CĂN BẢN THUYẾT NHẤT THIẾT HỮU BỘ TỲ NẠI DA

Hán dịch: Đời Đường Tam Tạng Pháp Sư Nghĩa Tịnh 
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

QUYỂN 18

Học Xứ Thứ Tư: NHỜ NI KHÔNG PHẢI BÀ CON GIẶT Y CŨ (Tiếp Theo)

Ô-đà-di nghe Phật nói kệ rồi liền đảnh lễ Phật bạch rằng: “Thế Tôn, tôi muốn trở về vương thành tâu cho phụ vương của Ngài biết”. Phật nói: “Làm sứ giả cho Phật theo lý thì không phải như vậy”, Ôđà-di hỏi: “Làm sứ giả cho Phật phải như thế nào?”, Phật nói: “Tất cả người xuất gia mới là sứ giả của Phật”. Ô-đà-di nói: “Vậy tôi muốn xuất gia, nhưng vì đã hứa với Đại vương nên phải về báo lại, bây giờ tôi phải đi”. Phật nói: “Đợi khi về xuất gia rồi hãy về báo tin”, Ô-đà-di nói: “Lành thay, vậy con xin xuất gia”. Phật bảo tôn giả Xá-lợi-tử xuất gia cho Ô-đà-di để Ô-đà-di được Lợi-ích trong đêm dài sanh tử. Cụ thọ Xá-lợi-tử vâng lời Phật dạy cho Ô-đà-di xuất gia và cho thọ viên cụ, những hành pháp của một Bí-sô đều lược nói cho Ô-đà-di biết.

Ô-đà-di thọ giáo giới xong kính lễ Xá-lợi-tử rồi đến chỗ Phật đảnh lễ bạch rằng: “Thế Tôn, con nay đã xuất gia”. Phật nói: “bây giờ thầy có thể trở về báo lại cho phụ vương của ta biết, nhưng chớ có đường đột bước vào trong cung, nên đứng ở ngoài cửa báo là có Bí-sô Thích Ca đang đứng ở ngoài cửa, đợi gọi mới vào. Nếu người kia hỏi có

Bí-sô Thích Ca khác nữa không, thì nên đáp là có; nếu hỏi thái tử Nhất Thế Nghĩa Thành cũng có hình dạng như vậy phải không, thì nên đáp là cùng một hình dạng như vậy. Thầy cũng không nên ngủ đêm ở trong cung, nếu hỏi thái tử Nhất Thế Nghĩa Thành có ngủ đêm trong cung không, thì nên đáp là không có; nếu hỏi các Bí-sô ngủ ở đâu, thì nên đáp là ngủ ở nơi A-lan-nhã hoặc ở tại Tỳ-ha-la; nếu hỏi thái tử Nhất Thế Nghĩa Thành có muốn đến đây không, thì nên đáp là muốn đến; nếu hỏi chừng nào đến, thì nên đáp là bảy ngày sau sẽ đến”. Ô-đà-di nghe nhớ kỹ rồi đảnh lễ Phật ra đi, Phật dùng thần lực yểm trợ khiến cho Ô-đà-di chỉ trong chớp nhoáng đã đến thành Kiếp-tỷ-la, đứng ở ngoài cửa cung báo với người đứng gác rằng: “Hãy vào bạch vua là có Bí-sô Thích Ca đang đứng ở ngoài cửa”, người gác cửa hỏi: “Có các Bí-sô Thích Ca khác nữa hay không?”, đáp có. Người gác cửa liền vào trong cung tâu vua: “Đại vương, Bí-sô Thích Ca đã đến hiện đang đứng ở ngoài cửa”, Vua nói: “Hãy cho vào để Ta xem thử hình dạng của Bíso Thích Ca như thế nào”. Người gác cửa liền dẫn vào, Vua vừa nhìn liền nhận ra ngay là Ô-đà-di nên hỏi: “Ô-đà-di, khanh đã xuất gia rồi sao?”, đáp: “Đại vương, tôi đã xuất gia”, Vua hỏi: “Thái tử Nhất Thiết Nghĩa Thành cũng có hình dạng như vầy hay sao?”, đáp: “Đại vương, hình dạng cũng giống như thế”.

Vua Tịnh Phạn vừa nghe lời này, do ân tình quá nặng từ nhiều kiếp đến nay nên ngã xuống ngất xỉu, phải dùng nước lạnh rưới hồi lâu mới tỉnh lại. Sau khi được đỡ dậy ngồi lên chỗ ngồi rồi vua liền hỏi Ô-đà-di: “Thái tử Nhất Thiết Nghĩa Thành có muốn đến đây không?”, đáp: “Muốn đến”, Vua hỏi: “Khi nào sẽ đến?”, đáp: “Bảy ngày sau sẽ đến”. Vua nghe nói rồi liền ra lịnh cho các quan: “Thái tử Nhất Thiết Nghĩa Thành qua bảy ngày sau sẽ trở về chốn cũ, các khanh nên tu sửa thành quách và trang nghiêm đường sá, trong cung cũng phải quét dọn sạch sẽ”. Ô-đà-di liền nói: “Đại vương, Thế Tôn không ngủ đêm ở trong cung”, Vua hỏi: “thế thì ngủ ở đâu?”, đáp: “Hoặc ở A-lan-nhã hoặc ở Tỳ-ha-la”. Vua liền ra lịnh cho các quan: “Các khanh nên đến nơi A-lan-nhã rừng Khuất Lộ Đà xây cất một trú xứ có mười sáu đại viện, mỗi đại viện có sáu mươi phòng giống như ở rừng Thệ-đa”. Các quan phụng mệnh làm đúng như lời vua đã ban, hàng nhơn thiên thù thắng cũng phát tâm vào công việc này, do ý niệm tương ưng với định lực nên mọi việc đều thành tựu. Tất cả các nẻo đường trong thành đều được quét dọn sạch sẽ, được rưới bằng nước thơm Chiên đàn nên khắp nơi đều có hương thơm thù diệu, khắp nơi cũng đều treo cờ phướng tạo nên một không gian rất vui tươi dễ chịu, giống như vườn Hoan Hỉ của trời Đế Thích. Trong lòng tất cả mọi người đều khát ngưỡng muốn gặp lại Thế Tôn.

