CĂN BẢN THUYẾT NHẤT THIẾT HỮU BỘ BÍ SÔ NI TỲ NẠI DA

Hán dịch: Đời Đường Tam Tạng Pháp Sư Nghĩa Tịnh 
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

QUYỂN 6

Học Xứ Thứ Năm: TỰ NÓI KHÔNG LỖI

Duyên khởi và nơi chốn giống như giới trước, Thế tôn đã chế giới Bí-sô ni nào có tâm nhiễm ở nơi người nam không có tâm nhiễm thọ nhận vật gì thì phạm Tốt-thổ-la-để. Lúc đó Ni-thổ-la-nan-đà vẫn đi thọ nhận vật từ người nam, các ni khác hỏi thì cô nói là đi tìm cầu vật dụng về, các ni nói: “Cô há không biết Thế tôn đã chế học xứ ni có tâm nhiễm nơi người nam không có tâm nhiễm thọ vật dụng thì phạm tội Thô hay sao?, Thổ-la-Nan-đà hỏi: “Cô không có tâm nhiễm phải không?”, đáp là không có, Thổ-la-Nan-đà nói: “Tùy cô không có tâm nhiễm ở bên người nam có tâm nhiễm thọ nhận vật dụng thì tôi có lỗi gì”. Các ni đem việc này bạch các Bí-sô, các Bí-sô bạch Phật, Phật do việc này nhóm họp các Bí-sô ni hỏi sự thật, quở trách rồi chế học xứ như sau:

Nếu lại có Bí-sô ni nói với Bí-sô ni khác rằng: Tùy cô không có tâm nhiễm ở bên người nam có tâm nhiễm thọ nhận vật dụng thì tôi có lỗi gì, Bí-sô ni này phạm Tăng-già-phạt-thi-sa.

Giải thích từ ngữ và tướng phạm giống như giới trước.

Học Xứ Thứ Sáu: MỘT MÌNH ĐẾN NHÀ THẾ TỤC NGỦ ĐÊM

Phật ở thành Vương-xá, lúc đó Bí-sô ni Thiện-hữu đem việc không căn cứ vu báng cụ thọ Thật-lực-tử, đối trước các Bí-sô tự nói mình đã phạm giới nên phải hoàn tục, thời gian sau mắc bịnh khổ. Thiện-hữu có người em là Bí-sô ni Tri-hữu, lúc Thiện-hữu bịnh nặng sắp qua đời liền nhắn Tri-hữu đến để gặp mặt, Tri-hữu được tin liền đến chỗ Thiện-hữu, đêm đó Thiện-hữu qua đời, chồng của Thiện-hữu đi vắng đến đêm mới về, thấy vợ đã chết liền đấm ngực khóc than: “Con trai con gái của tôi ai sẽ nuôi dưỡng đây”, người thân trong nhà nói: “Dì Tri-hữu có thể thay thế”. Tri-hữu nghe rồi liền suy nghĩ: “Nếu ta trả lời có thể sẽ bị bức nhục”, nghĩ vậy nên đứng làm thinh, đến sáng hôm sau Tri-hữu định ra về thì người anh rễ nói: “Dì định đi đâu, dì hãy ở lại đây nuôi dưỡng các cháu, đã là thân tộc há không thương xót sao?”, nói rồi liền bước tới muốn nắm giữ Tri-hữu, Tri-hữu cao giọng quát: “Ông và con trai con gái của ông dù cùng một lúc đều chết hết cũng can gì đến tôi chứ”, nói xong liền bỏ ra về. Về đến chùa các ni hỏi: “Đêm qua cô ngủ ở đâu và ngủ với ai?”, đáp là ở nhà chị và ngủ một mình, các ni nói: “Nếu gặp phải kẻ xấu há không hoại hạnh thanh tịnh của cô hay sao?”, Tri-hữu nói: “Nếu tôi cùng nói chuyện, chắc chắn sẽ chuốc lấy họa ấy”. Các ni hỏi rõ nguyên do liền bạch với các Bí-sô, các Bí-sô bạch Phật, Phật do việc này nhóm họp các Bí-sô ni hỏi sự thật, quở trách rồi chế học xứ này như sau:

Nếu lại có Bí-sô ni một mình từ chùa đến chỗ khác ngủ đêm thì phạm Tăng-già-phạt-thi-sa.

