CĂN BẢN THUYẾT NHẤT THIẾT HỮU BỘ BÍ SÔ NI TỲ NẠI DA

Hán dịch: Đời Đường Tam Tạng Pháp Sư Nghĩa Tịnh 
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

QUYỂN 9

Học Xứ Thứ Tư: GIẶT Y CŨ CHO BÍ SÔ KHÔNG PHẢI BÀ CON (Tiếp Theo)

Lúc đó Thế Tôn thấy rồi liền suy nghĩ: “Các thích tử này vốn vì cầu giải thoát mà xuất gia, nay lại bỏ thiểu dục chìm đắm trong tài lợi”. Thế Tôn muốn họ không chìm đắm trong tài lợi nữa nên cùng chúng tăng trở lại rừng Thệ-đa ở thành Thất-la-phiệt an trú như trước kia. Lúc đó cụ thọ Ô-đà-di vào sáng sớm đắp y mang bát vào thành theo thứ lớp khất thực đến nhà của vợ cũ là Cấp-đa đứng ở cửa ngỏ, Cấp-đa từ xa trông thấy nhận ra Ô-đà-di liền chạy tới đấm ngực nói: “Ô-đà-di, tại sao anh lại bỏ em mà xuất gia?”, Ô-đà-di nói: “Hiền thủ, Thế Tôn khi còn là Bồ tát cũng đã bỏ người vợ yêu quý là Da-du-đà-la và sáu vạn thể nữ để xuất gia, tôi làm sao có thể cùng sống với nàng”. Cấp-đa nói: “Thế thì em cũng muốn xuất gia”, Ô-đà-di nói: “Nếu được như thế thì rất tốt”, Cấp-đa nói: “Em thu xếp gia nghiệp xong sẽ xuất gia”, Ô-đà-di nói: “Nên mau thu xếp, đừng có trì trệ”. Nói rồi liền bỏ đi, không bao lâu sau lại đến hỏi: “Sao cô chưa xuất gia?”, Cấp-đa nói: “Tôi thu xếp gia nghiệp chưa xong”, Ô-đà-di nói: “Chắc cô đợi sau khi nước Kiềutát-la bị cháy hết, cô mới thu xếp xong phải không?”, Cấp-đa nói: “Nội nhật hôm nay thu xếp xong, ngày mai tôi sẽ xuất gia”. Sau đó Ô-đà-di lại suy nghĩ: “Ta do tục lụy trước kia nên các vị đồng phạm hạnh Hắc bát khinh khi, nếu Cấp-đa xuất gia ta sẽ càng chiêu lấy cơ hiềm rằng lục chúng Bí-sô đã độ Bí-sô ni”. Nghĩ rồi liền sanh truy hối nên trời vừa hừng sáng Ô-đà-di liền đắp y mang bát đi đến thành Vương-xá, vừa đến nơi thì đúng vào lúc Hạ an cư. Trong lúc đó Cấp-đa thu xếp xong gia nghiệp liền đến trong rừng Thệ-đa hỏi các Bí-sô: “Vị ấy ở đâu?”, các Bí-sô hỏi: “Vị ấy là ai?”, đáp: “Là Thánh giả Ô-đà-di”, các Bí-sô nói: “Vị ấy đã đi đến thành Vương-xá cách đây rất xa”. Cấp-đa nghe rồi liền khóc, các Bí-sô hỏi vì sao khóc, Cấp-đa nói: “Thánh giả Ô-đà-di bảo tôi bỏ thế tục sẽ cho tôi xuất gia, nay tôi thu xếp xong gia nghiệp đến đây thì Thánh giả lại bỏ đi xa. Bây giờ tôi không còn nhà để về lại cũng không được xuất gia, làm sao không khóc”. Một người nghe rồi liền nói: “Vì dao cạo ở đây cũ nên Thánh giả đi đến Vương thành muốn lấy dao mới về để cạo tóc cho bà”. Vừa lúc ấy có chúng Bí-sô ni vì thỉnh giáo thọ nên đến trong rừng Thệ-đa, thấy Cấp-đa đang đứng khóc liền hỏi nguyên do, Cấp-đa liền kể lại sự việc, các Bí-sô ni nói: “Bí-sô không có độ cho ni xuất gia mà phải là Bí-sô ni độ, bà hãy theo chúng tôi đến chỗ Đại-thế-chủ Kiều-đáp-di sẽ độ cho bà xuất gia”. Cấp-đa liền đi theo các ni đến chỗ Đại-thế-chủ, Đại-thế-chủ liền cho Cấp-đa xuất gia.

