CĂN BẢN THUYẾT NHẤT THIẾT HỮU BỘ TỲ NẠI DA

Hán dịch: Đời Đường Tam Tạng Pháp Sư Nghĩa Tịnh 
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

QUYỂN 8

Học Xứ Thứ Ba: ĐOẠN MẠNG NGƯỜI

Việc xây cất nhà ấm như thế nào? Lúc đó đức Bạc-già-phạm ở trong rừng khoáng dã, Bí-sô xây cất nhà ấm cũng giống như việc xây cất nhà tắm, chỉ khác là Thế Tôn dạy: “Việc chưa xong thì các Bí-sô nên tiếp tay để làm cho xong”. Các Bí-sô vâng lời Phật dạy tiếp tay để làm cho xong, cúng nhau khiêng một đòn cây đặt làm đòn dông, những người thọ mộc đứng ở dưới phụ đưa lên. Khi di chuyển cây sút tay rớt đòn cây xuống đầu người thợ mộc ở phía dưới, do đây mà chết, các Bí-sô trong lòng hối hận nói với nhau: “Các cụ thọ, Bí-sô khất thực này đa sự xây cất này nọ làm việc cực khổ, lại làm cho người thợ mộc bị chết, há chẳng phải chúng ta đều phạm Ba-la-thị-ca hay sao?”. Các Bí-sô đem việc này bạch Phật, Phật nói: Các Bí-sô không phạm, nhưng các Bí-sô không nên vội nâng lên vật nặng quá sức của mình, khi cần di chuyển nên nhờ người tục phụ giúp nâng đỡ lên, khi đưa lên hay để xuống và lúc buông tay ra phải nói cho nhau biết, nếu Bí-sô nào không làm theo lời Phật dạy thì phạm tội Việt pháp”. Các Bí-sô nghe Phật dạy, không biết ngang chừng mức nào là vừa sức của mình, Phật dạy: “Sức nặng ngang bằng một gánh của người tục thì Bí-sô nên phân làm hai người, nếu làm trái thì phạm tội Việt pháp”.

Trường hợp của Hắc-ca-lưu-đà-di như thế nào? Lúc đó Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc thành Thất-la-phiệt, cụ thọ Ca-lưu-đà-di giáo hóa người con gái tên Chiên-đồ khiến sanh lòng tín kính, xin thọ Tam quy và năm học xứ. Lúc đó Chiên-đồ đảnh lễ bạch rằng: “Thánh giả, nếu cần ẩm thực thuốc thang và vật cần dùng gì, con đều cúng dường”, Ca-lưu-đà-di không chịu thọ nhận nói rằng: “Đại muội, Thế Tôn có dạy lợi ích chung đứng đầu, ý muốn của tôi là nên làm lợi ích cho nhiều người”, Chiên-đồ bạch: “Nếu Thánh giả không chấp nhận lời con thỉnh thì cho phép con thiết lập tòa ngồi tốt đẹp để mỗi khi khất thực xong, Thánh giả đến đó ngồi thọ thực rồi về”. Ca-lưu-đà-di nhận lời, hằng ngày khất thực xong liền đến tòa đó ngồi thọ thực xong rồi về, một hôm Ca-lưu-đà-di có nhân duyên muốn đi đến nơi khác liền suy nghĩ: “Ta nên nói cho thí chủ biết là ta muốn đi đến nơi khác”, nghĩ rồi liền đến chỗ Chiên-đồ nói dự tính của mình, Chiên-đồ nói: “Thánh giả đi đường may mắn, mau sớm trở về, đừng ở lâu nơi đó để con mong chờ”. Cáo từ xong, Ca-lưu-đà-di liền trở về rừng Thệ-đa chuẩn bị lên đường, lúc đó Thế Tôn muốn du hành trong nhơn gian liền bảo cụ thọ A-nan-đà thông báo cho các Bí-sô biết, A-nan-đà vâng lời đến chỗ các Bí-sô thông báo: “Nay Thế Tôn muốn du hành trong nhơn gian, vị nào muốn đi theo thì nên sừa soạn hành trang”. Ca-lưu-đà-di nghe xong liền suy nghĩ: “Đi theo Thế Tôn có mười tám điều Lợi-ích:

– Một là không bị nhà vua khủng bố

– Hai là không bị giặc cướp khủng bố

– Ba là không bị nuớc làm cho sợ hãi

– Bốn là không bị lửa làm cho sợ hãi

– Năm là không bị nước cừu địch khủng bố

– Sáu là không bị sư tử, hổ lang… làm cho sợ hãi.

– Bảy là không có sợ hãi khi qua các cửa ải

– Tám là không bị thuế quan làm cho sợ hãi

– Chín là không có sợ hãi vì thiếu người bảo vệ

– Mười là không bị người khủng bố

– Mười một là không bị phi nhơn khủng bố

– Mười hai là thường được thấy chư thiên

– Mười ba là được nghe tiếng nói của chư thiên

– Mười bốn là được thấy đại quang minh

– Mười lăm là được nghe lời thọ ký

– Mười sáu là được lãnh thọ diệu pháp

– Mười bảy là được cùng thọ ẩm thực

– Mười tám là thân không bịnh khổ”.

Đi theo Phật được nhiều lợi ích như thế nên Ca-lưu-đà-di quyết định đi theo Phật. Lúc đó tại nhà của Chiên-đồ có một người nữ sanh được một bé trai, Chiên-đồ nói: “Nàng hãy tắm rửa cho em bé, cho cháu mặc áo bạch điệp mới rồi để nằm trên tòa tiên nhơn cho em bé được trường thọ”, người mẹ này nghe lời hằng ngày đặt con nằm trên tòa tiên nhơn. Thời gian sau Ca-lưu-đà-di trở về, sau khi khất thực xong như trước kia đến nhà của Chiên-đồ, một vị A-la-hán nếu không quán sát trước thì thánh trí không hiện hành, khi Ca-lưu-đà-di vừa ngồi xuống tòa, người mẹ hoảng hốt kêu lên: “Thánh giả trên tòa có em bé”, Calưu-đà-di liền đứng dậy, nhưng đứa bé bất hạnh đã chết, người mẹ gào khóc thảm thiết, Ca-lưu-đà-di nói: “Đại muội chớ gào khóc nữa, đứa bé này mạng yểu, như Phật đã dạy: Chư hành vô thường là pháp sanh diệt. Đáng lẽ tôi mới là người nên gào khóc vì đã đắc quả La hán mà lại không quan sát kỹ, Thế Tôn sẽ vì nhơn duyên này mà chế học xứ”. Ca-lưu-đà-di đem việc này bạch các Bí-sô, các Bí-sô bạch Phật, Phật nói: “Ca-lưu-đà-di không phạm, nhưng các Bí-sô vào trong nhà thế tục chưa quan sát kỹ thì không nên vội ngồi liền, nếu không quán sát kỹ vội ngồi liền thì phạm tội Việt pháp”.

