CĂN BẢN THUYẾT NHẤT THIẾT HỮU BỘ TỲ NẠI DA

Hán dịch: Đời Đường Tam Tạng Pháp Sư Nghĩa Tịnh 
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

QUYỂN 27

Học Xứ Thứ Bảy: NÓI TỘI THÔ CHO NGƯỜI CHƯA THỌ VIÊN CỤ BIẾT

Đức Bạc-già-phạm ở trong vườn Cấp-cô-độc rừng Thệ-đa thành Thất-la-phiệt, lúc đó có nhiều Bí-sô già và trẻ do chưa ly dục, phiền não hiện tiền nên làm nhiều việc phi pháp, phạm Tăng-già-phạt-thi-sa. Sau đó đến chỗ người rành tạng luật nghe và học tập, biết mình phạm tội nên sanh truy hối, vì muốn được trừ tội nên như pháp hành Biến trụ và Ma-na-ty, cung cấp nước uống cho chúng tăng hoặc quạt hầu, hoặc dùng cù muội da mới lau chùi ở tháp thờ tóc và móng tay của Phật… và làm các việc lao nhọc khác. Có các Bà-la-môn cư sĩ kính tín trông thấy cùng khen ngợi rằng: “Trong thế gian có người khéo phân biệt được ngọc quý, xem biết vật báu không thể nhầm lẫn. Các Bí-sô này cũng vậy, khéo biết nhơn quả tu các phước nghiệp, tuy tuổi đã cao mà vẫn cung cấp nước uống cho chúng tăng… làm các việc lao nhọc.Ngược lại Lục chúng Bí-sô chỉ biết tự thân không tu thắng phước”. Lúc đó Lục chúng nghe được liền nói với mọi người: “Các vị cho rằng các Bí-sô đó vui thích tu phước nghiệp sao, đó là họ bị chúng tăng trị phạt nên mới làm những việc như vậy”, mọi người nghe rồi liền hỏi: “Các vị ấy phạm tội gì mà chúng tăng trị phạt?”, đáp: “Các vị ấy đã làm những việc phi pháp như vậy như vậy”, mọi người nghe rồi liền sanh chê trách: “Các vị tuổi cao còn làm những việc phi pháp huống chi là các vị trẻ tuổi”. Sau đó Lục chúng lại đến chỗ Cầu tịch đệ tử của các Bí-sô ấy hỏi: “Hai thầy của các chú đâu rồi?”, đáp: “Sư chủ chúng tôi đang tu phước nghiệp”, lại hỏi: “Đang tu phước nghiệp gì?”, đáp: “Sư chủ đang dùng Cù muội da mới lau chùi tháp thờ tóc và móng tay của Phật”, đáp rồi hỏi lại Lục chúng: “Tại sao các Đại đức không tu phước nghiệp?”, đáp: “Chẳng phải sư chủ các chú đang tu phước nghiệp mà là bị chúng tăng trị phạt phải làm những công việc ấy”, các đệ tử nghe rồi liền hỏi: “Sư chủ chúng tôi phạm tội gì mà bị chúng tăng trị phạt?”, đáp: “Sư chủ các chú đã làm những việc phi pháp như vậy như vậy”. Thời gian sau các Bí-sô đó được xuất tội, khi sai bảo các Cầu tịch làm việc chúng, họ liền nói: “Sao các thầy không tự làm?”, đáp: “Tôi không nên làm”, các Cầu tịch nói: “Các thầy đã làm những việc phi pháp như vậy như vậy, nên làm việc chúng sao nói là không nên làm?”, đáp: “Trước kia chúng ta phạm tội nhưng đã được xuất tội, nhưng tội lỗi của chúng tôi vì sao các chú biết?”, đáp: “Chính Lục chúng Bí-sô nói cho biết”. Các Bí-sô thiểu dục nghe biết liền chê trách: “Tại sao Bí-sô lại đem tội thô của Bí-sô khác nói cho người chưa thọ viên cụ biết”, liền đem việc này bạch Phật, Phật do nhân duyên này nhóm họp các Bí-sô… cho đến câu: … Nơi Tỳnại-da chế học xứ này cho các Bí-sô như sau: “Nếu lại có Bí-sô, biết Bí-sô khác có tội thô, đem nói cho người chưa thọ cận viên biết, phạm Ba-dật-để-ca.”