Lúc đó Ô-đà-di ở thành Vương-xá lại suy nghĩ: “Vì ta muốn tránh các Hắc bát cơ hiềm nên không độ cho Cấp-đa xuất gia, như thế là ta bị mất mát lớn. Nếu có vị Hắc-bát nào khác độ cho Cấp-đa xuất gia thì dù ta muốn gặp trong chốc lát cũng không thể được”, do nghĩ như vậy nên tuy Hạ an cư nhưng tâm của Ô-đà-di thường không vui. Sau đó có một Bí-sô ma-ha-la từ thành Thất-la-phiệt Hạ an cư xong đi đến Vương thành, đúng lúc Ô-đà-di đứng ngoài cửa ngỏ tinh xá Trúc-lâm trông thấy. Nhìn thấy lão Bí-sô này tóc bạc trắng, mi dài phủ mắt, bước đi thong thả, không biết có phải là bậc Thượng tọa hay không, nên Ô-đàdi bước tới chào hỏi, vị lão Bí-sô liền luôn miệng nói: “Kính lễ A-giá -lợi-da, kính lễ Ô-ba-đà-da”. Ô-đà-di nghe nói rối biết không phải là bậc Thượng tọa, liền dẫn vào chùa hỏi: “Thầy từ đâu đến đây?”, đáp: “Từ thành Thất-la-phiệt đến”. Ô-đà-di nghe rồi liền suy nghĩ: “Nếu ta hỏi tin tức Cấp-đa trước thì người nghe sẽ chê trách, ta nên tuần tự hỏi thăm”, nghĩ rồi liền hỏi: “Thế Tôn có được ít bịnh, ít não, đi đứng tự tại, sở hành an vui chăng? Thế Tôn có Hạ an cư ở đó chăng?”, đáp: “Thế Tôn không bịnh, an vui và Hạ an cư tại đó”, lại hỏi: “Tứ chúng có được không bịnh và an vui chăng, có thường đến nghe Thế Tôn thuyết pháp chăng?”, đáp: “Tứ chúng đếu không bịnh an vui và thường đến nghe Phật thuyết pháp”, lại hỏi: “Chư tôn túc như Kiều-trần-như, Ca Diếp Ba, Xá-lợi-tử, Mục-kiền-liên… Đại-thế-chủ Kiều Đáp Di cho đến vua Thắng-quang… có được vô bịnh an vui chăng?”, đáp: “Tất cả đều không bịnh an vui”, lại hỏi: “Thầy có biết vợ của Đại thần tên là Cấp-đa không?”, đáp: “Có biết, bà cũng là vợ trước kia của đại đức Ôđà-di”, lại hỏi: “Chẳng phải bà ta vẫn còn là vợ cũ của Đại đức ấy hay sao?”, đáp: “Nay bà đã xuất gia rồi”, lại hỏi: “Ai đã độ cho bà ta xuất gia?”, đáp: “Là Đại-thế-chủ”. Ô-đà-di sau khi biết rõ sự việc rồi liền suy nghĩ: “Cấp-đa đã xuất gia, ta nên gặp mặt”, nghĩ rồi liền lấy bát của lão Bí-sô treo lên cọc ngà voi rồi đưa dầu cho thoa chân tay, nói rằng: “Trong phòng này có sẳn thức ăn, ở đây có lợi dưỡng gì thầy cứ thọ dụng”. Lão Bí-sô liền nói: “Tôi không muốn ở đây”, Ô-đà-di liền đưa cái khóa cửa và nói: “Như Thế Tôn có dạy Bí-sô không nên bỏ không trú xứ, này Ma-ha-la, đây là khóa cửa, thầy nên biết”. Nói rồi liền bỏ đi đến thành Thất-la-phiệt, vào trong rừng Thệ-đa quét dọn sạch sẽ phòng của mình rồi đọc tụng chánh pháp. Vừa lúc đó có Bí-sô ni vào trong rừng Thệ-đa thỉnh giáo thọ, nghe tiếng đọc tụng liền cùng đến chỗ Ô-đà-di hỏi: “Đại đức lâu nay đi đâu vắng?”, đáp: “Tôi có việc phải đến thành Vương-xá vừa mới trở về”. Các ni nghe rồi về chùa nói với Cấp-đa: “Cô nên Hoan-hỉ vì A-giá-lợi-da của cô đã về đến trong rừng

Thệ-đa rồi”, Cấp-đa hỏi: “A-giá-lợi-da nào?”, đáp là Bí-sô Ô-đà-di, Cấp-đa hỏi: “Sao cô biết Bí-sô ấy là thầy quỷ phạm của tôi, tôi đâu có theo Bí-sô ấy thọ học”, các ni nói: “Đâu cần theo thọ học, cô nên đến hỏi thăm sức khỏe của vị ấy”. Cấp-đa liền mang theo hương bột… đi đến phòng của Ô-đà-di gõ cửa, Ô-đà-di hỏi là ai, đáp là Cấp-đa, Ô-đà-di liền mở cửa mời vào rồi hỏi: “Ai cho bà xuất gia?”, đáp là Đại-thế-chủ, Ô-đà-di nói: “Trước đây vì có việc gấp phải đi đến Vương thành, còn cô vì sao lại gấp cầu lìa tục?”, đáp: “Trước đây đại đức bảo tôi thu xếp gia nghiệp rồi độ tôi xuất gia. Tôi nghe lời nên thu xếp gia nghiệp, không ngờ đại đức bỏ tôi đi đến Vương thành. Nếu Đại-thế-chủ không độ tôi xuất gia thì lúc ấy tôi không biết phải làm sao”, Ô-đà-di nói: “Chẳng phải lúc đó tôi có hứa là dạy cho cô sao, cô hãy ngồi xuống đây, tôi sẽ thuyết pháp cho cô nghe”. Cấp-đa liền ngồi xuống chú tâm nghe pháp, Ô-đà-di khi thuyết pháp liền nhớ lại chuyện vui cười thuở xưa nên hỏi Cấp-đa: “Cô có nhớ ngày xưa tại vườn ___, rừng ___, miếu ___, chúng ta đã ăn những món ăn ngon như thế như thế không?”. Khi cùng nói chuyện tâm dục liền khởi khiến tình ý hỗn loạn. Phàm người nữ trí huệ có năm trường hợp không cọng sự: Một là biết người nam có tâm dục hừng thạnh hay không có…, lúc đó Cấp-đa biết Ô-đà-di đang có tâm dục hừng thạnh nên xin phép ra ngoài một lát sẽ trở vào, nhưng khi ra khỏi phòng Cấp-đa liền bỏ chạy. Ô-đà-di nghe tiếng chân chạy liền chạy theo ra gọi Cấp-đa, do hấp tấp chạy theo nên sanh chi chạm vào bắp vế khiến tinh tiết ra, dục tâm liền tiêu tan nên Ô-đà-di đứng lại bồi hồi nhìn theo. Cấp-đa thấy vậy liền quay trở lại nói: “Thánh giả, nếu vừa rồi tôi chấp thuận thì tôi không còn là Bí-sô ni, Thánh giả cũng không còn là Bí-sô”. Ô-đà-di nói: “Như Thế Tôn đã dạy, nếu ai hộ mình tức là hộ người, nếu ai biết hộ người liền thành hộ mình. Thế nào là hộ mình tức là hộ người? Tự có thể tu tập, do tu tập nhiều nên có chứng ngộ. Thế nào là hộ người liền thành hộ mình?: Không não hại, không phẫn hận, không có tâm oán hại, thường khởi lòng từ bi thương xót mọi loài”. Cấp-đa nói: “Thánh giả hãy cởi quần ra đưa cho tôi giặt”. Khi Ô-đà-di đưa quần cho Cấp-đa giặt, Cấp-đa thấy tinh dính dơ liền sanh tâm hối, tâm nhiễm liền bộc phát, như trong kinh Phật có kệ:

“Những người say đắm dục,
Không thấy được nghiã lợi,
Không quán được thiện pháp,
Thường đi trong tối tăm”.

