CĂN BẢN THUYẾT NHẤT THIẾT HỮU BỘ TỲ NẠI DA

Hán dịch: Đời Đường Tam Tạng Pháp Sư Nghĩa Tịnh 
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

QUYỂN 13

Học Xứ Thứ Tám: VU BÁNG KHÔNG CĂN CỨ

Đức Bạc-già-phạm ở thành Vương Xá trong vườn Trúc Lâm gần ao Yết-lan-đạc-ca , lúc đó trong nước Ba-ba có một đại thần tráng sĩ tên là Thắng Quân giàu có nhiều của cải, thọ dụng đầy đủ, tài sản đã có nhiều như Tỳ sa môn thiên vương. Tuy không thuộc dòng tộc vua nhưng tráng sĩ này đã làm pháp quán đảnh để lên ngôi vua, con gái trong dòng họ Thắng được chọn làm vương phi cùng sống rất vui vẻ hạnh phúc. Trải qua một thời gian khá lâu vương phi vẫn chưa có tin vui nên nhà vua phải cầu đảo Thần kỳ, đi khắp các thiên miếu cầu con mong có người kế tự nhưng không được toại nguyện. Người thế gian cho rằng nếu do cầu con mà được con là điều hư vọng, vì nếu là thật thì ai nấy đều có thể có ngàn người con như Chuyển luân vương. Trên thật tế phải do ba việc hội họp đầy đủ mới có con: Một là do cha mẹ giao hợp, hai là thân người mẹ thanh tịnh ứng hợp cho việc có thai, ba là thực hương (thân trung ấm) hiện tiền. Vua Thắng Quân khi hội đủ ba nghiệp duyên trên thì có một vị trời từ cõi trời Thắng diệu gá vào thai của Vương phi, đây là lần thọ sanh sau cùng của vị trời này để vui tu thắng hạnh, có tánh giải thoát thú hướng Niết-bàn, nhàm lìa sanh tử ở trong Tam Hữu (ba cõi) không còn ưa thích. Nếu thai nhi là Nữ thì thông tuệ có năm trí sai biệt như trong các giới trên có nói, cho đến câu nếu thai nhi là nam thì nằm bên hông hữu của người mẹ. Lúc đó Vương phi vui mừng tâu với vua rằng: “Đại vương biết chăng, thiếp nay đã mang thai sau này sẽ làm rạng rỡ tông tộc. Thai nằm ở bên hông hữu nhất định là con trai”, vua nghe rồi vui mừng nói rằng: “Từ lâu nay ta luôn nghĩ đến việc có người kế tự làm hưng thạnh tổ nghiệp của ta. Ta nuôi lớn hoài bảo này cuối cùng cũng được báo đáp, ta nay nên làm nhiều việc huệ thí cầu phước lợi cho tông thân dể sau khi ta chết, họ sẽ ca ngợi tên ta, cầu nguyện cho ta và cha mẹ ta sanh vào cõi nào cũng được phước đức trang nghiêm”. Nhà vua liền cho Vương phi ở trên lầu cao tùy theo thời tiết mà cung Cấp-đầy đủ, có nữ lương y lo việc thuốc thang và ăn uống sao cho nóng lạnh điều độ và đủ các mùi vị. Vương phi trang sức những hạt châu anh lạc trên người như thể nữ ở cõi trời, thường ở trên giường ghế chân không dính đất, mắt không nhìn sắc xấu, tai không nghe tiếng ác. Trải qua chín tháng cưu mang, Vương phi sanh hạ một trai dung mạo kỳ dặc hơn người nên ai nấy đều yêu mến. Trán rộng, mi dài, mũi cao, sống thẳng, thân có màu kim sắc, tay duỗi dài quá gối… nên mọi người đều khen ngợi. Trải qua hai mươi mốt ngày vua tụ hội tôn thân, bồng hài nhi ra mắt tôn thân rồi hỏi: “Hài nhi này nên đặt tên là gì? từ lúc sanh cháu đã tự nhiên tịnh khiết, chưa bồng ra khỏi giường nệm thì không chịu tiểu tiện hay đại tiện”. Mọi người cùng bàn luận rồi nói: “Theo quốc pháp nếu là thiên nhiên tịnh khiết thì gọi là Thật, hài nhi này bẩm chất thanh tịnh chưa bồng ra khỏi giuờng nệm thì không chịu tiểu tiện hay đại tiện, tịnh khiết hơn người, lại là con của Tráng Lực đại vương nên đặt tên cho hài nhi là Thật-lực-tử”. Ngày Thật-lực-tử sanh có năm trăm tráng sĩ đồng thời sanh con trai và theo gia tộc của mỗi người mà đặt tên. Lúc đó vua Thắng Quân trao thái tử cho tám bà vú nuôi: Hai bà lo về bú mớm, hai bà lo về tả lót, hai bà lo về việc tắm rửa, hai bà bồng ẳm cùng vui đùa. Nuôi dưỡng thái tử toàn bằng sữa, lạc, đề hồ, thạch mật… nên thái tử chóng lớn như hoa sen trồi lên mặt nuớc. Có một thầy tướng số thấy thái tử nằm trong lòng nhũ mẫu liền suy nghĩ: “Hài nhi này đủ hai phước điền, nếu người nào cúng dường đứa bé này sẽ được công đức lợi thù thắng”. Nghĩ rồi liền nói với nhũ mẫu: “Xin bà hãy từ bi cho tôi bồng đứa bé, tôi muốn được tùy tình cúng dường trong chốc lát”, nhũ mẫu nói: “Đối với đứa trẻ này quả thật tôi không được tự tại, nếu ông muốn được như vậy thì hãy đến tâu vua”. Thầy tướng số liền đến chỗ vua tâu rằng: “Đại vương, thái tử là phước điền thù thắng, nếu người nào cúng dường trong chốc lát, người ấy sẽ được công đức lợi thù thắng. Xin vua cho phép tôi được cúng dường trong chốc lát”, Vua nghe rồi liền nói: “Ta cho ông được như ý muốn”. Thầy tướng số bồng thái tử về nhà trước tắm rửa rồi thoa hương thơm, dùng y tốt bọc lấy thân, kế dùng cháo sữa đút cho thái tử ăn, cúng dường xong rồi bồng trao trả lại cho vua. Thái tử dần dần khôn lớn học đủ các môn thư, toán, thủ ấn, kỷ nghệ… thảy đều thông suốt. Theo pháp của chủng tộc Sát-đếlợi phải học đủ các môn cởi ngựa, voi, xe, dùng binh khí, giáo mác, cung tên với các nghi bắn cung sao cho tay chân đạt được kỷ xảo; vì thế không môn học nào thái tử đều không thông suốt. Năm trăm đồng tử cùng ngày sanh với thái tử cũng học thông các môn học như vậy. Vua cha cho xây cất ba cung điện hợp theo ba mùa xuân, hạ, đông có ba hoa viên với ba loại thể nữ thương trung hà mục đích làm cho thái tử được vui vẻ. Mỗi ngày năm trăm đồng tử này đều đến vui chơi cùng thái tử, một hôm năm trăm đồng tử này rủ nhau ra ngoài săn bắn, do suốt ngày dong ruỗi mà không thu hoạch được gì nênhọ ở luôn trong rừng để sáng hôm sau săn bắn tiếp, đến hôm thứ ba thu hoạch được nhiều mới chịu trở về thì đã chiều tối. Các đồng tử này nói với nhau: “Trời đã chiều tối, không thể đến tụ hội với thái tử được, đợi sáng mai chúng ta hãy đến”. Vì đã trải qua ba ngày mới gặp lại nên Thái tử hỏi: “Các bạn thường ngày đến cùng tôi vui chơi sao nay trải qua ba ngày mới đến?”