CĂN BẢN THUYẾT NHẤT THIẾT HỮU BỘ TỲ NẠI DA

Hán dịch: Đời Đường Tam Tạng Pháp Sư Nghĩa Tịnh 
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

QUYỂN 12

Học Xứ Thứ Năm: LÀM MAI MỐI

Đức Bạc-già-phạm ở thành Thất-la-phiệt rừng Thệ-đa trong vườn Cấp-cô-độc , lúc đó trong thành có một trưởng giả tên là Hắc-lộc-tử đối với Phật Pháp Tăng sanh lòng tín kính sâu, quy y Tam bảo, thọ trì năm học xứ: không sát sanh, không trộm cắp, không tà hạnh, không nói dối và không uống các thứ rượu. Trong thành này trưởng giả là chỗ đắc ý tin ưa của các Bà-la-môn, cư sĩ và các thân hữu, hễ gia đình nào có người nữ trưởng thành có thể cưới hỏi thì hỏi Hắc-lộc-tử rằng: “Ông biết nhà nào có đồng nam không?”, đáp: “Biết có”, lại hỏi: “Đồng tử ấy có cần cù, không lười biếng, khéo kinh doanh gia nghiệp có thể cung cấp nhiều y thực cho vợ con, không để cho vợ con vất vả hay không?”. Nếu Hắc-lộc-tử nói rằng: “Đồng tử ấy tuy có nam tính nhưng nhiều biếng nhác, không khéo kinh doanh gia nghiệp, không thể khiến cho vợ con được an lạc và y thực không thiếu”, khi nghe nói như vậy họ sẽ không chịu gã con gái cho. Ngược lại nếu Hắc-lộc-tử nói rằng: “Đồng tử ấy cần cù, không lười biếng, khéo kinh doanh gia nghiệp, có thể cung cấp cho vợ con nhiều y thực, không khiến cho vợ con vất vả”, khi nghe nói như vậy họ sẽ bằng lòng gã con gái cho. Nếu có nhà nào muốn hỏi vợ đến hỏi Hắc-lộc-tử rằng: “Ông biết gia đình nào có con gái định gã không?”, đáp: “Biết có”, lại hỏi: “Đồng nữ ấy có cần cù, không biếng nhác có thể lo liệu việc nhà hay không?”. Nếu Hắc-lộc-tử nói không thể thì họ sẽ không đi hỏi cưới người nữ đó; ngược lại nếu nói có thể thì họ liền đi hỏi cưới. Nếu gã con gái về bên nhà chồng không được vừa ý thì họ hàng bên nừ liền trách mắng Hắc-lộc-tử rằng: “Tôi tin lời Hắc-lộc-tử nên mới gã con gái tôi cho họ, nay khiến cho con tôi phải vất vả, y thực không đủ”. Ngược lại nếu gã con gái về bên nhà chồng được vừa ý, không có vất vả, y thực đầy đủ thì họ liền khen ngợi Hắc-lộc-tử. Trường hợp bên nam cũng vậy, nếu bên nam cưới được vợ rồi mà người nữ này không siêng năng, không biết lo liệu việc nhà không làm vừa ý bên chồng thì Hắc-lộc-tử bị trách mắng; ngược lại nếu người nữ này biết hiếu dưỡng cung kính cha mẹ chồng, siêng năng biết lo liệu việc nhà làm vừa ý bên chồng thì Hắc-lộc-tử được khen ngợi. Cho nên trong thành Thất-la-phiệt đối với Hắc-lộc-tử tiếng tốt và tiếng xấu đồng thời đồn vang ai cũng nghe biết. Thời gian sau Hắc-lộc-tử đối với Tam bảo sanh lòng tín kính gấp bội nên xin xuất gia trong pháp luật khéo giảng nói của Như Lai. Đã xuất gia rồi Hắc-lộc-tử vẫn lại như trước, đối với các thân hữu tiếp tục làm mai mối nên tiếng tốt và tiếng xấu của Hắclộc-tử cũng đồn vang khắp trong thành Thất-la-phiệt, nhưng đây chỉ là duyên khởi, Phật vẫn chưa ở nơi Tỳ-nại-da chế học xứ này cho các đệ tử Thanh văn. Lúc đó lục chúng Bí-sô cũng làm mai mối, đem ý của người nam nói với người nữ, đem ý của người nữ nói với người nam cho đến làm môi giới cho nam nữ tư thông. Các ngoại đạo nghe biết đều hiềm trách rằng: “Các người nên biết, sa môn Thích tử này đã làm việc không nên làm, họ cũng làm mai mối đâu khác gì chúng ta, ai còn có thể mỗi ngày đem cơm nước cúng dường cho họ nữa”. Các Bí-sô nghe biết liền đem việc này bạch Phật, Phật do nhơn duyên này nhóm các Bí-sô, biết mà vẫn hỏi lục chúng Bí-sô rằng: “Các thầy thật đã làm mai mối, đem ý của người nam nói với người nữ, đem ý của người nữ nói với người nam cho đến làm môi giới cho nam nữ tư thông phải không?”. Lục chúng Bí-sô đáp: “Thật đã làm thưa Thế Tôn”. Phật liền dùng đủ lời quở trách lục chúng Bí-sô rằng: “Việc các thầy đã làm chẳng phải là sa môn, không phải hạnh tùy thuận, không phải hạnh thanh tịnh, không phải là thiện oai nghi, đó không phải là việc nên làm của người xuất gia”. Thế Tôn đủ lời quở trách rồi bảo các Bí-sô: Ta quán mười công đức lợi nên chế học xứ này cho các Bí-sô như sau: “Nếu lại có Bí-sô làm việc mai mối, đem ý của người nam nói với người nữ, đem ý của người nữ nói với người nam hoặc để tác thành chồng vợ hoặc việc tư thông dù chỉ trong chốc lát, phạm Tăng-già-phạt-thi-sa”.

Lại có Bí-sô là chỉ cho Hắc-lộc-tử và lục chúng Bí-so.

Nói mai mối là làm sứ giả qua lại cho hai bên. Đem ý của người nam nói với người nữ, đem ý của người nữ nói với người nam tức là truyền đạt ý của hai bên để tác thành việc vợ chồng hay việc tư thông. Có bảy loại vợ và mười loại tư thông, bảy loại vợ gồm có vợ thủy thọ, vợ tài sính, vợ vương kỳ, vợ tự lạc, vợ y thực, vợ cộng hoạt và vợ tu du.

Nhiếp Tụng:

Bảy vợ là thủy thọ,
Tài sính, vương kỳ được,
Tự lạc, y thực trụ,
Công hoạt và tu du.