Do tâm nhiễm nên tình ý rối loạn, Cấp-đa liền lấy giọt tinh ấy để vào trong nữ căn, do nghiệp lực của hữu tinh không thể nghĩ bàn nên ngay lúc ấy liền có thân trung ấm tối hậu của một hữu tình đến thác thai. Cấp-đa về chùa giặt y của Ô-đà-di, chư ni trông thấy liền hỏi, Cấpđa liền kể lại mọi việc, chư ni nghe rồi nói rằng: “Chúng tôi không ngờ lại xảy ra chuyện như vậy”, Cấp-đa nói: “Đại đức Ô-đà-di chưa hề xúc phạm thân phần của tôi”, chư ni nói: “Chưa xúc chạm mà còn như thế”. Nói rồi chư ni liền đem việc này bạch các Bí-sô, các Bí-sô bạch Phật, Phật bảo các Bí-sô: “Cô ni kia không phạm Ba-la-thị-ca, nhưng cô ấy đã có thai, nên để cô ấy ở chỗ khuất, cấp dưỡng thức ăn uống chớ để thiếu thốn. Đứa bé sanh ra đặt tên là đồng tử Ca-nhiếp-ba cho xuất gia sẽ đoạn các hữu lậu, chứng quả A-la-hán, trong hàng đệ tử của ta sẽ là người có biện tài thuyết giảng bậc nhất”.

Lúc đó Thế Tôn liền suy nghĩ: “Do Bí-sô nhờ Bí-sô ni không phải là thân tộc giặt y nên xảy ra điều tội lỗi như thế”. Thế Tôn liền do nhân duyên này nhóm họp các Bí-sô nơi Tỳ-nại-da chế học xứ này cho hai bộ đệ tử như sau: “Nếu lại có Bí-sô ni giặt, nhuộm, đập y cũ cho Bí-sô không phải là bà con thì phạm Ni-tát-kỳ-ba-dật-để-ca”.

Nếu lại có Bí-sô ni là chỉ cho Cấp-đa hoặc có người nào khác giống như vậy. Thân tộc là từ bảy đời của hai bên cha mẹ trở lại, bảy đời trở lên thì không phải. Bí-sô là chỉ cho Ô-đà-di. Y cũ là y cũ thuộc trong bảy loại y: Y bằng lông, y Sô-ma, Xà-nhược-ca, Yết-lan-đạc-ca bá tử, Độc-cô-lạc-ca, Cao-cô-bạc-ca và An-bát-lan-đắc-ca. Giặt là dưới cho đến đem ngâm nước. Nhuộm là dưới cho đến đem nhúng vào trong màu. Đập là dưới cho đến lấy tay đập một cái.

Trong học xứ này tướng phạm như thế nào?

Nếu Bí-sô ni biết Bí-sô không phải là thân tộc, khởi tưởng không phải thân tộc mà giặt y cũ liền phạm Xả-đọa; nhuộm, đập cũng phạm. Trong ba việc hoặc làm cả ba, hoặc làm hai việc, hoặc một việc; hoặc trong ba việc tùy làm một việc nào đều phạm bổn tội; nếu nghi không phải là thân tộc mà làm cũng phạm Xả-đọa. Nếu Bí-sô là thân tộc lại khởi tưởng không phải là thân tộc mà làm thì phạm Ác-tác. Nếu Bí-sô là thân tộc mà khởi tâm nghi cũng phạm Ác-tác.

Học Xứ Thứ Năm: NHẬN Y TỪ BÍ SÔ KHÔNG PHẢI BÀ CON

Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc rừng Thệ-đa thành Thất-la-phiệt, lúc đó Phật chưa cấm Bí-sô ni trụ nơi A-lan-nhã, cho nên chư ni thường đến trong rừng vắng tu tập tĩnh lự thọ lạc trong thắng định. Lúc đó Bísô ni Liên-hoa-sắc cùng năm trăm đồ chúng đi đến trong rừng Tối ngồi bán già nhập Diệt tận định dưới một gốc cây. Đến xế chiều các ni muốn trở về trú xứ trong thành Thất-la-phiệt, một vị ni nói: “Chúng ta nên gọi Thánh giả Liên-hoa-sắc xuất định để cùng đi”, ni khác nói: “Thánh giả có đại oai thần, nếu cần có thể trở về trú xứ truớc chúng ta”. Do vậy các ni lặng lẽ trở về thành Thất-la-phiệt, đến chiều tối Liên-hoa-sắc mới xuất định, nhìn khắp thấy không có ai, biết là chư ni đã trở về trước bèn suy nghĩ: “Ta nên vào thành hay ở lại đây”, nghĩ rồi quyết định ở lại nên liền nhập định.

Đêm đến có đám giặc năm trăm người sau khi trộm cướp xong đến trong rừng này cùng nhau bàn bạc là phân nữa ở đây chia tài vật đã cướp được, còn phân nữa đi canh phòng. Nhóm đi canh phòng phát hiện ra Thánh giả đang nhập định không biết là người hay là gốc cây, trong nhóm có một vị tu hoàn tục nói: “Đây là Bí-sô ni”, đám giặc nghe rồi liền khởi niệm: “Trong rừng tối này là nơi đáng sợ mà Bí-sô ni lại ngồi nhập định ở đây, thật là hy hữu”. Khi trở về chỗ chúa giặc, chúa giặc hỏi: “Các vị đi canh phòng có thấy điều gì lạ không?”, đáp: “Có, trong rừng tối đáng sợ này lại có một Bí-sô ni ngồi nhập định”. Chúa giặc nghe rồi liền cùng đám giặc đi đến đó xem, đến nơi thấy một Bí-sô ni dung mạo đoan nghiêm, oai nghi tịch định, vừa nhìn liền sanh kính tín. Chúa giặc liền khen ngợi: “Trong rừng này có hai điều Khả-ái: Một là ánh trăng đẹp, hai là dung mạo Khả-ái của Bí-sô ni”. Chúa giặc bảo đánh thức cô để chúa giặc cúng dường nhưng vị tu hoàn tục ở trong đám giặc nói: “Bí-sô ni không ăn phi thời”, chúa giặc liền khen ngợi: “Trong rừng này có hai điều Khả-ái: Một là dung mạo đoan nghiêm, hai là không ăn phi thời”. Chúa giặc lại muốn mời uống rượu, vị tu hoàn tục liền nói: “Bí-sô ni không uống rượu”, chúa giặc liền khen ngợi: “Trong rừng này có hai điều Khả-ái: Một là dung mạo đoan nghiêm, hai là không uống rượu”. Chúa giặc lại nói: “Nay ta may mắn gặp được thượng phước điền mà lại không dâng cúng gì được”, nói rồi liền lấy tấm bạch điệp quý giá gói thức ăn thượng diệu treo lên cây nói rằng: “Nếu đúng như nghi dung tịch định của Thánh giả thì không việc gì là không hay, không việc gì là không biết. Nay tôi treo y thực trên cây này, mong Thánh giả từ bi thọ dụng”, Chúa giặc nói xong liền cùng đám giặc bỏ đi.