. Các đồng tử đáp: “Chúng tôi ra ngoài săn bắn đợi thu hoạch được nhiều mới trở về”. Thái tử hỏi: “Săn bắn là thế nào?”, đáp: “Săn bắn là giết nhiều hươu nai…”, lại hỏi: “Những con thú ấy ăn uống thứ gì?”, đáp: “Chúng ăn cỏ uống nước”, Thái tử nghe rồi liền nói: “Nếu như vậy thì chúng đâu có làm tổn hại cho người, duyên cớ gì lại giết chúng?”, các đồng tử nói: “Khi thấy chúng bị giết, tâm chúng tôi vui thích”, Thái tử nói: “Các bạn không nên thấy chúng thọ khổ mà tâm sanh vui thích”. Năm trăm đồng tử này nghe rồi cùng nói với nhau: “Do thái tử không đi săn bắn nên mới chê trách chúng ta, chúng ta nên làm cho thái tử cùng đi săn bắn với chúng ta”. Bàn xong các đồng tử này liền đến tâu với vua: “Đại vương, thái tử sanh trưởng trong thâm cung, nếu nước bên địch kéo đến ắt Thái tử sẽ sanh sợ hãi. Sao Đại vương không cho Thái tử đi săn bắn, nếu thường ra ngoài đi săn tâm sẽ trở nên dũng kiện, dù nước bên địch kéo đến tình cũng không khiếp sợ”. Vua nghe rồi liền bảo Thái tử: “Con nên ra ngoài thử học cách săn bắn”, Thái tử nói: “Phụ vương, con không muốn đi”, Vua nói: “Con thuộc chủng tộc Sát-đế-lợi phải học cách dùng binh khí và cách bắn cung”. Thái tử không dám trái lịnh phụ vương nên cùng năm trăm đồng tử ra ngoài săn bắn, các đồng tử này cùng nói với nhau: “Sau khi nhà vua băng hà, Thái tử sẽ làm vua, nếu nay chúng ta hết lòng thừa sự Thái tử, sau này lộc vị sẽ tăng trưởng”. Bàn xong liền nói với Thái tử: “Thái tử đứng ở đây, chúng tôi sẽ xua đuổi bày nai đến chỗ thái tử”, nói rồi họ liền cùng nhau bao vây xua đuổi bầy nai chạy đến chỗ Thái tử, Thái tử từ xa trông thấy bầy nai chạy hốt hoảng, thân bị trúng tên há miệng mà chạy liền suy nghĩ: “nếu có người nào tâm không từ bi, không sợ đời sau, người ấy còn không khởi tâm độc ác với những con nai này huống chi là giết chết”. Thái tử vì muốn bảo hộ những con nai kia nên từ xa bắn ba mũi tên vào bầy nai, một mũi bay vào giữa hai bắp vế, một mũi xuyên sát sừng nai, một mũi cắm phập xuống đất không làm tổn thương một con nai nào, khi bầy nai chạy đến chỗ Thái tử, Thái tử liền thả ra cho chúng mặc tình chạy trốn. Lúc đó năm trăm đồng tử cùng suy nghĩ: “Thái tử lâu nay tập bắn cung rất giỏi, nhất định sẽ giết nhiều hươu nai”, nhưng khi tụ họp đến chỗ Thái tử lại không thấy giết được một con nào liền suy nghĩ: “Chắc là thái tử đã ra lịnh cho xe chở hươu nai về trước rồi”, nghĩ rồi liền hỏi Thái tử: “Hươu nai đã giết đâu hết rồi”, Thái tử nói: “Chúng kinh hãi chạy tán loạn cơ hồ muốn giết tôi”. Cách chỗ Thái tử đứng không xa có một người giữ vườn, người này nghe Thái tử nói như vậy rồi liền nói với năm trăm đồng tử: “Vì sao các người lại để cho người không có tâm sát hại đứng giữ ở đây, muốn giết hết bầy nai đã chạy trốn thì phải noi theo đường mà chúng đã chạy”. Năm trăm đồng tử này nghe rồi đều nổi giận cùng nói với nhau: “Chúng ta cực khổ không nài thân thể thương tổn để xua đuổi bầy nai chạy đến đây, sao Thái tử lại thả chúng chạy thoát chứ, thật là đáng chết. Nếu chúng ta giết Thái tử thì nhà vua cũng sẽ giết chúng ta, chi bằng bỏ mặc Thái tử ở lại đây”. Thái tử nghe rồi liền suy nghĩ: “Những người bạn này xua đuổi bầy nai chạy đến chỗ ta là để cùng vui chơi với ta, vì ta không giết nai nên bỏ mặc ta ở lại trong rừng hoang này. Nếu sau này ta làm vua đối với những người bạn này sẽ làm điều không Lợi-ích”. Sau khi trở về trong cung Thái tử ngồi chống tay vào má dáng vẻ ưu sầu, khi các nội nhơn đến Thái tử cũng không đưa mắt nhìn, thấy vậy các nội nhơn này liền chạy đến tâu vua: “Đại vương, không hiểu tại sao Thái tử thấy chúng tôi không đưa mắt nhìn, chỉ ngồi chống tay vào má dáng vẻ ưu sầu”. Vua nghe rồi liền đến hỏi Thái tử: “Sao nay con lại ưu sầu không vui?”, Thái tử đáp: “Phụ vương bảo con đi săn băn làm sao con không ưu sầu?”, Vua hỏi: “Con thật không ưa thích săn bắn sao?”, đáp: “Con thật không ưa thích chút nào”, Vua nói: “Nếu vậy từ nay con đừng đi săn bắn nữa”. Lúc đó Thái tử suy nghĩ: “Ở thế tục nhiều nạn, các khổ bức bách thường bị phiền não trói buộc; xuất gia nhàn tịnh suốt đời thuần nhất không tạp, viên mãn phạm hạnh. Ta nay nên chánh tín từ bỏ nhà đến chỗ không nhà, xa lìa trần tục”.

