CĂN BẢN THUYẾT NHẤT THIẾT HỮU BỘ TỲ NẠI DA

Hán dịch: Đời Đường Tam Tạng Pháp Sư Nghĩa Tịnh 
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

QUYỂN 11

II. MƯỜI BA PHÁP TĂNG GIÀ BÀ THI SA

Nhiếp Tụng:
Tiết, xúc, bỉ, cúng, môi,
(Tiết tinh, xúc chạm, nói thô bỉ, cúng dường, mai mối)
Tiểu phòng, đại tự, báng,
(Xây phòng nhỏ, chùa lớn, vu báng)
Phiến tợ, phá tăng sự,
(Chút tương tợ, việc phá tăng) Tùy tùng, ô, mạn ngữ.
(Tùy tùng, ô gia và nói khinh mạn).

Học Xứ Thứ Nhất: CỐ Ý LÀM TIẾT TINH

Đức Bạc-già-phạm ở thành Thất-la-phiệt, rừng Thệ-đa trong vườn Cấp-cô-độc, lúc đó việc thường làm của cụ thọ Ô-đà-di là ở trong thôn xóm hay ở trong chùa viện hễ sáng sớm thức dậy liền quét dọn từ trong ra ngoài cho sạch sẽ, sau đó mới súc miệng rửa mặt và chân tay rồi chấp trì y bát vào trong thôn xóm khất thực theo thứ lớp từng nhà, nhưng bản thân lại không khéo hộ thân căn và không trụ chánh niệm. Khất thực được thức ăn liền trở về trú xứ thọ thực kế rửa bát rửa tay rồi vào phòng nghỉ, nếu ý dục hiện tại tiền thì Ô-đà-di tay cầm sanh chi cố ý làm cho tiết tinh để cảm thọ lạc. Thời gian sau có các Bí-sô đi xem xét phòng xá chư tăng lần lượt tới phòng của Ô-đà-di, sau khi chào hỏi xong các Bí-sô hỏi: “Cụ thọ có thể chịu khó làm các việc, không có bịnh khổ và an lạc hạnh chứ; khất thực có lao khổ không?”. Ô-đà-di đáp: “Tôi nay chịu khó làm các việc nhưng không có bịnh não, khất thực dễ được và trụ trong an lạc”. Các Bí-sô lại hỏi: “Nhờ đâu cụ thọ có thể chịu khó làm các việc mà không có ưu não, trụ trong an lạc?”. Ô-đà-di đáp: “Các cụ thọ biết chăng, việc thường làm của tôi là ở trong thôn xóm hay ở trong chùa viện hễ sáng sớm thức dậy là quét dọn từ trong ra ngoài sạch sẽ… (như đoạn văn trên) cho đến câu tay cầm sanh chi cố ý làm cho tiết tinh để cảm thọ lạc, nhờ vậy mà tôi không có ưu não, trụ trong an lạc”. Các Bí-sô nghe rồi không vui cũng không chê trách bỏ ra về, đến chỗ Phật đảnh lễ rồi ngồi một bên, đem sự việc trên bạch Phật. Phật do nhân duyên này quán hai việc nên nhóm chúng Bí-sô: Một là muốn khiến cho các đệ tử Thanh văn biết mình đã làm là phi pháp; hai là lấy việc này làm duyên để chế định học xứ cho các đệ tử Thanh văn. Pháp thường của chư Phật là dù biết rõ sự việc vẫn hỏi người phạm tội, cho nên Phật hỏi Ô-đà-di: “Thầy thật đã làm việc không đoan nghiêm như vậy phải không?”. Ô-đà-di đáp: “Thật vậy thưa Thế Tôn”. Phật liền dùng đủ lời quở trách Ô-đà-di: “Việc thầy đã làm là không phải sa môn, không phải hạnh tùy thuận, không phải hạnh thanh tịnh, không phải việc nên làm của người xuất gia. Tại sao người ngu si như thầy lại xuất gia trong giáo pháp khéo giảng nói của ta? Thầy từng nghe ta thuyết pháp vi diệu lìa tham sân si để được tâm và huệ giải thoát, mà lại làm việc bất thiện này. Thầy là người ngu si, thà tay cầm con hắc xà đáng sợ chứ không nên dùng tâm nhiễm tự cầm sanh chi cố ý làm tiết tinh. Tại sao người ngu si như thầy lại dùng tay này thọ lấy thức ăn mà các Bà-la-môn, trưởng giả tín tâm bố thí; tại sao thầy làm việc phi pháp này mà lại cho là an lạc?”. Phật đủ lời quở trách rồi bảo các Bí-sô: Ta quán mười công đức lợi (đã giải thích trong bốn pháp Ba-la-thị-ca) nên nơi Tỳ-nại-da chế học xứ cho các đệ tử Thanh văn như sau: “Nếu lại có Bí-sô cố ý làm tiết tinh, phạm Tăng-già-phạt-thi-sa”.

Sau khi Phật chế học xứ cho các Bí-sô rồi, lúc đó có các Bí-sô ngủ nằm mộng tinh tiết ra, tỉnh dậy trong lòng bức rức không yên nói với nhau: “Các cụ thọ biết không, Thế Tôn nơi Tỳ-nại-da đã chế học xứ cho các Bí-sô: Nếu lại có Bí-sô cố ý làm tiết tinh, phạm Tăng-giàphạt-thi-sa. Chúng ta ngủ nằm mộng tinh tiết ra, có tưởng tiết tinh, há chẳng phải chúng ta đã phạm Tăng-già-phạt-thi-sa rồi hay sao?. Chúng ta nên đến chỗ cụ thọ A-nan-đà kể rõ sự việc, cụ thọ nói thế nào chúng ta phụng hành thế ấy”. Nói rồi các Bí-sô này liền đến chỗ cụ thọ Anan-đà kể rõ sự việc và nói ra điều mình đã nghĩ cho đến câu: “Cụ thọ dạy thế nào chúng tôi phụng hành thế ấy”. A-nan-đà nghe rồi liền đưa các Bí-sô này đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ Phật rồi ngồi một bên đem sự việc trên bạch Phật: “Thế Tôn đã chế học xứ cho các Bí-sô: Nếu lại có Bí-sô cố ý làm tiết tinh, phạm Tăng-già-phạt-thi-sa. Các Bí-sô này ngủ nằm mộng tinh tiết ra, đều có tâm tưởng nên sanh nghi hoặc không biết mình có phạm Tăng-già-phạt-thi-sa hay không. Bạch Thế Tôn, không biết các Bí-sô này có phạm học xứ hay không phạm?”. Thế Tôn bảo Anan-đà: “Các Bí-sô này có tâm tưởng duyên lự, ta không nói là không phạm nhưng ở trong mộng không phải là việc thật nên trừ trường hợp trong mộng”. Lúc đó Thế Tôn khen ngợi người có thể trì giới, khen ngợi người kính trọng giới, vì các Bí-sô nói pháp tùy thuận khiến cho phẩm thiện được tăng trưởng rồi bảo các Bí-sô: Trước kia là sáng chế (chế lần đầu) nay là tùy khai, nay ta nơi Tỳ-nại-da chế lại học xứ này cho các Bí-sô như sau: “Nếu lại có Bí-sô cố ý làm tiết tinh, trừ trong mộng, phạm Tăng-già-phạt-thi-sa”.