Qua sáng mai Liên-hoa-sắc xuất định thấy chung quanh có nhiều dấu chân người liền nhập định quán, biết là dấu chân của năm trăm giặc cướp đến đây rồi đi, nhìn lên trên cây thấy có y thực biết là do tâm tịnh kính tín của giặc cướp mà được, cô nghĩ: “Nếu ta đợi có người đến trao thức ăn thì sợ có cầm thú đến làm hoại vật tịnh thí này, ta nên đem thức ăn này hiến cúng cho tăng già. Như Phật đã dạy, nếu đối với ni là ác xúc thì đối với tăng là tịnh, ngược lại nếu đối với tăng là ác xúc thì đối với ni là tịnh”. Nghĩ rồi cô liền mang thức ăn này đến trong rừng Thệ-đa, lúc đó Ô-ba-Nan-đà đang đi kinh hành ở trước cửa ngỏ, thấy Bí-sô ni đi đến liền hỏi: “Đại muội, trời chưa sáng cửa thành đã mở rồi sao?”, đáp: “Đại đức, chẳng phải tôi từ trong thành đến mà từ trong rừng Tối đến”, Ô-ba-Nan-đà nói: “Đại muội, ban ngày tôi vào trong rừng ấy còn thấy sợ, lông tóc dựng đứng, tại sao Đại muội lại ở lại đêm trong rừng ấy?”. Liên-hoa-sắc liền kể lại sự việc đêm qua rồi nói: “Đây là y thực của đám giặc để lại cho với lòng tịnh tín”, Ô-ba-Nanđà nói: “Đại muội, do oai nghi tịch định của cô mà đám giặc sanh kính ái cúng cho vật thực này. Tôi nếu có tấm bạch điệp tốt này để may y Tăng-già-chi hai lớp, trụ trong thiểu dục, tu các phẩm thiện thì tốt quá”. Liên-hoa-sắc liền hỏi: “Đại đức cần tấm bạch điệp này không?”, đáp: “Nếu cô có dư thì tùy tình xử phân”. Liên-hoa-sắc nói: “Đại đức đợi tôi mang thức ăn này dâng cúng cho Tăng, khi trở lại sẽ cúng bạch điệp này cho đại đức”. Ô-ba-Nan-đà nghe rồi liền suy nghĩ: “Nếu các Hắc bát khác trông thấy tấm bạch điệp này chắc chắn sẽ xin thì ta không do đâu được”, nghĩ rồi liền nói: “Cô hãy đứng ở đây, tôi kêu người ra lấy thức ăn đem vào”, nói rồi liền vào bên trong, thấy có một người đứng rỗi rãi liền bảo ra cửa nhận lấy thức ăn mang vào. Vị này ra nhận lấy thức ăn, Liên-hoa-sắc dâng thức ăn rồi liền giũ sạch tấm bạch điệp đưa cho Ô-ba-Nan-đà. Được y Ô-ba-nan-đà liền chú nguyện: “Nguyện cho người cúng y này tâm như anh lạc, tâm tư trợ, định huệ trang nghiêm, đắc đạo nhơn thiên, tùy tình thọ dụng y phục thắng diệu, cuối cùng đến Niết-bàn an ổn vô thượng”, chú nguyện rồi bỏ đi. Sau đó Liên-hoa-sắc đến đảnh lễ Thế Tôn, Thế Tôn thấy năm y của Bí-sô ni cũ rách liền hỏi A Nan-đà: “Chúng Bí-sô ni khi an cư lợi dưỡng có đầy đủ không?”, đáp: “Thế Tôn, chúng ni an cư lợi dưỡng đầy đủ”, Thế Tôn hỏi: “Nếu thế thì tại sao năm y của Liên-hoa-sắc đều cũ rách?”, đáp: “Thế Tôn, Bí-sô ni này lòng tin vững chắc, ý thích thuần thiện, vật đã có được đều Hoan-hỉ hiến cúng Tam bảo, người đến xin đều không làm cho nghịch ý. Vừa rồi cô được một tấm bạch điệp quý giá đã cúng cho đại đức Ôba-Nan-đà”. Thế Tôn hỏi: “Bí-sô ấy đối với ni không phải thân tộc này có lấy y không?”, đáp có lấy. Phật bảo A-Nan-đà: “Nếu là Bí-sô không phải thân tộc thì sẽ không nghĩ đến Bí-sô ni này có đủ năm y không, tùy lúc nào cho thảy đều nhận lấy; ngược lại nếu là Bí-sô thân tộc sẽ không như vậy, thấy họ thiếu thốn sẽ không chịu nhận”. Phật lại bảo A-Nan-đà: “Trong số y dư cất ở trong kho hãy lấy năm y đưa cho Bí-sô ni Liên-hoa-sắc”. A-Nan-đà vâng lời Phật dạy vào trong kho lấy năm y đưa cho Liên-hoa-sắc. Phật do duyên này bảo các Bí-sô ni cũng không nên nhận y từ các Bí-sô… cho đến câu: “Ta vì hai bộ đệ tử chế học xứ này như sau:

Nếu Bí-sô ni nhận y từ Bí-sô không phải bà con thì phạm Ni-tátkỳ-ba-dật-để-ca.

