CĂN BẢN THUYẾT NHẤT THIẾT HỮU BỘ TỲ NẠI DA

Hán dịch: Đời Đường Tam Tạng Pháp Sư Nghĩa Tịnh 
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

QUYỂN 17

Học Xứ Thứ Hai: LÌA BA Y

Đức Bạc-già-phạm ở trong vườn Cấp-cô-độc rừng Thệ-đa thành Thất-la-phiệt, lúc đó các Bí-sô chứa nhiều ba y nên khi an cư nơi nào nhận được y tài đều đem giặt nhuộm cắt may rồi gói lại gởi cho Bí-sô chủ nhơn, chỉ đắp mặc hai y du hành trong nhân gian. Trải qua thời giam Bí-sô gởi y không trở về, Bí-sô chủ nhơn phải đem ra hong phơi mất rất nhiều thì giờ, phế bỏ việc đọc tụng, tư duy. Các Bí-sô khác thấy vậy liên chê trách: “Tại sao Bí-sô lại chứa nhiều y dư đem gởi làm trở ngại chánh nghiệp của người khác”. Các Bí-sô đem việc này bạch Phật, Phật do nhân duyên này tập họp các Bí-sô khen ngợi các Bí-sô thiểu dục tu hạnh Đỗ-đa rồi bảo các Bí-sô: Ta quán thấy mười công đức lợi nên chế học xứ này cho các Bí-sô như sau: “Nếu lại có Bí-sô may y đã xong, y Yết-sỉ-na lại xuất, nếu lìa một trong ba y ngủ đêm ở ngoài giới cho đến một đêm liền phạm Ni-tát-kỳ-ba-dật-để-ca”.

Phật ở trong Trúc Lâm thành Vương Xá, lúc đó cụ thọ Đại Cadiếp-ba ở trong hang Tây-ni-ca của thành này. Vì Tăng già đồng giới Bố tát nên đến ngày thứ mười lăm bố tát các Bí-sô đều phải có mặt đông đủ, chỉ còn đợi một Đại Ca-diếp-ba. Vì khi Đại Ca-diếp-ba trên đường từ hang động đến đã gặp trời mưa lớn, nước sông tràn ngập phải lội qua nên đại y bị ướt, phải vắt rồi phơi đợi cho khô nên đến chiều tối mới tới nơi bố tát, đến chỗ ngồi của mình, các Bí-sô liền hỏi duyên cớ vì sao đến trễ, cụ thọ Đại Ca-diếp-ba liền kể lại sự việc trên rồi nói: “Tôi là Đại Ca-diếp-ba tuổi già sức yếu mà đại y lại vừa dày vừa nặng, xách mang rất khó nên phải đến trễ, tôi không biết phải làm sao”. Các Bí-sô đem việc này bạch Phật, Phật bảo các Bí-sô: “Đại Ca-diếp-ba tuổi già sức yếu, các Bí-sô nên tác pháp yết ma Bất ly Tăng-già-chi cho thầy ấy, nếu có vị nào giống như vậy cũng nên tác pháp cho như sau: đánh kiền chùy, tập chúng tối thiểu bốn Bí-sô được tác pháp”. Lúc đó Đại Ca-diếp-ba đến trước vị Thượng tòa chắp tay bạch: “Đại đực tăng lắng nghe, tôi Bí-sô Ca-diếp-ba vì tuổi già sức yếu, nay theo Tăng xin pháp Bất ly Tăng-già-chi. Xin Tăng cho tôi pháp Bất ly Tăng-già-chi vì tôi tuổi già sức yếu. Xin thương xót (3 lần). Các Bí-sô tác pháp yết ma như trong Bách Nhất yết ma có nói rõ, khi Tăng đã tác pháp yết ma Bất ly Tăng-già-chi cho rồi thì Đại Ca-diếp-ba được mặc hai y thượng hạ du hành trong nhơn gian không còn nghi ngại nữa. Lúc đó cụ thọ Xá-lợi-tử cũng nhân đó bạch với các Bí-sô: “Tôi bị bịnh phong mà y Tăng-giàchi nặng không thể mang theo được, tôi không biết phải làm sao”. Các Bí-sô nghe rồi liền bạch Phật, Phật nói: “Các thầy nên tác pháp yết ma Bất ly Tăng-già-chi cho Xá-lợi-tử vì Bí-sô ấy mắc bịnh phong, nếu có ai giống như vậy cũng nên tác pháp cho như sau: Tập tăng tối thiểu là bốn người, trước vào trong Tăng bạch xin giống như Đại Ca-diếp-ba đã làm, Tăng tác pháp cho cũng giống như trên”. Lúc đó Thế Tôn khen ngợi công đức trì giới, thiểu dục tri túc , khổ hạnh là đoan nghiêm hơn hết rồi bảo các Bí-sô: Trước kia là sáng chế (chế lần đầu), nay là tùy khai học xứ này cho các Bí-sô như sau: “Nếu lại có Bí-sô may y đã xong, y Yếtsỉ-na lại xả, lìa một y nào trong ba y ra ngoài giới ngủ qua đêm, cho đến một đêm phạm Ni-tát-kỳ-ba-dật-để-ca, trừ được Tăng yết ma cho.”

May y đã xong, y Yết-sỉ-na lại xuất có bốn câu giải như văn trên. Lìa một y nào tức là trong ba y lìa một cái. Ngủ ngoài giới là khác giới ngủ qua đêm, khi mặt trời mọc liền phạm Ni-tát-kỳ-ba-dật-để-ca, trừ Tăng yết ma cho.Vật đã phạm phải xả giống như giới trên.

Trong học xứ này tướng phạm như thế nào?

Nhiếp Tụng:

Một, hai, nhiều thôn, nhà
Tường, rào, hào bao quanh,
Nhà kỷ nhạc, ngoại đạo
Phố, quán và lầu, sân
Nhà, xe, thuyền, rừng cây,
Đều có bốn không đồng,
Ở trong bốn oai nghi,
Hộ y nên khéo biết.