Thời gian sau ở trong thành Thất-la-phiệt có Bí-sô Quảng Ngạch và Bí-sô ni Tùng Cán ở nhà thế tục làm việc nhơ nhà người, hiện tướng bất thiện khiến mọi người không sanh tín kính. Các Bí-sô đem việc này bạch Phật, Phật nói: “Các Bí-sô nên sai một Bí-sô đến các nhà thế tục nói cho họ biết Bí-sô Quảng Ngạch và Bí-sô ni Tùng Cán đã làm việc phi pháp. Bí-sô không có năm đức thì không nên sai, nếu đã sai thì không nên đi, đó là có thương, giận, sợ, si, không biết nên nói và không nên nói”. Nếu có đủ năm đức ngược với năm đức trên thì nên sai, đã sai thì nên đi. Nên sai như sau: Trải tòa. đánh kiền chùy tập tăng, tăng nhóm rồi liền hỏi ai có thể đến nhà thế tục nói cho họ biết những việc làm phi pháp của Bí-sô Quảng Ngạch và Bí-sô ni Tùng Cán, nếu có người đáp là có thể thì nên sai một Bí-sô tác pháp yết ma, bạch như sau:

“Đại đức Tăng lắng nghe, Bí-sô Quảng Ngạch và Bí-sô ni Tùng Cán này ở nhà thế tục đã làm những việc phi pháp khiến mọi người không sanh tín kính. Bí-sô này tên ___ có thể đến nhà thế tục nói cho họ biết Bí-sô Quảng Ngạch và Bí-sô ni Tùng Cán đã làm những việc phi pháp. Nếu Tăng đúng thời đến nghe, Tăng nên chấp thuận, nay Tăng sai Bí-sô này tên ___ đến nhà thế tục nói cho họ biết những việc làm phi pháp của Bí-sô Quảng Ngạch và Bí-sô ni Tùng Cán. Bạch như vậy”. Kế tác yết ma:

“Đại đức tăng già lắng nghe, Bí-sô Quảng Ngạch và Bí-sô ni Tùng Cán ở nhà thế tục đã làm những việc phi pháp khiến mọi người không sanh tín kính. Bí-sô này tên ___ có thể đến nhà thế tục nói cho họ biết những việc làm phi pháp của Bí-sô Quảng Ngạch và Bí-sô ni Tùng Cán. Nay Tăng sai Bí-sô này tên ___ đến nhà thế tục làm người nói lỗi, nói cho họ biết những việc làm phi pháp của Bí-sô Quảng Ngạch và Bí-sô ni Tùng Cán. Nếu các cụ thọ chấp thuận Bí-sô này tên ___ đến nhà thế tục làm người nói lỗi nói cho họ biết những việc làm phi pháp của Bí-so Quảng Ngạch và Bí-sô ni Tùng Cán thì im lặng, ai không chấp thuận thì nói. Tăng nay chấp thuận sai Bí-sô này tên ___ làm người nói lỗi vì im lặng. Nay tôi xin nhớ giữ như vậy”.

Này các Bí-sô, nay ta chế hành pháp cho Bí-sô làm người nói lỗi: Bí-sô làm người nói lỗi này đến nhà thế tục nói rằng: “Các vị lắng nghe, người làm nhơ nhà thế tục và người làm nhơ người xuất gia ví như ruộng lúa xanh tươi mà bị sương mù, mưa đá làm cho hư hoại hết. Đối với hai hạng người này các vị chớ cùng ở chung khiến Thánh giáo thương tổn. Vì sao, vì người tự thân bị tổn hại như hạt giống bị khô cháy không thể nẩy mầm, ở trong Thánh giáo không thể tăng trưởng. Các vị nên quy hướng về Như lai Ứng cúng Chánh biến tri và các tôn giả thượng tọa đã chứng ngộ như Kiều-trần-như, Bà Đạp Ba, Vô Thắng, Hiền Thiện, Đại Danh, Danh Xưng, Viên Mãn… Thân Tử, Đại Mục-kiền-liên…”. Bí-sô được sai nói rồi cáo từ.

