CĂN BẢN THUYẾT NHẤT THIẾT HỮU BỘ TỲ NẠI DA

Hán dịch: Đời Đường Tam Tạng Pháp Sư Nghĩa Tịnh 
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

QUYỂN 6

Học Xứ Thứ Ba: ĐOẠN MẠNG NGƯỜI

Tổng Nhiếp Tụng:

Duyên đầu Đà-sách-ca
Nội thân v.v… hành sát
Độc hại khởi thây quỷ
Sau luận việc nhà tắm.

Biệt Nhiếp Tụng:

Đà Sách Ca, Ba Lạc
Thiện ngữ và Kiết tường
Bát, y và trục thai
Trưởng giả Lộc, phạm chí.

1. Trường hợp Đà Sách Ca:

Lúc đó đức Bạc-già-phạm ở trong vườn Cấp-cô-độc rừng Thệ-đa thành Thất-la-phiệt , có hai Bí-sô một tên là Đà-sách-ca, một tên là Balạc-ca cùng nhau kết bạn. Thời gian sau Ba Lạc mắc bịnh, Đa-sách-ca làm người khán bịnh, một hôm vào lúc nửa đêm Ba-lạc-ca bổng khóc la lớn tiếng, khi Đà-sách-ca hỏi thì Ba-lạc-ca nói là bị đói khát bức bách, Đà-sách-ca liền nói: “Cụ thọ ở trong pháp xuất gia cần phải ức chế, nếu có thức ăn mà không có người trao cho thì cũng không được ăn, huống chi hiện giờ không có thức ăn”. Ba-lạc-ca cứ khóc la như vậy cho đến sáng, Đà-sách-ca nói: “Cụ thọ dậy súc miệng đánh răng, tôi đến chỗ thầy thuốc hỏi thăm về chứng bịnh của cụ thọ”. Đà-sách-ca liền đến chỗ thầy thuốc hỏi: “Hiền thủ, nay có Bí-sô khi bịnh cứ la khóc như con nít, có phương thuốc nào chữa được bịnh của thầy ấy”, đáp: “Thánh giả, bịnh của Bí-sô đó nên uống thuốc ___”. Đà-sách-ca vừa đi khỏi, Balạc-ca thức dậy súc miệng…, các Bí-sô hỏi: “Cụ thọ tại sao cứ khóc la suốt đêm như thế?”, đáp: “Tôi bị đói khát bức bách”. Có một Bí-sô hỏi: “Tôi có nước cháo, cụ thọ uống không?”, đáp uống, một Bí-sô khác lại hỏi: “Tôi có sữa, bánh, canh thịt… cụ thọ ăn không?”, đáp ăn. Ăn uống no bụng rồi, Ba-lạc-ca vào phòng nằm trên giường, vừa lúc đó Đà-sáchca trở về với những thứ thuốc mà thầy thuốc bảo nên uống. Đà-sáchcabảo Ba-lạc-ca ngồi dậy rồi bảo người mang thức ăn tới cho Ba-lạc-ca, Ba-lạc-ca chỉ múc vài muỗng rồi lại nằm xuống, Đà-sách-ca hỏi cớ sao thì Ba-lạc-ca nói là không muốn ăn. Đà-sách-ca nói: “Cụ thọ suốt đêm la khóc đòi ăn, bây giờ có thức ăn mang đến lại nói không muốn ăn, nếu cứ như vậy e cụ thọ không qua khỏi”. Lúc đó các Bí-sô liền kể lại sự việc và nói: “Ba-lạc-ca đã no nê rồi”, Đà-sách-ca hỏi lại Ba-lạc-ca có thật như vậy không, Ba-lạc-ca xấu hổ nói là thật. Đà-sách-ca nổi giận nói: “Tôi vì lo lắng cho cụ họ mà y bát khánh tận, bỏ phế việc tu nghiệp thiện, trong khi đó cụ thọ lại không kiêng cữ, thà uống thuốc độc còn hơn là ăn những thức ăn kiêng cữ như thế”. Nghe Đà-sách-ca quở trách, Ba-lạc-ca cảm thấy xấu hổ thầm nghĩ: “Lành thay lời trách móc của đồng phạm hạnh: Thà uống thuốc độc còn hơn ăn những thức ăn kiêng cữ như thế, ta nay nên uống thuốc độc”. Suy nghĩ rồi liến ngồi dậy lục tìm trong tủ thuốc thấy có thuốc độc liền lấy uống, uống xong bị thuốc công phạt cả người choáng váng, đôi mắt nhắm nghiền, miệng sủi bọt khóc kêu: “Đà-sách-ca, tôi chết mất”. Đà-sách-ca nghe kêu kinh hoàng chạy đến hỏi, Ba-lạc-ca nói: “Nghe cụ thọ nói đã vất vả vì tôi mà tôi lại không kiêng cữ, thà uống thuốc độc còn hơn ăn những thức ăn kiêng cữ như thế, tôi tự cảm thấy xấu hổ nến đã tìm thuốc độc để uống”. Đàsách-ca nghe xong bi cảm nói: “Tại sao cụ thọ làm việc ngu ngốc như vậy chứ!”, nói xong liền chạy đi kêu thầy thuốc đến, nhưng vì thuốc độc quá mạnh không thể kéo dài mạng sống, khi Đà-sách-ca trở về thì Balạc-ca đã qua đời. Đà-sách-ca hối hận suy nghĩ: “Há chẳng phải chính ta đã khuyên Ba-lạc-ca uống thuốc độc mà chết sao”, bèn đem sự việc bạch các Bí-sô, các Bí-sô bạch Phật, Phật nói: “Đà-sách-ca không có tâm sát nên không phạm, nhưng các Bí-sô không nên nói với người bịnh những lời như vậy khiến người bịnh nghe rồi tự tìm đến cái chết, nếu ai nói lời như thế thì phạm tội Việt pháp”. Đây là duyên khởi nhưng Thế Tôn chưa ở nơi Tỳ-nại-da chế học xứ này cho các đệ tử Thinh văn.