Có một, hai, nhiều thôn xóm có tường, hàng rào, hoặc hào bao quanh thôn. Một thôn có một thế phần hay nhiều thế phần. Nhiều thôn có một thế phần hay nhiều thế phần. một nhà có một thế phần hay nhiều thế phần. Nhiều nhà có một thế phần hay nhiều thế phần, cho đến nhà kỷ nhạc, nhà ngoại đạo, phố, quán, lầu, sân, nhà, xe, thuyền, rừng cây đều có một thế phần và nhiều thế phần bốn loại không đồng.

Sao gọi là một thôn xóm? Người nơi núi đồi, đồng nội ở chung, nhiều nhà tạo thành một thôn, phạm vi bao nhiêu gọi là một thế phần? Tức là trong ngoài thôn khoảng một tầm, là chỗ có thể để xay giả nấu ăn và tụ họp lại để ăn uống. Nếu y của Bí-sô ở trong nhà, thân ở trong thế phần; hoặc y ở trong thế phần, thân ở trong nhà khi mặt trời mọc đều không phạm lìa y. Nếu để y trong nhà và trong thế phần còn thân ở chỗ khác ngoài thế phần, khi mặt trời chưa mọc thì phạm Ác-tác, khi mặt trời mọc liền phạm Ni-tát-kỳ-ba-dật-để-ca. Một thôn như vậy, hai thôn cũng như vậy.

Sao gọi là nhiều thôn xóm? Người trong một thôn, nhà cửa xây dựng không theo thứ lớp, tạo thành nhiều thôn, phạm vi bao nhiêu là một thế phần, đồng hay khác? Trường hợp này không có thế phần, có khác không đồng, phạm vi lìa y dựa theo một thôn làm tiêu chuẩn.

Sao gọi là tường bao quanh thôn? Là bốn phía thôn có tường bao quanh, phạm vi bao nhiêu gọi là một thế phần?: Tức là trong và ngoài tường khoảng một tầm, là khoảng không gian mà con gà bay tới rồi đáp xuống, cũng là chỗ mà người biết hổ thẹn đi tới để tiện lợi.

Sao gọi là hàng rào bao quanh thôn? là bốn phía thôn có hàng rào bao quanh, phạm vi bao nhiêu là một thế phần? Tức là trong và ngoài hàng rào khoảng một tầm, bằng với chỗ đo được khoảng mười hai khuỷu tay, cũng là chỗ mà cổ xe chở tre có sáu con bò kéo có thể quay đầu lại được.

Sao gọi là hào bao quanh thôn? Là chung quanh phía ngoài thôn có đào hào ngăn cách, phạm vi bao nhiêu là một thế phần? Tức là bên trong và bên ngoài hào ngăn khoảng một tầm, bằng với chỗ mà bụi của chân con trâu hay con dê tung bay tới, cũng bằng với chỗ mà quăng gạch đá sỏi tới được.

Sao gọi là một thôn có một thế phần? Tức là thôn ấy có một vườn rừng, một thần miếu, một chỗ tụ họp, phạm vi bao nhiêu gọi là một thế phần? Tức là phạm vi ngoài vườn rừng một tầm, bằng với chỗ có thể xay giả nấu ăn và tụ họp để ăn uống.

Sao gọi là một thôn có nhiều thế phần? Tức là thôn ấy có nhiều vườn rừng, nhiều thần miếu, nhiều chỗ tụ họp. Phạm vi bao nhiêu gọi là thế phần, là khác hay đồng? Trường hợp này không có thế phần.

Sao gọi là nhiều thôn có một thế phần? Tức là nhiều thôn có một vườn rừng, một thần miếu, một chỗ tụ họp. Phạm vi bao nhiêu gọi là thế phần? Trong và ngoài thôn khoảng một tầm, bằng với chỗ xay giả, nấu ăn và tụ họp để ăn uống.

Sao gọi là nhiều thôn có nhiều thế phần? Tức là nhiều thôn có nhiều vườn rừng, nhiều thần miếu, nhiều chỗ tụ họp. Phạm vi bao nhiêu gọi là thế phần, là khác hay đồng? Trường hợp này không có thế phần.

Sao gọi là một nhà có một thế phần? Tức là trong nhà này chỉ có một gia trưởng, anh em không chia riêng. Phạm vi thế phần giống như một thôn.

Sao gọi là một nhà có nhiều thế phần? Tức là trong nhà này có nhiều gia trưởng, anh em chia riêng. Khoảng chừng bao nhiêu gọi là thế phần? Trường hợp này không có thế phần. Sao gọi là nhiều nhà có một thế phần? Tức là trong nhiều nhà này chỉ có một gia trưởng, anh em không chia riêng.

Sao gọi là nhiều nhà có nhiều thế phần? Tức là nhiều nhà này có nhiều gia trưởng, anh em chia riêng. Khoảng chừng bao nhiêu gọi là thế phần, cái gì chung, cái gì riêng? Trường hợp này không có thế phần.

Sao gọi là một nhà kỷ nhạc có một thế phần? Tức là trong nhà chỉ có một gia trưởng, anh em không chia riêng. Khoảng chừng bao nhiêu gọi là thế phần? Bên trong và ngoài nhà khoảng một tầm, bằng với chỗ để giá trống, đàn tỳ bà, ống tiêu, ống sáo… của giàn nhạc và chỗ ban nhạc tụ họp ăn uống.

Sao gọi là một nhà kỷ nhạc có nhiều thế phần? Tức là trong nhà này có nhiều gia trưởng, anh em chia riêng. Khoảng chừng bao nhiêu gọi là thế phần, cái gì chung, cái gì riêng? Riêng là chỗ ở riêng của anh em, chung là chỗ để giá trống…

Sao gọi là nhiều nhà kỷ nhạc có một thế phần? Tức là nhiều nhà này chỉ có một gia trưởng, anh em không chia riêng. Khoảng chừng bao nhiêu gọi là thế phần? Bên trong và bên ngoài nhà khoảng một tầm, bằng với chỗ để giá trống…

Sao gọi là nhiều nhà kỷ nhạc có nhiều thế phần? Tức là nhiều nhà này có nhiều gia trưởng, anh em chia riêng. Khoảng chừng bao nhiêu gọi là thế phần, cái gì chung, cái gì riêng? Trường hợp này không có thế phần.