Lúc đó Bí-sô Quảng Ngạch nghe biết việc này liền suy nghĩ: “Chúng tăng đã sai Bí-sô kia đến nhà thế tục nói tội lỗi của mình”, nghĩ rồi liền đến chỗ Bí-sô kia hỏi: “Thầy đã đến nhà thế tục nói tội lỗi của tôi phải không?”, đáp: “Vì chúng tăng như pháp sai tôi làm như vậy”, Bí-sô Quảng Ngạch nói: “Việc làm của tôi đúng hay sai tự tôi biết, nếu thầy còn đi nói nữa tôi sẽ mổ bụng thầy kéo ruột thầy ra, đem treo ở cửa cổng rừng Thệ-đa cho mọi người được thấy”. Bí-sô được sai nghe rồi hoảng kinh trở về báo lại cho các Bí-sô biết rồi nói: “Nay tôi không dám đến nhà thế tục nói tội lỗi của họ nữa”. Các Bí-sô đem việc này bạch Phật, Phật nói: “Quảng Ngạch là người ngu si, có thể khinh dễ cá nhơn một người chứ không thể khinh dễ đại chúng. Tăng già nên đơn bạch đi nói tội lỗi của họ như sau” Trải tòa, đánh kiền chùy, tập họp chúng rồi sai một Bí-sô tác bạch:

“Đại đức tăng lắng nghe, Bí-sô Quảng Ngạch và Bí-sô ni Tùng Cán đã làm những việc phi pháp khiến thế tục không sanh tín kính. Nay không ai dám đến nhà thế tục nói tội lỗi của họ, nếu Tăng đúng thời đến, tăng chấp thuận cho Tăng già nếu thấy Bí-sô Quảng Ngạch và Bí-sô ni Tùng Cán làm việc phi pháp liền nói cho thế tục biết, nên nói như sau: Các vị nên biết, Bí-sô và Bí-sô ni tội ác này đã làm thương tổn Thánh giáo, người này tự thân bị tổn hoại cũng như hạt giống cháy không thể nẩy mầm, ở trong Thánh pháp luật không thể tăng trưởng, Các vị nên quy hướng Như lai Ứng cúng Chánh biến tri và các tôn giả đã chứng ngộ như Kiều-trần-như… Bạch như vậy”.

Như lời Phật đã dạy, đại chúng liền thông cáo cùng khắp cho các tục gia biết về hành xứ của Bí-sô và Bí-sô ni đó, không ngờ thông cáo này lại khiến cho nhiều người không sanh tín kính, các Bí-sô đi khất thực gặp khó khăn. Các Bí-sô đem việc này bạch Phật, Phật bảo: “Tục gia nào biết hành xứ của Bí-sô và Bí-sô ni kia thì nên nói, không biết thì đừng nói”. Lúc đó Phật khen ngợi trì giới, tùy thời tuyên nói pháp thiểu dục rồi bảo các Bí-sô: Trước kia là sáng chế, bây giờ là tùy khai học xứ này như sau: “Nếu lại có Bí-sô biết Bí-sô kia có tội thô ác mà nói cho người chưa thọ cận viên biết, trừ Tăng yết ma, phạm Ba-dật-để-ca.”

Nếu lại có Bí-sô là chỉ cho Lục chúng. Tội thô ác là nhân tội của Ba-la-thị-ca và Tăng-già-phạt-thi-sa. Tội thô ác trong đây có hai: Một là tự tánh thô ác, hai là nhơn khởi thô ác. Thông cáo là nói rõ việc đó.

Trừ Tăng yết ma là đại chúng vì việc đó mà tác pháp.

Trong học xứ này tướng phạm như thế nào?

Nếu Bí-sô đối với tục gia không biết khởi tưởng là không biết và nghi mà đến nói cho họ biết tội thô ác của người đó thì phạm Đọa. Nếu đối với tục gia biết mà khởi tưởng là không biết và nghi, đến nói cho họ biết thì phạm Ác-tác. Không phạm là đối với thế tục không biết mà khởi tưởng là họ đã biết, hoặc đại chúng nói rõ việc đó, hoặc mọi người đều nghe biết, như bức tranh trên trên vách mọi người đều nhìn thấy, không phải chỉ riêng mình biết thì nói không có lỗi. Không phạm nữa là người phạm ban đầu hoặc si cuồng tâm loạn bị thống não bức bách.