2. Trường hợp Thiện Ngữ:

Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc thành Thất-la-phiệt, lúc đó có hai Bí-sô một tên là Thiện Ngữ, một tên là Kiết Tường cùng nhau kết bạn. Bí-sô Thiện Ngữ là bỏ nghề thợ săn mà xuất gia, còn Bí-sô Kiết Tường

là bỏ nếp sống trưởng giả mà xuất gia. Lúc đó có hai đồng tử là cháu ngoại của Thiện Ngữ vì cha mẹ đã qua đời nên lưu lạc đến rừng Thệđa, đúng lúc Thiên Ngữ vừa đi ra trông thấy biết là cháu ngoại liền hỏi thăm, mới biết cha mẹ chúng đã qua đời liền rơi nước mắt. Các Bí-sô thấy vậy bèn hỏi hai đồng tử là ai, Thiện Ngữ đáp là cháu ngoại, các Bísô nói: “Nếu là cháu kêu bằng cậu thì nên đem về nuôi dưỡng”, Thiện Ngữ nói: “Tôi khất thực còn không đủ nuôi thân làm sao nuôi thêm hai đứa cháu này”, các Bí-sô nói: “Hãy bảo hai cháu làm chút việc nhọc cho các Bí-sô, các Bí-sô sẽ sớ bớt cơm trong bát cho hai cháu được no đủ”. Thiện Ngữ nghe lời đem hai cháu về nuôi, hai đứa cháu này bẩm tánh siêng năng tháo vát, khéo biết hầu hạ và cung kính các Bí-sô nên các Bí-sô rất thương mến cung cấp cho y thực đầy đủ nuôi dưỡng hai đồng tử này cho đến trưởng thành. một hôm hai đồng tử đứng chơi bên ngoài, có mấy người thợ săn quen biết đuổi theo một con nai chạy đến trông thấy chúng liền hỏi: “Tại sao chúng bây lại đứng ở đây?”, đáp: “Cậu của cháu xuất gia ở trong đây, chúng cháu hiện đang ở với cậu”, thợ săn nói: “Cậu của chúng bây không tự nuôi sông được nên mới xuất gia ở trong đây, chúng bây khỏe mạnh như thế há không tự nuôi sống được hay sao, phải lập chí học nghề nghiệp của cha ông”, đáp: “Cậu của cháu có thâm ân, cháu phải về hỏi ý kiến của cậu rồi mới quyết định”. Hai đồng tử trở về đến chỗ Thiện Ngữ nói: “Thánh giả, hai cháu phải lập chí học nghề nghiệp của cha ông nên đến cáo từ Thánh giả”, Thiện Ngữ nói: “Chúng ta đã dùng của tín thí nuôi dưỡng hai cháu nên người, sao hai cháu lại quay về học theo hạnh ác”, hai đồng tử nói: “Tuy đó là hạnh ác nhưng làm người ai lại bỏ nghề nghiệp của cha ông”, nói xong cả hai đều bỏ về làm nghề săn bắn để tự nuôi sống. Thời gian sau Bí-sô Kiết Tường mắc bịnh nặng, Bí-sô Thiện Ngữ làm người nuôi bịnh, lúc đó Kiết Tường bị cơn bịnh hành hạ bèn suy nghĩ: “Trước nay ta trì giới không làm điều ác, thiên đường giải thoát như cách một bức màn mỏng. Nay ta nên từ bỏ thân đau khổ này để sanh về cõi thù thắng”, lại nghĩ:

“Nhưng ai sẽ hành sát để đoạn mạng sống giúp ta? À, hai đứa cháu của Bí-sô Thiện Ngữ, bẩm tánh thô bạo có thể đoạn mạng sống giúp ta, ta khỏi phải nhờ ai khác”. Suy nghĩ rồi liền hỏi Thiện Ngữ: “Hai đứa cháu ngoại của cụ thọ hiện nay ở đâu?”, đáp: “Tôi không muốn nghe đến tên của chúng nữa, tôi đã dùng của tín thí nuôi dưỡng chúng, nay chúng trở lại làm nghiệp ác như tổ phụ nó đã làm, đó là nghề săn bắn giết hại chúng sanh để tự nuôi sống”. Kiết Tường nói: “Không nên hiềm hận hai cháu, dù sao khi hai cháu còn ở rừng Thệ-đa cho đến con trùng con kiến chúng cũng không giết hại. Do ngưới ác khuyến dụ nên chúng mới trở về hành nghiệp ác, cụ thọ nên khuyên chúng lìa xa những người ác đó, nếu cụ thọ có gặp chúng nên gọi về đây giúp đỡ tôi lúc đang bịnh nặng, những lúc cụ thọ đi vắng tôi không biết nhờ ai”. Một hôm Thiện Ngữ đi khất thực trông thấy hai cháu đang bán thịt ở trong một cửa hàng thịt, hai đứa cháu từ xa trông thấy cậu liền chạy đến đảnh lễ, Thiện Ngữ giận nói: “Ta với hai cháu đâu có thân thuộc gì?”, đáp: Thánh giả là cậu của hai cháu”, lại hỏi: “Cụ thọ Kiết Tường có thân thuộc gì?”, đáp: Cũng là cậu của hai cháu”. Thiện Ngữ nói: “Cụ thọ Kiết Tường hiện đang bịnh nặng, hai cháu có lần nào ghé thăm chưa?”, đáp: “Hai cháu quả thật không hay biết, bây giờ hai cháu sẽ đến thăm, cậu muốn cháu làm gì?, Thiện Ngữ nói: “Nếu thầy ấy bảo hai cháu làm gì, hai cháu cứ làm theo”, nói rồi bỏ đi. Hai đồng tử này đến chỗ Bí-sô Kiết Tường đảnh lễ rồi ngồi một bên, Kiết Tường hỏi: Thánh giả Thiện Ngữ là gì của hai cháu?”, đáp: “Là cậu của hai cháu”, lại hỏi: “Ta là gì của hai cháu?”, đáp: “Cũng là cậu của hai cháu”, lại hỏi: “Ta mắc bịnh nặng sao hai cháu không đến thăm?”, đáp: “Hai cháu quả thật không biết, hồi nảy nghe cậu cháu nói, hai cháu liền đến thăm Thánh giả”. Kiết Tường nói: “Hai cháu có muốn ta sanh lên cõi trời không?”, đáp: “Rất muốn”, Kiết Tường nói: “Hiện giờ thiên đường giải thoát đối với ta như cách một bức màn mỏng, ta muốn bỏ thân đau khổ này để sanh về thắng xứ, ta nhờ hai cháu đoạn mạng căn này giúp ta”, đáp: “Đâu thể được, nếu có kẻ nào đó đến hại cậu, cháu sẽ giết kẻ ấy chứ đâu có chuyện cháu đoạn mạng căn của cậu”, Kiết Tường nói: “Chẳng lẽ Thiện Ngữ không nói với hai cháu ta bảo làm gì hai cháu cứ làm theo hay sao?”, đáp: “Cậu có nói như vậy”, Kiết Tường nói: “Nếu vậy thì nên nghe lời ta đoạn mạng căn này giúp ta”. Hai đứa cháu nghe rồi cùng bàn bạc: “Há chẳng phải cậu của chúng ta đã trù lượng trước nên kêu chúng ta đến thăm bịnh để làm việc này hay sao”. Bàn bạc xong một trong hai đứa cầm con dao bén chặt đứt yết hầu của Kiết Tường rồi lấy tấm bạch điệp phủ lên tử thi. Vừa lúc ấy Thiện Ngữ trở về nói: “Hai cháu trông coi người bịnh đâu nên để cho ngủ như thế?”, đáp: “Người cậu này sẽ không dậy nữa đâu”. Thiện Ngữ nghe nói kinh hãi bèn hỏi rõ sự việc, hai đứa cháu liền kể lại sự việc đã xảy ra, Thiện Ngữ kinh hoàng đến giở tấm bạch điệp ra xem, trông thấy Kiết Tường bị giết như vậy trong lòng hết sức hối hận tự nghĩ: “Há chẳng phải ta là người tìm người cầm dao giết chết kẻ khác hay sao?”, liền đem sự việc này bạch các Bí-sô, các Bí-sô bạch Phật, Phật nói: “Bí-sô này không có tâm sát nên không phạm, nhưng các Bí-sô không nên sai người vô trí chăm sóc người bịnh, nếu có duyên sự phải ra đi phải chỉ dạy cặn kẻ người nuôi bịnh không hiểu biết, chớ để người bịnh phi lý bị hại, hoặc té ngã trong nước lửa hoặc ăn thức ăn độc… Tất cả đều phải cẩn thận đề phòng, không để cho người bịnh bị tổn hại, nếu Bí-sô nào sai người vô trí chăm sóc người bịnh mà không khéo chỉ dạy mà ra đi thì phạm tội Việt pháp”. Đây là duyên khởi nhưng Phật chưa chế học xứ này.

