CĂN BẢN THUYẾT NHẤT THIẾT HỮU BỘ TỲ NẠI DA

Hán dịch: Đời Đường Tam Tạng Pháp Sư Nghĩa Tịnh 
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

QUYỂN 16

Học Xứ Thứ Mười Ba: TÁNH ÁC TRÁI CAN

Đức Bạc-già-phạm ở trong vườn Cu-sư-la, nước Kiều-thiểm-tỳ, lúc đó cụ thọ Xiển-đà đã phạm tội mà không chịu như pháp sám hối. Các Bí-sô thân hữu thấy vậy, vì muốn cho cụ thọ Xiển-đà được lợi ích an lạc nên khuyên rằng: “Thầy phạm tội nên như pháp sám hối”, cụ thọ Xiển-đà nói: “Người nào phạm tội, người đó sẽ như pháp sám hối”, Các Bí-sô thân hữu nói: “Chính thầy phạm tội lại muốn bảo ai sám hối”, cụ thọ Xiển-đà nói: “Người nào có truy hối, người đó sẽ sám hối”, các Bísô thân hữu nói: “Thầy đã phạm tội nên sanh truy hối”, cụ thọ Xiển-đà nói: “Các cụ thọ chớ đến nói với tôi tốt hay xấu; tối cũng không nói các cụ thọ tốt hay xấu. Các cụ thọ đừng có khuyên tôi, cũng đừng luận bàn về tôi nữa. Các cụ thọ, các thầy gồm nhiều dòng họ, gồm nhiều chủng tộc đến đây xuất gia, cũng như các loại lá cây gió thổi gom lại một chỗ. Các cụ thọ cũng như vậy, do Thế Tôn của tôi chứng vô thượng giác nên các thầy gồm nhiều tộc tánh đến đây cầu xuất gia”. Các Bí-sô nghe Xiển-đà nói như vậy liền quở trách rằng: “Tại sao Bí-sô cùng các Bí-sô đồng một pháp Phật, đồng một học xứ, khi các Bí-sô như pháp như luật khuyên can sám hối mà tự thân không chịu nghe lời khuyên can”. Các Bí-sô liền đem nhân duyên này bạch Phật, Phật bảo các Bí-sô: Các thầy nên can ngăn riêng Xiển-đà, nếu có người nào giống như vậy cũng nên can ngăn như sau: “Này Xiển-đà, cụ thọ cùng các Bí-sô đồng một pháp Phật, đồng một học xứ; khi các Bí-sô như pháp như luật khuyên can sám hối, tự thân lại không chịu nghe lời khuyên can. Cụ thọ nên nghe theo lời khuyên can, các Bí-sô như pháp như luật khuyên can thầy, thầy cũng như pháp như luật khuyên can các Bí-sô. Do khuyên can lẫn nhau, dạy bảo cho nhau, thuyết hối lẫn nhau như vậy, chúng tăng Bí-sô của đức Như lai Ứng chánh đẳng giác mới được tăng trưởng. Cụ thọ chớ nên chống trái lời khuyên can”. Các Bí-sô vâng lời Phật dạy đến can riêng Xiển-đà, khi các Bí-sô can riêng nói giống như đoạn văn trên, cụ thọ Xiển-đà vẫn chấp chặt lời đã nói trước đó, nói rằng: “Chỉ có việc này là chân thật, các việc khác đều là hư vọng”. Các Bí-sô liền đem nhân duyên này bạch Phật, Phật bảo các Bí-sô: “Các thầy nên bạch tứ yết ma can ngăn, nếu có người nào giống như thế cũng nên bạch tứ can như sau” trải tọa cụ, đánh kiền chùy, nhóm tăng như thường đã làm. Tăng nhóm rồi một Bí-sô trước tác bạch rằng:

Đại đức tăng lắng nghe, cụ thọ Xiển-đà này, các Bí-sô đã như lời Phật dạy trong Giới kinh, như pháp như luật khuyên can sám hối, tự thân lại không chịu nghe lời khuyên can, còn nói rằng: Các cụ thọ chớ đến nói với tôi tốt hay xấu; tôi cũng không nói các cụ thọ tốt hay xấu. Các cụ thọ đứng có khuyên can tôi, cũng đừng luận bàn về tôi nữa. Khi được can riêng Xiển-đà vẫn chấp chặt lời đã nói trước kia, nói rằng: Chỉ việc này là chân thật, các việc khác đều là hư vọng. Nếu tăng đúng thời đến, tăng chấp thuận, nay tăng bạch tứ yết ma can ngăn Xiển-đà rằng: Này Xiển-đà, các Bí-sô đã như lời Phật dạy trong Giới kinh, như pháp như luật khuyên can sám hối, tự thân lại không chịu nghe lời khuyên can, còn nói rằng: Các cụ thọ chớ đến nói với tôi tốt hay xấu, tôi cũng không nói các cụ thọ tốt hay xấu. Cụ thọ Xiển-đà hãy nên bỏ việc tự thân không chịu nghe lời khuyên can đi. Bạch như vậy. Kế tác yết ma:

Đại đức Tăng lắng nghe, cụ thọ Xiển-đà này, các Bí-sô đã như lời Phật dạy trong Giới kinh như pháp, như luật khuyên can sám hối, tự thân không chịu nghe lời khuyên can, còn nói rằng: Các cụ thọ chớ đến nói với tôi tốt hay xấu, tôi cũng không nói các cụ thọ tốt hay xấu. Các cụ thọ đừng khuyên can tôi nữa. Các Bí-sô liền can riêng, khi được can riêng Xiển-đà vẫn chấp chặt lời đã nói trước đó, nói rằng: Chỉ việc này là chân thật, các việc khác đều là hư vọng. Nay Tăng bạch tứ yết ma can ngăn Xiển-đà như sau: Này Xiển-đà, các Bí-sô đã như lời Phật dạy trong Giới kinh như pháp, như luật khuyên can sám hối, tự thân không chịu nghe lời khuyên can, còn nói: Các cụ thọ chớ đến nói với tôi tốt hay xấu, tôi cũng không nói các cụ thọ tốt hay xấu. Cụ thọ hãy nên bỏ việc tự thân không chịu nghe lời khuyên can này đi. Các cụ thọ nào chấp thuận Tăng bạch tứ yết ma can ngăn Xiển-đà: “Cụ thọ nên tự thân nghe lời khuyên can, các Bí-sô như pháp như luật khuyên can cụ thọ, cụ thọ cũng như pháp như luật khuyên can các Bí-sô. Do khuyên can lẫn nhau, dạy bảo cho nhau, thuyết hối lẫn nhau như thế, chúng tăng Bí-sô của đức Như lai Ứng chánh đẳng giác mới được tăng trưởng. Cụ thọ hãy nên bỏ việc tự thân không chịu nghe lời khuyên can này đi”. Vị nào chấp thuận thì im lặng, không chấp thuận thì nói. Đây là yết ma lần thứ nhất, lần thứ hai, lần thứ ba cũng giống như vậy.

Các Bí-sô vâng lời Phật dạy tác pháp bạch tứ can ngăn nhưng cụ thọ Xiển-đà vẫn chấp chặt lời đã nói trước đó, nói rằng: “Chỉ việc này là chân thật, các việc khác đều là hư vọng”. Các Bí-sô liền đem nhân duyên này bạch Phật, Phật do nhân duyên này nhóm họp các Bí-sô… cho đến bảo các Bí-sô: Ta quán mười công đức lợi nên chế học xứ này cho các đệ tử như sau: “Nếu lại có Bí-sô tánh ác không nghe lời khuyên can, các Bí-sô như lời Phật dạy ở trong Giới kinh như pháp như luật khuyên can sám hối. Khi khuyên can không chịu nghe lời còn nói rằng: Các Đại đức chớ nói tôi tốt hay xấu, tôi cũng không nói các Đại đức tốt hay xấu, các Đại đức đừng khuyên can, cũng đừng luận nói về tôi nữa. Các Bí-sô nên nói với Bí-sô ấy rằng: Cụ thọ không nên không nghe lời khuyên can, các Đại đức như lời Phật dạy ở trong Giới kinh như pháp như luật khuyên can thì nên nghe theo lời khuyên. Cụ thọ như pháp khuyên can các Bí-sô, các Bí-sô cũng như pháp khyên can cụ thọ, do khuyên can lẫn nhau, dạy bảo cho nhau, thuyết hối lẫn nhau, như vậy chúng Thanh văn của đức Như lai Ứng chánh đẳng giác mới được tăng trưởng. Cụ thọ nên bỏ việc không chịu nghe lời khuyên can này đi. Khi các Bí-sô can ngăn như vậy, chịu bỏ thì tốt; nếu không chịu bỏ thì nên ân cần ba lần chánh thức can ngăn, y theo giáo pháp gạn hỏi khiến cho bỏ việc ấy, chịu bỏ thì tốt, nếu không chịu bỏ thì phạm Tăng-giàphạt-thi-sa.”

Nếu lại có Bí-sô là chỉ cho Xiển-đà hoặc có ai giống như thế. Tánh ác không chịu nghe lời khuyên can là thiện Bí-sô dùng lời tùy thuận không trái chánh lý khuyên can mà vẫn cố chấp không chịu nghe lời khuyên can. Các Bí-sô là chỉ cho người ở trong pháp này. Như Phật đã dạy ở trong Giới kinh: Phật là Đại sư; ở trong Giới kinh là chỉ cho bốn Ba-la-thị-ca, ba mươi Tăng-già-phạt-thi-sa, hai Bất định, ba mươi Ni-tát-kỳ-ba-dật-để-ca, chín mươi Ba-dật-để-ca, bốn Ba-la-đềđề-xá-ni, Chúng đa học pháp, bảy pháp diệt tránh; kinh là chỉ cho nghĩa lược bày giải thích theo thứ lớp. Như pháp như luật khuyên can mà không chịu nghe theo là tự giữ tánh ác chấp chặt không chịu bỏ. Còn nói rằng: Các đại đức chớ nói tôi tốt hay xấu là nói việc tốt không cần khuyên, việc ác cũng chớ ngăn cản, đây đều là lời can riêng. Đại dức đừng có khuyên can tôi nữa là nói dù có ân cần thêm nữa cũng không nghe theo.

Trong học xứ này tướng phạm như thế nào?:

Khi biết các Bí-sô can ngăn như pháp mà không chịu nghe theo, phạm tội nặng nhẹ như trong giới trước đã nói.

