CĂN BẢN THUYẾT NHẤT THIẾT HỮU BỘ TỲ NẠI DA

Hán dịch: Đời Đường Tam Tạng Pháp Sư Nghĩa Tịnh 
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

QUYỂN 31

Học Xứ Thứ Hai Mươi Mốt: TĂNG KHÔNG SAI VỘI GIÁO THỌ BÍ SÔ NI (Tiếp Theo)

Nhiếp Tụng:

Lục chúng dạy phi lý,
Đại-lộ và Tiểu Lộ,
Phật khiến hiển thắng đức,
Kể lại nhơn duyên xưa,
Nhơn chuột được giàu có,
Y vương khởi tâm mạn,
Kể việc của Trí mã,
Không phải Thánh chớ lường.

Do Phật bảo các Bí-sô kỳ túc theo thứ lớp đến giáo thọ ni chúng, lúc đó tới phiên Lục chúng Bí-sô, khi đến giáo thọ Bí-sô ni cùng họ cười nói giỡn cợt hoặc dùng thân tay sờ mó nhau, cô nào ưa thích thì cùng làm việc phi pháp, cô nào không ưa thích thì ra ngoài chê trách. Các Bísô ni thiểu dục trì giới liền đem việc này bạch các Bí-sô, các Bí-sô bạch Phật, Phật nói: “Tuy theo thứ lớp nhưng không nên sai Lục chúng Bí-sô giáo thọ Bí-sô ni”. Chúng tăng nghe lời Phật dạy không sai, nhưng Lục chúng Bí-sô vẫn theo thứ lớp đến giáo thọ ni chúng và cũng giống như trước làm việc phi pháp, Phật nói: “Nếu không được tăng sai thì không nên giáo thọ ni chúng”. Sau đó Lục chúng liền ra ngoài giới tác pháp sai lẫn nhau, Phật nói: “Không được ra ngoài giới tác pháp sai lẫn nhau”. Sau đó Lục chúng ở trong giới lấy cớ bịnh gởi dục biệt chúng sai lẫn nhau, Phật nói: “Không được biệt chúng sai người, nên vào ngày mười lăm lúc làm lễ trưởng tịnh, chúng tăng tập họp đầy đủ, vào lúc đó Tăng tác pháp sai người đến giáo thọ ni chúng. Trước nên hỏi Bí-sô: “Cụ thọ có thể giáo thọ Bí-sô ni không?”, nếu đáp có thể thì Tăng nên sai một Bí-sô bạch nhị yết ma như sau: Đại đức tăng già lắng nghe, Bí-sô này tên ___ là người đến gióa thọ Bí-sô ni, Bí-sô này tên ___ bằng lòng đến giáo thọ Bí-sô ni. Nếu tăng đúng thời đến, tăng chấp thuận, nay Tăng sai Bí-sô tên ___ đến giáo thọ Bí-sô ni, Bí-sô này bằng lòng giáo họ Bí-sô ni. Bạch như vậy.

Đại đức Tăng già lắng nghe, Bí-sô này tên ___ là người đến giáo thọ Bí-sô ni, Bí-sô này bằng lòng giáo thọ Bí-sô ni. Nay tăng chấp thuận sai Bí-sô tên ___ đến giáo thọ Bí-sô ni, nếu cụ thọ nào chấp thuận sai Bí-sô tên ___ đến giáo thọ Bí-sô ni thì im lặng, ai không chấp thuận thì nói. Tăng nay chấp thuận sai Bí-sô tên ___ đến giáo thọ Bí-sô ni rồi vì im lăng. Tôi nay nhớ giữ như vậy.

Lúc đó các Bí-sô tác pháp sai người đến giáo thọ ni chúng mà không có lựa chọn, Phật nói: “Nếu tự mình không điều phục thì không thể nào điều phục được người khác; nếu tự mình không tịch tĩnh thì không thể nào làm cho người khác được tịch tĩnh; nếu tự mình không an lạc thì không thể nào làm cho người khác được an lạc; nếu tự mình không đoạn diệt thì không thể nào làm cho người khác được đoạn diệt; nếu tự mình sa vào bùn tham dục thì không thể nào cứu vớt được người khác. Các Bí-sô không nên không lựa chọn mà vội sai, nếu Bí-sô hội đủ bảy pháp thì chúng nên sai giáo thọ Bí-sô ni, đó là: Trì giới, đa văn, là bậc kỳ túc, rành ngôn ngữ đô thành, không từng làm nhơ nhiễm Bísô ni, khéo hay phân biệt tám pháp Tha thắng và khéo hay giải thích tám pháp tôn trọng. Sao gọi là trì giới? là đối với bốn pháp Ba-la-thị-ca không phạm một pháp nào. Sao gọi là Đa văn? Là thông suốt hai bộ giới kinh. Sao gọi là bậc kỳ túc? Tức là thọ viên cụ đủ hai mươi năm hoặc hơn. Sao gọi là rành ngôn ngữ đô thành? Có thể hiểu được ngôn ngữ của thành đô và thông cả tiếng địa phương. Sao gọi là không từng làm nhơ nhiễm Bí-sô ni? Tức là không hề cùng ni hai thân xúc chạm nhau, nếu lở có phạm thì đã như pháp sám hối. Sao gọi là khéo hay phân biệt tám pháp tha thắng? Là khéo biết rõ khai giá của tám pháp đầu. Sao gọi là khéo giải thích tám pháp tôn trọng? Là đối với tám việc này kheo hay khai diễn. Nếu Bí-sô hội đủ tám pháp này chúng nên sai giáo thọ Bí-sô ni. “Lúc đó Lục chúng Bí-sô không được chúng sai vẫn tự tiện đến giáo thọ ni chúng, các Bí-sô thiểu dục liền chê trách rồi bạch Phật, Phật do nhân duyên này nhóm họp các Bí-sô… cho đến câu: … Nơi Tỳ-nại-da chế học xứ này cho các Bí-sô như sau: “Nếu lại có Bí-sô, Tăng không sai mà tự đến giáo thọ Bí-sô ni, phạm Ba-dật-để-ca.”