Sao gọi là vợ thủy thọ? Do cha mẹ của người nữ không lấy tài vật sính lễ, chỉ dùng nước rót vào trong tay của chàng rễ nói rằng: “Nay ta đem con gái ta gã cho con, con phải khéo tự phòng hộ, đừng để người khác khinh phạm”, nên gọi là vợ thủy thọ. Sao gọi là vợ tài sính? Do cha mẹ của người nữ nhận sính lễ của chàng rễ mới gã con gái cho, nên gọi là vợ tài sính. Sao gọi là vợ vương kỳ? Do vua dòng Sát-đế-lợi thủy nhiễu đầu vương (pháp quán đảnh khi lên ngôi vua) đem binh chinh phạt nước nào không thần phục, khi chiến thắng nói với binh lính rằng: “Cho tùy ý chọn người nữ làm vợ”, do quyền lực của vua nên được chọn người nữ làm vợ nên gọi là vợ vương kỳ. Lại có trường hợp chúa giặc đánh phá thành ấp bắt người nữ làm vợ cũng gọi là vợ vương kỳ. Sao gọi là vợ tự lạc?: Do người nữ tự tìm đến người nam mà mình yêu thương nói rằng: “Tôi vui lòng làm vợ chàng”, nếu người nam chấp nhận thì gọi là vợ tự lạc. Sao gọi là vợ y thực?: Do người nữ tìm đến người nam có tiền của nói rằng: “Nếu chàng cung cấp cho tôi y thực, tôi sẽ về làm vợ chàng”, nếu người nam chấp nhận thì gọi là vợ y thực. Sao gọi là vợ cộng hoạt? Do người nữ tìm đến người nam nói rằng: “Tài sản của tôi và tài sản của chàng sẽ họp làm một nếu chúng ta sống chung với nhau”, nếu người nam chấp nhận thì gọi là vợ cộng hoạt. Sao gọi là vợ tu du? Tức là làm vợ tạm thời.

Mười loại tư thông là mười loại người nữ đã được bảo hộ, đó là cha bảo hộ, mẹ bảo hộ, anh em bảo hộ, chị em bảo hộ, đại công bảo hộ, đại gia bảo hộ, người thân bảo hộ, chủng tộc bảo hộ, dòng họ bảo hộ và vương pháp bảo hộ.

Nhiếp Tụng:

Mười hộ là cha mẹ,
Anh em và chị em,
Đại công và đại gia,
Thân, chủng, tộc, vương pháp.

Sao gọi là cha bảo hộ? Tức là người nữ chồng chết hoặc bị bắt trói, giam cầm hoặc trốn đi nên người cha bảo hộ người nữ này. Mẹ bảo hộ cũng vậy. Sao gọi là anh em bảo hộ? Tức là người nữ cả cha mẹ và chồng đều qua đời hoặc bị thất lạc tứ tán nên đến nương ở với anh em, được anh em bảo hộ. Chị em bảo hộ cũng vậy. Sao gọi là Đại công (cha chồng) bảo hộ? Tức là người nữ cha mẹ tôn thân đều qua đời, còn chồng thì bịnh hoạn hay bị điên cuồng lưu lạc, phải nương ở với cha chồng, người cha chồng này bảo con dâu rằng: “Con hãy vui sống ở cạnh ta, ta sẽ thương con như là con ruột của ta”, nên gọi là đại công như pháp bảo hộ. Đại gia (chủ nhân) bảo hộ cũng vậy. Sao gọi là Thân bảo hộ? Quyến thuộc từ bảy đời trở lại gọi là Thân, qua bảy đời không còn gọi là Thân. Do người nữ cả cha mẹ, anh em, chị em và phu chủ đều qua đời hoặc bị điên cuồng lưu lạc xứ khác, phải đến nương ở với người thân trong họ hàng, nên gọi là Thân bảo hộ. Sao gọi là Chủng bảo hộ?: Có bốn chủng tộc là Bà-la-môn, Sát-đế-lợi, Bệ-xá và Thủ-đạt-la, người nữ đến nương ở trong chủng tộc của mình thì gọi là Chủng bảo hộ. Sao gọi là Tộc bảo hộ? Trong mỗi chủng tộc có các dòng tộc sai khác như tộc Phả-la-đọa, tộc Đỗ cao thiếp bà sai…, người nữ nương ở trong dòng tộc của mình thì gọi là Tộc bảo hộ. Sao gọi là Vương pháp bảo hộ? Do người nữ trong thân tộc không con ai, chỉ một thân đơn độc phải nhờ vào vương pháp bảo hộ mới không bị ngưới khác khinh phạm, nên gọi là vương pháp bảo hộ. Lại có trường hợp người nữ góa bụa giữ tiết hạnh trinh tâm nên không ai dám khinh phạm, cũng gọi là Vương pháp bảo hộ. Tăng-già-phạt-thi-sa như đã giải thích ở các giới trên.

Trong học xứ này tướng phạm như thế nào?

Nhiếp Tụng:
Đang và sau khi gây,
Bẻ cỏ và quăng gạch,
Y pháp, không phải vợ (tôi),
Nói cho nhiều người biết.

Đối với các loại người nữ kể trên có bảy trường hợp ly biệt:
– Một là lúc đang gây gỗ liền chia tay (ly biệt).
– Hai là sau khi gây gỗ xong liền chia tay.
– Ba là giận nhau bẻ cỏ làm ba đoạn để chia tay.
– Bốn là giận nhau quăng gạch về ba hướng để chia tay.
– Năm là y pháp đối trước thân quyến nói chia tay.
– Sáu là nói rõ ràng người này không phải là vợ tôi để chia tay.
– Bảy là nói cùng khắp cho mọi người biết là đã chia tay nhau.

Trong bảy loại vợ từ vợ thủy thọ cho đến vợ tu du, nếu Bí-sô thấy người tục đối với ba loại người vợ đầu (vợ thủy thọ, vợ tài sính và vợ vương kỳ) vì gây gỗ gay gắt mà chia tay nhau, ở trong bảy trường hợp ly biệt kể trên nếu thuộc trường hợp thứ một làm cho họ hòa hiệp lại thì phạm một Ác-tác; nếu thuộc trường hợp thứ hai làm cho hòa hiệp lại thì phạm hai Ác-tác; nếu thuộc trường hợp thứ ba làm cho hòa hiệp lại thì phạm ba Ác-tác; nếu thuộc ba trường hợp bốn, năm, sáu làm cho hòa hiệp lại thì theo thứ tự phạm một, hai, ba tội thô; nếu thuộc trường hợp ly biệt thứ bảy cố gắng làm cho họ hòa hiệp lại thì Bí-sô phạm tăng tàn. Đối với bốn loại người vợ sau (từ vợ Tự lạc cho đến vợ Tu du) và mười loại tư thông (tức là mười loại người nữ được bảo hộ) ở trong bảy trường hợp ly biệt tùy theo trường hợp nào cố gắng làm cho họ hòa hiệp thì Bí-sô đều phạm Tăng tàn.

Nhiếp Tụng:
Tự nhận, nhận từ sứ,
Hai Bí-sô, bốn oai nghi,
Trước sau cùng tùy hành,
Tôn ty, duyên và sự.

