CĂN BẢN THUYẾT NHẤT THIẾT HỮU BỘ BÍ SÔ NI TỲ NẠI DA

Hán dịch: Đời Đường Tam Tạng Pháp Sư Nghĩa Tịnh 
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

QUYỂN 1

TỰA TỲ NẠI DA

Kính lạy đấng Đại bi
Thương xót khắp tất cả
Khuôn mặt Phật đầy đặn
Mắt trong như sen xanh
Phật sanh nhà điều phục
Chúng đệ tử điều phục
Điều phục trừ các lỗi
Kính lạy Pháp trung tôn
Phật nói ba tạng giáo
Tỳ-nại-da đứng đầu
Con ở trong giáo này
Xin lược bày khen tụng
Như cây, rễ là trọng
Cành nhánh từ đây sanh
Phật nói Luật là gốc
Sanh ra các pháp lành
Ví như bờ đê lớn
Nước lũ không tràn qua
Giới pháp cũng như vậy
Chế ngăn sự hủy giới
Chư Phật chứng Bồ đề
Độc giác thân tâm tịnh
Cho đến A-la-hán
Đều nhờ Luật hạnh thành
Ba đời các Hiền Thánh
Xa lìa phược Hữu vi
Đều lấy luật làm gốc
Đến được chỗ an ổn
Giáo pháp điều phục này
An trụ nơi thế gian
Tức là Như lai trụ
Tạng chánh pháp không diệt
Giới an lập chánh pháp
Đèn chánh pháp Như lai
Lìa giới thì không còn
Đường Niết-bàn an ổn
Phật du hóa thế gian
Tùy nơi nói kinh pháp
Luật giáo không như vậy
Nên biết khó được gặp
Như đất chở muôn loài
Nuôi lớn các cây cỏ
Luật giáo cũng như vậy
Hay sanh các phước trí
Phật nói nhờ Luật giáo
Các công đức phát sanh
Phụng trì được giải thoát
Hủy phá sanh cõi ác
Voi ngực không thuần phục
Chế ngự bằng roi móc
Luật giáo cũng như vậy
Không thuần khiến thuần phục
Như thành có hào ao
Ngăn được các oán địch
Luật giáo cũng như vậy
Đề phòng được phá giới
Ví như nước biển cả
Trôi giạt được thây chết
Luật giáo cũng như vậy
Tẩn xuất kẻ phá giới
Luật là vua trong pháp
Dẫn đầu của chư Phật
Bí-sô ví thương buôn
Giới là ngọc vô giá
Phá giới như độc rắn
Luật như thuốc trị độc
Ý mạnh mẽ khó điều
Lấy luật làm hàm thiếc
Luật ở nơi đường lành
Thường làm cầu phương tiện
Ở nơi biển ác thú
Luật cũng làm thuyền bè
Nếu đi nơi đường hiểm
Giới là người dẫn đường
Nếu lên thành vô úy
Giới là cầu thang vững
Đại sư bậc tối thắng
Đích thân nói luật giáo
Cả hai không sai biệt
Đều nên quy kính lễ
Phật và Thánh đệ tử
Đều trụ trong luật giáo
Nơi giới sanh cung kính
Vì thế con kính lễ
Con nương Luật tán thán
Lời này nên tôn trọng
Vừa cúi đầu quy y
Việc lành đã thành tựu
Biển cả Tỳ-nại-da
Bờ mênh mông khó biết
Tướng sai biệt vô cùng
Con sao tường tận hết
Biển Luật giáo của Phật
Thâm diệu thật khó lường
Con nay theo sức mình
Khen ngợi chỉ ít phần
Khi Thế Tôn Niết-bàn
Bảo khắp cả đại chúng
“Sau khi Ta diệt độ
Đều nên tôn kính giới”
Cho nên con tán tụng
Sắp nói Tỳ-nại-da
Các vị nên chí tâm
Khéo nghe giáo điều phục.
Biệt giải thoát kinh khó được nghe
Trải qua vô lượng trăm ngàn kiếp
Đọc tụng thọ trì cũng như vậy
Bậc như thuyết hành trì khó gặp
Phật thị hiện ở đời là vui
Diễn nói pháp vi diệu là vui
Tăng nhất tâm đồng kiến là vui
Hòa hợp cùng tu tiến là vui
Gặp Thánh nhơn hiện hữu là vui
Được cùng ở chúng cũng là vui
Nếu không gặp những người ngu si
Đó mới gọi là thường thọ lạc
Gặp người trì giới đủ là vui
Nếu gặp Đa văn cũng là vui
Gặp A-la-hán chân thật vui
Vì đời sau không còn tái sanh
Nơi bến bờ sông – thềm diệu lạc
Dùng pháp hàng địch – chiến thắng vui
Khi chứng đắc sanh chánh huệ quả
Tận trừ được ngã mạn là vui
Nếu có thể làm quyết định ý
Khéo điều căn – dục đủ đa văn
Từ trẻ đến già ở trong rừng
Lan nhã nhàn cư, tịch tĩnh vui.
Chắp hai tay cung kính
Kính lạy Phật Thích Ca
Biệt giải thoát điều phục
Tôi nói các vị nghe
Nghe rồi phải chánh hành
Như lời Như Lai dạy
Ở trong các tội nhỏ
Dõng mãnh siêng phòng hộ
Tâm như ngựa khó kìm
Liên tục quyết chí trừ
Hàm thiết Biệt giải thoát
Có trăm kim cực bén
Nếu người nào trái pháp
Nghe dạy phải dừng ngay
Đại sĩ như ngựa giỏi
Xông ra trận phiền não
Người thiếu hàm thiếc này
Chưa từng có hỉ lạc
Chết trong trận phiền não
Mê chuyển trong sanh tử.