Trong thành Thất-la-phiệt có một Bà-la-môn cưới vợ không bao lâu sau liền sanh một đứa con nhưng không may mạng chung, thời gian sau người vợ lại có thai, Bà-la-môn này lo sợ đứa con sắp sanh ra sẽ chết giống như đứa con đầu nên ngồi chống má ưu sầu. Bà cụ hàng xóm thấy vậy liền nói: “Ngày nào vợ ông sanh, hãy đến kêu tôi”. Sau đó vợ ông đến ngày sanh, ông liền đến báo tin cho bà cụ , bà cụ vừa tới thì người vợ đã sanh được một đứa con trai, bà liền bồng đứa bé tắm rửa sạch sẽ, lấy bạch điệp mới quấn quanh thân bé rồi nhỏ sanh tô thượng diệu vào miệng của bé. Bà kêu đứa tớ gái đên bảo rằng: “Ngươi hãy bồng đứa bé này đến ngã tư Đại-lộ, nếu thấy có sa môn, Bà-la-môn nào đi qua, ngươi nên chí thành chí kính thưa rằng: “Đứa bé này xin được kính lễ dưới chân của Thánh giả”. Như vậy cho đến chiều tối nếu đứa bé còn sống thì bồng về, nếu chết thì bỏ chỗ nào tùy ngươi rồi trở về đây”. Đứa tớ gái vâng lời bồng đứa bé đặt ở ngã tư Đại-lộ, hễ thấy có sa môn, Bà-la-môn nào đi ngang qua đều nói như lời bà cụ dặn và họ đều chú nguyện cho đứa bé được không bịnh, sống lâu, thiên thần ủng hộ và sở nguyện của cha mẹ đứa bé được viên mãn. Lúc đó thế tôn cũng đắp y mang bát đi ngang qua Đại-lộ này và cũng chú nguyện cho đứa bé giống như trên. Đến chiều đứa tớ gái thấy đứa bé vẫn còn sống bèn bồng về nhà, cha mẹ đứa bé hết sức vui mừng bèn nhóm họp thân tộc lại làm tiệc để chúc mừng và muốn thân tộc dặt tên cho đứa bé. Thân tộc bàn với nhau: “Đứa bé này mới sanh ra đem đặt nơi ngã tư Đại-lộ, vậy nên đặt tên là Đại-lộ”. Đồng tử Đại-lộ này do được nuôi dưỡng tốt nên mau khôn lớn, học thông các nghề kỷ xảo , các môn toán số… cho đến các nghi thức của Bà-la-môn như cách ăn mặc, tẩy tịnh, xướng tụng… thảy đều thông suốt, lại còn học thông bốn minh luận và sáu tác nghiệp có đầy đủ đại trí huệ giáo thọ cho năm trăm đồng tử. Mẹ của Đại-lộ thời gian sau lại có thai, đến ngày sanh bà cụ hàng xóm lại đến cũng giống như lần trước bảo đứa tớ gái bồng hài nhi đặt ở ngã tư Đạilộ, hễ thấy có sa môn, Bà-la-môn nào đi ngang qua đếu chí thành chí kính nói như lần trước, đến chiều nếu còn sống thì bồng về… giống như lần trước, nhưng lần này đứa tớ gái không đặt hài nhi ở Đại-lộ mà đặt ở tiểu lộ. Đến chiều thấy đứa bé còn sống liền bồng về nhà, cha mẹ đứa bé vui mừng mở tiệc… giống như lần trước, thân tộc bèn đặt tên cho đứa bé là Tiểu Lộ. Tiểu lộ dần dần lớn khôn không được thông minh trí huệ như anh vì bẩm tánh ngu độn, thầy giáo thọ dạy Tiểu Lộ học chương Tất Đàm, chỉ có hai chữ Tất Đàm nhưng Tiểu Lộ học chữ Tất thì quên chữ Đàm, học chữ Đàm liền quên chữ Tất nên vị thầy đến nói với cha mẹ của Tiểu lộ là không thể dạy được nữa. Cha mẹ nghe rồi liền suy nghĩ: “Đâu phải tất cả Bà-la-môn đều có văn học, ta nên tìm minh sư dạy cho con học Minh luận”, nghĩ rồi liền dẫn đến chỗ Minh sư cho đọc tụng Minh luận, chỉ có hai chữ Bồng Cống nhưng Tiểu Lộ hễ học chữ Bồng thì quên chữ Cống, học chữ Cống liền quên chữ Bồng, giống như thầy dạy trước Minh sư cũng nói với cha mẹ của Tiểu lộ là không thể dạy được nữa. Cha mẹ nghe rồi liền suy nghĩ: “Đâu phải tất cả Bà-la-môn đều có thể tụng tập, chỉ cần thuộc dòng họ Bà-la-môn thì không đến nổi chịu khổ sở”. Do bẩm tánh ngu độn nên tên Tiểu Lộ dần dần trở thành Ngu-lộ, thời gian sau người cha bịnh nặng kêu Đại-lộ đến nói rằng: “Sau khi cha mất, đối với con cha chẳng có gì lo lắng, chỉ lo cho Ngu-lộ không hiểu biết. Vì vậy con chớ khinh khi nó, an nguy có nhau, trước sau nên giúp đỡ lẫn nhau mới hết nghĩa anh em”. Như Phật đã dạy:

“Tích tụ đều tiêu tán,
Cao ngất ắt rơi rớt,
Sum họp rồi biệt ly,
Có sống đều phải chết”.

