CĂN BẢN THUYẾT NHẤT THIẾT HỮU BỘ TỲ NẠI DA

Hán dịch: Đời Đường Tam Tạng Pháp Sư Nghĩa Tịnh 
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

QUYỂN 9

Học xứ thứ 4: VỌNG NÓI ĐẮC PHÁP THƯỢNG NHƠN

Nhiếp Tụng:
Đầu tiên Kiếp-tỷ-la
Năm trăm người đánh cá
Bí-sô ở Lan-nhã
Tự hiển chứng trái nhau (Tưởng chứng mà chưa chứng)

1. Trường hợp Bí-sô Kiếp-tỷ-la:

Lúc đó đức Bạc-già-phạm ở thành Quảng Nghiêm trong giảng đường Cao Các bên bờ ao Di Hầu, trong thành có năm trăm người đánh cá ở bên sông Thắng Huệ kết bạn với nhau. Nhóm người đánh cá này có hai giàn lưới là Tiểu túc và Đại túc, khi người mua cá ít thì dùng giàn lưới Tiểu túc đánh bắt cá, khi người mua cá nhiều thì dùng giàn lưới Đại túc để đánh bắt cá, còn khi có lễ hội lớn thì dùng luôn cả hai giàn lưới. Thời gian sau trong thành Quảng nghiêm có lễ hội lớn, người mua cá nhiều nên dùng một lúc cả hai giàn lưới này để đánh bắt cá. Nhóm năm trăm người này chia làm hai nhóm, mỗi nhóm hai trăm năm mươi người để coi giữ một giàn lưới, nhóm người coi giữ giàn lưới Tiểu túc đánh bắt được nhiều cá trạch, tôm cua… đổ chất đống ở bên bờ sông như đống lúa. Lúc đó trong biển cả có một con cá lớn tên Ma Kiệt ngủ quên bị thủy triều đánh đưa vào trong sông Thắng Huệ, lọt vào trong giàn lưới Đại túc của nhóm hai trăm năm mươi người đang coi giữ và đang cùng kéo lưới. Thân cá to lớn bị lưới bức bách nên cá Ma Kiệt thức dậy quẩy mình kéo cả lưới và nhóm hai trăm năm mươi người cuốn theo dòng nước. Cả nhóm hai trăm năm mươi kinh hãi kêu cứu vang dậy, nhóm người coi giữ lưới Tiểu túc đều cùng chạy đến kéo lưới giúp, nhưng không thể kéo giúp nổi trước sức mạnh của cá Ma Kiệt nên cũng bị cá kéo cuốn theo dòng nước. Cả nhóm năm trăm người này kinh hãi kêu cứu vang dậy khiến mọi người ở hai bên bờ sông từ kẻ chăn trâu, chăn dê, kiếm củi… có đến trăm ngàn người cùng chạy đến kéo lưới giúp. Tất cả mọi người thân thể đều bị thương, giàn lưới Đại túc cũng bị xé rách nhiều chỗ, vô cùng khó khăn cực nhọc mới kéo được cá Ma kiệt nằm trong lưới lên bờ. Con cá Ma Kiệt này rất kỳ lạ có đến mười tám cái đầu của đủ loài như đầu người, đầu voi, đầu ngựa, đầu lạc đà, đầu lừa, đầu bò, đầu khỉ, đầu sư tử, đầu cọp, đầu beo, đầu gấu, đầu chó, đầu heo… Vì cá kỳ lạ nên bốn phương xa gần loan tin nhau cùng kéo đến bờ sông Thắng Huệ xem có đến trăm ngàn câu chi người. Họ đứng nhìn cá chỉ trỏ rồi nói với nhau: “Các vị có thấy mười tám cái đầu của đủ loài hay không?”.

Pháp thường của chư Phật khi quan sát thế gian, không gì là không nghe thấy, không hiểu biết để khởi lòng đại bi làm lợi ích cho tất cả là điều tối thắng trong tất cả sự cứu hộ. Phật nương nơi định, trụ nơi huệ, hiển phát ba minh, khéo tu ba học, khéo điều phục ba nghiệp, vượt qua bốn Bộc lưu, an trụ bốn Thần túc, ở trong đêm dài tăm tối tu bốn Nhiếp hạnh, xả trừ năm Cái, xa lìa năm Chi, vượt qua năm Đường, sáu căn đầy đủ, sáu Độ viên mãn, khắp thí bảy Tài khai bảy Giác hoa, lìa hẳn tám pháp thế gian, chỉ bày tám Chánh đạo, đoạn hẳn chín Kiết, thông suốt chín Định, đầy đủ mười Lực danh vang khắp bốn phương, là bậc thù thắng nhất trong các bậc Đại tự tại đã chứng đắc Vô úy và hàng phục ma oán, cất tiếng rống sư tử, pháp âm vang dội chấn động như sấm dậy, ngày đêm sáu thời thường dùng Phật nhãn quan sát thế gian: Ai tăng, ai giảm, ai gặp khổ nạn, ai hướng vào nẻo ác, ai chìm đắm trong bùn dục lạc, ai có thể được giáo hóa, dùng phương tiện gì để cứu vớt họ. Ai không có Thánh tài khiến cho có Thánh tài, đem trí an thiện na phá màn vô minh; ai không có căn lành khiến họ trồng căn lành; ai đã có căn lành khiến cho tăng trưởng, đặt họ vào cõi trời người, an ổn không trở ngại thẳng đến thành Niết-bàn, như có thuyết nói:

“Nếu thủy triều biển cả
Có hạn kỳ mất đi
Phật đối với Hữu tình
Tế độ không thời gian
Như mẹ có con một
Bảo hộ con đến cùng.
Phật đối với Hữu tình,
Mẫn niệm còn hơn kia.
Phật đối với Hữu tình,
Từ niệm không rời xa,
Nghĩ cứu họ khổ nạn,
Như trâu mẹ theo con”.

Lúc đó Thế Tôn suy nghĩ: “Con cá Ma Kiệt này kiếp trước đã trồng căn lành đối với Phật, nay gặp khổ ách, ta nên đến bờ sông Thắng Huệ giăng lưới Đại giáo để hóa độ Hữu tình”. Pháp thường của chư Phật khi còn ở đời, chưa nhập Niết-bàn, thương xót muốn giáo hóa Hữu tình, Phật đi đến các cõi Nại-lạc-ca, bàng sanh, ngạ quỷ, nhơn thiên… hoặc đến các nơi như rừng thây chết, chỗ sông nước… Vì thế Thế Tôn muốn đến bờ sông Thắng Huệ, nơi cá Ma Kiệt đang gặp ách nạn. Lúc đó Phật mĩm cười, từ trong miệng phóng ra hào quang năm sắc chiếu xuống hay chiếu lên, nếu chiếu xuống thì chiếu đến ngục Vô gián và các ngục khác khiến cho chúng sanh trong đây đang bị đốt nóng liền được mát mẻ, đang bị lạnh cóng liền được ấm áp. Họ cảm thấy an lạc liền suy nghĩ: “Ta và mọi người từ cảnh khổ địa ngục chết đi, được sanh vào cõi khác chăng?”. Thế Tôn sau khi làm cho các hữu tình kia sanh tín tâm liền hiện nhiều tướng khác nữa, thấy những tướng này họ liền suy nghĩ: “Chúng ta không phải chết ở đây sanh về cõi kia, mà là do sức oai thần của Đại thánh đã khiến thân tâm chúng ta hiện được an lạc”. Đã sanh tín kính thì có thể diệt các khổ, ở cõi nhơn thiên được thọ thân thắng diệu, thành chơn pháp khí thấy được lý chơn đế. Nếu hào quang chiếu lên thì đến cõi trời Sắc cứu cánh, trong hào quang diễn nói các pháp khổ, không, vô thường, vô ngã… và nói kệ:

“Người phải nghe Phật dạy
Dốc cầu đạo xuất ly
Phá được quân sanh tử
Như voi phá nhà tranh.
Ở trong pháp luật Phật
Dũng tiến thường tu học
Xa lìa đường sanh tử
Bờ mé khổ không còn”.