Thế tôn chế học xứ rồi, trong thành Thất-la-phiệt có một trưởng giả giàu có, thọ dụng đầy đủ, gia sản nhiều như Tỳ sa môn thiên vương. Trưởng giả cưới một người con gái trong dòng tộc làm vợ, trải qua thời gian lâu mà vẫn không có con nên trong lòng ưu sầu suy nghĩ: “Ta tuy giàu có nhưng không có con nối dòng, sau khi ta chết nhà vua sẽ lấy cớ không con để tịch thu gia sản này. Tư lương đời sau ta cũng chưa tu tập”. Người vợ thấy chồng ưu sầu liền hỏi nguyên do, trưởng giả liền nói ý nghĩ của mình cho vợ nghe, người vợ nghe rồi liền hỏi: “Tu tập tư lương đời sau như thế nào?”, đáp: “Cúng dường thức ăn thịnh soạn rồi cúng cho Phật và tăng mội vị một cặp bạch điệp thượng hảo, đó là tu tập tư lương đời sau”. Người vợ nghe rồi liền bảo người chồng làm ngay, người chồng liền đi đến chỗ Phật, đảnh lễ rồi ngồi một bên, Phật thuyết diệu pháp cho trưởng giả, chỉ dạy được lợi hỉ rồi im lặng. Trưởng giả liền đứng dậy chắp tay bạch Phật: “Thế Tôn, con thỉnh Phật và chúng tăng sang mai đến nhà con thọ thực, xin thương xót”, Thế Tôn im lặng nhận lời, trưởng giả biết Thế Tôn đã thương xót nhận lời liền kính lễ rồi ra. Trở về nhà trong đêm đó trưởng giả sửa soạn đầy đủ các món ăn thượng diệu, đến sáng sớm lo trải tòa ngồi và nước rồi sai người đến thỉnh Phật và Tăng, Phật liền chấp trì y bát cùng các Bí-sô tới nhà thí chủ. Tới chỗ trưởng giả thiết thực Phật và Tăng theo thứ tự an tọa, thấy Phật và tăng như pháp ngồi rồi, trưởng giả liền tự tay dâng các món ăn thượng diệu cúng dường đầy đủ, sau đó dâng cúng mỗi vị một cặp bạch điệp thượng hạng rồi ngồi một bên nghe Phật thuyết pháp. Phật tùy theo căn tánh nói diệu pháp, chỉ dạy được lợi hỉ rồi chú nguyện cho thí chủ, sau đó trưởng giả tiễn đưa Phật và tăng ra về, đi nhiễu quanh Phật ba vòng, đảnh lễ Phật rồi vào nhà. Trưởng giả tu niệm xả thí rồi vui mừng nói với vợ: “Hiền thủ nên vui mừng vì tôi đã làm xả thí tư lương cho đời sau”, người vợ nói: “Tuy anh đã làm rồi, nhưng em chưa làm”, trưởng giả nói: “Việc tu phước thí này há chẳng phải em có chung hay sao?”, người vợ nói: “Tuy biết có chung nhưng em vẫn muốn thỉnh Đại-thế-chủ và các Bí-sô ni đến nhà thọ thực và cúng cho mỗi vị một cặp bạch điệp thượng hạng. Đây mới chính là tư lương đời sau của em”, trưởng giả khen: “Hay lắm, tùy ý em muốn”. Người vợ của Trưởng giả liền đến chỗ Đại-thế-chủ đảnh lễ rồi ngồi một bên, sau khi nghe diệu pháp rồi liền bạch: “Thánh giả, con xin thỉnh Thánh giả và các Bí-sô ni sáng mai đến nhà con thọ thực, xin thương xót”… giống như đoạn văn trên, cho đến đoạn vợ Trưởng giả đem chiếc rương lớn ra, trong đó đựng đầy bạch điệp. Đại-thế-chủ nhìn thấy liền suy nghĩ: “Thế Tôn chế giới không cho Bí-sô ni thọ nhận y phục thượng diệu, nay nếu ta thọ thì trái với học xứ, nếu không thọ thì trở ngại thí chủ tu phước, các Bí-sô ni cũng mất lợi dưỡng”, lúc đó các Bí-sô ni cũng suy nghĩ: “Nếu Đại-thế-chủ nhận bạch điệp này thì tốt quá”. Đại-thế-chủ biết được tâm niệm của ni chúng liền suy nghĩ: “Thế Tôn nên nhân việc này cho ni thọ y tốt”. Nghĩ rồi Đại-thế-chủ liền cho chư ni thọ y rồi chú nguyện cho vợ Trưởng giả, khi trở về Đại-thế-chủ liền đến chỗ Thế Tôn đem việc trên bạch Phật, Phật bảo Đại-thế-chủ: “Lành thay, Như lai chưa cho mà bà đã biết thời, từ nay về sau cho phép Bí-sô ni thọ y quý giá, có thể trao đổi với các Bí-sô”.

Đại-thế-chủ nghe Phật dạy rồi đảnh lễ cáo lui, trở về trú xứ nói cho chư ni biết, các Bí-sô ni liền mang y đến trong rừng Thệ-đa đổi với các Bí-sô. Lúc đó chúng mười hai Bí-sô ni đem y quý giá này đến chỗ lục chúng muốn đổi lấy y thô, lục chúng nói: “Các cô cúng cho tôi, tôi còn chưa nhận huống chi là trao đổi”. Lại có Bí-sô ni mang y tốt này đến chỗ Bí-sô già muốn đổi lấy y thô, Bí-sô già nói: “Hãy đợi một chút chờ tôi bạch Phật”, nói rồi liền đến bạch Phật, Phật nói: “Ta cấm Bí-sô lấy y từ Bí-sô ni, trừ đổi chác”. Lúc đó Thế Tôn khen ngợi trì giới, thiểu dục tri túc rồi bảo các Bí-sô: “Trước là sáng chế nay là tùy khai, nên nói như sau: Nếu lại có Bí-sô ni thọ nhận y từ Bí-sô không phải là thân tộc phạm Ni-tát-kỳ-ba-dật-để-ca, trừ đổi chác”.

Nếu lại có Bí-sô ni là chỉ cho ni trong pháp luật này.

Trong học xứ này tướng phạm như thế nào?

Nếu Bí-sô ni đối với Bí-sô không phải là thân tộc, khởi tưởng không phải là thân tộc hoặc nghi mà nhận lấy y từ họ thì phạm tội Xảđọa.

Nếu Bí-sô ni đối với Bí-sô thuộc thân tộc, khởi tưởng không phải là thân tộc hoặc nghi thì phạm Ác-tác.

Không phạm là nếu Bí-sô ni đem y cúng cho Tăng, hoặc vì nghe thuyết pháp mà cúng hoặc vì thọ Viên cụ mà cúng hoặc thấy bị giặc cướp nên cúng, hoặc do mua mà có, hoặc do trao đổi mà được, tất cả đều không phạm.

Nếu Bí-sô quen biết nhiều người được cúng nhiều lợi dưỡng, đem y vật này đến chỗ Bí-sô ni để xuống đất nói rằng: “Này cô, những tài vật mà tôi có được này, xin cô hãy thọ nhận”, nói rồi để đó bỏ đi, Bí-sô ni nhận lấy cũng không phạm.

Học Xứ Thứ Sáu: XIN Y TỪ CƯ SĨ KHÔNG PHẢI BÀ CON

Duyên khởi ở thành Thất-la-phiệt giống như trong luật Bí-sô, do Bí-sô Ô-ba-Nan-đà xin y từ nhà trưởng giả, cho đến câu Phật chế học xứ này cho hai bộ đệ tử như sau:

Nếu lại có Bí-sô ni xin y từ cư sĩ hay vợ cư sĩ không phải bà con thì phạm Ni-tát-kỳ-ba-dật-để-ca.