Nói xong người cha qua đời, hai người con đau buồn đưa thi thể cha vào rừng thiêu đốt rồi ưu buồn trở về nhà. Lúc đó tôn giả Xá-lợi-tử và tôn giả Mục-kiền-liên cùng năm trăm Bí-sô đến nước Kiều-tát-la du hành dần dần đến thành Thất-la-phiệt , dân chúng trong thành nghe tin liên cúng ra thành nghinh đón. Lúc đó Đại-lộ đang dạy học cho năm trăm người ở dưới một tàng cây, thấy dân chúng cùng ra thành liền hỏi học trò: “Họ đi đâu thế?”, học trò đáp: “Họ ra thành nghinh đón hai tôn giả Xá-lợi-tử và Mục-kiền-liên”. Đại-lộ nói: “Ta nghe nói hai vị này bỏ dòng Bà-la-môn tối thượng để theo sa môn Kiều-đáp-ma thuộc dòng Sát-đế-lợi thuộc giai cấp thứ hai xuất gia, cần gì phải đi nghinh đón”. Trong số môn nhơn có một người tên là Ma-nạp-phược-ca vốn tôn trọng Tam bảo liền nói với Đại-lộ: “Đại sư chớ nói lời này, hai vị ấy đều đã chứng Thánh quả có đại oai thần, nếu đại sư được nghe họ thuyết pháp chắc chắn cũng sẽ theo họ cầu xuất gia”. Thường lệ đến ngày nghỉ các học trò đi chơi các nơi, lúc đó vào ngày nghỉ, Đại-lộ nghe Ma-nạpphược-ca khen ngợi Tam bảo nên muốn âm thầm xem xét, vừa ra khỏi thành gặp một Bí-sô đang kinh hành dưới gốc cây liền đến bên Bí-sô hỏi: “tôi muốn nghe diệu pháp của Thế tôn, tôn giả có thể nói cho tôi nghe ít nhiều được chăng?”, Bí-sô liền giảng rộng về mười ác nghiệp đạo và mười thiện nghiệp đạo, Đại-lộ nghe rồi tâm sanh tín kính nói với Bí-so: “không bao lâu sau tôi sẽ trở lại”, nói rồi từ giã ra về. Vào một ngày nghỉ khác Đại-lộ lại đến chỗ Bí-sô, lần này Bí-sô nói về mười hai duyên sanh, Đại-lộ nghe rồi tâm sanh tín kính gấp bội nói với Bí-sô: “Thánh giả, tôi muốn được ở trong pháp luật khéo giảng nói xuất gia, ở chỗ Như lai tu phạm hạnh”. Bí-sô liền suy nghĩ: “Ta nên cho Đại-lộ xuất gia để người này ở trong Phật pháp cởi xe pháp, cầm đuốc pháp”, nghĩ rồi liền bảo Đại-lộ: “Tùy theo ý ông muốn”, Đại-lộ nói: “Ở đây có nhiều người biết tôi, thầy hãy đưa tôi đến phương khác xuất gia”. Bí-sô liền đưa Đại-lộ đến nơi khác cho xuất gia và cho thọ Viên cụ rồi nói: “Có hai loại học nghiệp là đọc tụng và thiền tư, cụ thọ muốn học loại nào?”, đáp là muốn học cả hai thứ. Kể từ hôm đó trở đi Đại-lộ chuyên tâm đọc tụng các kinh, không bao lâu sau thông suốt cả ba tạng; đầu đêm cuối đêm quán sát tư duy thiền định đoạn trừ các phiền não hoặc, chứng quả A-la-hán, được tam minh, lục thông, bát giải thoát, như thật liễu tri: sanh tử đã hết, phạm hạnh đã lập, việc nên làm đã làm xong, không còn thọ thân sau. Tâm không chướng ngại như tay nắm hư không, như dao cắt mùi thơm, yêu ghét không khởi, xem vàng và đất như nhau không có khác biệt, đối với danh lợi thảy đều xả bỏ, Thích Phạm chư thiên thảy đều cung kính. Đại-lộ chứng quả rồi liền suy nghĩ: “Ta ở đây siêng tu đọc tụng tư duy, những gì cần được nay đều đã được, ta nên đến thành Thất-la-phiệt đảnh lễ Thế tôn thừa sự cúng dường”, nghĩ rồi liền cùng năm trăm môn đồ chấp trì y bát dần dần đi đến thành Thất-laphiệt, người trong thành nghe tin này đều ra thành nghinh đón.

Ngu-lộ từ ngày biệt ly anh, gia nghiệp ngày càng sa sút trở nên nghèo cùng phải đi xin ăn, lúc đó Ngu-lộ thấy dân chúng kéo nhau ra thành liền hỏi thăm mới biết là anh mình cùng năm trăm môn đồ sắp đến đây. Ngu-lộ suy nghĩ: “Những người này không phải anh em, cũng không phải tôn thân còn ra thành nghinh đón. Ta là em của Đại-lộ lẽ nào lại không đi đón”, nghĩ rồi liền đi theo đoàn người ra thành nghinh đón. Anh em gặp nhau, Đại-lộ an ủi thăm hỏi Ngu-lộ: “Từ ngày biệt ly anh đến nay, em sống ra sao?”, đáp là sống rất khổ sở, Đại-lộ nói: “Sao em không xuất gia”, Ngu-lộ nói: “Em rất ngu độn, đâu ai cho em xuất gia”. Đại-lộ không biết em mình có thiện căn không, liền quán biết là có thiện căn, lại quán biết mình có thể độ được, liền nói với Ngu-lộ: “Anh sẽ độ cho em xuất gia”, Ngu-lộ bằng lòng, Đại-lộ liền cho xuất gia và cho thọ viên cụ, sau đó bảo Ngu-lộ đọc tụng bài kệ:

“Thân ngữ ý nghiệp không tạo tác,
Không xúc não Hữu tình thế gian,
Chánh niệm quán biết cảnh dục không,
Các khổ vô ích nên xa lìa”.

