại thần cùng người xem tướng ngựa đến thôn Cung thị tìm nhà người thợ gốm, đến nơi vị đại thần hỏi thợ gốm: “Ông đang dùng con ngựa này vào việc gì?”, đáp: “Dùng để chở đất”, đại thần nói: “Tôi đem con lừa đổi cho ông được không?”, đáp không được, đại thần nói: “Tôi đem một cổ xe với bốn con trâu đổi cho ông, ông có chịu không?”, đáp: “Tôi yêu mến con ngựa này, xe và trâu đối với tôi vô dụng”, đại thần nói: “Ông hãy suy nghĩ lại, ngày mai chúng tôi đến nữa”, nói xong liền cáo từ. Thời đó con ngựa có thể nói được tiếng người, sau khi các quan ra về, con ngựa hỏi chủ: “Họ đã nói gì với ông?”, người thợ gốm nói: “Họ muốn đổi lấy mầy”, con ngựa nói: “Sao ông không chịu đổi, ông không nên có ý nghĩ giữ tôi lại để chở đất cho ông. Nếu có vị vua dòng Sát-đếlợi thọ ngôi quán đảnh, tôi sẽ chở vị ấy trên lưng. Nếu ngày mai họ đến hỏi nữa thì ông nên đòi một ức vàng hoặc có thể đựng vàng trong một cái bao cột vào chân tôi để tôi kéo đi cho đến khi nào tôi kéo không nổi thì ông mới chịu đổi”. Ngày mai các quan lại đến, người thợ gốm nói y theo lời Trí mã dặn, người xem tướng ngựa nói với đại thần: “Người thợ gốm này ngây ngô đâu biết là ngựa này là Trí mã, chỉ là con Trí mã này muốn báo ân chủ nên đã dạy ông ta nói như thế. Ta nên trả cho ông ta một ức vàng vì sức của Trí mã có thể kéo bao vàng gấp bội một ức”. Đại thần liền sai sứ về tâu vua đã tìm được trí mã với giá một ức vàng, vua liền đưa cho sứ giả một ức vàng mang đến đó đổi lấy con trí mã. Trí mã về đến nước Ba-la-nê-tư được đưa vào chuồng bậc nhất ăn toàn bằng lúa mạch và cỏ non nhưng Trí mã không chịu ăn. Nhà vua đến xem thấy trí mã không ăn hỏi người chăm sóc ngựa: “Có phải Trí mã bị bịnh không?”, người chăm sóc ngựa nói: “Trí mã thật không có bịnh”, liền nói kệ hỏi trí mã:

“Ngươi há không nhớ nơi lò gốm,
Lúa mạch, cỏ non thường thiếu thốn,
Thân thể ốm gầy da bọc xương,
Đói lòng ra đồng ăn lúa mạ,
Ngày đêm theo ý ông thợ gốm,
Thân thường chở đất bị khốn nhục,
Nay được quốc vương cởi đi đầu,
Cớ sao không ăn lại ưu sầu”.

Trí mã bất nhẫn nói kệ đáp:

“Chân tôi khỏe, lòng tôi kiêu dũng,
Trí huệ xét rõ không các lỗi,
Tôi có thắng đức ông đều biết,
Nhưng sao mọi người lại khinh mạn,
Là thiện hay ác chỉ ông biết,
Phép xưa sao không tuân hành theo,
Nay tôi không ăn cam chịu chết,
Sống làm chi bị người coi thường,
Ngay cả kẻ ngu cũng khinh thường,
Tôi vốn không sanh tâm lo buồn,
Nhưng khi thấy ông rẻ rúng tôi,
Tôi mới ưu sầu không thiết sống”.