Sao gọi là một nhà ngoại đạo có một thế phần? Tức là người trong nhà này có đồng một kiến giải, không có ý thú riêng. Phạm vi bên trong và bên ngoài nhà khoảng một tầm là một thế phần, bằng với chỗ phơi 22 phân bò, chất củi, chỗ cúng tế, chỗ nấu ăn, chỗ tụ họp ăn uống.

Sao gọi là một nhà ngoại đạo có nhiều thế phần? Tức là người trong nhà này có nhiều kiến giải sai khác và có ý thú không đồng.

Khoảng chừng bao nhiêu gọi là thế phần, cái gì đồng, cái gì khác?

Bằng với miễu thờ trời.

Sao gọi là nhiều nhà ngoại đạo có một thế phần? Tức là người trong nhiều nhà này có đồng một kiến giải, không có ý thú riêng. Phạm vi bên trong và ngoài nhà khoảng một tầm là một thế phần, bằng với chỗ phơi phân bò…

Sao gọi là nhiều nhà ngoại đạo có nhiều thế phần? Tức là người trong nhiều nhà này có nhiều kiến giải sai khác, ý thú cũng không đồng. Trường hợp này không có thế phần.

Sao gọi là một phố có một thế phần? Tức là trong phố này có gia trưởng, anh em không chia riêng. Phạm vi bên trong và ngoài khoảng một tầm là một thế phần, bằng với chỗ để hàng hóa, mua bán giao dịch…

Sao gọi là một phố có nhiều thế phần? Tức là trong phố này có nhiều gia trưởng, anh em chia riêng. Thế phần này cái gì chung, cái gì riêng? Chung là chỗ giao dịch.

Sao gọi là nhiều phố có một thế phần? Tức là trong nhiều phố này chỉ có một gia trưởng, anh em không chia riêng. Thế phần này là bên trong và bên ngoài phố khoảng chừng một tầm, bằng với chỗ để hàng hóa…

Sao gọi là nhiều phố có nhiều thế phần? Tức là trong nhiều phố này có nhiều gia trưởng, anh em chia riêng. Trường hợp này không có thế phần.

Sao gọi là một quán có một thế phần? Tức là trong quán này có một gia trưởng, anh em không chia riêng. Phạm vi trong ngoài quán có một tầm là một thế phần, bằng với chỗ để đại mạch, tiểu mạch, dầu mè, tơ lụa…, chỗ giao dịch.

Sao gọi là một quán có nhiều thế phần? Tức là trong quán này có nhiều chủ, anh em chia riêng. Pham vi bao nhiêu gọi là thế phần, cái gì chung, cái gì riêng? Tức là chỗ để giường ghế, đồ vật…

Sao gọi là nhiều quán có một thế phần? Tức là trong nhiều quán này chỉ có một chủ, anh em không chia riêng. Phạm vi trong và ngoài quán có một tầm là thế phần, bằng với chỗ để dầu, mè… các vật.

Sao gọi là nhiều quán có nhiều thế phần? Tức là trong nhiều quán này có nhiều chủ, anh em chia riêng. Phạm vi chừng bao nhiêu là thế phần, cái gì chung, cái gì riêng? Trường hợp này không có thế phần.

Sao gọi là một lầu có một thế phần? Tức là trong lầu này có một chủ lầu, anh em không chia riêng. Phạm vi bên trong và ngoài lầu có một tầm là thế phần, bằng với chỗ tụ họp ăn uống.

Sao gọi là một lầu có nhiều thế phần? Tức là trong lầu này có nhiều chủ, anh em chia riêng. Phạm vi bao nhiêu là thế phần , cái gì chung, cái gì riêng?: Tức là chỗ để thang lầu.

Sao gọi là nhiều lầu có một thế phần? tức là trong nhiều lầu này có một chủ, anh em không chia riêng. Phạm vi bên trong và ngoài lầu có một tầm là thế phần, bằng với chỗ tụ họp ăn uống.

Sao gọi là nhiều lầu có nhiều thế phần? Tức là trong nhiều lầu này có nhiều chủ, anh em chia riêng. Phạm vi bao nhiêu là thế phần, cái gì chung, cái gì riêng? Trường hợp này không có thế phần.

Sao gọi là một sân có một thế phần? Tức là trong sân này có một chủ, anh em không chia riêng. Phạm vi bên trong và ngoài sân có một tầm, là chỗ để gạo lúa…

Sao gọi là một sân có nhiều thế phần? Tức là trong sân này có nhiều chủ, anh em chia riêng. Phạm vi bao nhiêu là thế phần, cái gì chung, cái gì riêng? Tức là ranh giới của sân.

Sao gọi là nhiều sân có một thế phần? Tức là trong nhiều sân này chỉ có một chủ, anh em không chia riêng. Phạm vi bên trong và ngoài sân có một tầm là thế phần, là chỗ để lúa gạo.

Sao gọi là nhiều sân có nhiều thế phần? Tức là trong nhiều sân này có nhiều chủ, anh em chia riêng. Phạm vi bao nhiêu là thế phần, cái gì chung, cái gì riêng? Trường hợp này không có thế phần.

Sao gọi là một ngôi nhà có một thế phần? Tức là trong ngôi nhà này chỉ có một chủ, anh em không chia riêng. Phạm vi bên trong và ngoài ngôi nhà có một tầm là thế phần, bằng với chỗ cột trâu bò, ngựa, bỏ phân cỏ…

Sao gọi là một ngôi nhà có nhiều thế phần? Tức là trong ngôi nhà này có nhiều chủ, anh em chia riêng. Phạm vi bao nhiêu là thế phần, tức là từ cửa trở vào trong.

Sao gọi là nhiều ngôi nhà có một thế phần? Tức là trong nhiều ngôi nhà này chỉ có một chủ, anh em không chia riêng. Phạm vi bên trong và ngoài ngôi nhà có một tầm là thế phần, chỗ cột bò ngựa, bỏ phân cỏ…

Sao gọi là nhiều ngôi nhà có nhiều thế phần? Tức là trong nhiều ngôi nhà này có nhiều chủ, anh em chia riêng. Phạm vi bao nhiêu là thế phần, cái gì chung, cái gì riêng? Trường hợp này không có thế phần.