Hào quang này sau khi chiếu khắp ba ngàn Đại thiên thế giới liền trở về chỗ Phật, nếu Thế Tôn nói việc quá khứ thì hào quang trở vào phía sau lưng, nếu nói việc vị lai thì hào quang trở vào phía trước ngực, nếu nói việc địa ngục thì hào quang trở vào phía dưới chân, nếu nói việc bàng sanh thì hào quang trở vào phía gót chân, nếu nói việc ngạ quỷ thì hào quang trở vào phía ngón chân, nếu nói việc loài người thì hào quang trở vào đầu gối, nếu việc của Lực luân vương thì hào quang trở vào lòng bàn tay trái, nếu nói việc của Chuyển luân vương thì hào quang trở vào lòng bàn tay phải, nếu nói việc cõi trời thì hào quang trở vào rốn, nếu nói việc của Thanh văn thì hào quang trở vào miệng, nếu nói việc của Độc giác thì hào quang trở vào phía giữa hai chân mày, nếu nói việc của đạo quả Chánh đẳng chánh giác thì hào quang trở vào phía trên đảnh đầu. Lúc đó hào quang xoay quanh Phật ba vòng rồi trở vào rốn, cụ thọ A-nan-đà bạch Phật: “Thế Tôn Như Lai Ứng chánh đẳng giác vui vẻ mĩm cười chẳng phải là không có nhơn duyên”, liền nói kệ thỉnh Phật:

“Từ miệng Phật phóng hào quang vi diệu,
Chiếu khắp Đại thiên không phải một tướng,
Chiếu khắp cả mười phương các quốc độ,
Như mặt trời chiếu sáng khắp hư không.
Phật là nhân tối thắng của chúng sanh,
Có thể trừ kiêu mạn và lo buồn.
Không nhân duyên, kim khẩu không mở lời,
Miệng mĩm cười ắt nói việc kỳ lạ.
Con lặng lẽ quan sát đấng Mâu Ni,
Ai muốn nghe, Phật nói cho nghe,
Như sư tử vương rống tiếng vi diệu,
Cúi xin Phật quyết nghi cho chúng con,
Phật như Diệu sơn vương trong biển cả,
Nếu không nhân duyên, Phật không dao động,
Tự tại từ bi, miệng Phật hiện mĩm cười,
Nói nhân duyên cho người đang khao khát”.

Thế Tôn bảo A-nan-đà: “Đúng vậy A-nan-đà, không phải không có nhân duyên mà Như Lai Ứng chánh đẳng giác miệng hiện mĩm cười, thầy nên đi nói cho các Bí-sô biết Như Lai muốn đến bờ sông Thắng Huệ, cụ thọ nào muốn đi theo Như Lai thì mang theo y bát”. Cụ thọ Anan-đà vâng lời đi đến chỗ các Bí-sô thông báo, các Bí-sô nghe rồi liền mang y bát đi đến chỗ Phật, cùng theo Phật đến bờ sông Thắng Huệ. Do Phật đã tự điều phục nên điều phục vây quanh, do đã tự tịch tĩnh nên tịch tĩnh vây quanh, do đã tự giải thoát nên giải thoát vây quanh, do đã tự an ổn nên an ổn vây quanh, do đã tự thiện thuận nên thiện thuận vây quanh, do tự đã là A-la-hán nên A-la-hán vây quanh, do đã tự lìa dục nên lìa dục vây quanh, do đã tự đoan nghiêm nên đoan nghiêm vây quanh. Phật như rừng Chiên đàn nên Chiên đàn vây quanh, như Tượng vương nên bầy voi vây quanh, như Sư tử vương nên bầy sư tử vây quanh, như Đại ngưu vương nên bầy trâu vây quanh, như nga vương nên bầy ngỗng vây quanh, như diệu súy điểu nên các loài chim vây quanh. Như Bà-la-môn nên các học trò vây quanh, như thầy thuốc giỏi nên các bịnh nhơn vây quanh, như Đại tướng quân nên các binh chủng vây quanh, như người dẫn đường nên người đi đường vây quanh, như Thương chủ nên các thương khách vây quanh, như Đại trưởng giả nên mọi người vây quanh, như Đại quốc vương nên quần thần vây quanh, như Chuyển luân thánh vương nên ngàn người con vây quanh. Như vầng trăng sáng nên các ngôi sao vây quanh, như vầng mặt trời nên ngàn ánh sáng vây quanh. Như Trì Quốc thiên vương nên chúng Càn-thát-bà vây quanh, như Tăng Trưởng thiên vương nên chúng Câu-bàn-trà vây quanh, như Xú mục thiên vương nên loài rồng vây quanh, như Đa Văn thiên vương nên chúng Dược xoa vây quanh, như Tịnh diệu vương nên chúng Alan-nhã tô la vây quanh, như vua Đế Thích nên chư thiên cõi trời Tam thấp tam thiên vây quanh, như Phạm thiên vương nên Phạm chúng vây quanh. Như biển cả lắng sâu yên tĩnh, như đám mây lớn che phủ mù mịt, như Tượng vương qua khỏi cơn say, Phật đã điều phục các căn, oai đức tịch tĩnh, tự trang nghiêm bằng ba mươi hai tướng tốt, tự nghiêm thân bằng tám mươi vẻ đẹp; một tầm viên quang của Phật chiếu soi hơn ngàn mặt trời, thong thả bước đi như núi báu di chuyển, mười Lực, bốn vô sở úy, đại bi, tam niệm trụ… vô lượng công đức thảy đều đầy đủ. Các đại Thanh văn như tôn giả Kiều-trần-như, tôn giả Mã Thắng, tôn giả Bà Sắt Ba, tôn giả Đại danh, tôn giả Vô Diệt, tôn giả Xá-lợi-tử, tôn giả Đại Mục-kiền-liên, tôn giả Ca-diếp-ba, tôn giả A-nan-đà, tôn giả Hiệt Ly Phạt Để… cùng chúng Bồ Tát đều đến bờ sông. Tất cả mọi người đang đứng ở bờ sông thấy Thế Tôn và các Bí-sô từ xa đi đến, những người không tin cùng bàn luận với nhau: “Các người biết chăng, nghe nói sa môn Cù-đáp-ma đã đoạn hỉ lạc mà vẫn còn đến xem con cá kỳ lạ này”; những người có lòng tin thì nói với nhau: “Các người biết chăng, Thế Tôn đã xa lìa hỉ lạc nay đến đây ắt là vì lòng đại bi nói pháp vi diệu cho đại chúng nghe”, nói rồi tán tụng Phật như sau:

“Đấng Mâu Ni đã lìa hỉ lạc,
Kẻ không tin mới sanh phỉ báng.
Nay bậc Tối thắng đến nơi này,
Ắt nói diệu pháp cho đại chúng”.