1. Tự nhận lời: Nếu Bí-sô tự nhận lời làm mai mối, tự đến nói và tự trở về báo lại thì phạm Tăng-già-phạt-thi-sa. Nếu Bí-sô tự nhận lời, tự đến nói và sai người trở về báo lại thì phạm Tăng-già-phạt-thi-sa. Nếu Bí-sô tự nhận lời, sai người đến nói và tự trở về báo lại thì phạm Tăng-già-phạt-thi-sa. Nếu Bí-sô tự nhận lời, sai người đến nói và sai người trở về báo lại thì phạm Tăng-già-phạt-thi-sa.

2. Nhận lời qua sứ giả: Nếu Bí-sô nhận lời mai mối qua sứ giả, tự đến nói và tự trở về báo lại; hoặc nhận lời qua sứ giả, tự đến nói và sai người trở về báo lại; hoặc nhận lời qua sứ giả, sai người đến nói và tự trở về báo lại; hoặc nhận lời qua sứ giả, sai người đến nói và sai người trở về báo lại đếu phạm Tăng-già-phạt-thi-sa.

3. Hai Bí-sô nhận lời: Nếu hai Bí-sô nhận lời làm mai mối, cả hai cùng đến nói và cùng trở về báo lại thì cả hai đều phạm Tăng tàn. Nếu hai Bí-sô nhận lời, cả hai cùng đến nói nhưng cả hai đều không trở về báo lại thì cả hai đều phạm hai tội thô. Nếu hai Bí-sô nhận lời, cả hai đều không đến nói và cả hai đều không trở về báo lại thì cả hai đều phạm một tội thô. Nếu hai Bí-sô nhận lời, một người nói: “Thầy đến đó truyền đạt ý của tôi rồi trở vế báo lại”, người kia làm theo lời dặn thì cả hai đều phạm Tăng tàn. Nếu hai Bí-sô nhận lời, một người nói: “Tôi chỉ đến nói chớ không trở về báo lại”, người kia phải trở về báo lại. Người đến nói và trở về báo lại thì phạm Tăng tàn; người không trở về báo lại thì phạm hai tội thô. Nếu hai Bí-sô nhận lời, một người nói: “Tôi không đến nói cũng không trở về báo lại”, người kia phải đến nói và trở về báo lại thì phạm Tăng tàn; người không đến nói và không trở về báo lại thì phạm một tội thô.

4. Cùng đi đường nhận lời mai mối: Nếu một Bí-sô cùng một nam một nữ đi trên đường, người nam nói với Bí-sô: “Thánh giả có thể nói với người nữ ấy rằng: Cô có thể làm vợ người nam này hoặc tạm thời cùng ở chung được không?”; hoặc người nữ nói với Bí-sô rằng: Thánh giả có thể nói với người nam ấy rằng: Cậu có thể làm chồng người nữ này hoặc tạm thời cùng ở chung được không?”. Nếu Bí-sô nhận lời nói giúp rồi báo tin lại thì phạm Tăng tàn. Đi đã như vậy thì ba oai nghi còn lại đứng, nằm ngồi cứ theo đây có thể biết. Nếu có hai Bí-sô đi cùng hai nam hai nữ, hoặc ba Bí-sô đi cùng ba nam ba nữ… nhận lời làm mai mối, định tội cũng như trên.

5. Trước sau cùng đi: nếu hai Bí-sô một người đi trước một người đi sau, người đi trước nhận lời làm mai mối, đến nói rồi trở về báo lại thì người đi trước phạm Tăng tàn; người đi sau không phạm. Nếu Bí-sô đi trước nhận lời rồi bảo Bí-sô đi sau đến nói, biết được kết quả rồi Bí-sô đi trước tự trở về báo lại thì Bí-sô đi trước phạm hai tội thô, Bí-sô đi sau phạm một tội thô. Nếu Bí-sô đi trước nhận lời, tự đến nói rối sai Bí-sô đi sau trở về báo lại thì Bí-so đi trước phạm hai tội thô, Bí-sô đi sau phạm một tội thô. Nếu Bí-sô đi trước nhận lời rồi sai Bí-so đi sau đến nói và trở về báo lại thì Bí-sô đi sau phạm hai tội thô; Bí-so đi trước phạm một tội thô. Như Bí-sô đi trước, Bí-sô đi sau tùy việc đã làm phạm tội nhiều ít như trên nên biết. Bí-sô đi sau sai Bí-sô đi trước tùy việc đã làm phạm tội nhiều ít như trên nên biết.

6. Đối với địa vị cao thấp nhận lời mai mối: Có hai gia đình trưởng giả, một tự tại và một không tự tại. Tự tại là tự làm chủ đối với nam nữ của mình, tùy tình lấy cho; nếu đến quan ty hoặc ở giữa đám đông người dù nói việc hư dối, người ta vân tin theo nên gọi là tự tại. Không tự tại là do địa vị thấp kém đối với nam nữ của mình không có thế lực lấy cho; nếu đến quan ty hay ở giữa đám đông người dù nói việc thật người ta cũng không tin theo nên gọi là không tự tại.

Bí-sô ở bên người tự tại nhận lời làm mai mối, đến nói với người tự tại rồi trở về bái lại với người tự tại thì phạm Tăng tàn. Bí-sô ở bên người tự tại nhận lời, đến nói với người tự tại rồi trở về nói lại với người không tự tại thì phạm hai tội thô và một Ác-tác. Bí-sô ở bên người tự tại nhận lời, đến nói với người không tự tại rồi trở về báo lại với người tự tại thì phạm hai tội thô và một Ác-tác. Bí-sô ở bên người tự tại nhận lời, đến nói với người không tự tại rồi trở về báo lại với người không tự tại thì phạm một tội thô và hai Ác-tác. Bí-sô ở bên người không tự tại nhận lời, đến nói với người không tự tại rồi trở về báo lại với người tự tại thì phạm hai Ác-tác và một tội thô. Bí-sô ở bên người không tự tại nhận lời đến nói với người tự tại rồi trở về báo lại với người không tự tại thì phạm hai Ác-tác và một tội thô. Bí-sô ở bên người không tự tại nhận lời, đến nói với người tự tại rồi trở về báo lại với người tự tại thì phạm hai tội thô và một Ác-tác. Bí-sô ở bên người không tự tại nhận lời, đến nói với người không tự tại rồi trở về báo lại với người không tự tại thì phạm ba Ác-tác.

7. Có ba duyên làm mai mối: Bí-sô có ba duyên để làm việc mai mối, đủ ba duyên này không cần dùng lời báo tin lại cũng thành tựu việc mai mối, phạm Tăng tàn: Một là chỗ hẹn, hai là giờ hẹn và ba là hiện tướng. Sao gọi là chỗ hẹn? Tức là nói với người kia rằng: “Nếu thấy tôi ở trong vườn ___, hoặc trong miếu thờ trời hoặc chỗ đông người thì liền biết việc mai mối đã thành tựu”. Sao gọi là giờ hẹn? Tức là nói với người kia rằng: “Nếu vào bửa ăn sáng hoặc giữa trưa hoặc xế chiều trông thấy tôi thì liền biết việc mai mối đã thành tựu”. Sao gọi là hiện tướng?: Tức là nói với người kia rằng: “Nếu thấy tôi mới cạo tóc hoặc mặc đại y mới, hoặc cấm tích trượng hay bưng bát đựng đầy tô dầu thì liền biết việc mai mối đã thành tựu”.

8. Có ba việc làm sứ mai mối: Cũng thành tựu việc mai mối; một là dùng lời nói, hai là dùng thư từ, ba là dùng thủ ấn. Nếu Bí-sô nhận lời làm sứ giả mai mối, dùng lời đến nói và dùng lời trở về báo lại thì phạm Tăng tàn. Nếu Bí-sô nhận lời làm sứ giả mai mối, dùng lời đến nói và dùng thư gởi về báo lại thì phạm Tăng tàn. Nếu Bí-sô nhận lời làm sứ giả mai mối, dùng thư gởi đến nói và dùng lời trở về báo lại thì phạm Tăng tàn. Nếu Bí-sô nhận lời làm sứ mai mối, dùng thư gởi đến nói và dùng thư gởi về báo lại thì phạm Tăng tàn. Nếu Bí-sô nhận lời làm sứ mai mối, dùng thư gởi đến nói hoặc dùng chỗ hẹn hoặc giờ hẹn hoặc hiện tướng để báo tin lại đều phạm Tăng tàn. Trường hợp này gọi là làm sứ mai mối kiêm dùng thư có năm loại sai biệt.

Nếu Bí-sô nhận lời làm sứ mai mối, dùng lời đến nói và dùng lời trở về báo lại thì phạm Tăng tàn. Nếu Bí-sô nhận lời làm sứ mai mối, dùng lời đến nói và dùng thủ ấn gởi về báo lại thì phạm Tăng tàn. Nếu Bí-sô nhận lời làm sứ mai mối, dùng thủ ấn gởi đến nói và dùng lời trở về báo lại thì phạm Tăng tàn. Nếu Bí-sô nhận lời làm sứ mai mồi, dùng thủ ấn gởi đến nói và dùng thủ ấn gởi về báo lại thì phạm Tăng tàn. Nếu

Bí-sô nhận lời làm sứ mai mối, dùng thủ ấn gởi đến nói và dùng chỗ hẹn 172 hoặc dùng giờ hẹn hoặc hiện tướng để báo tin lại đều phạm Tăng tàn. Trường hợp này là làm sứ mai mối kiêm dùng thủ ấn có năm loại sai biệt. Như vậy đối với lời nói kiêm thư từ và thủ ấn có tới hai mươi lăm cách khác nhau, đối với thư từ kiêm lời nói và thủ ấn, hoặc đối với thủ ấn kiêm lời nói và thư từ gồm có nhiều cách hỗ tương khi làm sứ mai mối. Nếu Bí-so đến nhà thí chủ nói rằng: “Người con gái này đã trưởng thành sao không lấy chồng, hoặc người con trai này đã lớn sao không lấy vợ?”, đều phạm Ác-tác. Trường hợp không phạm là người phạm ban đầu hoặc cuồng si tâm loạn, bị thống não bức bách.

Học Xứ Thứ Sáu: LÀM PHÒNG NHỎ

Phật ở thành Thất-la-phiệt rừng Thệ-đa trong vườn Cấp-cô-độc, lúc đó có nhiều Bí-sô lo xây cất phòng xá, có người chê phòng dài quá hoặc ngắn quá hoặc rộng quá hay hẹp quá… hoặc phòng hư cũ mục nát không thể sửa sang lại được, phải giở bỏ để xây lại mới. Các Bí-sô tự làm hoặc bảo người làm nhiều lao nhọc nên phế bỏ việc tụng tập, trở ngại tư duy thiền quán; lại còn đến nhà các trưởng giả, cư sĩ khất cầu vật liệu, xe chở vật liệu và nhân công làm phiền các thí chủ. Lúc đó cụ thọ Ma-ha-Ca-diếp-ba đang ở chốn Lan-nhã bên ngoài thành nghe biết nhiều Bí-sô vì việc xây cất phòng xá mà làm phiền các thí chủ nên đến chỗ Phật, đảnh lễ rồi ngồi một bên bạch Phật: “Thế Tôn, con nghe biết có nhiều Bí-sô lo xây cất phòng xá, vì có người chê phòng dài quá… như trên cho đến làm phiền các thí chủ. Cúi xin Thế Tôn thương xót dạy cho các Bí-sô pháp thức xây cất phòng xá”. Thế Tôn nghe cụ thọ Ca-diếpba nói rồi liền im lặng nhận lời, biết Phật đã nhận lời cụ thọ liền đảnh lễ cáo lui trở về trú xứ, sáng hôm sau vì muốn bảo hộ các vị đồng phạm hạnh nên cụ thọ chấp trì y bát du hành trong nhân gian. Thế Tôn do nhân duyên này nhóm các Bí-sô hỏi rằng: “Này các Bí-sô, các thầy thật đang lo xây cất phòng xá vi có người chê phòng dài quá, có người chê phòng ngắn quá… như trên cho đến làm phiền các thí chủ phải không?”. Các Bí-sô bạch Phật: “Thật đã làm như vậy thưa Thế Tôn”. Thế Tôn liền dùng đủ lời quở trách những người nhiều ham muốn, không nhàm chán, không biết đủ, khó nuôi dưỡng; đồng thời khen ngợi những người ít ham muốn, biết vừa đủ, dễ nuôi dưỡng, cốt được an thân để tu hạnh Đỗ-đa, lượng mức thọ nhận, oai nghi mực thước; kế bảo các Bí-sô: Do ta quan mười công đức lợi nên ở nơi Tỳ-nại-da chế học xứ này cho các Bí-sô như sau: “Nếu lại có Bí-sô tự khất cầu để xây cất phòng nhỏ, không có thí chủ, vì mình mà làm thì phải làm đúng lượng là dài mười  hai gang tay của Phật và rộng bảy gang tay của Phật. Bí-sô này phải đưa các Bí-sô đến xem xét chỗ xây cất, các Bí-sô kia phải xem xét chỗ xây cất nay có phải là chỗ tịnh, đúng pháp không, chỗ có tranh chấp không, chỗ có tiến thú không. Nếu Bí-sô ở chỗ không tịnh, không đúng pháp, có tranh chấp, không có tiến thú mà tự khất cầu để xây cất phòng nhỏ, không có thí chủ, vì mình mà làm, không đưa các Bí-sô đến xem xét chỗ xây cất, lại xây cất quá lượng đã chế thì phạm Tănggià-phạt-thi-sa”.

– Lại có Bí-sô là chỉ người trong pháp này.

– Tự xin là tự đi xin vật liệu xây dựng và nhân công.

– Phòng nhỏ là phòng vừa đủ dung chứa bốn oai nghi.

