cẩm xạ tranh

Phật Quang Đại Từ Điển

(錦麝㡧) Chỉ bức tranh tượng Phật và Bồ tát được thêu thành. Cũng gọi Tú tượng (tượng thêu), Tú Phật, Tú trướng. Loại tranh tượng này hoặc dùng chỉ nhiều mầu, hoặc chỉ vàng thêu thành, hoặc có đính thêm châu ngọc mà thành nhiều loại khác nhau, như: 1. Chức thành tượng, tức dùng chỉ nhiều mầu mà thêu thành. 2. Cẩm tượng, cũng thuộc loại Chức thành tượng, tức chỉ vàng thêu thành. 3. Kết châu tượng, Chức châu tượng, tức dùng châu ngọc đính thêm vào, hoặc thêu châu ngọc vào. Ấn độ và các nước Tây vực từ xưa đã có tượng Phật thêu, được truyền vào Trung quốc khoảng thời đại Phù Tần, từ đời Nam Tề về sau, sự thêu tượng thịnh hành, và truyền đến Nhật bản. Cứ theo Lương cao tăng truyện quyển 5 Đạo an truyện chép, thì Phù kiên sai sứ ra nước ngoài, thỉnh được tượng thếp vàng, tượng Di lặc kết bằng ngọc, tượng thêu chỉ vàng, tượng thêu chỉ nhiều mầu v.v… Cứ theo Quảng hoằng minh tập quyển 16 Tú tượng đề tán tinh tự chép, thì vào năm Vĩnh minh thứ 4 (486) đời Nam Tề, trụ trì chùa Lạc lâm là tỉ khưu ni Thích bảo nguyện, có thêu một bức Vô lượng thọ tôn tượng. Cứ theo Diên lịch tự tọa chủ Viên trân truyện chép, thì Hoàng hậu Tắc thiên đã từng thêu bốn trăm bức Cực lạc Tịnh độ biến. Về tượng thêu tại Nhật bản được ghi chép, thì sớm nhất là vào thời Suy cổ Thiên hoàng năm 13 (605). Thời cận đại, A. Stein, người Anh, đã tìm được tượng thêu của Trung quốc trước thế kỉ thứ XIII trong động Nghìn Phật ở Đôn hoàng. [X. kinh Đại thừa tạo tượng công đức Q.2; Từ thị bồ tát lược tu dũ nga niệm tụng pháp Q.hạ phẩm Đại tam muội da tượng tất địa; luật Ngũ phần Q.7; Thích ca phương chí Q.2; Lạc dương già lam kí Q.1 Vĩnh minh tự điều; Lịch đại Tam bảo kỉ Q.9; Nhật bản thư kỉ Q.22; Dậu dương tạp trở tục tập Q.6].