Trong nước Ba-ba có lục sư ngoại đạo ở cách Vương thành không xa, đó là Bô-thích-noa Ca-diếp-ba-tử, Mạc-tắc-yết-lợi-cù-xá-lê-tử, San-thệ-di-tỳ-thích-tri-tử, A-thị-đa-kê-xá-cam-bạt-la-tử, Khước-câu- đa-ca-diễn-na-tử, Ni-kiền-đà-thận-nhã-đê-tử. Họ không phải là những bậc Nhất thiết trí nhưng lại kiêu mạn cho mình là Nhất thiết trí làm cho mọi người kính ngưỡng. Lúc đó Thật-lực-tử tìm đến chỗ lục sư ngoại đao, trước đến chỗ Bô-thích-noa Ca-diếp-ba-tử hỏi: “Pháp lý tông chỉ của đại sư là gì, đại sư dạy cho các đệ tử những gì, nếu siêng tu phạm hạnh sẽ được quả gì?”. Vị đại sư này đáp: “Thái tử, tông chỉ của tôi nếu thấy biết như thế nào sẽ giảng thuyết như thế ấy: không có cho, không có nhận, cũng không có việc cúng tế, không có thiện ác hạnh, không có nghiệp nhơn duyên, không có quả dị thục, không có đời này, không có đời sau, không có cha, không có mẹ, cũng không có hữu tình hóa sanh trong cõi này; không có A-la-hán chánh thú chánh hạnh, đời này đời khác ở trong hiện pháp được tự giác ngộ, chánh chứng viên mãn, tự biết rõ rằng sự sanh đã tận, phạm hạnh đã lập, việc nên làm đã làm xong, không còn thọ thân sau. Tất cả đều không, ở cõi này có mạng sống thì gọi là sanh, thân này mãn rồi năm đại chia lìa lại không có lý sanh thì gọi là tử. Lúc đó đất trở về đất, nước trở về nước, lửa trở về lửa, gió trở về gió, các căn trở về không bị khiêng đến chỗ hỏa thiêu, sau khi thiêu xong chỉ còn lại mớ xương tàn không biết gì nữa. Kẻ ngu người trí đều đồng như vậy, người trao cho gọi là Thí, người nhận lấy gọi là Thọ, các học thuyết về Có đều là hư vọng”. Thật-lực-tử nghe rồi liền suy nghĩ: “Vị đại sư này nói trái với chánh đạo, hành theo tà đạo, giống như đường hiểm có nhiều sợ hãi, người trí nên bỏ không nên tu tập”.

Nghĩ rồi nói kệ:

“Huệ ác nói pháp ác
Thật ngu xưng Đại sư
Pháp này cho là phải
Pháp gì gọi phi pháp?”.

Biết như thế rồi như đánh vào khí cụ rỗng chỉ có tiếng hư bèn bỏ đi. Kế đến chỗ Mạc-tắc-yết-lợi-cù-xá-lê-tử hỏi: “Pháp lý tông chỉ của đại sư là gì, đại sư dạy cho các đệ tữ những gì, nếu siêng tu phạm hạnh sẽ được quả gì?”. Vị đại sư này nói: “Thái tử, tông chỉ của tôi nếu thấy biết như thế nào thì giảng thuyết như thế ấy: Tất cả hữu tình không nhơn không duyên mà có phiền não, tất cả hữu tình không nhơn không duyên mà bị phiền não bức bách, tất cả hữu tình không nhơn không duyên mà có thanh tịnh, tất cả hữu tình không nhơn không duyên mà được thanh tịnh, tất cả hữu tình không nhơn không duyên mà có vô tri, tất cả hữu tình không nhơn không duyên mà hết vô tri. Tất cả hữu tình không có lực, không có siêng năng, không có dũng mãnh, không có tấn tới, không có mình không có người. Tất cả hữu tình loài có mạng sống không có oai thế,ở trong sáu loài chúng sanh thường thọ khổ lạc, vượt qua những loài này thì không”. Thật-lực-tử nghe rồi liền suy nghĩ: “Đại sư này trái với chánh đạo hành theo tà đạo như đường hiểm có nhiều sơ hãi, người trí nên bỏ không nên tu tập”. Nghĩ rồi nói kệ:

“Huệ ác nói pháp ác
Thật ngu xưng Đại sư
Pháp này cho là phải
Pháp gì gọi phi pháp”.

Biết như thế rồi như đánh vào khí cụ rỗng chỉ có tiếng hư bèn bỏ đi. Kế đến chỗ San-thệ-di-tỳ-thích-tri-tử hỏi: “Pháp lý tông chỉ của Đại sư là gì, Đại sư dạy cho các đệ tử những gì, siêng tu phạm hạnh sẽ được quả gì?”. Vị Đại sư này nói: “Thái tử, tông chỉ của tôi nếu thấy biết như thế nào thì giảng thuyết như thế ấy: Nếu tự giết, bảo người khác giết; tự chặt, bảo người khác chặt; tự nấu, bảo người khác nấu; tự trộm, tà hạnh, vọng ngữ, uống rượu và dạy bảo người khác làm… cho đến khoét vách, mở khóa, canh giữ đường hiểm, cầm kiếm luân giết hại các loài, ở trên đại địa hễ có loài hữu tình nào đều chặt chém cho chết, thịt gom thành đống, ở phía nam sông Căng-già đã làm những nghiệp ác này; ngược lại ở phía bắc sông Căng-già thì lại thiết lập phước hội lớn. Không do duyên cớ này mà có nhơn tội phước chiêu lấy quả báo tội phước; cũng không do bố thí, trì giới, thiểu dục tri túc mà được quả đời sau”. Thậtlực-tử nghe rồi liền suy nghĩ: “Đại sư này trái với chánh đạo hành theo tà đạo, như đường hiểm có nhiều sợ hãi, người trí nên bỏ không nên tu tập”. Nghĩ rồi liền nói kệ:

“Huệ ác nói pháp ác
Thật ngu xưng Đại sư
Pháp này cho là phải
Pháp gì gọi phi pháp”.

