CĂN BẢN THUYẾT NHẤT THIẾT HỮU BỘ TỲ NẠI DA

Hán dịch: Đời Đường Tam Tạng Pháp Sư Nghĩa Tịnh 
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

QUYỂN 7

Học xứ thứ ba: ĐOẠN MẠNG NGƯỜI (Tiếp Theo)

5. Trường hợp khen ngợi chết sanh thiên:

Lúc đó đức Bạc-già-phạm ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng Thệ-đa thành Thất-la-phiệt, trong thành có một trưởng giả cưới một người con gái trong cùng dòng tộc làm vợ, sống với nhau rất hạnh phúc, không bao lâu sanh một đứa con trai, người con vừa mới lớn thì người mẹ qua đời. Sau đó người cha cưới thêm người vợ kế và nói: “Nàng có thể đối với người con riêng của chồng đồng vui đồng khổ để nuôi dưỡng nó nên người không?”, đáp: “Em có thể làm được”. Không bao lâu sau người vợ kế có thai, bà liền khởi niệm ác đối với đứa con riêng của chồng: “Nếu ta sanh con, ta sẽ sai khiến nó như tôi tớ, không để nó sanh tâm kiêu mạn”. Nghĩ rồi bà liền cho đứa bé này mặc áo xấu, ăn thức ăn dở lại thêm đánh đập khổ sở. Đứa bé này bèn nói với cha: “Cha có biết không, mẹ kế đã xử tệ với con, cho con mặc áo xấu, ăn thức ăn dở lại thêm đánh đập khổ sở phi thường”, người cha nói: “Cha sẽ khuyên bảo bà ấy không xử tệ với con như vậy nữa”. Nói rồi ông liền đến nói với người vợ kế: “Hiền thủ, trước đây tôi có hỏi nàng là nàng có thể cùng vui cùng khổ với đứa con riêng của chồng để nuôi dưỡng nó nên người không, thì nàng đáp là có thể. Tại sao nay nàng lại không làm đúng theo lời nàng đã nói, lại xử tệ với nó như vậy?”, người vợ kế đáp: “Em chỉ là muốn dạy cho nó thắng tấn, chắc là người đời đàm tiếu chứ en thật không có ý khác”. Người chồng nói: “Nàng không cần dạy lại càng không được cho nó mặc áo xấu, ăn thức ăn dở và đánh đập khổ sở khiến nó sanh oán là được rồi”, người vợ kế nói: “Em sẽ không xử tệ với nó như vậy nữa”. Không bao lâu sau người vợ kế sanh một đứa con trai, bà liền đối với đứa con riêng của chồng sanh tâm ác gấp bội phần và dánh đập nó khổ sở như trước. Đứa bé này suy nghĩ: “Cha ta không thể khuyên ngăn bà mẹ kế, bà vần đánh đập ta khổ sở như trước, Nay ta nên bỏ nhà xuất gia”. Nghĩ rồi liền đến nói với cha: “Mẹ kế không có thương xót con, tuy cha có khuyên ngăn nhưng bà vẫn không từ mẫn, nay con muốn xuất gia xin cha chấp thuận, nếu không con sẽ chịu khổ sở đến chết”. Người cha nghe rồi suy nghĩ: “Người vợ kế này bất nhơn, dù ta có khuyên ngăn vẫn không sửa đổi. Nay ta cho con xuất gia hy vọng tánh mạng nó được bảo toàn”, nghĩ rồi liền chấp thuận cho con xuất gia. Được cha cho phép, người con này liền đến rừng Thệ-đa ở chỗ một Bísô cầu xin xuất gia. Vị Bí-sô này liền cho xuất gia và cho thọ giới cụ túc rồi nói: “Phật dạy người xuất gia nên làm hai việc là thiền tư và đọc tụng. Ta chuyên về thiền tư, còn con thích tu pháp môn nào?”, đáp: “Con thích đọc tụng”, vị thầy nói: lành thay, vậy con nên học ba tạng”. Vị đệ tử suy nghĩ: “ba tạng giáo văn nghĩa sâu rộng, thầy ta thích thiền tư tỉnh lự không thể dạy cho ta ba tạng giáo. Ta nên xin phép thầy đến nơi khác cầu học”, nghĩ rồi liền đến chỗ thầy xin phép đi đến phương khác cầu học, vị thầy liền chấp thuận. Vị đệ tử này tạm biệt thầy lên đường, sau một thời gian tham cứu học hỏi liền đối với ba tạng thông suốt văn nghĩa trở thành vị đại pháp sư diễn thuyết vô ngại. Lúc đó pháp sư suy nghĩ: “Như lời Phật dạy cha mẹ đối với con cái có ân đúc cù lao là chăm sóc, nuôi nấng bú mớm…, cho nên công ơn cha mẹ là lớn nhất. Trong cõi Nam-thiệm-bộ-châu, nếu có người con nào vai trái cõng cha, vai phải cõng mẹ trải qua một trăm năm không sanh mõi mệt nhàm chán; hoặc dùng Ma ni, chơn châu… bảy báu đầy đại địa để cung dưỡng cha mẹ cũng chưa gọi là báo được ân. Nếu cha mẹ chưa có lòng tin khiến cho trụ nơi chánh tín, chưa có Phật giới khiến thọ trì Phật giới; nếu tánh bỏn xẻn thì khiến làm huệ thí, không có trí huệ khiến phát sanh trí huệ. Người con nào làm được như vậy để khuyến dụ sách tấn cha mẹ được an trụ mới gọi là báo được ân. Cha ta đối với Tam bảo chưa sanh kính tín, ta nên về nói pháp yếu cho cha nghe”. Suy nghĩ như vậy rồi, pháp sư liền mang y bát tuần tự du hành hạnh đầu đà trở về quê hương, trú trong rừng Thệ-đa thành Thất-la-phiệt. Tiếng vang đồn khắp, mọi người đều khen ngợi dần dần đến tai của người cha, người cha nghe rồi hết sức vui mừng liền đi đến rừng Thệ-đa tìm gặp con