Ngu-lộ đọc tụng bài kệ suốt trong ba tháng mà vẫn không thuộc, trong khi đó mấy đứa chăn bò chỉ nghe Ngu-lộ đọc vài lần đã thuộc lòng. Ngu-lộ cảm phục liền đến chỗ mấy đứa chăn bò nhờ nó chỉ cách học thuộc, chúng sẳn lòng giúp Ngu-lộ học. Thường pháp của chư Phật, mỗi năm hai lần các đệ tử Thanh văn đều tụ tập về: Một là ngày rằm tháng năm sắp an cư, hai là ngày rằm tháng tám sau lễ Tùy ý. Trước an cư các đệ tử cũng tự đến chỗ thầy thọ nghiệp để tư duy đọc tụng rồi mới đến thành ấp, thôn xóm khác an cư. An cư xong các đệ tử cũng đến chỗ thầy thọ nghiệp trình bày kết quả tu tập, có chứng ngộ gì đều phải bạch cho thầy biết. Lúc đó các đệ tử của Đại-lộ an cư xong đến chỗ thầy, Ngu-lộ đang thừa sự Lục chúng, Lục chúng hỏi: “bạn đồng học của thầy đều đến chỗ thầy thọ nghiệp, vì sao thầy không đến?”, đáp: “Suốt trong ba tháng học một bài kệ vẫn chưa thuộc, tôi đến để làm gì”, Lục chúng nói: “Há cụ thọ không nghe, nếu học một thứ gì mà không huân tập thì không được kết quả gì, thầy nay nên tìm người dạy đọc tụng”. Ngu-lộ nghe rồi liền đến chỗ thân giáo sư thân tộc bạch: “Cúi xin thánh giả chỉ cho tôi một vị thầy dạy đọc tụng”, Đại-lộ nghe rồi liền suy nghĩ: “Lời nói này là do Ngu-lộ tự tâm phát khởi hay do ai khich phát”, liền quán biết là do người khác khuyên bảo, lại quán xem Ngu-lộ là từ khuyên khen được giáo hóa hay từ quở trách, liền biết là phải từ sự quở trách. Quán biết rồi liền nắm cổ Ngu-lộ kéo ra ngoài phòng mắng rằng: “ngươi là người chí ngu cực ngu, chí độn cực độn, ở trong Phật giáo có thể làm được gì”, Ngu-lộ nghe rồi đứng ngoài phòng khóc than: “Ta nay không phải thế tục, cũng không phải xuất gia, nổi khổ này biết nói với ai”. Pháp thường của chư Phật là trong tất cả thời hoặc du hành trong núi, trong rừng hay dạo quanh trong chùa, lúc đó có nhân duyên Phật đi đến phòng của Đại-lộ thấy Ngu-lộ đang đứng bên ngoài buồn khóc liền hỏi: “Cớ gì thầy đứng ở đây buồn khóc?”, đáp: “Thế tôn, con ngu độn không có thông minh trí huệ nên bị thân giáo sư đuổi ra ngoài phòng, hiện tại con không phải thế tục cũng không phải xuất gia, nổi khổ này con không biết nói với ai”, Phật nói: “Về lý thì không như vậy, Thánh giáo Mâu ni không phải là Đại sư của thầy hay sao, nhưng Thánh giáo này có được là do ta trong ba vô số kiếp tu khổ hạnh và lục độ vạn hạnh được thành tựu viên mãn,thầy có muốn theo ta thọ học nghiệp không?”, đáp: “Thế tôn, con là kẻ chí ngu chí độn, cực ngu cực độn, làm sao có thể thọ học nghiệp ở bên Phật được”, Thế tôn liền nói kệ:

“Người ngu tự nói ngu,
Đây mới thật người trí,
Kẻ ngu vọng xưng trí,
Đây mới thật người ngu”.

Trên thực tế thì Thế tôn đích thân dạy cho người thọ học từng câu từng chữ là không có việc đó, cho nên Thế tôn bảo A-nan-đà: “Thầy nên giáo thọ cho Ngu-lộ”, A-nan-đà im lặng nhận lời nhưng cũng như bao nhiêu thầy dạy trước đã dạy cho Ngu-lộ, A-nan-đà đến chỗ Phật bạch rằng: Thế tôn, con không thể dạy cho Ngu-lộ học được nữa”. Thế tôn bèn kêu Ngu-lộ đến dạy cho hai câu “Tôi lau bụi, tôi trừ nhơ”, nhưng Ngu-lộ vẫn không thể nhớ nổi. Thế tôn biết Ngu-lộ nghiệp chướng nặng muốn khiến trừ diệt nên kêu Ngu-lộ đến hỏi: “Thầy có thể làm công việc lau chùi giày dép cho các Bí-sô không?”, đáp: “Con làm được”, Phật bảo: “Vậy từ nay thầy nên lau chùi giày dép cho các Bí-so”. Ngu-lộ vâng lời Phật dạy đi làm nhưng các Bí-sô không cho làm, Phật bảo các Bí-sô: “Các thầy không nên ngăn cản, muốn khiến cho Ngu-lộ diệt trừ nghiệp chướng thì trong lúc Ngu-lộ làm công việc ấy, các thầy nên dạy cho Ngu-lộ hai câu pháp trên”. Các Bí-sô vâng lời Phật dạy trong lúc Ngu-lộ lau chui giày dép liền dạy cho Ngu-lộ hai câu pháp trên, Ngu-lộ vừa làm vừa đọc tụng trải qua một thời gian tích lủy liên tục, cuối cùng cũng được thông lợi. Vào một hôm lúc sau đêm Ngu-lộ bổng suy nghĩ: “Thế tôn bảo ta đọc tụng hai câu pháp tôi lau bụi, tôi trừ nhơ, hai câu này có nghĩa là gì?. Trần cấu (bụi nhơ) có hai: Bên trong và bên ngoài, ý nghĩa của hai câu pháp này là chỉ bên trong hay chỉ bên ngoài, là nghĩa đen hay nghĩa bóng?”. Do tư duy như thế nên hốt nhiên khai ngộ, thiện căn phát khởi, nghiệp chướng tiêu trừ, lúc đó từ tâm của Ngu-lộ bổng hiển hiện ba bài kệ tụng vi diệu: “Bụi này là dục, chẳng phải bụi, Mật thuyết dục này chính là bụi.

Người trí trừ được dục nhiễm này,
Chẳng phải người phóng dật, không thẹn.
Bụi này là sân chẳng phải bụi,
Mật thuyết sân này chính là bụi.
Người trí trừ được sân nhuế này,
Chẳng phải người phóng dật, không thẹn.
Bụi này là si chẳng phải bụi,
Mật thuyết si này chính là bui.
Người trí trừ được si độc này,
Chẳng phải người phóng dật, không thẹn”.