– Bí-sô: Nghĩa đã giải thích ở những giới trên.

– Cố ý là cố tác ý.

– Tiết tinh: Tiết là tinh dịch tiết ra khỏi chỗ của nó; tinh có năm loại là xanh, vàng, đỏ, đặc và lỏng. Tinh màu xanh là tinh của Luân vương và trưởng tử của Luân vương thọ pháp quán đảnh; tinh màu vàng là tinh của những người con khác của Luân vương; tinh màu đỏ là tinh của Đại thần luân ấn; tinh đặc là tinh của người trưởng thành; tinh lỏng là tinh của người chưa trưởng thành. Trường hợp người bị nữ dục hay khuân vác vật nặng hoặc đi đường xa hay thân căn bị tổn hoại… thì có đủ năm loại tinh kể trên.

– Trừ trong mộng là ở trong mộng bị tiết tinh thì không phạm.

– Tăng-già-phạt-thi-sa: Tăng già là phạm tội này phải nương tăng già hành pháp sám hối và nương Tăng già mà được xuất tội chứ không nương ai khác. Phạt Thi Sa là nghĩa dư tàn, nếu Bí-sô ở trong bốn pháp Ba-la-thị-ca tùy phạm một pháp nào thì không có dư tàn, không được cùng ở chung; còn ở trong mười ba pháp này, Bí-sô tuy phạm nhưng có dư tàn, có thể sám hối trị phạt nên gọi là Tăng tàn.

Trong học xứ này tướng phạm như thế nào?

Có năm trường hợp: Một là vì thọ lạc, hai là vì luyện bùa chú, ba là vì nối dòng, bốn là vì xứt thuốc, năm là vì tự thử. Nếu Bí-sô cố ý làm tiết tinh để cảm thọ lạc tức là đối với nội sắc (bản thân) có tâm dục nhiễm, khởi phương tiện phát động sanh chi để tiết tinh ra cảm thọ dục lạc, thì phạm Tăng-già-phạt-thi-sa. Nếu dùng thêm phương tiện mà tinh không tiết ra thì phạm Tốt-thổ-la-để, nếu lay động sanh chi để thọ lạc mà cố ý làm tiết tinh, hoặc xoa chà xúc chạm để thọ lạc mà cố ý làm tiết tinh, hoặc làm sanh chi lộ ra để thọ lạc mà cố ý làm tiết tinh… phạm tội nặng nhẹ giống như trên. Nếu vì luyện bùa chú, vì nối dòng, vì xứt 12 thuốc, vì tự thử mà cố ý làm tiết tinh, đều định tội giống như trên. Nếu Bí-sô vì thọ lạc muốn tiết tinh màu xanh, đối với nội sắc có tâm dục nhiễm, khởi phương tiện để tiết tinh ra; hoặc muốn tiết tinh màu vàng, đỏ, đặc hay lỏng đều định tội giống như trên. Đối với nội sắc đã như vậy thì đối với ngoại sắc cũng như vậy.

Nhiếp Tụng:
Hoặc múa và trong hư không
Tinh động trong thân tiết ra
Xoa chà tiết ra thọ lạc
Ý nhiễm lường nắn sanh chi
Hoặc với tâm nhiễm nhìn ngắm
Hoặc nghịch, thuận theo dòng nước
Hoặc nghịch thuận theo luồng gió
Phạm tội nặng nhẹ nên biết.

Bí-sô nhơn khi múa tinh tiết ra, phạm Tốt-thổ-la-để; tinh không tiết ra thì phạm Ác-tác. Bí-sô máy động sanh chi trong hư không để tinh tiết ra, phạm Tốt-thổ-la-để; tinh không tiết ra thì phạm Ác-tác. Bí-sô khi tinh động trong thân liền nhiếp ý để tinh tiết ra, phạm Tốt-thổ-lađể; tinh không tiết ra thì phạm Ác-tác. Nếu tinh đã tiết ra mà còn trong thân, lại thêm phương tiện để tinh tiết ra ngoài thì phạm Tốt-thổ-la-để; tinh không tiết ra ngoài thì phạm Ác-tác. Nếu Bí-sô lường nắn sanh chi khởi tâm thọ lạc, nhơn đây tinh tiết ra thì phạm Tốt-thổ-la-để; tinh không tiết ra thì phạm Ác-tác. Nếu Bí-sô với tâm nhiễm nhìn ngắm sanh chi, phạm Ác-tác. Nếu Bí-sô với tâm dục nhiễm cầm sanh chi đưa ngược với dòng nước, phạm Tốt-thổ-la-để; nếu đưa thuận với dòng nước thì phạm Ác-tác. Nếu Bí-sô với tâm dục nhiễm cầm sanh chi đưa ngược với luồng gió thì phạm Tốt-thổ-la-để; đưa thuận với luồng gió thì phạm Ác-tác. Trường hợp không phạm là chạy nhảy, chơi giỡn, bơi lội, lặn hụp, hoặc nhảy qua hầm hào, lan can, hoặc đi chạm bắp vế, cọ xát áo quần, hoặc vào nhà tắm , hoặc nhớ vợ cũ, hoặc thấy sắc khả ái, hoặc ngứa gãi không có tâm thọ lạc mà tinh tự tiết ra thì tất cả không phạm. Ngoài ra người phạm ban đầu hoặc si cuồng tâm loạn, bị thống não bức bách… đều không phạm.