nói rằng: “Lành thay Bí-sô, từ khi thầy rời xa tôi xuất gia học đạo đến nay thành đạt trở về, tôi hết sức vui mừng”, nói rồi ngồi một bên nghe pháp sư thuyết pháp văn nghĩa nhiệm mầu, sau khi nghe pháp liền khởi lòng tín kính xin thọ tam quy và năm học xứ. Trước khi ra về người cha thỉnh 0 mời pháp sư ngày mai đến nhà thọ thực, pháp sư yên lặng nhận lời. Trên đường về người cha suy nghĩ: “Hồi nảy ta vội vã không suy nghĩ kỹ nên thỉnh con ta ngày mai về nhà thọ thực, bà vợ kế này của ta tánh thô tháo nếu đối với con ta không có tâm kính trọng thì ta phải làm sao?”, lại nghĩ: “Ta đã thỉnh mời rồi thì không thể rút lại lời mời, nay ta phải tìm lời khéo léo khuyến dụ bà vợ kế này”. Nghĩ rồi liền vội về nhà nói với bà vợ kế: “Hiền thủ, có một người con đi hoang hoặc chết hoặc xuất gia, ba trường hợp như vậy là giống nhau hay khác nhau?”, đáp: “tất nhiên là khác nhau”, liền nói: “Hiền thủ, đứa con riêng của tôi trước đây xuất gia làm thiện Bí-so, tha phương học đạo thông suốt ba tạng trở thành vị đại pháp sư, nay đã trở về ở trong rừng Thệ-đa”, người vợ kế liền nói: “Sao ông không tỉnh mời về nhà thọ thực?”, người chồng nghe rồi vui mừng nói: “Tôi đã thỉnh mời rồi, nàng nên sửa soạn thức ăn thượng vị”. Người vợ kế nghe rồi vui mừng liền sửa soạn đủ thức ăn thượng vị, sáng ngày liền sai sứ giả đến rừng Thệ-đa bạch với pháp sư là thời đến. Pháp sư nghe rồi liền đắp y mang bát đến nhà của cha mình, đến nơi rửa chân rồi ngồi vào chỗ ngồi, người cha và người vợ kế tự tay sớt thức ăn thượng vị cho pháp sư. Pháp sư thọ thực xong, sau đó thuyết pháp cho hai vợ chồng nghe, người vợ kế này sau khi nghe pháp xong liền sanh lòng tín kính xin thọ Tam quy và năm học xứ. Sau khi gia đình được giáo hóa, các Bí-sô và Bí-sô ni thường xuyên lui tới, hai vợ chồng này như người khát nước gặp được suối nước trong lành chỉ có xả thí và tu phước đối với cả hai bộ tăng. Thời gian sau người cha lâm trọng bịnh, pháp sư nghe cha bịnh nặng liền suy nghĩ: “Ta nên vì cha nói pháp và cầu nguyện cho bịnh cha thuyên giảm”, nghĩ rồi thường xuyên tới thăm người cha nói rằng: “Lúc này cha đừng nên lo lắng gì nữa cả, vì sao? Vì cha có con là thiện tri thức, cha đã quy y Phật pháp tăng và thọ năm học xứ, tu bố thí trì giới và làm nhiều việc phước, khi xả báo thân này sẽ sanh vào đường lành, thiên đường giải thoát chỉ cách có một bức màn mỏng”. Người cha nói: “Thật vậy, cha nhờ con mới phát lòng tín kính, xả báo thân này rồi hy vọng sẽ sanh vào cõi thù thắng”. Pháp sư nói pháp cho cha nghe xong rồi trở về trú xứ, người cha suy nghĩ: “Con ta thông suốt ba tạng làm vị đại pháp sư, trí huệ đa văn biện tài vô ngại, những gì con ta nói ra đều là chơn thật ngữ. Nay ta bịnh nặng khổ não bức bách, ta nên phương tiện đoạn mạng sống này”, lại nghĩ: “Ta bịnh nặng không thể tự làm, ai có thể đoạn mạng giúp ta”. Lúc đó trong nhà có một tớ gái mập khỏe nhưng ngu độn tên là Ba-lợi-ca, người cha liền nghĩ đến việc nhờ đứa tớ gái ngu độn này đoạn mạng giùm ông. Cách nhà ông không xa có con trai ông cư sĩ cưới vợ, người vợ kế của ông đi đến nhà đó dự lễ cưới, tớ gái Ba-lợi-ca theo hầu. Dự lễ cưới xong, người vợ kế này bảo Ba-lợi-ca: “Con đi về trước đánh thức ông dậy, đừng cho ông ngủ ngày, bà từ biệt mọi người xong sẽ về sau”. Ba-lợi-ca vâng lời về trước đến chỗ ông chủ, ông chủ hỏi: “đi dự đám cưới có vui không?”, đáp rất vui, ông chủ nói: “Sau này ông sẽ làm đám cưới cho con giống như vậy, con có thích không?”, đáp thích, ông chủ nói: “Vậy con hãy làm theo lời ông dặn bảo, ông mới biết là con có thích hay không”, đáp: “Ông bảo gì con đều sẽ làm theo”, ông chủ nói: “Nay có một phi nhơn vào ở trong bụng của ông, con hãy giúp ông đuổi nó ra”, hỏi: “Con đuổi nó ra bằng cách nào?”, ông chủ nói: “Trước hết con đè lên chân ông, kế tới đầu gối rồi tới ngực, cuối cùng bóp cổ thật mạnh, dù ông có vùng vẩy con cũng đừng buông ra”. Ba-lợi-ca nghe lời làm theo, lúc ông chủ bị bóp cổ nghẹt thở liền sanh lòng hối hận tự nghĩ: “Nếu lúc này đứa tớ gái ngu độn này buông tay ra thì tốt biết bao”, nhưng Ba-lợica nhớ lời ông dặn là dù thấy ông vùng vẩy cũng đừng có buông tay, nên kết quả là ông chủ mạng chung. Lúc đó có thiên nhơn thấy việc này rồi từ trong hư không nói kệ:

“Bị kẻ ngu đè siết,
Hoặc bị ba ba cắn,
Ba-lợi-ca đè siết,
Làm sao toàn mạng sống”.