Lúc đó các Bí-sô đều có nghi nên bạch Phật: “Thế Tôn, Bí-sô Xiển-đà này có nhơn duyên gì mà ỷ vào thế lực dòng họ của Như lai, tự thị ngạo mạn lăng nhục các thiện Bí-sô?”. Phật bảo các Bí-sô: “Bí-sô Xiển-đà này không phải chỉ ngày nay mới ỷ lại vào Ta kiêu ngạo khinh thường các Bí-sô, mà trong quá khứ cũng đã ỷ lại vào Ta ở trong các Bà-la-môn, cư sĩ thiện hảo, tự khoe mình kiêu mạn. Các thầy hãy lắng nghe: Thuở xưa trong thành Thạch Thiết có Bà-la-môn tên là Nguyệt Tử, cưới một người con gái trong dòng tộc làm vợ. Không bao lâu sau sanh một con trai đặt tên là Nguyệt-quang, tuổi vừa lớn khôn đã biết trông coi gia nghiệp. Thời gian sau Nguyệt Tử lâm trọng bịnh, vợ con không có chăm sóc, đứa tớ gái trong nhà suy nghĩ: “Vị Bà-la-môn này thường ngày lo toan trăm việc, cung cấp cơm áo cho chúng ta, nay lâm trọng bịnh vợ con không có chăm sóc, ông là chủ ta, ta không chăm sóc là điều không nên”. Nghĩ rồi liền đến chỗ thầy thuốc nói rằng: “Hiền thủ có biết Bà-la-môn Nguyệt Tử không?”, thầy thuốc nói: “Tôi có biết ông ấy, không biết hiện nay ông ấy thế nào?”, đứa tớ gái nói: “Hiện nay ông ấy lâm trọng bịnh, vợ con không có chăm sóc, ông có thể kê toa thuốc cho ông ấy không?”, thầy thuốc nói: “Nếu vợ con ông ấy không có chăm sóc thì ai chăm sóc cho ông ấy?”, đứa tớ gái nói: “Tôi sẽ chăm sóc cho ông ấy”. Vị thầy thuốc liền y theo bịnh kê toa, đứa tớ gái mang thuốc về tận tình chăm sóc, không bao lâu sau bịnh dần thuyên giảm. Bà-la-môn Nguyệt Tử suy nghĩ: “Ta mang bịnh khổ mà vợ con không có chăm sóc, ta được sống còn là nhờ ơn của đứa tớ gái, ta đâu thể không báo đáp”. Nghĩ rồi liền nói với đứa tớ gái: “Hiền thủ, tôi mang bịnh khổ vợ con không chăm sóc, nhờ hiền thủ lo thuốc thang chăm sóc nên được sống còn. Vậy hiền thủ muốn gì tôi sẽ làm cho được toại nguyện”. Tớ gái nói: “Nếu đại gia đối với tôi có yêu mến riêng thì xin hãy cùng tôi giao hoan”. Nguyệt Tử nói: “Cần gì phải làm việc giao hoan này, tôi sẽ cho hiền thủ năm trăm kim tiền và giải phóng kiếp nô lệ hạ tiện cho hiền thủ”. Tớ gái nói: “Đại gia, tuy tôi mong được thoát khỏi kiếp nô lệ hạ tiện, nhưng tôi lại mong muốn được cùng ông giao hoan”. Nguyệt Tử nói: “Nếu hiền thủ muốn thế thì cứ theo ý nguyện của hiền thủ. Khi nào nguyệt kỳ qua, thân tịnh thì hãy đến báo cho tôi biết”. Thời gian sau, khi nguyệt kỳ qua, thân tịnh, người tớ gái liền đến báo cho Đại gia Nguyệt Tử biết, Nguyệt Tử liền cùng người tớ gái giao hoan. Không bao lâu sau, người tớ gái mang thai, vợ của Nguyệt Tử biết được chồng mình tư thông với đứa tớ gái nay đã mang thai, liền hành hạ đứa tớ gái này khổ sở, khiến cho cho cơm không đủ no, áo không đủ ấm. Tớ gái này suy nghĩ: “Chắc có hữu tình bạc phước gá vào trong thai của ta, nên ngày đầu mang thai đã bị vợ của Đại gia đánh đập hành hạ khổ sở, khiến ta cơm không đủ no, áo không đủ ấm”. Thời gian sau đủ ngày tháng người tớ gái này sanh hạ một con trai liền suy nghĩ: “Đây là hữu tình bạc phước, ngay ngày đầu mang thai đã khiến ta bị vợ của Đại gia đánh đập hành hạ khổ sở… Nếu để hữu tình này lớn lên, ta càng thêm đói khổ”. Nghĩ rồi người tớ gái liền bỏ hài nhi vào trong chậu giặt định đem ra ngoài bỏ, Bà-la-môn Nguyệt Tử trông thấy liền hỏi: “Hiền thủ, có gì ở trong chậu giặt?”, tớ gái đáp là không có gì nhưng Nguyệt Tử cho là có nên bảo mang đến cho ông xem, giở ra xem mới thấy một hài nhi mới sanh ở trong chậu giặt liền hỏi người tớ gái: “Hiền thủ muốn đem vất bỏ phải không?”, tớ gái khóc nói: “Hữu tình bạc phước này khi mới vào thai liền bị vợ của Đại gia đánh đập hành hạ khổ sở, khiến tôi áo không đủ che thân, cơm không đủ no bụng. Tôi nghĩ nếu hữu tình bạc phước này lớn lên tôi sẽ càng thêm đói khổ nên tôi muốn từ bỏ nó”. Nguyệt Tử nghe rồi nói rằng: “Đứa trẻ này có tội gì, đều là lỗi của ta”. Nguyệt Tử liến an ủi khuyến dụ người tớ gái mang về nuôi, đồng thời nói với người vợ chánh: “Nàng há không nhớ trước kia khi ta lâm trọng bịnh, nàng và con đều không quan tâm chăm sóc, chính nhờ đứa tớ gái ấy nên ta mới được sống còn. Nếu nàng san sẻ được cho đứa tớ gái ấy thì tốt, nếu không được thì ta sẽ lập nàng ấy lên làm gia trưởng, nàng trở thành kẻ hầu hạ ngược lại”. Người vợ nghe chồng nói như vậy hết sức kinh hãi nghĩ rằng: “Bà-la-môn này tánh vốn bạo ác, nếu ta không nghe theo lời ắt sẽ bị lăng nhục”. Nghĩ rồi liền nói với chồng: “Em thật không biết chàng có tư ái với đứa tớ gái này, từ nay về sau em sẽ không như vậy nữa”. Hài nhi kia do bị bỏ trong chậu giặt sắp đem ra ngoài vất bỏ mà được cứu đem về nuôi lại cho đến lớn nên được gọi là “Hoán bồn’. Đứa trẻ Hoán Bồn này được cùng ăn những món ngon với cha, khi cha được mời đều được cha dẫn đi theo. Thời gian sau Bà-la-môn Nguyệt Tử lâm trọng bịnh liền kêu trưởng tử Nguyệt-quang đến nói rằng: “Sau khi cha qua đời, con không có thiếu thốn gì nhưng Hoán bồn tuổi còn thơ ấu, con nên ưu niệm nó, khổ vui có nhau”. Nguyệt-quang cung kính vâng lời cha dạy, không bao lâu sau dù được thuốc thang đầy đủ nhưng bịnh tình không thuyên giảm, cuối cùng Bà-la-môn Nguyệt Tử qua đời, như có bài tụng:

“Tích tụ đều tiêu tán
Cao ngất ắt rơi rớt
Hiệp hội rồi biệt ly
Có thân đều phải chết”.