Người chăm sóc ngựa nghe rồi tâu với vua: “Nay Đại vương nên dùng theo pháp của Tiên nhơn ngày xưa để đối xử Trí mã, nếu không Trí mã không chịu ăn”, vua hỏi: “Pháp của Tiên nhơn ngày xưa như thế nào?”, người chăm sóc ngựa nói: “Cách thành ba trạm tu sửa đường sá với phướn lọng trang nghiêm, Đại vương dẫn bốn binh ra nghinh đón. Chỗ ở của Trí mã phải dùng lá đồng đỏ lót trên mặt đất, Đông cung thái tử cầm lọng vàng che phía trên, trưởng nữ của Đại vương cầm phất trần bằng kim bảo đuổi muỗi mòng, Quốc đại phu nhơn ướp mật vào gạo thơm đựng trong mâm vàng bưng đến cho Trí mã ăn, Đệ nhất đại thần cầm cái sàng bằng vàng để hứng phân”. Vua nói: “Nếu theo nghi thức đó e rằng không ổn”, người chăm sóc ngựa nói: “Nghi thức này chỉ có trong bảy ngày mà thôi”. Vua hạ lịnh y theo nghi thức ấy mà làm, Trí mã bèn ăn uống, người chăm sóc ngựa nói kệ:

“Đại vương đối với ngươi,
Cung cấp theo ý muốn,
Nay ngươi được vừa ý,
Phải tận tâm với vua”.

Trí mã nói: “Tôi sẽ nghe theo lời ông”. Lúc đó nhà vua muốn đến vườn uyển, các quan dùng vật báu thù diệu làm yên cương hết sức trang nghiêm, Trí mã thấy vua sắp ngự liền khom lưng xuống, nhà vua cho rằng trí mã đau lưng, người chăm sóc ngựa nói: “Trí mã sợ vua khó lên yên nên khom lưng xuống”. Vua ngự trên ngựa đi đến bên sông thì Trí mã không chịu đi tới, vua cho là ngựa sợ nước, người chăm sóc ngựa nói: “Trí mã sợ ướt thân vua nên không tiến tới”, nói rồi liền bao bọc đuôi ngựa lại, ngựa mới chịu tiến qua sông. Nhà vua vào trong vườn Uyển hưởng hoan lạc trong nhiều ngày, các nước biên cương nghe tin này liền kéo binh đến vây thành, nhà vua bèn cỡi Trí mã đi cửa sau để vào thành. Trên đường vào thành có cái ao lớn tên là Diệu phạm, trong ao có nhiều loại sen che phủ mặt ao, Trí mã khi đến bên ao, chân đạp trên hoa sen đi qua để vào thành. Giặc bên ngoài nghe biết liền bỏ chạy tứ tán, vua vui mừng bảo quần thần: “Nếu ai cứu được mạng sống của vua quán đảnh dòng Sát-đế-lợi thì người ấy phải được đền ơn xứng đáng. Nay ta cho mở hội Vô già phi thời để ăn mừng”. Các quan tuân lịnh cho mở đại hội Vô già phi thời, lúc đó người buôn ngựa nghe biết tin này liền suy nghĩ: “Có thật con ngựa con đó chính là trí mã hay không, ta nên đến xem thử”, nghĩ rồi liền đi đến chỗ Trí mã, Trí mã thấy người buôn ngựa liền hỏi: “Ông bán hết cả bầy ngựa được bao nhiêu, một mình tôi dùng một ức vàng để trả ơn người thợ gốm”, người buôn ngựa nghe rồi liền ngất xỉu, mọi người rưới nước vào mặt giây lâu mới tỉnh, tỉnh rồi liền bước tới ôm chân Trí mã, sau đó buồn bã ra về.

Này các Bí-sô, người buôn ngựa xưa kia chính là Y vương Thị phược ca, Trí mã chính là Bí-sô Ngu-lộ. Người buôn ngựa xưa kia khi chưa biết thắng đức Trí mã bèn coi thường, sau khi biết được thắng đức mới ăn năn; ngày nay Thị phược ca khi chưa biết thắng đức của Ngu-lộ bèn kiêu mạn, khi biết được thắng đức liền hối hận sám tạ. Cho nên phàm phu không có mắt huệ thì không nên vội sanh tâm khinh mạn người khác; người trí nên dùng mắt huệ tùy chỗ quán xét, các thầy nên học như thế”.