Học Xứ Thứ Tám: NÓI CHO NGƯỜI CHƯA THỌ VIÊN CỤ BIẾT MÌNH THẬT CHỨNG PHÁP THƯỢNG NHƠN

Phật ở trong tòa Cao Các bên bờ sông Di Hầu tại thành Quảng Nghiêm, lúc đó có năm trăm ngư dân ở bên bờ sông Thắng Huệ có hai giàn lưới đánh cá lớn: Một gọi là Tiểu túc, hai gọi là Đại túc… duyên khởi giống như trong giới thứ tư của Ba-la-thị-ca… cho đến câu năm trăm Bí-sô này nói với cụ thọ A-nan-đà: “Do chúng tôi đối trước các quyến thuộc tự khen ngợi rằng: Bí-sô này đắc tưởng Vô thường… cho đến đắc tám giải thoát”, A-nan-đà hỏi: “Những việc mà các thầy nói là thật hay hư?”, đáp là thật, A-nan-đà nói: “Các thầy chỉ vì chút ăn uống mà nói cho người thế tục biết mình thật chứng pháp thượng nhơn hay sao?”, liền đem việc này bạch Phật, Phật do nhân duyên này nhóm họp các Bí-sô… cho đến câu: … Nơi Tỳ-nại-da chế học xứ này cho các Bí-sô như sau: “Nếu lại có Bí-sô thật chứng pháp thượng nhơn đem nói cho người chưa thọ cận viên biết, phạm Ba-dật-để-ca.”

Nếu lại có Bí-sô là chỉ cho năm trăm Bí-sô ngư phủ. Thật chứng là sự việc đúng như vậy.

Trong học xứ này tướng phạm như thế nào?

Nhiếp Tụng:
Thấy, tưởng, A-lan-nhã,
Trong nhà nhận tòa tốt,
Hay biết nơi tự tướng,
Phương tiện hiển rõ thân.

Nếu Bí-sô không có tâm hư vọng khởi tưởng thật có, nói với người chưa thọ viên cụ rằng: “Tôi thấy chư thiên, rồng, Dạ xoa, Kiền-thácbà, Khẩn-nại-la, Mạc-hô-lạc-già, A-tô-la, Tất-lệ-đa, Tất-xá-già, Cưubàn-trà, Yết-tra-bổ-đơn-na”, thì phạm Ba-dật-để-ca. Nếu nói tôi thấy quỷ phấn tảo thì phạm Đột-sắc-ngật-lý-đa. Nếu Bí-sô không có tâm hư vọng khởi tưởng thật hiểu biết nói với người chưa thọ viên cụ rằng: “Tôi nghe tiếng nói của trời, rồng … cho đến Yết tra bổ đơn na”, thì phạm Badật-để-ca; nếu nói nghe tiếng quỷ phấn tảo thì phạm Ác-tác. Nếu Bí-sô không có tâm hư vọng khởi tưởng thật hiểu biết nói rằng: “tôi đến chỗ trời, rồng… chỗ Yết-tra-bổ-đơn-na”, thì phạm Đọa, nếu nói đến chỗ quỷ phấn tảo thì phạm Ác-tác. Tất cả việc này đều giống như trong giới thứ bốn Ba-la-thị-ca, chỉ khác ở chỗ giới trước quả tội là Tha thắng, quả tội trong giới này là Đọa; nhơn tội trong giới trước là tội thô, còn trong giới này là Ác-tác. Không phạm là người phạm ban đầu hoặc si cuồng tâm loạn bị thống não bức bách.

Học Xứ Thứ Chín: VU BÁNG HỒI CHUYỂN LỢI VẬT CỦA TĂNG

Phật ở trong Trúc lâm bên ao Yết-lan-đạc-ca thành Vương xá, lúc đó Bí-sô Thật-lực-tử được Tăng sai làm người phân chia ngọa cụ và theo thứ lớp phân phó Tăng thọ thỉnh thực. Thầy là người có tín tâm, ý vui thích hiền thiện, không từ khó nhọc vì chúng tăng làm mọi việc, những vật tư sanh mà mình có ở trong Tam bảo và ở chỗ các Bí-sô thượng hạnh thảy đều cúng thí, cho nên ba y của mình đều cũ rách. Các

Bí-sô thấy vậy nói với nhau: “Cụ thọ Thật-lực-tử được Tăng sai làm người phân chia ngọa cụ và phân phó chúng tăng theo thứ lớp thọ thỉnh thực… giống như đoạn văn trên cho đến câu ba y của mình cũ rách. Nếu có người thí y cho Tăng, chúng ta sẽ đem y ấy thí cho Thật-lực-tử”. Sau đó Tăng được thí bạch diệp tốt, các Bí-sô đem nhơn duyên này bạch Phật, Phật nói: “Các Bí-sô nên hòa chúng đơn bạch trao y cho Thật-lựctử thì y này thành vật không tội, nên bạch như sau: Trải tòa, đánh kiền chùy, tập tăng rồi tác bạch:

“Đại đức Tăng lắng nghe, cụ thọ Thật-lực-tử có tín tâm, ý ư thích hiền thiện, vì chúng coi ngó lo liệu mọi việc không từ khó nhọc… giống như đoạn văn trên cho đến câu ba y đều cũ rách. Nay Tăng được bạch điệp tốt, nếu Tăng đúng thời đến, Tăng thuận cho Tăng nay đem bạch điệp này thí cho Thật-lực-tử. Bạch như vậy.”

