cam lộ

Phật Quang Đại Từ Điển

(甘露) I. Cam lộ. Phạm: Amfta, Pàli: Amata. Phiên âm: A mật lí đa. Dịch ý: bất tử, chất lỏng bất tử, rượu trời. Tức là thuốc thần không chết, rượu thiêng của cõi trời. Trong Phệ đà bảo rượu Tô ma là thứ rượu các thần thường uống, uống vào có thể không già không chết, vị ngọt như mật, cho nên gọi là Cam lộ (nước thơm ngọt). Cũng dùng cam lộ để thí dụ pháp vị của Phật pháp là vị mầu nhiệm nuôi dưỡng thân tâm chúng sinh. Mật giáo thì gọi nước gội đầu của hai bộ chân ngôn bất nhị là Cam lộ bất tử. Chú Duy ma kinh quyển 7 (Đại 38, 395 thượng), chép: Thập nói: các trời đem những thứ thuốc danh tiếng bỏ vào trong biển, nhờ núi báu xoa xát mà thành cam lộ, uống rồi thành tiên, gọi là thuốc không chết (…). Sinh nói: Thức ăn của trời là vị cam lộ, ăn được sống lâu, bèn gọi là thức ăn không chết. Kinh Vô lượng thọ quyển thượng (Đại 12, 271 thượng), nói: Nước tám công đức, phẳng lặng tràn đầy, trong trẻo thơm tho, mùi như cam lộ. [X. Kim quang minh kinh văn cú Q.5; Đại nhật kinh sớ Q.13; Đại nhật kinh sớ diễn áo sao Q.11; Huyền ứng âm nghĩa Q.22]. II. Cam lộ. Là một trong ba danh hiệu của Phật A di đà (Vô lượng thọ, Vô lượng quang, Cam lộ). Mật giáo gọi đức Phật A di đà là vua Cam lộ. (xt. Cam Lộ Vương Như Lai).