CĂN BẢN THUYẾT NHẤT THIẾT HỮU BỘ TỲ NẠI DA

Hán dịch: Đời Đường Tam Tạng Pháp Sư Nghĩa Tịnh 
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

QUYỂN 5

Học xứ thứ hai: KHÔNG CHO MÀ LẤY (Tiếp Theo)

Tướng phạm (Tiếp Theo):

Lúc đức Bạc-già-phạm ở trong vườn Cấp-cô-độc rừng Thệ-đa thành Thất-la-phiệt, có hai Bí-so một tên là Tô Sư Mâu một tên là Bà Tô Đạt Đa kết bạn với nhau. Tô Sư Mâu có cái bát lớn tốt, Bà Tô Đạt Đa có cái bát nhỏ cũng tốt, lúc đó sau khi ăn xong hai người ngồi rửa bát, Tô Sư Mâu lấy cái nhỏ của Bà Tô Đạt Đa để vào trong bát lớn của mình rồi nói: “Này cụ thọ, nếu ai có được hai cái bát này ắt đủ tỉnh duyên tu phẩm thiện”, đáp: “Nếu thầy muốn được như thế thì sao không lấy bát này”. Một hôm có chút việc Bà Tô Đạt Đa nói với Tô Sư Mâu: “Cụ thọ, tôi có chút việc trong xóm đó, nếu thầy có thể lo liệu giúp tôi việc này thì tôi sẽ đem bát nhỏ cho thầy”. Tô Sư Mâu hỏi: “Thầy nói thật chăng?”, đáp là thật. Tô Sư Mâu nghe nói muốn đi liền nhưng lại chợt nghĩ: “Có phải do nhân duyên hôm trước mà nay đồng phạm hạnh của ta mới nói lời này”. Lúc đó Tô Sư Mâu đang làm giúp việc cho người khác nên không đi nữa, sau đó lại có chút việc cần phải đi bèn suy nghĩ: “Ta đi lo liệu việc của ta thuận tiện lo luôn việc của Bà Tô Đạt Đa cũng tốt”. Sau khi Tô Sư Mâu lo liệu xong cả hai việc liền trở về nói với Bà Tô Đạt Đa: “Hôm đó thầy nói có chút việc trong xóm đó nhờ tôi lo liệu giùm, nay tôi đã giúp thầy làm xong, thầy nên đưa bát nhỏ cho tôi”. Bà Tô Đạt Đa nói: “Thầy đi lo việc riêng của thầy đâu phải lo liệu việc của tôi, tôi làm sao có thể cho thầy cái bát nhỏ”, đáp: “Thầy không cho tôi sẽ tự lấy”, Bà Tô Đạt Đa nói: “Nếu thầy lấy được thì cứ lấy”. Sau đó Bà Tô Đạt Đa có việc ra đi, Tô Sư Mâu liền lấy cái bát nhỏ để vào bát lớn của mình. Bà Tô Đạt Đa trở về không thấy bát nhỏ liền hỏi Tô Sư Mâu: “Ai đã lấy cái bát nhỏ của tôi?”, đáp: “Chính chủ của nó lấy”, hỏi: “Đó là vật của ai?”, đáp là của tôi, Bà Tô Đạt Đa giận nói: “Thầy với tâm trộm mà lấy bát phạm Ba-la-thị-ca. Tô Sư Mâu nghe rồi hối hận bèn đem việc này bạch các Bí-sô, các Bí-sô bạch Phật, Phật hỏi: “Thầy dùng tâm gì lấy bát nhỏ đó?”. Tô Sư Mâu kể lại sự việc, Phật nói: “Bí-sô này khởi tâm nghĩ là vật của mình mà lấy nên không phạm, nhưng các Bí-sô không nên nhận làm việc giúp cho người khác, nếu đổi việc làm và vì cầu phước mà làm thì không tội. Nếu Bí-sô nhận làm việc giúp cho người khác phạm tội Việt pháp”.

– Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc rừng Thệ-đa thành Thất-la-phiệt, lúc đó có hai Bí-sô một tên là Nan Thắng một tên là Nguyệt Hộ kết làm bạn thân. Nguyệt Hộ nhiều người quen biết, có đại phước đức, có nhiều y và tư cụ; Nan Thắng ngước lại ít người quen biết, chỉ có ba y cũ rách. Các Bí-sô hỏi Nan Thắng: “Thầy do thiểu dục đắp y cũ rách không thể che thân này là có mà không đắp hay là không thể có được?”, đáp: “Là do không thể có được y”, hỏi: “Vì sao không khất cầu?”, đáp: “Ai chịu bỏ Tam bảo Thánh chúng mà thí cho người phàm như tôi”. Các Bí-sô nói: Nguyệt Hộ là thân hữu của thầy có nhiều y vật, sao thầy không đến xin?”, đáp: “Thầy ấy không chịu cho đâu”. Các Bí-sô khuyên Nan Thắng đến chỗ Nguyệt Hộ xin, Nan Thắng nghe theo lời khuyên đến chỗ Nguyệt Hộ nói: “Thầy cho tôi xin cái bát”, đáp: “Tôi không cho đâu”, lại nói: “Nếu không cho bát thì hãy cho cái y Tăng-già-chi”, đáp: “Tôi đâu phải là kẻ giữ kho của thầy, xin bát không được lại xin y, thậm chí một sợi chỉ tôi cũng không cho”. Nan Thắng nghe rồi nổi giận thầm nghĩ: “Thầy ấy cần làm việc gì mình đều làm giúp, nay đến xin liền nói thậm chí một sợi chỉ cũng không cho. Nếu ta không đoạt y của thầy ấy thì ta không gọi là Nan Thắng”, từ đó Nan Thắng cố tâm lấy y vật của nguyệt Hộ. một hôm thấy Nguyệt Hộ đang nhuộm y, Nan Thắng liền nói: “Thầy có cần tôi giúp không?”, đáp: “Hãy giúp tôi nhuộm”. Nan Thắng trong lúc giúp nhuộm lật qua lật lại xem kỹ cái y, Nguyệt Hộ thấy vậy liền nghi Nan Thắng có ý định trộm y nên khi thấy y vừa khô liền xếp bỏ vào đãy y của mình rồi gối đầu nằm ngủ. Các Bí-so đầu đêm cuối đêm tỉnh giác tư duy, lúc đó Nan Thắng rủ Nguyệt Hộ cùng tu phẩm thiện, Nguyệt Hộ nói: “Thầy đi trước, tôi hơi mệt sẽ đến sau”. Nan Thắng đi rồi, Nguyệt Hộ suy nghĩ: “Nếu ta đi nhất định sẽ bị lấy trộm y, nếu không đi thì khuyết tu phẩm thiện. Ta phải làm sao để khỏi bị mất y mà lại được tu nghiệp thiện”, nghĩ rồi Nguyệt Hộ liền đem đãy y của mình để qua bên đầu giường của nan Thắng, rồi lấy đãy y của Nan Thắng để qua đầu giường của mình. Lúc đó nan Thắng tu phẩm thiện xong trở về giường nghỉ, Nguyệt Hộ liền nói: “Chúng ta cùng tu phẩm thiện”, đáp: “Thầy cứ đi, tôi đã tu xong nên tạm nghỉ”. Nguyệt Hộ đi rồi, Nan Thắng suy nghĩ: “Ta nên xem xét đã đến lúc hành hạnh đầu đà động hay chưa”, nghĩ rồi liền lấy đãy y bên đầu giường của nguyệt Hộ, vừa ra khỏi cửa liền suy nghĩ: “Ta hãy xem lại cái y”, nghĩ rồi liền mở ra xem thì thấy là y cũ rách của mình. Trong lòng hối hận lo lắng suy nghĩ: “Ta vì cái y của ta mà phạm tội, đây chẳng phải là việc làm của người xuất gia. Ta nên đến thỉnh hỏi Thế Tôn, nếu được thì ở chỗ Thế Tôn tu phạm hạnh, nếu không được thì làm bạch y”. Nghĩ rồi liền đến chỗ Thế Tôn, lúc đó Thế Tôn đang thuyết pháp cho chúng Bí-sô, từ xa trông thấy nan Thắng đến liền bảo các Bí-sô: “Các thầy có thấy Bí-sô từ ngoài đi vô chăng?”, đáp có thấy, Phật nói: “Đó là Nan Thắng, người ngu si với tâm trộm cắp mà lấy chính y của mình phạm Tốt-thổ-la-để. Các thầy nên biết với tâm lấy cắp dù là y bát của mình cũng phạm Tốt-thổ-la-để.”

Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc rừng Thệ-đa thành Thất-la-phiệt, lúc đó có hai Bí-sô ni một ở phòng phía Đông, một ở phòng phía Nam trước sau cùng đến đảnh lễ Thế Tôn, Phật vì hai vị nói pháp, nghe pháp xong cùng trở về. Vị ni phòng Đông đi trước, y Tăng-già-chi vắt trên vai sắp rớt, vị ni phòng Nam kêu nói: “Y của Thánh giả sắp rớt”. Vị ni phòng Đông đang tư duy pháp và vì tiếng địa phương có khác nên không nghe hiểu, lúc đó y rớt xuống đất. Vị ni phòng Nam ở sau đi tới nhặt lấy nghĩ rằng: “Nếu ta đưa lại ngay sẽ trở ngại kia tư duy, đợi trở về trú xứ ta sẽ đưa lại”. Khi về đến trú xứ vị ni phòng Đông rửa chân xong liền vào phòng tu phẩm thiện, vị ni phòng Nam suy nghĩ: “Nếu bây giờ ta đưa y thì sẽ trở ngại kia tu phẩm thiện, hãy đợi kia xuất định ta sẽ đưa lại”, nghĩ rồi liền mang về phòng mình máng trên sào tre. Sáng hôm sau vị ni phòng Đông bảo đệ tử mang y đến để đi khất thực, đệ tử tìm khắp trong phòng không thấy liền trở lại thưa, vị ni này bảo đệ tử qua bên chỗ ni phòng Nam hỏi, đệ tử vâng lời qua đến chỗ ni phòng Nam liền thấy y của thầy mình máng trên sào tre liền hỏi: “Ai đã mang y của thầy tôi máng trên sào tre này?”, đáp là tôi, liền hỏi cớ sao, vị ni này liền kể lại sự việc, nhưng vị đệ tử này vốn hiềm khích vị ni phòng Nam nên nói: “Cô dùng tâm trộm mang y của thầy tôi về phòng của mình, phạm Ba-la-thị-ca”.Vị ni phòng Nam đem việc này bạch các Bísô, các Bí-sô bạch Phật, Phật hỏi vị ni phòng Nam: “Khi cô nhặt cái y đó sao không báo cho cô kia biết?”, đáp: “Con có báo nhưng cô ni kia nghe không hiểu”. Thế Tôn nói: “Tiếng địa phương có khác nên nghe không hiểu nhau thì không phạm, nhưng lỗi lầm này do lượm vật rơi của người lâu mà không đưa lại cho chủ, lại còn cất trong phòng mình. Nếu Bí-sô, Bí-sô ni lượm đuợc y vật rơi của người không nên cất giữ lâu, ai cất giữ lâu phạm tội Việt pháp”.

Sau đó có Bí-sô lượm được vật rơi của người, biết là của Bí-sô ___ nên đem đến phòng của vị đó kêu để đưa lại. Nghe kêu vị này phải xuất định hỏi là ai, đáp: “Tôi lượm được y của thầy đánh rơi tại ___ nên đem đến đưa lại”. Vị Bí-sô này nói: “Thà cái y của tôi bị kẻ trộm lấy đi, há vì cớ này mà thầy gõ cửa kêu làm kinh động thắng định của tôi”. Bí-sô nghe rồi hối hận suy nghĩ: “Ta làm kinh động tỉnh lự của kia có phạm tội hay không”, bèn đem việc này bạch các Bí-sô, các Bí-sô bạch Phật, Phật nói: “Bí-sô đó không phạm, nhưng các Bí-sô không nên vì việc nhỏ mà làm kinh động cảnh giới thắng định của người khác. Nếu lượm được y vật rơi nên đem đến chỗ người đó dùng dây cột để họ nhận sau, ai làm trái phạm tội Việt pháp”.