Nếu lại có Bí-sô ni là chỉ cho ni Tri-hữu.

Giải thích từ ngữ và tướng phạm giống như giới trước.

Học Xứ Thứ Bảy: MỘT MÌNH ĐẾN NHÀ THẾ TỤC

Duyên khởi và nơi chốn giống như giới trước, lúc đó Ni-thổ-lanan-đà ban ngày một mình không có bạn đến nhà thế tục nói pháp cho trưởng giả nghe… Các ni khuyên không nên như thế e gặp nạn phạm hạnh, Thổ-la-Nan-đà nói: “Các cô không thấy nam tử bán hương đã bị tôi đạp ói máu hay sao?”, các ni nói: “Chưa chắc người nam khác lại khiếp nhược như nam tử bán hương”. Các ni đem việc này bạch các Bísô, các Bí-sô bạch Phật, Phật do việc này nhóm họp các Bí-sô ni hỏi sự thật, quở trách rồi chế học xứ như sau:

Nếu lại có Bí-sô ni vào ban ngày một mình đến nhà thế tục thì phạm Tăng-già-phạt-thi-sa.

Nếu lại có Bí-sô ni là chỉ cho Thổ-la-Nan-đà hoặc có ni khác giống như vậy. Đến nhà thế tục một mình không có bạn đến khi mặt trời lặn thì phạm tội Chúng giáo, nếu cùng Cầu-tịch nữ đi thì phạm Tốt-thổla-để, cùng Chánh học nữ đi thì phạm Ác-tác.

Học Xứ Thứ Tám: ĐI ĐƯỜNG MỘT MÌNH

Duyên khởi và nơi chốn giống nhu giới trước, lúc đó có đoàn thương buôn đi đến thành Vương-xá, Ni-thổ-la-nan-đà một mình đi theo sau, họ đi đến sáu thành khác ni vẫn một mình đi theo sau. Thời gian sau trở về lại trú xứ, các ni xoa bóp để giải tỏa nhọc mệt, cho cô nghỉ ngơi rồi hỏi đã đi đâu, Thổ-la-Nan-đà nói: “Tôi một mình đi qua sáu thành”, các ni nói: “Một mình đi du lịch mà không có bạn, nếu gặp người xấu lăng bức há không phải là nạn lớn cho tịnh hạnh hay sao?”, Thổ-la-Nan-đà nói: “Các cô không thấy nam tử bán hương muốn đến bức tôi đã bị tôi đá ói máu hay sao, còn ai dám đến xâm phạm tôi”, các ni nói: “Chưa chắc người nam khác lại khiếp nhược như nam tử bán hương”. Các ni đem việc này bạch các Bí-sô, các Bí-sô bạch Phật, Phật do việc này nhóm họp các Bí-sô ni hỏi sự thật, quở trách rồi chế học xứ như sau:

Nếu lại có Bí-sô ni đi đường một mình thì phạm Tăng-già-phạtthi-sa.

Nếu lại có Bí-sô ni là chỉ cho Thổ-la-Nan-đà hoặc có ni khác giống như thế. Đi một mình không có bạn thì phạm tội Chúng giáo, cùng Cầu-tịch nữ đi thì phạm tội Thô, cùng Chánh học nữ đi thì phạm Ác-tác.