Lúc đó Thế Tôn ở rừng Thệ-đa bảo cụ thọ Mục-kiền-liên thông báo cho các Bí-sô biết Như Lai muốn đến thành Kiếp-tỷ-la, các cụ thọ muốn nhìn thấy cảnh cha con gặp nhau thì hãy mang y bát đến tháp tùng. Mục-kiền-liên vâng lời đi thông báo, các Bí-sô nghe rồi liền mang y bát đến tháp tùng với Thế Tôn đi đến thành Kiếp-tỷ-la. Do Thế Tôn đã tự diều phục nên những người tự điều phục vây quanh, Thế Tôn tự tịch tĩnh nên những người tịch tĩnh vây quanh, Thế Tôn đã giải thoát nên những người giải thoát vây quanh, Thế Tôn đã an ổn nên những người đã an ổn vây quanh, Thế Tôn đã thuần thiện nên những người thuận thiện vây quanh, Thế Tôn đã lìa dục nên những người đã lìa dục vây quanh, Thế Tôn đã chứng quả A-la-hán nên các A-la-hán vây quanh, Thế Tôn đã đoan nghiêm nên những người đoan nghiêm vây quanh. Thế Tôn như rừng Chiên đàn nên rừng Chiên đàn vây quanh, Thế Tôn như voi chúa nên bầy voi vây quanh, Thế Tôn như sư tử vương nên bầy sư tử vây quanh, Thế Tôn như đại ngưu vương nên bầy ngưu vây quanh, Thế Tôn như Nga vương nên bầy Nga vây quanh, Thế Tôn như diệu Sí điểu vương nên bầy sí điểu vây quanh. Thế Tôn như Bà-la-môn nên các học đồ vây quanh, như đại y vương nên các bịnh nhơn vây quanh, như Đại tướng quân nên binh chúng vây quanh, như người dẫn đường nên những người đi đường vây quanh, như thương chủ nên các thương khách vây quanh, như Đại trưởng giả nên chúng nhơn vây quanh, như quốc vương nên các đại thần vây quanh. Thế Tôn như trăng sáng nên các tinh tú vây quanh, như nhật luân nên các thiên quang vây quanh, như Trì Quôc thiên vương nên chúng Càn Thát Bà vây quanh, như Tăng Trưởng thiên vương nên chúng Cưu Bàn Trà vây quanh, như Xú Mục thiên vương nên Long chúng vây quanh, như Đa Văn thiên vương nên chúng Dược Xoa vây quanh, như Tịnh Diệu vương nên chúng A tô la vây quanh, như Đế Thích nên chư thiên cõi trời Tam thập tam vây quanh, như Phạm thiên vương nên Phạm chúng vây quanh. Như Đại hải trầm lắng an trụ, như mây lớn tầng tầng lớp lớp giăng phủ, như Tượng vương dứt cơn say cuồng. Thế Tôn đã diều phục các căn, oai nghi tịch tĩnh, trang nghiêm thân bằng ba mươi hai tướng và tám mươi vẻ đẹp với một vầng hào quang tròn rộng một tầm, sáng hơn ánh sáng của một ngàn mặt trời, bước đi an tường như núi báu di động, mười Lực, bốn vô sở úy, Đại bi, Tam niệm trụ, vô lượng công đức thảy đều viên mãn.

Các đại Thanh văn như tôn giả A-nhã-kiều-trần-như, tôn giả Cao Thắng, tôn giả Bà Sắt ba, tôn giả Đại danh, tôn giả Vô Diệt, tôn giả Xálợi-tử, tôn giả Mục-kiền-liên, tôn giả Ca-diếp-ba, tôn giả Danh Xưng… và đại chúng cùng đến thành Kiếp-tỷ-la, tuần tự đến bờ sông Lư Hí Đa, lúc đó các Bí-sô hoặc rửa tay chân, hoặc súc miệng hoặc lọc nước hoặc tắm giặt… Dân chúng trong thành Kiếp-tỷ-la nghe tin thái tử Nhất Thiết Nghĩa Thành sắp về đến đều rất vui mừng, tranh nhau kéo tới rừng

Khuất-lộ-đà. Lúc đó vua Tịnh Phạn cũng cho trải tòa trang hoàng trên khoảng đất rộng để đón thái tử, hàng vạn người đều vân tập đến đây đều sanh tâm hoan hỉ suy nghĩ không biết cha lễ con hay con lễ cha. Lúc đó Thế Tôn cũng suy nghĩ: “Nếu Ta đi bộ vào thành, nhựng người trong dòng họ Thích Ca sẽ khởi tâm coi thường, sanh lòng bất tín cho rằng thái tử Nhất Thiết Nghĩa thành có mất mát lớn, vì khi ra đi có trăm ngàn thiên chúng tùy tùng trên không trung ở thành Kiếp-tỷ-la, nay chứng được Diệu trí vô thượng trở về lại đi bộ vào thành. Muốn cho họ không có tâm khinh mạn ta phải dùng thần biến đề vào thành Kiếp-tỷ-la”.

Thế Tôn liền tùy theo tâm sở niệm nhập Tam-ma-địa, nhập định rồi nơi tòa không hiện, cùng các Bí-sô vụt lên hư không. Lúc đó Thế Tôn như mặt trăng tròn có các Bí-sô vây quanh, như Nga vương duỗi cánh, trong bốn oai nghi đều hiện thần biến. Thế Tôn nhập định Hỏa quang trước tiên từ phương Đông hiện các ánh sáng xanh, vàng, đỏ, trắng, hồng; hoặc hiện biến thần thông như trên thân tuôn ra nước, dưới thân tuôn ra lửa, hoặc trên thân tuôn ra lửa, dưới thân tuôn ra nước. Phương Đông đã như vậy, các phương Nam, Tây, Bắc cũng hiện như vậy. Sau đó Thế Tôn thu hồi thần biến rồi ở trên hư không cao bảy cây Đa-la, các Bí-sô cao sáu cây; Phật cao sáu cây, các Bí-sô cao năm cây; Phật cao năm cây, các Bí-sô cao bốn cây; Phật cao bốn cây, các Bí-sô cao ba cây; Phật cao ba cây, các Bí-sô cao hai cây; Phật cao hai cây, các Bí-sô cao một cây; Phật cao một cây, các Bí-sô ở trên mặt đất. Thế Tôn đi ở trên hư không cách đất cao hơn mọi người cùng với vô lượng trăm ngàn câu chi đại chúng Thiên nhơn vây quanh vào trong thành Kiếp-tỷla. Vua Tịnh Phạn vừa thấy Phật liền đảnh lễ Phật và nói kệ:

“Phật mới sanh đại địa chấn động,
Bóng cây Thiệm bộ chẳng lìa thân.
Nay lần thứ ba lễ bậc Viên trí,
Hàng phục ma oán thành Chánh giác”.

