CĂN BẢN THUYẾT NHẤT THIẾT HỮU BỘ TỲ NẠI DA

Hán dịch: Đời Đường Tam Tạng Pháp Sư Nghĩa Tịnh 
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

QUYỂN 10

Học Xứ Thứ Tư: VỌNG NÓI ĐẮC PHÁP THƯỢNG NHƠN (Tiếp Theo)

2. Trường Hợp Năm Trăm Ngư Phủ:

Sau khi đức Bạc-già-phạm cho năm trăm ngư phủ xuất gia thọ viên cụ rồi liền từ Bệ-xá-ly đến tụ lạc phía bắc rừng Trúc, Phật và các Bí-sô nương ở trong khu rừng Thăng Nhiếp Ba. Lúc này ở thế gian bị mất mùa đói kém nên khất thực khó được, cha mẹ đối với con cái còn không thể giúp nhau huống chi là người khác đến xin, cho nên Thế Tôn bảo các Bí-sô: “Hiện nay gặp lúc mất mùa đói kém, khất thực khó được; cha mẹ đối với con cái còn không thể giúp nhau cho nên các thầy mỗi người nên tìm đến chỗ thân hữu ở các tụ lạc gần Bệ-xá-ly để an cư, Như Lai và A-nan an cư trong rừng này”. Các Bí-sô nghe rồi vâng theo lời Phật dạy, mỗi người tìm đến chỗ thân hữu của mình ở các tụ lạc gần Bệ-xá-ly để an cư. Lúc đó năm trăm Bí-sô thiện lai nói với nhau: “Như Thế Tôn dạy hiện nay gặp lúc mất mùa đói kém khất thực khó được, cha mẹ đối với con cái còn không thể giúp nhau huông chi là người khác đến xin. Các Bí-sô mỗi người đều tìm đến chỗ thân hữu ở tụ lạc gần Bệ-xá-ly để an cư, Phật và A-nan an cư trong khu rừng đó. Ở đây chúng ta không có ai quen thuộc để tìm đến an cư, nhưng ở thôn ngư phủ thì chúng ta có quyến thuộc, chúng ta nên đến đó thăm hỏi rồi ở ngoài thôn tạm cất thảo am để an cư”. Bàn xong năm trăm Bí-sô này liền đến thôn ngư phủ hỏi ý kiến các quyến thuộc rồi cất tạm thảo am ở ngoài thôn để an cư.

Lúc đó năm trăm Bí-sô này nói với nhau: “Chúng ta chưa học hiểu nhiều giáo lý, nếu các quyến thuộc đến thỉnh hỏi làm sao chúng ta thuyết pháp cho họ nghe. Nếu khi họ đến chúng ta phải khen ngợi lẫn nhau như vầy: Bà con được thiện lợi lớn, vì trong tụ lạc này có số tăng chúng thắng diệu đến an cư. Các Bí-sô đã chứng tưởng vô thường, tưởng khổ vô thường, tưởng khổ không, tưởng không vô ngã, tưởng nhàm lìa ẩm thực, tưởng không ưa thích tất cả thế gian, tưởng hoạn nạn, tưởng đoạn trừ, tưởng lìa dục, tưởng chấm dứt, tưởng chết chóc, tưởng bất tịnh, tưởng bầm xanh, tưởng phìng trướng, tưởng máu mủ chảy ra, tưởng trùng vòi ăn, tưởng máu huyết đầy khắp, tưởng tan rã, tưởng xương trắng, tưởng quán không. Các Bí-sô này đắc tĩnh lự thứ nhất, tĩnh lự thứ hai, tĩnh lự thứ ba, tĩnh lự thứ tư; đắc bốn tâm từ bi hỉ xả, đắc Không vô biên xứ, Thức vô biên xứ, Vô sở hữu xứ, Phi tưởng phi phi tưởng xứ. Các Bí-sô này chứng bốn quả, được sáu thần thông, tám giải thoát…”. Thời gian sau, các thân quyến đền thăm hỏi, các Bí-sô này liền khen ngợi lẫn nhau như đã cùng bàn tính trước cho đến câu: “Các Bí-sô này chứng bốn quả, được sáu thần thông, tám giải thoát”. Các quyến thuộc nghe rồi hỏi rằng: “Các Thánh giả thật sự chứng được thắng quả như vậy chăng?”, các Bí-sô này đáp: “Thật như vậy”. Những người thế tục trong thôn ngư phủ nghe các Bí-sô này chứng được Thắng quả như thế đều sanh lòng kính mến; đối với cha mẹ, vợ con quyến thuộc của họ còn không thể giúp nhau nhưng đối với các Bí-sô này họ cung phụng thức ăn thức uống đầy đủ.

Pháp thường của chư Phật khi chưa vào Niết-bàn còn an trụ ở thế gian, đối với đệ tử hắng năm có hai lần nhóm họp, một là vào ngày mười lăm tháng bốn làm lễ an cư, hai là ngày mười lăm tháng bảy làm lễ tùy ý. Nếu người Tiền an cư thì sau khi thọ giáo hóa rồi liền đi đến thành ấp thôn xóm nào đó để an cư; sau khi làm lễ tùy ý rồi liền trở về tụ hội chỗ Phật để trình bày sự chứng đắc của mình cho tất cả đều biết, nếu Bí-sô nào chưa chứng đắc thì cầu thỉnh phương pháp để tu chứng. Lúc đó các Bí-sô an cư gần Bệ-xá-ly sau ba tháng an cư, may y xong với nhan sắc tiều tụy, hình dung gầy yếu chấp trì y bát đi đến Trúc Lâm. Vừa đến nơi cụ thọ A-nan-đà từ xa đã trông thấy, đối với các Đồng phạm hạnh cụ thọ khởi tâm thân ái vui mừng gọi Thiện lai, rồi tới trước đón tiếp cấm lấy y bát… và thăm hỏi: “Các cụ thọ an cư ở nơi nào đến?”, các Bí-sô đáp: “Chúng tôi an cư ba tháng ở tụ lạc Phật Lật Thị, nay đến yết kiến Thế Tôn”, A-nan-đà hỏi: “Các cụ thọ an cư ba tháng cầu ẩm thực có vất vả không?”, các Bí-sô đáp: “Ba tháng an cư tuy an lạc nhưng khất thực rất khó khăn vất vả”, A-nan-đà nói: “Các cụ thọ hình dung gầy yếu đủ biết cầu ẩm thực rất khó khăn”.