Học Xứ Thứ Chín: MỘT MÌNH QUA SÔNG

Duyên khởi và nơi chốn giống như giới trước, lúc đó các Bí-sô ni du hành trong nhân gian đến sông A-thị-la-phạt-để, thuyền đò ở bờ bên kia, Bí-sô ni Ca-lợi-ca nói với các ni: “Tôi lội qua bờ bên kia để kêu thuyền đò qua”, nói rồi liền nhảy xuống nước bơi qua nhưng bơi đến giữa dòng sông thì đuối sức. Các ni đứng bên bờ này nói: “Ca-lợi-ca chớ sợ, phải gắng sức”, Ca-lợi-ca nói: “Tôi nay kiệt sức sắp chết, làm sao đến bờ kia được”. Sau đó các ni đem việc này bạch các Bí-sô, các Bísô bạch Phật, Phật do việc này nhóm họp các Bí-sô ni hỏi sự thật, quở trách rồi chế học xứ như sau:

Nếu lại có Bí-sô ni một mình lội qua sông thì phạm Tăng-giàphạt-thi-sa.

Nếu lại có Bí-sô ni là chỉ cho Ca-lợi-ca hoặc có ni khác giống như vậy. Một mình lội qua sông không có bạn thì phạm tội Chúng giáo, nếu cùng Cầu-tịch nữ lội qua sông thì phạm Tốt-thổ-la-để, cùng Chánh học nữ lội qua sông thì phạm Ác-tác.

Học Xứ Thứ Mười: ĐỘ PHỤ NỮ CỦA NGƯỜI KHÁC

Duyên khởi và nơi chốn giống như giới trước, lúc đó vua Thắngquang có một đại tướng quân tên là Năng chấp kiếm thường đi chinh phạt, người vợ ở nhà bị dục tình bức bách nên cùng người ngoài tư thông. Tướng quân trở về nghe biết việc này liền đánh bằng roi để trị phạt, nhưng người vợ vẫn chứng nào tật nấy. Tướng quân suy nghĩ: “Ta vì quốc vương đi chinh phạt hàng phục các thôn ấp khác khiến họ quy thuận vua, tại sao vợ ta, ta lại không thể nghiêm trị được”, nghĩ rồi liền đến tâu vua: “Đại vương nên lập chế cho người nữ, nếu không tu sửa đức hạnh của mình, làm ô nhiễm phóng hóa thì phạm hiến pháp mắc tội rất nặng”, vua chấp nhận cho là việc làm tốt. Không ngờ thời gian sau người phụ nữ của tướng quân lại vi phạm luật này nên bị chồng bỏ và bị hình pháp nghiêm trị, người nữ này cầu xin pháp quan: “Tôi mới phạm một lần cầu xin tha thứ”, nhưng pháp quan không chịu tha, người nữ này lại cầu xin được sống bảy năm, pháp quan cũng không chịu, người nữ lại cầu xin được sống sáu năm, năm năm… cứ như thế cho đến cầu xin được sống bảy ngày thì pháp quan chấp thuận cho sống thêm bảy ngày. Người nữ liền suy nghĩ: “Ta chỉ còn sống có bảy ngày nữa, ta nên tu phước nghiệp”, lúc đó Ni-thổ-la-nan-đà vào thành khất thực đến nhà của người nữ này, thấy cô ta đang khóc liền hỏi nguyên do, người nữ liền kể lại mọi việc, Ni-thổ-la-nan-đà nghe rồi liền nói: “Sao cô không bỏ tục xuất gia?”, người nữ nói: “Ai sẽ dẫn dắt tôi?”, Thổ-la-Nan-đà nói: “Tôi sẽ cho cô xuất gia”, người nữ liền đảnh lễ bạch rằng: “Nếu được như thế là Thánh giả đã ban cho con mạng sống”. Thổ-la-Nan-đà liền độ cho người nữ xuất gia, tướng quân Năng chấp kiếm nghe tin người vợ xấu xa kia đã xuất gia liền nói: “Nàng ta há có thể vào được thành Vô úy chăng, đợi đủ bảy ngày ta sẽ giết chết”. Lúc đó Thổ-laNan-đà nghe được lời này liền dẫn người nữ kia đến chỗ chúng mười hai ni cầu giúp đỡ, nói rằng: “Người nữ này là phụ nữ của quan nhơn tên ___ đã quy y Phật pháp rồi, nay xin nương về với các vị”, chúng mười hai ni nói: “Đây là việc thiện, chúng tôi sẽ thu nhận, nếu có ai đến hỏi, tôi sẽ tự giải thích”, kế dẫn người nữ đến chỗ Đại-thế-chủ bạch rằng: “Thánh giả, người nữ này là phụ nữ của quan nhơn tên ___ đã quy y Tam bảo, nay đến quy y Đại-thế-chủ”, Đại-thế-chủ hỏi rõ thân thế rồi nói: “Người không có đức hạnh này không thể độ được”. Thổ-la-Nanđà lại dẫn người nữ này đến chỗ phu nhơn Thắng man nói giống như trên, phu nhơn cũng hỏi rõ thân thế rồi nói: “Người nữ không có đức hạnh này tại sao lại vội độ cho xuất gia, đây là việc làm phi pháp, tôi sẽ tâu vua biết”, nói rồi liền đem việc này tâu vua, vua nghe rồi nói rằng: “Đây là việc làm phi pháp, thật khó quyết đoán, nếu y theo pháp luật nghiêm trị thì tổn thương đến Phật giáo, ta sẽ chịu ảnh hưởng xấu; nếu ta phóng thích thì làm tổn đến hình pháp. Tới lui hai đường đều khó xử đoán”. Nhà vua liền sai sứ giả đến báo mọi việc cho tướng quân Năng chấp kiếm biết, tướng quân nói với sứ giả: “Nghiêm lịnh đã lập ra, mọi người đều biết, làm sao có thể đối với người nữ này mà trái luật chứ?”, nhà vua nói: “Hãy nên phóng xả cho người này”, tướng quân nghe rồi liền chê trách các ni: “Tại sao lại độ cho người nữ phạm pháp này xuất gia chứ?”. Các ni đem việc này bạch các Bí-sô, các Bí-sô bạch Phật, Phật do việc này nhóm họp các Bí-sô ni hỏi sự thật, quở trách rồi chế học xứ như sau:

Nếu lại có Bí-sô ni biết phụ nữ của người đã làm việc phi pháp, mọi người đều chê trách, bị chồng từ bỏ, đã tâu cho vua biết mà độ cho người nữ ấy xuất gia thì Bí-sô ni này phạm Tăng-già-phạt-thi-sa.

Nếu lại có Bí-sô ni là chỉ cho Thổ-la-Nan-đà hoặc có ni khác giống như vậy. Nói rộng ra thì không nên độ cho người nữ như thế xuất gia, nếu độ thì phạm tội Chúng giáo.

Học Xứ Thứ Mười Một: ĐÒI NỢ CỦA NGƯỜI ĐÃ CHẾT

Duyên khởi và nơi chốn giống như giới trước, trong thành này có một trưởng giả rất giàu có, bỗng lâm trọng bịnh không thể chữa khỏi, trưởng giả biết mình không sống được bao lâu nữa nên tu phước thí, cúng dường các Sa môn, Bà-la-môn và cấp thí cho những người nghèo khó cô quả. Lúc đó Ni-thổ-la-nan-đà khất thực đến trước nhà trưởng giả, chúc cho trưởng giả không bịnh an ổn, trưởng giả nói: “Thánh giả, tôi bịnh nặng không hy vọng sống lâu nên tôi đã đem hết của cải hành phước thí”, Thổ-la-Nan-đà nói: “Hiền thủ, tôi rất tùy hỉ vì đây là việc nên làm, đối với chư ni chúng tôi về lợi dưỡng rất thiếu thốn, nếu theo thứ lớp thí xả thì trưởng giả huệ thí cho chúng tôi bao nhiêu?”, trưởng giả nói: “Của cải đã có tôi đều thí xả hết rồi, sao Thánh giả không đến sớm hơn?”, Thổ-la-Nan-đà nói: “Nói vậy thì tôi từ nhà này đi ra với hai tay không rồi, trưởng giả không còn gì để cho sao?”, trưởng giả nói: “Thật sự không còn gì, chỉ còn một tờ giấy nợ nếu cần Thánh giả cứ lấy”, Thổ-la-Nan-đà nói: “Nếu cho thì tôi lấy”, liền nói kệ:

“Do nhờ phước thí này,
Tâm được diệu trang nghiêm,
Thường được các của cải,
Đạt đến vô thượng lạc”.