Khi Phật đến nơi tâm mọi người đều rung động vì khi Phật còn làm Bồ tát đối với sư tăng cha mẹ đều tôn trọng, tâm thường cung kính. Lúc đó Phật bảo năm trăm ngư phủ: “Các hiền thủ, đời trước đã từng làm nghiệp ác, do nhân duyên này nên sanh vào hạng người thấp kém đánh bắt cá tôm kiếm sống, Nay các người quăng lưới đánh bắt cá làm nghiệp sát hại này, sau khi chết đi sẽ thọ sanh vào cõi nào?”. Ngư phủ đáp: vậy chúng tôi nên làm gì?”, Phật bảo: “Các người nên thả các loài thủy tộc trở lại sông nước”. Các ngư phủ vâng lời Phật thả các loài thủy tộc trở lại sông nước, Thế Tôn dùng thần lực khiến chúng bơi lội trong sông Thắng Huệ, chỉ riêng có con cá Ma kiệt ở lại vì nó nhớ được việc đời trước, có thể nói tiếng người, muốn cùng Phật đàm thoại. Thế Tôn hỏi cá Ma Kiệt: “Ngươi tên là Kiếp-tỷ-la phải không?”, Cá đáp: “Chính tôi là Kiếp-tỷ-la”, Thế Tôn hỏi: “Ngươi từng làm thân ngữ ác hạnh phải không?”, Cá đáp: “Tôi đã từng làm”, Thế Tôn hỏi: “Ngươi có biết ba nghiệp ác đó sẽ đưa đến quả dị thục không?”, Cá đáp: “Tôi có biết”, Thế Tôn hỏi: “Ngươi có biết nghiệp hiện giờ là tự thân thọ báo không?”, Cá đáp: “Có biết”, Thế Tôn hỏi: “Ai là ác tri thức của ngươi?”, Cá đáp: “Là mẹ tôi”, Thế Tôn hỏi: “Mẹ ngươi nay sanh vào đường nào?”, Cá đáp: “Bà ấy sanh vào Nại-lạc-ca”, Thế Tôn hỏi: “Còn ngươi sanh vào đường nào?”, Cá đáp: “Tôi sanh vào loài bàng sanh”, Thế Tôn hỏi: “Sau khi xả thân này ngươi sẽ sanh vào trong đường nào?”, Cá đáp: “Xả thân này rồi tôi cũng sanh vào Nại-lạc-ca”. Nói rồi cá Ma Kiệt liền khóc, Thế Tôn nói kệ:

“Ngươi đọa vào bàng sanh
Còn ta không sao cả
Ở trong chốn không rỗi
Kêu khóc có ích gì?
Ta nay thương xót ngươi
Ngươi nên phát tâm thiện
Nhàm chán thân bàng sanh
Sẽ được sanh cõi trời”.

Cá Ma Kiệt nghe kệ rồi liền sanh lòng tín kính Thế Tôn, Thế Tôn nói tam cú pháp cho cá Ma Kiệt nghe: “Hiền thủ lắng nghe:

Các hành đều vô thường
Các pháp đều vô ngã
Tịch tĩnh tức Niết-bàn
Đây là ba pháp ấn”.

Lúc đó những người có mặt nghe thấy đều sanh lòng hi hữu nói với nhau: “Vì sao cá Ma Kiệt này lại được Thế Tôn đoái thương hỏi khiến nó nhớ lại đời trước? Vì sao nó lại nói được tiếng người để nói chuyện với Phật? Thế Tôn oai đức tôn trọng, chúng ta tầm thường không dám hỏi, chúng ta nên đến chỗ tôn giả A-nan hỏi, tôn giả nói thế nào chúng ta tín thọ thế ấy”. Nói rồi cùng nhau đến chỗ tôn giả A-nan hỏi: “Thánh giả, vì sao cá Ma Kiệt lại nói được tiếng người? Vì sao cá này có thể nói với Thế Tôn về chuyện đời trước?”, Tôn giả nói: “Các vị nên đến hỏi Thế Tôn”, mọi người nói: “Thế Tôn oai đức tôn trọng chúng tôi tầm thường không dám hỏi”, Tôn giả nói: “Tôi cũng sợ oai nghiêm của Phật, nhưng tôi sẽ đến hỏi Phật việc này giúp các vị”. Nói rồi cụ thọ A-nan liền từ chỗ ngồi đứng dậy đến chỗ Phật đảnh lễ rồi hỏi: “Thế Tôn, cá Ma Kiệt này vì sao hiểu được tiếng người, lại cùng Phật nói về chuyện đời trước?”, Thế Tôn nói: “Thầy có muốn nghe chuyện đời trước của cá Ma Kiệt này không?”, cụ thọ A-nan bạch Phật: “Chúng con muốn nghe, nay là đúng thời xin Phật nói nhân duyên đời trước của cá Ma Kiệt này cho mọi người nghe”. Thế Tôn nói: “thầy hãy lắng nghe và khéo tư duy: Trong Hiền kiếp của thời quá khứ lúc con người sống thọ đến hai vạn tuổi, có Phật ra đời hiệu là Như lai Ca-diếp-ba, Ứng chánh biến tri, Minh hạnh viên mãn, Thiện-thệ, Thế-gian-giải, Vô-thượngsĩ, Điều-ngự-trượng-phu, Thiên-nhơn-sư, Phật, Bạc-già-phạm ở thành Ba-la-nê-tư, tại Tiên nhơn đọa xứ trong rừng Thi Lộc cùng với hai vạn chúng đại Bí-sô. Vua ngự trị trong thành là Ngật Lật Chỉ, dân chúng an cư lạc nghiệp, lúa gạo được mùa sung túc, trong nước không có chiến tranh nên binh giáp được nghỉ ngơi. Không có bịnh khổ và giặc cướp, vua lấy chánh pháp trị nước làm Đại pháp vương. Lúc đó có đồng tử Bà-la-môn nói rằng ở tận phương nam xa xôi có một Bà-la-môn tinh thông kỹ nghệ, hiểu rành bốn minh, các phương xa gần đều đến quy phục. Đồng tử này tìm đến chỗ Bà-la-môn ấy đảnh lễ rồi ngồi một bên, vị Bà-la-môn hỏi: Thiện lai đồng tử, ngươi từ đâu đến, đến đây có việc gì?. Đồng tử đáp: “Con từ nước Trung phương đến muốn hầu hạ Đại sư để thọ học đạo nghiệp”. Bà-la-môn hỏi: “Ngươi muốn học sách gì?”, đồng tử đáp: “Con muốn học bốn minh”, Bà-la-môn khen: “Lành thay ngươi nên học sách ấy”. Đây là việc mà Bà-la-môn nên làm nên đồng tử được thu nhận thọ học. Những vị đến thọ học vào ngày nghỉ hoặc đến sông tắm hoặc đến thành thị dạo chơi hoặc đi tìm củi thơm để dùng cúng tế. Hôm ấy là ngày nghỉ, đồng tử rủ các học trò đi tìm củi thơm, trên đường đi cùng hỏi thăm nhau: “Chúng ta đều thuộc giai cấp Bà-la-môn, các bạn từ đâu đến?”, một người đáp: “Tôi từ phương Đông đến”; một người đáp là từ phương Tây đến; một người khác đáp là từ phương Bắc đến; đồng tử đáp là từ Trung phương đến. Mọi người nói: “Các nước phương khác chúng tôi đều nghe biết sơ, như có thuyết nói:

Trí huệ từ phương Đông,
Hai lưỡi ở phương Tây,
Kính thuận ở phương Nam,
Ác khẩu ở phương Bắc.