Lúc đó năm trăm Bí-sô ở thôn ngư phủ an cư xong cũng chấp trì y bát đến Trúc Lâm yết kiến Thế Tôn , cụ thọ A-nan-đà cũng đón tiếp thăm hỏi như đối với các Bí-sô trên, năm trăm Bí-sô này đáp: “Chúng tôi an cư nơi đó được an lạc, việc ẩm thực dễ cầu”, A-nan-đà nói: “Các cụ thọ nhan sắc hồng hào, hình dung mập béo đủ biết ẩm thực dễ cầu; nhưng hiện nay gặp lúc mất mùa đói kém, cha mẹ đối với con cái còn không thể giúp nhau, tại sao các cụ thọ lại dễ được ẩm thực?”. Năm trăm Bí-sô này nói: “Chúng tôi đối trước các quyến thuộc tự khen ngợi lẫn nhau là Bí-sô này đắc tưởng vô thường… (như trên) cho đến câu đắc tám giải thoát nên được các quyến thuộc cúng dường thức ăn thức uống đầy đủ”. A-nan-đà hỏi: “Những gì các cụ thọ tự khen ngợi lẫn nhau là thật hay hư?”, năm trăm Bí-sô đáp: “Là hư không phải thật”. A-nanđà nói: “Các cụ thọ há vì chút ăn uống, tự thân không có pháp thượng nhơn mà lại tự xưng là chứng được hay sao?”, năm trăm Bí-sô nói: “Dù hợp hay không thì chúng tôi cũng đã nói rồi”. Các Bí-sô thiểu dục nghe rồi liền quở trách năm trăm Bí-sô này: “Tại sao các người vì tham ăn uống, tự thân không có pháp Thượng nhân mà lại tự xưng là chứng được?”. Các Bí-sô liền đem sự duyên này bạch Phật, Phật do duyên này nhóm họp các Bí-sô và hỏi năm trăm Bí-sô an cư ở thôn ngư phủ: “Các thầy thật không có pháp Thượng nhân mà tự xưng là chứng được phải không?”. Năm trăm Bí-sô này đáp: “Thật vậy thưa Thế Tôn”.

Phật liền dùng đủ lời quở trách các Bí-sô này rằng: “Việc các thầy đã làm không phải của sa môn, không phải hạnh tùy thuận, là việc không nên làm, không phải oai nghi, là việc mà người xuất gia không nên làm. các thầy nên biết trong thế gian có ba loại Đại tặc:

Một là loại đại tặc hoặc có trăm chúng, ngàn chúng, trăm ngàn chúng kéo đến thành ấp xóm làng đục tường, mở khóa lấy trộm tài vật của người; hoặc chận đường giết người cướp của; hoặc phóng hỏa đốt xóm làng; hoặc cướp phá quốc khố.

Hai là loại đại tặc không có trăm chúng, ngàn chúng, trăm ngàn chúng, không đến thành ấp đục tường mở khóa trộm lấy tài vật của người; cũng không chận đường giết người cướp của… như trên; nhưng lại lấy vật của Tăng kỳ như củi, rau, hoa trái… đem bán để tự nuôi sống hay đem cho người khác.

Ba là loại Đại tặc không có trăm chúng, ngàn chúng, trăm ngàn chúng, không đến thành ấp đục tường mở khóa trộm lấy tài vật của người… như trên; cũng không lấy vật của Tăng kỳ… như trên; nhưng tự thân thật chưa chứng đắc pháp Thượng nhân mà lại vọng nói là đã chứng đắc. Này các Bí-sô, đại tặc thứ nhất, đại tặc thứ hai không gọi là Đại tặc mà chỉ gọi là Tiểu tặc; còn các Bí-sô thật chưa chứng đắc pháp thượng nhân mà tự xưng là đã chứng đắc, thì ở trong loài người, trời, Ma phạm, Sa môn, Bà-la-môn mới chính là Đại tặc”.

Như Lai liền nói kệ:

“Thật không phải La Hán,
Tự nói là La Hán,
Ở trong loài người, trời,
Mới chính là Đại tặc”.

Thế Tôn đủ lời quở trách rồi liền bảo các Bí-sô: “Ta quan thấy mười điều lợi nên ở nơi Tỳ-nại-da chế học xứ này cho các đệ tử như sau: Nếu lại có Bí-sô thật sự không biết, không biết gì hết, tự biết mình không chứng đắc pháp Thượng nhân, là pháp mà bậc Thánh giả tịch tịnh chứng ngộ thù thắng, trụ trong Trí kiến an lạc mà nói là ta biết ta thấy. Kẻ này vào thời gian khác hoặc có người hỏi hay không có người hỏi, vì muốn được thanh tịnh nên nói rằng: Này các cụ thọ, thật sự tôi không biết, không thấy mà vọng nói là có biết có thấy thì kẻ này phạm Ba-la-thị-ca, không nên cùng ở chung”.