Khi thấy ông chủ đã nằm yên, Ba-lợi-ca mới lấy tấm chăn phủ lên người của ông chủ, vừa lúc đó bà chủ trở về hỏi: “Bà bảo con về trước đánh thức ông dậy, sao con lại để cho ông ngủ ngày như vậy?”. Nói rồi liền đưa tay định đánh thức người chồng dậy, Ba-lợi-ca nói: “Bà khỏi cần đánh thức, con vừa giúp đại gia đuổi con quỷ ở trong bụng của ông ra, nên giờ ông đang ngủ yên”. Bà chủ nghe rồi suy nghĩ: “Ta phải xem thử tình trạng như thế nào?”, nghĩ rồi liền giở tấm chăn ra xem thì thấy người chồng đã chết, bà liền suy nghĩ: “Đây há chẳng phải là ông tự đoạn mạng mình hay sao, chắc chắn là do con trai của người vợ trước thông suốt ba tạng đã nói pháp cho cha: Cha chớ nên lo lắng, vì cha có con là thiện tri thức, cha đã quy y Tam bảo, thọ trì năm học xứ, tu bố thí trì giới và làm nhiều việc phước, sau khi xả báo thân này rồi sẽ sanh về thắng xứ, thiên đường giải thoát chỉ cách có một bức màn mỏng. Nay ông chết chắc là sanh về cõi trời, nếu Bí-sô trở về ta sẽ cùng chung sống, tất cả việc nhà sẽ giao cho Bí-sô lo liệu”. Càng nghĩ bà càng buồn khổ, đưa thi thể người chồng vào rừng làm lễ hỏa thiêu. Lúc đó vị pháp sư này nghe tin người cha qua đời liền suy nghĩ: “Tất cả các hành hạnh đầu đà thảy đều vô thường, ta nên về nói pháp yếu khuyên giải mẹ kế”, nghĩ rồi trở về nhà, không ngờ vừa trông thấy Bí-sô bà mẹ kế này liền mắng: “Hỡi con trai của người vợ trước, do ông hiểu thông ba tạng nói pháp sanh thiên mà cha ông qua đời. Bây giờ ông hãy về nhà cùng tôi chung sống, tất cả việc nhà tôi đều giao lại cho ông lo liệu”. Bí-sô nghe rồi cảm thấy xấu hổ hối hận bỏ đi, tự nghĩ không biết có phải do ta khuyên mà cha ta chết hay không, liền đem việc này bạch các Bí-sô, các Bí-sô bạch Phật, Phật nói: “Bí-sô này không phạm, nhưng các Bí-sô không nên đối trước người bịnh nặng nói pháp như thế, vì có thể khiến người bịnh nghe rồi cầu chết. Nếu Bí-sô nào nói pháp như thế khiến cho người bịnh cầu chết thì phạm tội Việt pháp”. Đấy là duyên khởi nhưng Phật vẫn chưa chế học xứ.

6. Trường hợp tự sát đồng loạt:

Phật ở trong rừng Sa-la-trĩ bên sông Thắng Huệ thành Quảng Nghiêm, lúc đó Phật nói về pháp quán bất tịnh cho các Bí-sô và khen ngợi tu pháp quán này như sau: “Các Bí-sô nên tu pháp quán bất tịnh, do tu tập pháp quán này càng nhiều càng được kết quả lợi ích rất lớn”. Vâng lời Phật dạy nên các Bí-sô liền tu tập pháp quán bất tịnh, sau khi tu tập liền đối với thân máu mũ này sanh nhờm gớm, có người cầm dao tự giết, có người uống thuốc độc, có người thắt cổ, có người từ gềnh núi cao nhảy xuống hoặc lần lượt hại nhau. Có một Bí-sô đối với thân máu mũ này sanh tâm nhàm lìa liền đến chỗ sa môn Phạm chí tên là Lộc Trượng nói rằng: “Tôi sẽ cho Hiền thủ y bát, Hiền thủ hãy đoạn mạng giúp tôi”, Phạm chí này nghe lời liền giết Bí-sô, sau đó cầm con dao dính máu đến bên sông Thắng Huệ rửa dao. Lúc đó một thiên ma từ dưới nước vọt ra khen ngợi Phạm chí: “Lành thay Hiền thủ, việc ngươi vừa làm được nhiều phước đức, ngươi đối với sa môn đủ giới đức, ai chưa độ khiến đuợc độ, ai chưa giải thoát khiến được giải thoát, ai chưa an khiến được an, ai chưa được Niết-bàn khiến được Niết-bàn; ngoài ra ngươi còn được lợi khác là nhận được y bát của họ”. Phạm chí nghe rồi càng tăng thêm tà kiến tội ác liền suy nghĩ: “Nay ta thật được nhiều phước đức như thế sao, có thể đối với sa môn đủ giới đức khiến họ được độ thoát, an lạc, đến Niết-bàn; lại còn được lợi khác là nhận được y bát của họ”. Nghĩ rồi Phạm chí này liền cấm dao đi đến các phòng viện, nơi kinh hành và trú xứ của tăng nói rằng: “Nếu Bí-sô nào đủ giới đức muốn độ thoát đến Niết-bàn thì tôi sẽ giúp khiến được độ thoát đến Niếtbàn”. Có một Bí-sô nghe rồi bèn ra khỏi phòng bảo Phạm chí: “Hiền thủ, tôi chưa được độ thoát đến Niết-bàn, ông hãy giúp tôi”, Phạm chí liền giết chết Bí-sô, cứ như thế từ hai, ba cho đến sáu mươi Bí-sô đều bị giết, cho nên số Bí-sô trong chúng giảm bớt. Đến ngày thứ mười lăm Bố tát, Phật đến chỗ thường ngồi thấy chúng Bí-sô ít đi liền hỏi cụ thọ A-nan, A-nan bạch Phật: “Trước đây Phật khen ngợi pháp tu quán bất tịnh rằng tu tập pháp quán này càng nhiều thì càng được kết quả lợi ích rất lớn, cho nên các Bí-sô liền tu tập theo, quán thấy thân máu mũ này liền sanh tâm nhàm lìa, có người tự sát, có người nhờ người khác đoạn mạng, do bị ma khuyến dụ nên người ấy đã giết chết sáu mươi vị Bí-sô, vì thế chúng Bí-sô giảm ít”. Phật hỏi các Bí-sô: “Việc này có thật như thế không?”, đáp: “Thật vậy Thế Tôn”. Phật bảo các Bí-sô: “Việc các thầy làm là sái quấy, không phải sa môn, không phải hạnh tùy thuận, là không thanh tịnh, không phải là việc nên làm của người xuất gia”, đủ lời quở trách rồi Phật bảo các Bí-sô: Ta quán mười điều lợi từ nhiếp thủ nơi tăng thứ nhất cho đến chánh pháp được trụ lâu thứ mười, lợi ích cho trời người nên nay ở nơi Tỳ-nại-da chế học xứ này cho các đệ tử Thinh văn như sau: “Nếu lại có Bí-sô đối với người hoặc thai người, cố ý tự tay mình giết chết, hoặc cầm dao đưa cho người, hoặc tự sát, hoặc tìm người cầm dao, hoặc khuyên chết hoặc khen ngợi chết rằng: Này nam tử, mang cái thân tội lụy bất tịnh ác này sống làm chi, thà chết còn hơn sống. Tùy tâm mình mà dùng những lời khuyên, khen khiến cho họ cầu chết thì Bí-sô này phạm Ba-la-thị-ca, không cùng ở chung”.