Lúc đó Ngu-lộ tư duy ý nghỉa của bài kệ tụng này, như lý tu hành dứt trừ ba độc, siêng năng tinh tấn đoạn trừ phiền não, không bao lâu sau chứng quả A-la-hán, vận tâm bình đẳng thương ghét không hai, phá vỏ vô minh thoát khỏi lồng nhốt, Thích Phạm chư thiên thảy đều cung kính. Ngu-lộ ngồi kiết già ngay tại chỗ ngồi chưa đứng dậy, lúc đó Đạilộ có nhân duyên đi qua thấy Ngu-lộ ngồi kiết già, dù là bậc A-la-hán nhưng nếu không quán chiếu thì tri kiến không sanh cho nên Đại-lộ kéo tay Ngu-lộ lay dậy: “Cụ thọ, hãy đứng dậy tập tụng rồi sau mới tư duy”. Ngu-lộ thấy anh từ bi lay dậy nên không rời chỗ ngồi duỗi dài cánh tay ra như cái vòi voi tới phía sau anh, Đại-lộ quay lại trông thấy điều hi hữu này liền hỏi: “Cụ thọ đã chứng được đức thù thắng này rồi phải không?”, Ngu-lộ im lặng thừa nhận.

Nghe Bí-sô Ngu-lộ chứng được thắng quả, các ngoại đạo liền chê trách: “Sa môn Kiều-đáp-ma tự nói: Ta chứng diệu pháp hết sức sâu xa, khó biết, khó ngộ, khó thể nghĩ bàn, chỉ có bậc đại trí thông minh mới có thể thấu hiểu được, đây thật là lời hư vọng, vì sao, vì Ngu-lộ là kẻ chí ngu chí độn, cực ngu cực độn mà còn chứng nhập được thì sâu xa… khó thể nghĩ bàn ở chỗ nào?”. Thế tôn nghe biết rồi liền suy nghĩ: “Người đệ tử này của ta, đức như núi Diệu cao, tại sao mọi người đều khởi tâm hủy báng, nay đã đến lúc hiển dương thắng đức của Ngu-lộ”, nghĩ rồi Thế tôn bảo A-nan-đà: “Thầy đến bảo Ngu-lộ đi giáo thọ ni chúng”. Anan-đà vâng lời Phật dạy đến bảo Ngu-lộ đi giáo thọ ni chúng, Ngu-lộ nghe rồi liền suy nghĩ: “Ý gì Thế tôn không bảo các Bí-sô kỳ túc lại bảo ta đến giáo thọ ni chúng, phải chăng ý muốn ta hiển bày thắng đức của mình, nay ta nên làm cho Thế tôn vừa ý”. Lúc đó có Bí-sô ni vào chùa thỉnh giáo thọ sư, đến hỏi vị Thọ sự: “Thánh giả, lần này đến phiên vị nào là giáo thọ sư?”, đáp là cụ thọ Ngu-lộ. Bí-sô ni nghe rồi liền nói với nhau: “Đây rõ là các đại đức khinh miệt nữ nhơn chúng ta. Bí-sô này suốt ba tháng không thuộc được một bài kệ tụng, tại sao lại sai đến giáo thọ chúng ta chứ. Trong chư ni cũng có những vị lão thông tam tạng, biện tài vô ngại, là bậc đại pháp sư, sao lại sai đến giáo thọ chứ, Chúng ta thử đến đảnh lễ xem thế nào”, nói rồi liền cùng đến chỗ Ngulộ đảnh lễ bạch: “A-giá-lợi-da, chúng Bí-sô ni chùa Vương Viên là bạn đệ của chư tăng rừng Thệ-đa xin vấn an đại đức có được ít bịnh, ít não không, có được khinh an và an lạc trụ không, nay chúng tôi đến thỉnh giáo thọ sư”, Ngu-lộ đáp: “Áo tỷ ca (dịch là phương tiện, ngữ ý này nói rằng lời cô vừa nói đều là phương tiện hướng đến Niết-bàn. Nếu dịch là được thì tuy không trái với lối dịch xưa nhưng trái với lý phương tiện, vì vậy giữ nguyên âm không dịch)”. Các ni trên đường trở về chùa nói với nhau: “Vị này cũng biết nói là áo tỷ ca”. Vừa vào đến trong chùa chư ni liền hỏi là ai đến giáo thọ, đáp là thánh giả Ngu-lộ, lúc đó chúng mười hai Bí-sô ni nghe rồi liền nói với nhau: “Đây là các đại đức khinh miệt nữ nhơn… giống như đoạn văn trên. Chúng ta nên thiết lập tòa sư tử cao 1hai khuỷu tay rồi vào trong thành Thất-la-phiệt đi khắp các nơi thông báo cho mọi người biết tin: sáng mai trong chùa Vương Viên có vị đại pháp sư đến giáo thọ chư ni thuyết giảng diệu pháp. Nếu ai nghe sẽ được Kiến đế, không còn luân chuyển trong sanh tử nữa. Nói như thế mọi người sẽ đến đông đảo khiến cho Bí-sô đó nín thinh, không thể đối đáp gì được sẽ bị mọi người cười chê. Do nhân duyên này sẽ khiến cho người ngu kia không trở lại giáo thọ chúng ta nữa”. Sau đó chúng mười hai Bí-sô này thực hiện theo những gì đã bàn tính với nhau, lúc đó cụ thọ Ngu-lộ vào sáng sớm đắp y mang bát vào thành khất thực được rồi trở về bổn xứ thọ thực, sau đó vào phòng hệ niệm đến xế chiều mới cùng một Bí-sô tùy tùng đến chùa Vương Viên. Vào trong chùa đã thấy có vô lượng trăm ngàn đại chúng vân tập, trong đó có người được thiện căn đời trước cảnh giác, hoặc có người nhờ hiện duyên khải ngộ. Lúc đó đại chúng thấy Ngu-lộ từ xa đi đến liền nói với nhau: “Hai người cùng đi đến, ai là vị pháp sư?”, một người đáp: “Vị đi trước chính là pháp sư”, đại chúng vừa nghe nói đều sanh tâm xem thường nói với nhau: “Các Bí-sô ni cố tâm não loạn chúng ta, Bí-sô Ngu-lộ này suốt ba tháng không học thuộc một bài kệ tụng, há có thể giáo thọ chư ni và nói pháp yếu cho chúng ta nghe hay sao?”, một người nói: Chúng ta hãy chờ xem thế nào, nếu có thể nói pháp thì chúng ta nghe, nếu cố ý trêu cợt nhau thì chúng ta ra về không hại gì”. Lúc đó cụ thọ Ngu-lộ nhìn thấy tòa sư tử cao như vậy liền suy nghĩ: “Đây là trêu cợt ta hay là cung kính ta?”, nghĩ rồi liền quán biết là cố ý trêu cợt chứ không phải có tâm cung kính. Ngu-lộ bèn duỗi cánh tay phải ra như cái vòi voi đè lên tòa cao làm cho tòa sư tử hạ thấp xuống vừa với tầm ngồi rồi an tọa. Lúc đó chỗ đại chúng quá rộng không thể nhìn thấy hết nên pháp sư liền nhiếp tâm nhập định, nhập định rồi liền ẩn thân không hiện, từ trong không trung ở phương Đông hiện bốn oai nghi đi đứng nằm ngồi, nơi thân tuôn ra nước lửa… biến hiện mười tám cách, ở phương Nam, Tây, Bắc cũng như vậy. Hiện thần thông rồi trở về chỗ ngồi nói với Đại chúng: “Bản thân tôi suốt trong ba tháng thọ trì một bài kệ, các vị có vui thích nghe nghĩa của bài kệ đó không, dù cho suốt bảy ngày đêm ở nơi mỗi chữ mỗi câu phân biệt nghĩa của nó cũng chưa thể hết được. Các vị lắng nghe: Câu thứ một thân ngữ ý nghiệp không tạo ác ý nói Phật không muốn các hữu tình tạo nghiệp ác. Thân nghiệp tạo ác là sát, đạo dâm; ngữ nghiệp tạo ác là vọng ngữ, ly gián ngữ, thô ác ngữ và ỷ ngữ; ý nghiệp tạo ác là tham, sân và tà kiến. Đối với ba nghiệp thân ngữ ý Phật không muốn các hữu tình tùy tâm tạo ác…”. Kế khéo dẫn dụ để làm rõ nghĩa của nửa bài kệ, tuy nói chưa xong nhưng trong chúng có một vạn hai ngàn hữu tình đều xa lìa trần cấu được pháp nhãn thanh tịnh Kiến đế; hoặc được Noãn, đảnh, nhẫn , thế đệ nhất pháp; hoặc được quả Dự lưu, Nhất lai, Bất hoàn, nếu xuất gia thì chứng quả A-la-hán ; hoặc phát tâm cầu Thanh văn bồ đề hoặc Độc giác bồ đề hoặc Vô thượng bồ đề, đại chúng đồng loạt quy y Tam bảo khen ngợi là diều chưa từng có. Cụ thọ Ngu-lộ nói pháp yếu cho mọi người nghe, chỉ dạy được lợi hỉ rồi ra về, chúng Bí-sô ni hoan hỉ phụng hành, riêng chúng mười hai Bí-sô ni không toại bổn hoài ngồi im lặng không nói.