Lúc đó vợ con và họ hàng buồn thương than khóc dùng lụa tạp sắc quý giá tẩm liệm Bà-la-môn rồi đưa đến rừng thây như pháp hỏa táng. Sau đó Nguyệt-quang bảo Hoán Bồn: “Từ nay em đến ở chung, ăn chung một mâm với anh”. Mẹ của Nguyệt-quang liền nói: “Con không nên ở chung và ăn chung một mâm với con của đứa tớ gái”. Nguyệtquang nói: “Trước kia mẹ nói nó là em con, sao nay lại nói là con của đứa tớ gái?”. Mẹ của Nguyệt-quang nói: “Cha con lúc sanh tiền bẩm tánh bạo ác, đâu ai dám nói nó là con của đứa tớ gái”. Hoán Bồn nghe rồi liền đến hỏi mẹ mình: “Con có thật là con của đứa tớ gái không hả mẹ?”. Mẹ của Hoán Bồn nói: “Đều do nghiệp quá khứ, ai là nô nhi chứ. Ở đời mạnh hiếp yếu là chuyện thường, vợ của Bà-la-môn này luôn tạo hạnh ác, vậy con nên đến phương khác tìm kế sống”. Hoán Bồn liền từ giả mẹ đến phương khác tìm kế sống và tự đổi tên là Nguyệt Tịnh, lang thang khắp nơi cuối cùng đến thành Thất-la-phiệt. Trong thành này có một đại thần Bà-la-môn chỉ có một người con gái dung mạo đoan nghiêm, ai cũng muốn ngắm nhìn, tuổi đã trưởng thành nên vị đại thần này rất muốn tìm một chàng rễ quý. Vị đại thần suy nghĩ: “Con gái của ta không cần người chồng thuộc quý tộc, cũng không cần tìm người chồng giàu có, đẹp trai; chỉ cần người nào ở chỗ ta học thông Tứ minh luận ta sẽ gã”. Lúc đó nguyệt Tịnh là khách du phương rất mong cầu học nên tìm đến chỗ vị đại thần, đại thần hỏi: “Cậu từ đâu đến?”, đáp: “Con từ thành Thạch Thiết đến”, đại thần hỏi: “Cậu có biết các nhân vật ở trong thành đó chăng?”, đáp biết, lại hỏi: “Cậu có biết Bà-la-môn Nguyệt Tử không?”. Nguyệt Tịnh nghe đến tên liền khóc, đại thần hỏi: “Vì sao cậu khóc?”, đáp: “Người đó là tôn thân của tôi, nay đã qua đời rồi”. Đại thần nói: “Ông ấy vốn là bạn ta, ly biệt đã lâu không ngờ nay đã qua đời rồi, thật đáng tiếc”. Khi biết Nguyệt Tịnh là con của Bà-lamôn Nguyệt Tử, vị đại thần liền chấp nhận dạy cho Nguyệt Tịnh học Tứ minh luận, Nguyệt Tịnh do bẩm tánh thông tuệ nên không bao lâu sau đã học thông hiểu rành rẽ luận Tứ minh. Bà-la-môn nhớ lại lời nguyện trước là nếu có người nam nào ở chỗ ông học thông luận Tứ minh, ông sẽ gã con gái cho người đó. Vì vậy ông trang điểm cho con gái rồi mời trong thân tộc đến thiết lễ tế thần lửa, tay tả dẫn con gái, tay phải rưới nước kiết tường lên tay của Nguyệt Tịnh tuyên bố trước tôn thân: “Ma- nạp-bà, nay ta đem đứa con gái này gã cho con làm vợ”. Nguyệt Tịnh đón nhận rồi đi quanh đống lửa ba vòng, các Bà-la-môn khác đồng thanh chú nguyện cho đôi vợ chồng mới cưới. Sau khi gã con gái, vị đại thần giao việc trông coi gia nghiệp lại cho Nguyệt Tịnh, Nguyệt Tịnh trở thành cự phú rất giàu có, các thương buôn khắp nơi xa gần đều tìm đến mua bán. Trong số các thương buôn có thương buôn ở thành Thạch Thiết nhận biết Hoán Bồn nên bàn luận với nhau: “Hoán Bồn này nay là chồng của con gái vị đại thần, trở thành cự phú rất giàu có, đúng là giàu nghèo do số mệnh không ai biết trước được”. Các thương buôn này sau khi trao đổi mua bán hàng hóa xong liền trở về báo cho Nguyệtquang biết tin, Nguyệt-quang nghe rồi liền nói với mẹ: “Con vừa nghe tin Hoán Bồn nay đang ở thành Thất-la-phiệt đã trở thành cự phú rất giàu có”. Mẹ Nguyệt-quang nghe xong trong lòng không vui, thời gian sau gia đình Nguyệt-quang ngày càng sa sút trở nên nghèo khó, mẹ của Nguyệt-quang nói rằng: “Như trước đây con nghe nói Hoán Bồn là em con, nay nó trở thành cự phú, con nên tìm đến nó, với của cải sẳn có nó có thể giúp đỡ cho con”. Nguyệt-quang nói: “Trước kia mẹ nói nó là con của đứa tớ gái sao nay lại nói nó là em con”. Tuy nói như vậy nhưng Nguyệt-quang vẫn nghe theo lời mẹ tìm đến thành Thất-la-phiệt. Khi Hoán Bồn nghe nói có anh Nguyệt-quang cùng đoàn thương buôn đã đến thành Thất-la-phiệt liền tìm đến chào đón hỏi thăm và nói rằng: “Em tự đặt tên là Nguyệt Tịnh, không còn gọi là Hoán Bồn nữa”. Nói rồi rước anh về nhà giới thiệu với vợ và bảo vợ lưu tâm cung phụng đầy đủ cho anh, vợ của Nguyệt Tịnh vâng lời chồng đặc biệt lưu tâm. Tánh của Nguyệt-quang ôn nhu độ lượng trái với Hoán Bồn bẩm tánh thô bạo, nên vợ của Nguyệt Tịnh nói với Nguyệt-quang: “Chồng em và anh từ một nguồn sữa mà ra, nhưng sao tánh của anh ôn nhu độ lượng, còn chồng em lại thô bạo khác xa”. Nguyệt-quang nói: “Đó là do em chưa học qua gia chú”, vợ Nguyệt Tịnh nói: “Xin anh thương chỉ cho em gia chú”, Nguyệt-quang liền nói kệ:

“Minh chú không cho người,
Phải trao đổi mới cho.
Có lúc được thừa sự,
Có lúc được của tiền,
Nếu không như vậy thì,
Thà chết không trao cho”.