3. Trường Hợp Bí-sô ở A-Lan-Nhã:

Sau khi Thế Tôn chế học xứ này cho các Bí-sô rồi, lúc đó có một số đông Bí-sô trụ ở A-lan-nhã thọ ngọa cụ thô xấu, do sách tấn chuyên tu tương ưng nên được chút ít tự tướng, tịch chỉ phương tiện thế gian, liền nghĩ là đã chiết phục được phiền não và dục nhiễm sân hận không còn hiện hành nên nói với nhau: “Các cụ thọ biết chăng, ở trong A-lannhã những gì nên chứng đắc tôi đều đã chứng được, đời này sanh đã tận, phạm hạnh đã lập, việc nên làm đã làm xong, không còn thọ thân sau. Nay tôi có thể rời khỏi A-lan-nhã đến ở nơi tụ lạc”. Nói xong họ liền cùng nhau rời khỏi A-lan-nhã dến ở nơi tụ lạc, nhưng khi ở đây họ thường gặp nữ nhơn, hoặc cầu tịch, tịnh nhơn; do cùng ở chung xen tạp nên phiền não sanh khởi trở lại, dục nhiễm và sân hận lại hiện hành, các Bí-sô này nói với nhau: “Thế Tôn đã ở nơi Tỳ-nại-da chế học xứ cho các đệ tử: Nếu lại có Bí-sô thật sự không biết… như trên cho đến câu không nên cùng ở chung. Chúng ta sống ở A-lan-nhã thọ ngọa cụ thô xấu, do sách tấn chuyên tu tương ưng… như trên cho đến câu dục nhiễm và sân hận lại hiện hành. Như vậy há chẳng phải chúng ta đã phạm tội Tha thắng rồi hay sao. Chúng ta nên đến chỗ cụ thọ A-nan-đà nói rõ sự việc, cụ thọ nói thế nào thì chúng ta sẽ làm theo như thế ấy”. Nói rồi họ liền cùng nhau đi đến chỗ cụ thọ A-nan-đà nói rõ sự việc như trên và hỏi: “Không biết chúng tôi có phạm tội Tha thắng không?”. Cụ thọ A-nan-đà nghe rồi liền dẫn các Bí-so này đến chỗ Phật, đảnh lễ Phật rồi đem sự việc kể trên bạch Phật và hỏi: “Thế Tôn, các Bí-sô này có phạm tội cực trọng hay không?”. Thế Tôn nói: “Này A-nan-đà, trừ bậc tăng thượng mạn không phạm bổn tội”. Lúc đó Thế Tôn liền dùng đủ phương tiện vì người ưa thích trì giới, người tôn trọng giới tùy thuận khuyến dụ mà thuyết pháp rồi bảo các Bí-sô: Này các Bí-sô, trước kia là sáng chế (chế lần đầu tiên) còn bây giờ là tùy khai. Nay ta vì các đệ tử Thanh văn nói lại học xứ này như sau: “Nếu lại có Bí-sô thật không biết, không biết gì hết, tự biết mình không chứng đắc pháp Thượng nhân, là pháp mà bậc Thánh giả tịch tịnh chứng ngộ thù thắng, trụ trong Trí kiến an lạc mà nói là tôi biết tôi thấy. Vị này vào một thời gian khác có người hỏi hay không có người hỏi, vì muốn được thanh tịnh nên nói rằng: Các cụ thọ, tôi thật không biết không thấy mà vọng nói là có biết có thấy, trừ bậc tăng thượng mạn, Bí-sô này phạm Ba-lathị-ca không nên cùng ở chung”.

– Bí-sô: Nghĩa như đã giải thích ở trước.

– Không biết là không biết sắc thọ tưởng hành thức.

– Không biết gì hết là không biết gì về sắc thọ tưởng hành thức.

– Pháp thượng nhân: Thượng là chỉ cho Sắc giới ở trên Dục giới và Vô sắc giới ở trên Sắc giới; Nhân là chỉ cho phàm nhân; pháp là chỉ cho Ngũ Cái, có thể trừ được Ngũ cái này thì gọi là Thượng.

– Tịch tĩnh là Niết-bàn, Thánh là chỉ cho Phật và Thanh văn;Chứng ngộ thù thắng là chỉ cho bốn quả sa môn tức là quả Dự-lưu, Nhất-lai, Bất-hoàn và A-la-hán.

– Trí là bốn trí Khổ trí, Tập trí, Diệt trí, Đạo trí và các Trí khác; Thấy là thấy bốn Thánh đế; An lạc trụ là được bốn tĩnh lự; Nói Tôi biết là biết pháp Tứ đế; Nói Tôi thấy là thấy Trời, Rồng, Dạ xoa, Yết-lanđạc-ca lộ đồ, Kiền-đạt-bà, Khẩn-na-la, Cưu-bàn-trà, Yết-lan-đạc-ca tra bố đơn na, quỷ Tất-xá-già. Nói Tôi nghe là nghe tiếng Trời, rồng… tiếng quỷ Tất-xá-già; Tôi đến cõi trời… chỗ quỷ Tất-xá-già; Hoặc Trời, rồng… đền chỗ tôi; Tôi thân gần nói chuyện với Trời, rồng…; Trời, rồng cũng thân gần nói chuyện với tôi.

– Thật chưa chứng mà vọng nói là đã chứng tức là nói đắc tưởng Vô thường… đắc tám giải thoát.

– Kia vào thời gian khác là sau khi nói vào một thời gian nào đó; Có người hỏi là bị người khác hỏi; Không có người hỏi là do mình sanh tâm hối hận mà ưu sầu; Muốn mình được thanh tịnh là mong cầu khỏi tội.

– Nói rằng: Cụ thọ, tôi thật không biết là thuộc về ý thức; Tôi thật không thấy là thuộc về nhãn thức.

– Hư dối vọng ngữ là nói khác với ý nghĩ; Trừ bậc Tăng thượng mạn là trừ người tăng thượng mạn, họ chưa thật chứng mà tưởng là đã thật chứng, do không có tâm hư vọng nên không phạm tội căn bản.

– Chữ “Thử” là chỉ cho người phạm; Bí-sô là người có tánh Bí-sô(như đã giải ở trong các giới trên) cho đến câu không thuộc trong mười hai hạng người Tăng sai nên gọi là không cùng ở chung.

Trong học xứ này tướng phạm như thế nào?

Nhiếp Tụng:
Thấy tướng A-lan-nhã,
Trong nhà thọ diệu tòa,
Hay biết nơi tự tướng,
Phương tiện hiển mình chứng.

– Nếu Bí-sô ưa muốn như vậy, chấp nhận như vậy nói rằng: “Tôi thấy chư thiên cho đến thấy Yết-tra-bố-đơn-na” thì phạm Ba-la-thị-ca; nói thấy quỷ Phấn tảo thì phạm Tốt-thổ-la-để.

– Nếu Bí-sô ưa muốn như vậy, chấp nhận như vậy nói rằng: “Tôi nghe tiếng Trời… tiếng Yết-tra-bố-đơn-na” thì phạm Ba-la-thị-ca; nói nghe tiếng quỷ Phấn tảo thì phạm Tốt-thổ-la-để.