Sao gọi là một xe có một thế phần? Tức là xe này chỉ có một chủ, anh em không chia riêng. Phạm vi ngoài của xe có một tầm là thế phần, là chỗ xe đi và dừng, cũng là chỗ cột trâu bò ngựa, bỏ phân cỏ.

Sao gọi là một xe có nhiều thế phần? Tức là xe này có nhiều chủ, anh em chia riêng. Phạm vi bao nhiêu là thế phần? Bằng với cái ách của xe. Cái gì chung, cái gì riêng? Chung là chổ đòn ngang trước xe.

Sao gọi là nhiều xe có một thế phần? Tức là nhiều xe này chỉ có một chủ, anh em không chia riêng. Thế phần là chỗ xe đi.

Sao gọi là nhiều xe có nhiều thế phần? Tức là nhiều xe này có nhiều chủ, anh em chia riêng. Phạm vi bao nhiêu là thế phần, cái gì chung, cái gì riêng? Trường hợp này không có thế phần.

Sao gọi là một thuyền có một thế phần? Tức là thuyền này chỉ có một chủ, anh em không chia riêng. Phạm vi bên trong và ngoài thuyền có một tầm là thế phần, là chỗ cột thuyền, nấu ăn và tụ họp ăn uống.

Sao gọi là một thuyền có nhiều thế phần? Tức là thuyền này có nhiều chủ, anh em chia riêng. Bên chiếc thuyền là thế phần.

Sao gọi là nhiều thuyền có một thế phần? Tức là trong nhiều thuyền này chỉ có một chủ, anh em không chia riêng. Chỗ thuyền dừng là thế phần.

Sao gọi là nhiều thuyền có nhiều thế phần? Tức là trong nhiều thuyền này có nhiều chủ, anh em chia riêng. Trường hợp này không có thế phần.

Sao gọi là một khu rừng có một thế phần? Tức là trong khu rừng này chỉ có một chủ, anh em không chia riêng. Phạm vi bên trong và ngoài khu rừng có một tầm là thế phần, bằng với chỗ hái hoa trái và ăn uống.

Sao gọi là một khu rừng có nhiều thế phần? Tức là trong khu rừng này có nhiều chủ, anh em chia riêng. Thế phần là một dặm vuông.

Sao gọi là nhiều khu rừng có một thế phần? Tức là trong nhiều khu rừng này có nhiều chủ, anh em chia riêng. Phạm vi bên trong và ngoài khu rừng có một tầm là thế phần, là chỗ hái hoa trái và ăn uống.

Sao gọi là nhiều khu rừng có nhiều thế phần? Tức là trong nhiều khu rừng này có nhiều chủ, anh em chia riêng. Trường hợp này không có thế phần.

Sao gọi là một cây có một thế phần? Tức là chỗ cành lá giao nhau. Bên ngoài cây khoảng một tầm là thế phần, bằng với chỗ bóng mát của cây lúc giữa trưa của tháng năm, hoặc là chỗ hoa lá trái cây rơi xuống khi trời không có gió, cũng bằng với chỗ khi trời mưa giọt nước văng tới.

Sao gọi là một cây có nhiều thế phần? Tức là chỗ cành lá thưa thớt, không giao nhau. Thế phần bằng với gốc cây

Sao gọi là nhiều cây có một thế phần? Tức là chỗ cành lá giao nhau, có chung bóng mát.

Sao gọi là nhiều cây có nhiều thế phần? Tức là cành lá của các cây này cách xa nhau, không giao nhau thành bóng mát.

Lúc đó cụ thọ Ưu Ba Ly bạch Phật: “Khi Bí-sô đi đứng nằm ngồi, phạm vi khoảng chừng bao nhiêu là thế phần lìa y?”. Phật nói: “Như Bà-la-môn Sanh Văn trồng cây Yểm-một-la, cách nhau bảy tầm bông trái sum suê, khoảng cách của bảy cây này là bốn mươi chín tầm. Bí-sô đi trong phạm vi này là thế phần không mất y, quá phạm vi này là thế phần mất y. Nếu đứng nằm ngồi thì phạm vi chỉ trong một tầm; nếu ngủ ở trung gian giữa hai giới, chéo của y không rời khỏi thân là thế phần của y. Bí-sô lìa y ngủ nên làm ba việc, phạm hay không phạm đều như văn trên đã nói rõ.”

Học Xứ Thứ Ba: CHỨA Y MỘT THÁNG

Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc thành Thất-la-phiệt , lúc đó các Bí-sô chứa nhiều y, thọ được vải màu xanh không may y liền mà đem cất, lại mong được thêm thứ vải khác, nghĩ rằng nếu thọ được vải tương tợ như vậy sẽ may thành y. Vải màu xanh đã nghĩ như vậy, cho đến được vải màu vàng, màu đỏ, màu trắng hoặc vải mỏng, vải dày… đều đem cất và nghĩ như vậy. Các Bí-sô thiểu dục trông thấy liền chê trách: “Tại sao Bí-sô lại chứa cất nhiều thứ vải không chịu may thành y”. Các Bí-sô đem việc này bạch Phật, Phật do nhân duyên này nhóm họp các Bí-sô… cho đến Phật bảo các Bí-sô: Ta quán thấy mười công đức lợi, nơi Tỳ-nại-da chế học xứ này cho các Bí-sô như sau: “Nếu lại có Bí-sô may y đã xong, y Yết-sỉ-na lại xuất, được y phi thời cần thì thọ, thọ rồi phải mau may thành y. Nếu có chỗ hy vọng sẽ cúng cho đủ thì được cất chứa trong vòng một tháng, nếu chứa quá thì phạm Ni-tát-kỳ-ba-dậtđể-ca”.