Còn phép tắc của nước ở Trung phương như thế nào?”. Đồng tử nói: ở nước Trung phương mía ngọt, lúa thơm… cây trái đều sung túc; về nông nghiệp chăn nuôi củng đa dạng phong phú, dân chúng an cư lạc nghiệp, họ thông minh, trình độ kỹ thuật cao. Trong nước có con sông Căng Già trong mát, nước chảy êm đềm; lại có mười tám chỗ tiên nhơn trụ tu khổ hạnh nay đã lên cõi trời. Có người hỏi đồng tử: “Ở nước Trung phương có vị nào thông tuệ biện tài khéo hay đàm luận như thầy của ta chăng”?. Đồng tử nói: “Hiện nay có một vị luận sư như Sư tử vương, tự tại vô ngại, thầy ta nếu gặp ắt chuốc lấy thất bại”. Nghe đồng tử ca ngợi những điều hay đẹp ở nước Trung phương, các học trò đều muốn đến đó, cho nên sau khi mang củi về họ liền đến chỗ thầy bạch rằng: “Chúng con nghe đồng tử ca ngợi nước Trung phương nên rất muốn đến nơi đó”. Vị thầy nghe rồi nói rằng: “Nước Trung phương tuy được mọi người ca ngợi nhưng chỉ có thể tai nghe mà không nên đến”. Các học trò nói: “Đồng tử nói hiện nay trong nước Trung phương có một luận sư như Sư tử vương, tự tại vô ngại, nếu thấy ta gặp ắt chuốc lấy thất bại”. Vị thầy nói: “Vùng đất sung túc trù phú như thế tất nhiên có người tài ba lỗi lạc, ta đâu có tự phụ cho rằng trong vòm trời này chỉ có một mình ta không có ai hơn”. Các học trò nói: “Nếu như vậy chúng con càng muốn đến nước đó, một là tham quan cho biết, hai là đến tắm ở sông tiên tắm, ba là đến chỗ vị đại luận sư cầu học để hàng phục các luận đàm và để được vang danh”. Vị thầy Bà-la-môn này tánh ít duyên sự việc lại yêu mến học trò, nghe các học trò nói như vậy liền bảo: “Thế thì các con hãy mang theo các tư cụ của ta như y phục da nai, quân trì…, ta sẽ cùng các con đến nước đó tìm thầy cầu học”. Các thầy trò cùng nhau đến nước Trung phương, hễ đến thành ấp nào đều dựng tràng đại luận, những người đến luận thuyết đều bị khuất phục, cho nên khắp nơi xa gần dùng lọng lụa tràng phang đến nghinh đón và đi theo sau ca ngợi họ, đối với các thành ấp đã đi qua thầy trò Bà-la-môn này đều là thượng thủ. Khi đến thành Ba-la-nê-tư, vị thầy Bà-la-môn suy nghĩ: “Sao ta lại bỏ gốc tìm ngọn, tất cả người thông minh lỗi lạc đều tập trung ở sân vua, ta nên đến chỗ vua”. Nghĩ rồi vị thầy Bà-la-môn này liền đến cung vua Ngật Lật Chỉ sau khi chú nguyện cho vua được sống lâu không bịnh và hàng phục được các oán địch liền tâu vua rằng: “Đại vương nên biết, tôi từ bổn quốc sang đây mục đích là tầm sư, tôi đã từng học chút ít về văn tự luận nghị, tôi muốn kiến lập luận trường dám cùng mọi người tranh luận vấn nạn để làm sáng tỏ nghĩa lý”. Nhà vua nghe rồi liền hỏi Đại thần: “Trong nước ta có vị luận sư nào có thể tranh luận với vị này chăng?’, Đại thần đáp có, vua hỏi: “Vị ấy hiện nay ở đâu?”, Đại thần đáp: “Tại tụ lạc ___, hiện có một Bà-la-môn tên là Kiếp-tỷ-la Thiết Ma rất giỏi tứ minh và các luận thư khác, có thể lập luận nghĩa của mình để phá tông luận khác. Vị này đại trí như ngọn lửa sáng ngời là thượng thủ trong nước ta”. Vua nghe rồi liền ra lệnh triệu vị đại luận sư ấy tới, vị đại luận sư sau khi đến chỗ vua chú nguyện cho vua rồi ngồi một bên, vua hỏi: “Đại sư có thể ở trước ta tranh luận với vị Bà-la-môn này không?”, vị đại luận sư đáp là có thể. Vua nghe rồi liền ra lệnh lập luận trường và ngự giá đến để khai mạc, Đại thần tâu vua nên để bên nào lập tông trước, vua nói: “Vị Bà-la-môn từ nước phương Nam xa xôi đến, theo lễ chủ khách hãy mời vị ấy lập tông trước”. Vị Bà-la-môn kia phụng mệnh vua liền lập tông trước, lời lẽ biện luận khúc chiết có tất cả năm trăm bài tụng. Tuy lập luận sắc bén ít người nghe hiểu được nhưng Kiếp-tỷ-la Kiếp Ma vừa nghe qua liền lập nghĩa biện bác chỗ đúng chỗ sai, đây là tương vi, đây là bất định, đây là không thành tựu… Bị Kiếp-tỷ-la Kiếp Ma phá, vị Bà-la-môn này đứng im không nói, khi luận nghị nếu đối phương không trả lời được tức là rơi vào chỗ thua. Nhà vua vui mừng khen ngợi rồi hỏi vị đại luận sư hiện đang ở đâu và dùng tụ lạc đó phong ấp khen thưởng cho vị đại luận sư. Sau khi được phong ấp, Kiếp-tỷ-la Kiếp Ma trở nên giàu có, sau cưới vợ và sanh được một trai, trải qua hai mươi mốt ngày bèn mở tiệc ăn mừng, người cha này hỏi thân tộc nên đặt tên cho cháu bé là gì, thân tộc nói: “Hài nhi là con của Kiếp-tỷ-la Thiết Ma nên đặt tên là Kiếptỷ-la”. Kiếp-tỷ-la được nuôi dưỡng toàn bằng thức ăn thượng diệu, tùy thời chăm sóc, theo thời gian lớn lên như hoa sen trồi lên mặt nước. Khi trưởng thành được học tập thư ấn, toán số, oai nghi phép tắc của Bà-lamôn và học các luận thư như Hư thanh, Bồng thanh, Tứ minh, Hiệt Lực minh luận, Da Thọ minh luận, Bà ta minh luận, A-lan-nhã Thát minh luận… Tự hiểu rõ cách thờ cúng và dạy cho người cách thờ cúng, tự đọc tụng và dạy người đọc tụng… trở thành vị đại Bà-la-môn thông suốt kinh sách và hiển phát tông luận của mình, có thể bài xích và phá tông luận của người khác, trí huệ sáng ngời như ngọn đuốc lớn. Thời gian sau Kiếp-tỷ-la Thiết Ma dạy cho năm trăm người con của Bà-la-môn đọc tụng kinh sách Bà-la-môn, trong số đó cũng có con của Kiếp-tỷ-la Thiết Ma. Một hôm đứa con hỏi cha: “Nghĩa của chữ Hiệt-lợi-già như thế nào?”, người cha nói: “Nghĩa của chữ đó rất sâu xa, các bậc thầy trước đây tuy có truyền dạy nhưng rốt cuộc đều rất khó hiểu”. Đứa con lại hỏi: “Không lẽ các bậc cổ đại sư không có nghĩa giải thích sao, con xét nghĩ nó có chút ít nghĩa Y hi”. Người cha nghe rồi suy nghĩ: “Thế gian đều muốn con mình phải giỏi hơn mình, nay Kiếp-tỷ-la tài năng về đạo hơn ta, ta nên giao phó năm trăm đồng tử này cho con ta dạy”. Nghĩ rồi liền nói với con: “Nay tài năng về đạo con hơn cha, vậy con nên thay cha dạy cho năm trăm đồng tử này”. Kiếp-tỷ-la vâng lời cha dạy cho năm trăm đồng tử này, người cha rỗi rảnh nên du hành khắp nơi theo sở thích, một hôm ông đến chỗ ở của một Bí-sô trong rừng Thi Lộc hỏi: “Thánh giả, nghĩa của văn cú này như thế nào?”, Bí-sô nói: “Hiền thủ không nên đặt câu hỏi như vậy, nếu hỏi như vậy nghĩa của nó sẽ không chu tất, nên hỏi như thế này nghĩa của nó mới trọn vẹn”. Vị Bà-la-môn này vừa hỏi đã bị Bí-sô sửa sai liền suy nghĩ: “Câu hỏi mà ta vừa nêu ra còn không đúng cách làm sao có thể biện luận với Bí-sô”. Nghĩ rồi sanh lòng tín kính Bí-sô ở trú xứ này nên từ đó trở đi vị Bà-la-môn này thường thỉnh Bí-sô về nhà thọ trai. Thời gian sau Bà-la-môn lâm trọng bịnh bảo con rằng: “Trong trời đất này không còn ai sánh kịp với con, sau khi cha mất ở tất cả luận trường con đều không e ngại, chỉ trừ đệ tử Thanh văn của Phật Ca-diếp-ba. Vì sao, vì tông thuyết của họ rộng sâu khó thể nghĩ bàn, lý luận thế gian không thể thu phục được họ, trí của thế tục cũng không hiểu tới được, vả lại tâm họ không cầu danh lợi, cho nên con không được tranh luận với họ”. Người con nói: “Cha dạy rất phải, con sẽ nghe theo”. Do bịnh tình trấm trọng nên dù thuốc thang đầy đủ nhưng sức khỏe của Bà-la-môn ngày một yếu dần và cuối cùng mạng chung, như có thuyết nói:

“Tích tụ đều tiêu tán
Cao ngất ắt rơi rớt
Hiệp hội sẽ biệt ly
Có sinh ắt có chết”.

Người con cùng quyến thuộc dùng lụa năm màu tẩm liệm theo nghi thức của Bà-la-môn rồi chở vào rừng thây chết làm lễ hỏa táng. Các luận sư khác nghe Kiếp-tỷ-la Thiết Ma qua đời liền nói với nhau: “Các vị biết chăng, vị đại luận sư tài ba nhất đã qua đời, chúng ta nên đến chỗ vua Ngật Lật Chỉ xin lập luận trường tranh luận”. Sau khi đến chỗ vua chú nguyện cho vua rồi tâu: “Chúng tôi đã từng gần gũi các vị luận sư bậc thầy học được chút ít văn tự, hôm nay đến đây dám mong ở chỗ vua kiến lập luận trường”. Vua nghe rồi liền ra lịnh Đại thần triệu vời vị đại luận sư đến, vị đại thần nói: “Vị đại luận sư đã qua đời rồi”. Vua nói: “Thì ra do duyên cớ này nên họ mới dám xin lập luận trường, vị đại luận sư đó có con trai hay anh em hay đệ tử nào kế thừa không?”. Đại thần tâu vua: “Vị đại luận sư có con trai tên là Kiếp-tỷ-la kế thừa”. Vua nghe rồi ra lịnh triệu vời Kiếp-tỷ-la, Kiếp-tỷ-la phụng mệnh đến chỗ vua chú nguyện cho vua rồi ngồi một bên, vua nói: “Thiện lai, nay có các Luận sư ở các phương xa gần đến đây muốn kiếp lập luận trường, ngươi có thể ở trước ta cùng họ tranh luận không?”. Kiếp-tỷ-la đáp: “Tôi xin chấp nhận việc tranh luận khó khăn này”. Vua liền ra lịnh kiến lập luận trường và ngự giá đến để xem được mất thắng thua, vua cũng ra lịnh những người ở xa đến tranh luận làm tông chủ, Kiếp-tỷ-la là đối tượng địch luận. Trong luận trường có cật vấn gì Kiếp-tỷ-la đều tùy việc phân tích lập luận tận tường khiến các tông chủ đều im lặng không thể đối đáp được nên rơi vào chỗ thua. Vua chứng kiến biện tài vô ngại của Kiếp-tỷ-la liền sanh tâm hi hữu hết lời khen ngợi: “Luận sư tuổi trẻ mà tài đức đứng đầu quần anh, Trẫm vui mừng sắc chỉ đặc biệt khen thưởng cho luận sư ngồi trên đại tượng làm lễ quán đảnh phong hiệu là Luận vương để mọi người được chiêm ngưỡng”. Lúc đó mẹ của Kiếp-tỷ-la ở nhà cứ nớp nớp lo âu con bà tánh tình nóng vội tranh luận bị thua, bị đoạt lại phong ấp mất mặt trở về hay không. Sau khi Kiếp-tỷ-la được làm lễ quán đảnh phong hiệu Luận vương ngồi trên đại tương trở về nhà, bà mẹ vui mừng hỏi: “Con đã phá trừ được các luận sư rồi sao?”. Kiếp-tỷ-la nói: “Con đã phá trừ được tất cả, chỉ trừ các đệ tử Thanh văn của Phật Ca-diếp-ba”. Bà mẹ nghe rồi liền ngoảnh mặt, Kiếp-tỷ-la hỏi: “Vì sao mẹ lại như thế?”. Bà mẹ nói: “Con biết chăng, việc phong ấp đã có mẹ còn chưa thể an tâm vì có thể bị Bí-sô đoạt, cho nên con cần phải phá trừ sa môn mới được”. Kiếp-tỷ-la nói: “Lúc sắp mất cha có di huấn rằng trong trời đất này không còn ai sánh kịp với con, sau khi cha mất ở trong các luận trường con thảy đều không nghi sợ, chỉ trừ đệ tử Thanh văn của Phật Ca-diếp-ba. Vì sao, vì tông thuyết của họ rộng sâu không thể nghĩ bàn, lý luận thế gian không thể thu phục họ, trí huệ thế gian cũng không lường biết được, tâm họ vốn không cầu danh lợi, cho nên không đuợc tranh luận với họ”. Bà mẹ nói: “Cha con lúc sanh tiền đã là nô bộc của sa môn, nay con cũng muốn làm tôi tớ của họ nữa hay sao, nhất định con phải phá trừ họ”. Bản tánh của Kiếp-tỷ-la vốn nhơn từ hiếu thảo không dám trái lời mẹ, nên đi đến vườn Nai giữa đường gặp một Bí-sô liền hỏi: “Bí-sô từ đâu đến?”, Bí-sô đáp: “Tôi từ rừng Thi Lộc chỗ Tiên nhơn đọa xứ”. Kiếp-tỷ-la hỏi: “Chỗ Tiên nhơn đọa xứ có bao nhiêu Bí-sô?”, Bí-sô đáp: “Khoảng hơn hai vạn”, lại hỏi: “Chúng Bí-sô ở đó nhiều như vậy, không biết kinh điển đã có chừng bao nhiêu?”, đáp: “Kinh điển có ba tạng”, lại hỏi: “Số lượng mỗi tạng chừng bao nhiêu?”, đáp: “Mỗi tạng có mười vạn bài tụng”, lại hỏi: “Tại gia thế tục có được nghe không?”, đáp: “Chỉ được nghe hai tạng là tạng kinh và tạng luận, còn tạng luật là phép tắc của người xuất gia, thế tục không được nghe”. Kiếp-tỷ-la suy nghĩ: “Pháp khích luận là không cho người khác biết”, nghĩ rồi liền nói với Bí-sô: “Thầy có thể tạm nói ít nhiều yếu nghĩa của nhà Phật cho tôi nghe được không?” Bí-sô suy nghĩ: “Vị Bà-la-môn này là người luận nạn, vì muốn xét lượng ta nên đặt câu hỏi này, ta há không hiểu mà liền nhận lời hay sao, ta nên nói kệ thử xem thế nào”, nghĩ rồi liền nói kệ:

“Nơi nào nước sẽ ngừng
Nơi nào đạo lưu hành
Việc khổ vui thế gian
Lúc nào sẽ cùng tận”.