Nghĩa của Bí-sô như trên đã giải thích, nói Người là chỉ cho thai trong bụng mẹ đã đủ sáu căn: Nhãn nhĩ tỉ thiệt thân và ý. Nói Thai người là lúc mới nhập thai chỉ có ba căn: Thân mạng và ý. Nói Cố ý là cố tâm không phải nhầm lẫn. Nói Tự tay là tự tay giết. Nói Đoạn mạng là giết chết, mạng căn không còn tiếp nối. Nói Cầm dao đưa cho người là biết người kia muốn chết, cầu chết nên cầm dao đưa cho hoặc để ở chỗ kia ngồi nằm muốn họ tự hại, tự sát. Nói Tìm người cầm dao là tìm nam, nữ, bán-trạch-ca nhờ họ giết. Nói Khuyên chết là khuyên ba hạng người chết, đó là người phá giới, người trì giới và người bịnh.

Sao gọi là khuyên người phá giới chết? Nếu Bí-sô đối với Bí-sô phá giới có mong cầu điều gì như y bát… hoặc nơi mạng sống của sa môn duyên tới các tư cụ, nghĩ rằng: “Nếu Bí-sô phá giới kia còn sống thì y bát… các tư cụ của vị ấy không lý do gì ta có thể có được. Ta nên đến khuyên khiến kia cầu chết”. Nghĩ rồi liền đến chỗ Bí-sô phá giới kia nói rằng: “Cụ thọ biết chăng, cụ thọ phá giới làm các tội nghiệp, thân ngữ ý thường tạo các ác. Cụ thọ kéo dài sự sống thì nghiệp ác kia càng tăng, do nghiệp ác càng tăng cụ thọ sẽ chịu khổ lâu dài trong địa ngục”. Vị phá giới kia nghe rồi liền hỏi: “Nếu vậy tôi phải làm sao?”, đáp: “Cụ thọ nên xả thân, tự đoạn mạng mình”. Nếu vị phá giới kia xả thân bằng cách tự sát thì Bí-sô này phạm Ba-la-thị-ca; nếu vị phá giới kia không nghe theo lời khuyên thì Bí-sô này phạm Tốt-thổ-la-để. Nếu Bí-sô sau khi khuyên vị kia chết rồi sanh lòng hối hận trở lại nói rằng: “Cụ thọ biết chăng, lời khuyên trước đây của tôi cũng như lời của kẻ ngu si, không phân biệt kỹ, không suy xét kỹ nên nói năng bừa bãi. Cụ thọ nên gần gũi thiện tri thức để sám trừ tội thì ba nghiệp bất thiện đã làm trước kia nhờ lực sám hối sẽ trở lại thanh tịnh. Do thanh tịnh nên xả thân này rồi sẽ được sanh lên cõi trời”. Vị phá giới kia nếu hỏi: “Như vậy tôi phải làm sao?”, đáp: “Cụ thọ chớ xả thân, chớ tự sát”. Nếu vị phá giới kia không tự sát thì Bí-sô này phạm Tốt-thổ-la-để, nếu vị phá giới kia tuy nghe lời khuyên trước kia mà vẫn không tự sát thì Bí-so này cũng phạm Tốt-thổ-la-để.

Sao gọi là khuyên người trì giới chết? như có Bí-sô đối với Bí-sô trì giới có mong cầu gì như y bát các tư cụ… liền đến chỗ vị kia khuyên rằng: “Cụ thọ biết chăng, cụ thọ đã trì giới tu các pháp thiện, lại hay thường hằng thí, ái lạc thí, quảng đại thí, phân bố thí… cụ thọ có phước bố thí như thế chắc chắn sẽ sanh thiên”. Vị trì giới kia nghe rồi liền hỏi: “Như vậy tôi phải làm sao?”, đáp: “Cụ thọ nên xả thân, nên tự sát”. Nếu vị trì giới kia nghe lời khuyên bèn tự sát thì Bí-sô này phạm Ba-lathị-ca; nếu không nghe theo lời khuyên thì Bí-sô này phạm Tốt-thổ-lađể. Nếu sau khi khuyên rồi hối hận trở lại chỗ vị trì giới kia nói rằng: “Cụ thọ biết chăng, lời khuyên trước đây của tôi cũng như lời của kẻ ngu không phân biệt kỹ, không suy xét kỹ nên nói năng bừa bãi. Cụ thọ đã trì giới tu các pháp thiện… chắc chắn sanh cõi trời”. Vị trì giới kia nếu hỏi: “Như vậy tôi phải làm sao?”, đáp: “Cụ thọ đừng xả thân, đừng tự sát”. Nếu vị trì giới kia không tự sát thì Bí-sô này phạm Tốt-thổ-la-để, nếu vị trì giới kia tuy nghe lời khuyên trước dây mà vẫn không tự sát thì Bí-sô này cũng phạm Tốt-thổ-la-để.