Các Bí-sô vâng lời Phật dạy hòa tăng đơn bạch đem bạch y đưa cho Thật-lực-tử , vì hai Bí-sô Hữu và Địa đời trước có oán cừu với Thậtlực-tử, nghiệp duyên chưa dứt nên đối trước các Bí-sô nói lời chê trách: “Các cụ thọ đem lợi dưỡng của Tăng đã có được hồi chuyển cho người mà mình quen biết”, các Bí-sô nghe rồi nói rằng: “Khi tác bạch đem cho há chẳng phải cụ thọ đến nhóm đồng tâm chấp thuận hay sao?”, hai Bí-sô này liền đáp là có đến nhóm, các Bí-sô liền nói: “Vậy sao bây giời lại chê trách?”, hai Bí-sô đáp: “Chê trách cũng không được hay sao?”. Các Bí-sô thiểu dục nghe rồi liền hiềm trách: “Tại sao Bí-sô trước cùng đồng tâm, sau lại nói ngược lại rằng: Các cụ thọ đem lợi vật của chúng tăng đã có được hồi chuyển cho người mà mình quen biết”, liền đem việc này bạch Phật, Phật do duyên này nhóm họp các Bí-sô… cho đến câu: …Nơi Tỳ-nại-da chế học xứ này cho các Bí-sô như sau: “Nếu lại có Bí-sô trước đồng tâm chấp thuận, sau nói ngược lại rằng: Các cụ thọ đem lợi vật của Tăng đã được hồi chuyển cho người mà mình thân quen thì phạm Ba-dật-để-ca”.

Nếu lại có Bí-sô là chỉ cho hai Bí-sô Hữu và Địa. Trước đồng tâm chấp thuận là trước đã chấp thuận việc làm ấy của Tăng. Sau nói ngược lại là thời gian sau mới nói lời chê trách. Bí-sô thân hậu là đồng thân giáo sư, đồng quỷ phạm sư hoặc thân giáo sư cho đệ tử hay đệ tử cho thân giáo sư; quỷ phạm sư cho đệ tử hay đệ tử cho quỷ phạm sư; y chỉ sư cho đệ tử hay đệ tử cho quỷ phạm sư… và các thân hữu khác. Lợi vật có hai ẩm thực và y phục, trong giới này là chỉ cho y phục.

Trong học xứ này tướng phạm như thế nào?

Nếu Bí-sô tùy có lợi vật nhiều hay ít của chúng tăng, trước đồng tâm chấp thuận đem cho sau nói ngược lại như trên thì phạm Ba-dật-để-ca. Nếu thật sự Tăng không hồi chuyển đem cho mà là tự cá nhân hồi chuyển đem cho, nói lời chê trách thì không phạm. Không phạm nữa là người phạm ban đầu hoặc si cuồng tâm loạn bị thống não bức bách.

Học Xứ Thứ Mười: KHINH CHÊ GIỚI

Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc rừng Thệ-đa thành Thất-la-phiệt , lúc đó Phật bảo các Bí-sô nên mỗi nữa tháng thuyết Ba-la-đề-mộc-xoa, các Bí-sô vâng lời Phật dạy mỗi nữa tháng thuyết Ba-la-đề-mộc-xoa. Lục chúng khi nghe thuyết bốn Ba-la-thị-ca thì im lặng, khi nghe thuyết đến ba mươi Tăng-già-phạt-thi-sa, hai pháp Bất định, ba mươi Ni-tátkỳ-ba-dật-để-ca, chín mươi Ba-dật-để-ca, bốn Ba-la-đề-xá-ni, Chúng đa học pháp và bảy pháp diệt tránh liền nói rằng: “Nếu các cụ thọ biết việc và hiểu người, tại sao đối với những người lầm lỗi như chúng tôi, lại làm cho thương tổn. Các vị nơi các tiểu tùy, tiểu giới đều mỗi nữa tháng tuyên đọc khiến cho các Bí-sô khác sanh tâm ưu não truy hối”. Các Bí-sô nghe rồi đáp rằng: “Chúng tôi không vì các cụ thọ mà nói Biệt giải thoát kinh vào mỗi nữa tháng, chúng tôi chỉ là vâng lời đại sư dạy”. Lục chúng tuy nghe nói như vậy vẫn chê trách không thôi, trách rằng: “Cần gì nói những tiểu tùy tiểu giới này, khiến các Bí-sô sanh tâm ưu não truy hối”, các Bí-sô nói: “Nếu không cần nghe thì các vị từ trước đến nay đã làm tội lỗi gì mà phải truy hối?”. Lúc đó các Bí-sô thiểu dục đều trách Lục chúng rồi đem việc này bạch Phật, Phật do nhơn duyên này nhóm các Bí-sô… cho đến câu: … Nơi Tỳ-nại-da chế học xứ này cho các Bí-sô như sau: “Nếu lại có Bí-sô vào mỗi nữa tháng khi nói Giới kinh chê trách rằng: Các cụ thọ cần gì nói những tiểu tùy tiểu giới này, vì khi nói những giới này sẽ khiến các Bí-sô Ác-tác phiền não hoài nghi truy hối. Nếu nói khinh chê giới như thế thì phạm Ba-dật-để-ca”