Vợ Nguyệt Tịnh nghe rồi nói: “Phải dùng bao nhiêu phẩm vật mới đổi được minh chú?”, Nguyệt-quang nói: “Phải có năm trăm kim tiền mới trao cho minh chú”. Vợ Nguyệt liền lấy năm trăm kim tiền đưa cho Nguyệt-quang nói rằng: “Mong anh trao cho em gia chú”, Nguyệtquang nói: “Đợi ngày anh về sẽ trao cho em”. Vợ của Nguyệt Tịnh vì mong được gia chú nên nói với chồng: “Đại huynh đến chơi đã lâu, sao anh không trợ duyên cho đại huynh trở về?”. Nguyệt Tịnh liền bảo vợ: “Vậy em chuẩn bị lương thực đi đường để tặng đưa đại huynh”. Nói rồi Nguyệt Tịnh đi tìm đoàn thương buôn gởi tặng phẩm vật để tiễn đưa anh về, lúc đó vợ của Nguyệt Tịnh liền đưa cho Nguyệt-quang năm trăm kim tiền để được gia chú, Nguyệt-quang nhận tiền rồi nói gia chú:

“Người nửa thành đều biết,
Thân tộc cũng đều hay,
Hoán Bồn nên im lặng,
Sa ha đừng nói nữa”.

Nói gia chú rồi liền bảo vợ của Nguyệt Tịnh: “Nghĩa của minh chú này rất sâu xa, thím nên học thuộc lòng, khi nào Nguyệt Tịnh hung bạo thì thím nói rằng: Hãy đợi em đọc minh chú. Nếu hỏi nghĩa minh chú thì nên nói rằng: Nếu giận la mắng nữa em sẽ nói rộng nghĩa này ra”. Sau khi tiễn đưa anh về xong, Nguyệt Tịnh trở về nhà, người vợ vì muốn biết minh chú hiệu nghiệm ra sao nên muốn thử, bèn không chuẩn bị cơm nước cho chồng, khi Nguyệt Tịnh hỏi liền nói là chưa kịp nấu, Nguyệt Tịnh nổi giận la mắng và nổi tánh bạo ngược, người vợ liền y theo lời Nguyệt-quang dặn nói rằng: “Đừng la mắng nữa, hãy nghe em đọc gia chú”. Khi Nguyệt Tịnh bảo đọc nghe thử, người vợ liền đọc gia chú như trên, Nguyệt Tịnh nghe rồi liền hỏi: “Nghĩa của minh chú này như thế nào?”, người vợ liền nói: “Nếu giận la mắng nữa, em sẽ nói rộng nghĩa này ra”. Người chồng nghe rồi từ đó im hơi lặng tiếng không dám bạo ngược với vợ nữa.”

Này các Bí-sô, Bà-la-môn Nguyệt Tử là tiền thân của ta, Hoán Bồn là tiền thân của Xiển-đà. Xưa kia Hoán Bồn ỷ vào gia tộc của ta mà khi dối người, nay Xiển-đà cũng ỷ vào tông môn của ta mà khinh thường các vị đồng phạm hạnh. Cho nên các Bí-sô không nên ỷ vào thế lực mà khinh miệt người khác, phải nên nhiếp tâm khiêm tốn.”

Các Đại đức, tôi đã nói mười ba pháp Tăng-già-phạt-thi-sa, chín giới đầu vừa làm liền phạm, bốn giới sau đến ba lần can mới phạm. Nếu Bí-sô nào phạm một trong mười ba pháp này mà che giấu, tùy theo ngày che giấu mà trao cho pháp Ba-lợi-bà-sa; hành Ba-lợi-bà-sa xong Tăng nên trao cho pháp sáu đêm Ma-na-đỏa; hành Ma-na-đỏa rồi mới cho xuất tội, phải đủ hai mươi tăng mới xuất tội cho Bí-sô kia, nếu thiếu một người không đủ hai mươi thì tội của Bí-sô kia không diệt trừ được, mà các Bí-sô đều phạm tội, đây là pháp xuất tội. Nay hỏi các Đại đức trong đây có thanh tịnh không? lần thứ hai, lần thứ ba cũng hỏi như vậy. Các Đại đức, tôi biết chúng thanh tịnh vì im lặng, nay tôi nhớ giữ như vậy.

III. HAI PHÁP BẤT ĐỊNH

Nhiếp Tụng:

Nếu ở chỗ che khuất
Chỗ có thể hành dâm
Và chỗ không che khuất
Không có người thứ ba.