Lúc đó những người trong dòng họ Thích Ca thấy vua Tịnh Phạn đảnh lễ Phật sanh lòng bất nhẫn nói lớn: “Vì sao tôn phụ lại đảnh lễ con mình”. Vua Tịnh Phạn nghe rồi liền bảo các Thích chủng: “Các người không nên nói như thế, chính ngày Bồ tát mới sanh, đại địa chấn động, đã phóng ra ánh sáng lớn chiếu khắp thế gian, ánh sáng chiếu soi vượt qua cõi trời Tam thập tam. Các chốn tối tăm trong thế giới mà ánh sáng của mặt trời mặt trăng không thể chiếu soi đến, đều nhờ ánh sáng này mà chúng hữu tình ở đó được nhìn thấy nhau. Do ta thấy được việc hy hữu này nên ta liền đảnh lễ Phật, đây là lần thứ nhất. Khi Bồ tát đến đồng ruộng xem các sản nghiệp đã ở dưới bóng cây Thiệm bộ ngồi kiết già xa lìa pháp ác bất thiện của cõi dục, có tầm tứ được định Hỷ lạc nhập Sơ tĩnh lự. Quá ngọ mặt trời về chiều, bao nhiêu bóng cây khác đều ngã về Đông, chỉ có bóng cây Thiệm bộ chỗ Bồ tát ngồi vẫn đứng yên để che thân cho Bồ tát. Do ta thấy việc hy hữu này nên ta liền đảnh lễ Phật, đây là lần thứ hai. Và hôm nay là lần thứ ba ta đảnh lễ Phật”. Khi Thế Tôn bước tới tòa ngồi ngồi xuống rồi, vua Tịnh Phạn lại bước tới đảnh lễ Phật rồi ngồi qua một bên, đây là lần thứ tư vua đảnh lễ Phật.

Lúc đó các Thích chủng ở trong rừng Khuất Lộ Đà đã sắp đặt xong thắng tòa và các vật phẩm cúng dường thượng hảo chờ đợi Thế Tôn và chúng Bí-sô đến. Khi Thế Tôn cùng đại chúng đến nơi, Phật ngồi lên thắng tòa thì vua Tịnh Phạn liền dâng các phẩm vật thượng diệu lên cúng dường Phật và Tăng. Nối tiếp vua Tịnh Phạn là vua Bạch Phạn, Hộc Phạn, Cam Lồ Phạn và trăm ngàn vạn ức đại chúng đều bước tới đảnh lễ Phật rồi ngồi qua một bên. Những người còn lại khác hoặc đứng chắp tay hoặc ngưỡng vọng từ xa, lúc đó vua Tịnh Phạn dùng kệ hỏi Phật:

“Phật xưa ở trong cung,
Đi đều có ngựa xe,
Sao nay dùng đôi chân,
Đi trong chốn chông gai”.

Phật dùng kệ đáp:

“Tôi dùng thần túc thông,
Tự tại đi trên không,
Đi khắp cùng đại địa,
Gai phiền não vô hại”.

Vua lại hỏi:

“Xưa y phục cao sang,
Dung sắc sáng nhiều vẻ,
Nay mặc áo thô xấu,
Làm sao nhẫn chịu được?”.

Phật đáp:

“Hổ thẹn là thượng phục,
Mặc vào rất đoan nghiêm,
Người thấy sanh yêu mến,
Tịch tĩnh nơi rừng già”.

Vua lại hỏi:

“Xưa ăn gạo lúa thơm,
Đựng mâm vàng thù thắng,
Nay xin cơm thô dở,
Làm sao no đủ được?”.

Phật đáp:

“Tôi dùng pháp vi diệu,
Vị cùng định tương ưng,
Diệt trừ tham ăn uống,
Thương chúng sanh nên thọ”.

Vua lại hỏi:

“Xưa lầu cao, điện ngọc,
Tùy thời tự an nhàn,
Nay ở trong rừng núi,
Tại sao không hoảng sợ?”.

Phật đáp:

“Tôi đã đoạn gốc sợ,
Phiền não đều dứt trừ,
Dù ở trong rừng sâu,
Cũng dứt hẳn lo sợ”.

Vua lại hỏi:

“Xưa ở trong Vương cung,
Dùng nước thơm tắm gội,
Nay ở trong rừng núi,
Nước gì Mâu Ni tắm?”.

Phật đáp:

“Ao pháp bến Phước đức,
Người thanh tịnh an vui,
Kẻ trí tắm ao này,
Trừ Cấu không ướt thân”.

Vua lại hỏi:

“Xưa ở trong Vương cung,
Bình vàng phun nước tắm,
Nay ở nơi sông hồ,
Lấy gì rưới lên thân?”.

Phật đáp:

“Tôi tắm nước Tịnh giới,
Diệu pháp khí rưới thân,
Người trí đều khâm khen,
Rửa sạch Cấu thân tâm”.

Thế Tôn dùng kệ đáp vua Tịnh Phạn rồi quán Giới tánh ý nhạo tùy miên sai biệt của đại chúng để thuyết pháp xứng với căn cơ, khiến cho số người nghe pháp như vua Bạch Phạn, vua Hộc Phạn, vua Cam Lồ Phạn và trăm ngàn đại chúng đồng nghe pháp hoặc đắc quả Dự lưu, hoặc đắc quả Nhất lai, hoặc đắc quả Bất hoàn, hoặc có người xin xuất gia đoạn các phiền não chứng quả A-la-hán; hoặc có người phát tâm Bồ đề Độc giác, hoặc có người phát tâm Vô thượng Bồ đề. Còn lại những người khác đều quy y Tam bảo trụ trong chánh tín, chỉ có vua Tịnh Phạn vì quá vui mừng nên chưa thể đắc Kiến đế. Sau đó vua Tịnh Phạn và đại chúng đảnh lễ Phật rồi cáo lui, trở về cung vua Tịnh Phạn chìm đắm trong ý nghĩ: “Chỉ có một mình con ta mới có oai đức này, không còn ai khác sánh kịp”.

Thế Tôn biết trong tâm vua cha đang nghĩ gì, để hàng phục tánh kiêu mạn này của vua cha nên trời vừa sáng tỏ Thế Tôn liền bảo cụ thọ Mục-kiền-liên: “Thầy nên quán tâm, thương xót phụ vương ta”. Mục Liên vâng lời Phật dạy liền chấp trì y bát đến chỗ vua Tịnh Phạn, vua vừa thấy Mục Liên liền xướng thiện lai. Mục Liên lúc đó liền như sở niệm nhập Tam-ma-địa, nhập định rồi liền ẩn thân nơi tòa ngồi hiện trên hư không, trước tiên ở phương Đông nhập định Hỏa quang hiện các ánh sáng xanh, vàng, đỏ trắng hồng; hoặc hiện biến thần thông như trên thân tuôn ra nước, dưới thân tuôn ra lửa hay trên thân tuôn ra lửa, dưới thân tuôn ra nước. Phương Đông đã như vậy, các phương Nam, Tây, Bắc cũng hiện như thế. Sau đó thu hồi thần biến hiện trở lại chỗ ngồi, vua Tịnh Phạn liền hỏi Mục Liên: “Có phải các đệ tử của Thế Tôn đều có đại oai đức như tôn giả?”. Mục Liên dùng kệ đáp:

“Thánh đệ tử Mâu Ni,
Đều có đại oai đức,
Ba minh và sáu thông,
Không ai là không có”.