Sau đó có Bí-sô lượm được vật rơi biết là của Bí-sô ___, bèn đem đến chỗ vị đó nói: “Đây là vật của thầy đánh rơi, tôi lượm được nên đem đến co thầy”. Vị này vốn có hiềm khích với Bí-so lượm vật rơi nên nói: “Chẳng phải thầy lượm được mà dùng tâm trộm lấy vật của tôi, thầy phải như pháp sám hối tội”. Bí-sô nghe rồi hối hận bèn đem việc này bạch các Bí-sô, các Bí-sô bạch Phật, Phật nói: “Không phạm, từ nay Bí-sô lượm được vật rơi nên đem giao cho Tri sự của tăng, vị Tri sự này trong vài ngày nên hai, ba lần bạch cho Tăng biết, nếu chủ của vật đến nhận thì nên đưa lại, nếu không ai đến nhận thì đưa vào Tăng tứ phương tùy chúng thọ dụng, ai làm trái phạm tội Việt pháp”.

Nhiếp Tụng:
Đệ tử ni Thế-la
Thử người đến xin dầu
Mục Liên dùng thần thông
Bắt lại con trưởng giả
Tất Lân Già Bà Ta
Bắt trẻ và hộ vật
Rộng nói việc lấy trộm
Tùy chỗ nói nên biết.

Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc rừng Thệ-đa thành Thất-la-phiệt, lúc đó có vị A-la-hán Bí-sô ni tên Thế-la đã đoạn các phiền não. Một đồng tử bán hương vừa trông thấy ni Thế-la hết lòng kính trọng, đến chỗ ni Thế-la bạch: “Thánh giả, nếu cần vật gì cứ đến nhà con tùy ý lấy dùng, Thánh giả dạy bảo gì con đều vâng theo”, đáp lành thay. Thời gian sau ni Thế-la mắc bịnh nặng không thể đi khất thực, đồng tử bán hương trông thấy các Bí-sô ni thứ lớp khất thực liền đến lễ bái và hỏi thăm ni Thế-la vì sao không đi khất thực, một Bí-sô ni nói: “Hiền thủ, vị ni ấy mắc bịnh nặng”. Đồng tử nói: “Thánh giả, trước đây tôi có bạch với ni Thế-la nếu cần vật gì cứ đến nhà tôi tùy ý lấy dùng, nhưng mãi không thấy vị ni ấy đến. Nếu ni Thế-la cần gì xin Thánh giả đến lấy mang về cho vị ấy”, Bí-sô ni này nói: “Lành thay Hiền thủ”. Đồng tử bạch như vậy đến hai, ba lần khiến một Bí-sô ni trẻ suy nghĩ: “Đồng tử này ân cần thỉnh cho như vậy, ta nên thử xem hư thực thế nào”, nghĩ rồi liền đưa cái bát nhỏ cho đồng tử nói: “Hiền thủ, Thánh giả Thế-la nay cần ít dầu”. Đúng lúc đó dầu mới vừa ép xong, đồng tử liền múc dầu đổ đầy bát nhỏ rồi đưa cho vị ni trẻ nói rằng: “Nếu Thánh giả Thế-la có cần gì thêm cứ tùy ý đến lấy”. Vị ni trẻ nhận dầu rồi về lấy dầu này thoa cho ni Thế-la, dầu thoa vừa hết thì bịnh của ni Thế-la cũng khỏi hẳn. Khi thấy ni Thế-la đi khất thực, đồng tử liền đến đảnh lễ nói rằng: “Đã lâu con không gặp được Thánh giả”, đáp: “Lâu nay tôi mắc bịnh”, đồng tử nói: “Trước đây con có thỉnh Thánh giả cần gì cứ đến nhà con tùy ý lấy dùng nhưng mãi không thấy Thánh giả đến, vừa rồi có một vị ni trẻ đến nói Thánh giả bịnh cần ít dầu, con đã lấy dầu mới ép múc đầy bát nhỏ đưa cho vị ấy”. Ni Thế-la chú nguyện cho đồng tử rồi đi, khi trở về trú xứ liền hỏi các Bí-sô ni: “Ai đã đến chỗ đồng tử bán hương lấy dầu mang về?”. Vị ni trẻ nói: “Thánh giả, khi tôi đi khất thực gặp đồng tử ấy hai, ba phen nói với tôi là ông có bạch với Thánh giả nếu cần gì cứ đến nhà ông ấy tùy ý lấy dùng nhưng mãi không thấy Thánh giả đến lấy, nay Thánh giả Thế-la bịnh nếu có cần gì tôi cứ đến lấy mang về. Tôi nghĩ nên thử xem hư thực thế nào nên đưa cái bát nhỏ cho đồng tử nói là Thánh giả Thế-la cần ít dầu. Đồng tử ấy liền múc dầu đầy bát nhỏ đưa cho tôi, tôi đem về thoa cho Thánh giả, vừa hết dầu thì bịnh Thánh giả cũng hết”. Ni Thế-la hỏi: “Tôi có nhờ cô đến chỗ đồng tử xin dầu không?”, đáp không có. một vị ni trẻ khác vốn có hiềm khích với vị ni trẻ này liền nói với ni Thế-la: “Thánh giả, vị ni này nhơn Thánh giả bịnh không phải chỉ đến chỗ đồng tử xin dầu, mà đã xin khắp thành Thất-la-phiệt này”. Vị ni trẻ này nghe rồi hối hận không biết mình có phạm tội không bèn đem việc này bạch các Bí-sô ni, các Bí-sô ni bạch các Bí-sô , các Bí-sô bạch Phật, Phật hỏi vị ni trẻ: “Cô dùng tâm gì đến chỗ đồng tử kia xin dầu?”, đáp: “Con khởi tâm muốn thử đồng tử kia”. Phật nói: “Không phạm; nhưng Bí-sô, Bí-sô ni không hỏi người bịnh thì không nên xin giùm. Khi cần xin nên hỏi người bịnh là nên đến phòng thuốc của Tăng xin hay đến chỗ tín đồ, thân quyến xin. Tùy lời nói của người bịnh mà đến xin; nếu Bí-sô, Bí-sô ni không hỏi người bịnh mà đi xin thì phạm tội Việt pháp”.

Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc rừng Thệ-đa thành Thất-la-phiệt, lúc đó cụ thọ Đại Mục-kiền-liên sáng sớm đắp y mang bát vào thành khất thực đến nhà trưởng giả Cấp-cô-độc thấy trưởng giả đang dạy con mình đọc tụng ngoại điển Thanh Minh tạp luận liền nói: “Trưởng giả, tất cả ngoại điển đều như sắt, như thạch lựu rốt ráo cũng không ăn được. Tập học ngoại điển cũng như vậy, hao công tốn sức rốt cuộc cũng không nhờ đó mà được xuất ly, được nhập chánh định tụ và đoạn trừ các phiền não. Nhưng đối với Pháp do Phật nói ban dầu, chặng giữa và sau cùng đều thiện, nếu học hiểu tu được thì có thể đến Niết-bàn, vì sao trưởng giả không dạy cháu học tập Phật pháp?”. Trưởng giả nói: “Thánh giả, vì không có ai dạy”, đáp: “Nếu vậy tôi sẽ dạy cho”, Trưởng giả nói: “Nếu được Thánh giả chỉ dạy thì thật là may mắn”, nói rồi liền bảo con rằng: “Từ nay mỗi ngày con nên đến trong rừng Thệ-đa chỗ Tôn-đà-lanan-đà giả ở để học Phật pháp”, đáp xin vâng. Thế Tôn là mỗi ngày Trưởng giả trang sức cho đồng tử chuỗi anh lạc rồi cùng các thị tùng đến trong vườn Cấp-cô-độc, chỗ tôn giả Mục Liên ở để học Phật pháp. Lúc đó là vào đầu mùa thu có bọn giặc cướp Ca-lật để ca quấy nhiễu, chúng cùng nhau bàn luận: “Tất cả chúng ta nên làm gì để trọn năm chúng ta khỏi phải vất vả, mà lại được đầy đủ cơm ăn áo mặc, an lạc thọ dụng. Ta nghe nói trưởng giả Cấp-cô-độc mỗi ngày cho con đeo chuỗi anh lạc cùng các thị tùng đến trong vườn Cấp-cô-độc, nơi tôn giả Mục Liên ở để học Phật pháp. Chúng ta sẽ bắt cóc đứa bé này trên đường đi, tôn giả Mục liên cho là đứa bé ở nhà, còn trưởng giả lại cho là con mình ở chỗ tôn giả, hai bên đều không biết đứa bé bị bắt cóc thì chưa cần tìm, chúng ta giấu đứa trẻ làm con tin suốt đời. Trường hợp không bắt cóc được đứa bé thì ta sẽ cướp lấy đồ trang sức trên người nó, được những thứ trang sức này ta cũng an lạc thọ dụng”. Bàn bạc xong chúng mai phục trên đường đi đợi đồng tử, vừa thấy đồng tử đi đến liền bắt cóc ngay. Các thị tùng trông thấy đồng tử bị giặc cướp bắt cóc vội chạy về nhà báo tin, trưởng giả vội vã đến chỗ vua Thắng Quang tâu: “Đại vương, con tôi bị giặc mùa thu bắt cóc, xin Đại vương cứu nạn con tôi”. Vua nghe rồi liền ra lịnh cho Tỳ Lô Trạch Gia: “Ông phải nhanh chóng bao vây bọn giặc mùa thu để cứu con của trưởng giả”. Tỳ Lô Trạch Gia vốn có hiềm khích với trưởng giả Cấp-cô-độc nên tuy phụng mệnh vua nhưng chưa vội đi cứu liền. Lúc đó có vị trời rất kính trọng tôn giả Mục Liên nên báo cho tôn giả biết tin này để tôn giả đi cứu. Sau khi biết được tin này, tôn giả Mục Liên suy nghĩ: “Nếu ta không cứu đứa bé thì giữa cha mẹ và con cái có khổ sanh ly, người không kính tín nghe liền vui mừng, người có kính tín thì sanh thối chuyển cho rằng vì lui tới nơi này nên mới bị giặc cướp bắt cóc, còn ai dám đến rừng Thệ-đa này nữa, ta phải dùng thần lực cứu đứa bé này”. Nghĩ rồi tôn giả Mục Liên liền hiện đại thần thông hóa làm đông đảo quân lính của Tỳ Lô Trạch Gia bao vây bốn phía và đánh trống lớn khiến cho bọn giặc đều kinh sợ. Chúa giặc nói: “Các ngươi nên biết, Tỳ Lô Trạch Gia với các binh sĩ đã bao vây bốn phía, chúng ta nên thả đứa bé ra để tránh bị tù ngục”. Bọn giặc bèn thả đứa bé ra, tôn giả Mục Liên thấy đứa bé được thả liền thu hồi thần lực ngồi dưới gốc cây bên vệ đường chờ đứa bé chạy đến hỏi rằng: “Con từ đâu đến?”, đáp: “Thánh giả, con bị giặc mùa thu bắt cóc”, hỏi: “Ai đã cứu con thoát ra?”, đáp: “Chính là Tỳ Lô Trạch Gia”, tôn giả Mục Liên nói: “Con nên về nhà gấp, cha mẹ con đang rất lo lắng, sáng mai con đến học lại như thường lệ”. Đồng tử vâng lời vội vã về nhà, lúc này Tỳ Lô Trạch Gia mới thống lỉnh bốn quân chủng: voi, ngựa, xe và bộ binh; vừa ra khỏi thành Thất-la-phiệt liền gặp đồng tử hỏi rằng: “Con từ đâu đến?”, đáp: “Con đến rừng Thệ-đa giữa đường bị giặc mùa thu bắt cóc”, hỏi: “Ai đã cứu thoát con ra?”, đáp: “Chính tướng quân Tỳ Lô Trạch Gia”. Tỳ Lô Trạch Gia nghe rồi liền suy nghĩ: “Ta mới bắt đầu hành hạnh đầu đà quân sao nó nói là ta đã cứu nó, há chẳng phải có một đại đức thánh giả đầy đủ oai lực đã cứu đứa bé này”. Nghĩ rồi liền hỏi đồng tử: “Lúc con chạy thoát ra có gặp ai ở gần chỗ đó không?”, đáp: “Con gặp tôn giả Mục Liên ngồi bên vệ đường”. Tỳ Lô Trạch Gia suy nghĩ: “Chính tôn giả Mục Liên đã dùng thần thông cứu thoát đứa bé chứ không ai khác”. Nghĩ rồi vui mừng cao giọng nói to: “Chúng ta hôm nay sắp được thiện lợi, vì trong nước chúng ta có một Thánh giả đại trí như vậy, ở trong hiện pháp được đầy đủ oai lực và ở vị lai đoạn hết các lậu hoặc”. Tỳ Lô Trạch Gia hết lời khen ngợi rồi kéo quân trở về, lúc đó lục chúng Bí-sô có việc ra ngoài thành nghe khen ngợi liền hỏi: “Ông khen ngợi ai?”, đáp: “Khen ngợi Thánh chúng”, hỏi: “Chúng tôi có gì mà ông khen ngợi?”, đáp: “Con ông trưởng giả Cấp-cô-độc bị giặc mùa thu bắt cóc, tôn giả Mục Liên dùng thân thông cứu thoát đứa bé ra”. Lục chúng nói: “Ông là người ngu si, chúng tôi cũng có thần lực như vậy mà không ai kính tín, còn kẻ ngoại đạo xuất gia kia lại tôn thờ ái kính. Kẻ ngoại đạo xuất gia kia có làm việc gì, chỉ là do giặc mùa thu thả cho nó thoát ra”. Tỳ Lô Trạch Gia nghe rồi im lặng bỏ đi, lúc đó lục chúng nói với nhau: “Chúng ta tuy khéo nói như vậy nhưng kẻ thiểu dục đó hiện đang phạm tội, chúng ta đến bảo sám hối”. Bàn bạc rồi lục chúng đắc chí trở về trú xứ sau đó tới chỗ tôn giả Mục Liên chào hỏi rồi bạch: “Thượng tọa cho phép chúng tôi gạn hỏi một việc”, đáp cứ tự nhiên, hỏi: “Nghe nói con của trưởng giả Cấp-côđộc bị giặc mùa thu bắt cóc, chính tôn giả đã cứu về, việc này hư thật thế nào?”, đáp chính là tôi. Lục chúng nói: “Chúng tôi tuy biết Thượng tọa đã trụ trong tỉnh lự thọ vui giải thoát, nhưng không biết Thượng tọa có lòng từ bi. Tuy có từ bi nhưng không phổ cập, riêng đối với đệ tử thì thương xót cứu về, còn đối với giặc mùa thu thì làm cho sanh kinh sợ, Hơn nữa vật thuộc của người khác mà cưỡng đoạt về là phạm tội, Thượng tọa phải như pháp sám hối”, đáp: “Tôi thấy không có tội”. Lúc đó lục chúng luận tội: “Các vị nên biết, như Thế Tôn dạy người nào không thấy tội thì làm pháp xả trí cho kẻ ấy”. Nói rồi lục chúng đến chỗ vị Tri sự nói: “Cụ thọ, nên đánh kiền chùy, chúng tôi muốn làm pháp yết ma xả trí”, hỏi: “Tác pháp yết ma xả trí cho ai?”, đáp: “Có vị thiểu dục bản thân phạm tội mà không chịu sám hối, nên chúng tôi tác pháp yết ma xả trí cho vị ấy”. Lúc đó cụ thọ Xá-lợi-tử là thủ lãnh trong chúng liền bảo Tri sự: “không nên để có người ở trong pháp tối thắng này làm cho suy tổn”, nói rồi hỏi lục chúng: “Cụ thọ vì ai tác pháp Biến trụ, tác pháp Phú bổn biến trụ, tác pháp Ý hỉ hay là xuất tội?”, đáp: “Không ai khác chính là tôn giả Mục Liên, bản thân phạm tội mà không thấy tội nên chúng tôi muốn tác pháp xả trí”. Cụ thọ Xá-lợi-tử nói: “Cụ thọ chớ vì việc nhỏ mà xúc não vị kỳ đức, nhưng đức Bạc-già-phạm là bậc Nhất thiết tri kiến nơi cảnh trí vô thượng đã được tự tại, có thể đoạn nghi cho người khác. Cụ thọ nên đến hỏi, Phật dạy như thế nào tôi sẽ phụng hành theo”. Các Bí-sô liền đem việc này bạch Phật, Phật hỏi tôn giả Mục Liên: “Thầy dùng tâm gì hiện thần lựcđể cứu đứa bé về?”. Tôn giả liền kể lại sự việc, Phật bảo các Bí-sô: “Bí-sô Mục Liên với tâm như vậy mà hiện thần lực thì không phạm”.