Biết như thế rồi như đánh vào khí cụ rỗng chỉ có tiếng hư bèn bỏ đi. Kế tìm đên chỗ A-thị-đa-kê-xá-cam-bạt-la-tử hỏi: “Pháp lý tông chỉ của Đại sư là gì, Đại sư dạy cho các đệ tử những gì, siêng tu phạm hạnh sẽ được quả gì?”. Vị Đại sư này đáp: “Thái tử, tông chỉ của tôi nếu thấy biết như thế nào thì giảng thuyết như thế ấy: Có bảy việc thân không có năng tác, không có sở tác, không có năng biến, không có sở biến, không thể làm tổn hại, thể của nó còn mãi. Đó là Địa thân, Thủy thân, Hỏa thân, Phong thân, Khổ thân, Lạc thân, Mạng thân. Bảy thân này tụ lại một chỗ như bó lau, vận động chuyển biến không làm não hại nhau, tội phước khổ vui cũng không tương quan nhau. Nếu có người chặt đứt đầu người này, người kia cũng không thống khổ; đao kiếm có xuyên qua lỗ chân lông trong thân của người này, cũng không tổn đến tánh mạng của người kia. Cho nên không có năng sát, sở sát; năng vấn, sở vấn; năng ức, sở ức. Trong bốn phương có một vạn bốn ngàn môn duyên sanh, lại có sáu vạn sáu ngàn cho đến năm, ba, hai, một và nửa nghiệp sai khác; lại có sáu mươi hai hạnh, sáu mươi hai trung kiếp, hai ngàn địa ngục, ba ngàn các căn, ba mươi sáu tinh khí, bốn vạn sáu ngàn tộc rồng, bốn vạn chín ngàn tộc họ Diệu súy điểu, bốn vạn chín ngàn chủng tộc ngoại đạo ăn xương đầu người, bốn vạn chín ngàn chủng tộc ngoại đạo lộ hình, bốn vạn chín ngàn chủng tộc ngoại đạo tà mạng. Có bảy loại tưởng, bảy loại A-tô-la, bảy loại Tất-xá-già, bảy loại trời, bảy loại người. Có bảy trăm lẻ bảy ao, bảy trăm lẻ bảy mộng, bảy trăm lẻ bảy bờ, bảy trăm lẻ bảy ngọn núi. Có bảy loại thắng sanh, mười loại tăng trưởng, tám đại nhân địa.Như vậy trải qua tám ngàn đại kiếp, tất cả Trí ngu đã có thảy đều hết khổ, như người lấy tơ nhỏ ném vào hư không liền rơi trở xuống đất, tất cả Trí ngu cũng vậy trải qua tám vạn bốn ngàn đại kiếp luân hồi qua lại đều dứt hết khổ đau. Trong thế gian này thật không có sa môn, Bà-la-môn nào có thể nói rằng: Ta chế giới câm khiến các đệ tử siêng năng tiết chế, kiên trì tu phạm hạnh, nghiệp chưa thuần thục có thể khiến thuần thục, nghiệp đã thuần thục thì có thể bỏ các ác… các cảnh giới khổ, nhất định đoạn hết khổ vui ở các cõi. Nói đến kiếp tăng kiếp giảm đều là không có nhưng ắt có lưu chuyển sanh tử”. Thật-lực-tử nghe rồi liền suy nghĩ: “Đại sư này trái với chánh đạo hành theo tà đạo, như đường hiểm có nhiều sợ hãi, người trí nên bỏ không nên tu tập”.

Nghĩ rồi liền nói kệ:

“Huệ ác nói pháp ác
Thật ngu xưng Đại sư
Pháp này cho là phải
Pháp gì gọi phi pháp”.

Biết như thế rồi như đánh vào khí cụ rỗng chỉ có tiếng hư bẻn bỏ đi. Kế tìm đến chỗ Khước Câu-đa-ca-diễn-na-tử hỏi: “Pháp lý tông chỉ của Đại sư là gì, Đại sư dạy cho các đệ tử những gì, siêng tu phạm hạnh sẽ được quả gì?”. Vị Đại sư này đáp: “Thái tử, tông chỉ của tôi nếu thấy biết như thế nào thì giảng thuyết như thế ấy: Nếu có người đến hỏi tôi có đời sau không, tôi liền đáp là có; nếu hỏi không có đời sau phải không, tôi liền đáp là không có; nếu hỏi cũng có cũng không có đời sau phải không, tôi liền đáp là cũng có cũng không có; nếu hỏi chẳng phải có chẳng phải không có đời sau phải không, tôi liền đáp là chẳng phải có chẳng phải không có. Nếu có người hỏi tôi việc đó là đúng phải không, tôi liền đáp là đúng; nếu hỏi việc đó là sai phải không, tôi liền đáp là sai; nếu hỏi cũng đúng cũng sai phải không, tôi liền đáp là cũng đúng cũng sai; nếu hỏi chẳng phải đúng chẳng phải sai phải không, tôi liền đáp là chẳng phải đúng chẳng phải sai. Nếu hỏi đời sau là một hay khác thì tôi trả lời cũng giống một như vậy”. Thật-lực-tử nghe rồi liền suy nghĩ: “Đại sư này trái với chánh đạo hành theo tà đạo, như đường hiểm có nhiều sợ hãi, người trí nên bỏ không nên tu tập”. Nghĩ rồi liền nói kệ:

“Huệ ác nói pháp ác
Thật ngu xưng Đại sư
Pháp này cho là đúng
Pháp gì gọi phi pháp”.

Biết như thế rồi như đánh vào khí cụ rỗng chỉ có tiếng hư bèn bỏ đi. Kế tìm đến chỗ Ni Kiền Đà Thận Nhã Đê Tử hỏi: “Pháp lý tông chỉ của Đại sư là gì, Đại sư dạy cho các đệ tử những gì, siêng tu phạm hạnh sẽ được quả gì?”. Vị Đại sư này đáp: “Thái tử, tông chỉ của tôi nếu thấy biết như thế nào thì giảng thuyết như thế ấy: Nếu mọi người thấy có thọ khổ vui là do đời trước đã tạo nghiệp nhơn, do sức tu khổ hạnh có thể trừ được túc nghiệp, không tạo nghiệp mới, ra khỏi sanh tử, chứng pháp Vô lậu, các nghiệp liền hết, do các nghiệp hết nên các khổ cũng hết”. Thật-lực-tử nghe rồi liền suy nghĩ: Đại sư này trái với chánh đạo hành theo tà đạo, như đường hiểm có nhiều sợ hãi, người trí nên bỏ không nên tu tập”. Nghĩ rồi liền nói kệ:

“Huệ ác nói pháp ác
Thật ngu xưng Đại sư
Pháp này cho la đúng
Pháp gì gọi phi pháp”.