Trường hợp cho uống giấm như thế nào? Lúc đó Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc thành Thất-la-phiệt, trong thành có hai trưởng giả giàu có nhiều của cải và tôi tớ kết bạn với nhau. Thời gian sau cả hai dần dần nghèo khó nói với nhau: “Ngày xưa giàu có nay trở nên nghèo khó làm sao sinh sống, chúng ta nên cúng đi xuất gia”, bàn xong cả hai bèn ở trong pháp luật khéo giảng nói xin xuất gia tu hạnh xuát ly. Thời gian sau một người mắc bịnh nặng, một người nuôi bịnh; người bịnh càng ngày càng nặng không thể ngồi dậy được, người nuôi bịnh hỏi: “Cụ thọ hồi tại gia có thuờng bị bịnh khổ không?”, đáp có, hỏi: “Cụ thọ lúc đó thường dùng thuốc gì chửa trị?”, đáp: “Tôi thường uống giấm mặn”, hỏi: “Bây giờ cụ thọ có muốn uống không?”, đáp muốn. Người nuôi bịnh liền đi tìm giấm mặn mang về cho uống, không ngờ uống xong liền chết. Bí-sô nuôi bịnh hối hận không biết mình có phạm tội Tha thắng không, liền đem việc này bạch các Bí-sô, các Bí-sô bạch Phật, Phật nói: “Bí-sô này không phạm, nhưng các Bí-sô không hỏi thầy thuốc thì không nên vội cho người bịnh uống thuốc liền. Nếu không có thầy thuốc thì nên hỏi vị Bí-sô nào từng là thầy thuốc; nếu không có Bí-sô nào từng là thầy thuốc thì nên hỏi vị nào từng quen biết với thầy thuốc; nếu cũng không có thì nên hỏi người từng nuôi bịnh; nếu cũng không có thì nên hỏi Bí-sô kỳ cựu. Nếu Bí-sô không hỏi thầy thuốc cho đến không hỏi Bí-sô kỳ cựu, liền tự ý cho người bịnh uống thuốc thì phạm tội Việt pháp”. Lúc đó các Bí-sô cùng có nghi niệm bạch Phật: “Thế Tôn, vì nhơn duyên gì Bí-sô bịnh kia hồi tại gia mắc bịnh uống giầm liền lành bịnh, nay mắc bịnh uống giấm lại chết?”. Phật nói: “Bí-sô ấy hồi tại gia mắc bịnh đàm ấm, còn nay mắc bịnh phong nhiệt; do nhơn duyên này nên trước kia giấm là thuốc, nay lại chẳng phải là thuốc”.

Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc thành Thất-la-phiệt, lúc đó vua Ảnh-thắng nước Ma-kiệt-đà chứng được Kiến đế, cùng tám vạn chư thiên và các Bà-la-môn, cư sĩ nước Ma-kiệt-đà tất cả có đến vô lượng trăm ngàn chúng, vua cho người ở trên thành Vương Xá đánh trống tuyên lịnh cho người trong Vương thành và những người từ ngoài thành đến như sau: “Mọi người nên biết, người trong nước ta không được làm giặc cướp, nếu làm giặc cướp bị bắt được sẽ bị đi đày và tẩn xuất. Tài vật của người bị mất ta sẽ xuất kho bồi thường”. Cũng vào lúc đó Phật thuyết kinh Thiếu Niên cho vua Thắng Quang nước Kiều-tát-la khiến sanh lòng tín kính, vua cũng cho người đánh trống tuyên lịnh cho người trong thành và người ngoài thành đến như sau: “Mọi người nên biết, người trong nước ta không được làm giặc cướp, nếu làm giặc cướp bị bắt được sẽ giết chết. Tài vật của người bị mất ta sẽ xuất kho bồi thường”. Lúc đó bọn giặc cướp của hai nước này nghe nhà vua tuyên lịnh như vậy liền tập trung lại ở ranh giới giữa hai nước để trốn tránh, người sống trong hai nước đều nghe biết ở ranh giới giữa hai nước có bọn giặc cướp thường đón đường các đoàn thương buôn cướp của giết người. Thời gian sau có một đoàn thương buôn muốn từ nước Ma-kiệtđà đến nước Kiều-tát-la, nghe biết việc này nên tìm người bảo tiêu vận tải hàng hóa cho được an toàn. Khi qua khỏi ranh giới nước Ma-kiệt-đà vào ranh giới nước Kiều-tát-la, vị thương chủ nói với người bảo tiêu: “Ta nghe nói vua Thắng Quang nước Kiều-tát-la hùng dũng, tánh quyết đoán. Nếu ta bị giặc cướp cướp đoạt tài vật, nhà vua sẽ xuất kho bồi thường, cho nên các vị bảo tiêu đến đây thì có thể trở về”. Những người bảo tiêu nghe thương chủ nói thế liền cáo biệt trở về, bọn giặc cướp cho người rình chờ nơi yếu lộ thầy những người bảo tiêu này đều đã trở về liền cho người chạy về báo cáo chúa giặc. Chúa giặc nghe rồi liền ra lịnh cướp phá đoàn thương buôn ở trong rừng hiểm, đoạt lấy hết tài vật, đoàn thương buôn người bị giết, kẻ bị thương, người bỏ chạy. Người bỏ chạy chạy thoát đến thành Thất-la-phiệt , thân đầy bùn đất đến chỗ nhà vua tâu rằng: “Đại vương, đoàn thương buôn của chúng tôi vào đến ranh giới nước của Đại vương liền bị giặc cướp cướp hết tài vật”. Nhà vua nghe rồi liền ra lịnh thái tử Tỳ Lô Trạch Gia: “Ngươi đem quân bao vây bắt bọn giặc cướp và tịch thu toàn bộ tài vật chúng đã cướp được”. Thái tử vâng lịnh nghiêm chỉnh bốn binh đến bao vây giặc cướp ở chỗ hiểm yếu. Lúc đó bọn giặc cướp đang cùng nhau phân chia tài vật đã cướp được nên không hay biết mình đã bị bao vây. Kết quả bọn giặc cướp người bị giết kẻ bị bắt, người bỏ chạy, số bị bắt tổng cộng là sáu mươi người, Thái tử liền áp giải sáu mươi tên cướp này với số tài vật đã cướp được đưa đến chỗ nhà vua. Vua hỏi bọn cướp: “Các ngươi há không nghe ta tuyên lịnh, người trong nước ta không được làm giặc cướp, nếu làm giặc cướp bị bắt được sẽ giết chết hay sao?”, đáp: “Chúng tôi đều nghe biết”, vua hỏi: “Nếu đã nghe biết tại sao còn làm giặc cướp cướp hết tài vật của đoàn thương buôn?”, đáp: “Nếu không làm giặc cướp thì không thể sinh sống được”, vua hỏi: “Nếu như vậy thì chỉ nên lấy của, tại sao còn giết người?”, đáp: “Vì muốn khủng bố họ nên mới giết”. Vua nói: “Nếu như vậy ta cũng có cách xử tội làm cho các ngươi sợ sệt, cách xử tội này nếu trước nay chưa thấy thì nay các ngươi được thấy”. Vua nói rồi liền ra lịnh Đại thần: “Hãy dẫn bọn chúng đến rừng thây chết chặt hết tay chân của chúng, còn tài vật của đoàn thương buôn đã bị cướp thì xuất kho bồi thường cho họ”. Đại thần vâng lịnh dẫn bon cướp đến rừng thây chết chặt hết tay chân của chúng và xuất kho bồi thường lại cho đoàn thương buôn. Lúc đó Thế Tôn bảo các Bí-sô: “Các thầy nên biết, làm tổn não mình người hay làm an lạc cho mình và người nên khéo quán sát, vì sao?, vì làm tổn não mình người hay làm an lạc cho mình và người đều nên mhàm lìa”. Các Bí-sô ghi nhớ lời Phật dạy, vì sanh nhàm lìa nên có nhiều vị đến rừng thây chết, các Bí-sô ni cũng theo đến. Khi đến nơi tất cả đều trông thấy sáu mươi tên cướp bị chặt hết tay chân đang sống trong khổ não, có một người trông thấy bon cướp khổ não như thế nói rằng: “Nếu ai có lòng tốt thương xót cảnh khổ này thì nên cho họ uống giấm mặn, họ chết rồi sẽ được thọ sanh trở lại, được uống sữa mẹ mới”. Trong số Bí-sô ni có một vị tên là Viên mãn người khỏa mạnh nhưng ngu si, nghe lời nói đó rồi liền suy nghĩ: “Ta ở trong pháp luật khéo giảng nói xuất gia không nên bỏ qua phước tụ này, ta nên tìm giấm mặn cho họ uống”. Nghĩ như vậy rồi nên ni Viên Mãn không theo các Bí-sô ni trở về trú xứ, mà vào thành tìm xin giấm mặn được một vò lớn với sáu mươi cái chén sành mang đến chỗ bọn cướp. Lúc đó bọn cướp đang bị khổ bức bách, không tìm được đường sống nên khi thấy vị ni này mang vò giấm đến liền cầu xin: “Thánh giả, con bị khát bức bách xin Thánh giả cứu tế chúng con”. Lúc này Bí-sô ni khởi tâm cầu phước, trước trao cho họ cái chén sành rồi theo thứ tự rót giấm trong vò cho mỗi người đầy một chén, uống xong họ đều mạng chung. Đến chiều tối Bí-sô ni này mới về chùa thì cửa chùa đã đóng, cô bèn kêu cửa, các ni trong chùa hỏi là ai, đáp: “Tôi là Viên Mãn”, hỏi: “Vì sao giờ này cô mới về?”, ni Viên Mãn nói: “Xin tùy hỉ”. Sau khi mở cửa cho vào các ni hỏi: “Cô đã làm việc gì, là đắc quả A-la-hán hay đắc quả Bất hoàn, Nhất lai, Dự lưu; hay là vì Tăng già tìm cầu được thức ăn ngon, y phục tốt?”, đáp: “Các cô không có làm gì khác ngoài tìm cầu ẩm thực và y phục sao?”, các ni hỏi: “Nếu không làm việc này thì cô đã làm việc gì?”, ni Viên Mãn nói: “Trong rừng bỏ thây chết các cô há không thấy sáu mươi người bị chặt hết tay chân hay sao?”, đáp: “Có thấy”, ni Viên Mãn nói: “Tôi đã xin được cho họ nhiều giấm mặn, sau khi họ uống xong liền mạng chung, họ sẽ lại thọ sanh để được uống sữa mới của mẹ”. Các ni nghe rồi quở trách: “Cô là người ngu si, đem tội Tha thắng chất đầy bụng lại còn bảo chúng tôi tùy hỉ”. Viên Mãn nghe rồi hối hận suy nghĩ không biết mình có phạm tội tha thắng hay không, liền đem việc này bạch các Bí-sô, các Bí-sô bạch Phật, Phật nói: Bí-sô ni này không phạm, nếu cố tâm khiến cho những người kia chết mới phạm tội Tha thắng; nhưng các Bí-sô ni không nên đưa giấm cho người bịnh uống khiến cho họ chết, nếu coi giấm là thuốc đưa cho họ uống để được lành bịnh thì mới không phạm. Nếu Bí-sô, Bí-sô ni có ý nghĩ đưa giấm cho họ uống để họ mạng chung thì phạm tội Tha thắng”.