Phật ở trong vườn Trúc Lâm thành Vương Xá, tôn giả Tất Lân Già Bà Ta sáng sớm dắp y mang bát váo thành thứ lớp khất thực đến nhà người em rễ nghe thấy đứa cháu ngoại đang học tập ngoại điển, liền khuyên bảo cha mẹ của cháu cho cháu học Phật pháp hơn là học ngoại điển. Vì không có người dạy nên đích thân tôn giả dạy Phật pháp cho cháu, sự việc diễn tiến giống như trên. Đứa cháu ngoại này với chuỗi anh lạc trang sức trên người tới Trúc Lâm để học Phật pháp, giữa đường bị giặc mùa thu bắt cóc nhốt trong chiếc thuyền đậu ở ven sông. Tùy tùng thấy đứa trẻ bị giặc bắt liền chạy về nhà báo tin, người cha nghe rồi vội vã đến chỗ vua Ảnh-thắng tâu: “Đại vương, con tôi bị giặc mùa thu bắt cóc, xin vua cứu nạn cho con tôi”. Vua nghe rồi ra lịnh cho Vịsanh-oán đem quân bao vây giặc mùa thu để giải cứu con của Bà-lamôn này. Vị-sanh-oán vốn có hiềm khích với Bà-la-môn nên tuy phụng mạng vua nhưng không vội đem quân đi giải cứu. Lúc đó có một Thiên nữ rất kính trong tôn giả Tất Lân Già Bà Ta liền báo tin cho tôn giả biết, nghe rồi tôn giả suy nghĩ: “Nếu ta không cứu đứa cháu ngoại này thì giữa cha mẹ và con cái sẽ có khổ sanh ly. Người không tín kính thì vui mừng, còn người tín kính thì hối hận cho là vì lui tới nơi đây nên mới bị giặc bắt, như vậy còn ai chịu đến trong Trúc lâm này nữa.Ta nên hiện thần lực để cứu cháu”. Nghĩ rồi tôn giả hiện thần lực làm cho thuyền giặc không thể di chuyển được, chúa giặc lo lắng không hiểu vì sao thuyền không tiến lên được, vừa nhìn lên bờ liền thấy tôn giả Tất Lân Già Bà Ta đang đứng nhìn xuống. Chúa giặc hỏi: “Vì sao tôn giả não hại chúng tôi”, đáp: “Các người dùng pháp ác não hại người khác chứ chẳng phải là ta não hại các ngươi. Nếu ta không hiện thần lực như thế thì con của Bà-la-môn sẽ bị bắt đi mất”. Chúa giặc nói: “Nếu vậy tôi sẽ thả đứa bé này cho Thánh giả tùy ý bắt lại”, nói rồi liền thả đứa bé lên bờ. Tôn giả thu hồi thần lực bảo cháu ngoại: “Cháu hãy mau về nhà, sáng mai sẽ học lại như thường lệ”. Đứa bé trên đường về nhà gặp Vịsanh-oán đang đưa quân ra khỏi thành, trông thấy đứa bé Vị-sanh-oán hỏi: “Ai đã cứu cháu về?”, đáp: “Chính cậu của cháu là tôn giả Tất Lân Già Bà Ta đã cứu cháu về”. Vị-sanh-oán nghe rồi vui mừng nói lớn: “Chúng ta ngày nay sẽ được thiện lợi, vì trong nước ta có một Thánh giả đại trí như vậy, ở trong hiện pháp oai lực đầy đủ và đời vị lai đoạn hết hữu lậu”. Lúc đó lục chúng có nhân duyên ra thành nghe khen ngợi liền hỏi khen ngợi ai, đáp là khen ngợi Thánh chúng. Lục chúng hỏi: “Việc gì mà lại khen ngợi chúng tôi?”, đáp: “Con của Bà-la-môn đến Trúc Lâm học Phật pháp bị giặc mùa thu bắt cóc, tôn giả Tất Lân Già Bà Ta đã dùng thần lực cứu thoát về”. Lục chúng nói: “Ông là người ngu si, chúng tôi cũng có thần lực như vậy mà không kính tin, còn kẻ ngoại đạo xuất gia kia lại được kính tin, việc đó chỉ là do giặc thả lên bờ mà được thoát”. Vị-sanh-oán nghe rồi làm thinh quay binh về, lúc đó lục chúng nói với nhau: “Tuy chúng ta khéo nói như vậy nhưng kẻ thiểu dục kia hiện đang phạm tội, chúng ta nên đến bảo sám hối”. Bàn bạc rồi trở về trú xứ, sau đó đến chỗ tôn giả Tất Lân Già Bà Ta nói: “Thượng tọa cho phép tôi gạn hỏi một việc”, đáp cứ hỏi, liền hỏi: “Nghe nói con của Bà-la-môn bị giặc mùa thu bắt cóc, chính Thượng tọa đã cứu về?”, đáp phải, lục chúng nói: “Chúng tôi tuy biết Thượng tọa đã trụ trong tỉnh lự được giải thoát thắng lạc, nhưng không biết Thượng tọa có lòng từ bi. Tuy có lòng từ bi nhưng không cùng khắp, đối với thân tộc thì Thượng tọa thương xót cứu về, đối với giặc mùa thu thì sanh tâm bất nhẫn. Hơn nữa vật thuộc của người khác mà cưỡng đoạt lại, Thượng tọa đã phạm tội nên như pháp sám hối”, đáp: “Tôi không thấy có tội”. Lục chúng liền luận tội: “Các vị nên biết, như Thế Tôn dạy người không thấy tội nên làm yết ma xả trí”, luận tội rồi liền đến chỗ vị Tri sự nói: “Cụ thọ nên đánh kiền chùy”, hỏi: “Đánh kiền chùy làm gì?”, đáp: “Có vị thiểu dục bản thân phạm tội mà không chịu sám hối nên chúng tôi muốn tác pháp xả trí”. Cụ thọ Thân Tử là bậc thượng tọa trong chúng nghe rồi liền hỏi lục chúng: “Cụ thọ vì ai tác pháp Biến trụ hay pháp Phú bổn biến trụ, pháp Ý hỉ hay pháp xuất tội?”, đáp: “Không ai khác, chính là tôn giả Tất Lân Già Bà Ta phạm tội mà không chịu sám hối nên muốn tác phap Xả trí”. Cụ thọ Thân Tử nói: “Cụ thọ không nên vì việc nhỏ mà xúc não bậc kỳ đức, nhưng đức Bạc-già-phạm là bậc Nhất thiết tri kiến nơi cảnh trí vô thượng đã chứng được tự tại, có thể đoạn nghi cho người khác. Cụ thọ nên đến hỏi, Phật dạy thế nào tôi sẽ phụng hành hạnh đầu đà theo”.