3. Trường hợp vì y bát:

Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc thành Thất-la-phiệt , lúc đó có một Bí-sô bát thường ngày thọ dụng bị mất màu và lủng chảy, các Bí-sô thấy vậy liền nói: “Bát thường thọ dụng của cụ thọ đã mất màu và lủng chảy, sao không nung trét lại?”, đáp: “Nung trét lại phải cần nhiều vật dụng như ngói bể, phân bò, dầu mè…”, các Bí-sô nói: “Nếu không có cái bát lành thì làm sao khất thực tự nuôi sống được?”, đáp: “Không có cái bát lành tất nhiên không thể khất thực tự sống, nhưng có một Bí-sô ở tại ___, đang bịnh nặng không bao lâu nữa sẽ qua đời. Bí-sô đó có cái bát rất tốt có thể thọ dụng được, đợi vị ấy qua đời tôi sẽ lấy dùng”. Các Bí-sô nghe rồi liền nói: “Cụ thọ chỉ vì cái bát mà sanh tâm Chiên-đàla cực ác như vậy hay sao?”. Bí-sô này nghe rồi cảm thấy xấu hổ hối hận tự nghĩ không biết mình có phạm tội hay không, liền đem việc này bạch các Bí-sô, các Bí-sô bạch Phật, Phật nói: “Bí-sô này không có tâm nguyện cầu cho vị kia chết nên không phạm, nhưng các Bí-sô không nên vì cái bát mà sanh tâm Chiên-đà-la cực ác như vậy, nếu khởi tâm này thì phạm tội Việt pháp. Các Bí-sô phải hộ trì bát như giữ tròng mắt, chỗ cần trét thì trét, bát cần nung lại thì nên nung lại; nếu Bí-sô nào có bát cần phải nung trét lại mà không chịu làm thì phạm tội Việt pháp”. Đây là duyên khởi nhưng Phật chưa chế học xứ.

Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc thành Thất-la-phiệt , lúc đó có một Bí-sô y Tăng-già-chi đã cũ rách và dơ bẩn, các Bí-sô thấy vậy nói: “Y Tăng-già-chi của cụ thọ đã cũ rách và dơ bẩn sao không giặt nhuộm và vá lại”, đáp: “Nếu giặt nhuộm vá lại phải cần nhiều vật dụng như thuốc nhuộm, kim chỉ, củi nồi …”, các Bí-sô nói: “Nếu không có y làm sao che thân?”, đáp: “không có y tất nhiên không thể che thân, nhưng có một Bí-sô ở tại ___, đang mắc bịnh nặng không bao lâu sẽ qua đời, vị ấy có Tăng-già-chi còn mới có thể thọ dụng được, đợi chừng nào vị ấy qua đời tôi sẽ lấy dùng”, các Bí-sô nghe rồi nói: “Cụ thọ vì y mà sanh tâm Chiên-đà-la cực ác như vậy sao?”. Bí-sô nghe rồi cảm thấy xấu hổ hối hận tự nghĩ không biết mình có phạm tội hay không, liền đem việc này bạch các Bí-sô , các Bí-sô bạch Phật, Phật nói: “Bí-sô này không có tâm nguyện cho vị kia chết nên không phạm, nhưng các Bí-sô không nên vì y mà sanh tâm Chiên-đà-la cực ác như vậy, ai khởi tâm như thấ phạm tội Việt pháp. Lại nừa các Bí-sô phải hộ trì y như da trên thân, cần giặt nhuộm vá lại thì nên tùy việc mà làm, nếu không làm phạm tội Việt pháp”. Đây là duyên khởi nhưng Phật chưa chế học xứ này.

4. Trường hợp tùy hỉ làm đọa thai:

Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc thành Thất-la-phiệt, lúc đó có một trưởng giả tên là Thắng Quân giàu có thọ dụng đầy đủ. Ông cưới một người con gái cùng dòng tộc làm vợ, không bao lâu sau người vợ có thai, sau chín tháng sanh một con trai tướng mạo đoan nghiêm khiến ai cũng yêu mến. Trải qua hai mươi mốt ngày gia tộc vui mừng mở hội, người cha bồng con ra hỏi tôn thân nên đặt tên cho cháu là gì, mọi người luận bàn rồi nói: “Con trai của Thắng Quân nên đặt tên là Đại Quân”. Thời gian không lâu sau người vợ lại sanh thêm một con trai, dung mạo kỳ đặc hơn anh gấp bội phần, là em của Đại Quân nên đặt tên là Tiểu Quân. Thời gian sau vợ của Thắng Quân qua đời, thi hài được đưa vào rừng hỏa táng, Thắng Quân tự nghĩ: “Nếu ta lấy vợ nữa e sẽ xúc não hai con, ta nên cưới vợ cho Đại Quân”. Cưới vợ cho Đại Quân xong, không bao lâu sau Thắng Quân đau yếu luôn, dù có thuốc thang đầy đủ nhưng sức khỏe ngày càng suy yếu, để khuyên nhắc hai con Thắng Quân nói kệ:

“Tích tụ đều tiêu tán,
Lên cao ắt té nặng,
Sum họp ắt biệt ly,
Có sống rồi sẽ chết”.