Nếu lại có Bí-sô may y đã xong, y Yết-sỉ-na lại xuất: Có bốn câu giống như văn trên. Được y phi thời: sao gọi là thời, sao gọi là phi thời?, thời là trú xứ nào không thọ y Yết-sỉ-na thì trong vòng một tháng từ ngày mười sáu tháng tám đến ngày mười lăm tháng chín; nếu trú xứ nào có thọ y Yết-sỉ-na thì trong vòng năm tháng, từ ngày mười sáu tháng tám đến ngày mười lăm tháng giêng. Ngoài thời gian nói trên gọi là phi thời. Nếu có chỗ hy vọng sẽ cúng: Nghĩa là thiếu vải chờ xin cho đủ nên được cất chứa trong vòng một tháng, hy vọng cha mẹ, anh em, chị em, sư chủ… sẽ cúng thêm vải; hoặc vào ngày hội năm năm, ngày hội sáu năm, ngày hội thăng chức, ngày hội mãn năm ta sẽ được cúng vải, nếu đủ may thành y thì tốt. Nếu trong ba y có một y không đủ thì được chứa trong vòng một tháng, quá thời gian một tháng thì phạm Nitát-kỳ-ba-dật-để-ca.

Trong học xứ này tướng phạm như thế nào?

Nhiếp Tụng:

Chỗ hy vọng hay không
Hết mong, vải không đồng,
Mới cũ, phấn tảo khác,
Điều số lượng khuỷu tay.

Nếu Bí-sô ngày thứ nhất trong tháng được vải màu xanh đem cất chưa may, vì có chỗ hy vọng cho thêm, nghĩ rằng nếu được cúng thêm vải cùng màu ta sẽ may thành y. Ngay trong ngày nhận được vải cùng màu, Bí-sô phải may thành y trong vòng mười ngày nên trì, nên xả, nên tác pháp. Nếu không trì, không xả, không tác pháp đến ngày thứ mười một, mặt trời mọc liền phạm Ni-tát-kỳ-ba-dật-để-ca.

Bí-sô ngày thứ nhất không được vải nào khác, ngày thứ hai, thứ ba cho đến ngày thứ mười đều được vải thì Bí-sô phải may thành y trong vòng mười ngày đó nên trì, nên xả, nên tác pháp. Nếu không trì, không xả, không tác pháp, đến ngày thứ mười một mặt trời mọc liền phạm Nitát-kỳ-ba-dật-để-ca.

Bí-sô trong mười ngày không được vài nào khác, ngày thứ mười một, thứ mười hai cho đến ngày thứ mười chín cũng đều không được vải, đến ngày thứ hai mươi mới được vải thì nên như trước tác pháp, nếu không tác pháp phạm Xả đọa.

Bí-sô trong hai mươi mốt ngày không được vải đến ngày thứ hai mươi chín mới được thì nội trong ngày thứ ba mươi liền phải may thành y nên trì, nên xả, nên tác pháp. Nếu không trì, không xả không tác pháp đến ngày thứ ba một mặt trời mọc liền phạm Ni-tát-kỳ-ba-dật-để-ca. Do thời gian trước được y, tướng nhiễm nối tiếp nhau. Được vải màu xanh đã như vậy, được các loại vải màu khác cũng như vậy.

Nếu Bí-sô ngày thứ nhất được vải màu xanh đem cất chưa may thành y vì có chỗ hy vọng cúng thêm cho đủ, nghĩ rằng nếu được thêm vải cùng màu ta sẽ may thành y. Ngay ngày được vải cùng màu, Bí-sô phải may thành y trong vòng mười ngày nên trì, nên xả, nên tác pháp, Nếu không tác pháp đến ngày thứ mười một mặt trời mọc liền phạm Nitát-kỳ-ba-dật-để-ca. Nếu ngày thứ nhất không được vải nào khác, ngày thứ hai được cho đến ngày thứ ba mươi đều được… giống như văn trên. Được vải màu xanh đã như vậy, được các loại vải khác cũng như vậy.

Nếu Bí-sô ngày thứ nhất được vải màu xanh không may đem cất vì hy vọng có người cúng thêm, nhưng do thời gian lâu xa không xứng với lòng mong muốn, không biết làm sao; hoặc ngay ngày được vải màu xanh liền may thành y trong vòng mười ngày… giống như văn trên đã nói, cho đến ngày thứ ba mươi mới được các loại vải khác cũng giống như trong đoạn văn trên.

Nếu Bí-sô ngày thứ nhất được vải màu xanh không may đem cất vì có chỗ hy vọng cúng thêm, nhưng chỗ hy vọng kia tuy chưa được y, tâm cầu chưa dứt; hoặc ngay ngày được vải màu xanh liền may thành y… như đoạn văn trên. Nếu ngày thứ nhất được vải màu xanh không may đem cất vì có chỗ hy vọng, nhưng chỗ hy vọng bị đoạn tuyệt. Vải mà Bí-sô đã được nội trong mười ngày nên trì, nên xả như trong đoạn văn trên.

Lúc đó cụ thọ Ưu Ba Ly bạch Phật: “Thế Tôn có bao nhiêu loại y?”, Phật nói: “Có hai loại y: Một là loại mới, hai là loại cũ”. Mới tức là mới may, cũ tức là đã trải qua bốn tháng thọ dụng. Này Ô-ba-ly, lại có năm loại y: Một là y có thí chủ, hai là y không có thí chủ, ba là y vãng hoàn, bốn là y của người chết, năm là y phấn tảo. Sao gọi là y có thí chủ?: Tức là có nam, nữ, bán-trạch-Ca-làm thí chủ cúng y. Sao gọi là y không có thí chủ? Tức là không có nam, nữ, bán-trạch-Ca-làm thí chủ cúng y. Sao gọi là y vãng hoàn? Như có người chết, quyến thuộc nhớ thương dùng y phủ lên người chết rồi khiêng đến chỗ hỏa thiêu, khi thiêu lấy lại chiếc y ấy đem cúng cho tăng. Sao gọi là y của người chết? Tức là ở trong rừng thây chết, y của người chết không có sở hữu chủ. Sao gọi là y phấn tảo? Có tất cả năm loại: Một là y bỏ trên đường đi, hai là y bỏ nơi chỗ đổ rác, ba là y bỏ nơi bờ sông, bốn là y bị kiến nhấm, năm là y rách nát. Lại có năm loại y: Một là y bị lửa cháy, hai là y bị nước ngâm, ba là y bị chuột gặm, bốn là y bị bò nhơi, năm là y của bà mẹ sanh con xong rồi bỏ.