Học Xứ Thứ Hai Mươi Hai: GIÁO THỌ BÍ SÔ NI ĐẾN CHIỀU TỐI

Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc rừng Thệ-đa thành Thất-la-phiệt, lúc đó Phật bảo cụ thọ Nan-đạc-ca thuyết pháp giáo thọ Bí-sô ni. Cho nên Bí-sô ni Liên-hoa-sắc cùng năm trăm đồ chúng đến chỗ cụ thọ Nan-đạc-ca đảnh lễ rồi ngồi một bên nghe thuyết diệu pháp. Do Nanđạc-ca dùng cú nghĩa viên mãn kheo thuyết giảng nên ni chúng nghe quên cả thời gian, mãi đến chiều tối mới trở về thì cửa thành đã đóng, chư ni kêu mở cửa, người giữ cửa thành nói: “Thành đã đóng rồi”, chư ní nói: “Cha ngươi là người kính tín, ngươi nên mở cửa cho chúng ta vào thành”, người giữ cửa thành nói: “Tôi đã giao chìa khóa cho người của nhà vua rồi nên không thể mở được”. Chư ni không vào thành được đành phải vào trong rừng Không viên nghỉ qua đêm, lúc đó chư ni phân chia chỗ nghỉ, đây là chỗ của thánh giả ___, kia là chỗ của Thánh giả ___ nên gây ra tiếng khiến cho năm trăm tên cướp ở ngoài bìa rừng nghe được. Chúng bàn với nhau: “Chúng ta khoan hãy vào thành trộm cướp, nên trộm cướp của mấy cung nhơn già này trước”. Lúc đó Liênhoa-sắc quán biết có giặc cướp, không muốn cho chúng cướp đoạt tài vật của các vị đồng phạm hạnh nên dùng thần lực hóa làm quân binh của Tỳ-lô-trạch gia nổi chiên trông khắp bốn phía khiến cho bọn giặc hoảng sợ bỏ chạy. Trời vừa sáng chư ni liền vào thành, các Bà-la-môn cư sĩ trông thấy liền chê trách: “Sa môn Thích tử tu tịnh hạnh mà nam nữ ở chung, chư ni sáng sớm mới vào thành”. Các Bí-sô thiểu dục nghe biết liền bạch Phật, Phật do nhân duyên này nhóm họp các Bí-sô… cho đến câu: … Nơi Tỳ-nại-da chế học xứ này cho các Bí-sô như sau: “Nếu lại có Bí-sô tuy được chúng sai giáo thọ Bí-sô ni, đến mặt trời lăn mà vẫn còn giáo thọ thì phạm Ba-dật-để-ca.”

Nếu lại có Bí-sô là chỉ cho Nan-đạc-ca.

Trong học xứ này tướng phạm như thế nào?:

Chiều tối tưởng là chiều tối và nghi đều phạm Đọa. Chưa chiều tối tưởng là chiều tối và nghi thì phạm Ác-tác. Không phải chiều tối tưởng không phải chiều tối hoặc tuy chiều tối mà tưởng là không phải chiều tối thì không phạm. Suốt đêm nói pháp, cửa chùa gần nhau, cửa thành không đóng thì không phạm. Không phạm nữa là người phạm ban đầu hoặc si cuồng tâm loạn bị thống não bức bách.

Lúc đó các Bí-sô thỉnh hỏi Phật: “Tại sao ni Liên-hoa-sắc giúp cho năm trăm ni thoát khỏi nạn giặc cướp?”, Phật nói: “Không phải chỉ ngày nay ni Liên-hoa-sắc giúp ni chúng thoát nạn mà đời qua khứ cũng đã giúp như thế, các thầy lắng nghe:

Thuở xưa có một thương chủ ở trong một thôn xóm cưới vợ chưa bao lâu thì nói với vợ là muốn đến phương khác buôn bán cầu tài lợi, người vợ muốn cùng đi, người chồng nói: “Đường sá xa xôi nhiều hiểm nạn đâu thể giúp nhau, em nên ở nhà”, người vợ khóc lóc đòi đi, người bạn đồng hành liền khuyên người chồng nên cho đi cùng, người chồng đành phải cho người vợ đi cùng. Trên đường đi khi dừng nghỉ trên núi, mọi người đều ngủ say chỉ có người vợ thương chủ còn thức. Lúc đó có sư tử đến, người vợ này cầm đuốc lửa quay vòng để xua đuổi sư tử, trên không trung chư thiên nói kệ:

“Chưa chắc các sự nghiệp,
Nam tử đều làm được,
Tuy là thân nữ nhơn,
Có trí đuổi sư tử”.