Phật ở trong Trúc Lâm gần ao Yết-lan-đạc-ca thành Vương Xá, lúc đó vua Tần Tỳ Ta La theo thường pháp mỗi ngày đều đến lễ Phật và Tăng rồi nghe Phật nói pháp, Phật vì vua chỉ bày pháp yếu khiến vua được lợi hỉ. Vua nghe pháp xong lễ Phât lui về rồi đến chỗ ở của cụ thọ Tất Lân Già Bà Ta, lúc đó Tất Lân Già Bà Ta đang tự tu bổ phòng xá bị hư, từ xa thấy vua đến bèn rửa tay chân đón tiếp vua, vua lễ bái rồi bạch: “Thánh giả phải tự lao tác nhọc nhằn như vậy sao?”, đáp: “Đại vương, phàm là người xuất gia phải tự làm việc, tôi đã xuất gia đâu thể bảo ai làm”, vua nói: “Nếu như thế, tôi sẽ cung cấp người giúp việc cho Thánh giả”. Vua thỉnh như thế đến năm lần, một đệ tử của tôn giả Tất Lân Già Bà Ta tánh tình chất trực bèn bạch vua: “Từ khi Đại vương hứa cung cấp người giúp việc cho thầy tôi, nếu thầy tôi nghe lời Đại vương chờ đợi người giúp việc đến mà không tự tu bổ phòng xá thì phòng xá đều bị hư hoại hết”. Vua hỏi: “Thánh giả, ta đã từng hứa cung cấp người giúp việc sao?”, đáp: “Không những một lần mà đến năm lần”. Vì việc nước bận rộn nên vua không nhớ, nhưng pháp thường của vua là vua nói ra điều gì liền có quan ghi chép, vua hỏi quan ghi chép: “Ta đã từng hứa cung cấp người giúp việc sao?”, đáp là thật, vua nói với người đệ tử của tôn giả: “Nếu đã trải qua năm lần thì nay ta cung cấp năm trăm tịnh nhơn để giúp việc”. Nói rồi vua liền bảo đại thần cung cấp năm trăm người cho Thánh giả sai khiến, Tất Lân Già Bà Ta liền bạch vua: “Nay Đại vương cung cấp đến năm trăm người giúp việc thì tôi biết dùng vào việc gì?”, vua nói: “Xin Thánh giả nhận để giúp việc cho Tăng chúng”, đáp: “như lời vua nói thì xin đợi tôi đến bạch Phật”, vua nói: “Thánh giả hãy đến bạch Phật”. Tất Lân Già Bà Ta đem việc này bạch Phật, Phật nói: “Nếu vì chúng tăng thì có thể nhận”. Tất Lân Già Bà Ta vâng lời Phật nhận số người giúp việc này, số người giúp việc này tuy được giao cho Tăng nhưng vẫn chưa thôi việc của vua, họ đến bạch với tôn giả: “Ban đầu nghe nói đến giúp việc cho Tăng, chúng con rất vui mừng, nhưng trên thực tế chúng con phải kiêm cả hai việc”. Tôn giả nói: “Các vị chớ lo, tôi sẽ vì các vị tâu lại với vua”. Thời gian sau nhà vua đến, tôn giả liền nói: “Hồi đó Đại vương cấp người giúp việc cho chúng tăng, Đại vương có sanh tâm hối tiếc không?”, đáp là không có hối tiếc, tôn giả hỏi: “Nếu thật như vậy thì sao số người ấy chưa được miễn việc của vua?”. Vua nghe rồi liền ra lịnh cho đại thần: “Số người giúp việc cho chúng tăng được miễn việc của vua”. Đại thần vâng lời liền cho miễn hết, thời gian sau trong cung cần người xây dựng, Đại thần gọi về giúp việc thì không ai đến, ngay cả những người không cấp cho chúng tăng cũng nói dối là đã cấp cho tăng, không chịu đến. Đại thần liền đem việc này tâu vua, vua nổi giận nói: “Nếu họ đã nói như vậy thì trở lại như cũ, từ nay những người đã cấp cho chúng tăng trở lại kiêm làm cả hai việc như trước kia”. Số người giúp việc ấy nghe rồi liền đến bạch với tôn giả: “Chúng con từ nay phải kiêm làm cả việc trong cung, xin Thánh giả đến tâu vua giúp chúng con”. Tôn giả nghe rồi liền đến chỗ vua tâu: “Vua cấp người giúp việc cho Tăng nay đã hối tiếc rồi sao?”, vua nói: “Lời Thánh giả có ý gì?”, đáp: “Vì số người ấy nay lại phải kiêm cả việc trong cung”, vua nói: “Thánh giả, vì trong cung nay có việc cần người, đại thần kêu họ về làm, họ đều nói là đã làm cho Tăng, người không cấp cho Tăng cũng nói dối là đã làm cho tăng không chịu đến. Để khỏi phải xen tạp với người làm việc trong cung, mong Thánh giả lập riêng một phường cho tịnh nhơn”. Tôn giả tâu: “Tôi sẽ về bạch Phật”, vua nói: “Nên như thế”. Tôn giả trở về bạch Phật, Phật nói: “Nay ta cho phép lập riêng một phường cho tịnh nhơn”. Lúc đó các Bísô không biết nên xây cất nơi nào cho thích hợp, Phật nói: “Nên chọn ở giữa tinh xá và vương thành, nơi nghe được tiếng gọi nhau thì xây cất”.