Bí-sô nhận được vải mới muốn may y nên giặt nhuộm cắt may thành y Tăng-già-chi hai lớp, Ni sư đàn hai lớp, Ốt-đát-la-tăng-già một lớp, An-đát-bà-ta một lớp. Nếu Bí-sô may y Tăng-già-chi hai lớp rồi may thêm lớp thứ ba, khi vừa thiếp vào liền phạm Ác-tác, đến ngày thứ mười một mặt trời mọc liền phạm Xả đọa. Bí-sô đối với y Tăng-già-chi mới xé bỏ lớp bọc cũ định dùng vào việc khác, khi vừa xé liền phạm Ác-tác, đến ngày thứ mười một mặt trời mọc liền phạm Xả đọa. Bí-sô đối với y Tăng-già-chi mới xé bỏ lớp bọc cũ ra để giặt nhuộm rồi may khâu trở lại thì không phạm. Đến ngày thứ mười một mặt trời mọc nếu may khâu chưa xong thì phạm Xả đọa. Tăng-già-chi đã như vậy thì ni sư đàn… cũng như vậy. Nếu Bí-sô có y Ốt-đát-la-tăng-già mới may thêm lớp thứ hai, khi vừa thiếp vào liền phạm Ác-tác, đến ngày thứ mười một mặt trời mọc liền phạm Xả đọa. Y An-đát-bà-ta cũng như vậy.

Nếu Bí-sô được vải cũ muốn may y nên giặt nhuộm cắt may thành y Tăng-già-chi bốn lớp, Ni sư đàn bốn lớp, Ốt-đát-la-tăng-già và Anđát-bà-ta hai lớp. Nếu Bí-sô đối với y Ốt-đát-la-tăng-già và An-đát-bàta hai lớp muốn may thêm lớp thứ ba, khi vừa thiếp vào liền phạm Áctác; đến ngày thứ mười một mặt trời mọc liền phạm xả đọa. Bí-sô đối với y nhiều lớp muốn xé bỏ, khâu may hay không khâu may, có phạm hay không phạm đều giống như trong đoạn văn trên đã nói. Bí-sô được y có thí chủ, y không thí chủ… chuẩn theo y mới và cũ nên biết. Nếu là y phấn tảo thì may mấy lớp tùy ý, không có hạn định”.

Cụ thọ Ô-ba-ly bạch Phật: “Thế Tôn, Tăng-già-chi có mấy loại, điều số thế nào?”, Phật nói: “Có chín loại đó là y chín điều, mười một điều, mười ba điều, mười lăm điều, mười bảy điều, mười chín điều, hai mươi mốt điều, hai mươi ba điều và hai mươi lăm điều. Này Ô-ba-ly, ba loại y thứ nhất có hai đàn cách dài một đàn cách ngắn; ba loại y kế có ba đàn cách dài một đàn cách ngắn; ba loại y sau cùng có bốn đàn cách dài một đàn cách ngắn nên may nên thọ trì, quá điều lượng này thành phá nạp”. Cụ thọ Ô-ba-ly bạch Phật: “Thế Tôn, y lớn y nhỏ có bao nhiêu thứ?”. Phật nói: “Y Tăng-già-chi có ba bậc thượng trung và hạ, bậc thượng bề đứng ba khuỷu tay, bề ngang năm khuỷu tay; bậc hạ bề đứng hai khuỷu tay rưỡi, bề ngang bốn khuỷu tay rưỡi; ở giữa hai bậc trên là bật trung. Ốt-đát-la-tăng-già và An-đát-bà-ta cũng có ba bậc thượng trung hạ như Tăng-già-chi. Này Ô-ba-ly có hai loại An-đát-bàta: Một là bề đứng hai khuỷu tay, bề ngang năm khuỷu tay; hai là bề đứng hai khuỷu tay, bề ngang bốn khuỷu tay. Y An-đát-bà-ta bậc thấp nhất chỉ trùm ba luân là nhỏ nhất trong số y thọ trì. Y phạm Ni tát kỳ nhỏ nhất chỉ bằng ngang dọc một khuỷu tay. Nếu Bí-sô phạm Xả đọa nên làm ba việc như trên đã nói”.

Trường hợp không phạm là người phạm ban đầu, hoặc si cuồng tâm loạn bị thống não bức bách.

Học Xứ Thứ Tư: NHỜ NI KHÔNG PHẢI THÂN TỘC GIẶT Y CŨ

Lúc Bồ tát từ cung trời Đổ Sử giáng sanh vào cung vua Tịnh Phạn ở thành Kiếp-tỷ-la, tiếng đồn vang khắp bốn phương: Dòng họ Thích Ca hạ sanh thái tử ở cạnh núi Tuyết bên dòng sông Diêm của thành Kiếptỷ-la, chỗ tiên nhơn ở. Cách đó không xa có tiên nhơn tên A-lan-nhã Tư Đà giỏi về tướng số và bói toán nên nhà vua liền triệu đến để xem tướng cho thái tử. Tướng số A-tư-đà đoán rằng: “Nếu Thái tử ở nhà thì làm vua Chuyển luân cai trị giáo hóa bốn thiên hạ, là một vị đại Thánh chủ có bảy báu đầy đủ đó là luân báu, tượng báu, mã báu, ngọc báu, nữ báu, chủ tàng thần báu, chủ binh thần báu với ngàn người con có oai lực lớn, dũng kiện không ai hơn, có thể hàng phục oán địch. Trên đại địa, trên khắp bốn biển đều không có đạo tặc cũng không có hình phạt nặng, chỉ dùng pháp lý cai trị làm cho mọi người được sống an ổn. Nếu thái tử xuất gia cạo bỏ râu tóc, do tâm chánh tín từ nhà đến chỗ không nhà sẽ được thành Phật, Ứng chánh biến tri, tiếng đồn vang khắp mười phương, giáo hóa cứu độ muôn loài”. Lúc đó vua của các nước lân bang nghe tin thái tử sanh ở Tuyết sơn… giáo hóa cứu độ muôn loài, liền suy nghĩ: “Nay ta nên đến thừa sự thái tử, sau này sẽ thọ phước lộc của người”, lại nghĩ: “Nay ta không có duyên trông thấy thái tử, ta nên thừa sự vua Tịnh Phạn cũng tức là thừa sự thái tử”. Các vua lân bang suy nghĩ như vậy rồi liền sai sứ thần mang quốc tín đến chỗ vua Tịnh Phạn.