Vua nghe rồi liền suy nghĩ: “Chẳng phải chỉ có một mình con ta là có đại oai đức, các Bí-so đều có đại thần lực như vậy”. Nghĩ như vậy rồi tâm kiêu mạn trước đây liền dứt trừ, vua lại suy nghĩ: “Thế Tôn hiện nay chỉ có loài người cúng dường, không thấy có chư thiên”. Mục Liên biết ý nghĩ của vua liền tâu rằng: “Đại vương, tôi muốn trở về chỗ đức Thế Tôn”, Vua nói: “Tùy ý tôn giả”. Sau đó vua cũng đi đến chỗ Phật, do biết được ý nghĩ của phụ vương nên lúc đó Phật biến hóa khu rừng Khuất Lộ Đà thành tô phả chi ca. Khi vua Tịnh Phạn muốn vào từ cửa Đông gặp Phật, người giữ cửa liền bảo chớ vào, vua hỏi vì sao thì người giữ cửa bảo là Thế Tôn đang nói pháp cho chư thiên nghe. Vua hỏi người giữ cửa: “Hiền thủ là ai?”, người giữ cửa đáp: “Tôi là Trì Quốc thiên vương ở phương Đông”. Vua bèn đi đến cửa Nam, người giữ cửa cũng bảo chớ vào giống như trên, vua liền hỏi: “Hiền thủ là ai?”, người giữ cửa đáp: “Tối là Tăng Trưởng thiên vương ở phương Nam”. Vua bèn đi đến cửa Tây, người giữ cửa cũng bảo chớ vào giống như trên, vua liền hỏi: “Hiền thủ là ai?”, người giữ cửa đáp: “Tôi là Xú Mục thiên vương ở phương Tây”. Vua bèn đi đến cửa Bắc, người giữ cửa cũng bảo chớ vào giống như trên, vua liền hỏi: “Hiền thủ là ai?”, người giữ cửa đáp: “Tôi là Đa Văn thiên vương ở phương Bắc”.

Lúc đó Thế Tôn dùng thần lực gia bị cho vua Tịnh Phạn khiến từ ngoài cửa trông thấy Thế Tôn đang thuyết pháp cho chư thiên nghe. Thấy rồi vua liền suy nghĩ: “Thế Tôn hiện nay không phải chỉ có loài người cúng dường, ngay cả chư thiên cũng đến kính lễ”. Thế Tôn khiến vua dứt trừ tâm kiêu mạn rồi bèn thu hồi thần lực, lúc đó tôn giả Mục Liên liền đưa vua vào gặp Phật, Thế Tôn tùy theo ý nhạo tùy miên giới tánh sai biệt của vua và các chúng khác để thuyết pháp xứng với căn cơ khiến cho vua Tịnh Phạn chứng được quả Dự Lưu, chứng quả rồi vua liền bạch Phật: “Thế Tôn, nay tôi được chứng quả không phải do cao tổ, cũng không phải do cha mẹ, chẳng phải do trời, vua, sa môn, Bà-lamôn, cũng chẳng phải do tôn thân mà được. Chính là do nương nơi Thế Tôn là bậc thiện tri thức nên mới được chứng quả này. Ở trong ba đường ác Nại-lạc-ca, bàng sanh và Ngạ quỷ Thế Tôn đã cứu tôi ra khỏi, đặt để tôi vào cõi người trời, dứt me sanh tử ở đời vị lai, làm khô cạn biển lớn nước mắt và máu, vượt ra khỏi núi cao xương trắng từ vô thỉ đến nay đã tích chứa, hang sâu thẳm thân kiến cũng trừ bỏ nên tôi mới chứng được quả này. Thế Tôn, tôi đã ra khỏi dòng sanh tử, nay tôi xin quy y Phật, Pháp, Tăng bảo, làm Ô-ba-sách-ca, xin Thế Tôn chứng tri, từ hôm nay cho đến trọn đời tôi không sát sanh cho đến không uống rượu, thọ trì năm học xứ”, nói rồi đảnh lễ Phật cáo lui.

Sau đó đến chỗ vua Bạch Phạn muốn trao vương vị, vua Bạch Phạn hỏi: “Có ý gì?”, vua Tịnh Phạn nói: “Tôi nay đã Kiến đế không muốn làm vua”, vua bạch Phạn hỏi vào lúc nào, vua Tịnh Phạn đáp là vào ngày hôm nay, vua Bạch Phạn nghe rồi nói: “Ngay ngày Thế Tôn mới đến, vừa nghe pháp tôi đã Kiến đế rồi”. Vua Tịnh Phạn liền đến chỗ vua Hộc Phạn, rồi đến chỗ vua Cam Lồ Phạn muốn trao vương vị thì các vua đều nói là đã Kiến đế. Vua Tịnh Phạn nghe rồi nói: “Như thế này thì tôi làm lễ quán đảnh cho ai để trao vương vị”. Các vua đều nói nên trao vương vị cho Hiền Thiện thuộc dòng họ Thích Ca, vua Tịnh Phạn nghe rồi liền làm lễ quán đảnh trao vương vị cho Hiền Thiện.