I. TÁM PHÁP BA LA THỊ CA

Tổng Nhiếp Tụng:

Bất tịnh, không cho mà lấy,
Giết người, nói chứng thượng pháp,
Xúc, tám việc, giấu, tùy thuận,
Đều là không cùng ở chung.

Học Xứ Thứ Nhất: HẠNH BẤT TỊNH

Khi Bồ tát còn ở trên cung trời Đổ-sử, trước khi hạ sanh quán năm việc ở thế gian: Một là dòng tổ xa, hai là thời tiết, ba là đất nước, bốn là tộc họ gần, năm là dòng họ mẹ. Lúc đó phu nhân Ma-da nằm mộng thấy con voi trắng sáu ngà giáng hạ vào bụng, cùng lúc đó đại địa chấn động sáu cách và ánh sáng chiếu soi khắp thế gian. Những chỗ tối tăm trong thế giới, nơi mà mặt trời, mặt trăng không thể chiếu đến; các hữu tình ở trong đó bị bóng tối che phủ nên từ khi sanh ra cho đến khi chết ngay cả thân mình cũng không thấy được, huống chi là thấy loài khác; khi họ gặp ánh sáng này đều khởi tưởng kỳ lạ, nói với nhau: “Tại sao ở đây lại có chúng sanh?”. Cho đến khi Bồ tát hạ sanh, đại địa cũng chấn động sáu cách và ánh sáng cũng chiếu soi khắp thế gian như trước không khác. Lúc đó trong ba ngàn Đại thiên giới những loài hữu duyên thấy ánh sáng này đều rất vui mừng khởi tưởng hy hữu.

Cùng lúc đó có bốn vị đại quốc vương đều có Thái-tử ra đời:

Một là đại vương Phạm-thọ ở thành Thất-la-phiệt, khi Thái-tử mới sanh có ánh sáng lớn chiếu soi, vua liền suy nghĩ: “Do oai lực phước đức của Thánh tử ta mới có ánh sáng lớn chiếu khắp thế giới, ta nên đặt tên cho con ta là Thắng-quang”.

Hai là đại vương Đại-liên-hoa ở thành Vương-xá, khi Thái-tử mới sanh cũng có ánh sáng chiếu soi, vua liền suy nghĩ: “Phước lực của con ta thật là hy hữu, khi mới sanh đã có ánh sáng chiếu khắp như ánh sáng mặt trời. Người mẹ tên là Ảnh, ta nên đặt tên con là Ảnh-thắng”.

Ba là đại vương Bách-quân ở nước Kiều-thiểm-tỳ, khi Thái-tử mới sanh cũng thấy ánh sáng nên vua suy nghĩ: “Do phước lực của con ta nên có ánh sáng chiếu soi như mặt trời mới mọc chiếu soi khắp thế gian, ta nên đặt tên con là Xuất-quang”.

Bốn là Đại luân vương ở nước Ốt-thệ-ni, khi Thái-tử mới sanh cũng thấy có ánh sáng, vua liền nghĩ: “Khi con ta sanh có ánh sáng thù thắng, như ngọn đèn sáng chiếu phá tối tăm, ta nên đặt tên con là Đăng-quang”.

Bốn đại vương kia đều sanh niệm vui mừng cho sự thần kỳ này là do phước lực của con mình, không ngờ đó chính là do căn lực từ thiện rộng lớn và phước đức huân tu không thể nghĩ bàn của Bồ tát từ nhiều đời nhiều kiếp. Cùng lúc đó trong dòng họ Thích ca cũng có năm trăm đồng tử ra đời, Nan-đà là người sanh ra đầu tiên. Bên nữ có Da-du-đàla, Lộc-mẫu và Cù-tỳ là ba đồng nữ được sanh ra trước, kế tiếp là sáu vạn đồng nữ cũng chào đời. Lại có năm trăm đồng nam của dòng đầy tớ được sanh, Xiển đà là người sanh ra đầu tiên; lại có năm trăm đồng nữ của dòng thị nữ cũng được sanh ra trong cùng một ngày. Lại có năm trăm voi mẹ, năm trăm ngựa mẹ đều sanh con, ngựa Kiền thác được sanh ra đầu tiên. Lúc đó có năm trăm phục tàng trong đại địa bỗng tự hiện, biên cương của các nước nơi nào không thần phục thảy đều thần phục.