– Làm là tự mình làm hay bảo người khác làm.

Không có thí chủ là không có nam, nữ, bán-trạch-ca-làm thí chủ. Vì mình mà làm là vì tự thân thì phải làm đúng lượng. Đúng lượng là dài mười hai gang tay của Phật, Phật là bậc đạo sư nên một gang tay của Phật bằng ba gang tay của người thường, mười hai gang tay của Phật bằng mười tám khuỷu tay của người thường; rộng bảy gang tay của phật bằng mười khuỷu tay rưỡi của người thường. Bí-sô này là chỉ cho Bí-sô làm phòng.

Nên đưa chúng Bí-sô đến xen xét chỗ xây cất là nếu không tự quan sát trước thì không nên đưa các b đến. Nếu tự xem xét thấy chỗ làm phòng có ổ kiến, ổ mối, rắn, bò cạp, trùng… thì gọi là chỗ bất tịnh, pháp không nên cầu xin. Nếu chỗ đã thanh tịnh thì kế xét xem có gần chỗ gia tộc của vua hoặc miếu thờ trời, hoặc nhà trưởng giả, nhà ngoại đạo, chùa Bí-sô ni… hoặc chỗ có cây to quý hiếm thì gọi là chỗ có tranh chấp, không đúng pháp không nên cầu xin. Nếu chỗ không có hoạn nạn này thì kế phải xét xem bốn phía dươi cho đến một tầm có thể đi lại dễ dàng không. Nếu chỗ có sông có giếng hoặc gặp sườn núi dốc và hầm hố thì gọi là chỗ không có tiến thú, pháp không nên cầu xin. Nếu chỗ thanh tịnh, không có tranh chấp, có tiến thú thì Bí-sô này trở về chùa trải tọa cụ, đánh kiền chùy bạch chúng, chúng nhóm họp rồi liền ở trong chúng cởi bỏ giày dép, trịch y bày vai phải kính lễ theo thứ tự lớn nhỏ rồi đến trước vị Thượng tọa quỳ gối chắp tay bạch rằng: “Đại đức tăng lắng nghe, con là Bí-sô tên ___, muốn xấy cất phòng nhỏ, con đã xem xét chỗ cây cất thanh tịnh như pháp rồi. Con nay muốn ở chỗ thanh tịnh như pháp đó xây cất phòng nhỏ cúi xin Tăng cho phép. Cúi xin Tăng cho phép con Bí-sô tên ___, được xây cất phòng nhỏ ở chỗ thanh tịnh như pháp đó. Xin thương xót chấp thhuận (3 lần)”. Lúc đó các Bí-sô không nên tin liền lời Bí-sô này nói mà không đến xem xét lại. Các Bísô nên cúng nhau đến xem xét hoặc Tăng sai một hay nhiều Bí-sô đang tin đến xem xét chỗ xây cất đó. Nếu chỗ ấy không thanh tịnh, có tranh chấp, không có tiến thú thì không nên cho làm. Nếu chỗ ấy thanh tinh, không có các nạn thì nên trở về chùa báo lại, như pháp nhóm chúng rồi đến trước vị Thượng tòa bạch rằng: “Đại đức Tăng lắng nghe, chỗ mà Bí-sô tên ___, muốn xây cất, chúng con đến xem xét thấy là chỗ thanh tịnh, không có các nạn. Tăng nên biết thời”. Kế sai một Bí-sô bạch yết ma như sau: “Đại đức Tăng lắng nghe, Bí-sô này tên ___, muốn xây cất phòng nhỏ, đã ở chỗ đó xem xét thấy là thanh tịnh. Bí-sô này đối với việc xây cất đều đúng pháp thanh tịnh, nay đến trong Tăng xin cho phép. Nếu Tăng đúng thời đến, Tăng nay cho phép Bí-sô này ở chỗ thanh tịnh đúng pháp đó xây cất phòng nhỏ. Bạch như vậy. “Kế bạch yết ma chuẩn theo lời tác bạch mà làm, nếu Bí-sô được Tăng cho phép rồi thì được tùy ý xây cất, không có gì nghi hoặc. Tăng-già-phạt-thi-sa là phạm tội này phải nương nới tăng mà được trừ diệt, cũng nương nơi Tăng mà được xuất tội, không phải nương ai khác. Vô tàn và Hữu tàn như trong giới trước có nói.

Trong học xứ này tướng phạm như thế nào?

Nếu Bí-sô ở chỗ không thanh tịnh, có tranh chấp, chỗ không có tiến thú, tự mình làm hay bảo người làm phòng nhỏ ở trong ba điều kể trên hễ có phạm một lỗi nào đều phạm Tốt-thổ-la-để. Tăng không thuận cho làm mà vẫn làm cũng phạm Tốt-thổ-la-để. Làm quá lượng cũng phạm Tốt-thổ-la-để. Phạm đủ cả ba lỗi kể trên mới phạm Tănggià-phạt-thi-sa.

Nếu Bí-sô đến chỗ các Bí-sô khác nói rằng: “Thầy nên vì tôi cầu xin Tăng chấp thuận cho ở chỗ không có tranh chấp, chỗ có tiến thú được xây cất phòng nhỏ, chớ để cho xây cất qua lượng”. Nếu Bí-sô kia xây cất phòng nhỏ ở chỗ có tranh chấp hoặc chỗ không có tiến thú hoặc Tăng không cho phép hoặc làm quá lượng thì Bí-sô xây cất kia phạm Tốt-thổ-la-để; nếu phạm đủ các lỗi kể trên thì phạm Tăng-già-phạt-thisa. Nếu Bí-sô đến chỗ Bí-sô xây cất nói rằng: “Thầy làm phòng rất đẹp không có trái với lời tôi nói, nếu có thiếu vật tư tôi sẽ cung cấp”. Nếu ở chỗ có tranh chấp, chỗ không có tiến thú hoặc Tăng không cho phép hoặc làm quá lượng thì cả hai đều phạm Tốt-thổ-la-để; nếu phạm đủ các lỗi kể trên thì cả hai đều phạm Tăng-già-phạt-thi-sa. Nếu Bí-so đến chỗ Bí-sô xây cất nói rằng: “Thầy làm phòng này không tốt, trái với lời tôi đã nói, nếu thiếu vật tư tôi sẽ không cung cấp”. Bí-sô xây cất phạm tội như trên còn Bí-sô đến nói kia không phạm.

Nếu phòng xá đã thành rồi hoặc thọ dụng phòng cũ hoặc sửa lại phòng cũ thì không phạm. Trường hợp không phạm nữa là người phạm ban đầu hoặc si cuồng tâm loạn bị thống não bức bách.

