cảm giác

Phật Quang Đại Từ Điển

(感覺) Là tác dụng ý thức do sự kích thích các giác quan sản sinh. Tương ứng với các khí quan mắt, tai, mũi, lưỡi, thân … mà có những tác dụng cảm giác như thấy, nghe, ngửi, nếm và chạm xúc v.v…… cảm giác là cơ sở của tri giác. Cảm giác có tính cách cục bộ, yếu tố, nhục thể, còn tri giác thì là toàn thể, có khả năng phán đoán, ghi nhớ, suy xét. Phật giáo gọi cảm giác là thức (Phạm: Vijĩàna) nên có cái gọi là Sáu thức. Bởi vì sáu cảm quan (sáu căn) mắt tai mũi lưỡi thân ý, duyên với sáu đối tượng (sáu cảnh) sắc thanh hương vị xúc pháp mà sản sinh sáu cảm giác (thức mắt, thức tai, thức mũi, thức lưỡi, thức thân, thức ý). Ý thức sau cùng còn gọi là thức thứ sáu, hoặc thức phân biệt sự vật, là cảm giác có tính toàn thể, gần với tri giác, phán đoán. Nhưng tiến sâu thêm một tầng nữa mà nói, hoặc là căn bản, hoặc là tinh thần, lại lập thức thứ bảy (thức Mạt na hay thức A đà na), thức thứ tám (thức A lại da), thức thứ chín (thức A ma la) cùng với tác dụng cảm giác của sáu thức có khác nhau. (xt. Thụ, Thức).