– Nếu Bí-sô tâm vọng nói rằng: “Tối đến chỗ chư thiên cho đến chỗ Yết-tra-bố-đơn-na” thì phạm Ba-la-thị-ca; nói tôi đến chỗ quỷ Phấn tảo thì phạm Tốt-thổ-la-để.”

– Nếu Bí-sô tâm vọng nói rằng: “Chư thiên đến chỗ tôi cho đến Yết-tra-bố-đơn-na đến chỗ tôi” thì phạm Ba-la-thị-ca; nói quỷ Phấn tảo đến chỗ tôi thì phạm Tốt-thổ-la-để.

– Nếu Bí-sô tâm vọng nói rằng: “Tôi thân gần nói chuyện với chư thiên cho đến Yết-tra-bố-đơn-na” thì phạm Ba-la-thị-ca; nói thân gần nói chuyện với quỷ Phấn tảo thì phạm Tốt-thổ-la-để.

– Nếu Bí-sô tâm vọng nói rằng: “Chư thiên thân gần nói chuyện với tôi cho đến Yết-tra-bố-đơn-na” thì phạm Ba-la-thị-ca; nói quỷ Phấn tảo thân gần nói chuyện với tôi thì phạm Tốt-thổ-la-để.

– Nếu Bí-sô tâm vọng nói rằng: “Tôi đắc tưởng Vô thường” mà thật sự là không đắc thì phạm Ba-la-thị-ca, cho đến nói đựơc Câu giải thoát đều phạm Ba-la-thị-ca.

– Nếu Bí-sô tâm vọng nói rằng: “Có nhiều Bí-sô ở thôn xóm hoặc A-lan-nhã phần nhiều bị phi nhơn đến nhiễu loạn. Trong số đó người nào đắc quả dự lưu hoặc Nhất lai, Bất hoàn, A-la-hán thì không bị phi nhơn nhiễu loạn; tôi ở nơi đó cũng không bị phi nhơn nhiễu loạn” thì phạm Ba-la-thị-ca.

– Nếu Bí-sô tâm vọng nói rằng: “Ở trong nhà của ___, thọ thỉnh thực trên tòa ngồi trải bằng lụa tạp năm màu thắng diệu, nếu người nào đắc bốn quả mới được ngồi trên tòa đó thọ thực; tôi cũng được ngồi trên tòa thắng diệu đó thọ thực” thì phạm Ba-la-thị-ca.

– Nếu Bí-sô tâm vọng nói rằng: “Có nhiều chúng Bí-sô ở A-lannhã hoặc trong tụ lạc được chút ít định tự tướng, tâm được chánh định, điều phục được phiền não; dục tham, sân hận không hiện hành. Tôi cũng ở nơi A-lan-nhã đó được một ít tự tướng… sân hận không hiện hành” thì phạm Ba-la-thị-ca.

– Nếu Bí-sô tâm vọng nói rằng: “Có Bí-sô đích thân thấy chư thiên” mà không nói là tôi thấy thì phạm Tốt-thổ-la-để; cho đến thấy Yết-tra-bố-đơn-na mà không nói là tôi thấy cũng phạm Tốt-thổ-la-để; nói thấy quỷ Phấn tảo mà không nói là tôi thấy thì pham Ác-tác.

– Nếu Bí-sô tâm vọng nói rằng: “Có Bí-sô nghe tiếng của chư thiên” mà không nói là tôi nghe thì phạm Tốt-thổ-la-để; cho đến nghe tiếng của Yết-tra-bố-đơn-na mà không nói là tôi nghe cũng phạm Tốtthổ-la-để; nghe tiếng của quỷ Phấn tảo mà không nói là tôi nghe thì phạm Ác-tác.

– Nếu Bí-sô tâm vọng nói rằng: “Có Bí-sô đến chỗ của chư thiên” Cho đến chỗ của Yết-tra-bố-đơn-na mà không nói là Tôi đến thì phạm Tốt-thổ-la-để; chỗ của quỷ Phấn tảo mà không nói là Tôi đến thì phạm Ác-tác.

– Nếu Bí-sô tâm vọng nói rằng: “Có chư thiên cho đến Yết-trabố-đơn-na đến chỗ của Bí-sô” mà không nói là đến chỗ Tôi thì phạm Tốt-thổ-la-để; nếu nói là quỷ Phấn tảo thì phạm Ác-tác.

– Nếu Bí-sô tâm vọng nói rằng: “Có Bí-sô thân gần nói chuyện với chư thiên cho đến Yết-tra-bố-đơn-na” mà không nói là Tôi thì phạm Tốt-thổ-la-để; nếu nói là quỷ Phấn tảo thì phạm Ác-tác.

– Nếu Bí-sô tâm vọng nói rằng: “Có chư thiên cho đến Yết-tra-bốđơn-na thân gần nói chuyện với Bí-sô” mà không nói là Tôi thì phạm Tốt-thổ-la-để; nếu nói có quỷ Phấn tảo thì phạm Ác-tác.

– Nếu Bí-sô tâm vọng nói rằng: “Có Bí-sô đắc tưởng Vô thường cho đến tám giải thoát” mà không nói là Tôi thì phạm Tốt-thổ-la-để.

– Nếu Bí-sô tâm vọng nói rằng: Có nhiều Bí-sô ở A-lan-nhã hoặc trong tụ lạc thường bị phi nhơn quấy nhiễu, trong đó Bí-sô nào đắc bốn quả thì không bị phi nhơn nhiễu loạn; có một Bí-sô ở trong tụ lạc đó cũng không bị phi nhơn nhiễu loạn” mà không nói là Tôi thì phạm Tốtthổ-la-để.

– Nếu Bí-sô tâm vọng nói rằng: “Có nhiều chúng Bí-sô ở trong nhà thế tục ngồi trên tòa thắng diệu thọ thực đều đã chứng bốn quả; có một Bí-sô cũng đã ở trong nhà đó ngồi trên tòa thắng diệu thọ thực” mà không nói rõ là Tôi thì phạm Tốt-thổ-la-để.