Học Xứ Thứ Hai: XÚC CHẠM NGƯỜI NỮ

Phật ở thành Thất-la-phiệt, rừng Thệ-đa trong vườn Cấp-cô-độc, lúc đó lục chúng Bí-sô nói với nhau: “Chúng ta vào mỗi sáng sớm thường nên có một người đứng ở cửa ngỏ rừng Thệ-đa; nếu có Bà-la-môn, trưởng giả. Cư sĩ đi ngang qua sẽ nói pháp yếu cho họ nghe; nếu có ai luận nghị sẽ chiết phục họ khiến cho tiếng tăm chúng ta lan khắp xa gần để được mọi người kính ngưỡng”. Lục chúng Bí-sô này ở trong sáu thành lớn có chủng loại thị tộc nào với nghề nghiệp công xảo tên gọi sai khác nhau như thế nào, không chỗ nào là không biết, không ai là không quen. Hôm đó như đã bàn tính trước, cụ thọ Ô-đà-di vào sáng sớm sau khi đánh răng súc miệng rửa mặt xong, liền đắp y Tăng-già-chi đảnh lễ Tốt đổ ba rồi đi qua đi lại trước cửa ngỏ rừng Thệ-đa. Thường lệ các Bà-la-môn, cư sĩ, vợ cư sĩ hễ ra ngoài thành thì đến bên trong Phương Lâm nhàn du, sau đó mang hoa quả vào rừng Thệ-đa đảnh lễ Phật và đại đức tăng. Lúc đó rất đông cư sĩ, vợ cư sĩ đến rừng Thệ-đa, cụ thọ Ô-đà-di vui vẻ chào hỏi thiện lai; các người nữ này nói với Ô-đà-di: “Đại đức, như Thế Tôn dạy người ở trong tám việc không rảnh rỗi đối với hạnh thanh tịnh không dễ tu tập. Thân nữ chúng tôi nhiều chướng nạn lại phải coi ngó gia nghiệp, đó là việc không rảnh thứ chín”. Ô-đàdi nghe rồi nói rằng:

“Các vị há không nghe:
Xưa có vua Sa Kiệt
Tạo dựng nhiều sự nghiệp
Sự nghiệp làm chưa xong
Mạng ông đã chấm dứt
Các vị coi gia nghiệp
Việc này bao giờ hết
Cái chết mọi người hiềm
Đâu biết bỗng chợt đến”.

Các người nữ này nghe rồi nói rằng: “Đại đức, chúng tôi vì nhơn duyên này nên đến chùa kính lễ Phật và các đại đức tăng”. Ô-đà-di nói: “Thiện lai, như Thế Tôn dạy dùng cái thân không kiên cố để cầu pháp kiên cố. Các vị đến chùa kính lễ là việc làm tốt, không biết các vị có cần một Bí-sô hướng dẫn các vị đến phòng chư Tăng và tháp miếu không?” Các người nữ này nói: “Đại đức, tay tôi đang cầm đuốc sáng há lại đi tìm đèn hay sao; đại đức ở đây chúng tôi há lại đi tìm người khác hướng dẫn hay sao? “Ô-đà-di nghe rồi liền suy nghĩ: “Nếu ta hướng dẫn các người nữ này tham quan phòng xá thì sẽ phế tu phẩm thiện; nếu từ chối thì giao tế có khuyết, khi vào thành khất thực ai sẽ cúng dường cho ta. Cho nên dù phế tu phẩm thiện cũng phải làm người hướng dẫn”. Nghĩ rồi Ô-đà-di liền nhận lời làm người hướng dẫn các người nữ này tham quan, vừa đi vừa nói kệ:

“Nếu ai dùng chơn kim
Mỗi ngày thí ngàn lượng
Không bằng người vào chùa
Thành tâm lễ chùa tháp”.

Dẫn đến Hương điện nói rằng: “Này các vị, đây là Hương điện của Như Lai ngự. Như Lai ngày đêm sáu thời thường dùng phật nhãn quan sát thế gian, ai tăng, ai giảm, ai gặp khổ ách, ai hướng về đường ác sa vào trong bùn dục, ai có thể được giáo hóa, dùng phương tiện gì cứu vớt họ. Người không có thánh tài thì khiến cho được thánh tài, dùng trí an định thiện na để phá màn vô minh. Người không có căn lành thì khiến cho trồng căn lành. Người đã có thiện căn thì khiến cho được tăng trưởng, đặt họ vào cõi trời người, có thể dứt khổ đến thành Niết-bàn”.

Ô-đà-di nói kệ:

“Như thủy triều biển cả
Có hạn kỳ mất đi
Đối với người được độ
Phật độ không hạn kỳ.
Như mẹ sanh con một
Trọn đời bảo hộ con.
Đối với người được độ,
Phật mẫn niệm hơn kia.
Phật dùng tâm đại bi,
Quán khắp trong sanh tử,
Thường theo người được độ,
Như bò mẹ theo con”.

Nói kệ xong bảo các người nữ rằng: “Thế Tôn Ứng chánh đẳng giác đầy đủ mười Lực, bốn vô sở úy, thuyết pháp như sư tử rống để giác ngộ quần mê. Cho nên các vị nên kính lễ”. Kế dẫn đến phòng khác nói rằng: “Đây là phòng của thượng tọa A-lan-nhã Nhã Kiều-trần-như. Này các vị, thế gian này mờ ám không hiểu biết ít được dẫn dắt nên đêm dài luân hồi, lúc thế mới thành chánh giác dùng diệu trí dược để khai pháp nhãn, ba phen chuyển pháp luân khiến họ được khai ngộ. Trong các đệ tử của bậc đại sư, thượng tọa là bậc thượng thủ, là bậc tuổi cao đức dầy khéo tu phạm hạnh, cũng là người thọ pháp y đầu tiên, cho nên các vị nên kính lễ”. Kế dẫn đến phòng của tôn giả Đại Ca Diếp nói rằng: “Vị này tộc tánh Bà-la-môn thắng diệu, đã xả bỏ chín trăm chín mươi chín Cụ lê ngưu, hơn hai trăm thạc toái kim đại mạch, sáu mươi ức kim tiền, có mười tám phong ấp với đông tôi tớ, có mười sáu tụ lạc với các cửa hàng mậu dịch; vợ tên là Ca-Tất-lê thân kim sắc, dung mạo đoan nghiêm không ai bì kịp. Với tất cả sở hữu như vậy tôn giả đều xả bỏ như bỏ đàm dãi, bỏ trăm ngàn y phục quý giá để mặc y Tăng-già-chi thô xấu, quy y theo Phật xuất gia ở chốn núi rừng. Nếu có con voi điên nào, tôn giả đưa mắt nhìn nó liền hết cuồng điên. Trong các đệ tử của bậc Đại sư, tôn giả là bậc thiểu dục tri túc tu hạnh đầu đà, có oai đức được tôn trong bậc nhất, cho nên các vị nên kính lễ”. Kế dẫn đến phòng của tôn giả Xá-lợi-tử nói rằng: “Vị này là con của quý tộc Bà-la-môn, bỏ tục xuất gia, năm mười sáu tuổi vừa nghe kinh tâm liền ngộ giải. Các luận sư ngoại đạo đều bị tôn giả nhiếp phục như Thế Tôn nói:

Tất cả trí thế gian
Chỉ trừ đức Như Lai
Không ai bằng Thân Tử
Một trong mười sáu phần (trí của thân Tử)
Nếu trí của Người, trời
Đều như trí Thân Tử
Cũng không bằng Như Lai
Một trong mười sáu phần (trí của Như Lai)

Trong các đệ tử của bậc Đại sư, tôn giả là bậc đại trí huệ có đầy đủ biện tài bậc nhất, cho nên các vị nên kính lễ”. Kế dẫn đến phòng của tôn giả Đại Mục-kiền-liên nói rằng: “Vị này là con của Bà-la-môn phụ quốc đại thần, bỏ địa vị cao quý thù thắng của mình để xuất gia. Trong các đệ tử của bậc Đại sư, tôn giả là bậc có đại thần thông bậc nhất, có oai đức lớn, có đại thần lực có thể dùng ngón chân làm chấn động cung trời Đế Thích, cho nên các vị nên kính lễ”. Kế dẫn đến phòng của Ôni-lô-đà nói rằng: “Vị này là đường đệ của Phật, đã bỏ địa vị cao quý của mình theo Phật xuất gia, có đại oai lực. Trước đây có Thương chủ từng gặp ách nạn trong biển, nhờ xưng danh hiệu của tôn giả mà thuyền được an ổn, không tổn hao của cải trở về quê cũ. Trong các đệ tử của bậc Đại sư, tôn giả là bậc có thiên nhãn thanh tịnh bậc nhất, cho nên các vị nên kính lễ”. Kế dẫn đến phòng của tôn giả A-nan-đà nói rằng: “Vị này là đường đệ của Phật, bỏ tục xuất gia làm thị giả hầu hạ Thế Tôn, dù có thức suốt đêm tâm cũng không mõi mệt. Trong các đệ tử của bậc đại sư, tôn giả là bậc Đa văn tổng trì bậc nhất, thông minh đại trí các Thánh đều khen ngợi, tất cả kinh điển Như Lai nói ra tôn giả đều nghe nhớ hết, như nước từ bình này rót qua một bình khác, cho nên các vị nên kính lễ”. Kế dẫn đến phòng của cụ thọ Nan-đà nói rằng: “Vị này là thân đệ của Phật, bỏ tục xuất gia, nếu không xuất gia sẽ làm Chuyển luân vương. Trong các đệ tử của bậc Đại sư, cụ thọ là bậc khéo hộ các căn, đề phòng ngoại cảnh bậc nhất, cho nên các vị nên kính lễ”. Kế dẫn tới phòng của cụ thọ La-hỗ-la nói rằng: “Vị này là con của Phật, bỏ tục xuất gia, nếu không xuất gia sẽ làm Chuyển luân vương. Trong các đệ tử của bậc Đại sư là bậc ái trọng học xứ, phụng trì không lỗi bậc nhất, cho nên các vị nên kính lễ”. Cuối cùng dẫn đến phòng của lục chúng là Nan-đà, Ô-ba-nan-đà, A-thuyết-ca, Bổ-nại-bà, Tố-ca-lan-đà và Ôđà-di nói rằng: “Đây là phòng của chúng tôi, các vị nên tham quan”. Ô-đà-di là người có hạnh dâm nhiễm nên ở trong phòng trên các tường vách trang trí màu sắc hoa hòe, trên giường nằm trải lụa, tủ bàn chạm trổ đẹp đẽ, trên bàn để bình nước thơm… Ô-đà-di nói với các người nữ: “Mời các vị dùng bửa ăn nhẹ và uống nước mật”, các người nữ nói: “Đại đức, đâu có nước sông lại chảy ngược dòng, đáng lẽ chúng tôi phải cúng dường đại đức, đâu nên thọ thức ăn uống của đại đức. Lành thay Thánh giả, điều chúng tôi mong được bố thí là muốn Thánh giả nói pháp”. Ô-đà-di nói: “Lành thay, như Thế Tôn dạy thế gian có sáu việc rất khó được gặp:

– Một là đức Phật ra đời rất khó găp.
– Hai là Như Lai nói pháp vi diệu rât khó được nghe.
– Ba là thân người khó được.
– Bốn là khó sanh ở nước trung phương.
– Năm là khó đầy đủ các căn.
– Sáu là khó phát tín tâm.