Học Xứ Thứ Bảy: XÂY CẤT CHÙA LỚN

Phật ở vườn Kiều-thiểm-tỳ Cù-sư-la, lúc đó lục chúng Bí-sô đến ở chùa của người khác thường hay chê trách này nọ, như Nan-đà nói với Ô-ba-nan-đà: “Hãy nhìn xem nóc chùa này nghiêng đổ, tường vách xiêu vẹo giống như nhà của voi ở, không thể ở lâu”. Các Bí-sô nghe rồi liền nói: “Các cụ thọ đến ở chùa của người khác đã cất sẳn, không tốn công sức sắp đặt một viên đá để xây cất, lại con chê trách này nọ”. Lục chúng nghe rồi liền nói với nhau: “Chúng ta bị các vị Hắc-bát khinh khi, chúng ta nên cất riêng chùa khác để ở, đừng để các vị Hắc-bát gạp nhau liền nói này nọ. Nếu chúng ta đều là người xây cất, các vị Hắc-bát thấy chỗ hở này sẽ nói rằng: lục chúng Bí-sô đều là người xây cất giống như người làm công, khiến chúng ta khi khất thực sẽ bị người khinh khi. Chúng ta nên ở trong chúng mời một người thông minh lợi trí, khéo biết cơ nghi, nói tuy ít mà được nhiều tài thí. Chúng ta nên mời ai làm người thọ sự?”. Ô-ba-nan-đà nói: “Theo tôi cụ thọ Xiển-đà là người thông minh lợi trí, khéo biết cơ nghi, chúng ta nên cùng đến thỉnh”. Lục chúng liền cùng đến chỗ Xiển-đa nói rằng: “Cụ thọ biết chăng, (kể lại sự việc như trong đoạn văn trên), chúng tôi thấy chỉ có cụ thọ là người thông minh lợi trí, khéo biết cơ nghi có thể làm tri sự”. Xiển-đà nghe rồi nói rằng: “Lành thay, đây là đại phước điền, minh người đều được lợi. Để khỏi trái ý chúng, tôi cũng đồng tùy hỉ”. Sau đó Xiển-đà vào phòng ngồi kiết già suy nghĩ: “Ta nên dùng phương tiện gì để xây cất trú xứ lớn cho tăng?. Trong thê gian này tất cả người trời đều sanh lòng tín kính Thế Tôn, còn đối với các Bí-sô khác thì có gia đình ___ tín kính cụ thọ A-thận-nhã Kiều-trần-như, gia đình ___ tín kính cụ thọ Mã Thắng, gia đình ___ tín kính cụ thọ Bạt-đà-la… cho đến gia đình ___ tín kính cụ thọ Xá-lợi-tử, gia đình ___ tin kính cụ thọ Mục-kiền-liên, nói chung tất cả Bí-so đều có thí chủ sanh lòng tín kính, ta thì lại không có thí chủ nào thì dựa vào ai để xây cất chùa lớn cho Tăng. Ở trong thành này có một Bà-la-môn giàu có nhiều của cải nhưng tánh vốn keo kiệt, nếu ta giáo hóa được người này khiến sanh lòng tín kính thì có thể xây cất chùa lớn cho Tăng”. Nghĩ thế rồi, sáng sớm hôm sau, Xiển-đa đắp y mang bát vào thành theo thứ lớp khất thực, ở một vài nhà nhận được ít bún khô rồi đến trước cửa ngỏ của Bà-la-môn keo kiệt, muốn vào trong nhưng người giữ cửa không cho vào nói là nhà này không thể vào được. Xiểnđà nói: “Thế Tôn nói Bí-sô khất thực Chỉ-tránh năm nhà: Một là nhà xướng ca, hai là nhà dâm nữ, ba là nhà nấu rượu, bốn là nhà Chiên-đồ La, năm là nhà vương gia. Nhà này đâu có thuộc trong năm nhà đó”. Người giữ cửa nói: “Pháp sư nói đùa rồi, nhà này tuy không thuộc trong năm nhà đó, nhưng nhà Bà-la-môn này Pháp sư không thể vào được”. Xiển-đa nghe rồi suy nghĩ: “Muốn cầm vạt áo còn không cho tới gần, huống chi là mong cầu việc khác, càng không thể được”. Cũng trong lúc ấy, nhà một trưởng giả ở gần đó vừa sanh một hài nhi đang mở tiệc ăn mừng có ca múa và tấu nhạc, người giữ cửa vì ham coi vũ nhạc nên qua nhà đó xem, Xiển-đà thừa dịp đó lén vào trong nhà. Vị Bà-la-môn từ xa trông thấy Xiển-đà oai nghi tường tự như người lìa dục nên cất tiếng chào hỏi và mời ngồi. Xiển-đà không ngồi xuống liền theo lời mời mà nói với Bà-la-môn: “Tôi theo thứ lớp đến mấy nhà khất thực được ít bún khô muốn nhờ thí chủ rây giùm”. Bà-la-môn liền bảo người hầu rây, lúc người hầu đang rây Xiền-đà chăm chú nhìn bún đã rây, Bà-la-môn thấy vậy liền hỏi: “Đại đức nhìn cái gì?”, đáp: “Tôi nhìn xem có trùng hay không, nếu có trùng thì tôi không nên dùng”. Bà-la-môn hỏi: “Nếu có trùng mà dùng thì có lỗi gì?”, Xiển-đà đáp: “Thế Tôn có dạy người sát sanh nêu thường quen làm thì khi thân hoại mạng chung sẽ đọa vào địa ngục chịu các khổ não, dù được làm người cũng nhiều bịnh và chết yểu”. Xiển-đà vôn thông ba tạng có biện tài vô ngại, khéo hay thuyết pháp liền nhơn cơ hội này thuyết pháp yếu cho Bà-la-môn nghe, nói về mười ác nghiệp đạo. Bà-la-môn nghe xong khởi tâm tín kính bèn vào trong nhà đem thức ăn thượng diệu ra cúng dường cho Xiển-đà. Xiểnđà liền suy nghĩ: “Ta thường nghe nói nồi bằng cây thì chỉ nấu có một lần, nếu ta thọ bửa ăn này thì đây là bửa ăn đầu tiên cũng là bửa ăn sau cùng”. Nghĩ rồi liền nói với Bà-la-môn: “Tôi đã nhận được bún khô của người khác cúng rồi, đâu thể bỏ thức ăn đã nhận được này để thọ thức ăn ngon của hiền thủ”. Bà-la-môn nói: Theo pháp của dòng họ tôi nếu trước đã nhận được thức ăn dở, sau gặp được thức ăn ngon, nếu bỏ thức ăn dở đã nhận được cũng không có lỗi gì”. Xiển-đà nói: “Pháp của dòng họ Bà-la-môn không có trì giới hạnh nên tùy ý ra làm, còn pháp của chúng tôi có thọ giới phẩm, đã thọ nhận của tín thí thì không được bỏ”. Bà-la-môn nghe rồi càng tăng thêm lòng tín kính, Xiển-đà nói xong liền cáo từ ra