– Nếu Bí-sô tâm vọng nói rằng: “Có nhiều Bí-sô ở A-lan-nhã hoặc ở tụ lạc được ít định tự tướng, điều phục được phiền não, tham dục sân hận không hiện hành; có một Bí-sô ở trong tụ lạc kia cũng được ít định tự tướng… sân hận không hiện hành” mà không nói rõ là Tôi thì phạm Tốt-thổ-la-để.

Nhiếp Tụng:
Đoán thắng lại thua trận,
Nắng hạn trời mưa ít,
Nghiệp lực Nam thành Nữ,
Suối nóng nghe tiếng voi.

1. Trường Hợp Dự Đoán Thắng Trận:

Phật ở thành Quảng Nghiêm trong giảng đường Cao các bên bờ sông Di Hầu, lúc đó vua Vị-sanh-oán nuớc Ma Yết Đà trước kia có đối nghịch với các Lật-cô-tỳ ở thành Quảng Nghiêm nên mới huy động bốn binh tượng, mã, xa và bộ binh đến nước Phật Lật Thị khiêu chiến. Người trong nước Phật Lật Thị liền báo tin cho các Lật-cô-tỳ ở thành Quảng Nghiêm biết. Các Lật-cô-tỳ nghe tin liền nghiêm chỉnh bốn binh ra thành chống cự, khi xuất binh ra thành là buổi sáng vừa đúng lúc cụ thọ Mục-kiền-liên đang chấp trì y bát vào thành khất thực. Binh chúng Lật-cô-tỳ trông thấy cụ thọ Mục-kiền-liên từ xa đi lại liền nói với nhau: “Các vị biết không, tôi từng nghe nói cụ thọ Mục-kiền-liên là vị Thánh thứ ba không có việc gì là không biết. Chúng ta nên hỏi Thánh giả hai nước sắp đánh nhau bên nào sẽ thắng”. Nói rồi liền đến trước cụ thọ Mục-kiền-liên hỏi rằng: “Thánh giả, vua Vị-sanh-oán nước Ma Yết Đà đến đánh phá nước chúng tôi, chúng tôi xuất binh chống cự, hai nước đánh nhau bên nào sẽ thắng?”, cụ thọ liền đáp: “Các vị sẽ thắng”. Các binh chúng nghe rồi liền loan tin: “Thánh giả Mục Liên dự đoán chúng ta chiến đấu sẽ thắng” khiến cho lòng quân vui mừng phấn khởi nên khi giao chiến liền đại phá được quân của vua Vị-sanh-oán và truy đuổi lên hướng bắc đến tận bờ sông Căng già. Quân binh thành Quảng Nghiêm đắc thắng nên nhuệ khí tăng lên gấp bội, lúc đó vua Vị-sanh-oán suy nghĩ: “Binh chúng trong thành nhuệ khí đang tăng, nếu bây giờ đưa quân qua sông trở về thì họ sẽ xông tới bắt giết chúng ta ngay”. Nghĩ rồi vua liền ra lịnh tất cả binh chúng đều phải một lòng quay trở lại đánh úp, nghe lịnh vua các binh chúng suy nghĩ: “Chúng ta rời đất nước đi đánh thành Quảng Nghiêm không may bị bại trận, nay phải một lòng quay trở lại đánh úp mới mong sống sót”. Nghĩ rồi liền một lòng quay lại đánh úp quân binh thành Quảng Nghiêm, bị đánh úp bất ngờ nên quân binh thành Quảng Nghiêm bị bại phải rút lui, chạy vào thành đóng chặt cửa thành tự cố thủ. Vua nước Ma Yết Đà đánh úp được thắng trận rồi liền thu quân trở về thành Vương Xá. Lúc đó các Lật-cô-tỳ ở khắp nơi trong thành cùng cơ hiềm rằng: “Thánh giả Mục liên dự đoán chúng ta chiến thắng nay rốt cuộc bị bại thì làm sao nói là chiến thắng chứ!”. Đúng lúc đó lục chúng vào thành khất thực nghe thấy liền hỏi: “Các ông hiềm trách ai vậy?”, đáp: “Hiềm trách các vị”, hỏi: “Chúng tôi làm gì mà các ông hiềm trách?”, đáp: “Thánh giả Mục Liên dự đoán chúng tôi chiến thắng nay rốt cuộc bị bại, như thế gọi là chiến thắng hay sao?”. Lục chúng hỏi: “Lúc mới xuất binh đánh nhau thì bên nào thắng?”, đáp: “Chúng tôi thắng”, lục chúng nói: “Các ông chiến thăng rồi đáng lẽ nên rút quân về, tại sao các ông còn truy đuổi tận cùng, các ông không nghe nói con dã can bị bức bách thì sức nó như mãnh hổ hay sao?”. Mọi người nghe rồi tữ biết mình vô lý nên im lặng không nói gì nữa, lúc đó lục chúng nói với nhau: “Chúng ta tạm ứng theo thời cơ mà trả lời khiến họ không còn hiềm trách nữa, nhưng cụ thọ Mục-kiềnliên có phạm tội, chúng ta nên cật vấn bảo thầy ấy sám hối”. Nói rồi lục chúng trở về trú xứ, ăn xong rồi liền đến chỗ cụ thọ Mục-kiền-liên vái chào rồi nói rằng: “Nay chúng tôi có chút việc gạn hỏi, mong cụ thọ từ bi cho phép”, cụ thọ Mục-kiền-liên nói: “Trong năm bộ tội, các vị mặc tình cử tội”, lục chúng nói: “Cụ thọ dự đoán quân của các Lậtcô-tỳ chiến đấu thắng trận nhưng rốt cuộc bị bại, như vậy gọi là chiến thắng hay sao. Cụ thọ mang bát khất thực không thể nuôi sống được sao mà phải hư dối dự đoán việc của người như thế. Không thấy thật trạng khiến họ cơ hiềm, chúng tôi đi qua cũng bị hủy báng khiến chúng tôi chẳng khất thực được, cụ thọ đã phạm tội phải như pháp sám hối”, cụ thọ Mục-kiền-liên nói: “Các cụ thọ, tôi không thấy tội”. Lục chúng liền nói với nhau: “Các vị biết chăng, như Thế Tôn dạy nếu không thấy tội thì tác pháp yết ma không thấy tội xả trí. Phạm mà nói là không thấy tội thì khó dung thứ được, ai là người Thọ sự nên sai đánh kiền chùy”. Vị Thọ sự hỏi: “Đánh kiền chùy làm gì?”, lục chúng nói: “Cụ thọ Mụckiền-liên thiểu dục có phạm tội mà nói không thấy tội, nay nên tác pháp yết ma xả trí”. Lúc đó vị Thọ sự cùng lục chúng đi đến chỗ cụ thọ Xá-lợi-tử là bậc Thượng tọa trong chúng để xin phép đánh kiền chùy, cụ thọ Xá-lợi-tử nói: “Đừng khiến cho chánh pháp bị hủy tổn, vì ai mà tác pháp Biến trụ cho đến pháp Xuất tội?, lục chúng nói: “Thưa Thượng tọa, vì cụ thọ Mục-kiền-liên dự đoán sai việc của người, phạm tội mà nói là không thấy tội nên chúng tôi muốn tác pháp không thấy tội xả trí”, cụ thọ Xá-lợi-tử nói: “Các cụ thọ đừng làm việc phi pháp để não loạn bậc kỳ đức, đại sư Thế Tôn đủ Nhất thiết trí đối tất cả pháp đều tự tại, các vị nên đến thỉnh hỏi Phật quyết nghi, Đức Phật dạy thế nào các vị nên phụng hành theo như thế ấy”. Các Bí-sô nghe lời đem việc này đến bạch Phật quyết nghi, Phật nói: “Phàm khi chiến đấu phi nhơn chiến thắng trước, người chiến thăng sau; nếu phi nhơn chiến thắng thì người cũng chiến thắng, lúc Mục Liên nói các Lật-cô-tỳ chiến thắng là lúc đó phi nhơn ở thành Quảng Nghiêm chiến thắng, phi nhơn ở thành Vương Xá thua, nhưng khi đi đến bờ sông Căng già thì phi nhơn thành