Sao gọi là khuyên người bịnh chết? như có Bí-sô đối với Bí-sô bịnh có mong cầu gì như y bát, các tư cụ… nghĩ rằng: “Nếu người bịnh nặng này còn sống thì y bát… của vị này không có lý do gì ta có thể được, ta nên đến khuyên khiến cho chết”, nghĩ rồi liền đến chỗ người bịnh nói rằng: “Cụ thọ biết chăng, thầy bịnh nặng đã lâu, chịu đã nhiều đau khổ, nếu kéo dài sự sống thì bịnh khổ càng tăng thường chịu đau đớn”. Người bịnh nghe rồi liền hỏi: “Như vậy tôi phải làm sao?”, đáp:

“Cụ thọ nên xả thân, nên tự sát”. Nếu người bịnh nghe theo lời khuyên liền tự sát thì Bí-sô này phạm Ba-la-thị-ca , nếu không nghe theo lời khuyên thì Bí-so này phạm Tốt-thổ-la-đe. Nếu sau khi khuyên rồi hối hận liền trở lại chỗ người bịnh nói rằng: “Cụ thọ biết chăng, lời khuyên trước đây của tôi cũng như lời của kẻ ngu, không phân biệt kỹ, không suy xét kỹ nên nói năng bừa bãi. Cụ thọ nên gần gũi thiện tri thúc có thể tìm thuốc đúng bịnh và thức ăn không kiêng, như pháp nuôi bịnh thì không bao lâu sau cụ thọ sẽ lành bịnh, tùy ý du hành”. Người bịnh nghe rồi nếu hỏi: “Như vậy tôi phải làm sao?”, đáp: “Cụ thọ đừng xả thân, đừng tự sát”. Nếu người bịnh nghe lời không tự sát thì Bí-sô này phạm Tốt-thổ-la-để, nếu người bịnh tuy nghe lời khuyên trước kia mà vẫn không tự sát thì Bí-sô này cũng phạm Tốt-thổ-la-để.

Nói khen chết là Bí-sô đối trước người muốn chết khen ngợi chết. Nói này nam tử là lời kêu gọi. Nói thầy mang cái thân tội lụy này làm chi… thà chết còn hơn sống là nói lời khinh chê. Nói tùy theo tâm niệm của mình là tâm mình sanh niệm khác. Nói dùng những lời lẽ khác là dùng nhiều phương tiện khuyên khiến chết. Nói khen khiến cho chết là ở trước người bịnh khéo léo khen ngợi cái chết khiến cho họ muốn chết. Nếu người đó do phương tiện này mà chết tức là do nghe theo lời khuyên, khen mà cầu chết, không phải vì việc gì khác. Nói Bí-sô là chỉ cho người có tánh Bí-sô, tánh Bí-sô là đã thọ viên cụ.
Trong học xứ này tướng phạm như thế nào?:

Nhiếp Tụng:
Có lúc dùng nội thân
Hoặc dùng vật bên ngoài
Hoặc cả hai trong ngoài
Đây gọi là tướng sát.

Sao gọi là dùng nội thân giết? Nếu Bí-sô có tâm sát, dùng tay đánh đập nam, nữ, bán-trạch-ca… do đây liền mạng chung thì Bí-sô này phạm Ba-la-thị-ca. Nếu lúc đó không chết nhưng do duyên này sau lại chết thì Bí-sô này cũng phạm Ba-la-thị-ca. Nếu lúc đó không chết sau cũng không chết thì Bí-sô này phạm Tốt-thổ-la-để. Tay đã như thế cho đến các thân phần khác như đầu, vai, chân… đánh đá muốn khiến kia phải chết; nếu chết thì Bí-sô này phạm Ba-la-thị-ca, nếu lúc đó không chết nhưng do duyên này sau lại chết thì Bí-sô này cũng phạm Ba-lathị-ca; nếu trước sau đều không chết thì phạm Tốt-thổ-la-để.

Sao gọi là dùng vật bên ngoài giết? nếu Bí-sô có tâm sát dùng tên bằng tre hay bằng sắt… bắn chết nam, nữ, bán-trạch-ca… do đây mà chết thì Bí-sô này phạm Ba-la-thị-ca; nếu lúc đó không chết nhưng do duyên này sau lại chết thì cũng phạm Ba-la-thị-ca; nếu trước sau đều không chết thì phạm Tốt-thổ-la-để. Cho đến dùng các loại binh khí như mâu giáo… hoặc gạch đá… từ xa phóng ném tới với tâm sát hại muốn cho chết, do đây mà chết thì Bí-sô này phạm Ba-la-thị-ca, nếu không chết liền sau mới chết cũng phạm Ba-la-thị-ca, nếu trước sau đều không chết thì phạm Tốt-thổ-la-để.

Sao gọi là dùng cả hai trong ngoài để giết? Nếu Bí-sô với tâm sát cầm dao giết nam, nữ, bán-trạch-ca, do phương tiện này mà mạng chung thì Bí-sô này phạm Ba-la-thị-ca. Nếu lúc đó không chết sau mới chết cũng phạm Ba-la-thị-ca; nếu lúc đó không chết sau cũng không chết thì phạm Tốt-thổ-la-để. Cho đến các loại binh khí khác như kiếm, giáo mác… cây đá… đánh đâm hay đập người kia với tâm sát hại cho chết, do phương tiện này mà mạng chung thì phạm Ba-la-thị-ca, hoặc phạm Tốt-thổ-la-để giống như trên.

Nhiếp Tụng:
Dùng thuốc độc, bột độc
Và ở hai chỗ nương
Hoặc cho uống rượu say
Đặt bẩy rập hại người.

Sao gọi là dùng thuốc độc giết? nếu Bí-sô với tâm sát hại dùng thuốc độc hòa vào trong thức ăn để giết nam, nữ bán-trạch-ca…, do phương tiện này mà người kia mạng chung thì phạm Ba-la-thị-ca hoặc phạm Tốt-thổ-la-để giống như trên.

Sao gọi là dùng bột độc giết? nếu Bí-sô với tâm sát hại dùng bột độc thoa vào người hoặc hòa vào trong nước tắm, hoặc hòa vào trong hương thoa để giết nam, nữ, bán-trạch-ca…, do phương tiện này mà người kia mạng chung thì phạm Ba-la-thị-ca hoặc phạm Tốt-thổ-lađể giống như trên.