Biết như thế rồi như đánh vào khí cụ rỗng chỉ có tiếng hư bèn bỏ đi. Trở về Vương cung, lên trên lầu cao ngồi chống tay vào má suy nghĩ: “Tất cả người, trời, Ma, Phạm, Sa môn, Bà-la-môn trong thế gian này phải chi có một người nào có thể thọ trì một, hai, ba, bốn câu chú thuật thần nghiệm, phương pháp minh dược, ở trong sanh tử lao ngục vô minh, không cần dụng công nhiều mà làm cho ta được xuất ly”. Thường pháp của chư Phật là quán sát thế gian , không gì là không nghe thấy, không gì là không hay biết, hằng khởi tâm đại bi làm lợi ích cho tất cả; làm người đại hộ hùng mạnh bậc nhất, không có hai lời, an trụ nơi định huệ, hiển phát ba minh, khéo tu ba Học, khéo điều phục ba nghiệp, vượt qua bốn Bộc lưu, an trụ bốn Thần túc; ở trong đêm dài tu bốn Nhiếp hạnh, xả bỏ năm Cái, xa lìa năm Chi, vượt khỏi năm đường, sáu căn đầy đủ, sáu Độ viên mãn, bảy Tài khắp thí, khai bảy Giác hoa, lìa tám pháp thế gian, chỉ bày tám đường chánh, đoạn hẳn chín Kiết, tỏ rõ chín Định, đầy đủ mười Lực, danh vang khắp mười phương, thù thắng hơn hết trong trăm ngàn tự tại, được bốn Vô úy, pháp âm như sấm rền, như sư tử rống, ngày đêm sáu thời thường dùng Phật nhãn xem xét thế gian, ai tăng, ai giảm, ai gặp nhiều khổ ách, ai hướng về đường ác. Quán sát rồi nghĩ muốn dùng thắng phương tiện ở trong ba đường ác cứu vớt khiến được ra khỏi, an định cõi trời người khiến trụ nơi Niết-bàn; đối với kẻ đắm chìm trong bùn tham dục thường nghĩ cứu vớt họ; người không có Thánh tài khiến cho được Thánh tài; ai bị mây vô minh che làm mờ mắt thì dùng thuốc đại trí khiến cho mắt được sáng; người không có thiện căn thì khiến cho họ trồng căn lành; người đã trồng căn lành thì khiến cho họ được thành thục; người đã thành thục thì khiến cho họ được giải thoát. Như kệ thuyết:

“Như thủy triều biển cả
Có hạn kỳ mất đi
Đối với người được độ,
Phật độ không kỳ hạn.
Như mẹ sanh con một,
Bảo hộ con đến cùng.
Đối với người được độ,
Phật thương còn hơn thế,
Phật dùng tâm đại bi,
Quán khắp trong sanh tử,
Thường theo người được độ,
Như bò mẹ theo con”.

Lúc đó Thế Tôn liền suy nghĩ: “Thật-lực-tử đã từng ở chỗ Phật trồng các căn lành, cũng như mụt nhọt đã chín muồi chỉ chờ dao mổ, nay chính là lúc có thể giáo hóa Thật-lực-tử”. Lại quán sát người này là được Phật hóa độ hay được hàng đệ tử của Phật hóa độ; nên dùng thần lực giáo hóa hay oai nghi giáo hóa. Phật quán biết rõ là do oai nghi của đệ tử mới có thể hóa độ được Thật-lực-tử. Trong cõi trời người chỉ có Bí-sô Mã Thắng là oai nghi tối thắng nên Thế Tôn liền bảo Bí-sô Mã Thắng: “Thầy nên biết thời, đã đúng lúc nên đến nước ba ba hóa độ thái tử Thật-lực-tử”. Bí-sô Mã Thắng im lặng nhận lời, sáng hôm sau đắp y mang bát vào thành Vương Xá khất thực, sau khi ăn xong rửa bát, thu dọn chỗ ngồi rồi lại chấp trí y bát tuần tự du hành đến nước ba Ba, trụ trong rừng Thủy Điệt. Qua sáng hôm sau lại đắp y mang bát vào trong thành Ba Ba theo thứ lớp khất thực, giở chân hạ chân, nhìn ngó, co duỗi… oai nghi tiến thú thảy đều trang nghiêm. Lúc Thái tử ở trên lầu cao từ xa nhìn thấy từng bước chân thong dong tự tại chưa từng có, oai nghi tiến chỉ không có chút khuyết điểm. Nhìn thấy rồi thái tử liền suy nghĩ: “Những người xuất gia trong nước chưa từng thấy có oai nghi này, những người xuất gia ở tụ lạc tuy có chỉnh túc oai dung nhưng người sống nơi A-lan-nhã thì không như thế. Nay ta nên cho người theo dõi xem vị ấy về đến nơi rừng vắng còn có oai nghi như vậy hay không”. Nghĩ rồi Thái tử liền sai người đi theo tới tận chỗ ở của Bí-sô đó xem thử ở chốn Lan-nhã vắng vẻ không người, nghi dung của Bí-sô đó có si khác không. Sứ giả tuân mệnh theo sau Bí-sô Mã Thắng lén quan sát thấy Bí-sô ở trong thành khất thực xong liền về thẳng trong rừng Thủy Điệt, đặt y bát và đảy lượt nước qua một bên rồi lấy y giũ bụi, rửa tay chân rồi lấy lá vàng rụng lót trên đất để ngồi thọ thực. Ăn xong rửa bát, rửa tay chân rồi ngồi kiết già an tọa, oai nghi tịch tĩnh giống như rồng cuộn, chánh thân đoan tọa. Sứ giả quan sát xong trở về bạch với Thái tử: “Trong thành thấy oai nghi của Bí-sô kia thong dong tự tại, về đến trong rừng vắng oai nghi còn thù thắng gấp trăm lần”. Thái tử nghe rồi liền bảo người đánh xe nghiêm chỉnh xa giá đưa Thái tử đến trong khu rừng đó để diện kiến Bí-sô. Khi đến mé rừng, Thái tử xuống xe đi bộ đến chỗ ở của Bí-sô Mã Thắng. Từ xa trông thấy Bí-sô đang nhập định, Thái tử suy nghĩ: “Ta nay không nên làm loạn đông Bí-sô trong cảnh định thù thắng, đợi người xuất định ta hãy đến làm lễ”, nghĩ rồi tìm nơi thuận tiện ngồi chờ. Đến chiều Bí-sô mới xuất định, Thái tử liền đến trước mặt đảnh lễ rồi ngồi một bên bạch rằng: “Đại đức, Thánh giả là bậc đại sư hay là hàng đệ tử?”, đáp: “Tôi là hàng đệ tử không phải bậc đại sư”. Thái tử hỏi: “Giữa Đại sư và đệ tử hơn kém nhau như thế nào?”. Bí-sô Mã Thắng đáp: “Hơn kém nhau như trời vực, Thái tử nên biết, như sơn vương Diệu Cao so với hạt cải; như biển cả so với vũng nước có dấu chân trâu; như ánh sáng mặt trời so với ánh sáng của con đom đóm”. Bí-sô liền nói kệ:

“Diệu Cao sánh hạt cải,
Biển cả so vũng nước,
Hư không sánh lỗ nhỏ,
Mặt trời so đom đóm,
Mọi vật trên thế gian,
Không thể làm ví dụ,
Đệ tử so với thầy,
Việc này cũng như vậy”.