Thế Tôn ở trong vườn Cấp-cô-độc rừng Thệ-đa thành Thất-laphiệt, lúc đó cụ thọ Ô-đà-di vào sáng sớm đắp y mang bát vào thành khất thực rồi đến nhà người vợ cũ là Cấp-đa. Cấp-đa thấy Ô-đà-di đến liền trải tòa ngồi tốt đẹp, bước ra nghinh đón và mời ngồi trên tòa này. Ô-đà-di ngồi xong, Cấp-đa lễ kính rồi ngồi nép bên đầu gối của Ô-đàdi để nghe pháp, Ô-đà-di dùng lời êm dịu thuyết pháp. Vừa lúc đó Lộc tử mẫu Tỳ-xá-khưnghe tiếng thuyết pháp biết là giọng của Ô-đà-di nên muốn đến nghe, nhưng khi đến nơi trông thấy Cấp-đa ngồi nép bên đầu gối của Ô-đà-di nghe pháp liền nghĩ: “Đây không phải à việc nên làm của người xuất gia, nếu người bất tín trông thấy việc này chắc chắc sẽ cho là Bí-sô với người nữ ở chỗ khuất làm điều phi pháp rồi chê trách phỉ báng. Nay ta nên đem nhơn duyên này bạch Phật”. Nghĩ rồi Tỳ-xákhư liền đến chỗ Phật đảnh lễ Phật rồi ngồi một bên đem việc trên bạch Phật: “Cúi xin Thế Tôn từ nay về sau vì các Thánh chúng chế học xứ này để sanh nhớ nghĩ, không nên ở chỗ khuất một mình ngồi chung một chỗ với người nữ. Xin thương xót”. Thế Tôn im lặng nhận lời thỉnh cầu của Tỳ-xá-khư, Tỳ-xá-khư biết Phật im lặng nhận lời nên lễ Phật rồi cáo lui. Sau đó Thế Tôn do nhơn duyên này tập họp các Bí-sô vì hai lý do: Một là khiến các đệ tử Thanh văn của Phật biết việc này là không nên làm, hai là chế học xứ. Lúc đó Thế Tôn biết mà vẫn hỏi Ô-đà-di… cho đến câu: Ta quán thấy mười công đức lợi nên chế học xứ này cho các đệ tử như sau: “Nếu lại có Bí-sô một mình cùng với một người nữ ngồi ở chỗ che khuất có thể hành dâm. Có Ô-ba-tư-ca chánh tín ở trong ba pháp tùy nói một pháp nào hoặc Ba-la-thị-ca, hoặc Tăng-già-phạtthi-sa, hoặc Ba-dật-để-ca. Bí-sô ngồi kia tự nói việc này ở trong ba  pháp tùy theo mỗi pháp mà trị oặc Ba-la-thị-ca, hoặc Tăng-già-phạtthi-sa, hoặc Ba-dật-để-ca, hoặc y theo lời của Ô-ba-tư-ca đã nói để trị tội Bí-sô kia. Như vậy gọi là pháp Bất định.”

Nếu lại có Bí-sô là chỉ cho Ô-đà-di hoặc có ai khác giống như thế. Một mình là chỉ có một Bí-sô. Một người nữ là không có bạn gái, bạn nam hay huỳnh môn nào khác. Nữ nhơn là chỉ cho gái có chồng hoặc chưa chồng có thể làm hạnh bất tịnh. Ở chỗ che khuất có năm là tường che, hàng rào che, vải màn che, rừng cây che và đêm tối che khuất. Ngồi là ngồi trên ghế, trên giường… cao trong vòng một tầm. Chỗ có thể hành dâm là chỗ có thể làm hạnh bất tịnh. Có Ô-ba-tư-ca chánh tín là chỉ cho người nữ đối với Phật, Pháp Tăng có lòng tin sâu đậm được bất hoại tín, đối với bốn chơn đế không có nghi hoặc được quả Kiến đế, dầu gặp phải nhân duyên mất mạng vẫn không cố ý nói dối. Nói ba pháp là nêu số mục. Tùy nói một pháp tức là bốn pháp Tha thắng, mười ba pháp Tăng-già-phạt-thi-sa, chín mươi tội Đọa, phạm một pháp trong những pháp này. Ô-ba-tư-ca chánh tín này đối với tội trạng không biết, cũng không biết nhơn khởi lên việc phạm tội, chỉ thấy Bí-sô kia tự xưng được pháp thượng nhơn, cùng người nữ hai thân xúc chạm nhau, hoặc uống rượu, đào đất, hoại sanh, hoặc ăn phi thời… đây là bất định không có chuẩn xác. Nên như pháp trị tội Bí-sô kia khiến vị ấy thuyết hối.

Trong học xứ này tướng phạm như thế nào?

Nếu Ô-ba-tư-ca chánh tín nói: “Tôi thấy Bí-sô cùng với người nữ đi một mình không thấy đứng nằm ngồi”. Hoặc nói: “Tôi thấy đi đứng chứ không phải ngồi nằm”. Hoặc nói: “Tôi thấy đi đứng ngồi chứ không phải nằm”. Hoặc nói: “Tôi thấy đi đứng ngồi nằm”. Những trường hợp này đều y theo lời của Ô-ba-tư-ca nói mà xử trị.

Nếu Ô-ba-tư-ca chánh tín thấy Bí-sô kia cùng với người nữ đi đứng…, khi đối vấn Bí-sô kia không chống đối việc này thì nên tác pháp yết ma Mích tội tướng cho Bí-sô kia như sau: đánh kiền chùy, trước bạch chúng biết, chúng tập họp rồi mới sai một Bí-sô tác pháp yết ma. Phật bảo các Bí-sô: “Bí-sô bị tác pháp yết ma Mích tội tướng có hành pháp như sau: không nên cho người xuất gia và cho thọ viên cụ, không được làm y chỉ sư, không được nuôi Cầu tịch, nếu trước đã nuôi thì không nên cho thọ viên cụ. Nếu thấy Bí-sô khác phá giới, phá kiến, phá oai nghi, phá tịnh mạng không được gạn hỏi, quở trách, cho làm pháp ức niệm. Không được giáo thọ Bí-sô, Bí-sô ni, dù trước đã được sai cũng không được đến giáo thọ. Không được cùng Bố tát, tự tứ, không được tác pháp yết ma đơn bạch, bạch nhị và bạch tứ. Nếu có người khác thông hiểu Tỳ-nại-da thì không được ở trong chúng thuyết Tỳ-nại-da. Bí-sô nào bị tác pháp này rồi mà không y theo lời Phật dạy hành những hành pháp này thì phạm tội Việt pháp”. Nếu Bí-sô kia sanh tâm cung kính tùy thuận không chống trái thì nên ở trong giới cầu Tăng giải yết ma. Tăng biết vị ấy thật sự ăn năn không chống trái thì nên tác pháp yết ma giải như sau: Như trước tập tăng, Bí-sô phạm đủ oai nghi đến trước vị Thượng tòa chắp tay bạch rằng:

“Đại đức tăng lắng nghe, tôi Bí-sô tên ___ bị Tăng tác pháp yết ma Mích tội tướng. Nay tâm tôi cung kính, tùy thuận không chống trái, ở trong giới xin Tăng giải yết ma. Tăng vì tôi tác pháp yết ma giải, tôi không dám trái nghịch, xin Tăng vì tôi giải yết ma Mích tội tự tướng, xin thương xót”. Bạch như vậy. (3 lần)

Tăng nên sai một Bí-sô tác pháp yết ma.