Nếu lại có Bí-sô là chỉ cho Lục chúng. Giới kinh là nghĩa theo thứ lớp tương ưng từ bốn Tha thắng cho đến bảy Diệt tránh. Trong học xứ này tướng phạm như thế nào?

Nếu Bí-sô vào mỗi nữa tháng khi nói bốn Ba-la-thị-ca, Tăng-giàphạt-thi-sa cho đến bảy Diệt tránh nói rằng: “Cần gì nói tiểu tùy tiểu giới này khiến các Bí-sô sanh tâm Ác-tác…”, thì phạm Ba-dật-để-ca. Hoặc sanh phiền não hối hận hoài nghi, hoặc nói nhớ việc đời, hoặc nói không thích xuất gia hoặc nói hoàn tục… đều phạm Đọa. Như vậy nên biết, đối với sáu việc còn lại, các tạp sự , Ni-đà-na, Mục-đắc-ca… và các kinh tương ưng với luật giáo, khi nói đến các việc ấy mà nói rằng: “Cần gì nói tiểu tùy tiểu giới này, vì khi nói những việc này sẽ khiến các Bí-

so sanh tâm Ác-tác…”, thì phạm Ba-dật-để-ca. Khi nói các kinh khác nói rằng: “Cần gì y theo kinh này vì nói như vậy khiến người phiền não hối hận hoài nghi”, thì phạm Ác-tác. Không phạm là người phạm ban đầu hoặc si cuồng tâm loạn bị thống não bức bách.

Nhiếp Tụng Thứ Hai:

Chủng tử, khinh, xúc não,
Để giường, nệm cỏ, kéo (lôi),
Gượng ở, giường sút chân,
Tưới cỏ; ba, hai tầng.

Học Xứ Thứ Mười: MỘT HOẠI SANH CHỦNG

Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc rừng Thệ-đa thành Thất-la-phiệt, lúc đó có một Bí-sô Mạc-ha-la ngu tối không hiểu biết, muốn xây một ngôi chùa lớn cho Tăng nên chặt cây đại thọ Thắng diệu. Vị thiên thần nương ở trên cây này vào đầu đêm với thân có ánh sáng thù diệu chiếu sáng cả rừng Thệ-đa , đến chỗ Phật đảnh lễ rồi ngồi một bên bạch Phật: “Thế tôn, có một lão Bí-sô ngu tối không biết thời nghi, muốn xây cất một ngôi chùa lớn cho Tăng nên chặt cây đại thọ Thắng diệu là chỗ tôi nương ở từ lâu nay. Hiện nay đang là tiết rét đông, trẻ con nam nữ không nơi nương tựa, cúi xin Thế tôn thương tưởng cứu giúp”, Thế tôn nghe rồi liền bảo các vị thọ thần khác: “Chỗ ở của các vị có thể dung nạp gia đình vị thiên thần không nơi nương tựa này không?”. Các thọ thần vâng lời Phật sắp xếp chỗ cho vị thiên thần kia nương ở. Trời vừa sáng, Phật nhóm họp các Bí-sô nói rằng: “Vào đầu đêm qua có vị thọ thần với thân có ánh sáng thù diệu chiếu sáng cả rừng Thệ-đa… cho đến câu cúi xin Thế tôn thương tưởng cứu giúp. Này các Bí-sô, Bí-sô Mạc-ha-la này đã làm điều phi pháp là chặt bỏ cây đại thọ Thắng diệu là chỗ nương ở của vị thọ thần kia, khiến họ sanh tâm chê trách, là trái với pháp sa môn. Do Bí-sô này chặt cây mới sanh tội lỗi, vì vậy từ nay trở đi các Bí-sô không nên chặt cây, nếu chặt phạm tội Việt pháp”. Đây là duyên khởi nhưng Phật chưa chế giới.