Khi nghe kệ rồi Thái tử liền suy nghĩ: “Như Bí-sô đã nói về công đức sai biệt giữa thầy và đệ tử, há chẳng phải còn có một bậc Diệu giác Thế Tôn và pháp thù thắng hay sao”. Nghĩ rồi Thái tử liền hỏi Bí-sô Mã Thắng: “Đại đức, nay tôi có được ở trong pháp luật khéo giảng nói này xuất gia, thọ viên cụ thành tánh Bí-sô, ở chỗ Đại đức tu phạm hạnh không?”. Bí-sô đáp: “Thái tử, cha mẹ của Thái tử có cho phép không?”. Thái tử đáp: “Đại đức, cha mẹ tôi chưa cho phép”. Bí-sô nói: “Như Lai và đệ tử của Như Lai không nên liền độ cho người khác xuất gia mà cha mẹ của người ấy chưa cho phép”. Thái tử nói: “Đại đức, tôi sẽ dùng phương tiện làm cho cha mẹ cho phép”. Bí-sô nói: “Được như vậy thì tốt”. Thái tử nghe nói rồi cung kính hoan hỉ cáo từ ra về, về đên Vương cung liền bạch với cha mẹ: “Cha mẹ biết cho, con nay chánh tín muốn được xuất gia”, cha mẹ nói: “Con nên biết, ta chỉ có một mình con, niệm niệm thương yêu con thường nhìn không thấy chán; dù chết cũng còn không muốn xa lìa, huống chi là còn sống mà phải biệt ly”. Thái tử nói: “Cha mẹ cho phép thì tốt, nếu cha mẹ không cho thì kể từ hôm nay con sẽ không ăn uống”. Tuy nghe Thái tử nói như vậy nhưng cha mẹ thái tử vẫn không cho phép, cho nên Thái tử bắt đầu đoạn thực một ngày rồi hai ngày, ba ngày cho đến sáu ngày không ăn uống. Lúc đó cha mẹ liền đến chỗ Thái tử khuyên can: “Con từ nhỏ đã sống trong sung sướng, chưa từng trải qua các khổ. Phạm hạnh khó tu, độc thân khó sống, ngọa cụ tùy nghi, nơi Lan-nhã khó ở tu vì phải sống cùng thú dữ, trọn đời đi khất thực, trọn đời đoạn dục, trọn đời bặt dứt thọ lạc. Thái tử, con nên ở nhà hưởng thọ dục lạc, tùy ý bố thí tu các phước nghiệp”. Thái tử tuy nghe cha mẹ khuyên can như vậy nhưng vẫn im lặng không nói, che mẹ liền nhờ thân quyến tới khuyên dụ. Thân quyến đến cũng khuyên những lời giống như cha mẹ đã khuyên, Thái tử vẫn im lặng không nói. Cha mẹ lại nhờ các thân hữu của Thái tử đến khuyên can, các thân hữu đồng loạt đến khuyên những lời cũng giống như cha mẹ đã khuyên, Thái tử vẫn im lăng không nói. Các thân hữu thấy Thái tử ý chí cương quyết như vậy bèn đến chỗ vua tỏ bày tình lý: “Chúng tôi đã ân cần khuyến dụ đủ cách nhưng ý chí Thái tử không lung lay chút nào, tình trạng này kéo dài e làm tổn hại đến tính mạng Thái tử. Xin Đại vương cho phép Thái tử xuất gia lìa tục, vì chỉ có cho phép xuất gia Thái tử mới sống được, nếu sau này Thái tử không vui thích đời sống xuất gia nữa thì sẽ trở về lại Vương cung, còn bây giờ nhất định không cho rủi Thái tử chết thì sao”. Lúc đó cha mẹ Thái tử nghe rồi liền nói: “Nếu như vậy thì nên cho phép xuất gia để thái tử được mãn nguyện”. Các thân hữu nghe nhà vua cho phép rồi liền đến báo cho Thái tử biết, Thái tử nghe rồi vui mừng ăn uống trở lại, khi sức khỏe hồi phục Thái tử liền từ giả cha mẹ đến rừng Thủy Điệt đảnh lễ Bí-sô Mã Thắng bạch rằng: “Đại đức, cha mẹ của con đã cho phép con xuất gia. Lành thay xin Thánh giả từ bi cho con xuất gia thọ viên cụ, dạy cho con oai nghi và được ở bên Đại đức khéo tu phạm hạnh”. Bí-sô Mã thắng nói: “Ta nay cho con xuất gia thọ viên cụ”. Sau khi trao pháp xuất gia và cho thọ viên cụ xong, Bí-sô Mã Thắng hỏi: “Con nên biết, Bí-sô tu học có hai pháp đọc tụng và thiền định, nay con muốn tu pháp nào?”. Thật-lực-tử đáp: “Ô-ba-đà-da, con muốn được phụng hành cả hai”. Từ đó Thật-lựctử ban ngày chuyên tâm tụng niệm, ban đêm thiền định tư duy, không bao lâu sau thông suốt cả ba tạng; do siêng năng tinh tấn không buông lung nên phiền não được đoạn trừ chứng quả A-la-hán. Lúc đó tất cả đệ tự của Bí-sô Mã Thắng tùy theo ý thích nên sự tu học có sai khác nhau, sau khi thọ học xong mỗi người đều đến nơi thôn phường, thành ấp, tụ lạc khác để an cư. Tiền an cư xong đến rằm tháng tám may y xong liền chấp trì y bát đến thành Ba ba vào rừng Thủy Điệt để đảnh lễ bổn sư, mỗi người đều tùy theo pháp mà mình tu chứng được bạch lên thầy và hỏi thêm về yếu nghĩa của ba tạng rồi bạch thầy rằng: “Chúng con đã được Ô-ba-đà-da quyết nghi cho rồi, nay chúng con muốn đến phụng kiến đức Thế Tôn”, Vị thầy nói: “Cứ theo ý muốn của các con”. Lúc đó Thật-lực-tử cũng bạch với thầy: “Ô-ba-đà-da, con đã được thấy pháp thâh của Như Lai, nhưng thấy được sắc thân nay con cũng muốn đến phụng kiến sắc thân của Như Lai”. Vị thầy nói: “Cứ theo ý muốn của con, con nên biết, đức Như Lai Ứng chánh đẳng giác là đại trân báu trong