Vương Xá lại chiến thắng, phi nhơn thành Quảng Nghiêm lại thua. Mục Liên dự đoán lúc đầu thắng chứ không nói lúc sau, nếu người hỏi gồm cả trước và sau thì Mục Liên mới trả lời đủ trước sau, cho nên Mục Liên không phạm. Nếu có Bí-sô nào khởi tâm như vậy khi dự đoán việc của người thì cũng không phạm, khác với trường hợp này thì phạm tội Việt pháp”.

2. Trường Hợp Dự Đoán Trời Mưa:

Phật ở thành Quảng Nghiêm trong giảng đường Cao các bên bờ sông Di hầu, lúc đó các ngoại đạo dự đoán thế gian trong mười hai năm trời nắng hạn không mưa. Khi cụ thọ Mục-kiền-liên chấp trì y bát vào thành khất thực, người trong thành liền hỏi: “Thánh giả, khi nào trời mưa?”, đáp: “Bảy ngày sau trời sẽ mưa”. Mọi người nghe rồi liền loan tin nhau: “Thánh giả Mục Liên dự đoán bảy ngày sau trời sẽ mưa”, mọi người liền đem các loại lúa giống gieo xuống đất, bảy ngày sau mây kéo đến, sấm chớp nổi lên nhưng mưa chỉ vừa đủ ướt đất mà thôi. Mọi người khắp trong thành đếu oán trách: “Các người biết chăng, thà tin theo ngoại đạo chứ đừng tin theo sa môn Thích ca tử”. Vừa lúc đó lục chúng vào thành khất thực nghe thấy liền hỏi: “Các vị oán trách ai?”, đáp: “Oán trách sa môn các vị”, lục chúng hỏi: “Chúng tôi làm gì mà các vị oán trách?”, đáp: “Thánh giả Mục Liên dự đoán bảy ngày sau trời sẽ mưa nên chúng tôi đã đem các loại lúa giống gieo xuống đất, nhưng rốt cuộc trời không mưa”. Lục chúng nói: “Các vị quen biết ngoại đạo thấy họ dự ký; khi thấy mây kéo đến, sấm chớp nổi lên, mưa rơi vài hột mới khấn vái khiến trời mưa. Cụ thọ Mục-kiền-liên dự đoán trời mưa thì quả trời có mưa, nhưng cụ thọ đâu có dự đoán là lúa giống sẽ được mùa phải không?”. Mọi người nghe rồi tự biết mình vô lý nên im lặng không nói gì nữa, lục chúng Bí-sô nói với nhau: “Chúng ta đã tạm ứng theo thời cơ mà trả lời khiến họ không còn oán trách nữa, nhưng Mục Liên thiểu dục có phạm tội, chúng ta nên bảo Mục liên sám hối”. Nói rồi lục chúng trở về trú xứ, ăn xong liền đến chỗ cụ thọ Mục-kiền-liên nói rằng: “Cụ thọ cho phép chúng tôi cật vấn một việc”, đáp: Các vị tùy ý cật vấn”, lục chúng nói: “Ngoại đạo dự đoán trong mười hai năm trời nắng hạn không mưa, còn cụ thọ lại dự đoán bảy ngày sau trời sẽ mưa khiến họ đem lúa giống gieo xuống đất nhưng rốt cuộc trời không mưa. Mọi người trong thành đều oán trách khiến chúng tôi đi qua cũng bị phỉ báng không thể khất thực được, cụ thọ đã phạm tối nên như pháp sám hối”, Mục Liên đáp: “Các cụ thọ, tôi không thấy tội”. Lục chúng liền nói với nhau: “Các vị biết không như Thế Tôn dạy nếu không thấy tội thì nên tác pháp yết ma không thấy tội xả trí”, nói rồi sai đánh kiền chùy… sự việc diễn tiến giống như đoạn văn trên cho đến các Bí-sô đem việc này bạch Phật, Phật nói: “Này các Bí-sô, có năm nhân duyên trời không thể mưa, do người dự đoán không biết rõ nên dự đoán là mưa:

Một là khi thấy mây kéo đến, sấm chớp nổi lên, gió thổi mạnh, lúc đó người dự đoán liền nói là trời mưa; nhưng đại địa này có luồng khí nóng từ hạ giới xông lên làm cho mưa khô ráo, vì vậy trời không thể mưa.