Bồ tát ở trong thâm cung dần dần trưởng thành, do thấy cảnh già bịnh chết nên trong lòng sầu não, buông bỏ việc đời vào ở trong rừng. Các vua lân bang nghe biết liền suy nghĩ: “Lâu nay ta phụng sự vua Tịnh phạn là vì thái tử, nay thái tử đã vào ở trong rừng mong cầu xuất ly, ta cần gì uổng công phí sức phụng sự nữa”. Do nghĩ như vậy nên các vua lân bang không sai sứ thần mang quốc tín đến nữa. Trong các vua nước lân bang chỉ còn có vua Thắng Quang tuy chấm dứt quốc tín nhưng sứ thần hai nước vẫn còn qua lại. Sứ thần của vua Thắng Quang là Đại thần Mật Hộ, sứ thần của vua Tịnh Phạn là Đại thần Ô-đà-di. Khi đại thần Mật Hộ đến chỗ vua Tịnh Phạn luận bàn việc nước xong thì đến nhà của đại thần Ô-đà-di nghỉ, ngược lại khi đại thần Ô-đà-di đến chỗ vua Thắng Quang luận bàn việc nước xong thì đến nhà của đại thần Mật Hộ nghỉ. Vợ của đại thần Mật Hộ tên là Cấp-đa nhan sắc đoan nghiêm, ai nhìn cũng yêu mến, do thường lui tới nhà của đại thần Mật Hộ nên đại thần Ô-đà-di tư thông với Cấp-đa. Khi đại thần Mật Hộ nghe biết Cấp-đa cùng Ô-đà-di tư thông liền muốn giết hai kẻ xấu xa này, nhưng lại nghĩ: “Nếu ta giết đại thần của nước lân bang sẽ làm loạn vương thành tạo nên sự kinh hoàng sợ hãi, tại sao vì người vợ tội lỗi của mình mà lại giết một Bà-la-môn”, do nghĩ như vậy nên giả lơ không hay biết.

Thời gian sau Mật Hộ qua đời, vua Thắng Quang lấy cớ Mật Hộ không có con kế thừa nên tịch thu gia sản. Lúc đó Ô-đà-di nghe biết việc này liền suy nghĩ: “Ta còn sống đây làm sao nở để cho Cấp-đa không có chỗ nương nhờ”, do nghĩ như vậy nên sáng hôm sau liền vào cung tâu vua Tịnh Phạn: “Đại vương, trong nước của vua Thắng Quang có việc bất ổn, đại vương nên sai sứ thần đến đó thăm hỏi, nếu không sẽ chiêu lấy họa bại”. Vua Tịnh Phạn liền sai Ô-đà-di làm sứ thần đến thành Thất-la-phiệt thăm hỏi vua Thắng Quang, khi đến nơi Ô-đà-di suy nghĩ: “Ta nên yết kiế n nhà vua trước hay gặp đại thần trước”, lại nghĩ: “Theo phép cầu việc phải đi từ dưới lên, ta nên đến chỗ đại thần trước”. Nghĩ rồi liền đến chỗ đại thần nói rằng: “Tôi muốn nhờ quan tâu giúp với nhà vua cho tôi được lấy Cấp-đa”, vị Đại thần nghe rồi liền nhận lời tâu giúp.

Sau đó Ô-đà-di liền đến chỗ vua Thắng Quang bàn việc nước xong liền tâu vua: “Rất mong đại vương ban cho tôi chỗ nghỉ”, vua hỏi: “Trước đây khanh từng dừng nghỉ ở đâu?”, Ô-đà-di đáp: “Trước đây tôi từng nghỉ ở nhà của đại thần Mật Hộ”, vua nói: “Vậy nay khanh nên đến đó nghỉ”, Ô-đà-di nói: “Đại thần Mật Hộ nay đã qua đời rồi”, vua nói: “Chủ nhà tuy đã chết nhưng căn nhà đâu có chết”, Ô-đà-di liền tâu vua: “Đại vương, căn nhà tuy không chết nhưng sản nghiệp không còn”. Vua Thắng Quang liền ra lịnh Đại thần tìm chỗ dừng nghỉ cho Ô-đà-di , sau khi Ô-đà-di ra khỏi cung Đại thần liền tâu vua: “Đại vuơng, không phải Ô-đà-di không có chỗ dừng nghỉ, vì trước đây ông ta đã cùng với Cấp-đa tư thông, nên bổn ý của ông ta muốn vua chấp thuận cho ông ta được lấy Cấp-đa. Nếu Đại vương nhiếp thọ được người này tức là nhiếp thọ được vua Tịnh Phạn”. Vua Thắng Quang nghe rồi liền triệu Ô-đàdi đến nói rằng: “Này Ô-đà-di, thật sự ta không biết khanh với Cấp-đa trước đây có giao tình, nay ta ban Cấp-đa cho khanh làm vợ, tài vật và nhà cửa đều cấp cho hai khanh”. Ô-đà-di nghe rồi vui mừng bái tạ rồi lui ra, sau đó đến nhà của Cấp-đa, Cấp-đa ra đón rồi khóc, Ô-đà-di hỏi vì sao khóc, Cấp-đa nói: “Phu chủ của em nay đã qua đời, chẳng phải anh cũng sẽ bỏ em nữa hay sao”. Ô-đà-di nói: “Chính vì việc này nên ta mới đến đây, ta đã tâu với vua xin được cưới em làm vợ, tài vật và nhà cửa vua đều cấp cho, em muốn ở lại đây hay muốn qua thành Kiếptỷ-la?”. Cấp-đa suy nghĩ: “Nếu ta cùng qua thành Kiếp-tỷ-la thì vợ của Bà-la-môn này sẽ không để ta yên, ta nên ở lại đây tại ngôi nhà cũ của mình”. Vì thế Ô-đà-di có hai nhà ở hai nơi, một ở thành Kiếp-tỷ-la, một ở thành Thất-la-phiệt.