Trưởng giả nói: “Thánh giả, người mắc nợ này nhà nghèo không thể trả hết một lần, nếu họ trả được bao nhiêu thì cứ tùy ý lấy, chớ xúc não họ”, Thổ-la-Nan-đà nói: “Hiền thủ, tôi là người xuất gia há không đắn đo suy nghĩ lại xúc não người khác hay sao?”. Không bao lâu sao trưởng giả qua đời, Thổ-la-Nan-đà hay tin này rồi liền đến lôi kéo người mắc nợ ra đến ngã tư đường để đòi nợ. Các trưởng giả, Bà-la-môn trông thấy đều chê trách: “Tại sao Bí-sô ni lại đi đòi nợ của người đã chết đến nỗi lôi kéo người mắc nợ như vậy?”. Các ni đem việc này bạch các Bí-sô, các Bí-sô bạch Phật, Phật do việc này nhóm họp các Bí-sô ni hỏi sự thật, quở trách rồi chế học xứ như sau:

Nếu lại có Bí-sô ni dựa vào tờ giấy nợ của người đã chết mà đi đòi nợ cho mình thì Bí-sô ni này phạm Tăng-già-phạt-thi-sa.

Nếu lại có Bí-sô ni là chỉ cho Thổ-la-Nan-đà hoặc có ni khác giống như vậy. Nếu Bí-sô ni cầm tờ giấy nợ đi đòi để tìm cầu của cải về cho mình thì phạm tội Chúng giáo. Không phạm là nếu vì tăng già thì nên dùng lý để đòi lại.

Học Xứ Thứ Mười Hai: VỘI TÁC PHÁP GIẢI CỬ

Duyên khởi và nơi chốn giống như giới trước, lúc đó có Bí-sô ni Loạn ý tánh hay sân giận, thường dùng những lời thô sẳn mắng chửi các ni khác nên tất cả chúng ni đều hiềm trách khinh tiện. Nhân lúc loạn ý ra ngoài khất thực, các ni tụ lại nói xấu về cô, con gái của ni Loạn ý là ni Tịch tĩnh nghe thấy mọi người nói xấu mẹ mình nên đợi Loạn ý khất thực về liền đi nói lại. Loạn ý nghe rồi liền nổi giận nói ra những lời thô mắng chửi ni chúng. Các ni gạn hỏi mới biết chính ni Tịch tĩnh đã đến chỗ người mẹ nói những lời đấu loạn nên các ni liền tác pháp yết ma Xả trí cho ni Tịch tĩnh. Tịch tĩnh đến chỗ Loạn ý khóc nói rằng: “Con đã bị các ni tác pháp Xả trí”, Loạn ý nghe rồi liền nổi cơn phẫn nộ gấp bội nói: “Mong sao họ tác pháp Xả trí cho tất cả quốc dân”, nói rồi liền dẫn Tịch tĩnh ra ngoài giới tác pháp giải yết ma. Các ni nói với Loạn ý: “Các ni đã tác pháp xả trí cho Tịch tĩnh, tại sao cô lại dẫn ra ngoài giới tác pháp giải?”, Loạn ý nói: “Các ni cưỡng ép tác pháp, tôi giải thì có lỗi gì?”, các ni hỏi: “Cô cùng ai tác pháp và tác pháp ở đâu?”, đáp: “Tôi cùng người khác ra ngoài giới tác pháp giải”, các ni nói: “Há tác pháp giải như thế là hợp lý hay sao?”, đáp: “Hợp hay không thì tôi cũng đã làm rồi, can gì đến các cô”. Các ni đem việc này bạch các Bí-sô, các Bí-sô bạch Phật, Phật do việc này nhóm họp các Bí-sô ni hỏi sự thật, quở trách rồi chế học xứ như sau:

Nếu lại có Bí-sô ni đã biết Bí-sô ni bị ni chúng tác pháp yết ma Xả trí liền dẫn ra ngoài giới tác pháp giải thì Bí-sô ni này phạm Tănggià-phạt-thi-sa.