Lúc đó ở rừng Thệ-đa Lục chúng từ xa thấy Ngu-lộ trở về cùng suy nghĩ không biết Ngu-lộ có khiến cho nhiều người không sanh tín kính hay không, nhưng không thể đối diện hỏi, liền hỏi Bí-sô tùy tùng, Bí-sô này đáp: “Thật là điều hi hữu nhiệm mầu, hoàn toàn không có một ai sanh tâm bất tín. Hồi Phật ở nước Ba-la-nê tư tại rừng Thi-lộc-ba phen chuyển pháp luân cho chúng nhơn thiên, thì hôm nay Ngu-lộ lại tùy chuyển. Dù giảng chưa xong nửa bài kệ cũng đã khiến đại chúng chứng quả vô biên, thú hướng đạo Bồ đề, quy y Tam bảo”. Ngu-lộ đến chỗ Phật đảnh lễ rồi ngồi một bên, sau đó Phật bảo các Bí-sô: “Trong các đệ tử Thanh văn của ta, người tâm khéo giải thoát chính là Ngu-lộ”, Thế tôn khen ngợi người trì giới mau được giải thoát, chê trách người phá giới chìm đắm trong sanh tử rồi bảo các Bí-sô: Trước kia là sáng chế, bây giờ là tùy khai, nên nói lại học xứ này như sau: “Nếu lại có Bísô, Tăng không sai liền tự đến giáo thọ Bí-sô ni, trừ được thắng pháp, phạm Ba-dật-để-ca.”

Nếu lại có Bí-sô là chỉ cho Lục chúng. Tăng không sai là không bạch nhị yết ma sai.

Trong học xứ này tướng phạm như thế nào?

Nếu các Bí-sô ở ngoài giới sai người thì chúng phạm Ác-tác, người đươc sai giáo thọ phạm Đọa. Tuy ở trong giới sai người mà chẳng phải vào ngày Bảo-sái-đà thì chúng phạm Ác-tác, người được sai phạm Đọa. Tuy ở trong giới vào ngày Bảo-sái-đà nhưng chúng không nhóm họp, phạm tội đồng như trên. Nếu pháp sai không có lỗi, nhưng chẳng phải là người trì giới, phạm tội đồng như trên. Tuy là người trì giới nhưng chẳng phải đa văn, chưa đủ hai mươi hạ; tuy đủ hai mươi hạ nhưng không phải người rành ngôn ngữ đô thành và tiếng địa phương; tùy rành tiếng nói đô thành và địa phương nhưng từng nhiễm ô Bí-sô ni không như pháp sám trừ; tuy đã trở lại thanh tịnh nhưng đối với tám pháp tha thắng không thể phân biệt chỉ dạy cho ni; tuy có thể phân biệt chỉ dạy nhưng đối với tám pháp tôn trọng lại không thể phân biệt, nếu không đầy đủ những pháp kể trên thì chúng đều phạm Ác-tác, người được sai đều phạm Đọa. Nếu sai như pháp, các đức viên mãn thì chúng tăng không lỗi, người được sai không phạm. Nếu ở trú xứ không có người giáo thọ ni thì nên lược bỏ pháp giáo thọ. Nếu khi Bí-sô ni đến thỉnh giáo thọ, vị thượng tọa nên bảo: “Này các Bí-sô ni, Tăng già có hòa hợp thanh tịnh không phạm lỗi không, nay trong Tăng không có vị nào thích hợp đến giáo thọ ni chúng, các Bí-sô ni nên cẩn thận chớ có buông lung”, ni chúng đáp: “Áo-tỷ-ca” rồi đảnh lễ cáo từ ra về. Trường hợp không phạm là người phạm ban đầu hoặc si cuồng tâm loạn bị thống não bức bách.