Phật ở rừng Khoáng dã, do Phật chế không được chặt cây nên các Bí-sô thọ sự đang lo việc xây cất phải ngưng lại, Thế tôn biết mà vẫn hỏi cụ thọ A-nan-đà nguyên do, A-nan-đà đáp: “Là do Phật chế các Bí-sô không được chặt cây nên không có gỗ để xây cất, các Bí-sô thọ sự phải ngưng công việc lại”. Phật nói: “Có hành pháp cho Bí-sô thọ sự coi ngó việc xây cất, đó là: Bí-sô thọ sư khi muốn chặt cây lấy gỗ để xây cất thì trước đó bảy, tám ngày nên làm Mạn trà la ở bên gốc cây với hương hoa và phẩm vật cúng tế, tụng kinh tam khải rồi chú nguyện, nên nói đạo thập thiện, khen ngợi nghiệp thiện và nói với vị thọ thần trên cây rằng: Nếu trên cây có vị thọ thần nào nương ở thì nên tìm chỗ khác, vì cây này sẽ dùng xây cất cho Tam bảo. Nói rồi sau bảy, tám ngày thì chặt. Nếu khi chặt có hiện tướng lạ thì nên khen ngợi công đức thí xả và lỗi xan tham, nếu vẫn còn hiện tướng lạ thì không nên chặt, nếu không hiện tướng lạ thì được chặt. Bí-sô thọ sự coi ngó việc xây cất phải y theo hành pháp này, nếu không y theo thì phạm tội Việt pháp”. Đây là duyên khởi nhưng Phật vẫn chưa chế giới.

Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc rừng Thệ-đa thành Thất-la-phiệt, lúc đó Lục chúng Bí-sô tự chặt hoặc bảo người chặt cây và chặt phá các loại cỏ tươi, tùy hái hoa trái để dùng. Các ngoại đạo thấy rồi đều chê trách: “Các sa môn Thích tử này tự chặt hoặc bảo người chặt phá cây cỏ không khác gì những người thế tục và Bà-la-môn chúng ta, ai lại cúng dường cho hạng người như thế”. Các Bí-sô nghe biết bạch Phật, Phật do nhơn duyên này nhóm các Bí-sô… cho đến câu: “… Nơi Tỳ-nại-da chế học xứ này cho các Bí-sô như sau: Nếu lại có Bí-sô tự phá hoại chủng tử là thôn xóm của chúng hữu tình và bào người khác phá hoại thì phạm Ba-dật-để-ca.”

Nếu lại có Bí-sô là chỉ cho Lục chúng. Chủng tử thôn có năm loại là Căn chủng (loại củ), Hành chủng (loại cành, cọng), Tiết chủng (loại có lóng, có mắt), Khai chủng (loại do nứt ra, nở ra), và Tử chủng (loại có hột). Sao gọi là Căn chủng? Như các loại cây Hương phụ tử, cây Xương bồ, Hoàng cương, bạch cương… đều từ củ mà sanh nên gọi là Căn chủng. Sao gọi là Hành chủng? Như các loại cây Thạch lựu, cây Liễu, Bồ đào, Bồ đề… đều từ cành mà sanh nên gọi là Hành chủng. Sao gọi là Tiết chủng? Như các loại cây mía, cây trúc, cây Lau… đều từ lóng mắt mà sanh nên gọi là Tiết chủng. Sao gọi là Khai chủng? Như các loại cây cam, quýt, bưởi… đều do chín nứt ra mà sanh nên gọi là khai chủng. Sao gọi là Tử chủng? Như các loại cây lúa, cây đậu, đại mạch… đều từ hột mà sanh nên gọi là Tử chủng. Gọi chung năm loại chủng tử này là Chủng tử thôn. Thôn xóm của hữu tình chỉ cho các loại cây trên đều là nơi nương ở của các loài hữu tình.

Trong học xứ này tướng phạm như thế nào?