7. Trường hợp mười bảy Bí-sô:

Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc thành Thất-la-phiệt , lúc đó cụ thọ Đại Mục Liên thu nhận mười bảy đồng tử, cho xuất gia và cho thọ Viên cụ, Ô-ba-ly là thượng thủ. Trong số mười bảy người này, nếu người nào làm tri sự thì mười sáu người kia đều trợ giúp. Thời gian sau, có pháp sự cần tụng kinh suốt đêm, mười bảy người này đều đến cùng hành sự; một ngày khác Tăng già xây dựng nhà tắm, mười bảy người này cũng đến hổ trợ nhau; một ngày khác Tri sự lo coi ngó việc trang trí trong chùa thì cả nhóm mười bảy người cũng trợ giúp nhau, lúc Tri sự đang coi ngó mọi việc thì có một người nghĩ rằng: “Mình mệt quá cần phải ngủ một chút, chắc là mười mấy vị kia đều có trợ giúp”. Không ngờ mười lăm người còn lại cũng cùng có một ý nghĩ như vậy, cho nên đồng loạt đều đi ngủ một chút, chỉ còn một mình Tri sự lo coi ngó công việc không thể ngủ được; đến gần sáng còn phải lo tắt đèn, mở cửa chùa và quét dọn khắp nơi rồi mới đánh kiền chùy báo thức. Nghe tiếng kiền chùy mười sáu người này mới thức giấc, mỗi người mang bát từ phòng mình đi ra nhìn nhau nói: “Không lẽ không có một người nào trợ giúp công việc với Tri sự hay sao?”. Lúc đó một người nói: “Tôi mệt quá muốn đi ngủ một chút, nghĩ rằng các cụ thọ đều có đến trợ giúp, không ngờ các cụ thọ cũng như tôi”. Mười sáu người hiểu rõ sự việc rồi liền nói với nhau: “Chúng ta đã không đến trợ giúp chắc là Tri sự buồn giận, chúng ta ăn sáng xong cùng đến xin lỗi mong thầy ấy hoan hỉ cho chúng ta”. Ăn sáng xong, mười sáu người cùng đến chỗ Tri sự xin lỗi, vị nhỏ hơn thì lễ dưới chân, vị lớn hơn thì dùng tay vỗ trên vai Tri sự nói lời xin tha thứ nhưng Tri sự im lặng không trả lời. Trong số mười sáu vị có một người thân thiện nhất dùng ngón tay chọc lét Tri sự khiến Tri sự cười lên; mười lăm người kia thấy Tri sự cười nghĩ đây là cách hay nhất khiến Tri sự cười nên cùng xúm lại chọc lét khiến vị này cười đến đứt hơi mà mạng chung. Mười sáu người thấy kết cục như vậy liền kêu khóc bi thảm, các Bí-sô nghe kêu khóc liền hỏi: “Tại sao các thầy tụ tập ở đây kêu khóc?”, đáp: “Chúng con trước đây có mười bảy người được gọi là Thập thất quần, bây giờ chỉ còn có mười sáu người làm sao không buồn khóc. Người bạn đồng phạm hạnh đắc ý này chết, ngoài cái khổ ái biệt ly, chúng con còn phạm tội Tha thắng làm sao không buồn khóc”. Các Bí-sô nghe rồi biết là do chọc lét cười đút hơi mà chết nên quở trách: “Các thầy giống như lửa rơm vừa cháy đó liền tắt đó, lúc cười lúc khóc”. Quở trách rồi đem việc này bạch Phật, Phật nói: “Các Bí-sô trẻ tuổi kia không có tâm sát nên không phạm, nhưng các Bí-sô không nên chọc lét nhau, nếu ai làm trái thì phạm tội Việt pháp”.

8. Trường hợp sáu mươi Bí-sô:

Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc thành Thất-la-phiệt. lúc đó trong một tụ lạc cách thành không xa có một trưởng giả giàu có. Nhiều của cải và tôi tớ. Vị này có lòng tin thanh tịnh ưa thích bậc hiền thiện nên xây cất một trú xứ rộng rãi khang trang cho Tăng, ai nấy đều hoan hỉ. Xây cất xong liền thỉnh sáu mươi vị Bí-sô đến hạ an cư, an cư xong làm lễ tùy ý rồi các Bí-sô đều tùy duyên ra đi, trú xứ trở lại trống không, trưởng giả sợ giặc cướp đến lấy trộm nên cử người ở đó coi giữ. Không bao lâu sau, có sáu mươi Bí-sô khác du hành đến tụ lạc tìm nơi tạm trú, người trong tụ lạc liền chỉ đến trú xứ mà vị trưởng giả xây cất cho Tăng. Người quản lý trú xứ này tiếp đón chỉ phòng xá và cung cấp những vật cần dùng rồi đến báo tin cho trưởng giả biết. Trưởng giả nghe xong vui mừng bảo các gia nhân mang nước phi thời đến cho các Bí-sô dùng trước, khi đến trú xứ thấy chư tăng tề tựu như rừng hoa sen nở, trưởng giả càng thêm tín kính liền nói kệ:

“Thôn ấp hay trong rừng
Chỗ cao hay chỗ thấp
Có chúng tăng cư trú
Khiến sanh lòng mến yêu”.