Thế Tôn và Tăng chúng hằng ngày vào cung vua thọ cúng dường, lúc đó vua Tịnh Phạn suy nghĩ: “Đệ tử của Phật có hàng ngàn người đều từ ngoại đạo đến, tâm tuy đoan nghiêm nhưng thân chưa được uy nghiêm vì do ngày trước tu khổ hạnh nên hình dung tiều tụy. Làm thế nào khiến cho môn đồ của Thế Tôn có được dung mạo khả ái, vừa nhìn phước tướng tâm thiện liền sanh, ta nên bảo trong dòng họ Thích ca xuất gia theo Thế Tôn”. Nghĩ rồi vua liền tập họp Thích chủng hỏi: “thái tử Nhất Thiết Nghĩa Thành nếu không xuất gia thì sẽ làm gì?”, đáp: “Sẽ làm vua Chuyển luân”, vua lại hỏi: “Lúc đó các vị sẽ làm gì?”, đáp: “Chúng tôi xưng thần và làm tùy tùng”, vua lại hỏi: “Nay Thái tử chứng được pháp Cam lồ, cũng khiến cho các hữu tình đồng được nếm mùi vị ấy, sao các vị không tùy tùng?”, mọi người nghe rồi đều đáp: “Chúng tôi muốn được xuất gia”, vua nói: “Hãy theo sở nguyện của các vị”, các Thích chủng lại hỏi: “Toàn gia đều đi hay mỗi gia đình chỉ đi một người?”, Vua nói: “Mỗi gia đình một người”. Nói rồi vua Tịnh Phạn liền cho đánh kiền chùy phổ cáo trong Thích chủng là mỗi nhà một người xuất gia theo Phật, cho nên trong dòng họ Thích có đến năm trăm Thích tử đồng loạt xuất gia. Như Thế Tôn nói bỏ quý tộc xuất gia được nhiều lợi dưỡng, cho nên năm trăm thích tử Bí-sô đều được rất nhiều lợi dưỡng. Thế Tôn thấy rồi liền suy nghĩ: “Các Thích tử này vốn vì cầu giải thoát mà xuất gia, nay lại bỏ thiểu dục chìm đắm trong tài lợi”. Thế Tôn muốn họ không chìm đắm trong tài lợi nữa nên cùng chúng tăng trở lại rừng Thệ-đa ở thành Thất-la-phiệt an trú như trước kia. Lúc đó cụ thọ Ô-đà-di vào sáng sớm đắp y mang bát vào thành theo thứ lớp khất thực đến nhà của vợ cũ là Cấp-đa đứng ở cửa ngỏ, Cấp-đa từ xa trông thấy nhận ra Ô-đà-di liền chạy tới đấm ngực nói: “Ô-đà-di, tại sao anh lại bỏ em mà xuất gia?”, Ô-đà-di nói: “Hiền thủ, Thế Tôn khi còn là Bồ tát cũng đã bỏ người vợ yêu quý là Da du đà la và sáu vạn thể nữ để xuất gia, tôi làm sao có thể cùng sống với nàng”. Cấp-đa nói: “thế thì em cũng muốn xuất gia”, Ô-đà-di nói: “Nếu được như thế thì rất tốt”, Cấp-đa nói: “Em thu xếp gia nghiệp xong sẽ xuất gia”, Ô-đà-di nói: “Nên mau thu xếp, đừng có trì trệ”. Nói rồi liền bỏ đi, không bao lâu sau lại đến hỏi: “Sao cô chưa xuất gia?”, Cấp-đa nói: “Tôi thu xếp gia nghiệp chưa xong”, Ô-đà-di nói: “Chắc cô đợi sau khi nước Kiều-tát-la bị cháy hết, cô mới thu xếp xong phải không?”, Cấp-đa nói: “Nội nhật hôm nay thu xếp xong, ngày mai tôi sẽ xuất gia”. Sau đó Ô-đà-di lại suy nghĩ: “Ta do tục lụy trước kia nên các vị đồng phạm hạnh Hắc-bát khinh khi, nếu Cấp-đa xuất gia ta sẽ càng chiêu lấy cơ hiềm rằng lục chúng Bí-sô đã độ Bí-sô ni”. Nghĩ rồi liền sanh truy hối nên trời vừa hừng sáng Ô-đà-di liền đắp y mang bát đi đến thành Vương Xá, vừa đến nơi thì đúng vào lúc Hạ an cư.

Trong lúc đó Cấp-đa thu xếp xong gia nghiệp liền đến trong rừng Thệ-đa hỏi các Bí-sô: “Vị ấy ở đâu?”, các Bí-sô hỏi: “Vị ấy là ai?”, đáp: “Là thánh giả Ô-đà-di”, các Bí-sô nói: “Vị ấy đã đi đến thành Vương Xá cách đây rất xa”. Cấp-đa nghe rồi liền khóc, các Bí-sô hỏi vì sao khóc, Cấp-đa nói: “Thánh giả Ô-đà-di bảo tôi bỏ thế tục sẽ cho tôi xuất gia, nay tôi thu xếp xong gia nghiệp đến đây thì thánh giả lại bỏ đi xa. Bây giờ tôi không còn nhà để về lại cũng không được xuất gia, làm sao không khóc”. một người nghe rồi liền nói: “Vì dao cạo ở đây cũ nên thánh giả đi đến Vương thành muốn lấy dao mới về để cạo tóc cho bà”. Vừa lúc ấy có chúng Bí-sô ni vì thỉnh giáo thọ nên đến trong rừng Thệđa, thấy Cấp-đa đang đứng khóc liền hỏi nguyên do, Cấp-đa liền kể lại sự việc, các Bí-sô ni nói: “Bí-sô không có độ cho ni xuất gia mà phải là Bí-sô ni độ, bà hãy theo chúng tôi đến chỗ Đại thế chủ Kiều-đáp-di sẽ độ cho bà xuất gia”. Cấp-đa liền đi theo các ni đến chỗ Đại thế chủ, Đại thế chủ liền cho Cấp-đa xuất gia.

Lúc đó Ô-đà-di ở thành Vương Xá lại suy nghĩ: “Vì ta muốn tránh các Hắc-bát cơ hiềm nên không độ cho Cấp-đa xuất gia, như Thế-là ta bị mất mát lớn. Nếu có vị Hắc-bát nào khác độ cho Cấp-đa xuất gia thì dù ta muốn gặp trong chốc lát cũng không thể được”, do nghĩ như vậy nên tuy Hạ an cư nhưng tâm của Ô-đà-di thường không vui. Sau đó có một Bí-sô Ma-ha-la từ thành Thất-la-phiệt Hạ an cư xong đi đến Vương thành, đúng lúc Ô-đà-di đứng ngoài cửa ngỏ tinh xá trúc Lâm trông thấy. Nhìn thấy lão Bí-sô này tóc bạc trắng, mi dài phủ mắt, bước đi thong thả, không biết có phải là bậc thượng tọa hay không, nên Ôđà-di bước tới chào hỏi, vị lão Bí-sô liền luôn miệng nói: “Kính lễ Agiá-lợi-da, kính lễ Ô-ba-đà-da”. Ô-đà-di nghe nói rối biết không phải là bậc thượng tọa, liền dẫn vào chùa hỏi: “thầy từ đâu đến đây?”, đáp: “Từ thành Thất-la-phiệt đến”. Ô-đà-di nghe rồi liền suy nghĩ: “Nếu ta hỏi tin tức Cấp-đa trước thì người nghe sẽ chê trách, ta nên tuần tự hỏi thăm”, nghĩ rồi liền hỏi: “Thế Tôn có được ít bịnh, ít não, đi đứng tự tại, sở hành an vui chăng? Thế Tôn có Hạ an cư ở đó chăng?”, đáp: “Thế Tôn không bịnh, an vui và Hạ an cư tại đó”, lại hỏi: “Tứ chúng có được không bịnh và an vui chăng, có thường đến nghe Thế Tôn thuyết pháp chăng?”, đáp: “Tứ chúng đếu không bịnh an vui và thường đến nghe Phật thuyết pháp”, lại hỏi: “Chư tôn túc như Kiều-trần-như, Ca-diếpba, Xá-lợi-tử, Mục-kiền-liên… Đại thế chủ Kiều-đáp-di cho đến vua Thắng Quang… có được vô bịnh an vui chăng?”, đáp: “Tất cả đều không bịnh an vui”, lại hỏi: “Thầy có biết vợ của Đại thần tên là Cấp-đa không?”, đáp: “Có biết, bà cũng là vợ trước kia của đại đức Ô-đà-di”, lại hỏi: “Chẳng phải bà ta vẫn còn là vợ cũ của đại đức ấy hay sao?”, đáp: “Nay bà đã xuất gia rồi”, lại hỏi: “Ai đã độ cho bà ta xuất gia?”, đáp: “Là Đại thế chủ”.