Sáu điều khó này các vị đều đã có được, vậy các vị hãy khởi lòng tin thân gần Phật để nghe pháp yếu. Tôi sẽ nói pháp yếu cho các vị nghe”. Các người nữ này liền đảnh lễ Ô-đà-di ngồi ngồi một bên nghe thuyết pháp, Ô-đà-di bắt đầu nói pháp, trong khi thuyết pháp liền khởi tâm nhiễm, như người luyện bùa chú mà không rành chú thuật, chú nguyện quỷ chữa bịnh trở lại bị quỷ đánh. Ô-đà-di cũng vậy, trong khi thuyết pháp liền khởi tâm nhiễm, tâm nhiễm đã sanh liền từ chỗ ngồi đứng dậy dùng tay vuốt ve mơn trớn các người nữ. Trong số các người nữ này, người nào có tâm ái nhiễm thì dùng lời nhiễm bởn cợt, tay chân xúc chạm nhau; người nữ nào không có tâm ái nhiễm thì bỏ chạy ra ngoài, qua lại ngoài hành lang nói những lời chê trách khinh thường: “Ai ngờ trong nước lại phát ra ánh lửa, ở chỗ quy y lại sanh khủng bố. Chúng tôi trước kia cho rằng phòng tăng là nơi an ổn Niết-bàn, lìa khổ não không có lo ngại; nay mới biết ở trong đây có các tai họa khủng bố ưu não”. Lúc đó có các Bí-sô tình cờ nghe được những lời chê trách này liền hỏi: “Các vị trách mắng ai vạy?”, đáp: “Chúng tôi trách mắng các thầy”. Các Bí-sô nói: “Chúng tôi đã làm gì mà các vị trách mắng như vậy?”, đáp: “Từ trước đến nay, chúng tôi dù có gặp giặc hay người điên cuồng làm liều cũng không có nghe những lời thô như Ô-đà-di đã nói. Thân chúng tôi dù bị phu chủ xúc chạm cũng chưa bị lăng bức mạnh bạo như Ô-đà-di. Nếu cha mẹ, anh em, chị em, phu chủ chúng tôi nghe biết được, sẽ không bao giờ cho phép chúng tôi nhìn về phía rừng Thệ-đa này, huống chi là vào trong vườn kính lễ”. Các Bí-sô nghe rồi nói rằng: “Bí-sô ấy có giữ đủ giới, là con của vị đại thần, chỉ có tánh còn nhiều ái dục, chắc là làm phương tiện này để thỏa tâm ái nhiễm”. Các người nữ này nói: “Thánh giả, như sừng trâu tuy sắc bén, há có thể trở lại phá bụng mình. Bí-sô dù có tâm nhiễm há tự làm khuyết phạm hạnh của mình”. Các Bí-sô nói: “Các vị yên tâm, chúng tôi sẽ ngăn chận việc phi pháp này”. Các người nữ này nói: “Các Thánh giả ngăn chận được là tốt, nếu không thì trọn đời chúng tôi không dám đặt chân đến rừng Thệ-đa này”. Các Bí-sô nói: “Chúng tôi sẽ cùng ngăn chận không để cho việc như thế xảy ra nữa”. Các người nữ này trách mắng rồi bỏ ra về, lúc đó Ô-đà-di ra khỏi phòng vừa đi vừa cười, các Bí-so liền hỏi: “Thầy đã làm việc xấu xa, làm ô nhục sa môn, tại sao đã buông lung tâm tình như vậy mà còn vui cười?”. Ô-đà-di nói: “Tôi đã làm việc gì? Tôi uống rượu hay ăn ngũ vị tân hay sao mà các thầy lại nói như thế?”. Các Bí-sô nói: “Việc thô bỉ kia thầy còn làm được huống chi là uống rượu, ăn ngũ vị tân”. Ô-đà-di nói: “Việc thô bỉ gì?”, các Bí-sô nói: “Các phụ nữ của Bà-la-môn, cư sĩ vừa mới chê trách nhục mạ thầy rồi bỏ ra về, há không phải thầy đã làm lỗi hay sao?”. Ô-đà-di nói: “Các thầy chỉ biết mang bát đi khất thực từng nhà, tâm tật đố ngày càng tăng cho đến không thể nói được bốn câu pháp nên thấy người khác nói pháp bèn sanh tâm tật đố”. Các Bí-sô nói: “Chúng tôi thấy thầy tuy thường nói pháp nhưng chưa có một người nào có thể Kiến đế”, Ô-đà-di nói: “Phải khiến cho căn cơ thuần thục mới dần đưa họ vào Đế môn”. Các Bí-sô có hạnh thiểu dục nghe biết liền quở trách: “Bí-sô đã làm việc phi pháp, đáng lẽ ôm lòng hổ thẹn, tại sao còn khởi tâm cống cao như thế!”. Các Bí-sô liền đem việc này bạch Phật, Phật do duyên này nhóm các Bí-sô, dù biết rõ sự việc mà vẫn hỏi Ô-đà-di: “Này Ô-đà-di, thầy thật đã làm những việc xấu xa như thế phải không?”, đáp: “Thật vậy thưa Thế Tôn”. Phật liền quở trách: “Việc mà thầy đã làm là sai trái, không phải là sa môn, không phải hạnh tùy thuận, không phải hạnh thanh tịnh, là việc không nên làm”. Phật đủ lời quở trách rồi bảo các Bí-sô: Ta quán mười công đức lợi nên ở nơi Tỳ-nại-da chế học xứ này cho các đệ tử Thanh văn như sau: “Nếu lại có Bí-sô, do tâm nhiễm ô xúc chạm thân người nữ, hoặc nắm tay, hoặc nắm cánh tay hoặc vuốt tóc cho đến xúc chạm bất cứ thân phần nào để khởi tâm thọ lạc thì phạm Tăng-già-phạt-thi-sa”.

– Lại có Bí-sô là chỉ cho Ô-đà-di và những vị giống như thế. Về tâm nhiễm bị dính mắc có bốn trường hợp: Một là có tâm nhiễm nhưng không dính mắc, hai là tâm có dính mắc nhưng không có tâm nhiễm, ba là có cả hai, bốn là không có cả hai. Sao gọi là có tâm nhiễm nhưng không dính mắc?: Tức là có tâm nhiễm ô nhưng không phải nhiễm ô cực độ hiện tại tiền. Sao gọi là tâm có dính mắc nhưng không có tâm nhiễm? Tức là tâm duyên ngoại cảnh bị dính mắc nhưng chưa khởi tâm nhiễm. Sao gọi là có cả hai? Tức là có tâm nhiễm và nhiễm ô cực độ, tham cầu cảnh trước mắt nên tâm bị dính mắc. Sao gọi là không có cả hai? Tức là trừ các trường hợp trên. Nữ nhơn là chỉ cho phụ nữ và dồng nữ có thể làm việc dâm dục. Xúc chạm là hai thân phần xúc chạm nhau. Nắm tay là nắm phần trước của khuỷu tay. Nắm cánh tay là nắm phần sau của khuỷu tay. Vuốt tóc là vuốt đầu tóc cho đến dây lụa cột tóc. Mỗi mỗi thân phần là chỉ cho các chi tiết trên thân. Khởi tâm thọ lạc là tình thọ dục lạc. Tăng-già-phạt-thi-sa như đã giải ở các giới trên.

Trong học xứ này tướng phạm như thế nào?