Nếu lại có Bí-sô ni là chỉ cho ni Loạn ý hoặc có ni khác giống như vậy. Biết Bí-sô ni là chỉ cho ni Tịch tĩnh. Ni chúng là người trong pháp luật này. Nếu dẫn ra ngoài giới tác pháp giải yết ma thì phạm tội Chúng giáo, vừa làm liền phạm.

Học Xứ Thứ Mười Ba: KHÔNG BỎ ÁC KIẾN

Tại thành Thất-la-phiệt có một Bí-sô ni tên là Hắc-sắc trước kia là ngoại đạo, mỗi lần tranh cải lăng xăng với các ni thường nói rằng: “Tôi bỏ Phật, Pháp, Tăng. Chẳng phải chỉ có Sa môn Thích nữ mới trì giới có đức hạnh, trong lòng chất trực, phạm hạnh thuần thiện mà các nơi khác cũng có những người thiện như vậy; tôi sẽ đến nơi đó tu phạm hạnh”. Các ni đem việc này bạch các Bí-sô, các Bí-sô bạch Phật, Phật bảo các Bí-sô ni: “Hãy ở chỗ khuất can riêng Bí-sô ni này, nếu có ni khác giống như vậy cũng nên tác pháp can như sau: Này ni Hắc-sắc, mỗi khi tranh cải cô chớ nói rằng: Tôi bỏ Phật, Pháp, Tăng. Chẳng phải chỉ có Sa môn Thích nữ mới trì giới có đức hạnh, trong lòng chất trực, phạm hạnh thuần thiện mà các nơi khác cũng có những người thiện như vậy; tôi sẽ đến nơi đó tu phạm hạnh. Nay cô hãy bỏ ác kiến này đi.”

Các ni vâng lời Phật ở chỗ khuất can riêng nhưng ni Hắc-sắc cô chấp không chịu bỏ còn nói rằng: “Những lời này là chơn thất, ngoài ra đều là hư vọng”. Các ni lại bạch các Bí-sô, các Bí-sô bạch Phật, Phật bảo các Bí-sô ni: “Hãy Bạch-tứ-yết-ma chánh can ni Hắc-sắc như sau: đánh kiền chùy nhóm họp ni chúng, một ni tác bạch yết ma như sau:

Đại đức ni tăng lắng nghe, Bí-sô ni Hắc-sắc này tự khởi ác kiến mỗi khi tranh cải thường nói rằng: Tôi bỏ Phật, Pháp, Tăng. Chẳng phải chỉ có Sa môn Thích nữ mới trì giới có đức hạnh, trong lòng chất trực, phạm hạnh thuần thiện mà các nơi khác cũng có những người thiện như vậy; tôi sẽ đến nơi đó tu phạm hạnh. Các ni đã ở chỗ khuất can riêng nhưng cô vẫn cố chấp không chịu bỏ ác kiến này, còn nói: Những lời này là chơn thật, ngoài ra đều là hư vọng. Nếu Bí-sô ni tăng già đúng thời đến nghe thì Bí-sô ni tăng già chấp thuận, nay Bí-sô ni tăng giàtác pháp yết ma Không bỏ ác kiến cho ni Hắc-sắc. Bạch như vậy. Kế tác yết ma:

Đại đức ni tăng lắng nghe, Bí-sô ni Hắc-sắc này tự khởi ác kiến mỗi khi tranh cải thường nói rằng: Tôi bỏ Phật, Pháp, Tăng. Chẳng phải chỉ có Sa môn Thích nữ mới trì giới có đức hạnh, trong lòng chất trực, phạm hạnh thuần thiện mà các nơi khác cũng có những người thiện như vậy; tôi sẽ đến nơi đó tu phạm hạnh. Các ni đã ở chỗ khuất can riêng nhưng cô vẫn cố chấp không chịu bỏ, còn nói rằng: Những lời này là chơn thật, ngoài ra đều là hư vọng. Nay Bí-sô ni tăng già tác pháp yết ma Không bỏ ác kiến cho ni Hắc-sắc, vị nào chấp thuận thì yên lặng, ai không chấp thuận thì nói. Đây là yết ma lần thứ nhất, lần thứ hai, lần thứ ba cũng nói như vậy. Bí-sô ni tăng già đã chấp thuận tác pháp yết ma Không bỏ ác kiến cho ni Hắc-sắc rồi vì im lặng. Tôi nay xin nhớ giữ như thế.

Các ni vâng lời Phật dạy tác pháp yết ma chánh can nhưng Bí-sô ni vẫn cô chấp không chịu bỏ, các ni đem việc này bạch các Bí-sô, các Bí-sô bạch Phật, Phật do việc này nhóm họp các Bí-sô ni hỏi sự thật, quở trách rồi chế học xứ như sau:

Nếu lại có Bí-sô ni mỗi khi tranh cải lăng xăng với các ni khác thường nói rằng: Tôi bỏ Phật, Pháp, Tăng. Chẳng phải chỉ có Sa môn Thích nữ mới trì giới có đức hạnh, trong lòng chất trực, phạm hạnh thuần thiện mà các nơi khác cũng có những người thiện như vậy; tôi sẽ đến nơi đó tu phạm hạnh. Các Bí-sô ni nên can riêng khuyên bỏ ác kiến này đi, chịu bỏ thì tốt, nếu không chịu bỏ thì nên tác pháp Bạch-tứ-yếtma chánh can khiến bỏ việc này, chịu bỏ thì tốt, nếu không chịu bỏ thì Bí-sô ni này phạm Tăng-già-phạt-thi-sa.

Nếu lại có Bí-sô ni là chỉ cho Hắc-sắc hoặc có ni khác giống như vậy.

Trong học xứ này tướng phạm như thế nào?

Khi các Bí-sô ni can riêng khuyên bỏ ác kiến này mà Bí-sô ni không chịu bỏ thì phạm Ác-tác; khi Bạch-tứ-yết-ma chánh can, tác bạch xong mà chịu bỏ thì tốt, nếu không chịu bỏ thì phạm tội Thô; yết ma lần đầu xong chịu bỏ thì tốt, nếu không chịu bỏ thì cũng phạm tội Thô; yết ma lần thứ hai cũng vậy, đến yết ma lần ba xong mà không bỏ thì phạm Tăng-già-phạt-thi-sa. Nếu tác yết ma phi pháp mà chúng hòa hợp, hoặc tác yết ma như pháp mà chúng không hòa hợp. Hoặc tác pháp tương tợ mà chúng hòa hợp, hoặc tác pháp tương tợ mà chúng không hòa hợp; hoặc tác yết ma không như pháp, như luật như lời Phật dạy mà bỉnh pháp yết ma thì tác pháp không thành, Bí-sô ni kia không phạm.

Nếu Bí-sô ni kia đang ở trên chỗ ngồi bạch với đại chúng rằng: “Các đại đức ni, tôi Bí-sô ni tên ___ phạm Tăng-già-phạt-thi-sa”, nói như vậy thì tốt, nếu không nói thì cho đến khi nào chưa như pháp sám hối tội đã phạm, nếu cùng các Bí-sô ni khác-tác bạch yết ma cho đến Bạch-tứ-yết-ma thì mỗi mỗi phạm Ác-tác.