Nói kệ xong liền bảo Kiếp-tỷ-la giải thích nghĩa của bài kệ, Kiếptỷ-la với tất cả sự thông minh sẳn có và huệ giải cùng tột của mình cũng không thể lường được nghĩa của bài kệ này, liền xoay nhìn bốn phía thấy không có ai khác nghe thấy, tự nghĩ: “Nếu có ai nghe thấy thì sẽ cho rằng ta bị Bí-sô chiết phục”, nghĩ rồi liền nói với Bí-sô: “Tôi xem kệ tụng ấy tôn chỉ sâu xa, văn nghĩa mạch lạc, nội dung phong phú. Hiện giờ thầy phải đi đên Ba-la-nê-tư, còn tôi đi đến vườn Nai có chút việc cho nên không thể vội nói nghĩa lý sâu xa của bài kệ này được, sau này có dịp chúng ta gặp lại giải thích cũng không khó”. Nói xong Kiếptỷ-la cáo từ rồi đi đến vườn Nai, thấy các Bí-sô đang đọc tụng thiền tư siêng cầu đạo xuất ly nên sanh lòng tín kính, tự nghĩ: “Nếu người nào không thấy đời sau mới ôm lòng tham độc, đối với những người trí này sao lại khởi tâm tìm lỗi cùng nhau điên cuồng tranh luận”. Nghĩ rồi liền trở về nhà, bà mẹ trông thấy liền hỏi: “Con đã phá trừ được đệ tử của Phật Ca-diếp-ba rồi phải không?”, Kiếp-tỷ-la đáp: “Ý của mẹ chỉ muốn được thắng mà quên phong ấp hiện đang ở”. Bà mẹ nói: “Con nói như Thế-là ý gì?”, Kiếp-tỷ-la nói: “Trên đường đến rừng Nai con gặp một Bí-sô (thuật lại như đoạn văn trên)”. Bà mẹ nghe rồi liền nói: “Nếu như vậy thì con nên theo học Phật pháp”, Kiếp-tỷ-la hỏi: “Mẹ muốn con học Phật pháp ư?”, Bà mẹ nói: “Vì pháp nghĩa của tạng luận không cho thế tục nghe, nên con phải xuất gia để được học pháp nghĩa ấy”. Kiếptỷ-la nói: “Pháp của Bà-la-môn đâu cho phép vì nhơn duyên nhỏ mà ở trong tạp loại xuất gia’. Bà mẹ nói: “Khi nào học xong con lại trở về thế tục, tóc xanh trên đầu há không mọc lại hay sao?”. Bản tánh của Kiếptỷ-la vốn nhơn từ hiếu thảo, nghe bà mẹ thúc ép không dám trái liền xuất gia, Kiếp-tỷ-la đến rừng Nai ở chỗ một Bí-sô cầu xin xuất gia. Bísô này suy nghĩ: “Vị Bà-la-môn này vô địch về nghị luận, nếu xuất gia sẽ nối thạnh Phật pháp”, nghĩ rồi liền nói với Kiếp-tỷ-la: “Lành thay tùy theo ý ông muốn, sự giàu sang vinh hiển đếu là vô thường, ông đã từ bỏ được để xuất gia là rất tốt, ta chấp thuận cho con xuất gia’. Kiếptỷ-la nói: ‘ở địa phương này ai cũng biết con, thầy có thể đưa con đến phương khác xuất gia được không?”, Bí-sô nói: “Tất nhiên là được”. Bí-sô này liền đưa Kiếp-tỷ-la đến một phương khác cho xuất gia và cho thọ viên cụ, Kiếp-tỷ-la học thông ba tạng làm vị đại pháp sư biện tài vô ngại, nếu cần xiển dương kinh pháp liền lên tòa sư tử đanh trống pháp, thổi loa pháp thì tất cả vua quan dân chúng thảy đều tụ tập đến nghe, nghe rồi tất cả đều hoan hỉ. Lúc đó Kiếp-tỷ-la suy nghĩ: “Do ta siêng học nên nay được thành tựu, ta nên đến thành Ba-la-nê-tư nơi Phật Cadiếp-ba đang trú để thân cận phụng thờ thừa sự cúng dường”. Sau khi đến thành Ba-la-nê-tư, bà mẹ nghe tin con trở về liền tìm đến rừng Nai để thăm, vừa gặp bà liền hỏi: “Con đã nhiếp phục được sa môn đệ tử của Phật Ca-diếp-ba rồi chăng?”, Kiếp-tỷ-la nói: “Tuy con hiểu giáo lý nhưng con chưa chứng quả, còn các đệ tử của Phật vừa hiểu giáo lý lại vừa chứng quả nên con không thể nhiếp phục họ được”. Bà mẹ nói: “Con nhất định phải nhiếp phục họ mới được”. Bị Mẹ thúc ép Kiếp-tỷla đành phải nói với mẹ: “Khi nào mẹ nghe tiếng trống pháp đánh, loa pháp thổi, nơi bảo tọa trang nghiêm đại chúng tập họp thì mẹ đến để chứng kiến”. Bà mẹ nói: “Tốt lắm, mẹ sẽ đến đúng lúc”. Không bao lâu sau Kiếp-tỷ-la lên pháp tòa, bà mẹ nghe tiếng trống pháp liền đến rừng Nai đứng ở dưới pháp tòa. Ban đầu Kiếp-tỷ-la diễn nói chánh pháp, sau đó xen tạp tà ngôn, các Bí-so nghe rồi liền ngăn lại nói rằng: “Cụ thọ chớ hủy báng Phật pháp, chớ dựng cờ ma mà hạ pháp tràng của phật, sau khi xả thân này sẽ đọa ba đường ác”. Kiếp-tỷ-la nghe các Bísô nói như vậy liền xuống tòa nói với mẹ: “Việc vừa xảy ra mẹ có thấy chăng?”, bà mẹ nói: “Mẹ có thấy”. Kiếp-tỷ-la nói: “Con đã nói con chỉ hiểu giáo lý, còn các vị ấy vừa hiểu giáo lý lại còn chứng quả, con không thể nhiếp phục họ được”. Bà mẹ nói: “Mẹ sẽ dạy cho con phương tiện khích luận, khi con lên tòa thuyết pháp, ban đấu diễn nói chánh pháp sau xen nói tà tông, nếu các Bí-sô kia ngăn lại quở trách và đem việc thiện ác tội phước ra nói thì con đừng nghe. Con phải dùng lời đao kiếm bất nghĩa nói trả lại, các sa môn vốn sợ lời đao kiếm sẽ nín thinh. Bên nào nín thinh thế gian sẽ cho là thua cuộc”. Kiếp-tỷ-la nói: “Đây là phương tiện tốt, khi thấy con thăng tòa mẹ hãy đến nữa nhé”. Bà mẹ nói: “Mẹ sẽ đến đúng lúc”. Thời gian sau khi nghe trống pháp đánh, đại chúng nhóm họp bà mẹ liền đến ngồi dưới pháp tòa. Kiếp-tỷ-la thăng tòa trước diễn nói chánh pháp, sau nói tà pháp, các Bí-sô nghe rồi liền ngăn và quở trách như trên cho đến câu sau khi xả thân này sẽ đọa trong ba đường ác. Kiếp-tỷ-la