Có chín trường hợp xúc chạm phạm, đó là: Xúc chạm, xúc chạm hết mực, dựa, sờ nắm, dắt, kéo, đưa lên, đở xuống, ôm choàng. Sao gọi là xúc chạm? Bí-sô do tâm nhiễm bị dính mắc đối với người nữ có thể hành dâm cố ý chạm vào đầu của họ, nếu không có y phục ngăn cách thì phạm Tăng-già-phạt-thi-sa; có y phục ngăn cách thì phạm Tốt-thổla-để. Chạm vào đầu đã như thế, chạm vai, lưng, rún, đùi cho đến ngón chân; có y phục hay không có y phục đều định tội giống như trên. Xúc chạm đã như vậy, xúc chạm hết mực, dựa và sờ nắm cũng như thế. Sao gọi là dắt? Bí-sô do tâm nhiễm bị dính mắc tay dắt người nữ có thể hành dâm, từ xa lại gần hay từ gần ra xa, phạm tội đồng như trên. Sao gọi là kéo? Tức là kéo người nữ từ bên trái qua bên phải hay từ bên phải qua bên trái. Sao gọi là đưa lên? Tức là nâng người nữ từ dưới đất lên, nếu không có y phục ngăn cách thì phạm tội căn bản; có y phục ngăn cách thì phạm tội phương tiện. Nâng lên qua khỏi chân hoặc qua khỏi bắp chân, đầu gối cho đến qua các thân phần khác, hoặc nâng để trên giường hoặc nâng lên voi, lên ngựa, lên xe… có tâm nhiễm ô dính mắc cảm thọ lạc, khởi tâm vui thích, tùy dùng thân phần nào xúc chạm, nếu không có y phục ngăn cách thì phạm tội căn bản; nếu có y phục ngăn cách thì phạm tội phương tiện. Sao gọi là đở xuống? Nếu Bí-sô đở người nữ có thể hành dâm từ trên lầu xuống hoặc từ trên voi, ngựa… xuống, tùy theo thân phần xúc chạm phạm tội giống như trên. Sao gọi là ôm choàng?: Nếu Bí-sô dùng tay ôm choàng lấy người nữ có thể hành dâm, tùy theo thân phần xúc chạm phạm tội giống như trên. Luận về sự xúc chạm thân người nữ, nếu là người có thể hành dâm không có y phục ngăn cách thì phạm tội căn bản; có y phục ngăn cách thì phạm tôi phương tiện. Nếu là người nữ không thể hành dâm không có y phục thì phạm tội thô, có y phục thì phạm Ác-tác.

Bí-sô do tâm nhiễm dính mắc xúc chạm nam huỳnh môn có thể hành dâm, không có y phục thì phạm tội thô, có y phục thì phạm Ác-tác. Nếu nam huỳnh môn không thể hành dâm có y hay không y đều phạm Ác-tác.

Bí-sô xúc chạm bàng sanh có thể hay không thể hành dâm đều phạm Ác-tác. Bí-sô nếu không có tâm nhiễm dính mắc xúc chạm mẹ, chị em gái đều không phạm. Nếu thấy ngươi nữ bị nước cuốn trôi hay thắt cổ hoặc uống thuốc độc tự vẫn… với tâm cứu giúp xúc chạm đều không phạm. Trường hợp không phạm nữa là người phạm ban đầu hoặc si cuồng tâm loạn bị thống não bức bách.

Học Xứ Thứ Ba: NÓI LỜI THÔ BỈ

(Lời yêu đương trăng gió)

Phật ở thành Thất-la-phiệt rừng Thệ-đa trong vườn Cấp-cô-độc, duyên khởi giống như giới trên cũng do Bí-sô Ô-đà-di , cho đến đoạn tùy theo pháp đã nói khởi tâm nhiễm dính mắc, tâm nhiễm đã khởi liền nói lời thô bỉ (lời yêu đương trăng gió) với các người nữ. Lời thô bỉ là lời tương ưng với dâm dục như lời hai vợ chồng nói với nhau. Trong số những người nữ này, người nào ưa thích thì cùng nói lời trăng gió giỡn cợt, hai thân cùng xúc chạm vuốt ve; người nữ nào không thích thì chạy ra khỏi phòng nói lời trách mắng như trên… cho đến các Bí-sô đem việc này bạch Phật và Phật chế học xứ này như sau: “Nếu lại có Bí-sô do tâm nhiễm dính mắc nói lời thô bỉ (lời yêu đương trăng gió) với người nữ, tương ưng với dâm dục như lời hai vợ chồng nói với nhau thì phạm Tăng-già-phạt-thi-sa”.

Lại có Bí-sô là chỉ cho Ô-đà-di hoặc những người khác giống như thế. Tâm nhiễm dính mắc có bốn câu giống như giới trên đã nói. Người nữ chỉ chung phụ nữ và đồng nữ có thể hiểu được lời thiện ác. Lời thô bỉ trong đây có hai loại: Một loại là nhơn khởi tội Ba-la-thị-ca, một loại là nhơn khởi tội Tăng-già-phạt-thi-sa. Lời thô bỉ là lời có tự tánh thô bỉ và nhơn khởi lên thô bỉ, tức là lời dâm dục của trai gái yêu đương trăng gió như lời hai vợ chồng nói với nhau. Tăng-già-phạt-thi-sa như đã giải thích ở giới trên.

Trong học xứ này tướng phạm như thế nào?

Có chín trường hợp phạm, đó là nói đẹp, nói xấu, nói thẳng, nói quanh co, hỏi thẳng, hỏi quanh co, dẫn việc, khen ngợi, giận mắng. Sao gọi là nói đẹp? Như Bí-sô do tâm nhiễm dính mắc nói với người nữ hiểu được lời thiện ác như sau: “Này cô em, ba sang môn của em thật gợi cảm, hình dáng khả ái đáng yêu”. Nếu lời nói hợp với nghĩa của nguyên âm Diệp bà thì phạm Tăng-già-phạt-thi-sa, nếu không hợp thì phạm Tốt-thổ-la-để. Sao gọi là nói xấu? Như Bí-sô do tâm nhiễm dính mắc nói với người nữ hiểu được lời thiện ác như sau: “Này cô em, ba sang môn của em không gợi cảm chút nào, hình dáng xấu xí đáng ghét”. Nếu lời nói hợp với nghĩa của nguyên âm Diệp bà thì phạm Tăng-già-phạtthi-sa, nếu không hợp thì phạm Tốt-thổ-la-để.