Lúc đó Bồ tát trong sáu năm tu khổ hạnh ở rừng già không có một vật gì là sở hữu, sau sáu năm Ngài mới bắt đầu ăn uống trở lại, trước tiên là ở làng Thắng Quân tại chỗ ở của hai mục ngưu nữ, một tên là Hoan Hỉ, một tên là Hỷ Lực , thọ nhận món cháo nấu nhừ với mười sáu loại sữa để phục hồi sức khỏe; sau đó đến chỗ nam tử Thiện Hạnh lấy cỏ cát tường rồi đến dưới cây Bồ đề trải cỏ ngồi kiết già thệ nguyện rằng: “Nếu ta chưa đoạn hết lậu hoặc, ta thề không đứng dậy”. Bồ tát đã đoạn hết lậu hoặc trong khi thiền quán nên Hắc long vương hết sức khen ngợi. Sau khi hàng phục ba mươi sáu ức ma quân chứng Nhất thiết trí thành Phật, Thế Tôn liền nhận lời thỉnh của Phạm vương đến thành Ba-la-nê-tư ba lần chuyển pháp luân mười hai hành để độ năm Bí-sô. Độ năm Bí-sô rồi lại đến trong rừng Bạch Điệp độ sáu mươi Hiền Bộ chứng được Kiến đế, kế trở lại trong làng Thắng Quân độ hai mục ngưu nữ khiến họ cũng chứng được Kiến đế. Sau đó đến bên rừng Ô Lư Tần Loa để độ một ngàn ngoại đạo cho họ xuất gia thọ cụ giới, kế lên đỉnh núi Già da hiện ba thần biến giáo hóa khiến hàng Bồ tát, chư thiên trụ nơi Niết-bàn an ổn. Sau đó đến Trượng Lâm độ vua Tần Bà Sa La nước Ma-kiệt-đà chứng được Kiến đế, đồng thời độ cho trăm ngàn thiên chúng và trăm ngàn Bà-la-môn nước Ma-kiệt-đà. Kế đến thành Vương Xá nhận tinh xá Trúc Lâm và độ cho Thân Tử, Mục Liên xuất gia rồi đến thành Thất-la-phiệt thọ nhận vườn Cấp-cô-độc ở rừng Thệ-đa, nói kinh Thiếu niên cho vua Thắng Quang khiến vua chứng được Kiến đế. Cuối cùng Thế Tôn trụ ở trong rừng Thệ-đa, vua Thắng Quang liền sai người đến thành Kiếp-tỷ-la báo tin cho vua Tịnh Phạn biết hiện thái tử đang ở trong rừng Thệ-đa, đã chứng quả Vô thượng chánh giác và khiến cho các loài hữu tình đồng hưởng vị cam lồ.

Vua Tịnh Phạn nghe rồi ngồi chống tay vào má than rằng: “Xưa kia khi thái tử Nhất Thế Nghĩa Thành tu khổ hạnh, ta thường sai sứ đến thăm hỏi, những sứ giả đã đi đều không thấy trở về, nay sao lại có tin nói là thái tử hiện ở trong rừng Thệ-đa”. Vừa lúc đó đại thần Ô-đà-di vào cung thấy nhà vua như vậy liền hỏi: “Vì sao Đại vương lại ngồi chống tay vào má thở than ưu sầu như vậy?”. Vua nói: “Làm sao ta không ưu sầu, trước kia khi thái tử Nhất Thế Nghĩa Thành tu khổ hạnh, Ta thường sai sứ đến thăm hỏi, những sứ giả ra đi đều không thấy trở về. Nay ta bổng được tin nói là thái tử hiện đang ở trong rừng Thệ-đa, đã chứng được Vô thượng chánh giác và khiến cho các loài hữu tình đồng hưởng vị cam lồ”. Ô-đà-di liền tâu vua: “Nếu như vậy, thần xin làm sứ đến đó rồi mang tin trở về cho Đại vương”. Vua nói: “Khanh nên đi rồi về báo lại, đừng có ở luôn bên đó”. Nói rồi vua tự tay viết thư cho Thái tử:

“Từ thọ thai về sau,
Tôi nuôi dưỡng Thế Tôn,
Lửa phiền não thường đốt,
Thường mong cây Tối thắng,
Nay đã lớn khôn rồi,
Đồ chúng số vô biên,
Mọi người được an lạc,
Chỉ riêng tôi đắng cay”.

Viết xong đóng ấn rồi đưa cho Ô-đà-di, Ô-đà-di mang thư của Vua đến chỗ Thế Tôn ngự ở thành Thất-la-phiệt dâng lên, Thế Tôn nhận thư rồi mở ra xem, Ô-đà-di hỏi: “Thế Tôn có trở về thành Kiếptỷ-la không?”, Thế Tôn nói: “Ta đi cùng với ông”. Ô-đà-di nhớ lại ngày xưa khi thái tử vượt thành xuất gia, phụ vương thường triệu về mà không chịu về nên bạch Phật rằng: “Nếu thái tử không chịu trở về, tôi có sức sẽ đưa Ngài về”. Thế Tôn nghe rồi liền nói kệ:

“Lưới ái sanh tử nếu trừ hết,
Người này chẳng cần ai dẫn đường.
Thế Tôn oai lực không cùng tận,
Ông phương tiện gì dẫn đi được.
Lưới ái sanh tử nếu trừ hết,
Người này chẳng cần ai dẫn đường.
Cảnh giới Thế Tôn không xứ sở,
Ông phương tiện gì dẫn đi được”.