Hai pháp Bất định này, nội dung hơi giống nhau, chỉ khác ở chỗ là pháp thứ nhất xảy ra ở thành Thất-la-phiệt, Bí-sô Ô-đà-di cùng với vợ cũ là Cấp-đa là duyên khởi phạm giới; Ô-ba-tư-ca Lộc tử mẫu Tỳxá-khư nói ra việc này. Pháp thứ hai xảy ra ở thành Vương Xá, Bí-sô Thất Lợi Ca cùng với vợ của trưởng giả Thiện Sanh là duyên khởi phạm giới; Ô-ba-tư-ca, Ô-bao-sái-đà nói ra việc này. Pháp trước là căn cứ vào ba việc ở chỗ che khuất có thể hành dâm; pháp sau là ở chỗ không thể hành dâm là tướng khác nhau. Giới tướng như sau: “Nếu lại có Bísô cùng với một người nữ ngồi ở chỗ không che khuất không thể hành dâm, có Ô-ba-tư-ca chánh tín tùy nói một trong hai pháp hoặc Tănggià-phạt-thi-sa, hoặc Ba-dật-để-ca. Bí-sô ngồi kia tự nói việc này ở trong hai pháp nên tùy theo mỗi pháp mà xử trị Bí-sô kia, hoặc phạm Tăng-già-phạt-thi-sa, hoặc phạm Ba-dật-để-ca, hoặc dựa theo lời Ôba-tư-ca đã nói để xử trị Bí-sô kia. Như vậy gọi là pháp Bất định.”

IV. BA MƯƠI PHÁP NI TÁT KỲ BA DẬT ĐỂ CA

Nhiếp Tụng:
Giữ, lìa, chứa, giặt y,
Lấy y, xin, thọ quá,
Đồng giá và khác chủ,
Sai sứ đưa giá y.

Học Xứ Thứ Nhất: CHỨA Y DƯ KHÔNG PHÂN BIỆT

Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc rừng Thệ-đa thành Thất-la-phiệt, lúc đó các Bí-sô chứa nhiều ba y, mỗi lần đánh răng súc miệng, rửa tay chân, lễ bái hai thầy, lễ Phật, lau quét chùa tháp, vào thôn khất thực, thọ thực, thọ giáo, thính pháp… đều mặc y khác nhau. Lại thêm khi thay y, giặt y, hong phơi y… bận rộn nhiều việc nên bỏ phế việc đọc tụng, tư duy phẩm thiện. Các Bí-sô thiểu dục thấy vậy nên chê trách: “Tại sao Bí-sô lại chứa nhiều y dư phế bỏ việc tu chánh nghiệp”. Chê trách rồi liền đem việc này bạch Phật, Phật do nhân duyên này tập họp các Bísô… đủ lời quở trách hạng người nhiều ham muốn, không biết đủ, khó nuôi, khó làm cho đầy đủ và khen ngợi hạng người ít ham muốn, biết đủ, dễ nuôi, dễ làm cho đầy đủ, biết lượng mà thọ nhận, tu hạnh Đỗ-đa (đầu đà). Quở trách rồi bảo các Bí-sô: Ta quán thấy mười công đức lợi nên chế học xứ này cho các đệ tử như sau: “Nếu lại có Bí-sô đã may y xong, y Yết-sỉ-na đã xuất, được y dư phân biệt nên chứa; nếu không phân biệt mà chứa thì phạm Ni-tát-kỳ-ba-dật-để-ca.”

Thế Tôn chế học xứ này cho các đệ tử Thanh văn rồi, lúc Phật đang ở tại thành Vương Xá trong Trúc Lâm thì cụ thọ Đại Ca-diếp-ba đang ở trong một thất nhỏ nơi A-lan-nhã bên cạnh thành này. Có một cư sĩ trong đêm suy nghĩ: “Không biết lúc nào gặp được tôn giả Đại Cadiếp-ba là bậc được hàng nhơn thiên cúng dường, ta sẽ cúng thức ăn và dâng cúng một chiếc y thượng hạng do chính tay ta may”. Tuy thường suy nghĩ như vậy nhưng mãi vẫn chưa được như nguyện, một hôm cư sĩ đem chiếc y thượng hạng đó đến chỗ cụ thọ A-nan-đà bạch: “Đại đức có biết thánh giả Đại Ca-diếp-ba hiện nay ở đâu không?”, A-nan-đà nói: “Hiền thủ, nghe nói thánh giả hiện ở một thất nhỏ nơi A-lan-nhã”, Cư sĩ hỏi: “Đại đức có biết khi nào thánh giả đến đây không?”, A-nanđà nói: “Nhất đinh vào ngày mười lăm bố tát thánh giả sẽ đến”, Cư sĩ nói: “Đại đức biết thời, trong đếm khuya con suy nghĩ… như đoạn văn trên… do chính tay con may nhưng mãi đến nay vẫn chưa mãn nguyện. Đại đức, chiếc y con định cúng hiện có mang theo đây, vì con bận rộn nhiều việc nên con rât mong đại đức dâng chiếc y này cho thánh giả Đại Ca-diếp-ba giùm con, xin thương xót”. Cụ thọ A-nan-đà nghe rồi suy nghĩ: “Ta nếu thọ y này thì trái lời Thế Tôn dạy, nếu ta không nhận thì làm trở ngại thí chủ tu phước, ngài Đại Ca-diếp-ba cũng mất lợi y. Nay ta đem y này đến hỏi Thế Tôn để Phật lấy việc này làm nhân duyên khai cho chứa”. Nghĩ rồi A-nan-đà liền nhận y, sau khi cư sĩ ra về Anan-đà liền mang y này đến chỗ Phật, đảnh lễ rồi ngồi một bên đem sự việc trên bạch Phật. Phật bảo A-nan-đà: “Lành thay A-nan-đà, ta chưa khai cho mà thầy đã dự biết trước. Nếu có Bà-la-môn, cư sĩ cúng y cho Bí-sô, các Bí-sô nên thọ nhận giùm cho họ, nên xả y cũ thọ y mới”. Các Bí-sô nghe Phật nói lời này nhưng chưa hiểu xả y cũ như thế nào, Phật bảo: “Mang y cũ và y dư đến chỗ Thân giáo sư hay Quỷ phạm sư, khởi tưởng ký gởi rồi giữ để thọ dụng”. Các Bí-sô không tác pháp phân biệt cất chứa một thời gian lâu, Thế Tôn biết rồi liền bảo các Bí-sô: Ta quán thấy mười công đức lợi nên chế học xứ này cho các Bí-sô như sau: “Nếu lại có Bí-sô may y đã xong, y Yết-sỉ-na đã xuất, nhận được y dư được chứa cất trong vòng mười ngày, không tác pháp phân biệt được chứa, nếu chứa quá thì phạm Ni-tát-kỳ-ba-dật-để-ca”.

