căn bản phật giáo

Phật Quang Đại Từ Điển

(根本佛教) Nói theo nghĩa rộng thì Căn bản Phật giáo đồng nghĩa với Nguyên thủy Phật giáo; còn nói theo nghĩa hẹp thì Căn bản Phật giáo là chỉ cho nền Phật giáo lúc đức Phật còn tại thế, và cũng chỉ cho nội dung của sự giác ngộ và giáo pháp do đức Phật nói. Từ xưa, trong Phật giáo đã có Đại thừa và Tiểu thừa khác nhau, mục đích tu hành của Tiểu thừa chỉ giới hạn trong hàng Thanh văn, Duyên giác là giáo pháp phương tiện quyền biến, là cửa đầu tiên đưa vào Phật giáo. Thời gần đây, theo sự nghiên cứu về giáo pháp và lịch sử giáo lí mà danh xưng đã được thay đổi: không dùng danh từ Phật giáo Tiểu thừa, mà gọi Phật giáo ở thời kì đầulà Phật giáo căn bản, hoặc là Phật giáo nguyên thủy. Giáo nghĩa ở thời kì này là do đức Thích tôn trực tiếp nói ra, rồi về sau, Đại thừa đem phu diễn giáo nghĩa ấy rộng ra mà thành là Phật giáo Đại thừa. Hiện nay, các nước Sri Lanka (xưa gọi là Tích lan), Miến điện, Thái lan v.v… thuộc Phật giáo nguyên thủy; còn Nepal, Tây tạng, Mông cổ, Trung quốc, Việt nam, Hàn quốc, Nhật bản… thuộc Đại thừa, hoặc tu học cả Đại thừa và Tiểu thừa. (xt. Nguyên Thủy Phật Giáo).