thế gian rất khó được gặp, như hoa Ô-Đàm-bạt-la đúng thời mới nở”. Thật-lực-tử đước bổn sư chấp thuận rồi qua sáng hôm sau liền chấp trì y bát vào thành Ba-ba theo thứ lớp khất thực, khất thực xong trở về bổn xứ thọ thực, sau đó lại chấp trì y bát đi đến thành Vương Xá để phụng kiến Thế Tôn. Lúc đó Thế Tôn đang thuyết pháp cho trăm ngàn chúng Bí-sô, từ xa trông thấy Thật-lực-tử đi đến liền nói: “Thiện lai, thầy đã đến thật đúng lúc”, Thật-lực-tử liền đảnh lễ Phật rồi ngồi qua một bên. Lúc đó các Bí-sô ở trong thành Vương Xá không y theo đồng loại để phân chia ngọa cụ cho Tăng: Chẳng hạn như Kinh sư với Luật sư, Kinh sư với Luận sư, Kinh sư với Pháp sư, Kinh sư với Thiền sư; Luật sư với Luận sư, Luật sư với Pháp sư, Luật sư với Thiền sư, Luật sư với Kinh sư; Luận sư với Pháp sư, Luận sư với thiền sư, Luận sư với Kinh sư, Luận sư với Luật sư; Pháp sư với Thiền sư, Pháp sư với Kinh sư, Pháp sư với Luật sư, Pháp sư với Luận sư; Thiền sư với Kinh sư, Thiền sư với Luật sư, Thiền sư với Luận sư, Thiền sư với Pháp sư. Đối với năm loại Sư trên không dựa theo đồng loại cho ở chung một chỗ, vì không dựa theo đồng loại nên khi phân chia phòng xá ngọa cụ, các Bí-sô cùng một hạnh không thể hộ lẫn nhau nên làm mất sự thọ nghiệp, khiến cho phẩm thiện không được tăng trưởng, như bông sen không có nước ngày càng bị suy tổn. Vì thế vừa thấy Thật-lực-tử đến Thế Tôn liền suy nghĩ: “Thậtlực-tử này ở chỗ đức Phật quá khứ đã có chánh nguyện: Ta phải làm thế nào để được làm người phân chia ngọa cụ cho Tăng”. Nghĩ rồi Thế Tôn liền bảo các Bí-sô: “Này các Bí-sô, nên sai Thật-lực-tử làm người phân chia ngọa cụ cho Tăng. Nếu có người nào hội đủ năm pháp mới được sai làm người phân chia ngọa cụ cho Tăng, nếu không hội đủ năm pháp này thì không nên sai, nếu đã sai rồi phải xả bỏ. Năm pháp không nên sai là: Có thương, có giận, có si, có sợ, không biết nên chia và không nên chia. Nếu hội đủ năm pháp sau đây thì nên sai, nếu đã sai rồi thì không nên xả bỏ, đó là: không thương, không giận, không si, không sợ, biết rõ nên chia và không nên chia”. Như thường pháp đánh kiền chùy nhóm Tăng, một vị đối trong đại chúng hỏi: “Trong chúng đây ai có thể làm người phân chia ngọa cụ cho Tăng?”. Nếu có một Bí-sô nào bước ra nói: “Tôi là Bísô ___ có thể” Tăng sau khi lượng xét có đủ năm pháp kể trên không mới tác yết ma sai như trong Bách Nhất Yết Ma có nói rõ. Lúc đó Thậtlực-tử được Tăng sai làm người phân chia ngọa cụ cho Tăng rồi liền y theo đồng loại mà phân chia phòng xá ngọa cụ, như Kinh sư với Kinh sư, Luật sư với Luật sư, Luận sư với Luận sư, Pháp sư với Pháp sư, Thiền sư với Thiền sư, do mọi người cùng một hạnh được ở cùng nhau nên luận bàn không có trái nhau khiến cho phẩm thiện ngày càng tăng trưởng, như bông sen ở trong ao đầy nước ngày càng nở rộ. Các Bí-sô từ bốn phương tụ đến, có người vào nửa canh một mới đến, Thật-lực-tử phải dùng lực thần thông phóng ra ánh sáng từ nơi một ngón tay để nhìn thấy phân chia ngọa cụ; lại có người do muốn thấy pháp thượng nhơn thù thắng và thần thông hy hữu của Thật-lực-tử nên cố ý đến vào canh một, Thật-lực-tử phải dùng lực thần thông phóng ra ánh sáng từ hai ngón tay để nhìn thấy phân chia ngọa cụ; nếu đến vào khoảng cánh rưỡi thì Thật-lực-tử phải dùng ba ngón tay phóng ra ánh sáng; nếu đến vào khoảng canh hai thì phải dùng đến bốn ngón tay phóng ra ánh sáng; nếu đến vào khoảng nửa đêm thì phải dùng cả năm ngón tay phóng ra ánh sáng để nhìn thấy phân chia ngọa cụ. Các Bí-sô này sau khi nhìn thấy thần thông thù thắng của Thật-lực-tử rồi liền suy nghĩ: “Chúng ta không nên để cho vị Đại Thanh văn có đầy đủ oai đức phân chia ngọa cụ cho chúng ta, mà chúng ta lại phóng ý nằm ngủ là điều không nên”. Do suy nghĩ như vậy nên các Bí-sô này vào đầu đêm cuối đêm bớt ngủ nghỉ để đoan tọa tư duy, nhờ vậy nên có thể chứng đắc những gì chưa chứng đắc, những gì đã chứng đắc sẽ không thối chuyển. Lúc đó Thế Tôn ở giữa chúng Bíso khen ngợi Thật-lực-tử như sau: Trong các đệ tử của ta, người phân chia ngọa cụ phòng xá cho Tăng thì Thật-lực-tử là người khéo léo công bằng bậc nhất”. Do Thánh giáo của Thế Tôn được ban bố rộng rãi nên các Bà-la-môn, Cư sĩ thường thiết thực cúng dường cho các Bí-sô. Lúc đó lục chúng Bí-sô hễ hay biết nơi nào thiết trai có thức ăn thượng diệu liền đến thọ dụng, các Bà-la-môn tín tâm hỏi: “Thánh giả, tại sao các bậc kỳ túc không thấy đến?”, lục chúng đáp: “Thức ăn thô dở như vầy há các vị ấy đến hay sao?”