(Diệp bà là chánh ngữ phương tây ý nói nam nữ giao hợp không đúng pháp. Nếu theo phương âm của cõi này là nói lời thô bỉ của trai gái yêu đương trăng gió. Phương âm tùy nơi hiểu nghĩa không nhất định, nên giữ nguyên gọi là Diệp bà)

Sao gọi là nói thẳng? Như Bí-sô nói với người nữ rằng: “Em hãy cùng tôi làm việc như vậy như vậy”. Nếu lời nói hợp với nghĩa của nguyên âm Diệp bà thì phạm Tăng-già-phạt-thi-sa, nếu không hợp thí phạm Tốt-thổ-la-để. Sao gọi là nói quanh co? như Bí-sô nói với người nữ rằng: “Này em, nếu có người nữ cùng với người nam làm việc như vậy như vậy, người nữ đó ắt được người nam yêu quý. Em nếu cùng tôi làm việc như vậy, tôi cũng sẽ yêu quý em”. Nếu lời nói hợp với nghĩa của nguyên âm Diệp bà thì phạm Tăng-già-phạt-thi-sa, nếu không hợp thì phạm Tốt-thổ-la-để. Sao gọi là hỏi thẳng? Như Bí-sô nói với người nữ rằng: “Này em, nếu có người nam cùng với người nữ làm việc như vậy, người nam ấy ắt được người nữ yêu thương. Tôi cùng em làm việc như vậy, em có yêu thương tôi không?”. Định tội giống như trên. Sao gọi là hỏi quanh co? Như Bí-sô nói với người nữ rằng: “Này em, nếu có người nữ cùng với người nam làm việc như vậy, người nữ này ắt được người nam yêu thương. Nay tôi yêu thương em, em có thể cùng tôi làm việc như vậy hay không?”. Định tội giống như trên. Sao gọi là dẫn việc? Như Bí-sô nói với người nữ rằng: “Này em, trước đây tôi từng ở nơi thiên miếu trong vườn ___, chỗ đại chúng tụ hội, cùng các người nữ ăn những món ăn ngon, uống nước mật ngọt, ngồi trên giường ghế có trải nệm tốt nhất, có hoa thơm, suốt đêm ở ngoài sân đốt đèn sáng, cùng với người nữ kia làm việc như vậy. Nếu lúc đó em có đến dự hội, tôi cũng sẽ cùng em làm việc như vậy”. Định tội giống như trên. Sao gọi là khen ngợi? Như Bí-sô nói với người nữ rằng: “Này em, có người nam nói với em rằng: Nếu có người nam cùng em làm việc như vậy, người ấy sẽ cảm thọ lạc hiện tiền và thọ thiên lạc. Nay tôi cùng em làm việc như vậy cũng sẽ cảm thọ lạc hiện tiền và thọ thiên lạc”. Định tội giống như trên. Sao gọi là giận mắng? Như Bí-sô nói với người nữ rằng: “Em hãy cùng với rắn, lạc đà làm việc dâm dục”. Khi nói lời giận mắng này nếu hợp với nghĩa của nguyên âm Diệp bà thì phạm Tăng-già-phạt-thi-sa, nếu không hợp thì phạm Tốt-thổ-la-để. Bí-sô đối với phụ nữ và đồng nữ có chín việc như trên.

Trường hợp ngược lại, nếu phụ nữ, đồng nữ có thể hành dâm và hiểu được lời thiện ác đối với Bí-sô cũng có chín việc giống như trên. Sao gọi là nói đẹp? Như phụ nữ, đồng nữ nói với Bí-sô rằng: “Thánh giả, hai sang môn của thầy thật gợi cảm, hình dáng khả ái đáng yêu”. Bí-sô nghe rồi do tâm nhiễm dính mắc, khởi ý thọ lạc chấp nhận họ thì tùy theo lúc nói dùng lời đối đáp, nếu lời nói hợp với nghĩa của nguyên âm Diệp bà thì phạm Tăng-già-phạt-thi-sa , không hợp thì phạm Tốtthổ-la-để. Sao gọi là nói xấu? Như phụ nữ, đồng nữ nói với Bí-sô rằng: “Thánh giả, hai sang môn của thầy không gợi cảm chút nào, hình dáng xấu xí đáng ghét”. Định tội giống như trên. Sao gọi là nói thẳng?: Như phụ nữ, đồng nữ nói với Bí-sô rằng: “Thánh giả hãy cúng tôi làm việc như vậy như vậy”. Định tội giống như trên. Sao gọi là nói quanh co?: Như phụ nữ, đồng nữ nói với Bí-sô rằng: “Nếu có người nam cùng với người nữ làm việc như vậy như vậy, người nam này ắt được người nữ yêu quý. Nếu thầy cùng tôi làm việc như vậy, tôi cũng sẽ yêu quý thầy”. Định tội giống như trên. Sao gọi là hỏi thẳng? Như phụ nữ, đồng nữ nói với Bí-sô rằng: “Thánh giả, nếu có người nữ cùng với người nam làm việc như vậy, người nữ này ắt được người nam yêu thương. Nay tôi cùng thầy làm việc như vậy, thầy có yêu thương tôi không?”. Định tội giống như trên. Sao gọi là hỏi quanh co? Như người nữ nói với Bí-sô rằng: “Thánh giả, nếu có người nam cùng với người nữ làm việc như vậy, người nam này ắt được người nữ yêu thương. Nay tôi yêu thương thầy, thầy có thể cùng tôi làm việc như vậy không? “Định tội giống như trên. Sao gọi là dẫn việc? Như người nữ nói với Bí-sô rằng: “Thánh giả, tôi từng ở Thiên miếu trong vườn ___, chỗ nhiều người tụ hội, cùng với các người nam ăn những món ăn ngon, uống nước mật thơm, ngồi trên giường ghế trải nệm tốt nhất, có hoa thơm, suốt đêm ở ngoài sân đốt đèn sáng, cùng người nam đó làm việc như vậy. Nếu lúc đó Thánh giả đến dự hội, tôi cũng sẽ cùng thầy làm việc như vậy”. Định tội giống như trên. Sao gọi là khen ngợi? Như người nữ nói với Bí-sô rằng: “Thánh giả, nếu có người nữ cúng với người nam làm việc như vậy sẽ được thọ lạc hiện tiền và thọ thiên lạc. Nay tôi cùng thầy làm việc như vậy cũng sẽ được thọ lạc hiện tiền và thọ thiên lạc”. Định tội giống như trên. Sao gọi là giận mắng?: Như người nữ nói với Bí-sô rằng: Thầy hãy cùng lạc đà, súc vật làm việc dâm dục”. Khi nói lời giận mắng này, nếu Bí-sô do tâm nhiễm dính mắc, khởi ý thọ lạc chấp nhận người nữ này, tùy theo lúc nói dùng lời đối đáp, nếu hợp với nghĩa của nguyên âm Diệp bà thì phạm Tăng-già-phạt-thi-sa, nếu không hợp thì phạm Tốt-thổ-la-để.