Lúc đó các Bí-sô đều nghi đến thỉnh hỏi Thế tôn: “Vì nhân duyên gì chúng mười hai Bí-sô ni muốn làm việc không lợi ích cho cụ thọ Ngulộ lại trở thành việc đại lợc ích, cúi xin Thế tôn nói rõ nhân duyên”, Thế tôn bảo các Bí-sô: “Chẳng phải mới ngày nay họ muốn làm việc không Lợi-ích lại trở thành việc đại Lợi-ích, mà từ đời xa xưa 1hai vị này cũng đã muốn làm việc không Lợi-ích lại trở thành việc đại Lợi-ích. Các thầy lắng nghe:

Quá khứ trong một thôn xóm có một Bà-la-môn cưới vợ chưa bao lâu liền sanh một đứa con trai, cứ như vậy sanh được mười hai đứa con trai, dần dần trưởng thành cùng cưới vợ ở chung trong một nhà nên nhà được làm rộng thêm ra. Mẹ chúng không bao lâu sau lâm bịnh qua đời, cha chúng tuổi già suy nên hai mắt mờ dần không nhìn thấy rõ sự vật. mười hai người con dâu lúc chồng không có ở nhà liền tư thông với người ngoài. Người cha tuy mắt mờ nhưng tai nghe giỏi phân biệt là con mình, con dâu hay kẻ lạ liền biết các con dâu tà hạnh quở trách không nên làm. Các con dâu biết cha chồng tức giận có thể đem bất lợi cho mình nên nói với nhau: “Chúng ta không cho ông ta ăn thức ăn ngon”. Từ hôm đó người cha chồng chỉ được ăn cơm thô dở trộn với nước giấm, ăn không nổi nên người cha nói cho các con biết, các người con của ông liền hỏi vợ: “Tại sao lại cho cha tôi ăn cơm thô dở trộn với nước giấm như thế?”, các người vợ nói với chồng: “Do tại ông phước hết chứ chúng tôi có lỗi gì, khi mới nấu là gạo trắng, nấu chín liền thành gạo đỏ, trộn với sữa lạc thơm ngon thì biến thành nước giấm”, người chồng nghe rồi liền nói: “Đâu có lý đó”, người vợ nói: “Nếu anh không tin thì hãy đích thân quan sát”. Sau đó các người vợ bàn với nhau: “Chúng ta đã nói với chồng như thế thì phải tìm cách tránh họa”, bàn xong liền đến chỗ thợ gốm hỏi: “Ông có thể làm cái chõ đôi có chung một nắp đậy, bên trong mỗi nửa chõ có hai ngăn, mỗi bên chứa được vài thăng, được không?”, thợ gốm nói: “Nếu trả tiền gấp đôi thì tôi sẽ làm”. Các người vợ này bằng lòng, đến ngày mang chõ đôi này về nấu cơm cho cha chồng ăn, ở chỗ khuất các bà đã cho gạo đỏ vào một ngăn, ngăn kia cho nước dấm của nửa chõ bên trong; sau đó đem cái chõ đôi này đến trước các ông chồng ở trong nửa chõ còn lại cho gạo trắng vào một ngăm, ngăn kia cho nước sữa lạc thơm ngon rồi nấu, khi chín cơm họ hỏi người chồng: “Cơm sữa đã chín, mời cha ăn trước hay là anh ăn trước?”, người chồng nói: “Hãy mời cha ăn trước”. Người vợ liền xới cơm gạo đỏ và múc nước dấm đưa cho cha chồng, sau đó xới cơm gạo trắng và múc nước sữa đưa cho chồng. Người con trai tận mắt thấy rõ sự việc liền nói với người cha: “Phước đức của cha thật sự đã tiêu hết rồi, trong cùng một chõ con thấy chõ gạo trắng và nước sữa vào nấu rõ ràng, khi chín xới cho cha lại biến thành cơm đỏ với nước dấm”, người cha nghe rồi suy nghĩ: “Ta từ nhỏ đến giờ không làm điều khi dối, khi ra tìm sanh kế ta đều như pháp kiếm tiền, cớ sao bây giờ phước nghiệp của ta lại tiêu hết. Phải chăng đây là hạnh ác của con dâu, đã làm điều dối trá lừa gạt ta”. Nghĩ rồi người cha chờ lúc không có người một mình vào trong bếp mò tìm cái chõ nấu cơm, tìm thấy được cái chõ đôi, sờ vào bên trong thấy có hai ngăn, liền đem cái chõ này cất giấu, sau đó đợi các con trai có mặt đông đủ, đem cái chõ ra nói với các con trai: “Này các con, chẳng phải phước của cha hết mà cái chõ này làm cho cha hết phước”, ông liền nói bài kệ:

“Này các con nên biết,
Chõ hai bụng một nắp,
Một bụng có hai ngăn,
Nên cha phước nghiệp hết”.