nhớ lời mẹ dặn liền dùng lời đao kiếm nói với các Bí-sô: “Miệng của thầy như miệng voi, làm sao biết được là pháp hay phi pháp, là luật hay phi luật; miệng thầy như miệng ngựa…; miệng thầy như miệng lạc đà…; miệng thầy như miệng lừa, miệng bò, miệng khỉ cái, miệng sư tử, miệng cọp, miệng beo, miệng gấu, miệng mèo, miệng nai, miệng trâu, miệng heo, miệng chó, miệng cá; miệng người ngu làm sao biết được là pháp hay phi pháp, là luật hay phi luật”. Các Bí-sô nghe rồi liền nói với nhau: “Cụ thọ này đã dùng lời đao kiếm, chúng ta nên đi”. Nói rồi bỏ đi, số người ở lại không đi suy nghĩ: “Nếu nói chánh pháp thì ta nghe, nếu nói tà tông thì kia trở lại thọ khổ”. Lúc đó Kiếp-tỷ-la dùng lời đao kiếm gồm mười tám lời ác khẩu nhục mạ các vị Học và Vô học Thánh Tăng rồi xuống tòa hỏi mẹ: “Hôm nay mẹ có vui chăng?”, Bà mẹ nói: “Mẹ rất vui, mẹ con ta cùng về”. Kiếp-tỷ-la nói: “Con không thể về cùng với mẹ được, lòng con đối với giáo pháp chánh giác vô thượng của Phật Ca-diếp-ba vẫn còn kính mộ”. Bà mẹ nói: “Con há không nghe kinh sách của Bà-la-môn nói cha mẹ dạy bảo con không được trái lời sao, con phải về với mẹ”. Kiếp-tỷ-la nói: “Con không thể, mẹ biết không, nếu con lưu chuyển trong đường sanh tử thì con nguyện đừng gặp lại bà mẹ như mẹ nữa, chính do ác tri thức của mẹ đã khiến con nói lời thô ác với các bậc Thánh Học và Vô học, do duyên nghiệp ác này chắc chắn con sẽ chiêu lấy quả Dị thục”. Bà mẹ nghe con nói với mình những lời như vậy bèn đứng ở ngã ba đường chỗ đông người lớn tiếng nói rằng: “Mọi người biết chăng, đệ tử của Phật Cadiếp-ba cưỡng đoạt con trai tôi, mọi người hãy giúp tôi…”. Mọi người nghe rồi người nào có tín tâm với Phật pháp thì nói lời an ủi, người nào không có tín tâm thì nói lời phỉ báng. Lúc đó bà mẹ cảm thấy bị sĩ nhục, trong lòng uất hận thổ huyết mà chết, sau khi chết thọ sanh vào Nại-lạcca. Bí-sô Kiếp-tỷ-la nói mười tám lời ác khẩu nhục mạ các bậc Thánh Học và Vô học nên sau khi chết thọ sanh trong loài cá Ma Kiệt này có hình dạng kỳ dị như vầy. “Lúc đó đại chúng nghe Phật kể việc quá khứ của cá Ma Kiệt xong liền nói với nhau: “Kiếp trước Bí-sô Kiếp-tỷ-la là vị đại pháp sư biện tài vô ngại, thuyết pháp hay khiến cho trăm ngàn thính chúng đều hoan hỉ, chỉ vì ác khẩu mà phải đọa vào đường ác; chúng ta không biết sau khi mạng chung sẽ sanh vào đường nào”. Mọi người nghe rồi đều sanh lòng lo lắng, Phật quán thấy tâm ý của đại chúng, tùy căn tánh sai khác mà diễn nói diệu pháp, đại chúng nghe pháp rồi có người được Noãn, Đảnh, Nhẫn, Thế Tôn đệ nhất vị; có người chứng quả Dự lưu, Nhất lai, Bất hoàn; có người xuất gia đoạn hết hữu lậu chứng quả A-la-hán; có người đối với Thanh văn bồ đề hoặc Duyên giác bồ đề hoặc Vô thượng bồ đề phát nguyện hi hữu; có người đối với Tam bảo khởi lòng tin sâu. Thế Tôn sau khi làm cho số đông chúng sanh được đại Lợi-ích liền bỏ đi. Lúc đó cá Ma Kiệt khởi niệm: “Nay ta được nghe Thế Tôn nói về Tam pháp cú thì không nên ăn nữa”. Nghĩ rồi liền đoạn thực mà chết, do lòng kính trọng sâu đối với Thế Tôn nên sau khi chết được sanh lên cõi trời Tứ đại vương. Bất cứ ai sanh lên cõi trời này dù nam hay nữ đều khởi ba ý niệm: Một là ta từ cõi nào chết đi, hai là nay được sanh vào cõi nào, ba là do tạo nghiệp gì. Thiên tử sau khi khởi ba ý niệm này liền nhớ lại tiền thân của mình là từ loài bàng sanh chết đi, nay được sanh lên cõi trời Tứ đại vương là do đối với Phật khởi lòng tín kính sâu. Thiên tử suy nghĩ: “Ta không nên để qua đêm mới đến yết kiến Thế Tôn”, nghĩ rồi Thiên tử liên trang nghiêm thân bằng các chuỗi anh lạc ánh sáng thù diệu rồi dùng chéo áo đựng các thiên hoa như hoa Ốt-bát-la, hoa Bát-đầu-ma, hoa Câu-vật-đầu, hoa Phân-đà-lợi-ca, hoa Mạn-đà-la. Đầu đêm vừa trôi qua Thiên tử đến chỗ Phật ở rải thiên hoa cúng dường Phật xong, đảnh lễ phật rồi ngồi một bên. Ánh sáng của Thiên tử này chiếu soi khắp giảng đường Cao Các, Thế Tôn tùy căn tánh ưa thích của Thiên tử nói diệu pháp khiến tỏ ngộ Chơn đế lý, ngay tại tòa ngồi Thiên tử liền chứng quả Dự lưu. Được kiến đế chứng sơ quả rồi Thiên tử bạch Phật: “Nhờ Phật Thế Tôn con mới chứng quả giải thoát, điều này không phải do cha mẹ, nhơn vương, Thiên chúng, sa môn, Bà-la-môn, hay thân hữu quyến thuộc mà có được. Thế Tôn là bậc thiện tri thức đã đưa con thoát ra khỏi cảnh khổ địa ngục, bàng sanh, ngạ quỷ được sanh lên cõi trời thắng diệu, sẽ dứt sanh tử, chứng Niết-bàn, làm khô cạn biển máu, vượt qua núi xương; dùng chày trí Kim cang phá kiến Tát ca da tích tập từ vô thỉ chứng được quả Dự lưu. Nay con xin quy y Phật pháp tăng ba ngôi báu, cúi xin Thế Tôn chứng tri cho con là Ô-ba-sách-ca từ hôm nay cho đến trọn đời thọ trì năm học xứ không sát sanh cho đến không uống rượu”. Thiên tử bạch rồi liền nói kệ:

“Con nhờ thần lực Phật
Đóng lại ba đường ác
Sanh lên trời thắng diệu
Thẳng tới đường Niết-bàn
Nay con nương Thế Tôn
Được pháp nhãn thanh tịnh
Thấy được chơn đế lý
Bờ mé khổ không còn
Phật siêu việt trời người
Lìa sanh già bịnh chết.
Trong biển khổ khó gặp,
Nay gặp được chứng quả.
Con dùng thân trang nghiêm,
Tâm tịnh đảnh lễ Phật,
Hữu nhiễu trừ oán kết,
Xin trở về Thiên cung”.

Thiên tử sau khi xứng hợp sở nguyện như thương chủ thu được tài lợi, như nông phu thu hoạch được mùa lúa tốt, như kẻ dũng mãnh hàng phục được oán địch, như người bịnh được khỏi bịnh, liền tạ từ Phật trở về Thiên cung. Sau đêm các Bí-sô tỉnh giác chuyên tâm tư duy, thấy chỗ ở của Phật có ánh sáng thù diệu liền sanh nghi niệm, sáng ngày liền đến chỗ Phật bạch Phật để giải nghi niệm: “Thế Tôn, trong đêm qua phải chăng có chư thiên Phạm thế, Thiên Đế Thích hoặc Tứ thiên vương hoặc Thiên chúng có oai đức đến kính lễ Thế Tôn?”. Thế Tôn nói: “Này các Bí-sô, không phải Phạm thiên và các Thiên chúng khác mà là thiên tử Ma Kiệt, các Bí-sô há không thấy cá Ma Kiệt có mười tám cái đầu mà ta đã nói Tam pháp cú cho nó nghe ư?”, các Bí-sô đáp: “Chúng con đều thấy”, Thế Tôn nói: “Chính cá Ma Kiệt này trong đêm qua đã đến chỗ ta ở, ta đã thuyết pháp và thiên tử Ma Kiệt này đã được Kiến đế”. Các Bí-sô bạch Phật: “Tiền thân của thiên tử Ma Kiệt này đã từng làm nghiệp gì mà được sanh lên cõi Tứ thiên vương, lại do nghiệp gì mà đích thân đến chỗ phật để dược nghe pháp và được Kiến đế?”, Thế Tôn nói: “Này các Bí-sô, tiền thân của thiên tử Ma Kiệt tự đã tạo nghiệp rồi, theo thời gian nghiệp ấy tăng trưởng thuần thục, duyên biến hiện tiền như bộc lưu (thác nước) không thể chảy ngược lại, quyết định phải chiêu lấy quả báo không ai có thể thọ thay. Này các Bí-sô, tiền thân của thiên tử Ma Kiệt tất cả nghiệp ác đã tạo ra không phải đất nước gió lửa ở ngoài giới khiến cảm thọ quả báo, mà là Uẩn, Xứ, Giới ở trong tự thân cảm thọ quả Dị thục”. Thế Tôn liền nói kệ:

“Dầu cho trăm ngàn kiếp,
Nghiệp đã tạo không mất,
Khi nhân duyên hội đủ,
Tự thọ lấy quả báo”.

“Này các Bí-sô, có sanh thọ nghiệp và hậu thọ nghiệp. Sao gọi là sanh thọ nghiệp? Tiền thân của thiên tử Ma Kiệt do đối với ta sanh lòng tín kính, dị thục của nghiẹp tín kính này được sanh lên cõi trời Tứ Đại vương chúng, đó gọi là sanh thọ nghiệp. Sao gọi là hậu thọ nghiệp: Tức là Kiếp-tỷ-la xuất gia ở trong giáo pháp của Phật Cadiếp-ba chánh đẳng chánh giác, đọc tụng thọ trì, vì người thuyết pháp; đối với Uẩn Xứ giới, mười hai duyên sanh và xứ phi xứ tất cả đều thuyết giảng một cách thiện xảo, do tích tập căn lành này mà sau được sanh lên cõi trời, nay lại gặp ta nghe pháp được Kiến đế, đó gọi là hậu thọ nghiệp. Các Bí-sô nên biết, nếu nghiệp thuần đen thì được quả Dị thục thuần đen, nếu nghiệp thuần trắng thì được quả Dị thục thuần trắng, nếu nghiệp đen trắng xen lẫn thì được quả Dị thục đen trắng xen lẫn. Cho nên các Bí-sô nên xa lìa nghiệp thuần đen và nghiệp đen trắng xen lẫn, nên siêng năng tu học nghiệp thuần trắng”. Các Bí-sô nghe Phật nói rồi hoan hỉ tín thọ phụng trì.

Lúc đó ở bên sông Thắng Huệ, năm trăm ngư phủ nói với nhau: “Chúng ta đích thân nghe thấy tiền thân cá Ma Kiệt là Bí-sô Kiếp-tỷla vốn là một đại pháp sư hiểu rõ ba tạng, biện tài vô ngại, giáo hóa cả trăm ngàn người khiến người nghe đều hoan hỉ, chỉ vì ác khẩu mà phải đọa trong loài bàng sanh. Chúng ta thường làm nghiệp ác, không có từ bi, đã giết nhiều chúng sanh để tự nuôi sống, sau khi chết không biết chúng ta sẽ sanh trong loài nào. Chúng ta hiện nay nếu không sanh trong nhà hạ tiện thì có thể xin xuất gia trong pháp luật khéo giảng nói của Như lai, phát tâm mạnh mẽ siêng năng không mõi mệt để thoát khỏi bốn ách, vượt qua bốn Bộc lưu”. Nói rồi mọi người đều ngồi chống cằm, dáng vẻ buồn bả. Pháp thường của chư Phật khi chưa vào Niếtbàn còn trụ ở đời, vì thương xót muốn hóa độ chúng hữu tình nên ngày đêm sáu thời thường dùng Phật nhãn xem xét thế gian…, các đại Thanh văn cũng giống như Phật. Lúc đó cụ thọ Xá-lợi-tử dùng huệ nhãn của Thanh văn xem xét thế gian, thấy năm trăm ngư phủ sanh tâm nhàm lìa, ngồi ưu tư bên bờ sông Thắng Huệ, liền đến chỗ họ hỏi rằng: “Này các hiền thủ, vì sao các vị ngồi chống cằm buồn bả?”, các ngư phủ đáp: “Thánh giả, chúng tôi làm sao không ưu tư cho được, vì hôm nay chúng tôi đích thân nghe thấy tiền thân cá Ma Kiệt là Bí-sô Kiếp-tỷ-la, vốn là một đại pháp sư hiểu rõ ba tạng diễn thuyết vô ngại, giáo hóa hàng trăm ngàn người khiến người nghe đều hoan hỉ, chỉ vì ác khẩu mà phải đọa trong loài bàng sanh. Chúng tôi thường làm nghiệp ác, không có từ bi đã giết nhiều chúng sanh để tự nuôi sống, sau khi chết không biết sẽ sanh trong loài nào. Chúng tôi nếu không sanh trong nhà hạ tiện thì có thể xin xuất gia trong pháp luật khéo giảng nói của Như Lai, phát tâm dõng mảnh siêng năng không mõi mệt để thoát khỏi bốn ách, vượt qua bốn Bộc lưu. Chúng tôi nay không có phước phận này, làm sao không sầu khổ”. Cụ thọ Xá-lợi-tử nói: “Này các Hiền thủ, trong Thánh giáo của Mâu Ni pháp vương không có cho danh môn vọng tộc là thù thắng, chỉ lấy chánh hạnh làm đầu”. Cụ thọ liền nói kệ:

“Trong giáo pháp Như Lai,
Không hỏi dòng họ nào,
Chỉ xem đời quá khứ
Đã làm thiện hay ác”.

“Nếu các vị tha thiết mong cầu xuất gia trong giáo pháp của Phật để được thọ Cận viên làm Bí-sô thì các vị cứ đến chỗ Thế Tôn cầu xin, Thế Tôn sẽ làm cho các vị được mãn nguyện.”. Năm trăm ngư phủ nghe rồi vui mừng nói: “Thánh giả, nếu được như vậy thì chúng tôi sẽ cầu xin Phật cho xuất gia”. Cụ thọ Xá-lợi-tử dẫn năm trăm ngư phủ đến chỗ Phật, đảnh lễ Phật rồi ngồi một bên bạch Phật: “Thế Tôn, năm trăm thiện nam này với lòng tin tha thiết mong cầu được xuất gia trong pháp luật khéo giảng nói để được thọ Cận viên làm Bí-sô, cúi xin Thế Tôn rũ lòng thương tế độ họ”. Thế Tôn bảo năm trăm ngư phủ: “Thiện lai Bí-sô, có thể tu phạm hạnh”. Ngay sau đó râu tóc của năm trăm ngư phủ liền tự rụng, pháp y mặc trên thân, tay mang bát oai nghi đầy đủ như Bí-sô một trăm tuổi. Kệ tụng rằng:

“Thế Tôn xướng thiện lai,
Tóc rụng, y bát đủ.
Các căn đều tịch tịnh,
Thành tựu theo ý nguyện”.