Sao gọi là ở hai chỗ nương giết? Tức là ở hai chỗ nơi đất và nơi cây. Nơi đất là Bí-sô với tâm sát hại đào hầm hố rồi đặt bẩy dưới đó, khi nam, nữ, bán-trạch-ca… đi qua bị mắc phải mà chết; hoặc thả sư tử, hổ lang đến ăn thịt họ; hoặc để cho gió thổi nắng nung nóng đến chết khô, hoặc chết vì đói khát, do những phương tiện này mà mạng chung thì phạm Ba-la-thị-ca , nếu không chết thì phạm Tốt-thổ-la-để. Cho đền đầu gối, bắp chân, eo lưng, ngực, cổ… bị mắc dính đến chết… cho đến chết vì đói khát đều phạm Ba-la-thị-ca hoặc phạm Tốt-thổ-la-để giống như trên. Nơi cây là nếu Bí-sô cố tâm muốn giết nam, nữ, bán-trạch-ca…ở nơi cây lớn hay cột trụ, cây cọc… dùng dây cột họ vào đó… cho đến chết vì đói khát đều phạm Ba-la-thị-ca hoặc phạm Tốt-thổ-la-để giống như trên.

Sao gọi là cho uống rượu say giết? Nếu Bí-sô cố tâm muốn giết nam, nữ, bán-trạch-ca cho uống rượu say, nhơn đây mà chết cho đến chết vì đói khát, đều do rượu mà phải mạng chung thì phạm Ba-la-thị-ca hoặc phạm Tốt-thổ-la-để giống như trên. Rượu nếp đã như thế cho đến các loại rượu cất bằng rễ, hoa quả… hoặc niệm chú vào trong rượu, hoặc pha thuốc vào trong rượu , uống vào tâm sanh cuồng loạn, ngu si không biết phải trái, do phương tiện này dẫn đến mạng chung. Hoặc cho uống rượu say cố tâm muốn cho vua quan, giặc hay oan gia giết họ thảy đề u phạm Ba-la-thị-ca hoặc phạm Tốt-thổ-la-để giống như trên.

Sao gọi là đặt máy cung, bẩy rập giết? Nếu Bí-sô cố tâm muốn giết nam, nữ, bán-trạch-ca… bèn đặt máy cung để bắn tên sắt hoặc đặt bẩy rập có gươm dao bên đường, khi họ đi ngang qua sẽ bị bắn trúng hay bị chặt đứt chân tay hay thân phần khác, do phương tiện này mà mạng chung thì Bí-sô này phạm Ba-la-thị-ca hoặc phạm Tốt-thổ-la-để giống như trên. Cho đến các máy móc bẩy rập khác làm chết người, định tội giống như trên.

Nhiếp tụng:
Chú nguyện thây chết dậy
Đọa thai và bùa chú
Xô đẩy và nước lửa
Sai khiến và lạnh, nóng.

Sao gọi là chú nguyện thây chết dậy giết? Nếu Bí-sô cố tâm muốn giết nam, nữ, bán-trạch-ca… vào ngày thứ mười bốn không trăng đến chỗ bỏ thây chết, tìm thây nào mới chết chưa có tổn hoại, lấy đất màu vàng lau chùi rồi dùng nước thơm rửa thây chết đó, lấy một cặp bạch điệp mới phủ lên, dùng tô thoa chân rồi chú nguyện. Khi thấy thây chết muốn đứng dậy thì đặt thây trên xe hai bánh, lấy hai cái linh bằng đồng cột vào cổ, đặt hai cây dao nhọn vào tay. Lúc đó thây chết đứng dậy hỏi: “Thấy muốn tôi giết ai?”, Bí-sô nói: “Ngươi có biết nam (nữ, bán-trạch-ca …) tên là ___ hay không?”, đáp biết, Bí-sô nói: “Ngươi có thể đến giết người đó hay không?”. Nếu người đó bị giết thì Bí-sô phạm Ba-la-thị-ca; nếu ở nhà đó có kết các loại dược thảo thành tua cột ngang trên cửa và đặt trong bình nước, hoặc nơi cửa cột con trâu cái với con trâu nghé cùng màu, hoặc cột con dê cái với con dê con cùng màu, hoặc nhà có Ma-dược-thạch, Thạch-trục, hoặc ở cửa có cọc Nhơn-đà-la hay có lửa thường cháy, hoặc nhà có đặt hình tượng Phật, hoặc Chuyển luân vương, hoặc mẹ của Chuyển luân vương mang thai Chuyển luân vương, hoặc có hình tượng Bồ tát, hoặc mẹ của Bồ tát mang thai Bồ tát, hoặc sắp tụng giới, hoặc đang tụng giới; hoặc sắp tụng kinh hay đang tụng kinh như kinh Tiểu không, kinh Đại không… khi có những loại như vậy thủ hộ thì thây chết đứng dậy đó không thể vào nhà giết chết người được, lúc đó Bí-sô phạm Tốt-thổ-la-để. Nếu Bí-sô không thành thạo làm pháp khiến cho thây chết đứng dậy thì thây chết này sẽ đi thụt lùi đến giết Bí-sô, nếu Bí-sô chú nguyện để giết thây chết này thì phạm Tốt-thổ-la-để. Trên đây là nguyên thây chết đứng dậy, nếu là nửa thây chết đứng dậy thì sự việc cũng giống như trên , chỉ khác là xe một bánh, cột một cái linh vào cổ và đặt một con dao vào tay, định tội cũng giống như trên.

Sao gọi là đọa thai giết? Nếu Bí-sô muốn giết người mẹ mang thai chứ không muốn giết cái thai, lấy chân đạp hay đá vào bụng, nếu chỉ có người mẹ chết thì Bí-sô phạm Ba-la-thị-ca; nếu cái thai chết, bà mẹ không chết thì phạm Tốt-thổ-la-để; nếu cả hai đều chết thì đối với bà mẹ phạm Ba-la-thị-ca; nếu cả hai không chết thì phạm Tốt-thổ-la-để. Nếu Bí-sô muốn giết cái thai chứ không muốn giết bà mẹ, dùng chân đap hay đá vào bụng, nếu chỉ có cái thai chết thì Bí-sô phạm Ba-la-thịca; nếu bà mẹ chết, cái thai không chết thì phạm Tốt-thổ-la-để; nếu cả hai đều chết thì phạm Ba-la-thị-ca , nếu cả hai đều không chết thì phạm Tốt-thổ-la-để.