Nói kệ xong liền qua đời, nghi lễ hỏa táng tổ chức rất chu đáo. Đại Quân vì cha rộng tu nghiệp phước, tự nghĩ: “Cha ta lúc còn sống lo liệu mọi việc cho ta, nay người qua đời ta phải xoay sở thế nào để gia nghiệp không bị sa sút. Ta nên mang tiền bạc hàng hóa sang phương khác mua bán cầu lợi”. Nghĩ rồi nói với Tiểu Quân: “Em có biết không, lúc cha còn sống lo liệu mọi việc cho chúng ta không có thiếu thốn, nay cha qua đời chúng ta phải tự kinh doanh cầu lợi. Em ở nhà trông coi gia nghiệp, anh sang phương khác kinh doanh cầu lợi một thời gian rồi sẽ trở về”. Tiểu Quân tán thành ý kiến của anh, Đại Quân liền mang theo tiền bạc hàng hóa đến phương khác kinh doanh cầu lợi, tất cả đều thuận lợi như ý nên viết thư về cho em nói rằng: “Anh rất an ổn, việc mua bán thuận lợi như ý, em ở nhà coi ngó gia nghiệp”. Vì ham cầu lợi nên càng đi xa hơn, thời gian sau gởi thư về cho em nói kệ:

“Do tham nên cầu lợi
Được lợi lại sanh tham.
Nên làm không nên làm,
Vì tham nên mất hết”.