về, Bà-la-môn này nói: “Đại đức hằng ngày qua bước đến nhà tôi”. Xiển-đà nói: “Tôi rất muôn hằng ngày đến gặp ông, nhưng người giữ cửa của ông như tên giữ ngục bạo ác không cho tôi vào”. Bà-la-môn nghe rồi liền kêu người giữ cửa bảo rằng: “Từ nay nếu thấy pháp sư đến không được ngăn trở”. Lúc đó Xiển-đà suy nghĩ: “Nếu các vị Hắc-bát khác đến được vào nhà Bà-la-môn này thì do không biết cơ nghi sẽ làm cho thí chủ này mất lòng tin đối với ta. Ta phải tìm cách ngăn chận họ, không để cho họ vào được nhà này”. Nghĩ rồi liền nói với người giữ cửa: “Ngươi có biết chăng, Bà-la-môn này có đại nhơn duyên với tôi nên mới sanh lòng tín kính”, người giữ cửa nói: “Tôi biết”, Xiểnđà liền nói: “Cho nên ngươi không được để cho các vị Hắc-bát khác vào trong nhà này. Nếu ngươi cho họ vào ta sẽ phạt đòn ngươi và nói với chủ đổi người khác thay ngươi”. Người giữ cửa nói: “Thầy vào trong nhà này không phải là điều tôi muốn, há người khác có thể vào được hay sao? xin thầy chớ lo”. Từ đó Xiển-đà thường lui tới nhà này nói diệu pháp cho vợ chồng Bà-la-môn này nghe khiến họ thọ trì tam quy và năm học xứ. Cũng từ đó Bà-la-môn này hễ trong nhà có gì đều đem ra cúng dường cho Xiển-đa không còn bỏn xẻn như trước nữa, nhưng Xiển-đà một mực không thọ nhận bất cứ vật gì. Sau một thời gian, Xiển-đà lại đến thuyết giảng và khen ngợi bảy phước nghiệp hữu sự cho Bà-la-môn nghe, Bà-la-môn nghe rồi hoan hỉ nói với Xiển-đà: “Thánh giả, nay tôi muốn tu phước nghiệp hữu sự”. Xiển-đa nói: “Hiền thủ, thật đúng lúc, tùy ý ông muốn”, Bà-la-môn nói: “Thánh giả muốn tôi làm việc phước gì?”. Xiển-đà nói: “Hiền thủ nên xây cất trú xứ cho Tăng”, Bà-la-môn nghe rồi liền suy nghĩ: “ta từng đem của cải dâng cúng nhưng Thanh giả không chịu thọ nhận bất cứ vật gì, nay vì Tăng mà thọ nhận đủ thấy là bậc thiểu dục”. Nghĩ rồi liền sanh lòng tín kính gấp bội nói rằng: “Thánh giả, tôi có rất nhiều của cải muốn xây cất trú xứ cho Tăng, nhưng tất cả đất đai đều thuộc của vua thì làm sao xây cất?”. Xiển-đà nói: “Hiền thủ đừng lo, tôi sẽ đến xin vua”. Lúc đó Xiển-đà suy nghĩ: “Ta trước phải tham thỉnh ai, vua hay đại thần, pháp tham thỉnh không từ nơi nhà vua mà từ nơi sứ giả”. Nghĩ rồi Xiển-đà liền đến nhà vị Đại thần tham thỉnh, Đại thần hỏi: “Thánh giả đến có chuyện gì?”, Xiển-đà nói: “Hiện có một Bà-la-môn muốn xây cất trú xứ cho Tăng, nhưng đất đai thuộc của vua không làm sao xây cất được. Tôi vì việc này đến đây dám mong ông tâu lên vua, rất mong ông từ bi giúp cho việc này được thành tựu”. Đại thần nói: “Thánh giả, khi nào nhà vua rảnh rỗi, tôi sẽ kêu gọi Thánh giả”. Sau đó vào một ngày nhà vua rảnh rỗi, Đại thần liền bảo một người đi gọi Thánh giả Xiển-đà đến. Người này vâng lời đi gọi Xiển-đà, khi đến cửa cung Xiển-đa bảo người giữ cửa: “Ông hày vào tâu vua Bí-sô Xiển-đà hiện đang đứng ngoài cửa xin được vào yết kiến”. Vua liền cho gọi vào, vào đến trước vua chú nguyện cho vua rồi ngồi một bên, vị đại thần tâu vua: “Đây là pháp sư Xiển-đà, đệ tử của Phật Thích Ca, bỏ tục xuất gia thông suốt ba tạng được biện tài vô ngại, có đại phước đức…”. Vua nghe rồi liền hỏi: “Thánh giả nhơn việc gì đến?”, Xiển-đà nói: “Đại vương, có một Bàla-môn… như trong đoạn văn trên cho đến câu rất mong đại vương giúp đỡ”. Vua nói: “Thánh giả muốn xây cất nơi nào tùy ý, nếu thích nơi này thì cứ làm tăng viên, ta sẽ ra ngoài, nhưng chắc là Thánh giả không làm như thế. Vậy thì trừ cung vua ra, Thánh giả thấy nơi nào thích hợp thì cứ xây cất trú xứ cho Tăng”. Xiển-đà chú nguyện cho vua rồi cáo từ ra về, về đến trú xứ nói với lục chúng: “Các vị tùy hỉ, nhà vua đã cho phép trừ cung vua ra, nếu thấy nơi nào thích hợp thì cứ xây cất trú xứ cho Tăng”. Lục chúng nghe rồi liền cùng nhau đến nhà Bà-la-môn nói rằng: “Hiền thủ, nhà vua đã cho phép… như trong đoạn văn trên. Nay Hiền thủ nên đưa tiền tài cho chúng tôi để lo xây cất”. Sau khi nhận được tiền tài rồi, lục chúng nói với nhau: “Chúng ta nên xây cất Tỳ-ha-la ở chỗ nào thích hợp?”, một người nói rằng: “Từ Kiều-thiểm-tỳ ngó về phía vườn Cù-sưla, trong đây có một cây đại thọ to cao tàng rộng, hình dáng rất khả ái. Có một Bà-la-môn thường ở dưới tàng cây này dạy học cho năm trăm đồng tử, mỗi khi có Bí-sô đi ngang qua đám học trò này thường chọc ghẹo nói rằng: Bí-sô này là người xin ăn thứ nhất, Bí-sô này là người ăn xin thứ hai… mở bát ra thọ nhận nhiều thức ăn. Chúng thường khinh cười chọc ghẹo chúng ta, nay chúng ta nên xúc não họ lại, chặt bỏ cây đại thọ rồi xây cất trú xứ tăng ở chỗ đó”. Sau khi bàn xong, lục chúng liền đến khu lao đông để thuê mướn năm trăm nhân công, sau khi thỏa thuận giá cả xong liền dẫn các nhân công này về chùa, các nhân công nói: “Thánh giả hãy chỉ cho chúng tôi chỗ xây cất”, lục chúng nói: “Ăn sáng xong hãy nói”. Ăn xong các nhân công lại hỏi xây cất ở đâu, lục chúng lại nói: “Hãy lấy dầu thoa bóp chân lát nữa sẽ làm”. Như thế đến chiều tối các nhân công đòi tiền, lục chúng nói: “Đến giờ phải lao động nặng, làm xong đến chỗ tôi lấy tiền”, các nhân công nói: “Thánh giả bảo chúng tôi làm việc, há lại không làm hay sao?”