Ngày Bồ tát đản sanh, Thích Phạm thiên vương cùng các thiên chúng đi nhiễu trăm ngàn vòng, cung kính tôn trọng thừa sự Bồ tát. Lúc đó ở Vương đô cho đến thành ấp xóm làng các trưởng giả, Bà-la-môn… đều tập trung lại chiêm ngưỡng, cung kính thừa sự Bồ tát; vua Tịnhphạn suy nghĩ: “Do phước đức đời trước của ta chiêu cảm nên nay có Thánh tử sanh vào nhà ta, có thể thành tựu mọi thắng sự, ta nên đặt tên con là Nhất thiết sự thành”.

Lúc đó ở nước Ma-kiệt-đà có một thành lớn tên là Ni-câu-luật, dân chúng an cư lạc nghiệp, trong thành có một Bà-la-môn cũng tên là Ni-câu-luật giàu có, vàng bạc châu báu kho lẫm đầy ắp và có thế lực lớn như Tỳ sa môn thiên vương. Ông có mười tám tụ lạc lớn dùng làm phong lộc và có mười sáu ấp lớn dùng làm bộc sử, vàng ròng có đến mười sáu ức. Vua nước Ma-kiệt-đà là Đại-liên-hoa có một ngàn Cụ lê và số lượng Bà-la-môn cũng bằng như vậy. Trưởng giả Ni-câu-luật nhờ phước lành đời trước cảm quả thành thục nên trồng hạt lúa mạch thì thành hạt kim mạch, mỗi khi thu hoạch có hơn hai trăm thạch. Trưởng giả sợ xảy ra đều không hay nên mỗi buổi sáng đến hầu vua chỉ dùng một cốc kim mạch hiến thọ, cầu chúc cho vua phước thọ vô cùng. Trưởng giả cưới một người con gái vọng tộc làm vợ trải qua nhiều năm mà không có con nên hai vợ chồng đã đến tế lễ tất cả đền thờ thần kỳ để cầu kế tự nhưng vẫn không toại ý. Trưởng giả ngồi chống tay vào má suy nghĩ: “Ta giàu có bậc nhất mà không có con kế tự, của cải này sẽ giao cho ai đây, cuối cùng cũng bị nhà vua tịch thu”, bà mẹ thấy vậy bèn hỏi nguyên do, trưởng giả nói rõ nỗi lo âu của mình, bà mẹ nói: “Con không nên ưu sầu, mẹ thấy những người không con trên thế gian nếu cầu xin với tất cả lòng thành đều sẽ được toại nguyện, mẹ sẽ chỉ cách cho con. Trước kia mẹ không có con liền đến cầu thần cây Ni-câuluật liền sanh được con, con nay hãy đến đó cầu chắc sẽ được như ý”. Trưởng giả nghe lời mẹ liền đến cầu xin thần cây Ni-câu-luật: “Cúi xin thọ thần ban cho tôi mười một con, nếu được toại nguyện tôi sẽ xây dựng thần đường thờ cúng trang nghiêm và mở đại hội khánh tạ đáp ân”, hằng ngày trưởng giả đều đến cầu xin như vậy, lại còn nguyện: “Nếu không được toại nguyện tôi sẽ bứng gốc chặt cây không cho thọ thần có chỗ nương tựa”. Thọ thần nghe lời nguyện này sanh hoảng sợ suy nghĩ: “Việc này quá sức của ta, ta phải làm sao”, nghĩ rồi liền đến chỗ thiên vương Tỳ sa môn cầu cứu: “Đại thiên, có một Bà-la-môn đến chỗ tôi cầu con còn dọa sẽ chặt cây, xin Đại thiên cứu giúp”. Đại thiên biết mình cũng không thể giúp được bèn lên đến cõi trời trên bạch vua trời Đế-thích: “Xin thiên chủ cứu xét, có một Bà-la-môn đến chỗ vị thiên thần trong phạm vi cai quản của tôi cầu con, còn dọa sẽ chặt cây nếu không được toại nguyện”. Thiên chủ nghe rồi bảo quan phụ cận xem có Thiên tử nào tướng suy hiện tiền thì báo, thời gian sau có một Thiên tử tướng suy hiện tiền, vị quan này liền báo cho thiên chủ biết, thiên chủ liền bảo Thiên tử đó rằng: “Ngươi nên đến thọ sanh vào trong nhà của đại Bà-la-môn ở thành Ni-câu-luật của châu Thiệm-bộ”, Thiên tử bạch vua: “Đại thiên, Bà-la-môn kia ỷ mình dòng họ tôn quý nên sanh nhiều phóng dật. Nay Phật đã ra đời nếu hóa duyên hoàn tất sẽ vào Niết-bàn, tôi trước có nguyện sẽ ở chỗ Phật chuyên tu tịnh hạnh, nếu sanh vào nhà kia sợ sẽ chướng ngại cho tôi”, thiên chủ nói: “Ngươi khỏi phải lo ngại, ta sẽ giúp ngươi trong tất cả thời không để ngươi buông lung”. Thiên tử tuân lịnh thiên chủ sau khi mạng chung đến thọ sanh trong nhà đại Bà-la-môn Ni-câu-luật. Người nữ trí huệ mang thai có năm trí kỳ lạ: Một là biết người nam có tâm dục, hai là biết thời tiết, ba là biết từ người nào được thai, bốn là biết thai nhi là nam, năm là biết thai nhi là nữ. Vợ của Bà-la-môn này biết mình đã mang thai vui mừng báo cho chồng biết, người chồng vui mừng reo lên: “Lành thay, an lạc thay, trước nay ta luôn mong đợi người con kế thừa gia nghiệp, nay ta đã có người giao phó gia nghiệp rồi, ta sẽ siêng tu phước nghiệp nguyện đem công đức này nguyện cầu cho cha mẹ ta sanh vào cõi nào cũng được phước lạc vô cùng”. Sau đó người chồng sắp xếp cho vợ ở trên lầu cao, trải bảo tòa cho vợ nằm, mời danh y đến lo việc thuốc thang, tất cả y phục ẩm thực… đều thích nghi với thời tiết lạnh nóng…, người vợ từ đây chân không dính đất, mắt tai không nghe những thinh sắc tà ác. Đủ ngày tháng hài nhi ra đời dung mạo tuyệt vời, sắc da như vàng ròng Thiệmbộ… các tướng tốt đều đầy đủ; sau hai mươi mốt ngày người cha mở tiệc ăn mừng và yêu cầu thân tộc đặt tên cho hài nhi. Các thân tộc bàn với nhau: “Hài nhi vốn từ thần cây Ni-câu-luật mà cầu được nên đặt tên là Tât bát la, lại từ nơi dòng họ nên gọi là Ca-nhiếp-ba”, cho nên người đương thời gọi tên là Tất bát la hay là Ca-nhiếp-ba. Người cha đem hài nhi giao cho tám bà vú chăm sóc nuôi dưỡng chu đáo nên hài nhi mau lớn như hoa sen ra khỏi nước. Đến tuổi trưởng thành đồng tử Ca-nhiếpba được giao cho các minh sư để học các kỹ nghệ và điển tịch của dòng Bà-la-môn tôn quý. Học bất cứ môn gì, đồng tử vừa nghe qua liền nhớ không quên cho đến nội dung của bốn bộ Bệ-đà đều thông suốt. Bốn bộ Bệ-đà là Hiệt-lực-Bệ-đà, Da-thọ-Bệ-đà, Ta-ma-Bệ-đà và A-kiện-Bệđà (Bệ-đà dịch là minh trí, vì nếu thông suốt nội dung bốn bộ Bệ-đà này thì trí huệ ứng khắp; cũng gọi là Tứ Minh luận có hơn mười vạn bài tụng. Bộ luận thứ nhất nói về tác nghiệp, bộ luận thứ hai nói về tán tụng, bộ thứ ba nói về pháp thức tế lễ, bộ thứ tư nói về việc trị nước an dân. Bệ-đà không có chánh dịch nên giữ nguyên tiếng Phạn, trong đó Ông thinh là câu mở đầu về chú thuật, Bồng thinh là lời kêu gọi Thần kỳ, Bệ-đà thinh là do ngoại đạo chấp âm thanh là thường khởi tự nhiên có từ vô thỉ, thường hằng trong hư không. Cựu dịch là Vệ đà). Thông suốt Tứ minh luận này rồi có thể khảo sát được sự biến chuyển trên thế gian, ở trên đất liền hay trên hư không; có thể tự hiểu rành pháp thức tế tự và dạy người cách tế tự; tự tụng tập và dạy người tụng tập; tự bố thí và dạy người bố thí… có thể hiển bày tôn chỉ của mình và khéo phá cách lập luận của người khác. Người như thế trước được đại chúng suy tôn sau mới được thỉnh làm đạo sư dạy cho các Bà-la-môn. Lúc đó người cha bảo Ca-nhiếp-ba: “Nay con đã trưởng thành, ta phải tổ chức hôn lễ cho con”, Ca-nhiếp-ba nói: “Dục lạc thế gian không phải là điều con mong cầu”, người cha nói: “Nhưng con còn phải kế thừa gia nghiệp, thờ phụng tổ tông không thể cho tuyệt tự”, Ca-nhiếp-ba nói: “Cha há không nghe Cô tiên có nói người sống ẩn cư thì thần thức nhẹ nhàng, có thể đạt đến chỗ rốt ráo hay sao?”, người cha nói: “Nghi thức cưới hỏi há không phải là chánh điển hay sao?”, Ca-nhiếp-ba nói: “Đó là tục luận cận đại không phải pháp của Cổ tiên”, nói xong liền than thở: “Ta nay gặp họa rồi, một khi vào trong bùn dục thì muôn kiếp khó thoát. Cha mẹ ân trọng không thể trái, thật là tiến thoái đều không còn đường trốn tránh. Ta phải tìm cách nào để tránh sự trói buộc này”, nghĩ rồi liền thưa với cha: “Nếu con phải cưới vợ thì cha hãy dùng vàng ròng đúc cho con một tượng người nữ làm kiểu mẫu”. Người cha nghe rồi liền cho đúc một tượng người nữ bằng vàng có dung nghi tuyệt sắc, kích cở như người thật. Ca-nhiếp-ba xem xong rất vừa ý liền nói với cha: “Nếu có được một người nữ giống như thế, con sẽ vâng lời cha làm hôn lễ”. Người cha nghe rồi chống tay vào má than thở: “Ta biết tìm ở đâu được người nữ tuyệt đẹp như thế này”. Lúc đó các học trò thấy vậy liền hỏi nguyên do, người cha đem việc trên kể lại, học trò nói: “Có thể tìm được vì trên thế gian này nếu có người đầy đủ phước đức như Ca-nhiếp-ba thì chắc chắn sẽ có người nữ tuyệt diệu như thế ứng hợp”, liền nói kệ:

“Trên đại địa rộng vô biên này,
Người đẹp như thế ắt phải có,
Nam tử đã là đại phước đức,
Nay vì cầu hôn, xin chớ lo”.

Kế nói với người cha: “Xin người hãy đúc thêm ba tượng bằng vàng như thế này, chúng con sẽ mang đi khắp bốn phương rao tìm người nữ tương tợ như thế”. Sau đó các học trò này chia nhau mang một tượng đi đến một phương gọi tượng vàng này là Kim thần để tìm hỏi có người nữ nào tương tự như thế, tuần tự đi đến thành Kiếp-tỷ-la. Trong thành này có một đại Bà-la-môn cũng tên là Kiếp-tỷ-la giàu có… cưới một người con gái vọng tộc làm vợ, không bao lâu sau sanh được một con gái tuyệt sắc, vừa đoan chánh vừa Khả-ái lại hiền lành lại thuộc dòng họ Kiếp-tỷ-la nên được gọi là Diệu-hiền, đến tuổi trưởng thành nổi tiếng xinh đẹp và đức hạnh. Lúc đó các học trò mang tượng Kim thần đến trong thành này rao truyền: “Nữ giới nên biết, nếu ai có thể dùng hương hoa diệu vật cúng dường Kim thần thì thần sẽ ban cho năm điều: Một là sẽ được sanh trong nhà phú quý, hai là sẽ được làm dâu trong nhà quý tộc, ba là không bị chồng khinh, bốn là sẽ sanh con trai phước đức, năm là người chồng thường theo ý mình”, các người nữ trong thành nghe rao truyền như vậy đều mang hương hoa đến chỗ Kim thần dâng cúng. Lúc đó người cha bảo Diệu-hiền nến đến dâng cúng tượng Kim thần để được năm điều tốt đẹp trên, Diệu-hiền nói: “Con vốn không phải là người nữ tham dục cần gì phải dâng cúng Kim thần”, người cha nói: “Tuy con không mong cầu được như thế nhưng đến dâng cúng cũng đâu có tổn gì”. Diệu-hiền không dám trái ý cha nên cùng các người nữ đến chỗ Kim thần, do oai quang của Diệu-hiền phản chiếu làm cho tượng Kim thần biến thành màu đen. Diệu-hiền thấy vậy liền cùng các người nữ trở về nhà, lúc đó tượng Kim thần hiện sắc vàng ròng trở lại như cũ. Các học trò thấy rõ việc này rồi đều kinh ngạc cho là hy hữu và hỏi thăm mới biết được người con gái đó tên là Diệu-hiền con của đại Bà-la-môn Kiếp-tỷ-la. Các học trò vừa mừng vừa sợ liền đến chỗ đại Bà-la-môn đảnh lễ và bạch rằng: “Ở phương Nam có một thành tên là Ni-câu-luật, trong thành có một đại Bà-la-môn cũng tên là Ni-câuluật giàu có … như đoạn văn trên cho đến câu con trai của người tên là Ca-nhiếp-ba thông tuệ không ai sánh bằng, thông suốt bốn bộ Bệ-đà… chưa có hôn thất nên chúng tôi vì Ca-nhiếp-ba đến đây tìm cầu”. Bàla-môn này đã nghe danh của Ca-nhiếp-ba nên vừa nghe các học trò nói như thế rất hài lòng đáp rằng: “Tôi xin nhận lời cầu hôn này, chúng ta hãy cùng chọn ngày lành tháng tốt để tổ chức hôn lễ”. Các học trò nghe rồi vui mừng trở về báo lại cho Bà-la-môn Ni-câu-luật biết, Bàla-môn này nghe rồi vui mừng nói: “Điều mà ta mong mõi từ lâu, nay đã được toại nguyện”. Ca-nhiếp-ba nghe rồi liền suy nghĩ: “Tìm vợ cho ta sao, tuy nói là tìm được nhưng chưa biết người nữ đó thế nào, ta nên đến đó xem thử”, nghĩ rồi liền đến chỗ cha mẹ xin phép đi du lịch, cha mẹ nói: “Cha mẹ chỉ có một mình con, ngày hôn lễ cũng sắp tới, nếu con muốn đi du lịch thì hãy mau sớm trở về”. Ca-nhiếp-ba từ biệt cha mẹ đi đến thành Kiếp-tỷ-la, thay đổi hình dung giả dạng người ăn xin đến nhà của Diệu-hiền đứng ở cửa ngỏ. Theo phong tục của nước này, khi cho thức ăn phải sai thiếu nữ mang ra, lúc đó Diệu-hiền mang thức ăn ra cho, Ca-nhiếp-ba trông thấy sanh tưởng hy hữu liền khen: “Thật là tuyệt sắc giai nhân, bỏ một bông hoa tươi đẹp là việc làm rất khó”, Diệu-hiền nghe rồi liền hỏi: “Người đính ước với tôi qua đời rồi sao?”, Ca-nhiếp-ba nói: “Hiện tại vẫn còn”, Diệu-hiền nói: “Nếu vậy tại sao lại nói như thế?”, Ca-nhiếp-ba nói: “Người ấy tuy còn nhưng tình không ưa dục lạc”, Diệu-hiền nghe rồi liền khen là hi hữu nói rằng: “Tôi cũng một lòng không ưa hành dục”, Ca-nhiếp-ba nói: “Nếu cô là người này thì tôi chính là người đó. Nay chúng ta lập lời thề vì đối với lời cha mẹ dạy không dám trái: Chỉ trừ khi đang làm lễ thành hôn chúng ta nắm tay nhau, sau đó thề sẽ không xúc chạm thân phần”. Ca-nhiếp-ba thề rồi trở về bổn xứ chuẩn bị tổ chức hôn lễ, sau ngày hôn lễ cả hai cùng ở một trú quán, cùng một sàng tòa nhưng mỗi người một bên chuyên tu thiện nghiệp cầu xuất ly, không hề khởi tâm dục nhiễm. Lúc đó Ca-nhiếp-ba nói với Diệu-hiền:

“Xem khắp tội lỗi trong sanh tử,
Đều từ ái nhiễm làm nhân duyên,
Người đời thảy đều cùng làm quấy,
Đâu biết chìm đắm trong ba cõi”.

“Hiền thủ, vào đầu đêm cuối đêm nàng hãy an nghỉ, nửa đêm tôi mới tạm nghỉ”.

Thời gian sau, một hôm Diệu-hiền đang yên giấc, tay duỗi thòng xuống giường; Ca-nhiếp-ba hoặc kinh hành hoặc tư duy. Lúc đó thiên chủ Đế-thích muốn thử xem Ca-nhiếp-ba có chơn thật cầu giải thoát hay không nên hóa hiện làm con rắn hiện tướng đáng sợ bò đến chỗ Diệu-hiền muốn cắn vào tay. Ca-nhiếp-ba trông thấy liền dùng cán quạt đở tay Diệu-hiền để lên giường khiến Diệu-hiền thức giấc, Diệuhiền nói: “Thánh tử chớ phạm lời thề”, Ca-nhiếp-ba nói: “Có con rắn độc bò đến”, Diệu-hiền nói:

“Thà để thân tôi bị rắn cắn,
Chớ đừng xúc chạm trái lời thề,
Rắn cắn chỉ khiến thân này chết,
Nhiễm dục trầm luân không bờ mé”.

Ca-nhiếp-ba nói:

“Hiền thủ, ta chí thành cùng nàng tu tịnh hạnh.
Đi trên đao vào lửa tuy khó,
Trước người nữ tu hành khó hơn,
Nếu đã thủ chí không xâm phạm,
Trên thê gian này thật hiếm có.

Chẳng phải ta vì tâm dục xúc chạm người nàng, ta chỉ dùng cán quạt đở tay nàng lên giường để khỏi bị rắn cắn”. Thiên chủ thấy rồi khen ngợi, trở về thiên cung. Hai vợ chồng ở chung một trú quán tinh tấn tu hành như vậy trải qua mười hai năm, như Phật dạy:

“Tích tụ đều tiêu tán,
Cao ngất ắt rơi rớt,
Hội họp rồi biệt ly,
Có sanh ắt có chết”.

Sau khi cha mẹ qua đời, Ca-nhiếp-ba phải trông coi gia nghiệp, một hôm đến trong ruộng xem việc cày cấy, Ca-nhiếp-ba nói kệ:

“Xem chỗ cày bừa này,
Tổn hại các côn trùng,
Con bò lại mệt nhọc,
Thương chúng như thân thuộc.
Nông phu khổ tiều tụy,
Nắng gió tổn hình dung,
Làm việc cày bừa mệt,
Thấy vậy tâm áo não”.