Trưởng giả tự tay dâng nước phi thời cho chư tăng dùng, dùng xong Trưởng giả tay bưng lư hương cung thỉnh chư tăng nhiễu tháp, nhiễu tháp xong trở về trú xứ, vị Thượng tòa giảng nói pháp yếu cho trưởng giả nghe, nghe pháp xong trưởng giả cung thỉnh chư chư tăng ngày mai đến nhà thọ thực. Trở về nhà Trưởng giả lo sửa soạn đủ các món ăn ngon để cúng dường chư Tăng, sau khi thọ thực xong vị thượng tòa chú nguyện cho trưởng giả rồi trở lại trú xứ. Xế chiều trưởng giả lại sai người mang nước phi thời đến, đợi chư tăng dùng xong trưởng giả bưng lư hương đến trước vị thượng tòa bạch: “Thánh giả, con xây cất trú xứ này không vì bản thân cũng không vì thân thuộc, mà vì bốn phương tăng, con rất mong quý thầy về đây hạ an cư”. Thượng tọa nói: “Pháp chủ Thế Tôn hiên đang ở thành Thất-la-phiệt, hằng ngày giảng pháp thường hay thọ ký cho Bí-sô này chứng A-la-hán, Bí-sô kia thành tựu pháp quán bất tịnh… Đại vương Thắng Quang, phu nhơn Thắng man, Tiên thọ thế chúa, Tỳ-xá-khư-mẫu, các trưởng giả và các Bà-la-môn thảy đếu kính tín. Chúng tôi muốn đến đó để được đồng thọ dụng pháp thực”. Trưởng giả nói: “Lợi ích của sự lãnh thọ pháp nghĩa chỉ có các vị biết, về y thực con sẽ cung Cấp-đầy đủ, chỉ mong các thầy đừng trụ ở đây con sẽ tứ sự cúng dường không thiếu thốn”. Thượng tọa nghe rồi nói với chư tăng: “Các cụ thọ, như Thế Tôn dạy nếu có thí chủ kính tin thì phải bi mẫn để họ tăng trưởng lòng tin. Tôi xem xét nơi đây thấy có đủ cây trái sum suê, ao nước trong, rừng cây rợp bóng, khung cảnh rất yên tĩnh thích hợp cho thiền tư. Tuy cây trái sum suê nhưng tiền an cư thì mùa trái chưa chín, chúng ta nên chọn hậu an cư”. Thế-là các Bí-sô ở tại trú xứ này hậu an cư, vì chung quanh trú xứ trong tụ lạc này và trong các phường xóm khác đều không có chùa, chỉ có một trú xứ này trưởng giả xây cất cho Tăng nên phước nghiệp đã có đều tập trung về trú xứ này, các thiện tín đều quy tụ về đây tu phước nghiệp. Các Bí-sô an cư ở đây được rất nhiều lợi dưỡng nên làm lễ tùy ý xong liền trụ ở đây luôn. Lúc đó có giặc cướp Ca-lật-để-ca. chúa giặc nói với bọn cướp: “Chúng ta nên làm việc để trọn năm khỏi vất vả mà y thực thọ dụng đầy đủ”. Một người liền lên tiếng: “Chúng ta nên tìm cách trộm lấy tài vật của các Bí-sô”. một người khác nói: “Bí-sô mỗi ngày trước giờ ngọ đi đến hàng trăm nhà khất thực, vất vả xin ăn chỉ nuôi được tấm thân làm gì có sở hữu để chúng ta trộm cắp”. một người khác nói: “Các vị không biết, các Bí-sô có rất nhiều tài vật, ông trưởng giả giàu có kia với lòng tin thuần thiện xây cất cảnh chùa nỳ, tất cả phước nghiệp đều tập trung về đây nên các Bí-sô an cư được rất nhiều lợi dưỡng, nếu các vị không tin thì hãy cùng tôi đến đó tìm hiểu sẽ rõ”. Thế-là một số trong bọn cướp với y phục trang nghiêm đi đến chùa, nhiễu tháp xong rồi vào trong chùa gặp Bí-sô Mạc Hạ La đứng ở cửa liền đến đảnh lễ hỏi thăm: “Thánh giả, đây là chùa của ai?, phòng xá trang nghiêm khiến người yêu thích. Ai nguyện sanh Thiên thì chính nơi đây là thềm thang đi lên”. Bí-sô nói: “Hiền thủ, chùa này do Trưởng giả xây cất”, hỏi: “Thánh giả, chùa này thuộc loại Tỳ-ha-la hay Tỳ-già-đa?”, Bí-sô hỏi lại: “Sao gọi là Tỳ-ha-la, sao gọi là Tỳ-già-đa?”, đáp: “Tư cụ đầy đủ thì gọi là Tỳ-ha-la, còn vật dụng thiếu thốn thì gọi là Tỳ-già-đa”, Bí-sô nghe rồi liền nói: “Như vậy thì chùa này thuộc loại Tỳ-ha-la không phải Tỳ-giàđa, vì tư cụ đầy đủ thọ dụng không có thiếu thốn”. Bọn cướp nghe rồi liền nói: “Thánh giả, nếu ẩm thực đầy đủ thì không nên ăn cơm khô, y phục đầy đủ thì không nên mặc vỏ cây. Y phục của Thánh giả hiện có nhiều hay ít?”. Bí-sô Mạc Ha La bản tánh chất phác liền nắm tay bọn cướp giả dạng này vào phòng mình, chỉ trên cây sào máng y phục nói rằng: “Các vị nhìn xem y phục của tôi nhiều hay ít?”, bọn cướp giả danh lại hỏi: “Y phục này là của riêng thầy hay là của chung chúng tăng?”, Bí-sô nói: là của riêng tôi”, lại hỏi: “Thầy là bậc Thượng tọa hay Pháp sư?”, Bí-sô nói: “Tôi không phải Thượng tọa cũng không phải Pháp sư, tôi chỉ là Cầu tịch thấp nhất trong Tăng”, lại hỏi: “Vật sở hữu của thầy tôi đã biết rồi, còn vật của chúng tăng có kho tích trữ không?”, Bí-sô nói: “Tất nhiên là có”, lại hỏi: “Trong nhà trù của chúng tăng có các vật dụng để nấu như nồi soang chão… hay không?”, Bí-sô nói: “Tất nhiên là có”, nói rồi liền dẫn bọn cướp giả dạng vào trong nhà trù xem. Sau khi biết rõ nơi này rồi, bọn cướp giả dạng muốn ra về nên nói với Bí-so: “Thánh giả, nảy giờ làm thánh giả bỏ tu thiện phẩm cũng trở ngại đến sinh kế của chúng tôi, nay tạm từ biệt sau sẽ đến tạ lễ”, nói rồi lễ bái ra về. Về đến trú xứ liền báo cáo với chúa giặc: “Chúng tôi đã vào tận trong chùa quan sát, tài vật phong phú như các thương khách giàu có, có thể cướp lấy”. Trong số bọn cướp có người nói: “tôi từng nghe nói sáu mươi người xuất gia trong chùa này rất rành thuật bắn tên, chúng ta không nên vội vàng vào chùa cướp lấy, phải chờ lúc họ tụ họp tụng kinh chúng ta mới vào chùa”. Có người hỏi: Có biết lúc nào họ tụng kinh không?”, có người nói: “mồng tám đã qua rồi, ngày rằm tới họ sẽ tụng”. Bọn cướp nghe nói rồi bấm đốt ngón tay tính ngày chờ đợi. Đến ngày rằm trong chùa chúng tăng tụng giới, Thượng tọa thăng tòa thuyết Ba-la-đề-mộc-xoa, bố tát xong rồi tụng kinh. Ngồi trên tòa sư tử, thượng tọa tụng kệ:

“Phật ở trong vườn Cấp (Cô Độc)
Đoạn hết tất cả hoặc,
Các căn đều tịch tịnh.
Phật dạy chúng như sau:
Ta ở trong Trời người,
Tuyên nói pháp vi diệu,
Nghe rồi hành trì theo,
Mé khổ không còn nữa”.

Lúc đó bọn cướp kêu cửa, Bí-sô hỏi là ai, liền đáp là thiện nam tử, Bí-sô nghe rồi suy nghĩ: “Có lẽ là người trong tụ lạc đến đây nghe pháp, ta nên mở cửa cho họ”, nghĩ rồi liền mở cửa, cửa vừa mở bọn cướp liền tràn vào cướp lấy tài vật, Bí-sô nói: “Vừa rồi các vị tự xưng là thiện nam, tại sao vào trong chùa cướp lấy tài vật?”, bọn cướp nói: Thánh giả, chúng tôi có hai tên, ở ngoài cửa thì gọi là thiện nam, vào trong chùa liền trở thành giặc cướp”. Bí-sô nói: Các ngươi có hai tên như vậy thì không phải là người tốt”. Bọn cướp cướp lấy hết tài vật rồi liền thoát ra khỏi chùa, lúc đó các Bí-sô nói với nhau: “Các cụ thọ, Thế Tôn dạy rằng vắt sữa không nên vắt đến khô cạn, Trưởng giả chủ chùa nếu nghe biết chúng ta bị cướp ắt sẽ xuất tiền của cúng lại cho chùa và cho chúng ta, như thế nhất định sẽ khánh tận. Chúng ta không nên cho Trưởng giả biết mà nên đến chỗ những vị đồng phạm hạnh ở thành Thất-la-phiệt để tìm cầu y phục”. Một Bí-sô nghe rồi nói: Chúng ta bị bọn cướp lột hết y phục, lộ hình thể như thế này làm sao đi đường?”, một Bí-sô khác nói: “Ban ngày chúng ta ẩn trong rừng, ban đêm chúng ta mới đi”. Bàn tính rồi, các Bí-sô lặng lẽ ra đi không nói cho Trưởng giả biết, lần lần đi đến thành Thất-la-phiệt. Các Bí-sô ở đây đầu đêm, cuối đêm tỉnh giác tư duy siêng tu phẩm thiện, trông thấy nhiều người lộ hình đứng ở trước cửa chùa liền hỏi vọng ra: “Các vị thuộc phái lộ hình cạo tóc, vì sao lại đến đây, ở đây là Tỳ-ha-la không phải trú xứ của các vị”. Các Bí-sô đứng ngoài cửa nói: “Chúng tôi là Bí-sô không phải là ngoại đạo lộ hình”, các Bí-sô bên trong chùa nói: “Bí-sô đâu có lộ hình như thế?”, các Bí-sô đứng ngoài cửa nói: “Chúng tôi bị bọn cướp cướp hết y phục”, các Bí-sô trong chùa lại hỏi: “Nếu là Bí-sô thì pháp hiệu của các vị là gì?”, các Bí-sô đứng ngoài cửa liền đáp: “Chúng tôi tên là Phật Hộ, Pháp Hộ, Tăng Hộ…”. Các Bí-sô bên trong chùa nghe rồi liền nói: “Thiện lai, thiện lai các cụ thọ!”, nói rồi liền mở cửa cho vào. Các Bí-sô trong chùa người lấy y, người lấy quần , người lấy tăng khước kỳ, người lấy đãy lượt nước tùy có dư cái gì đều đem ra chu cấp cho các Bí-sô bị cướp. Sau đó đem việc này bạch Phật, Phật nói: “Phàm vào nửa đêm nghe kêu cửa chưa biết rõ là ai thì không nên mở cửa cho vào, phải hỏi tên tuổi dòng họ, biết rõ gốc gác rồi mới mở cửa cho vào”. Khi chúng Tăng tụng kinh nên sai một Bí-sô coi giữ, nếu thấy có giặc cướp đến nên hiện tướng khủng bố báo động cho nhau chứ đừng mở cửa. Nên nói lớn tiếng đem kiền chùy đến, đem cái chày đến, đem thời luân, Tăng-già-chi, y bảy điều, y năm điều… đến. Bọn cướp ở ngoài nghe những âm thanh này sẽ kinh sợ thối lui bỏ đi. Nếu là bậc Thượng tòa đứng đầu trong chúng thì có hành pháp gì, ta nay chế hành pháp như sau: Phàm khi nhóm chúng tụng kinh, vị Thượng tòa nên hỏi vị Tri sự là cửa đã đóng chưa, đi xem xét khắp hết trong chùa chưa, sai người coi giữ chưa…. “Nếu bậc Thượng tòa không hành theo hành pháp này thì phạm tội Việt pháp”. Lúc đó các Bí-sô cự trụ nói với các Bí-sô bị giặc cướp: “Các cụ tho, chúng tôi theo khả năng của mỗi người ít nhiều y bát và tư cụ đều đã đem ra chu cấp cho các cụ thọ hết rồi nhưng vẫn còn chưa đủ. Theo chúng tôi, Trưởng giả xây cất ngôi chùa đó có tín tâm nồng hậu, các cụ thọ nên trở lại nơi đó gặp Trưởng giả cho biết sự việc đã xảy ra, trưởng giả chắc chắn sẽ chu cấp thêm y phục và tư cụ cho các cụ thọ”. Các Bí-sô bị giặc cướp nghe rồi liền nói với nhau: “Ý kiến của các cụ thọ đồng phạm hạnh rất hay, trước đây chúng ta lặng lẽ ra đi không báo cho trưởng giả biết, nay chúng ta nên trở lại nói rõ sự việc cho trưởng giả biết để trưởng giả chu cấp thêm y phục cho chúng ta”. Bàn với nhau rồi các Bí-sô liền trở lại trú xứ để gặp Trưởng giả, Trưởng giả vui mừng nói: “Vì sao các Thánh giả không nói gì hết lại bỏ ra đi”, các Bí-sô nói: “Trưởng giả, như Thế Tôn dạy phàm vắt sữa không nên vắt đến khô cạn, lúc đó chúng tôi nghĩ rằng chùa bị giặc cướp nếu Trưởng giả biết được ắt sẽ xuất tiền của ra cúng lại cho chúng tôi và như vậy Trưởng giả sẽ khánh tận. Chúng tôi sợ xúc não cho nhau nên mới lặng lẽ ra đi, đến chỗ các đồng phạm hạnh của chúng tôi ở thành Thấtla-phiệt tìm cầu y phục”. Trưởng giả nghe rồi liền nói: “Các Thánh giả, chùa bị cướp chứ nhà tôi không bị cướp, lành thay các Thánh giả đã trở lại”. Lòng tín kính của Trưởng giả tăng gấp bội nên cúng cho mỗi Bí-sô mười ba vật dụng cần dùng của một Bí-sô. Bọn cướp lúc đó hay tin các Bí-sô đã trở lại liền nửa đêm đến kêu cửa muốn cướp phá lần nửa. Các Bí-sô biết giặc cướp đến liền báo tin cho nhau biết và cùng hiện tướng khủng bố như lời Phật dạy, các Bí-sô lớn tiếng kêu mau đem kiền chùy đến, đem cái chày đến… Bọn giặc nghe rồi kinh hoàng bỏ chạy, lúc đó trên hư không chư thiên nói kệ:

“Lưỡng túc Mâu Ni hay thuyết giáo,
Dạy các đệ tử khủng bố giặc,
Lớn tiếng kêu la để giữ mình,
Năm trăm giặc cướp đều bỏ chạy”.

Lúc bọn cướp bỏ chạy, một người trong bọn hiểu biết về Bí-sô liền nói với đồng bọn: “Vì sao các bạn lại bỏ chạy hết như vậy?”, đáp: “Ông không nghe nói sáu mươi người xuất gia đó có bắn cung rất thiện nghệ hay sao, huống chi nghe nói đem kiền chùy đến, đem cái chày đến… chúng ta sợ bị giết nên phải bỏ chạy”, người đó nghe rồi liền nói: “Cái kiền chùy chỉ là tấm bảng gỗ dùng đánh để nhóm chúng, cái chày là dụng cụ dùng để đánh kiền chùy, thời luân là dụng cụ xem bóng mặt trời, Tăng-già-chi… đều là y phục vật dụng của các Bí-sô mà thôi. Chúng ta không nên hoảng sợ bỏ chạy, hãy quay trở lại cướp phá”. Nghe nói rồi bọn giặc cùng nhau quay trở lại cướp phá chùa, tên chúa giặc leo lên cầu thang, lúc đó Bí-sô Ma-ha-la coi giữ chùa trông thấy giặc cướp leo lên cầu thang liền suy nghĩ: “Bọn giặc ngoan cố này đã cướp lấy y bát của chúng ta khiến chúng ta phải lỏa hình, nếu lần này để cho chúng cướp nữa thì chúng ta phải lỏa hình sao, ta phải hiện tướng khủng bố cho chúng biết”. Nghĩ rồi Ma-ha-la liền đi từ từ lấy cái kiền chùy đập vào đầu giặc cướp này khiến nó rớt xuống cầu thang chết. Ma-ha-la đánh giặc cướp rồi kêu lớn là có giặc cướp, các Bí-sô liền bỏ tụng kinh chạy lên lầu hỏi: “Giặc cướp đâu?”, đáp: “Có tên cướp leo lên cầu thang, tôi thị uy nên đã bỏ chạy rồi”, các Bí-sô nói: “Bỏ chạy là tốt rồi”. Sáng ngày mở cửa tới chỗ tên cướp leo lên hồi hôm thì thấy tên cướp bị bể đầu chảy máu nằm chết dưới cầu thang, các Bí-so thấy rồi trong lòng sợ hãi nói với nhau: “Lần trước không phải là gặp giặc cướp, lần này mới chính là gặp giặc cướp, do đánh người chết, chúng ta lại phạm tội tha thắng”. Các Bí-sô hối hận đem việc này bạch Phật, Phật nói: “Các thầy không phạm, nhưng các Bí-sô không nên đánh trên thân phần của họ, nếu dùng vật gì quăng ném thì nên quăng một bên hay sau lưng họ để khủng bố mà thôi. Nếu Bí-sô đánh vào thân phần của người khác để khủng bố thì phạm tội Việt pháp”.