Sao gọi là dùng bùa chú giết? nếu Bí-sô cố tâm muốn giết nam, nữ, bán-trạch-ca… nên thiết lập Mạn-đồ-la, đặt một lò lửa, đốt lửa lên, khi đút cây củi vào lò, miệng tụng cấm chú nghĩ rằng: “Khi nào cây củi cháy hết thì người kia liền chết”. Nếu cây củi mới cháy được phân nữa thì người chết, Bí-sô này phạm Tốt-thổ-la-để; nếu cây củi cháy hết người kia mới chết thì Bí-sô phạm Ba-la-thị-ca. Nếu Bí-sô cố tâm muốn giết nam, nữ, bán-trạch-ca… lấy hạt vừng, hạt cải mỗi thứ một thăng rồi cho vào cối giã, miệng tụng cấm chú nghĩ rằng: “Khi nào những hạt này giã thành bột thì người kia chết”. Nếu giã chưa thành bột mà người kia chết thì Bí-sô phạm Tốt-thổ-la-để; nếu đã thành bột mới chết thì Bí-sô phạm Ba-la-thị-ca.

Nếu Bí-sô với tâm sát hại khởi phương tiện dùng một thăng sữa bò đựng trong một cái tô, dùng ngón tay quậy sữa, miệng tụng cấm chú nghĩ rằng: “Khi sữa đựng trong tô biến thành máu thì người kia chết”. Nếu sữa trong tô chưa thành máu người kia liền chết thì Bí-sô này phạm

Tốt-thổ-la-để; nếu sữa trong tô đều biến thành máu người kia mới chết thì phạm Ba-la-thị-ca.

Nếu Bí-sô cố tâm muốn giết người, khởi phương tiện dùng chỉ năm sắc may Tăng-già-chi, miệng tụng cấm chú nghĩ rằng: “Nếu may y này xong thì người kia chết”. Nếu may y chưa xong, người kia liền chết thì Bí-sô này phạm Tốt-thổ-la-để; nếu may y xong mới chết thì phạm Ba-la-thị-ca.

Nếu Bí-sô cố tâm muốn giết người, khởi phương tiện dùng ngón tay vẽ trên mặt đất, miệng tụng cấm chú nghĩ rằng: “Vẽ đủ bảy số thì người kia chết”. Nếu vẽ chưa đủ bảy số người đó liền chết thì Bí-sô này phạm Tốt-thổ-la-để; nếu vẽ xong bảy số mới chết thì phạm Ba-la-thịca.

Sao gọi là xô xuống giết? Nếu Bí-sô muốn giết người tìm cách xô người từ vách núi, sườn núi… các chỗ cao nguy hiểm xô xuống cho chết, nếu do đây mà chết thì Bí-sô này phạm Ba-la-thị-ca. Nếu lúc đó không chết sau mới chết cũng phạm Ba-la-thị-ca; nếu trước sau đều không chết thì phạm Tốt-thổ-la-để. Cho đến xô từ trên tường, trên cây, trên lưng voi, lưng ngựa… từ những chỗ cao xô xuống; hoặc dùng đầu, vai, đầu gối chân… các thân phần khác để xô xuống cho chết, nếu do đây mà chết thì phạm Ba-la-thị-ca. Lúc đó nếu không chết sau mới chết cũng phạm Ba-la-thị-ca; nếu trước sau đều không chết thì phạm Tốtthổ-la-để.

Sao gọi là giết trong nước? Nếu Bí-sô muốn giết người xô người xuống nước, do đây mà chết thì phạm Ba-la-thị-ca hoặc phạm Tốt-thổla-để giống như trên. Nước là chỉ chung sông, biển, ao, hồ, giếng… cho đến đổ nước vào miệng khiến cho chết, định tội như trên.

Sao gọi là giết trong lửa? Nếu Bí-sô muốn giết người xô vào trong lửa, do đây mà chết thì phạm Ba-la-thị-ca, hay phạm Tốt-thổ-la-để, giống như trên. Lửa chỉ chung cho hỏa hoạn thiêu đốt nhà cửa, thôn xóm, thành ấp, rừng cây… cho đến dùng tro than bỏ vào miệng khiến cho chết, định tội như trên.

Sao gọi là sai khiến giết? Nếu Bí-sô muốn giết người bèn sai người đó đến chỗ nguy hiểm khiến cho chết, do đây mà chết thì phạm Ba-la-thị-ca hay phạm Tốt-thổ-la-để giống như trên. Chỗ nguy hiểm là chỉ chung những nơi có giặc cướp, oan gia, thú dữ… đến đó nhất định phải chết.

Sao gọi là lạnh rét giết? Nếu Bí-sô muốn giết người, lúc trời lạnh rét ban ngày cho người đó ở trong nhà, nhưng ban đêm lại cho ở ngoài trời trên chỗ ẩm ướt, do duyên này mà chết thì Bí-sô này phạm Ba-lathị-ca hay phạm Tốt-thổ-la-để, định tội giống như trên.

Sao gọi là nóng bức giết? Nếu Bí-sô muốn giết người, lúc trời nóng bức ban ngày cho người đó ở ngoài trời, ban đêm cho ở trong nhà kín lại thêm dùng khói lửa xông vào… do duyên này mà chết thì Bí-sô này phạm Ba-la-thị-ca hay phạm Tốt-thổ-la-để, định tội như trên.

Nhiếp Tụng:
Nhà tắm và nhà ấm,
Không xem, Ca Lưu ngồi
(Không xem kỹ liền ngồi)
Cho uống giấm hai duyên,
Chọc lét cười đến chết,
(Mười bảy chọc cười-chết)
Lão Bí-sô Lan-nhã
Phạm nặng nhẹ nên biết.