Cứ đi như thế đến tận biên phương xa xôi, trải qua nhiều năm không còn tin tức nữa. Lúc đó người vợ của Đại Quân sống hưởng thụ đầy đủ nên dục tình phát sanh đối với người em chồng, nhưng Tiểu Quân không chấp nhận nói rằng: “Chị dâu lớn coi như mẹ”. Vì không được thuận tình nên vợ Đại Quân buồn bã về nhà cha mẹ than thở: “Con bị dục tình bức bách, mẹ nên tìm cho con một trượng phu khác”, bà mẹ nói: “Tiểu Quân dung mạo đoan nghiêm sao con không cầu?”, đáp: “Con đã cầu nhưng người ấy không chấp nhận”. Bà mẹ nói: “Con há không thấy những người vợ khác, chồng họ đi xa vẫn giữ khí tiết sao con lại có ý khác để riêng mình chịu khổ?”, đáp: “Chồng họ đi xa vẫn có tin tức nên còn có hy vọng gặp lại nhau, còn chồng của con thì bặt vô âm tín chắc là đã chết rồi”. Bà mẹ đủ cách khuyên nhũ nhưng vợ Đại Quân vẫn buồn bả ưu sầu nằm mãi trên giường không chịu dậy, còn nói: “Mẹ nên tìm cho con một trượng phu khác, nếu không con sẽ bỏ trốn đi, khi đó cả hai họ đều mang tiếng xấu”. Lúc đó cha mẹ bèn cùng họ hàng bàn bạc: “Chúng ta nên làm một bửa tiệc mời Tiếu Quân đến, tiệc xong chúng ta sẽ nói với Tiểu Quân là chuyện trong nhà nên uyển chuyển giải quyết, chị dâu của Tiểu Quân bị dục tình bức bách, Tiểu Quân nên bảo bọc chớ để bỏ nhà trốn đi khiến hai họ đều mang tiếng xấu”. Tiểu Quân đến dự tiệc nghe mọi người nói như vậy liền suy nghĩ: “Chị dâu về nhà ta làm dâu từ nhỏ, ta không nên để chị ấy bỏ trốn đi khiến cho hai họ đều mang tiếng xấu”. Nghĩ rồi liền chấp thuận rước vợ Đại Quân trở về, cùng nhau ăn ở chưa bao lâu thì người vợ này có thai, những người bạn gái trông thấy liền hỏi: “Thai trong bụng của chị từ đâu mà có?”, đáp: “Từ khi chồng tôi đi xa, tôi ở nhà thủ tiết sao các bạn lại nói như vậy”. Trong số đó có một người bạn thân nói: “Chị muốn dấu nhưng tướng bụng đã hiện rõ ra rồi”, đáp: “Tôi có thai thì đã sao?”, người bạn liền hỏi là của ai, đáp là của Tiểu Quân, người bạn nói: “Nếu là của Tiểu Quân thì đâu có lỗi gì”. Thai trong bụng càng ngày lớn dần, bất ngờ Tiểu Quân nhận được thư của Đại Quân gởi về nói rằng: “Việc kinh doanh gần đây thuận lợi như ý, em chớ lo buồn, không bao lâu sau anh sẽ trở về”. Đọc thư xong Tiểu Quân hối hận tự nghĩ: “Ta trông thư anh như nắng trông mưa, từ lâu không có tin tức cũng không thấy trở về, ta vô tâm lấy vợ của anh rồi thì anh mới trở về. Người đời có nói oan gia nặng nhất không gì hơn là xâm phạm vợ người khác. Anh ta về biết được chắc sẽ không tha thứ cho ta, ta nay nên trốn đi”, lại nghĩ: “Quê nhà khó từ bỏ, nay vua Thắng Quang coi Thích Ca tử đồng như thái tử, tự tại vô ngại, ta nên đến đó cầu xuất gia, anh ta trở về cũng không làm gì ta được”. Nghĩ rồi Tiểu Quân liền đến rừng Thệ-đa gặp một Bí-sô cầu xin xuất gia, Bí-sô nói: “Tài và mạng không lâu bền, có thể từ bỏ mà xuất gia là tốt”. Nói rồi cho Tiểu Quân xuất gia và thọ viên cụ, dạy cho Tiểu Quân hành pháp của Bí-sô rồi nói: “Cụ thọ, nai không nuôi nai, thành Thất-la-phiệt rộng lớn thầy nên đi khất thực tự nuôi thân”. Tiểu Quân vâng lời sáng sớm đắp y mang bát vào thành khất thực, thứ lớp đến nhà của mình, người vợ từ xa trông thấy đấm ngực hỏi vì sao, Tiểu Quân nói: “Nàng há không biết tôi trông đợi anh tôi như nắng trông mưa mà anh tôi lại bặt vô âm tín cũng không thấy trở về. Tôi vô tâm lấy vợ của anh mình, anh tôi về biết được chắc sẽ không tha thứ cho tôi, cho nên tôi phải bỏ đi xuất gia”. Người vợ nói: “Ông tự trốn tránh còn tôi làm sao?”, đáp: “Tôi vốn vô tâm, chỉ vì chị bị dục tình nên bức bách tôi lấy thì ráng chịu lấy”, nói xong liền bỏ đi. Lúc đó có người bạn thân của Tiểu Quân giỏi về y thuật tìm đến nhà hỏi thăm Tiểu Quân mới biết sự việc xảy ra và Tiểu Quân hiện đã xuất gia ở trong rừng Thệđa, liền tìm đến rừng Thệ-đa để thăm Tiểu Quân, thấy các Bí-sô hình tướng và y phục đều giống nhau nên không biết ai là Tiểu Quân. Lúc đó có một Bí-sô chỉ chỗ Tiểu Quân, khi gặp mặt người bạn hỏi vì sao đi xuất gia mà không nói cho biết, Tiểu Quân nói: “Vì vội vã nên không thể nói cho biết”, nói rồi liền thuật lại đầy đủ sự việc đã xảy ra. Người bạn nói: “Tôi biết rành về y thuật và điều chế thuốc, đối với người mang thai cũng có thuốc làm cho tiêu thai”. Tiểu Quân nghe nói im lặng, người bạn này liền trở về điều chế thuốc tiêu thai, bảo một người nữ đem đến đưa cho người vợ kia và dặn nói rằng: “Thuốc tán này do Bí-sô Tiểu Quân sai tôi mang đến, hòa với nước uống sẽ được bình an tốt đẹp”. Người nữ đem thuốc đến và nói như lời đã dặn, người vợ này nghe rồi nhận thuốc và cũng y theo lời đã dặn hòa với nước uống, kết quả thai được trục ra ngoài. Khi những người bạn hỏi về cái thai thì người vợ này nói: “Trước đây tôi có nói chồng tôi đi xa tôi ở nhà thủ tiết, làm gì có cái thai nào”. Một người bạn thân trong số đó lại hỏi: “Trước đây chị nói là thai của Tiểu Quân, sao bây giờ lại nói làm gì có cái thai nào?”, đáp: “Nó từ kia đến nên giờ cũng đi theo kia”, lại hỏi : “Đi theo kia là nghĩa như thế nào?”, đáp: “Tiểu Quân đưa thuốc trực thai cho tôi uống nên cái thai đã tiêu rồi”. Những người bạn này nghe rồi cùng nhau cơ hiềm: “Thích Ca tử có thể làm việc ác, không phải chơn sa môn đã cho người uống thuốc trục thai”. Tiếng xấu này lan ra khắp thành ấp đồn rằng chính Tiểu Quân là thủ phạm, các Bí-sô nghe rồi liền bạch Phật, Phật hỏi Tiểu Quân: “Thầy thật đã làm việc này phải không?”, đáp: “Con không có làm, con chỉ có tùy hỉ”. Phật bảo các Bí-sô: “Tiểu Quân không có tâm sát nên không phạm, nhưng các Bí-sô không nên sanh tâm tùy hỉ với việc làm như vậy, nếu ai tùy hỉ thì phạm tội Việt pháp”. Không bao lâu sau Đại Quân trở về dừng nghỉ tại một nơi cách thành không xa, theo thường tình hễ nghe ai làm điều tốt thì vui mừng theo, còn thấy làm điều xấu thì lo buồn giùm, cho nên thấy Đại Quân sắp về đến nhà liền có người báo cho người vợ biết. Người vợ này nghe tin trong lòng lo sợ, ưu sầu nằm trên giường, Đại Quân vào thành liền đưa hàng hóa đến các cửa hàng rồi mới về nhà. Về đến nhà thấy gia cảnh ảm đạm, bước vào trong phòng thấy vợ nằm buồn bã trên giường liền hỏi: “Hiền thủ, vì sao thấy anh về mà không vui mừng ra đón?”, đáp: “Anh về em rất vui, nhưng trong thời gian anh đi không có tin tức gì, Tiểu Quân đã xâm phạm em”. Đại Quân nghe xong liền nổi giận nói: “Nó làm như thế không những khi em mà còn khi anh nữa, em hãy ngồi dậy anh sẽ trị tội nó, nó hiện giờ đâu rồi?”