Ô-đà-di sau khi biết rõ sự việc rồi liền suy nghĩ: “Cấp-đa đã xuất gia, ta nên gặp mặt”, nghĩ rồi liền lấy bát của lão Bí-sô treo lên cọc ngà voi rồi đưa dầu cho thoa chân tay, nói rằng: “Trong phòng này có sẳn thức ăn, ở đây có lợi dưỡng gì thầy cứ thọ dụng”. Lão Bí-sô liền nói: “Tôi không muốn ở đây”, Ô-đà-di liền đưa cái khóa cửa và nói: “Như Thế Tôn có dạy Bí-sô không nên bỏ không trú xứ, này Ma-ha-la, đây là khóa cửa, thầy nên biết”. Nói rồi liền bỏ đi đến thành Thất-la-phiệt, vào trong rừng Thệ-đa quét dọn sạch sẽ phòng của mình rồi đọc tụng chánh pháp. Vừa lúc đó có Bí-sô ni vào trong rừng Thệ-đa thỉnh giáo thọ, nghe tiếng đọc tụng liền cùng đến chỗ Ô-đà-di hỏi: “Đại đức lâu nay đi đâu vắng?”, đáp: “Tôi có việc phải đến thành Vương Xá vừa mới trở về”. Các ni nghe rồi về chùa nói với Cấp-đa: “Cô nên hoan hỉ vì A-giá-lợi-da của cô đã về đến trong rừng Thệ-đa rồi”, Cấp-đa hỏi: “Agiá-lợi-da nào?”, đáp là Bí-sô Ô-đà-di , Cấp-đa hỏi: “Sao cô biết Bí-sô ấy là thầy quỷ phạm của tôi, tôi đâu có theo Bí-sô ấy thọ học”, các ni nói: “Đâu cần theo thọ học, cô nên đến hỏi thăm sức khỏe của vị ấy”.

Cấp-đa liền mang theo hương bột… đi đến phòng của Ô-đà-di gõ cửa, Ô-đà-di hỏi là ai, đáp là Cấp-đa, Ô-đà-di liền mở cửa mời vào rồi hỏi: “Ai cho bà xuất gia?”, đáp là Đại thế chủ, Ô-đà-di nói: “Trước đây vì có việc gấp phải đi đến Vương thành, còn cô vì sao lại gấp cầu lìa tục?”, đáp: “Trước đây đại đức bảo tôi thu xếp gia nghiệp rồi độ tôi xuất gia. Tôi nghe lời nên thu xếp gia nghiệp, không ngờ đại đức bỏ tôi đi đến Vương thành. Nếu Đại thế chủ không độ tôi xuất gia thì lúc ấy tôi không biết phải làm sao”, Ô-đà-di nói: “Chẳng phải lúc đó tôi có hứa là dạy cho cô sao, cô hãy ngồi xuống đây, tôi sẽ thuyết pháp cho cô nghe”. Cấp-đa liền ngồi xuống chú tâm nghe pháp, Ô-đà-di khi thuyết pháp liền nhớ lại chuyện vui cười thuở xưa nên hỏi Cấp-đa: “Cô có nhớ ngày xưa tại vườn ___, rừng ___, miếu ___, chúng ta đã ăn những món ăn ngon như thế như thế không?”. Khi cùng nói chuyện tâm dục liền khởi khiến tình ý hỗn loạn.

Phàm người nữ trí huệ có năm trường hợp không cọng sự: Một là biết người nam có tâm dục hừng thạnh hay không có…, lúc đó Cấp-đa biết Ô-đà-di đang có tâm dục hừng thạnh nên xin phép ra ngoài một lát sẽ trở vào, nhưng khi ra khỏi phòng Cấp-đa liền bỏ chạy. Ô-đà-di nghe tiếng chân chạy liền chạy theo ra gọi Cấp-đa, do hấp tấp chạy theo nên sanh chi chạm vào bắp vế khiến tinh tiết ra, dục tâm liền tiêu tan nên Ô-đà-di đứng lại bồi hồi nhìn theo. Cấp-đa thấy vậy liền quay trở lại nói: “Thánh giả, nếu vừa rồi tôi chấp thuận thì tôi không còn là Bí-so ni, thánh giả cũng không còn là Bí-sô”. Ô-đà-di nói: “Như Thế Tôn đã dạy, nếu ai hộ mình tức là hộ người, nếu ai biết hộ người liền thành hộ mình. Thế nào là hộ mình tức là hộ người? Tự có thể tu tập, do tu tập nhiều nên có chứng ngộ. Thế nào là hộ người liền thành hộ mình?: Không não hại, không phẫn hận, không có tâm oán hại, thường khởi lòng từ bi thương xót mọi loài”. Cấp-đa nói: “Thánh giả hãy cởi quần ra đưa cho tôi giặt”.

Khi Ô-đà-di đưa quần cho Cấp-đa giặt, Cấp-đa thấy tinh dính dơ liền sanh tâm hối, tâm nhiễm liền bộc phát, như trong kinh Phật có kệ:

“Những người say đắm dục,
Không thấy được nghiã lợi,
Không quán được thiện pháp,
Thường đi trong tối tăm”.