Việc xây nhà tắm như thế nào? Lúc đó Thế Tôn ở rừng khoáng dã, có một Bí-sô thường đến nhà một cư sĩ đắc ý giảng nói diệu pháp khiến cư sĩ này sanh lòng tín kính, xin thọ tam quy và năm học xứ. Thời gian sau, Bí-sô giảng về bảy phước nghiệp hữu vi, cư sĩ này liền muốn làm phước nghiệp bạch rằng: “Thánh giả, nay con nên làm việc gì?”, đáp: “Nay Tăng không có nhà tắm, cư sĩ nên làm”, cư sĩ nói: “Thánh giả, con có tài vật nhưng không có người trông coi việc xây cất”, đáp: “Tôi sẽ trông coi việc phước nghiệp này cho cư sĩ”. Cư sĩ vui mừng liền đem vật tư tới chùa để xây cất nhà tắm, Bí-sô bắt tay vào việc trông coi xây cất. Lúc đó trong rừng khoáng dã có lễ hội lớn, những người làm thuê đều đến lễ hội vui chơi không đến chỗ làm việc, Bí-sô liền kêu họ đến hỏi: “Hiền thủ, vì sao hôm nay các vị không đến làm việc?”, đáp: “Thánh giả, hôm nay chúng con đều đến lễ hội vui chơi nên không thể đến đây làm việc”, Bí-sô nói: “Những người có phước có thể đến lễ hội vui chơi, còn các vị là những người làm thuê kiếm sống đến lễ hội vui chơi làm gì? Các vị hãy đến làm việc, tôi sẽ trả giá gấp đôi”, đáp: “Thánh giả, những người có phước thường được dự lễ hội, còn những người làm thuê như chúng con dịp may đến lễ hội vui chơi chỉ có một lần, dù thầy trả giá gấp đôi chúng con cũng không thể đến làm”, nói rồi cùng bỏ đi. Lúc đó cư sĩ cúng tài vật làm phước nghiệp suy nghĩ: “Ta nay nên đến xem việc phước nghiệp đã làm đến đâu”, nghĩ rồi liền đến xem thì thấy chưa làm gì cả, liền đến chỗ vị Bí-sô hỏi vì sao , Bí-sô nói: “Những người làm thuê hôm nay không chịu đến làm”, cư sĩ hỏi vì sao, Bí-sô nói: “Họ nói hôm nay đến lễ hội vui chơi nên không thể đến đây làm việc”, cư sĩ nói: “Những người làm thuê mà dự lễ hội gì, chắc là Thánh giả không nói rõ giá cả nên họ mới không chịu đến làm”. Bí-sô nói: “Tôi có nói trả giá gấp đôi nhưng họ vẫn không chịu làm, họ nói những người có phước thường dự lễ hội còn họ là những người làm thuê dịp may đến lễ hội vui chơi chỉ có một lần, cho nên dù trả giá gấp đôi họ cũng không chịu đến làm”. Cư sĩ nói: “Thánh giả, con làm phước nghiệp này không vì tự thân cũng không vì thân thuộc. Lành thay Thánh giả hãy giúp con xúc tiến công việc cho mau thành, đừng để dở dang”. Bí-sô liền đem việc này bạch Phật, Phật nói: “Nếu công việc chưa xong thì nên bảo các Bí-sô trợ giúp cho công việc mau thành”. Các Bí-so vâng lời Phật dạy cùng nhau trợ giúp cho công việc mau thành, khi quăng chuyền gạch cho nhau, sẩy tay rớt gạch xuống trúng đầu của Bí-sô đứng ở dưới, do đây mà chết. Các Bí-sô trong lòng hối hận nói với nhau: “Các cụ thọ, vị Bí-sô này đa sự bày ra việc xây cất này tự chuốc khổ cho mình, lại làm cho vị đồng phạm hạnh mà chúng ta thương mến không may bị chết. Há chẳng phải chúng ta cùng phạm Ba-la-thị-ca hay sao?”. Các Bí-sô đem việc này bạch Phật, Phật nói: “Các Bí-sô đều không phạm, nhưng các Bí-sô không nên quăng chuyền gạch như vậy, nên dùng tay trao đưa cho nhau, nếu viên gạch nào bể thì nói cho vị kia biết rồi mới trao đưa, nếu không làm như vậy thì phạm tội Việt pháp”. Do Phật dạy nên trợ giúp công việc cho mau thành nên các Bí-sô làm việc suốt ngày, các Bà-la-môn, cư sĩ trông thấy liền cơ hiềm: “Tại sao các Bí-sô làm việc suốt ngày như kẻ làm thuê”. Các Bí-sô nghe liền bạch Phật, Phật nói: “Không nên làm suốt ngày, chỉ nên làm nửa ngày mà thôi”. Vào mùa hạ nắng nóng thì các Bí-sô lại làm việc sau giờ ngọ, vào mùa đông giá lạnh thì các Bí-sô lại làm việc trước giờ ngọ, Phật nói: “Không nên làm như vậy, vào mùa đông giá lạnh nên làm việc sau giờ ngo, vào mùa hạ nắng nóng nên làm việc trước giờ ngọ”. Các Bí-sô làm việc đến giờ ăn mới nghỉ, bùn đất dính đấy người liền đi khất thực, những người không tín kính thấy vậy chê cười: “Các thầy làm việc còn hơn những người làm thuê kiếm sống, những người làm thuê còn nghỉ trước giờ ăn, các thầy làm đến giờ ăn mới nghỉ”. Các Bí-sô nghe rồi bạch Phật, Phật nói: “Nên lượng tính ngày giờ mà nghỉ sớm, khi đi khất thực phải sửa soạn y áo và dung nghi đàng hoàng mới được đi; nếu thọ thực trong Tăng cũng phải sửa soạn trước rồi mới đến nhà ăn”. Lúc đó các Bí-sô không biết thời gian sửa soạn y áo và dung nghi là khoảng bao lâu, Phật nói: “Là khoảng thời gian đủ để rửa tay chân và rửa bát. Tất cả các Bí-sô trợ giúp việc xây cất nên có những hành pháp gì, ta nay vì nói: Nếu là người trông coi đôn đốc công việc xây cất biết những người trợ giúp công việc sáng sớm phải chấp tác thì nên lo liệu bửa cơm sáng cho họ, sau giờ ngọ nên lo liệu nước uống phi thời và dầu thoa chân tay. Nếu vị nào coi ngó đôn dốc công việc xây cất không y theo lời Phật dạy thì phạm tội Việt pháp”.