Ca-nhiếp-ba hỏi nông phu: “Ruộng đang cày là ruộng của ai?”, đáp là của Ca-nhiếp-ba, Ca-nhiếp-ba nói: “Nhà tôi có điền nghiệp này hay sao?”, đáp: “Tôi cày ruộng cho thân sinh của ông đến nay chưa dứt”, Ca-nhiếp-ba nói: “Nếu vậy từ nay tôi giải phóng cho ông không còn là tôi tớ cho gia đình tôi nữa”, liền nói kệ:

“Cơm ăn không quá một thăng gạo,
Nằm ngủ chỉ cần một giường nhỏ,
Hai trương điệp vải đủ che thân,
Thứ khác đều là vật ngu si”.

Ca-nhiếp-ba về nhà nói với Diệu-hiền: “Hiền thủ, tôi nay muốn xả tục xuất gia, vì sao, vì tại gia ràng buộc như lao ngục, thường bị khổ não buộc ràng, bị các ác tri thức theo làm nhân duyên tạo nghiệp không dứt. Xuất gia phóng khoáng như hư không, tu phạm hạnh thanh tịnh viên mãn đến cứu cánh giải thoát”, liền nói kệ:

“Ở rừng núi tĩnh lặng,
Thản nhiên không sợ sệt,
Nếu ở đây siêng tu,
Lìa được các trói buộc.
Chánh kiến cùng tà kiến,
Đều từ tâm phát sanh,
Rừng tĩnh lặng an ổn,
Người trí khéo quán sát,
Nếu tham nhiễm việc đời,
Các khổ sẽ theo đuổi,
Nhất quyết lìa lưới trần,
Sẽ đến được Niết-bàn”.

Ca-nhiếp-ba bảo người giữ kho: “Hãy lựa lấy đưa cho tôi bộ đồ xấu nhất, tôi muốn bò tục tu hạnh xuất ly”, người giữ kho mở kho ra xem chỉ thấy toàn thuộc laọi vô giá, chỉ có một đoạn vải tương đối xấu nhất trị giá khoảng một ức kim tiền, bèn mang đến đưa cho Ca-nhiếpba, Ca-nhiếp-ba nhận rồi rời bỏ nhà ra đi.

Lúc đó Bồ tát quán thấy các cảnh lão bịnh tử rồi, đến nửa đêm vượt thành xuất gia đến rừng Cần khổ, cùng một lúc với Ca-nhiếp-ba bỏ gia nghiệp tu hạnh xuất ly. Lúc Ca-nhiếp-ba đang ở bên tháp Đa tử thì Bồ tát đang ở A-lan-nhã, Ca-nhiếp-ba suy nghĩ: “Nếu tôi gặp được bậc A-la-hán, tôi sẽ nương theo vị ấy thành kính thừa sự”. Bồ tát sau sáu năm tu khổ hạnh bỗng nhận ra đó là việc làm vô ích, uổng công nhọc mệt nên từ bỏ lối tu này, đến chỗ hai người nữ chăn bò tên là Hoan-hỉ và Hoan-hỉ lực thọ cháo sữa để lấy lại sức. Sau đó đến chỗ người gánh cỏ Kiết tường xin loại cỏ này đem trải dưới cội Bồ đề làm tòa Kim cang để ngồi kiết già chánh niệm tư duy. Trong chánh niệm Bồ tát hàng phục ba mươi sáu ức binh chúng thiên ma chứng được Vô thượng giác. Sau đó Bồ tát đi đến thành Bà-la-nê-tư chỗ Tiên nhơn đọa xứ trong rừng Thi lộc ba phen chuyển mười hai hành pháp luân để độ cho năm Bí-sô. Kế đến chỗ Bà-la-môn Đại quân và hai người nữ chăn bò nói diệu pháp khiến họ sanh chánh kiến chứng được Sơ quả; kế nói pháp khiến cho ngoại đạo Lưu kế… cả thảy một ngàn người quy y theo Phật, xin xuất gia thọ giới cụ túc; vua Tần-bà-sa-la cũng được Kiến đế. Sau đó Phật đến thành Vương-xá độ Đại Mục-kiền-liên và Xá-lợi-tử; kế đến thành Thất-la-phiệt nói kinh Thiếu niên cho vua Thắng-quang để điều phục nhà vua, kế nói pháp cho phu nhơn Thắng man, tướng quân Tỳ-lư và Tiên thọ đều được Kiến đế. Thường pháp của Thế tôn là quán sát trong thế gian để khởi tâm đai bi làm lợi ích cho tất cả, giáo hóa hữu tình Phật là bậc nhất. Phật không nói hai lời, an trụ nơi định huệ, hiển phát ba Minh, khéo tu ba Học, khéo điều phục ba Nghiệp, vượt khỏi bốn bộc lưu, an trụ bốn Thần túc, tu bốn Nhiếp hạnh, xả trừ năm Cái, xa lìa năm Chi, ra khỏi năm Đường, sáu căn đầy đủ, sáu Độ viên mãn, thí khắp bảy Tài, nở hoa bảy Giác, lìa tám Pháp thế gian, chỉ bày tám Chánh đạo, đoạn chín Kiết, hiểu rõ chín Định, đầy đủ mười Lực nên danh tiếng vang khắp mười phương. Trong các đấng tự tại, Phật là thù thắng nhất, được pháp vô úy, hàng phục ma oán, nổi tiếng sấm lớn, cất tiếng gầm Sư tử. Ngày đêm sáu thời thường dùng Phật nhãn quán sát thế gian: Ai thêm ai bớt, ai gặp khổ ách, ai sa bùn dục, ai có thể được giáo hóa, dùng phương tiện gì cứu độ khiến họ ra khỏi. Người không có thánh tài khiến cho được thánh tài, dùng trí An thiện na phá màng mắt Vô minh. Người không có căn lành khiến trồng được căn lành; người đã có căn lành khiến cho được tăng trưởng, an trí vào cõi trời người được an ổn vô ngại, đến thành Niết-bàn. Như có bài tụng:

“Giả sử sóng biển lớn,
Có thể mất kỳ hạn,
Phật giáo hóa chúng sanh,
Cứu dộ không quá thời.
Như mẹ có một con,
Thường hộ thân mạng nó,
Phật giáo hóa chúng sanh,
Bi niệm còn hơn kia.
Phật đối với hữu tình,
Niệm từ không lìa bỏ,
Nghĩ cứu họ khổ nạn,
Như bò mẹ theo con”.

Lúc đó Thế tôn suy nghĩ: “Đã đến lúc hóa độ ẩn sĩ Ca-nhiếpba”, nghĩ rồi Phật đi đến nước Phật lật thị du hành trong nhân gian đến thành Quảng nghiêm bên tháp Đa tử ngồi dưới một gốc cây, vì muốn dẫn đường cho Ca-nhiếp-ba nên thân Phật phóng ra ánh sáng như núi Diệu kim chiếu sáng lạ kỳ. Lúc đó Ca-nhiếp-ba noi theo ánh sáng đến chỗ Thế tôn; từ xa thấy nghi dung đoan nghiêm, tướng hảo đặc thù, các căn vắng lặng, nhất tâm không loạn của Thế tôn, Ca-nhiếp-ba vui mừng kêu lên: “Đây là thầy của tôi, tôi là đệ tử”, Phật nói: “Đúng vậy, này Ca-nhiếp-ba, ta là thầy của ông, ông là đệ tử của ta”, Ca-nhiếp-ba thành tâm lễ kính, Phật nói: “Thật không biết mà dối nói là biết, thật chưa từng thấy mà dối nói là từng thấy, thật chẳng phải Đại sư mà tự xưng là Đại sư, thật chẳng phải A-la-hán mà tự xưng là A-la-hán, thật chẳng phải Bạc già phạm mà tự xưng là Bạc già phạm, chẳng phải Tam Phật đà mà tự xưng là Tam Phật đà… Hạng người dối trá này, đầu họ sẽ vỡ ra làm bảy mảnh. Này Ca-nhiếp-ba, điều mà ta biết thì ta nói là biết, điều mà ta thấy thì ta nói là thấy, ta là Đại sư thì nói là Đại sư, ta là A-la-hán thì nói là A-la-hán, ta là Tam Phật đà thì nói là Tam Phật đà. Ta có nhân duyên nói pháp yếu cho các Thinh văn chẳng phải là không có nhân duyên, là chơn thật xuất ly chẳng phải là không xuất ly, là chỗ quy y chẳng phải là không quy y, là chơn thật siêu việt chẳng phải là không siêu việt, là có thần thông chẳng phải là không có thần thông. Do nhân duyên này ông nên học như vậy, nên nghĩ như sau: pháp mà tôi được nghe tương ưng với thiện, tôi đều cung kính chuyên tâm lắng nghe, tôn trọng ghi nhớ một ý tưởng không rời, nghe rồi suy nghĩ cung kính thọ trì. Đối với năm Thủ uẩn ta thật quán biết là Khổ sanh diệt, đối với sáu Thức xứ ta thấy là Tập vì nó mờ mịt, đối với bốn Niệm xứ khéo trụ ở tâm, đối với bảy Bồ đề phần ta sẽ tu tập và tu tập nhiều hơn, đối với tám Giải thoát ta sẽ thân chứng để được viên mãn. Tôi đối với Đại sư và người có trí, các vị đồng phạm hạnh hằng khởi tâm ân trọng, tâm biết hổ thẹn. Chánh kiến của tôi niệm niệm tương tục, nơi thân tùy chuyển không cho gián đoạn. Này Ca-nhiếp-ba, ông nên học như vậy.