Do tâm nhiễm nên tình ý rối loạn, Cấp-đa liền lấy giọt tinh ấy để vào trong nữ căn, do nghiệp lực của hữu tinh không thể nghĩ bàn nên ngay lúc ấy liền có thân trung ấm tối hậu của một hữu tình đến thác thai. Cấp-đa về chùa giặt y của Ô-đà-di, chư ni trông thấy liền hỏi, Cấpđa liền kể lại mọi việc, chư ni nghe rồi nói rằng: “Chúng tôi không ngờ lại xảy ra chuyện như vậy”, Cấp-đa nói: “Đại đức Ô-đà-di chưa hề xúc phạm thân phần của tôi”, chư ni nói: “Chưa xúc chạm mà còn như thế”. Nói rồi chư ni liền đem việc này bạch các Bí-sô, các Bí-sô bạch Phật, Phật bảo các Bí-sô: “Cô ni kia không phạm Ba-la-thị-ca, nhưng cô ấy đã có thai, nên để cô ấy ở chỗ khuất, cấp dưỡng thức ăn uống chớ để thiếu thốn. Đứa bé sanh ra đặt tên là đồng tử Ca Nhiếp Ba cho xuất gia sẽ đoạn các hữu lậu, chứng quả A-la-hán, trong hàng đệ tử của ta sẽ là người có biện tài thuyết giảng bậc nhất”.

Lúc đó Thế Tôn liền suy nghĩ: “Do Bí-sô nhờ Bí-sô ni không phải là thân tộc giặt y nên xảy ra điều tội lỗi như thế”. Thế Tôn liền do nhân duyên này nhóm họp các Bí-sô nơi Tỳ-nại-da chế học xứ này cho các Bí-sô như sau: “Nếu lại có Bí-sô nhờ Bí-sô ni không phải là thân tộc giặt, nhuộm, đập y cũ thì phạm Ni-tát-kỳ-ba-dật-để-ca”.

Nếu lại có Bí-sô là chỉ cho Ô-đà-di hoặc có người nào khác giống như vậy. Thân tộc là từ bảy đời của hai bên cha mẹ trở lại, bảy đời trở lên thì không phải. Bí-sô ni là chỉ cho Cấp-đa. Y cũ là y cũ thuộc trong bảy loại y: Y bằng lông, y Sô-ma, Xà-nhược-ca, Yết-lan-đạc-ca bá tử, Độc cô lạc ca, Cao cô bạc ca và An bát lan đắc ca. Giặt là dưới cho đến đem ngâm nước. Nhuộm là dưới cho đến đem nhúng vào trong màu.

Đập là dưới cho đến lấy tay đập một cái.

Trong học xứ này tướng phạm như thế nào?

Nếu Bí-sô biết Bí-sô ni không phải là thân tộc, khởi tưởng không phải thân tộc mà nhờ giặt y cũ liền phạm xả đọa; nhuộm, đập cũng phạm. Trong ba việc hoặc nhờ làm cả ba, hoặc nhờ làm hai việc, hoặc một việc; hoặc trong ba việc tùy nhờ ni không phải là thân tộc làm một việc nào đều phạm bổn tội; nếu nghi không phải là thân tộc mà nhờ làm cũng phạm Xả đọa. Nếu ni là thân tộc lại khởi tưởng không phải là thân tộc mà nhờ làm thì phạm Ác-tác. Nếu ni là thân tộc mà khởi tâm nghi cũng phạm Ác-tác. Trường hợp không phạm là người phạm giới đầu tiên hoặc si cuồng tâm loạn, bị thống não bức bách.

Học Xứ Thứ Năm: NHẬN Y TỪ NI KHÔNG PHẢI THÂN TỘC

Lúc đó Thế Tôn ở trong rừng Thệ-đa thành Thất-la-phiệt , như lời Phật đã dạy nếu bỏ quý tộc xuất gia thì được nhiều lợi dưỡng, cho nên các thích chủng sau khi đã xuất gia lợi dưỡng rất dồi dào, ngoài y phục thường dùng còn cất chứa rất nhiều vật dư như y dư, bát dư… Thế Tôn biết rõ điều này liền suy nghĩ: “Các Thích tử này vì cầu giải thoát mà xuất gia, nhưng nay đối với nhơn xuất ly thảy đều bỏ hết, không siêng tu phẩm thiện, đắm trước tài lợi, Ta nên thuyết pháp cho họ khiến họ bỏ tài lợi”. Nghĩ rồi Thế Tôn thường thường thuyết pháp cho họ nhưng không thể làm cho họ được Kiến đế, Thế Tôn liền suy nghĩ: “do nhân duyên gì mà các Thích tử này không thể Kiến đế, đều là do đắm trước nơi tài lợi và những tạp vật tư sanh. Nếu ta quở trách trị phạt thì họ không do đâu khai giải, Ta nên chỉ dạy nghi thức của chư Phật Chánh giác để điều phục và khéo léo hóa độ họ”. Nghĩ rồi Thế Tôn liền bảo các Bí-sô: “Nay Như Lai muốn ở nơi đây Hạ an cư trụ im lặng trong ba tháng, chớ để một Bí-sô nào tự tiện đến gặp ta, trừ một Bí-sô mang thức ăn đến và trừ ngày trưởng tịnh”. Các Bí-sô nghe rồi liền lập chế: “trong ba tháng Hạ an cư này, không một Bí-sô tự tiện đến gặp Thế Tôn trừ một Bí-sô mang thức ăn đến và trừ ngày trưởng tịnh. Nếu vị nào trái chế, chúng ta sẽ bắt vị ấy thuyết hối tội Ba-dật-để-ca”. Thời gian sau có một Bí-sô tên là Tiểu Quân tiền an cư ba tháng ở thành Vương Xá, Phật ở thành Thất-la-phiệt hậu an cư ba tháng. Tiền an cư ba tháng xong, làm lễ Tùy ý xong, việc may y cũng đã xong, Tiểu Quân liền chấp trì y bát thuận hạnh Đỗ-đa cùng với các môn đồ nghiêm trang đi đến thành Thất-la-phiệt để yết kiến Thế Tôn. Đến nơi Tiểu Quân cất y bát, rửa chân rồi đến chỗ thế, lục chúng từ xa trông thấy nói với nhau: “Bí-sô khách này đã trái chế của chúng tăng, chúng ta sẽ bắt họ thuyết hối tội Ba-dật-để-ca”. Tiểu Quân đến chỗ Phật đảnh lễ rồi ngồi một bên, theo pháp thường của chư Phật, Thế Tôn thấy khách Bí-sô đến liền an ủi hỏi thăm: “Thầy từ đâu đến, an cư ở đâu?”, đáp: “Thế Tôn, con từ thành Vương Xá đến, con đã an cư ở đó”, Thế Tôn hỏi: “Bí-sô ở Vương thành đã làm lễ Tùy ý rồi sao?”, đáp: “Thế Tôn, đã làm lễ xong”, Thế Tôn lại hỏi: “này Tiểu Quân, do đếu mà thầy tự đoan nghiêm, đoàn tùy tùng cũng đoan nghiêm?”, đáp: “Thế Tôn, nếu có người đến chỗ con cầu xin xuất gia, con bảo họ nên trụ nơi A-lan-nhã, thường hành khất thực, với ba y phấn tảo, thường ngồi ở gốc cây, vì đó là điều con khen ngợi. Nếu họ nói làm được thì con độ cho họ xuất gia, nếu họ nói không làm được thì con bảo họ tùy ý đi. Nếu có người muốn thọ Cận viên, hoặc cầu y chỉ, cầu đọc tụng hoặc học như lý, khởi ý tịnh niệm, tư duy ở nơi con, con đều bảo họ làm như thế; nếu họ nói làm được thì con thuận theo sở cầu của họ; nếu họ nói không làm được thì con bảo họ tùy ý đi. Do nhơn duyên này nên con tự đoan nghiêm, môn đồ của con cũng như vậy”. Thế Tôn khen ngợi: “Lành thay Tiểu Quân, thầy có thể thệ độ vô lượng nhơn thiên, tạo Lợi-ích vô biên cho các loài hữu tình, khiến cho người đến cầu pháp được an lạc. Tiểu Quân nên biết, nếu ai có thể khen ngợi hạnh Đỗ-đa tức là khen ngợi Như lai không khác, nếu hủy báng công đức của hạnh Đỗ-đa tức là hủy báng Như lai. Vì sao, vì Như lai luôn khen ngợi công đức xuất yếu của hạnh Đỗ-đa này, nhưng thầy không nên trái Tăng chế”. Tiểu Quân bạch Phật: “Thế Tôn, con thật không biết Tăng già nơi đây đã làm chế lịnh gì”. Thế Tôn nói: “Này Tiểu Quân, trước khi an cư ta có bảo các Bí-sô rằng, ta muốn hạ an cư nơi đây, trụ yên lặng trong ba tháng, đừng để Bí-sô nào tự tiện đến gặp ta, trừ Bí-sô mang thức ăn đến và vào ngày trưởng tịnh. Các Bí-sô vâng lời ta dạy nên cùng nhau lập chế: Trong mùa an cư này, Bí-sô không được tự tiện đến gặp Thế Tôn, trừ Bí-sô mang thức ăn đến và vào ngày trưởng tịnh, nếu ai trái chế Tăng sẽ bắt thuyết hối tội Ba-dật-để-ca”.