. Người vợ nói: “Nghe anh sắp về, nó đã lén trốn đi xuất gia rồi”, liền hỏi xuất gia ở đâu, người vợ đáp là ở trong rừng Thệ-đa, Đại Quân nói: “Nơi đó đâu phải là thành Thí Vô úy, anh sẽ đến đó trị phạt nó”. Lúc đó có người đến báo cho Tiểu Quân biết Đại Quân sắp đến, Tiểu Quân hỏi: “Có nghe anh tôi nói gì không?”, đáp: “Đại Quân nói rừng Thệ-đa đâu phải là thành Thí Vô úy, ta sẽ đến đó trị phạt nó”. Tiểu Quân nghe rồi lo sợ thầm nghĩ: “Ta vì sợ anh mà đến đây xuất gia, tuy biết Bí-sô được vua xem đồng như Thái tử không có chướng ngại, nhưng ta có tội, nếu anh ta đến ắt sẽ làm hại ta, ta không nên ở đây, nên trốn đến nơi khác”. Nghĩ rồi liến đến bạch thầy: “Ô-ba-đà-da, vì con sợ anh nên đến đây cầu xuất gia, nay nghe tin anh con sắp đến ắt sẽ làm hại con, anh nói rừng Thệ-đa đâu phải là thành Thí Vô úy, ta sẽ đến đó trị phạt nó. Tuy con biết Bí-sô được xem đồng như Thái tử an ổn vô ngại, nhưng con có tội, con muốn trốn đến nơi khác”. Thầy hỏi: “Con muốn trốn đi đâu?”, đáp: “Con muốn đến thành Vương Xá”. Vị thầy nói: “Nơi đó có Bí-sô quen biết với thầy, thầy sẽ viết thư, con mang thư này đến chắc chắn thầy ấy sẽ ân từ hộ niệm cho con”. Vị thầy nói rồi liền viết thư, trong thư nói: “Tiểu Quân là đệ tử của tôi, nay muốn đến nương tựa chỗ thầy, thầy hãy ân từ hộ niệm giúp dỡ cho Tiểu Quân được an lạc trụ”. Tiểu Quân cầm thư rồi lễ tạ thầy lên đường, trong lòng lo sợ nên cứ nhìn ngó hai bên, dần dần đến được thành Vương Xá, hỏi thăm chỗ ở của Bí-sô thân hữu với thầy mình. Gặp mặt rồi dâng thư, vị Bí-sô này mở thư đọc xong nói rằng: “Thiện lai cụ thọ, nay ta như thầy cũ của con, con như đệ tử của ta, con cứ ở lại đây tu học Phật pháp, nếu có cần y bát… các vật cần dùng ta đều sẽ chu cấp, không để con thiếu thốn. Phật dạy Bí-sô có hai việc nên làm là thiền tư và đọc tụng, con nay thích tu theo pháp nào?”, đáp: “Con thích thiền tư”. Vị thầy nghe rồi liến y pháp dạy cho Tiểu Quân thiền tư, Tiểu Quân liền tìm đến một khu rừng lạnh vắng, nơi bỏ thây chết để tự sách tấn chuyên tu thiền tư, không bao lâu sao đoạn hết các lậu hoặc, chứng pháp Vô sanh, đắc quả A-la-hán, xa lìa dục nhiễm của ba cõi, xem vàng như đất bình đẳng không có hai tướng, có thể dùng đại trí phá vô minh. Được ba minh sáu thông và bốn biện tài vô ngại, các điều ái nhiễm lợi dưỡng cung kính thảy đều buông xả, nên chư thiên Đế Thích đều khen ngợi. Lúc đó Đại Quân đến rừng Thệđa hỏi thăm Tiểu Quân mới biết Tiểu Quân đã đi đến thành Vương Xá, Đại Quân thầm nghĩ: “Nơi đó cũng đâu phải là thành Thí Vô úy, ta sẽ đến đó trị phạt”. Thế-là Đại Quân chuẩn bị lương thực đi đường đến thành Vương Xá, vào trong Trúc Lâm hỏi thăm Tiểu Quân, có một Bísô cho biết Tiểu Quân thiền tư trong khu rừng lạnh vắng, nơi bỏ thây chết. Đại Quân nghe rồi liền tìm đến rừng lạnh vắng, thấy có nhiều Bísô cùng tu phạm hạnh, do thời gian cách biệt đã lâu nên Đại Quân không thể nhận ra Tiểu Quân trong số đông Bí-sô có hình tướng giống nhau. Phải cần thời gian quan sát kỹ lưỡng mới có thể nhận biết được, Đại Quân suy nghĩ: “Nếu nó biết mình sẽ hại mình trước, mình phải lánh mặt để bày mưu tính kế”. Nghĩ rồi Đại Quân ra khỏi rừng nhìn khắp nơi, trông thấy một thợ săn mang cung tên đi đến gần liền hỏi: “Ông mang cung tên là muốn làm việc gì?”, đáp là muốn săn bắn, Đại Quân hỏi: “Ông săn bắn như vậy thu được nhiều ít?”, đáp: “Lúc có lúc không”, lại hỏi: “Nếu có thì thường được bao nhiêu?”, đáp: “Độ năm, sáu kim tiền”. Đại Quân nói: “Nay tôi cho ông năm trăm kim tiền, ông có thể giết một Bí-sô oan gia giùm tôi được không?”. Lúc đó người thợ săn vì tham lợi nên nhận tiền, nhận rồi liền suy nghĩ: “Các Bí-sô này được quốc vương quý trọng xem đồng như Thái tử, tự tại vô ngại. Sáng chiều ta thường tới đây, nếu ta giết Bí-sô thì vợ con ta chắc chắn bị giam vào ngục đến chết”, lại nghĩ: “Ban ngày ta vào trong rừng này còn thấy ớn lạnh dựng cả lông tóc, nhưng các Bí-sô này không luận ngày đêm thường ở trong rừng này mà vẫn được an ổn, há chẳng phải họ đã thành tựu được hạnh thù thắng rồi hay sao. Còn người này là ai ta không biết, nếu đã lấy tiền của họ rồi mà không làm thì họ có thể trở lại giết ta”. Nghĩ rồi liền nạp tên độc vào dây cung bắn thấu tim ngực của Đại Quân, thuốc độc ngấm sâu khiến Đại Quân khởi ác tâm: “Người thợ săn này trở lại giết hại ta, chắc là do Tiểu Quân lập mưu trước để hại ta. Nay ta chết, kiếp sau dù sanh vào cõi nào, laòi nào ta thề sẽ cho kỳ được Tiểu Quân”. Đại Quân phát lời thề độc rồi liền tắt thở, do thề độc nên Đại Quân đầu thai làm rắn độc nằm dưới trục cửa ra vào của Tiểu Quân. Dù chứng quả A-la-hán nếu không quán trước cũng không biết được việc sắp xảy ra, cho nên khi Tiểu Quân mở cửa, trục cửa liền kẹp chết con rắn ấy. Do tâm ác chưa dứt nên thân sau cũng thác sanh lại làm rắn, cũng nằm ở trục cửa ra vào và cũng bị kẹp chết như lần trước. Thân sau lại cũng thác sanh làm rắn nhưng nằm dưới chân giường ngủ của Tiểu Quân, lại bị Tiểu Quân đè chết, cứ như thế đến bốn lần thọ sanh trở lại đều bị Tiểu Quân làm chết. Do nhiều lần chết, nhiều lần thọ sanh trở lại nên thân con rắn nhỏ dần, thân càng nhỏ dần thì tâm ác càng tăng trưởng vì không thể cắn chết Tiểu Quân. Cuối cùng thọ sanh làm con rắn nhỏ bằng mút đũa nằm trên giá y của Tiểu Quân. Lúc đó Tiểu Quân đang tọa thiền trong phòng, con rắn độc nhỏ xíu này với tâm oán hận nhiều đời thả mình xuống cắn và nhả nọc độc vào người của Tiểu Quân, Tiểu Quân bị rắn độc cắn liền hét lớn gọi các Bí-so: “Các cụ thọ, có con rắn lạ nọc độc đáng sợ, nhỏ bằng mút đũa, dài chừng bốn tấc rơi xuống cắn nọc độc vào người tôi. Các vị mau đến khiêng tôi ra ngoài, chớ để thân này vỡ nứt ra, như bàn tay nắm cát sỏi mở ra liền rã rời”. Lúc đó cụ thọ Xá-lợi-tử đang ngồi tư duy dưới một gốc cây cách đó không xa, nghe tiếng kêu của Tiểu Quân liền chạy tới hỏi: “Tôi không thấy sắc diện của cụ thọ có biến đổi, vì sao cụ thọ lại bảo là có con rắn lạ nọc độc đáng sợ, nhỏ bằng mút đũa dìa khoảng bốn tấc rơi xuống cắn nọc độc vào người của cụ thọ… như trên?”. Tiểu Quân đáp: Đại đức, nếu đối với người mà mắt, tai, mũi, lưỡi, thân ý có ngã và ngã sở hữu; đối với sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp có ngã và ngã sở; người như thế có thể khiến các căn và dung sắc có biến dị. Đại đức, nay tôi đã không như thế, tôi đối với các căn cảnh, sáu giới, năm uẩn đều không có ngã và ngã sở nên dung sắc không có biến dị. Đại đức, từ vô thỉ tôi có ngã, ngã sở, ngã mạn, chấp trước, tùy miên, phiền não; nhưng nay tôi đã biết, đã đoạn sạch gốc rễ các thứ ấy, như cây Đa-la bị chặt ngọn không thể tăng trưởng được nữa. Đời vị lai không còn tái sanh thì làm sao dung sắc có thể biến dị”. Cụ thọ Xá-lợi-tử và các Bí-sô vừa khiêng Tiểu Quân ra khỏi phòng thì thân của Tiểu Quân liền tan rã thành trăm mảnh, như bàn tay nắm cát mở ra liền tan rã. Lúc đó cụ thọ Xá-lợi-tử nói kệ:

“Phạm hạnh đã thành lập,
Thánh đạo đã khéo tu,
Thọ mạng tận, vui mừng
Cũng như xả các bịnh.
Phạm hạnh đã thành lập,
Thánh đạo đã khéo tu,
Thọ mạng tận, vui mừng
Cũng như bỏ đồ độc.
Phạm hạnh đã thành lập,
Thánh đạo đã khéo tu,
Khi chết không sợ hãi,
Như ra khỏi nhà lửa.
Phạm hạnh đã thành lập,
Thánh đạo đã khéo tu,
Dùng trí quán thế gian,
Tợ hồ như cây cỏ.
Việc cần làm đã xong,
Không trụ nơi sanh tử,
Và trong các đời sau,
Thân này không tiếp nối”.

Sau khi Tiểu Quân vào Niết-bàn, cụ thọ Xá-lợi-tử và các Bí-sô thu lấy cốt nhục hỏa thiêu cúng dường rồi cùng đến chỗ Phật, đảnh lễ phật rồi ngồi xuống một bên bạch Phật: “Thế Tôn, Bí-sô Tiểu Quân bị con rắn độc rơi xuống cắn nọc độc vào người, nọc độc đáng sợ, nhỏ bằng mút đũa, dài khoảng bốn tấc nhưng nọc độc đã gây tác hại khiến thân thể tan rã, như bàn tay nắm cát mở ra liền tan rã, nay Tiểu Quân đã vào Niết-bàn”. Phật nói: “Này Xá-lợi-tử, nếu Bí-sô Tiểu Quân lúc đó tụng kệ và cấm chú này thì nọc rắn độc không ngấm vào trong thân, thân sẽ không bị tan rã như cát bụi”. Xá-lợi-tử bạch Phật: “Kệ và cấm chú như thế nào, xin Thế Tôn tuyên thuyết cho chúng con được nghe rồi cùng thọ trì”. Lúc đó Phật nói kệ và cấm chú cho các Bí-sô nghe như sau:

“Ta với chủ giữ nước
Và Hạt La Mạt Nê
Tập bà kim Bạt La
Thảy đều sanh niệm từ
Kiều-đáp-ma xú mục,
Nan-đà, tiểu Nan-đà,
Không chân và hai chân
Cũng đều khởi niệm từ.
Đối với các loài rồng,
Nương trong nước để sống,
Cho đến loài hữu tình,
Ta đều khởi tâm từ.
Tất cả chúng trời người,
Thần, quỷ và bàng sanh,
Thảy đều được lợi an,
Không bịnh, thường hoan hỉ,
Thấy gì cũng hiền thiện,
Không gặp các oán ác,
Ta đều khởi niệm từ.
Độc hại chớ tương xâm,
Nơi gềnh hang nguy hiểm,
Tất cả chớ du hành.
Độc cắn hay độc hại,
Chớ thường làm hại nhau.
Thế Tôn đấng cha lành,
Lời nói ra chơn thật.
Lời ta, lời Phật nói,
Các độc chớ hại ta.
Tham dục sân hận si,
Là độc nhất thế gian.
Lời Phật chơn thật ngữ,
Các độc tự tiêu vong.
Tham dục sân hận si,
Là độc nhất thế gian.
Lời Pháp chơn thật ngữ,
Các độc tự tiêu vong.
Tham dục sân hận si,
Là độc nhất thế gian.
Lời tăng chơn thật ngữ,
Các độc tự tiêu vong.
Diệt trừ các độc hại,
Ủng hộ và nhiếp thọ,
Phật trừ tất cả độc,
Độc rắn, ngươi tiêu vong.

Đát điệt tha án đôn tỷ lệ đôn tỷ lệ, đôn bệ, bát ly đôn bệ, nại đế, tô nại đế, kê nại đế, mâu nại duệ, tô mâu nại duệ, đờn đế ni la kê thế, giá lô kế bệ, ốt tỳ doanh cụ lệ sa ha.

Phật bảo cụ thọ Xá-lợi-tử: “Nếu Bí-sô Tiểu Quân lúc đó tự nói hoặc người khác nói kệ chú này, chắc chắn sẽ tránh khỏi rắn độc xâm hại, thân của thầy ấy cũng không tan rã như bàn tay nắm cát mở ra liền rã tan”. Lúc đó các Bí-sô đều có nghi bạch Phật: “Cúi xin Thế Tôn đoạn nghi niệm cho chúng con, chúng con không biết Bí-sô Tiểu Quân đã từng tạo nghiệp gì, do nghiệp lực đó mà đời này được sanh trong nhà đại phú, của báu đầy kho; lại tạo nghiệp gì, do nghiệp lực đó mà đời này được xuất gia trong chánh pháp của Như lai, đoạn sạch phiền não chứng quả A-la-hán; lại tạo nghiệp gì, do nghiệp lực đó mà đời này tuy đắc quả vẫn bị rắn độc cắn, bức não thân tâm phải nhập Niết-bàn?”. Thế Tôn bảo các Bí-sô: “Bí-sô Tiểu Quân này đã tạo nghiệp nhơn ắt phải tự gánh chịu nghiệp quả, nghiệp nhơn đã tạo cứ tăng trưởng mãi cho đến lúc chín muồi, duyên biến hiện tiền như bóng theo hình, đời này nhất định chiêu cảm quả báo không thọ ở trong đời khác nữa. Này các Bí-sô, nếu một người đã tạo nghiệp thiện ác không phải địa thủy hỏa phong ở ngoài giới mới khiến người kia thọ báo, mà đều ở trong uẩn xứ giới của tự thân chiêu cảm quả dị thục”. Thế Tôn liền nói kệ:

“Dầu trải qua trăm ngàn kiếp,
Những nghiệp đã tạo không mất,
Một khi nhân duyên hội ngộ,
Quả báo trở lại tự chịu”.