Này các Bí-sô, người vợ thương chủ xưa kia chính là ni Liên-hoasắc trong đêm đã cứu đoàn thương buôn thoát nạn sư tử; ngày nay cũng trong đêm xua đuổi bọn cướp cứu thoát chư ni”.

Học Xứ Thứ Hai Mươi Ba: HỦY BÁNG NGƯỜI KHÁC VÌ THỨC ĂN NÊN GIÁO THỌ BÍ SÔ NI

Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc rừng Thệ-đa thành Thất-la-phiệt, lúc đó Phật bảo Nan-đạc-ca thuyết pháp giáo thọ Bí-sô ni cho nên Đại thế chủ dẫn năm trăm đồ chúng đến chỗ Nan-đạc-ca đảnh lễ rồi ngồi một bên nghe pháp. Nan-đạc-ca dùng âm thanh vi diệu trình bày cú nghĩa nhưng nhiều vị ni thiểu trí không hiểu được, vì sợ nên không dám hỏi. Đại thế chủ cùng chư ni nghe pháp xong đến chỗ Phật đảnh lễ rồi ngồi một bên, Đại thế chủ bạch Phật: “Chúng con vừa ở chỗ cụ thọ Nanđạc-ca nghe pháp, tuy cụ thọ giảng cú nghĩa vi diệu nhưng có nhiều ni thiểu trí không hiểu được, vì sợ nên không dám hỏi. Như Phật đã dạy do bố thí nên được vô úy, nếu Thế tôn chấp thuận cho ni chúng cúng dường giáo thọ sư, chúng con sẽ tùy sức cúng dường”. Phật nói: “Hãy 2 tùy theo ý muốn của chư ni”. Chư ni không biết cúng dường những gì, Phật nói: “Nên dùng năm thứ chánh thực hoặc năm thứ tước thực hoặc các vật cần dùng như dây lưng…”. Lúc đó Lục chúng như thường lệ có một người đứng ngoài cửa ngõ, hôm đó Ô-ba-nan-đà đứng thấy Bí-sô ni đi đến liền hỏi: “Cô bưng cái gì đó?”, đáp là bưng cháo sữa và thức ăn ngon, hỏi bưng cho ai, đáp là cho cụ thọ Nan-đạc-ca, Ô-ba-nan-đà nói: “Nếu tôi thường được cháo sữa và thức ăn ngon như thế, tôi sẽ thường giáo thọ ni chúng”. Sau đó lại có Bí-sô khác mang bánh trái đến cũng nói là cho Nan-đạc-ca , Ô-ba-nan-đà nói: “Tôi cho là Nan-đạc-ca dùng tâm như pháp nói pháp cho ni chúng, không ngờ Nan-đạc-ca vì chút thức ăn mà giáo thọ ni chúng”. Các Bí-sô thiểu dục nghe biết liền chê trách: “Tại sao Bí-sô lại nói vì thức ăn nên giáo thọ ni chúng”, đem việc này bạch Phật, Phật do nhân duyên này nhóm họp các Bí-sô… cho đến câu: … Nơi Tỳ-nại-da chế học xứ này cho các Bí-sô như sau: “Nếu lại có Bí-sô nói với Bí-sô khác rằng: Thầy vì được cúng dường thức ăn nên giáo thọ Bí-so ni thì phạm Ba-dật-để-ca”.

Nếu lại có Bí-sô là chỉ cho Ô-ba-nan-đà.

Trong học xứ này tướng phạm như thế nào?

Nếu Bí-sô nói với Bí-sô khác rằng: Thầy vì thức ăn nên giáo thọ ni chúng thì phạm Đọa. Nếu thấy Bí-sô thật vì thức ăn nên giáo thọ ni chúng mà nói thì không phạm. Không phạm nữa là người phạm ban đầu hoặc si cuồng tâm loạn bị thống não bức bách.