Tiểu Quân bạch Phật: “Thế Tôn, con vốn là khách, chư Tăng ở đây lập chế đâu có can hệ gì đến con”. Thế Tôn nói: “Không luận là khách hay chủ, Tăng già chế lịnh đều phải tuân hành. Nhưng từ nay ta chế hành pháp cho khách Bí-sô như sau: Tất cả khách Bí-sô khi vào chùa, trước phải hỏi Bí-sô cựu trụ rằng Tăng già nơi đây có chế lịnh gì không, nếu hỏi thì tốt, nếu không hỏi thì phạm Ác-tác; Bí-sô cựu trụ trả lời thì tốt, nếu không trả lời cũng phạm Ác-tác. Nhưng đối với Bí-sô ở A-lan-nhã để tạo lợi ích cho họ nên được miễn y theo Tăng chế. Bí-sô ở A-lan-nhã muốn gặp ta, bất luận lúc nào đều được tùy ý đến gặp. Người tu mười ba hạnh Đầu đà công đức tương ưng cũng được tùy ý gặp; người mặc y phấn tảo, người chỉ mặc ba y (hai hạng người này cùng y tương ưng); người thường khất thực, người theo thứ lớp khất thực, người nhất tọa thực, người bát khất thực, người không thọ thực lại nữa (năm hạng người này cùng y tương ưng); người trụ A-lan-nhã, người ở nơi gốc cây, người trụ chỗ đất trống, người tùy xứ trụ, người ở nơi rừng thây chết (năm hạng người này cùng xứ tương ưng); người thường ngồi (hạng người này cùng sách tấn tương ưng). Tiểu Quân nên biết, những hạng người kể trên tùy tình đến gặp Như lai”. Bí-sô Tiểu Quân nghe Phật nói rồi hoan hỉ phụng hành đảnh lễ Phật rồi cáo lui. Lúc đó lục chúng đến chỗ Tiểu Quân nói: “Cụ thọ hãy cho phép tôi gạn hỏi”, Tiểu Quân nói: “Trong năm bộ tội tùy ý các vị gạn hỏi”, lục chúng nói: “Cụ thọ phải như pháp thuyết hối tội Ba-dật-để-ca”, Tiểu Quân nói: “Tôi không thấy tội”, lục chúng nói: “Cụ thọ không thấy mình đã phá Tăng chế hay sao?”, Tiểu Quân hỏi: “Tăng già có chế lịnh gì?”, lục chúng kể lại sự việc như trên, Tiểu Quân nói: “Cụ thọ, Thế Tôn vừa mới bảo tôi rằng: Này Tiểu Quân, ta vì tạo Lợi-ích cho Bí-sô ở A-lan-nhã được miễn y theo Tăng chế, có thể tùy ý yết kiến Như lai”. Các Bí-sô Thích tử nghe Tiểu Quân nói lời này đều suy nghĩ: “Tiểu Quân hạ an cư ở thành Vương Xá xong đến yết kiến Như lai liền được gặp, lại được nói chuyện với Phật. Chúng ta ở đây lại không được yết kiến, không được thừa sự, ý này chính là vì Như lai thấy chúng ta lòng tham quá nhiều nên loại bỏ ra”. Nghĩ rồi các Bí-so Thích tử liền mang tất cả tài vật dư đến chỗ cụ thọ A-nan-đà nói rằng: “Lành thay đại đức, chúng tôi có những tài vật, tư cụ dư mang đến, xin đại đức thương xót nhận cho”, A-nan-đà nói: “Xin các vị chờ tôi vào bạch Thế Tôn”, nói rồi liền vào bạch Phật, Phật bảo A-nan-đà hãy nhận tất cả tài vật dư đó đem cất vào trong một phòng lớn và thông báo đến các Bí-sô, vị nào có thiếu thốn tư cụ gì thì đến đó tùy ý lấy dùng. A-nan-đà vâng lời Phật dạy trở lại chỗ các Bí-sô Thích tử nhận tất cả tài vật tư cụ dư đem chất đống vào trong một phòng lớn và thông báo đến các Bí-so nếu vị nào thiếu thốn tư cụ gì thì cứ đến đó tùy ý lấy dùng. Các Bí-so Thích tử sau khi xả bỏ những tài vật tư cụ dư này rồi liền xa lìa sự đa cầu và thích tu hạnh thiểu dục, cùng nhau đến chỗ Thế Tôn đảnh lễ rồi ngồi qua một bên.