“Này các Bí-sô, thuở xưa lúc Phật chưa ra đời có một thánh giả Độc Giác hiện ra đời, vì thương xót người nghèo cùng nên thường tự thọ dụng y thực thô xấu, giống như Lân giác là phước điền độc nhất. Lúc đó có một thôn toàn là thợ săn cư trú, cách thôn không xa có một khu rừng và một ao nước, nhiều loại cầm thú thường đến tụ tập bên ao nước này. Vì thế những người thợ săn đó cài đặt bẫy săn ở trong khu rừng này, hằng ngày săn bắt được rất nhiều chim muông cầm thú. một hôm vị Độc giác du hành đến thôn của những người thọ săn, trú trong miễu Thiên tự, sáng sớm đắp y mang bát vào thôn khất thực, nhận được thức ăn rồi vị Độc giác suy nghĩ: Trong miễu đông người ồn ào phức tạp…, ngoài thôn có một khu rừng yên tỉnh ta nên đến đó cư trú. Nghĩ rồi liền tìm đến khu rừng thấy nơi đây yên tỉnh có thể cư trú lâu dài nên vị Độc giác liền để y bát một bên, lượt nước xem trùng, dùng nước rửa chân, lượm lá rụng trải lót ngồi thọ thực, thọ thực xong rửa bát và tay, sau đó ngồi kiết già dưới một gốc cây, oai nghi tịch định như Long vương cuộn mình nằm yên. Hôm đó vì nghe có hơi ngươi nên cầm thú không tụ đến bên ao nước, cho nên sáng hôm sau thợ săn đến xem các bẫy săn không thấy có một con thú nào bị mắc bẫy. Ông ta suy nghĩ: Hằng ngày ta bẫy săn không bẫy nào là không có, vì sao hôm nay không có con hú nào bị mắc bẫy. Nghĩ rồi liền quan sát chung quanh bờ ao thấy có dấu chân người, lần theo dấu chân tìm đến chỗ vị Độc giác đang thiền tọa. Thấy rồi liền suy nghĩ: Ta xem dáng vẽ người xuất gia này chắc là thích nơi yên tỉnh này, nếu ta không giết người này thì sự sống của ta bị đoạn tuyệt. Do có ý độc hại nên bắn tên có tẩm thuốc độc vào chỗ ách yếu của vị Độc giác. Bị trúng tên độc vị Độc giác suy nghĩ: đâu nên để cho người thợ săn vô ý thức này phải chịu đại khổ não lâu dài trong đường ác, ta nên cứu vớt kia ra khỏi đường ác ấy. Nghĩ rồi liền bay lên hư không như Nga vương, hiện đại thần thông thân tuôn ra nước lửa, các loài dị sanh trông thấy thần thông như vậy liền hướng về quy y. Người thợ săn này từ xa sụy người xuống đảnh lễ bạch rằng: Chơn thật phước điền cúi xin hiện thân xuống, con thật là kẻ ngu si vô trí chìm trong bùn tham dục, xin từ bi thương xót con. Lúc đó vị độc giác vì thương xót kia nên hiện thân xuống, người thợ săn cảm động rơi lệ, quỳ gối nhổ mũi tên độc rồi băng bó vết thương bạch rằng: xin Thánh giả đến nhà con để con dùng thuốc trị thương cho Thánh giả. Vị Độc giác liền suy nghĩ: Nay thân máu mũ nhơ nhớp này của ta, điều nên chứng đắc ta cũng đã chứng đắc rồi, nay ta nên nhập Vô dư Niết-bàn. Nghĩ rồi liền bay trở lên hư không hiện các thần thông mà nhập Niết-bàn. Người thợ săn này là người đại phú liền thu lấy nhục thân của vị Độc giác rồi dùng các loại cây thơm hỏa thiêu, thu lấy xá lời để trong bình vàng xây tháp thờ khắp bốn nẽo đường, dùng hoa hương kỹ nhạc phướn lọng… cúng dường bảo tháp và phát nguyện: Con là kẻ ngu si mê muội không phân biệt thiện ác, nên đối với bậc chơn thật phước điền đã tạo tội ác. Với căn lành cúng dường này nguyện đời sau của con đừng chiêu lấy quả báo ác mà được sanh nhà đại phú thọ dụng đầy đủ, dung mạo đoan nghiêm ai thấy đều yêu mến. Với đầy đủ phước đức như vậy con nguyện được thừa sự bậc Đại sư tối thắng không sanh nhàm mõi. Này các Bí-sô, người thợ săn đó chính là Tiểu Quân, do xưa kia bắn mũi tên độc vào chỗ ách yếu của vị Độc giác, do nghiệp lực này phải chịu một kiếp thiêu đốt khổ sở trong địa ngục Vô gián, còn nghiệp tàn dư thì phải thường bị độc hại trong năm trăm đời. Đời này tuy chứng quả La hán vẫn bị độc hại mà nhập Niết-bàn. Do kia nguyện sanh nhà đại phú thọ dụng đầy đủ dung mạo đoan nghiêm… cho đến được xuất gia trong chánh pháp của Như Lai, đoạn hết kiết sử chứng quả A-la-hán. Ta ở trong trăm ngàn câu chi vị Độc giác là bậc đại sư tối thắng nên kia thừa sự ta không có nhà mõi. Các Bí-sô nên biết nếu nghiệp nhơn thuần trắng thì được quả Dị thục thuần trắng, nếu nghiệp nhơn thuần đen thì được quả Dị thục thuần đen, nếu nghiệp nhơn xen tạp trắng đen thì được quả Dị thục cũng xen tạp trắng đen. Các Bí-sô nên bỏ nghiệp thuần đen và nghiệp xen tạp trắng đen, đối với nghiệp thuần trắng phải siêng tu học”. Đây là duyên khởi nhưng Phật chưa chế học xứ này.