Nếu lại có Bí-sô may y đã xong, y Yết-sỉ-na đã xuất: Có bốn câu, một là có may y rồi không phải xuất y Yết-sỉ-na, hai là có xuất y Yếtsỉ-na không phải may y rồi, ba là có xuất y Yết-sỉ-na , may y cũng xong rồi, bốn là có không phải may y rồi, cũng không phải xuất y Yết-sỉ-na. Câu đầu nghĩa là nếu Bí-sô giặt nhuộm may thành y rồi nhưng Tăng chưa xuất y Yết-sỉ-na. Câu thứ hai nghĩa là nếu Bí-sô may y chưa xong, Tăng đã xuất y Yết-sỉ-na. Câu thứ ba nghĩa là nếu Bí-sô may y xong rồi, Tăng lại xuất y Yết-sỉ-na. Câu thứ tư nghĩa là nếu Bí-sô may y chưa xong, y Yết-sỉ-na chưa xuất.

Nhận được y dư chứa trong vòng mười ngày tức là mười đêm, y dư là ngoài y đã thọ trì còn có y khác, làm pháp phân biệt được chứa, nếu chứa quá mười ngày thì phạm Ni-tát-kỳ-ba-dật-để-ca, vật này nên xả, tội kia nên sám.

Trong học xứ này tướng phạm như thế nào?:

Nếu Bí-sô ngày đầu trong tháng nhận được y, trong vòng mười ngày nên trì, nên xả, nên tác pháp, nên cho người. Nếu không trì, không xả, không tác pháp, không cho người đến ngày thứ mười một mặt trời mọc liền phạm Ni-tát-kỳ-ba-dật-để-ca. Nếu Bí-sô ngày thứ một được y, ngày thứ hai không được y, ngày thứ ba được y cho đến ngày thứ mười được y, không trì cho đến ngày thứ mười một mặt trời mọc, y đã được trong chín ngày đều phạm Ni-tát-kỳ-ba-dật-để-ca. Như vậy cho đến y đã được trong tám ngày… tùy số ngày nhiều ít được y, chuẩn theo đây nên biết. Nếu Bí-sô ngày thứ nhất được y, ngày thứ hai được y, trong vòng mười ngày y đã được trước nên trì, y đã được sau nên xả, có thể dựa theo đây nên biết. Nếu không tác pháp đến ngày thứ mười một mặt trời mọc , y đã được trong hai ngày đều phạm Ni-tát-kỳ-ba-dật-để-ca. Như vậy cho đến ba ngày… được y, chuẩn theo đây nên biết.

Nếu Bí-sô một ngày được hai y, cho đến hai ngày… được y đều nên tác pháp giống như trước. Nếu không tác pháp đến ngày thứ mười một mặt trời mọc liền phạm Ni-tát-kỳ-ba-dật-để-ca.

Nếu Bí-sô một ngày nhận được nhiều y, ngày thứ hai về sau cũng nhận được nhiều y đều tác pháp giống như trước. Nếu không tác pháp đến ngày thứ mười một mặt trời mọc phạm tội đồng như trước. Những trường hợp này đều do cái trước nhiễm cái sau nối tiếp nhau phát sanh tội lỗi.

Nếu Bí-sô có y phạm Xả đọa, y này không xả, không trải qua đêm, tội kia không thuyết hối, nếu nhận thêm các y khác đều phạm Xả đọa. Nếu y phạm Xả đọa của Bí-sô này tuy xả, không trải qua đêm, tội kia không thuyết hối, các y đã được khác đều phạm Xả đọa. Nếu xả y, trải qua đêm tội kia không thuyết hối, các y đã được khác đều phạm Xả đọa vì do cái trước nhiễm. Nếu Bí-sô chứa y dư đã phạm Xả đọa, không làm ba việc thì tất cả y đã được hoặc là bát, đảy đựng bát, đảy lọc nước… cho đến nhận bất cứ tư cụ gì của sa môn đều phạm Ni-tát-kỳ-badật-để-ca, vì do cái trước nhiễm. Nếu xả y, trải qua đêm, tọi kia thuyết hối, nhận được các y khác đều không phạm. Trường hợp không phạm là người phạm ban đầu hoặc si cuồng tâm loạn, bị thống não bức bách. (ngày thứ nhất nói rõ về tướng phạm và pháp thức ba việc, những giới sau với những việc tương tợ đều không nói lại tướng phạm nữa, Các giới tướng khác không đồng thì tùy theo việc sẽ biệt nêu).