9. Trường hợp Bí-sô ở Lan-nhã:

Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc thành Thất-la-phiệt, trong thành có một trưởng giả cưới người con gái trong dòng tộc làm vợ, sau sanh được một trai. Theo thời gian gia cảnh của Trưởng giả sa sút dần, bà con ly tán, vợ ông cũng qua đời, Trưởng giả liền bảo con trai: “Nay cha già yếu không thể trông coi gia nghiệp, cha muốn từ biệt tình cha con mong cầu xuất gia”, người con trai nói: “Nếu cha xuất gia, con cũng xuất gia theo”, Trưởng giả nói: “Được như vậy thì càng tốt”. Nói rồi hai cha con cùng đi dến vườn Cấp-cô-độc tới trước một Bí-sô đảnh lễ cầu xin xuất gia, Bí-sô hỏi: “Đồng tử này cũng muốn xuất gia sao?”, người con trai đáp: “Con cũng muốn xuất gia”. Bí-sô xét hỏi thấy không có giá nạn gì liền cho cả hai xuất gia. Theo lời Phật dạy thì người già được hưởng an nhàn hơn người trẻ, nhưng ở đây cả hai cha con đều bị sai làm việc vất vả, người con nói với cha: “Ở đây con thường bị sai làm việc không được học hành, nay cha con mình nên tìm đến nơi khác để được học kinh điển”. Người cha nghe con nói thế liền cùng con ra đi tìm đến nơi khác ở, nhưng nới mới đến người con vẫn bị sai làm việc, người con liền nói với cha: “Ở thành Thất-la-phiệt tuy có làm việc nhưng pháp chủ Thế Tôn giáo hóa nơi này, hằng ngày có thể được nghe Phật thọ ký Bí-so này chứng quả A-la-hán, Bí-sô kia thành tựu pháp quán Bất tịnh… Đại vương Thắng Quang, phu nhơn Thắng Man, Tiên thọ thế chúa, Tỳxá-khư mẫu, các Trưởng giả, Bà-la-môn… thảy đều tín kính. Cha con mình trở lại đó thì cả pháp và thực đều đồng thọ dụng”. Nói rồi hai cha con cùng trở lại thành Thất-la-phiệt, gần đến trú xứ thì tới giờ thọ trai nên từ xa đã nghe tiếng kiền chùy, người con liền giục cha: “Kiền chùy đã vang lên rồi, cha hãy đi nhanh lên để kịp giờ thọ thực”. Người cha vì già yếu nên không thể đi nhanh, người con đi ở sau đẩy người cha đi cho nhanh hơn, nghĩ rằng đẩy cha đi như vậy sẽ mau hơn, không ngờ khiến người cha té chúi nhũi xuống đất, bụi đất dính đầy mặt và miệng nên người cha mạng chung. Người con thấy cha đã chết liền khóc lớn, bồng người cha để bên đường rồi vội đi đến đừng Thệ-đa, các Bí-sô trông thấy liền hỏi: “Thiện lai Ma-ha-la tử, thân phụ Bí-sô đâu?”. Nghe hỏi Bí-sô này liền khóc lớn, các Bí-sô liền hỏi vì sao khóc, Bí-sô này nói: “Cha tôi đã chết”, các Bí-sô nói: “Cụ thọ, các hành vô thường là pháp sanh diệt. Thầy đã xuất gia trong pháp luật khéo giảng nói thì phải tự kìm chế, chớ quá đau buồn”. Bí-sô này liền đem sự việc vừa xảy ra bạch các Bí-sô rồi nói: “Tôi đã giết cha tôi”, các Bí-sô nói: “Như vậy cụ thọ phạm phải hai tội, một là tội nghịch đọa địa ngục Vô gián, hai là tội Ba-la-thị-ca”. Các Bí-sô liền đem việc này bạch Phật, Phật nói: “Bí-sô này không phạm, nhưng các Bí-sô không nên trên đường đi có người già yếu mệt mõi mà lại xô đẩy thúc họ đi nhanh. Ta nay chế hành pháp cho các Bí-sô đi đương như sau: Khi đi đường thấy người già mệt mõi nên xoa bóp cho họ bớt mệt và mang y bát tư cụ giúp họ. Nếu họ đi được thì tốt, nếu không thể đi được thì mình có thể đi trước đến trú xứ khất thực, nếu họ không đến nơi được thì nên mang thức ăn đến cho họ để họ khỏi bị đói, nếu là phi thời thì nên đem nước phi thời cho họ dùng. Bí-sô đi đường nên y theo hành pháp này, nếu không y theo thì phạm tội Việt pháp”.

Lúc đó các Bí-sô có nghi bạch Phật: “Thế Tôn, do nhân duyên gì mà Ma-ha-la tử giết cha không có tội Vô gián, cũng không phạm Ba-la-thị-ca?”, Phật nói: “Này các Bí-sô, người này không phải ngày nay giết cha không có tội trọng mà quá khứ cũng đã giết cha không có phạm tội trọng. Các Bí-sô lắng nghe: quá khứ trong một xóm làng nọ có một người thợ giặt, người này có một con trai tuổi đã lớn khôn. Lúc đó trong xóm có tiết hội nên nhiều người cần giặt y phục, người cha nhận nhiều y phục dơ cần giặt sạch nên nói với con trai: “Cha giặt nhiều đồ nên không thể về nhà ăn cơm đuợc, con hãy mang đến bờ ao cho cha ăn”. Người con vâng lời mang cơm đến bờ ao cho cha ăn, người cha ăn xong nói với con trai: “Con hãy giặt giúp cha, cha mệt quá cần ngủ một chút”. Nói xong người liền nằm xuống ngủ thiếp đi, vì đầu của người cha hói nên có nhiều muỗi bu đến cắn, người con giặt đồ xong đến bên chỗ cha thấy có nhiều muỗi bu lại cắn trên đầu cha nên xua đổi muỗi cho cha. Những con muỗi này dù bị xua đuổi vẫn cứ bay trở lại trên đầu người cha để hút máu, người con giận nói: “Ta ở đây đâu để chúng bây hút máu cha ta”. Nói rồi bèn lấy cây chày đập giặt quần áo đập muỗi, muỗi bay tứ tán và đầu của người cha cũng bị đập bể mà chết. Lúc đó chư thiên trên hư không nói kệ:

Thà cùng oan trái với người trí,
Còn hơn kết bạn với người ngu.
Như con ngu si đuổi muỗi mòng,
Chày đập đầu cha nên mạng chung.

Này các Bí-sô, ông già giặt đồ ngày xưa chính là Ma-ha-la, con của ông ta nay chính là Bí-sô đẩy cha đi mau. Ngày xưa giết cha không bị tội Vô gián, ngày nay cũng vậy tuy giết cha nhưng không bị tội Vô gián cũng không phạm Ba-la-thị-ca. Trường hợp không phạm nữa là khi chưa chế giới hoặc bị cuồng si tâm loạn, thống não bức bách.”