Các Bí-sô nghe rồi liền đến báo cho Đại thần biết, Đại thần bạch vua, vua nói: “Hãy làm theo lời Phật dạy”. Đại thần liền loan báo cho các tịnh nhơn: “Nay Tăng lập riêng một phường cho những người giúp việc chúng tăng, các ngươi nên tập trung lại đến ở trong khu vực đó”. Các tịnh nhơn nghe rồi liền cùng nhau đến ở trong phường riêng của mình, sau đó thường xuyên đến Trúc Lâm giúp việc, các Bí-sô nói: Nghiệp nào thanh tịnh thì nên làm, nghiệp không thanh tịnh thì không nên làm, do làm nghiệp thanh tịnh nên gọi là tịnh nhơn”. Các tịnh nhơn này và người giữ vườn của tăng thường xuyên lui tới trong Trúc Lâm làm ồn ào gây náo động, trở ngại các Bí-sô thiền hành hạnh đầu đà. Các Bí-sô bạch Phật, Phật nói: “Đừng kêu tập họp thường xuyên, chỉ kêu đến khi nào cần mà thôi”. Lúc đó các tịnh nhơn cần cơm ăn áo mặc, các Bí-sô không biết cung cấp như thế nào, bạch Phật, Phật nói: “Người được tăng sai thì nên cung cấp y thực, người không được sai thì chớ nên cung cấp, có người già bịnh cũng nên cung cấp y thực và thuốc men”. Thời gian sau tới phiên Ô-ba-nan-đà làm tri sự của Tăng liền bảo các tịnh nhơn mỗi sáng sớm phải đến giúp việc. Lúc đó trong thành Vương Xá, các Bí-sô hạ an cư vừa xong, trong thời gian này có bọn giặc mùa thu thường hay cướp phá, chúa giặc nói: “Chúng ta nên làm gì để trọn năm khỏi phải vất vả mà vẫn được an lạc thọ dụng?”. Trong bọn giặc có một người từng phục dịch cho Tăng nên rất am hiẻu việc tăng, liền báo cho chúa giặc biết: “Trong Trúc Lâm có phường của tịnh nhơn chứa nhiều tài vật, nếu đến đó cướp ắt sẽ tron năm no đủ”. Một người trong bọn giặc nói: “Các Bí-sô là chủ của tịnh nhơn, hằng ngày phải đi khất thực còn chưa đủ nuôi thân, huống chi tịnh nhơn làm gì có nhiều tài vật?”, tên giặc ấy liền nói: “Các ông không biết các Bí-sô tuy khất thực nhưng được huệ thí rất nhiều, lại còn tự tìm cầu. Tài vật của họ người trong thành Vương Xá còn không bằng, huống chi tịnh nhơn lại không có tài vật hay sao?”. Sau khi bàn bạc xong, bọn giặc quyết định ngay trong đêm đó đến trong phường tịnh nhơn cướp tài vật. Lúc đó có một thiên nhơn rất tôn kính tôn giả Tất Lân Già Bà Ta liền đến báo cho tôn giả biết để cứu giúp họ. Nghe biết tin này tôn giả suy nghĩ: “Nếu ta không cứu thì các tịnh nhơn mất hết tài vật sẽ sầu khổ, ta nên hiện thần lực giúp họ”, nghĩ rồi tôn giả Tất Lân Già Bà Ta liền hóa một bức tường đồng bao quanh phường tịnh nhơn. Lúc đó bọn giặc đã cướp được tài vật muốn mang ra khỏi phường tịnh nhơn thì thấy bức tường đồng bao quanh, không có lối ra. Tâm sanh kinh sợ liền bỏ tài vật xuống thì không còn thấy bức tường đồng bao quanh nữa, nhưng khi mang tài vật lên thì bức tường đồng lại hiện ra, như vậy đến bảy lần. Bọn giặc kinh sợ nói với nhau: “Các ngươi biết không, chắc có Thánh giả đầy đủ oai đức hiện thần lực giữ gìn những tài vật này, chúng ta nên bỏ tài vật lại rồi chạy ra khỏi chỗ này”, nói xong bọn giặc liền gom tài vật lại một chỗ rồi bỏ chạy. Lúc đó các tịnh nhơn chợt thức giấc thấy tài vật đều bị trộm hết liền la lớn là giặc cướp rồi chạy khắp trong phường tìm kiếm, không ngờ thấy những tài vật bị trộm được chất đống một nơi. Họ vui mừng mang tài vật trở về rồi ngủ lại, trong giấc mộng vị thiên nhơn kia nói cho họ biết: “Tài vật của các ngươi bị giặc mùa thu trộm lấy đi đều do thánh giả Tất Lân Già Bà Ta dùng thần lực giữ lại”. Sáng hôm sau họ nói với nhau: “Tài vật của chúng ta không bị mất đếu là nhờ thần lực của tôn giả Tất Lân Già Bà Ta, chúng ta nên đóng góp tài vật để cúng dường Thánh giả”. Bán bạc xong họ tắm rửa, mặc áo trắng mới, trang sức hương thơm mang tái vật cúng dường đến trong Trúc Lâm. Lúc đó Ô-ba-nan-đà đang cầm chìa khóa ra mở cổng chùa, quét dọn trong chùa tháp rồi lên gác chuông đánh kiền chùy. Nhìn ra xa trông thấy đám tịnh nhơn mặc áo trắng mới trang sức đẹp đẽ trên đường tới chùa, Ô-ba-nanđà suy nghĩ: “Không biết những người đang đến kia là thương chủ, trưởng giả hay cu sĩ nào mà mới sáng sớm đã đến”. Khi họ đến gần Ôba-nan-đà mới nhận ra là các tịnh nhơn liền nổi giận nói vọng xuống: “Ta chưa bảo đến, mới sáng sớm các ngươi đến làm gì?”, các tịnh nhơn nói: “Thánh giả, đêm qua nếu không nhờ thần lực của tôn giả Tất Lân Già Bà Ta cứu giúp thì tài vật của chúng tôi đã bị giặc mùa thu trộm lấy hết rồi, nên sáng sớm chúng tôi đến để cúng dường Thánh giả”. Ô-banan-đà nói: “Các ngươi dựa vào thần lực của kẻ ấy mà mới sáng sớm làm ồn ào như thế phải không? Ta sẽ tác pháp trị phạt kẻ ấy”. Nói rồi liền kêu lục chúng cùng đến chỗ tôn giả Tất Lân Già Bà Ta nói: “Thượng tọa cho phép chúng tôi gạn hỏi một việc”, đáp cứ hỏi, lục chúng hỏi: “Nghe nói trong phường tinh nhơn bị cướp, Thượng tọa đã dùng thần lực giữ lại những tài vật đã bị cướp là hư hay thật?”, đáp là thật, lục chúng nói: “Chúng tôi biết Thượng tọa đã trụ trong tĩnh lự được giải thoát thắng lạc, nhưng không biết Thượng tọa có từ bi. Tuy có từ bi nhưng không phổ cập, đối với tịnh nhơn thì từ bi hộ niệm còn đối với bọn giặc thì bao vây khủng bố họ bằng tường đồng. Hơn nữa tài vật đã thuộc người khác cưỡng đoạt lại là phạm tội, Thượng tọa nên như pháp sám hối”. Sự việc diễn tiến giống như trên cho đến các Bí-sô đem việc này bạch Phật, Phật hỏi Tất Lân Già Bà Ta: “Thầy dùng tâm gì hiện thần lực để giữ lại tài vật của các tịnh nhơn?”. Tất Lân Già Bà Ta liền kể lại sự việc trên, Phật nghe rồi bảo các Bí-sô: “Tất Lân Già Bà Ta dùng tâm này mà hiện thần lực để giữ lại tài vật cho các tịnh nhơn thì không phạm. Lại nữa những trường hợp sau đây đều không phạm, đó là ban đầu chưa chế giới, cuồng si tâm loạn, bị thống não bức bách”.