Sau khi Thế tôn chế học xứ này rồi, có nhiều Bí-sô du hành trong nhân gian bị giặc cướp đoạt hết y phục, các Bí-sô này nói với nhau: “Phật chế giới không cho xin y từ cư sĩ không phải bà con, ở đây chúng ta không có bà con, phải trở về thành Thất-la-phiệt đến chỗ các vị đồng phạm hạnh xin y phục, nhưng hiện giờ chúng ta không có y phục làm sao đi được”… cho đến câu các Bí-sô đem việc này bạch Phật, Phật bảo các Bí-sô: Trừ thời khác là nếu Bí-sô bị đoạt y, bị mất y, bị cháy y, bị gió thổi bay, bị nước cuốn trôi. Trước kia là sáng chế, bây giờ là tù khai, học xứ này nên nói lại như sau:

Nếu lại có Bí-sô ni xin y từ cư sĩ hay vợ cư sĩ không phải bà con thì phạm Ni-tát-kỳ-ba-dật-để-ca, trừ thời khác là nếu Bí-sô ni bị cướp y, bị mất y, bị cháy y, bị gió thổi bay y, bị nước cuốn trôi y.

Nếu lại có Bí-sô ni là người trong pháp luật này.

Trong học xứ này tướng phạm như thế nào?

Sự việc Có ba loại: Giá y, sắc y và lượng y.

Về giá y: Nếu Bí-sô ni không gặp nạn duyên mà đến Cư sĩ không phải thân tộc xin giá y bằng một Ca-lợi-sa-ba-noa (trong giới Không cho mà lấy có giải thích) và được vào tay giá y bằng một Ca-lợi-sa-banoa thì khi xin phạm Ác-tác, khi được phạm Xả-đọa. Như vậy cho đến giá y bằng năm mươi Ca-lợi-sa-ba-noa, tùy xin tùy được kết tội nặng nhẹ chuẩn theo đó mà biết. Nếu Bí-sô ni đến Cư sĩ không phải thân tộc xin giá y bằng một Ca-lợi-sa-ba-noa, nhưng lại được giá y bằng hai Ca-lợi-sa-ba-noa thì khi xin phạm Ác-tác, khi được không phạm. Như vậy cho đến giá y bằng năm mươi Ca-lợi-sa-ba-noa, xin ít nhưng được nhiều, phạm và không phạm chuẩn theo đó mà biết.

Về sắc y: Nếu Bí-sô ni đến cư sĩ không phải thân tộc xin y màu xanh và được y màu xanh thì khi xin phạm Ác-tác, khi được phạm Xảđọa. Cho đến các màu khác như vàng đỏ trắng… y dày y mỏng… chuẩn theo đó mà biết. Nếu Bí-sô ni xin y màu xanh lại được y màu vàng thì khi xin phạm Ác-tác, khi được không phạm. Cho đến các màu sắc khác và dày mỏng hy vọng đối nhau cũng chuẩn theo đó mà biết.

Về lượng y: Nếu Bí-sô ni đến cư sĩ không phải thân tộc xin y bằng năm khuỷu tay và được y bằng năm khuỷu tay thì khi xin phạm Ác-tác, khi được phạm Xả-đọa. Cho đến xin y bằng năm mươi khuỷu tay hoặc xin y bằng năm khuỷu tay lại được y mười khuỷu tay cho đến năm mươi khuỷu tay chuẩn theo đó mà biết. Nếu xin chỉ tơ lại được một miếng nhỏ, xin một miếng nhỏ lại được y dài rộng đều không phạm. Không phạm nữa là người phạm ban đầu hoặc si cuồng tâm loạn bị thống não bức bách.

Học Xứ Thứ Bảy: XIN Y QUÁ LƯỢNG

Duyên khởi cũng giống như trong luật Bí-sô từ Bí-sô Ô-ba-Nanđà, lúc đó có nhiều Bí-sô bị giặc cướp đoạt y, Ô-ba-Nan-đà đến nói với các vị ấy rằng: “Tại sao mặc y phục cũ rách như thế mà không đến người khác xin, Thế tôn có cho phép nếu bị giặc cướp y thì khất cầu không phạm”, các Bí-sô này nói: “Chúng tôi không thể đến người khác xin y”, Ô-ba-Nan-đà nói: “Nếu không thể khất cầu thì tôi sẽ xin giúp cho các vị”, các Bí-sô này nói tùy ý. Ô-ba-Nan-đà dựa vào việc này đến các nhà Bà-la-môn, cư sĩ, trưởng giả thuýet pháp giáo hóa được rất nhiều y phục, cái tốt đem về cho mình, cái cũ xấu đem đưa cho các Bí-sô kia. Các Bí-sô biết được liền bạch Phật, Phật do duyên này nhóm họp các Bí-sô hỏi sự thật, quở trách rồi chế học xứ này cho hai bộ đệ tử như sau:

Nếu lại có Bí-sô ni bị đoạt y, bị mất y, bị cháy y, bị trôi mất y, bị gió thổi bay mất y, đến Cư sĩ vợ Cư sĩ không phải là thân tộc xin y. Cư sĩ cúng nhiều y, Bí-sô ni nếu cần chỉ nên thọ hai y thượng hạ, nếu thọ quá phạm Ni-tát-kỳ-ba-dật-để-ca.”

Nếu lại có Bí-sô ni là chỉ cho ni trong pháp luật này. Bị đoạt y… đã giải ở giới trên. Nên thọ hai y thượng hạ: Có hai loại y thượng hạ, một là y thượng hạ của Bí-sô ni, hai là y thượng hạ của thế tục. Y thượng hạ của Bí-sô ni là y mới làm Tăng-già-chi hai lớp thì bề đứng ba, bề ngang năm; nếu là Ni bà san thì bề đứng hai, bề ngang năm. Y thượng hạ của thế tục là y thượng bề dài 1hai khuỷu tay, bề rộng ba khuỷu tay; y hạ bề dài bảy khuỷu tay, bề rộng hai khuỷu tay. Nếu cần nên thọ là khởi tâm thọ nhận. Thọ quá là thọ nhận quá số lượng đã chế thì khi được y vào tay liền phạm Xả-đọa.

Trong học xứ này tướng phạm như thế nào?