Các người con thấy rõ sự việc rồi phẩn nộ lôi vợ ra đánh nghiêm trị rồi nói: “Nếu tái phạm ta sẽ đánh bằng gậy và đuổi ra khỏi nhà”. Sau đó các người vợ bàn với nhau: “Chúng ta nên làm phương tiện khác giết chết ông ta”, lúc đó có người bán rắn đến nhà, các người vợ này hỏi người bán rắn: “Có bán rắn độc không?”, người bán rắn hỏi: “Muốn mua rắn sống hay rắn chết?”, đáp là cần rắn độc chết, người bán rắn suy nghĩ: “Họ cần rắn độc chết phải chăng muốn giết người cha chồng”, nghĩ rồi liền hỏi: “Các vị định trả bao nhiêu?”, đáp: “Ông đòi bao nhiêu tôi trả bấy nhiêu”. Rắn độc khi bị giết chất độc của nó tập trung ở đầu và ở đuôi, người bán rắn thả ra một con rắn độc đập nó chết rồi chặt bỏ đầu đuôi, đưa khúc bụng cho các người vợ này, nhận tiền rồi đi. Các người vợ này đem rắn nấu canh đưa cho cha chồng và nói: “Có canh thịt ngon, cha ăn được không?”, cha chồng nghe rồi liền suy nghĩ: “Chúng nó nấu canh thịt cho ta ăn, phải chăng muốn giết ta”, lại nghĩ: “Ta nay già yếu, mắt mờ lại nhiều bịnh tật, không có ai một bên săn sóc giúp đỡ, có phải chúng muốn giết ta hay không ta cũng phải ăn”, nghĩ rồi liền nói muốn ăn. Khi ăn canh xong, do khí rắn trong canh làm cho màng mắt của ông tiêu dần khiến ông nhìn thấy được mọi vật, nhưng ông nói dối là không ổn. Các con dâu nghe rồi muốn ông mau chết, liền hỏi: “Cha có muốn ăn nữa không?”, nói rồi múc đưa thêm cho ông ăn, ông ăn thêm mắt càng thêm sáng, thấy rõ được mọi vật nhưng dối là không ổn, nằm vùi không dậy. Các con dâu cho rằng cha chồng không ổn thật nên không ngại cùng người ngoài làm việc phi pháp, người cha chồng cầm gậy đến trước họ nói rằng: “Ta nay mắt đã thấy rõ như trước, các ngươi không được làm việc tồi bại này trước mặt ta”, các con dâu hổ thẹn nín thinh.

Này các Bí-sô, người cha Bà-la-môn xưa kia chính là Ngu-lộ, mười hai người con dâu chính là chúng mười hai Bí-sô ni. Xưa kia muốn hại mạng sống của người cha chồng lại trở thành đại lợi; ngày nay muốn làm sỉ nhục lại trở thành hiển dương Thánh đức”. Các Bí-sô vẫn còn nghi thỉnh hỏi: “Thế tôn, cụ thọ Ngu-lộ trước kia tạo nghiệp gì nay được làm thân người hết sức ngu độn như vậy?”, Phật nói: “Bí-sô Ngu-lộ này với nghiệp đã tạo theo thời gian tăng trưởng nay chín muồi thành quả báo hiện tiền. Này các Bí-sô, tất cả loài hữu tình với quả báo thiện ác do nghiệp tạo ra chẳng phải là địa thủy hỏa phong ngoài giới làm cho thành thục; mà ở ngay trong uẩn xứ giới của tự thân làm cho thành thục”, liền nói kệ:

“Dầu khiến trải trăm kiếp,
Nghiệp đã làm không mất,
Khi hội đủ nhân duyên,
Tự chiêu lấy quả báo”.

Quá khứ lúc con người thọ hai vạn tuổi có Phật Ca-diếp-ba ra đời đủ mười hiệu: Như lai, Ứng chánh đẳng giác, Minh-hạnh-túc, Thiệnthệ, Thế-gian-giải, Vô-thượng-sĩ, Điều-ngự-trượng-phu, Thiên-nhơn- sư, Phật, Bạc-già-phạm. Chúng đệ tử Thanh văn có hai vạn người đều ở nước Ba-la-nê-tư, Ngu-lộ là một trong số chúng kia, lão thông ba tạng, là bậc đại pháp sư, nhưng do tánh xẻn pháp không dạy cho người dù là một bài kệ bốn câu. Sau khi mạng chung sanh lên thiên cung, hết phước trở xuống làm người sanh trong nhà đồ tể, lớn lên sống với nghề mổ heo. Bên thôn xóm này cách bên thôn xóm kia một con sông, bên thôn xóm đó sắp đến ngày tiết hội, người mổ heo này suy nghĩ: “Nếu ta làm thịt nhiều con heo đem qua đó bán, nếu bán không hết, thịt bị ôi sẽ lỗ vốn. Ta nên chở heo qua đó, đến ngày tiết hội mới giết lấy thịt bán, như vậy không có tổn thất lại còn thu nhiều lợi”. Nghĩ rồi liền cột heo bỏ lên thuyền chở qua bên thôn xóm kia, heo ở trên thuyền chen lấn nhau làm cho thuyền tròng trành mất thăng bằng nên cả người và heo đều rơi xuống nước, tất cả heo đều bị chết chìm còn người mổ heo thì trôi theo dòng nước. Lúc đó ở bên sông trong một khu rừng có năm trăm vị Độc giác nương ở, một vị ra bờ sông lấy nước thấy có một người theo dòng nước trôi xuống không biết là chết hay sống. Vị Độc giác này duỗi cánh tay hữu ra như cái vòi voi kéo người ấy vào bờ đến trên bãi cát khô để úp mặt xuống rồi đi. Người nay sau khi ói mữa hết nước trong bụng ra bèn đứng dậy ngó bốn phía thấy có dấu chân người, liền lần theo dấu chân đi đến chỗ vị Độc giác đảnh lễ và xin nương ở. Hằng ngày người này hái rau trái cung cấp cho các vị Độc giác, các vị Độc giác cũng bớt phần ăn của mình cho người ấy. Nếp sống của các vị Độc giác mười một kiết già tĩnh lự nên người này cũng ngồi kiết già theo, siêng năng tu niệm không bao lâu sau chứng được định Vô tưởng, sau khi mạng chung sanh lên cõi trời Vô tưởng, hết tuổi thọ sanh trở lại làm người.

Này các Bí-sô, người đồ tể xưa kia chính là Bí-sô Ngu-lộ, do xưa kia xẻn pháp cho đến bốn câu kệ cũng không giảng nói cho người nghe, kiếp sống kế tiếp lại giết nhiếu súc sanh sau đó lại sanh lên cõi trời Vô tưởng, do nghiệp duyên kia nên ngày nay hết sức ngu độn. Cho nên các Bí-sô chớ nên xẻn pháp, phải đem tâm thanh tịnh giảng nói chánh pháp, đối với các hữu tình thường sanh tâm từ mẫn, xa lìa tà định, nên học như thế.”