Cảm Thành

Từ Điển Đạo Uyển

感誠; ?-860
Thiền sư Việt Nam. Sư nối pháp Thiền sư Vô Ngôn Thông.
Sư quê ở Tiên Du. Mới đầu Sư ở tại quận nhà lo việc tụng niệm, lấy hiệu là Lập Ðức. Sau có một hương hào họ Nguyễn ở làng Phù Ðổng mến mộ Sư, tình nguyện đem gia sản cúng cho Sư làm chùa. Sư từ chối (theo Thiền uyển tập anh), nhưng đêm nằm mộng thấy thần nhân đến khuyên nên nhận đất làm chùa, Sư mới nhận, và đó là chùa Kiến Sơ của làng Phù Ðổng sau này. Quả nhiên trụ trì chưa bao lâu thì Thiền sư Vô Ngôn Thông, Tổ dòng thiền Vô Ngôn Thông từ Trung Quốc sang Việt Nam, đến chùa. Sư hết lòng thờ kính Tổ, được Tổ đổi hiệu là Cảm Thành. Ngày nọ, Tổ gọi Sư lại và trình bày rõ nguồn gốc của Thiền tông, từ đức Thích-ca đến Tổ Bồ-đề Ðạt-ma, Tổ Bách Trượng Hoài Hải và nguyên do đến phương Nam giáo hoá. Sau khi Tổ đọc bài kệ, Sư liền lĩnh hội yếu chỉ.
Có vị tăng đến hỏi Sư: “Thế nào là Phật?” Sư đáp: “Khắp tất cả các nơi.” Lại hỏi: “Thế nào là tâm Phật?” Sư đáp: “Chưa từng che dấu.” Tăng hỏi: “Riêng con chẳng hội?” Sư bảo: “Ðã lầm qua rồi.”
Năm 860, Sư không bệnh, an nhiên mà tịch.