cảm ứng đạo giao

Phật Quang Đại Từ Điển

(感應道交) Chỉ ý chúng sinh được cảm và Phật hay ứng giao hòa nhau. Mối quan hệ giữa Phật và chúng sinh cũng giống như tình mẹ con, mối quan hệ ấy chẳng phải tự lực của chúng sinh, cũng chẳng do giáo hóa mà có, mà là do cơ duyên của chúng sinh đã thuần thục, thì tự nhiên Phật lực có thể tương ứng với, cũng tức là sự giao hòa hỗ tương giữa cảm của chúng sinh và ứng của Phật. Lại nữa, căn tính chúng sinh có vô số, cho nên sự diệu ứng của chư Phật cũng vô lượng, do đó mà có các loại cơ cảm khác nhau, mà theo kinh Pháp hoa huyền nghĩa quyển 6 phần trên đã tổng hợp, tóm thâu trong bốn câu sau đây: 1. Minh cơ minh ứng (cơ ngầm ứng ngầm), có nghĩa chúng sinh ở đời quá khứ khéo tu ba nghiệp, ở đời hiện tại chưa vận dụng nghiệp thân nghiệp khẩu, nhưng nhờ thiện căn ở kiếp trước, đó là minh cơ; tuy không hiện thấy linh ứng, nhưng kín đáo làm lợi ích pháp thân, chẳng thấy chẳng nghe, nhưng có hay biết, đó là minh ứng. 2. Minh cơ hiển ứng (cơ ngầm ứng hiện), có nghĩa là chúng sinh đã trồng căn lành ở quá khứ, minh cơ đã thành, được gặp Phật nghe pháp, được lợi ích ở hiện tại. 3. Hiển cơ hiển ứng (cơ rõ ứng rõ), có nghĩa là chúng sinh ở đời hiện tại, thân khẩu ý tinh cần không biếng nhác, cũng có thể cảm được lợi ích. 4. Hiển cơ minh ứng (cơ rõ ứng ngầm), có nghĩa là chúng sinh trong một đời chịu khó, chứa góp nhiều thiện căn ở hiện tại, tuy không cảm rõ, nhưng có lợi ngầm. Sau bốn câu trên đây, Pháp hoa huyền nghĩa lại lập thêm ba mươi sáu câu khác để phân biệt. Cuối cùng, lại đứng về phương diện mười pháp giới mà trình bày rõ ràng về sự sai khác giữa bốn câu. Tổng kết lại, thì cảm của chúng sinh và ứng của chư Phật, có tất cả sáu vạn bốn nghìn tám trăm cơ ứng. [X. Pháp hoa văn cú Q.1 phần trên; Ma ha chỉ quán Q.1 phần trên; Quan âm huyền nghĩa Q.hạ]. (xt. Tam hập Lục Cú).