Học Xứ Thứ Hai Mươi Bốn: ĐEM Y CHO BÍ SÔ NI KHÔNG PHẢI BÀ CON

Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc rừng Thệ-đa thành Thất-la-phiệt, trong thành có hai vợ chồng trưởng giả sống với nhau đã lâu mà không có con, đến tuổi già suy bạn bè xa lánh, tài sản và các vật tư sanh cũng sắp cạn kiệt nên người chồng nói với vợ: “Nay tôi đã già không thể kiếm tiền được nữa, tôi muốn xuất gia”, người vợ nói: “Tôi cũng muốn xuất gia”. Sau đó hai người cùng đến chỗ Đại thế chủ đảnh lễ, người chồng bạch rằng: “Thánh giả, vợ tôi muốn ở trong pháp luật khéo thuyết giảng xuất gia thọ viên cụ”, Đại thế chủ hỏi biết không có nạn duyên liền cho xuất gia và thọ viên cụ. Người chồng đến chỗ một Bí-sô trong rừng Thệ-đa cầu xuất gia, Bí-sô hỏi nạn duyên rồi liền cho xuất gia và thọ viên cụ. Người trong thành nghe biết hai vợ chồng trưởng giả đều xuất gia khen là hi hữu đều đem thức ăn, y phục, ngọa cụ… đến cúng dường. một hôm Bí-sô này mặc thượng phục đến thăm Bí-sô ni Cố nhị, ni này đảnh lễ rồi ngồi một bên, thỉnh thoảng đưa mắt nhìn đại y của Bí-sô, Bí-sô hỏi: “Ý cô muốn được đại y này phải không?”, đáp là muốn được, Bí-sô suy nghĩ: “Thật khó làm trái ý, ta cho rồi sẽ may lại cái khác”, nghĩ rồi liền đem y cho ni Cố nhị. Lúc đó Thế tôn bổng bảo A-nan-đà: “Thầy đến thông báo cho các Bí-sô biết Như lai sắp du hành đến nước Ma-kiệt-đà, các vị nào muốn tùy tùng thì sửa soạn hành trang”, A-nanđà vâng lời Phật dạy đi thông báo. Thường pháp của chư Phật là khi sắp sửa lên đường, Thế tôn quay lại quan sát đại chúng y phục có nghiêm trang, oai nghi có tề chỉnh không, liền thấy Bí-sô trưởng giả không đắp đại y mà muốn theo Phật du hành, Thế tôn liền hỏi A-nan-đà, A-nan-đà liền đem sự việc trên bạch Phật, Phật hỏi: “Bí-sô đó đem y cho vị ni đó có phải là bà con không?”, đáp là không phải bà con, Phật nói: “Nếu ni không phải là bà con thì không biết trù lượng Bí-sô có y hay không có y, được cho y liền nhận lây; nếu là ba con thì sẽ không làm như thế”. Thế tôn do nhân duyên này quở trách Bí-sô trưởng giả rồi chế học xứ như sau: “Nếu lại có Bí-sô đem y cho Bí-sô ni không phải là bà con, trừ trao đổi, phạm Ba-dật-để-ca”. Nếu lại có Bí-sô là chỉ cho người trong pháp luật này.

Trong học xứ này tướng phạm như thế nào?

Ni không phải bà con khởi tưởng không phải bà con và nghi mà đem y cho thì phạm Đọa. Nếu là bà con khởi tưởng không phải bà con và nghi mà đem y cho thì phạm Ác-tác. Nếu là bà con khởi tưởng bà con hoặc không phải bà con khởi tưởng là bà con đem y cho thì không phạm. Nếu ni gặp nạn duyên không có y mặc đem cho thì không phạm. Nếu vì nói pháp mến mộ đem y cho hoặc nhơn thọ giới mà cho hoặc mua cho hoặc trao đổi đều không phạm. Không phạm nữa là người phạm ban đầu hoặc si cuồng tâm loạn bị thống não bức bách.