Hai là khi thấy mấy kéo đên, sấm chớp nổi lên, gió thổi mạnh, lúc đó người dự đoán liền nói là trời mưa; nhưng trong hư không có gió mạnh kéo tới thổ bạt đám mây này đi, nên trời chỉ mưa ở trong Trượng lâm hoặc Yết-lăng-già-lan hoặc trong rừng mà thôi.

Ba là khi thấy mây kéo đến, gió thổi mạnh, người dự đoán liền nói là trời mưa; nhưng lúc này các thiên thần làm mưa đang phóng dật nên không trút xuống mưa lành, vì vậy trời không thể mưa được.

Bốn là dù cho người dự đoán nói là trời mưa, vì loài hữu tình thích làm pháp ác, phi phần khởi tham, trụ nơi tà kiến khiến cho trời không giáng mưa.

Năm là dù cho người dự đoán nói là trời mưa; nhưng lúc đó vua A-tu-la La-hỗ-la từ đại hải xuất hiện dùng hai tay hứng nước bỏ trong đại hải, vì vậy trời không thể mưa.

Này các Bí-sô, khi Mục Liên dự đoán là trời mưa, lúc đó vua Atu-la La-hỗ-la dùng hai tay hứng nước bỏ vào trong biển nên mưa không lớn. Người trong thành lúc đó không hỏi rõ là mưa có đủ cho vụ gieo lúa giống được mùa hay không, mà chỉ hỏi là có mưa hay không, Mục Liên trả lời theo câu hỏi là có mưa nên không phạm, nếu khác với trường hợp này thì phạm tội Việt pháp”.

3. Trường Hợp Dự Đoán Thai Nhi:

Phật ở thành Quảng Nghiêm trong giảng đường Cao Các bên bờ sông Di hầu, lúc đó có người vợ của môn đồ ngoại đạo không mặc áo đang mang thai, môn đồ ngoại đạo này trông thấy cụ thọ Mục-kiền-liên thứ lớp khất thực đến nhà mình liền suy nghĩ: “ta nghe nói vị Thánh giả này không việc gì là không biết, ta nên hỏi vợ ta đang mang thai là trai hay gái”, nghĩ rồi liền hỏi Mục Liên: “Thánh giả, vợ tôi đang mang thai là trai hay gái?”, đáp: “Thai nhi là trai”. Người thế gian hễ nghe nói phú thạnh thảy đều vui mừng, môn đồ ngoại đạo này nghe nói thai nhi là trai nên vui mừng liền đem thức ăn thượng hảo đựng đầy bát dâng cúng Thánh giả Mục Liên rồi thỉnh Thánh giả ngày khác đến nữa. Gần nhà của môn đồ ngoại đạo này có ngoại đạo lộ hình là người đứng đầu ngoại đạo thấy cụ thọ Mục-kiền-liên mang bát đầy thức ăn đi ra liền suy nghĩ: “Ta chỉ có nhà thí chủ này cúng dường thức ăn, nay bị sa môn Thích Ca tử giáo hóa đoạt mất, đây không phải là điều tốt. Ta nên đến hỏi khéo để biết lý do”, nghĩ rồi liền đến nhà thí chủ đó hỏi rằng: “Sa môn Mục Liên vừa đến đây phải không?”, đáp: “Phải”, hỏi: “Sa môn ấy nói gì với ông?”, đáp: “Tôi hỏi vợ tôi đang mang thai là trai hay gái, Thánh giả nói là trai”. Ngoại đạo lộ hình này giỏi về bói toán liền bói một quẻ biết thai nhi là nữ, nói rằng: “Tôi bói thấy thai ni là nữ không phải nam”. Vị môn đồ ngoại đạo nghe rồi nổi giận nói: “Ông là người cạo tóc lộ hình làm sao đoán biết được, chẳng lẽ trí của Thánh giả Mục Liên không bắng ông sao. Thánh giả dự đoán là trai thì nhật định sẽ sanh trai, ông hiểu biết nông cạn mới gượng nói là gái”. Ngoại đạo lộ hình này bị nhục mạ liền kiểm tra lại quẻ bói lần nữa, biết chắc chắn là gái liền đổi sắc mặt nói rằng: “Cho dù sa môn Cù Đáp Ma nói thai nhi là trai, ta cũng khẳng định đó là gái”. Người vợ của môn đồ ngoịa đạo mang thai đủ tháng liền hạ sanh một gái, môn đồ ngoại đạo này cùng toàn thể gia quyến cơ hiềm phỉ báng khắp nơi: “Ngoại đạo lộ hình dụ đoán không hư dối, còn lời sa môn nói đều là hư dối, Mục Liên nói thai nhi là trai bây giờ lại sanh gái”. Tiếng đồn lan khắp nơi nên khắp nơi đều nghe lời cơ hiềm rằng: “Mọi người biết chăng, thà tin ngoại đạo chớ đừng tin sa môn Thích tử”. Vừa lúc đó lục chúng Bí-sô vào thành khất thực nghe được những lời cơ hiềm này liền hỏi: “Các vị hiềm trách ai?”, đáp: “Chúng tôi hiềm trách sa môn các ông”, lục chúng hỏi: “Chúng tôi làm gì mà các vị hiềm trách ?”, đáp: “Thánh giả Mục Liên dự đoán vợ của môn đồ ngoại đạo sẽ sanh trai nay lại sanh gái”. Lục chúng nghe rồi liền nói: “Người thế gian đều chìm nổi trong biển vô trí, chỉ có Phật Thế Tôn đối với việc thọ ký mới nói lời không hư vọng, còn những người khác nói đôi khi vẫn có sai lầm, nhưng người sanh ra không phải trai thì là gái chứ có sanh ra là chó hay khỉ đâu mà hiềm trách”. Mọi người nghe lục chúng Bí-sô nói như vậy đều im lặng, lục chúng liền nói với nhau: “Chúng ta tạm tùy thời trả lời như vậy để họ không hiềm trách nữa, nhưng Mục Liên thiểu dục có phạm tội nên bảo vị ấy sám hối”. (Sự việc diễn tiến giống như đoạn văn trên) cho đến các Bí-sô đem việc này bạch Phật, Phật nói: “Này các Bí-sô, có bốn chỗ không thể suy lường dự đoán chính xác được, nếu gượng suy xét thì tâm mê loạn có thể phát cuồng:

– Một là suy xét về thần ngã.