. Các thí chủ tín tâm nghe rồi liền nói: “Thế Tôn có dạy trong các món cúng dường thì cúng dường cơm nước là đứng đầu, các bậc kỳ túc lẽ nào không thọ dụng. Thánh giả các vị là người xuất gia trong pháp luật khéo giảng nói sao lại không thận trọng lời nói, nói ra lời không biết xấu hổ như vậy. Các vị hãy mau đi chỗ khác đừng nên đến đây nữa”. Các Bí-sô nghe biết liền đem việc này bạch Phật, Phật bảo các Bí-sô: “Nên sai Thật-lực-tử làm người phân chia thức ăn (cắt đặt người đi phó thỉnh). Nếu có người nào như Thật-lực-tử cũng nên sai, người không hội đủ năm pháp thì không nên sai, nếu đã sai thì nên xả bỏ. Năm pháp đó là: Có thương, có giận, có si, có sợ, không biết nên chia và không nên chia. Ngược với năm pháp này thì nên sai”. Pháp sai như trong Bách Nhất Yết Ma có nói rõ. Lúc đó Thật-lực-tử được Tăng sai làm người phân chia thức ăn rồi liền vì Tăng phân loại thức ăn làm ba bậc: Bậc thượng (thức ăn thượng diệu), bậc trung (thức ăn ngon), bậc hạ (thức ăn thô dở). Khi có khách Bí-sô đến ngày đầu tiên phân phó thức ăn bậc thượng, ngày thứ hai phân phó thức ăn bậc trung, ngày thứ ba phân phó thức ăn bậc hạ, qua ngày thứ tư trở đi phải đi khất thực. Thật-lực-tử đối với các Bí-sô dù là chủ hay khách trong việc phân chia ngọa cụ, phòng xá và phân phó thức ăn đều phân chia theo thứ lớp không hề có sai sót. Lúc đó có hai Bí-sô từ nước phương Nam đến một vị tên là Thiện Hữu, một vị tên là Đại Địa, hai vị này trong nhiều đời đã có oán ác với Thật-lực-tử. Khi vừa đến thành Vương Xá hai vị Bí-sô này liền hỏi các Bí-sô khác rằng: “Ai là người phân phó thức ăn cho Tăng?”, các Bí-sô đáp là Thật-lực-tử. Hai Bí-sô này liền đến chỗ Thật-lực-tử báo để được phân phó thức ăn. Như thường lệ thì ngày đầu khách Bí-sô được phân phó thức ăn thượng diệu, nên khi thí chủ đến hỏi Thậtlực-tử: “Sáng mai vị nào sẽ đến nhà con thọ thực”, Thật-lực-tử liền phân phó hai Bí-sô này sáng mai đến nhà thí chủ này thọ thực. Thí chủ này suy nghĩ: “Hai Bí-sô này nghe nói là hạnh ác, nếu đến thọ thực ta sẽ tùy nghi thiết thực (tức là đối với Bí-sô có hạnh ác thì cho ăn thức ăn thô dở)”. Qua ngày thứ hai Thật-lực-tử phân phó cho thức ăn bậc trung, chẳng may thí chủ bận việc nên cho ăn thức ăn không ngon. Qua ngày thứ ba Thật-lực-tử phân phó cho thức ăn bậc hạ, liên tiếp ba ngày hai Bí-sô này không may đều ăn thức ăn thô dở liền suy nghĩ: “Chúng ta cơ khổ, tại sao Thật-lực-tử cố ý phân phó cho chúng ta thức ăn thô dở liên tiếp cả ba ngày, chắc là muốn não loạn chúng ta khiến chúng ta thọ đại khổ. Ta phải làm một việc vô ích não loạn đáp trả lại mới được”. Hai Bí-sô này có một người em là Bí-sô ni tên Hữu Nữ ở chùa Vương Viên, đúng lúc đó đến thăm hai Bí-sô anh, thấy Bí-sô ni em đến hai Bí-sô anh này không nhìn ngó cũng không nói chuyện. Hữu Nữ liền hỏi: “Vì sao hai Thánh giả thấy em đến mà lại không nhìn ngó cũng không nói chuyện?”, hai Bí-sô này nói: “Này em, hai anh bị Thật-lực-tử liên tiếp cả ba ngày phân phó cho thức ăn thô dở, ăn không muốn nổi. Em sao không giúp hai anh mà lại an nhiên tự tại như vậy?”, Hữu Nữ hỏi: “Hai anh muốn em giúp như thế nào?”, hai Bí-sô này nói: “Em nên đến chỗ Thế Tôn bạch rằng: Thế Tôn, Thánh giả Thật-lực-tử đã làm việc phi pháp, đã cùng con làm hạnh bất tịnh, phạm Ba-la-thị-ca. Lúc đó hai anh sẽ ở chỗ Thế Tôn xác chứng rằng: Lời của Bí-sô ni Hữu Nữ là thật, chúng con đã biết trước việc này”. Hữu Nữ nghe rồi nói rằng: “Em biết Thật-lực-tử thât sự là một Bí-sô thanh tịnh chưa hề phạm lỗi, làm sao em có thể đem pháp vô căn cứ Tha Thắng để hủy báng cho được?”. Hai Bísô này nói: “Nếu em không làm như thế để giúp hai anh thì suốt đời này hai anh sẽ không nhìn ngó cũng không nói chuyện với em nữa”. Hữu Nữ nghe rồi đắn đo một hồi nói rằng: “Em sẽ làm theo lời của hai anh”, hai Bí-sô nói: “Em hãy ở đây, đợi hai anh đến chỗ Thế Tôn em hãy đến sau”. Hai Bí-sô này đến chỗ Thế Tôn đảnh lễ rồi ngồi một bên, Bí-sô ni Hữu Nữ ước chừng thời gian rồi đến chỗ Thế Tôn đảnh lễ rồi bạch rằng: “Thế Tôn, Thánh giả Thật-lực-tử đã làm việc phi pháp, đã cùng con làm hạnh bất tịnh, phạm Ba-la-thị-ca”. Hai Bí-sô Hữu và Địa liền bạch Phật: Thật vậy đức Bạc-già-phạm, thật vậy Tô-trận-na-yết-lan-đạc-ca-đa, như lời Bí-sô ni Hữu Nữ đã nói, chúng con đã biết trước việc này”. Lúc đó Thật-lực-tử cũng đang đứng trong đại chúng.