Nếu Bí-sô ni đến người khác xin y thượng hạ của thế tục được như số lượng đã chế, nếu xin thêm nữa thì khi xin phạm Ác-tác, khi được phạm Xả-đọa. Nếu xin y thượng hạ của Bí-sô ni cũng giống như vậy. Nếu Bí-sô ni đến người khác xin y thượng hạ của thế tục, dù không đủ số lượng như đã chế cũng không nên xin thêm nữa, nếu có dư thì không cần phải trả lại cho chủ. Nếu Bí-sô ni đến người khác xin y thượng hạ của Bí-sô ni, nếu không đủ như số lượng đã chế thì có thể xin thêm, nếu có dư thì nên trả lại cho chủ. Nếu y của thế tục không đủ lại xin thêm hoặc y của Bí-sô dư không trả lại, kết tội nặng nhẹ chuẩn theo đây nên biết. Nếu có ý muốn xin quá số lượng đã chế thì khi xin phạm Ác-tác, khi được phạm Xả-đọa. Phạm Xả-đọa rồi lại nhận được y vật nữa, tất cả đều đồng phạm.

Học Xứ Thứ Tám: BIẾT NGƯỜI TỤC HỨA CÚNG Y LIỀN ĐẾN XIN

Duyên khởi giống như trong luật Bí-sô từ Bí-sô Ô-ba-Nan-đà do đứa tớ gái nói cho biết hai vợ chồng trưởng giả muốn cúng y cho mình liền đến xin… Phật do duyên này nhóm các Bí-sô hỏi sự thật, quở trách rồi chế học xứ này cho hai bộ đệ tử như sau:

Nếu lại có Bí-sô ni, có cư sĩ hay vợ cư sĩ không phải là thân tộc cùng để dành tiền định mua y thanh tịnh cúng cho Bí-sô ni ___ kịp thời mặc dùng. Bí-sô ni này trước không được thỉnh mà do người khác nói cho biết, liền đến nhà kia nói rằng: Lành thay hai vị để dành tiền mua vải cúng cho tôi, hãy mua loại vải thanh tịnh như thế như thế…, vì muốn tốt, nếu được vải thì phạm Ni-tát-kỳ-ba-dật-để-ca.”

Nếu lại có Bí-sô ni: Chỉ cho ni trong pháp luật này. Thân tộc và không phải thân tộc như đã giải ở giới trên. Giá y chỉ cho vàng bạc, bối xỉ… Biện là để dành tiền mua vải cúng. Y chỉ cho bảy loại y như trong giới trên có nói. Mua là khi mua từ người khác. Thanh tịnh là được như vậy mới thọ dụng. Cho là khi thí y. Bí-sô ___ chỉ cho Ô-ba-Nan-đà. Trước không thọ thỉnh là không nói cho biết trước. Nhờ người khác nói cho biết là được người khác tiết lộ rồi đến cầu xin vải tốt.

Trong học xứ này tướng phạm như thế nào?

Có ba việc là giá y, sắc y và lượng y.

Sao gọi là giá y? Nếu Bí-sô ni được y giá bằng năm Ca-lợi-sa-banoa từ người không phải là thân tộc, thọ thì không phạm. Nếu không thọ y này lại đòi y tốt hơn, giá cao hơn, khi đòi phạm Ác-tác, khi được phạm Xả-đọa. Như vậy cho đến năm mươi Ca-lợi-sa-ba-noa, tùy cầu xin tùy được, phạm nhẹ nặng chuẩn theo đây nên biết.

Sao gọi là sắc y? Nếu Bí-sô ni được y màu xanh, thọ thì không phạm; nếu không thọ lại đòi y màu đẹp hơn, khi đòi phạm Ác-tác, khi được phạm Xả-đọa. Sắc xanh đã như vậy, các sắc y khác chuẩn theo đây nên biết.

Sao gọi là lượng y? Nếu Bí-sô ni dược y năm khuỷu tay thọ thì không phạm; nếu không thọ lại đòi y đẹp hơn, rộng lớn hơn phạm tội giống như trên. Như vậy cho đến nhiều khuỷu tay hơn, phạm tội nặng nhẹ đều giống như trên. Không phạm là nếu xin chỉ sợi lại được một miếng nhỏ, xin một miếng nhỏ lại được tấm y lớn… đều không phạm. Không phạm nữa là người phạm ban đầu hoặc si cuồng tâm loạn bị thống não bức bách.

Học Xứ Thứ Chín: BIẾT NGƯỜI TỤC RIÊNG HỨA CHO Y LIỀN ĐẾN XIN

Duyên khởi cũng giống như giới trên của luật Bí-sô, chỉ khác ở chỗ là hai vợ chồng mỗi người riêng biệt để dành tiền mua y cúng, Ôba-Nan-đà bảo hai người họp chung tiền lại để mua một y thượng hảo… cho đến khiến Trưởng giả chịu phạt khổ sở nên các Bí-sô đem việc này bạch Phật. Phật do duyên này nhóm họp các Bí-sô… cho đến câu: “Chế học xứ này cho hai bộ đệ tử như sau:

Nếu lại có Bí-sô ni, có cư sĩ hay vợ cư sĩ không phải là thân tộc, mỗi người riêng biệt để dành tiền định mua y thanh tịnh như vậy như vậy… để cúng cho Bí-sô ni ___. Bí-sô ni này trước không thọ thỉnh, nhờ người khác nói cho biết liền đến nói với hai vợ chồng rằng: Lành thay hai vị hãy họp chung tiền lại để mua y thanh tịnh như vậy như vậy… kịp thời cúng cho tôi, vì muốn y tốt, nếu được y thì phạm Ni-tát-kỳ-ba-dậtđể-ca.”

Trong học xứ này tướng phạm có ba loại giống như giới trên.