– Hai là suy xét về thế gian.

– Ba là suy xét về nghiệp dị thục của hữu tình.

– Bốn là suy xét về cảnh giới của chư Phật.

Khi mục Liên dự đoán, thai nhi quả thật là trai nhưng thời gian sau do nghiệp dị thục, thai đó chuyển thành gái. Nếu môn đồ ngoại đạo kia hỏi Mục Liên rằng: “Vợ tôi lúc sanh là trai hay gái”, thì Mục Liên sẽ nói là gái. Này các Bí-sô, Mục Liên dựa trân sự việc hiện tại mà dự đoán là trai nên không phạm”.

4. Trường Hợp Dự Đoán Suối Nước Nóng:

Phật ở thành Vương Xá trong vườn Trúc lâm bên ao Yết-lan-đạcca, trong thành có một trưởng giả nghe ngưới khác nói rằng: “Nếu ai không báo trước mà thiết trai cúng dường cho tăng thì tài thực sẽ đến bất ngờ cho người đó và sở cầu được tăng trưởng”. Trưởng giả liền suy nghĩ: “Muốn kiếm tiền tài thì đấy là phương tiện tốt, ta nay sẽ không báo trước mà đột xuất cúng dường cho Tăng”. Nghĩ rồi ông liền ra chợ mua nhiều tịnh thịt đem về nấu thành món cháo thịt thơm ngon, nấu xong liền đến cửa thành nói với người giữ cửa thành rằng: “Nếu ông thấy có Bí-sô khất thực thì mời giúp đến nhà tôi thọ”. Người giữ cửa thành nhận lời, thấy Bí-sô nào khất thực cũng đều mời đến nhà ông trưởng giả, Bí-sô nào đến cũng được trưởng giả cúng dường đầy bát cháo thơm ngon, các Bí-so lãnh thọ rồi trở về trú xứ của mình thọ thực. Lúc đó gặp lúc khí trời lạnh giá, các Bí-sô thọ thực rồi nói với nhau: “Bát dính nhiều dầu mở khó rửa, chúng ta nên đem bát đến suối nước nóng để rửa”. Nói rồi các Bí-sô cùng nhau đến bờ suối nước nóng tự rửa bát của mình, lúc đó có một Bí-sô trẻ tuổi suy nghĩ không biết suối nước nóng này từ đâu chảy đến, liền đến chỗ Ô-ba-nan-đà đang rửa bát cách đó không xa hỏi rằng: “Đại đức, suối nước nóng này từ đâu chảy đến?”. Ô-ba-nan-đà thấy cụ thọ Mục-kiền-liên đang rửa bát gần đó liền bảo Bí-sô trẻ tuổi: “Thầy hãy đến hỏi thiểu dục Mục Liên”. Bí-sô trẻ tuổi này liền đến chỗ Mục Liên hỏi như trên, Mục Liên đáp: “Suối nước nóng này từ ao lớn Vô Nhiệt Não chảy đến”. Ô-ba-nan-đà nghe rồi liền nói: “Thượng tọa đừng làm hại chánh kinh, đừng làm tổn pháp nhãn. Tôi tuy chưa chứng nhưng há không có A-lan-nhã Cấp Ma sao?. Như Phật có nói nước ở trong ao Vô Nhiệt Não có đủ tám công đức: lạnh, mát, dịu, ngon, sạch, trong, thơm và tinh khiết; uống nước này vào trị được bá bịnh. Nếu như lời Thượng tọa dự đoán thì trái với tám công đức này chăng?”. Sự việc diễn tiến giống như ở đoạn văn trên cho đến các Bí-sô đem việc này bạch Phật, Phật nói: “Các Bí-sô nên biết, nước từ ao Vô Nhiệt Não đi trải qua năm trăm Nại-lạc-ca nóng bức mới chảy đến đây. Do duyên này nên biến thành nước nóng, nếu hỏi Mục Liên do duyên gì làm cho nước thành nóng thì Mục Liên sẽ trả lời là do duyên không lạnh. Này các Bí-sô do Mục Liên khởi tưởng như thế khi nói nên không phạm”.

5. Trường Hợp Nhập Định Nghe Tiếng Voi Rống:

Phật ở thành Thất-la-phiệt trong vườn Cấp-cô-độc, lúc đó cụ thọ Mục-kiền-liên nói với các Bí-sô: “Các cụ thọ, tôi nhập định Vô sở hữu xứ nghe có tiếng rống của Tượng vương bên bờ ao Mạn-đà-la”. Ô-banan-đà ngồi trong chúng nghe rồi nói rằng: “Thượng tọa chớ làm tổn chánh lý, chớ làm hại pháp nhãn. Tuy tôi chưa chứng nhưng há không có Thánh giáo hay sao, như Thế Tôn có nói người nhập định Vô sở hữu xứ thì xa lìa các cảnh sắc thanh, làm sao nhập định mà còn nghe được âm thanh. Thượng tọa nói như Thế-là không có lý”. Sự việc diễn tiến giống như ở đoạn văn trên cho đến các Bí-sô đem việc này bạch Phật, Phật nói: “Này các Bí-sô, lời Mục Liên nói không phải là lời hư vọng. Tuy người nhập định này các sắc thanh tưởng thảy đều xa lìa, nhưng Mục Liên chứng được Tĩnh lự giải thoát đẳng trì thắng diệu mau xuất mau nhập nên Mục Liên tuy đã xuất định mà vẫn tưởng là còn đang nhập định nên mới nói với các Bí-sô rằng: “Tôi ở trong định nghe tiếng voi rống”. Này các Bí-sô, Mục Liên dựa trên thật tưởng mà nói nên không phạm. Ngoài trường hợp này ra còn có trường hợp không phạm nữa là người phạm đầu tiên hoặc si cuồng tâm loạn thống não bức bách”.