. Xiển-đà bảo các nhân công mang theo búa rìu rồi dẫn đến chỗ cây đại thọ nói rằng: “Hãy chặt cây đại thọ này”, các nhân công nói: “Cây đại thọ này cao to hùng vĩ, chúng tôi không có hai đầu nên không dám chặt”. Xiển-đà nói: “Nhà vua đã cho phép trừ cung vua ra, nếu thấy nơi nào thích hợp thì được tùy ý xây cât trú xứ cho Tăng, nay ta muốn chặt bỏ để xây cất tại sao các ngươi không chặt?”. Các nhân công nghe rồi cùng nhau bàn bạc: “Chúng ta chặt cây, nếu có bị phạt tội thì lục chúng sẽ chịu”. Bàn xong liền cùng chặt bỏ cây đại thọ, cưa đẳn ra thành từng khúc, rồi đào cả gốc rễ, sau đó san bằng đắp đất làm nền móng, tất cả làm xong chỉ trong một đêm. Lúc đó lục chúng nói với nhau: “Chỗ này sẽ cất chùa cho Tăng, chỗ kia cất Hương điện cho Phật Thế Tôn, chỗ kia xây cửa lầu, chỗ kia xây ôn thất, chỗ kia xây tịnh trù, chỗ kia xây phõng tĩnh lự, chỗ kia xây phòng khán bịnh…”. Lục chúng Bí-sô sắp đặt đâu đấy xong rồi cùng bỏ đi. Sáng hôm sau theo như thường lệ, học trò của vị Bà-la-môn người tới phiên đến chỗ cây đại thọ quét dọn sạch sẽ, khi đến nơi thì không thấy cây đại thọ ở đó nữa. Người học trò này liền vội chạy đến báo cho thầy biết là cây đại không còn ở chỗ đó nữa, các học tró khác nghe rồi liền cùng chế giễu người học trò này: “Người bạn này nhất định ngày hôm qua đã ăn cơm với giấm nên khi nóng xông lên mắt, không trông thấy cây đại thọ mà thôi”. Vị thầy Bà-la-môn liền sai một học trò cận sự đến xem xét thật hư, người học trò khi đến nơi quả thật là cây đại thọ không còn nữa, liền vội chạy về báo lại. Vị thầy nghe rồi liền cùng năm trăm học trò đến chỗ cây đại thọ xem cho rõ, trong số học trò có người nhớ nghĩ nói rằng: “Đây là nơi thầy thường giảng dạy cho chúng ta, đây là nơi chúng ta đã cùng nhau học tập”. Các học trò cũng cùng chung một ý nghĩ như vậy nên đứng im lặng dáng vẻ ưu sầu. Lúc đó có một người đi ngang qua thấy vậy hỏi rằng: “Vì sao các vị sầu não như vậy?”, vị thầy Bà-la-môn nói: “Chỗ này trước đây có một cây đại thọ hình dáng thù thắng, cao to hùng vĩ, bỗng nhiên trong đêm qua có ai đã chặt bỏ mất rồi”. Người ấy nói: “Chiều tối hôm qua, tôi thấy lục chúng Bí-sô dẫn các nhân công và mang rất nhiều búa rìu, há chẳng phải họ đã chặt bỏ cây này hay sao?”. Vị thầy nghe rồi lộ vẻ ưu sầu, vừa lúc đó lục chúng Bí-sô đến thấy vậy liền hỏi vị thầy Bà-la-môn: “Tiên sinh vì sao lộ vẻ ưu sầu như vậy?”, vị thầy Bà-la-môn nói: “Thánh giả, chỗ này trước đây có cây đại thọ hình dáng thù thắng, cao to hùng vĩ, không biết vì sao đêm qua bị chặt mất rồi”. Lục chúng nghe rồi cười lớn, vị thầy Bà-la-môn liền hỏi: “Phải chăng chính các vị đã chặt cây này?”, lục chúng nói: “Chính là chúng tôi cố ý muốn não loạn các vị, há ông không nhớ học trò của ông đã từng dùng lời chế giễu đùa cợt chúng tôi sao?. Họ nói đây là người ăn xin thứ nhất, đây là người ăn xin thứ hai…, mở túi bát ra thấy chứa đầy những thức ăn xin”. Vị thầy Bà-la-môn nói: “Sa môn Thích tử cô chấp ôm giữ oán hận trong lòng”, nói rồi cùng nhau trách mắng lục chúng Bí-sô: “Hạng người như vậy là tự thiêu đốt chánh pháp, mất hạnh sa môn. Cây đại thọ hình dáng thù thắng, cao to hùng vĩ lại vô cớ chặt bỏ”. Các Bí-sô nghe biết liền đem việc này bạch Phật, Phật do duyên này nhóm các Bí-sô… như trong giới trên cho đến câu chế học xứ này cho các Bí-sô như sau: “Nếu lại có Bí-sô xây cất chùa lớn, có thí chủ đứng ra làm, Bí-sô này phải đưa chúng Bí-sô đến xem xét chỗ xây cất đó. Các Bí-sô kia phải đến xem xét chỗ xây cất đó có phải là chỗ tịnh đúng pháp, chỗ không có tranh chấp, chỗ có tiến thú hay không. Nếu Bí-sô này ở chỗ không thanh tịnh đúng pháp, chỗ có tranh chấp, chỗ không có tiến thú mà xây cất chùa lớn, có thí chủ đứng ra làm, cũng không đưa chúng Bí-sô đến xem xét chỗ xây cất thì Bí-sô này phạm Tăng-già-phạt-thi-sa”.

Nếu lại có Bí-sô là chỉ cho lục chúng.

Xây cất chùa lớn, nói lớn có hai nghĩa: Một là thí chủ đứng ra làm cúng thí nhiều tài vật, hai là chùa xây với diện tích lớn. Trong giới này chữ lớn chỉ cho thí chủ đứng ra làm cúng thí nhiều tài vật.

Chỗ xây cất chùa là nơi dung chứa được bốn oai nghi.

Có thí chủ đứng ra làm là chỉ cho nam, nữ, bán-trạch-ca-làm thí chủ. Làm cho Tăng là làm cho Phật và chúng tăng ở. Phải đưa chúng Bí-sô đến xem xét là dưa các Bí-sô đến xem chỗ xây cất có thanh tinh đúng pháp, không có tranh chấp và là chỗ có tiến thú hay không rồi trở về bạch lại cho chúng tăng biết để xin Tăng bạch nhị yết ma cho phép xây cất. Tướng phạm nhẹ nặng, một hay hai Bí-sô cùng làm cho đến si cuồng tâm loạn bị thống não bức bách thì không phạm giống như trong giới trên đã nói.