Học Xứ Thứ Mười: QUÁ HẠN ĐÒI Y

Duyên khởi giống như trong luật Bí-sô do Bí-sô Ô-ba-Nan-đà đến nhà đại thần Hành vũ nói pháp về ba thứ phước nghiệp Hữu sự, khiến cho đại thần này khởi tâm Hoan-hỉ hứa cúng cho sáu mươi kim tiền sau khi Bí-sô Ô-ba-Nan-đà an cư xong… cho đến câu Phật chế học xứ này cho hai bộ đệ tử như sau:

Nếu lại có Bí-sô ni hoặc vua hay đại thần, Bà-la-môn, Cư sĩ sai sứ đem giá tiền y đưa cho Bí-sô ni nói rằng: “Thánh giả, số tiền này là của vua (Đại thần, Bà-la-môn, cư sĩ) sai tôi đem đến, Thánh giả hãy nhận lấy”. Bí-sô ni nói: “Nhơn giả, giá tiền y này tôi không được nhận, nếu được y thanh tịnh thuận thời tôi mới được nhận”. Sứ nói: “Thánh giả có người chấp sự không?”, đáp: “Có, tịnh nhơn của tăng hay Ô-ba-tư-ca ở chỗ đó là người chấp sự của Bí-sô ni. Sứ giả liền đến chỗ của người chấp sự trao giá tiền y rồi nói: “Cô hãy dùng giá tiền y này mua y thanh tịnh, thuận thời đưa cho Bí-sô ni ___ để vị ấy đắp mặc”. Dặn dò người chấp sự xong, sứ giả trở lại chỗ Bí-sô ni nói: “Tôi đã đưa giá tiền y cho người chấp sự mà cô đã chỉ, khi được y thanh tịnh thuận thời cô nên nhận”. Bí-sô ni khi cần y nên đến chỗ người chấp sự hai hoặc ba lần nói: “Tôi cần y” để nhắc, nếu được y thì tốt, nếu không được y thì bốn, năm, sáu lần đến đó đứng im lặng để nhắc, được y thì tốt, nếu không được y mà đến nhắc nữa, cố cầu cho được y thì phạm Ni-tát-kỳ-ba-dật-để-ca. Cuối cùng vẫn không được y thì Bí-sô ni nên đến chỗ người đã đưa giá tiền y hoặc nhờ người đáng tin đến nói rằng: “Ông sai người đưa giá tiền y đến cho Bí-sô ni ___ nhưng Bí-sô ni đó cuối cùng vẫn không được y, ông nên biết lấy lại, đừng để mất số tiền ấy. Đây là thời.

Bí-sô ni là chì cho ni trong pháp luật này.

Vua: Dù nam hay nữ nếu được quán đảnh đều gọi là vua.

Đại thần là người chấp hành chánh sự.

Bà-la-môn là quý chủng đa văn.

Cư sĩ là kẻ tại gia giàu có.

Sứ giả là nam, nữ hay huỳnh môn.

Giá tiền y chỉ cho vàng bạc hay tiền.

Thuận thời thanh tịnh là đúng lý mới được nhận.

Tịnh nhơn của Tăng là tịnh nhơn của đại chúng.

Ô-ba-tư-ca là người đã quy y Tam bảo, thọ trì năm học xứ.

Bí-sô ni được hai, ba lần nói là hai, ba lần nói ra lời để nhắc người chấp sự. Bốn, năm, sáulần tùy chỗ đứng im lặng: Nói tùy chỗ có bốn: Một là nhà xưởng như xưởng làm gốm…, hai là nhà ở, ba là đồng ruộng, bốn là cửa hiệu. Lại có sáu lần gạn hỏi, như người kia hỏi: “Cô đến có việc gì?”, đáp: “Vì việc ấy nên đến”. Người kia lại nói: “Lành thay mời ngồi”, đáp: “Tôi vì việc ấy nên đến”. Người kia lại nói: “Mời cô dùng cơm”, đáp: “Tôi vì việc ấy nên đến”. Người kia lại nói: “Mời cô ăn bánh”, đáp: “Tôi vì việc ấy nên đến”. Người kia lại nói: “Mời cô dùng nước”, đáp: “Tôi vì việc ấy nên đến”. Tùy một lần trong sáu lần hỏi đáp trên, Bí-sô ni nên nói ngay đến việc chính, không để cho họ đề cập đến việc khác thì không gọi là thiện hảo; ngược lại nếu Bí-sô ni nói từ từ để họ có thời gian nhớ lại mới gọi là thiện hảo; nếu được y thì tốt, nếu không được y mà quá sáu lần này đến đòi y cho được thì phạm Nitát-kỳ-ba-dật-để-ca.

Qua ba lần nói sáu lần im lặng mà vẫn không được y thì Bí-sô ni nên đến chỗ người cúng y, hoặc tự đến hoặc nhờ người đáng tin đến tức là đệ tử hay môn nhân nói cho người cúng y biết rõ mọi việc để họ lấy lại tiền y đừng để cho mất uổng. Đây cũng là cách thức trả lại cho chủ giá tiền y. Nếu Bí-sô nhờ người báo cho thí chủ biết rồi, người chấp sự mới đến nói với Bí-sô ni: “Thánh giả hãy nhận giá tiền y này”, Bí-sô ni nên nói với người chấp sự: “Tôi đã xả giá tiền y này rồi, ông nên đem trả lại cho chủ y”. Bí-sô ni nói như vậy là tốt, nếu lấy giá tiền y thì phạm Xả-đọa. Nếu người chấp sự nói: “Thánh giả hãy nhận giá y này, tôi sẽ đến nói với thí chủ cúng y để họ Hoan-hỉ”. Trường hợp này Bí-sô ni nhận giá y không phạm. Nếu Bí-sô không theo trình tự như vậy mà nhận lại y thì đều phạm Xả-đọa.

Trong học xứ này tướng phạm như thế nào?

Nếu người là thí chủ hoặc là sứ giả hoặc là chấp sự, như pháp nhận được y thì không phạm, không như pháp thì phạm Xả-đọa. Nếu người là thí chủ hoặc là sứ giả còn phi nhơn là chấp sự, như pháp nhận được y cũng không phạm, không như pháp thì phạm Ác-tác. Nếu người là thí chủ, phi nhơn là sứ giả, phi nhơn là chấp sự giống như trên phạm Ác-tác. Nếu người là thí chủ, phi nhơn là sứ giả, người là chấp sự cũng như trên phạm Xả-đọa.

Nếu phi nhơn là thí chủ hoặc là sứ giả hoặc là chấp sự giống như trên phạm Ác-tác. Nếu phi nhơn là thí chủ, hoặc là sứ gia, người là chấp sự giống như trên phạm Xả-đọa. Nếu phi nhơn là thí chủ, người là sứ giả, người là chấp sự giống như trên phạm Xả-đọa. Nếu phi nhơn là thí chủ, người là sứ giả, phi nhơn là chấp sự giống như trên phạm Ác-tác. Nếu Bí-sô ni xin giá tiền y từ phi nhơn thì phạm Ác-tác, nhận được y thì phạm Xả-đọa. Xin giá tiền y từ loài rồng thì phạm Ác-tác, nhận được y thì phạm Xả-đọa. Nếu Bí-sô ni gởi thư hay sai sứ đến xin giá tiền y thì phạm Ác-tác, nhận được y thì phạm Xả-đọa. Không phạm giống như trên.