Nếu là người nữ vô lực thì phạm Tốt-thổ-la-để; nếu là nam nữ bán-trạch-ca có thể hành dâm thì phạm Tốt-thổ-la-để, không thể hành dâm thì phạm Ác-tác. Nếu đối với bàng sanh có lực hay vô lực đều phạm Ác-tác. Không phạm là nếu nói lời hợp với nghĩa của nguyên âm Diệp bà nhưng ở phương quốc đó không có húy kị, trường hợp không phạm nữa là người phạm ban đầu hoặc si cuồng tâm loạn bị thống não bức bách.

Học Xứ Thứ Tư: ĐÒI HỎI CÚNG DƯỜNG

Phật ở thành Thất-la-phiệt rừng Thệ-đa trong vườn Cấp-cô-độc, lúc đó lục chúng Bí-sô thường vào sáng sớm bảo một người đứng ở ngoài cửa ngỏ rừng Thệ-đa canh giữ, đó là Ô-đà-di, duyên khởi giống như giới trên cho đến đoạn nói pháp cho các người nữ rồi tự khen ngợi mình nói rằng: “Các vị, đây là sự cúng dường hơn hết trong các sự cúng dường. Như tôi là người tương tợ trì giới tu thiện thì các vị nên đem pháp dâm dục cúng dường”. Khi nói lời này trong số các người nữ, người nào có tình ý liền vui cười, người nữ nào không thích thì chạy ra ngoài trách mắng (giống như giới trên). Các Bí-sô nghe được lời trách mắng này liền quở trách Ô-đà-di rồi đến bạch Phật, Phật do duyên này nhóm chúng Bí-sô… rồi chế học xứ này cho các Bí-sô như sau: “Nếu lại có Bísô do tâm nhiễm dính mắc, ở trước người nữ tự khen ngợi mình rằng: Này các vị, nếu Bí-sô nào tương tợ như tôi đầy đủ thi la, có pháp thắng thiện, tu phạm hạnh thì hãy đem pháp dâm dục cúng dường. Nếu Bí-sô nói lời như vậy thì phạm Tăng-già-phạt-thi-sa”.

Bí-sô là chỉ cho Ô-đà-di và các Bí-sô khác giống như thế. Tâm nhiễm dính mắc có bốn câu như trong giới trên có nói. Nữ nhơn chỉ cho phụ nữ và đồng nữ có thể hiểu được lời thiện ác. Nói tự khen ngợi mình là để đòi hỏi cúng dường. Nói đây là sự cúng dường hơn hết trong các sự cúng dường là nói sự cúng dường này là bậc nhất. Nói tương tợ như tôi là chỉ cho chính mình. Nói đầy đủ thi la là đầy đủ giới uẩn. Nói có pháp thắng thiện là đầy đủ định uẩn. Nói tu phạm hạnh là đầy đủ huệ uẩn. Nói đem pháp dâm dục cúng dường, chữ pháp trong đây là phi pháp, chỉ cho việc dâm dục không phải việc gì khác, dâm dục là hạnh bất tịnh.

Trong học xứ này tướng phạm như thế nào?

Có mười tám tướng phạm là tối, thắng, thù, diệu, hiền, thiện, ứng cúng, khả ái, quảng bác; cực tối, cực thắng, cực thù, cực diệu, cực hiền, cực thiện, cực ứng cúng, cực khả ái, cực quảng bác. Nếu Bí-sô do tâm nhiễm dính mắc nói với người nữ có thể hành dâm rằng: “Này em, trong các thứ cúng dường việc này là hơn hết, hạng người đầy đủ giới hạnh như tôi nên đem pháp dâm dục cúng dường”, thì phạm Tăng-già-phạtthi-sa. Hơn hết (tối) đã như thế thì thắng… cho đến cực quảng đại cứ theo đây nên biết. Đầy đủ thi la (cụ giới) đã như thế thì pháp thắng thiện và phạm hạnh cũng như vậy, đây là nói riêng biệt mỗi thứ. Nếu nói đầy đủ thi la, pháp thiện thù thắng; hoặc nói đầy đủ thi la, phạm hạnh; hoặc nói pháp thắng thiện, đầy đủ thi la; hoặc nói pháp thắng thiện, phạm hạnh; hoặc nói phạm hạnh, đầy đủ thi la; hoặc nói phạm hạnh, pháp thắng thiện, đây là hiệp nói từng cặp đôi. Nếu nói đầy đủ thi la, pháp thắng thiện và phạm hạnh; hoặc nói pháp thắng thiện, phạm hạnh và đầy đủ thi la; hoặc nói phạm hạnh, đầy đủ thi la và pháp thắng thiện, đây là hiệp nói cặp ba. Nếu nói hạng người tương tợ như tôi nên đem pháp dâm dục cúng dường thì phạm Tăng-già-phạt-thi-sa.

Nếu Bí-sô do tâm nhiễm dính mắc nói với người nữ có thể hành dâm rằng: “Này em, loại cúng dường này là hơn hết, hạng người tương tợ như tôi nên cúng dường”, mà không nói rõ là pháp dâm dục thì phạm Tốt-thổ-la-để. Nói hơn hết đã như vậy thì nói thắng, cho đến cực quảng đại cứ theo đây nên biết, như vậy nói riêng biệt mỗi thứ hay nói từng cặp đôi cho đến hiệp cả ba nói đầy đủ đều phạm Tốt-thổ-la-để.

Nếu Bí-sô do tâm nhiễm dính mắc nói với người nữ rằng: “Này em, loại cúng dường này là hơn hết, nếu có Bí-sô nào đầy đủ thi la hãy nên đem pháp dâm dục cúng dường”, mà không nói rõ là hạng người như tôi thì phạm Tốt-thổ-la-để. Nếu Bí-sô không nói rõ là đem pháp dâm dục cúng dường, cũng không nói hạng người như tôi thì phạm Đột-

sắc-ngật-lý-đa. Mỗi thứ nói riêng… giống như trên nên biết. Nếu nói với người nữ có thể hành dâm thì phạm tội căn bản, nếu người nữ không thể hành dâm thì phạm tội phương tiện. Nếu đối với nam bán-trạch-ca có thể hành dâm thì phạm Tốt-thổ-la-để, nếu không thể hành dâm thì phạm Ác-tác. Nếu đối với bàng sanh có lực hay vô lực đều phạm Áctác. Trường hợp không phạm là người phạm ban đầu, si cuồng tâm loạn bị thống não bức bách.