Nhiếp Tụng:
Củ… tưởng là sanh chủng,
Chặt cây cỏ và hoa,
Cây… ở chỗ kinh hành,
Rêu xanh, bình, giá y.

Nếu Bí-sô nơi Căn chủng khởi tưởng là căn chủng, sống khởi tưởng là sống, tự chặt hay bảo người chặt đều phạm Ba-dật-để-ca. Nếu cây khô tưởng là sống và nghi, khi chặt phá đều phạm Ác-tác.

Nếu Bí-sô nơi Căn chủng khởi tưởng là Hành chủng, tưởng sống và nghi, tự chặt, bảo người chặt đều phạm Ba-dật-để-ca. Nếu cây khô tưởng là sống và nghi, chặt phá đều phạm Ác-tác. Căn chủng đã như vậy thì tiết chủng… ba loại còn lại đều có bốn câu như trên nên biết. Nếu lấy Hành chủng vọng về bốn loại sau, mỗi loại đều có bốn câu kết phạm như trên nên biết. Nếu Bí-sô đối với năm loại chủng tử này tự làm hay bảo người làm đem ném vào trong lửa muốn làm cho năm loại chủng tử này bị hoại thì phạm năm tội Đọa, không tổn hoại thì phạm năm Ác-tác. Đem bỏ vào trong nước cũng phạm như trên, đem bỏ vào trong cối giả kết phạm cũng như trên.

Nếu Bí-sô dùng một phương tiện chặt cây, khi chặt đứt phạm một Ác-tác, một tội Đọa. Nếu chặt một nhát mà đứt hai cây thì phạm một Ác-tác và hai tội Đọa. Nếu chặt một lần mà đứt nhiều cây thì phạm một Ác-tác và nhiều tội Đọa. Nếu hai lần chặt đưt một cây thì phạm hai Áctác một tội Đọa; nếu hai lần chặt đứt hai cây thì phạm hai Ác-tác hai tội Đọa; nếu hai lần chặt đứt nhiều cây thì phạm hai Ác-tác, nhiều tội Đọa. Nếu chặt nhiều lần mà đứt chỉ một cây thì phạm nhiều Ác-tác một tội Đọa; nếu chặt nhiều lần mà đứt hai cây thì phạm nhiều Ác-tác hai tội Đọa; nếu chặt nhiều lần đứt nhiều cây thì phạm nhiều Ác-tác nhiều tội Đọa. Cây đã như vậy thì đối với hoa cỏ chuẩn theo đó nên biết.

Nếu Bí-so nhổ cây phạm Đọa, làm cho da cây bị nứt và làm thương tổn chỗ không cứng chắc thì phạm Ác-tác; nếu làm thương tổn phần cứng chắc của cây thì phạm Đọa. Bí-sô làm tổn hoại cây cỏ tươi phạm Đọa, tổn hoại lá vàng phạm Ác-tác, làm tổn hoại hoa chưa nở phạm Đọa, hoa đã nở phạm Ác-tác. Nếu hoại trái chưa chín phạm Đọa, hoại trái đã chín phạm Ác-tác. Chỗ đất có mọc cỏ đổ nước sôi lên hay lấy phân bùn đổ lên khiến nó bị tổn hoại thì phạm Đọa, nó không bị tổn hoại thì phạm Ác-tác, nếu không có tâm làm tổn hoại thì không phạm. Nếu Bí-sô kinh hành trên đất có cỏ, nghĩ muốn làm nó tổn hoại, tùy tổn hoại tới đâu đếu phạm Đọa. Chỗ đất có cỏ kéo củi qua hay lấy chiếu phủ lên làm nó bị tổn hoại thì phạm Đọa, không có tâm làm tổn hoại thì không phạm. Nếu kinh hành trên đất có rêu xanh phạm hay không phạm giống như trên. Trên đất có rêu xanh kéo củi qua… phạm hay không phạm giống như trên. Bèo, rong rêu trong nước nếu vớt lìa khỏi nước phạm đọa, chưa lìa khỏi nước phạm Ác-tác. Nhổ nấm mọc trên đất phạm Ác-tác. Nếu Bí-so đối với bình chậu… và trên y phục hoặc mền, nệm, chiếu có mốc xanh mốc trắng khởi tâm làm tổn hoại đều Ác-tác. Nếu bảo người biết tịnh rồi thọ dụng thì không phạm. Nếu đối với năm loại sanh chủng bảo người biết tịnh cũng không phạm. Không phạm nữa là người phạm ban đầu hoặc si cuồng tâm loạn bị thống não bức bách.