cấm dục

Phật Quang Đại Từ Điển

(禁欲) Hành vi đè nén những ham muốn của nhục thể và thế gian, để mong đạt đến cảnh giới tinh thần lí tưởng. Nhưng loại cấm dục thì rất nhiều, hoặc tích cực tưởng lệ sự tu khổ hạnh, hoặc phủ định nhục thể, phủ định hiện thế, để thực hiện lí tưởng mong cầu giải thoát ở đời sau: đó là mục đích của tôn giáo. Tại châu Âu, vào thời Trung cổ, các tu viện Cơ đốc giáo chủ trương cuộc sống triệt để ẩn cư cấm dục. Kì na giáo tại Ấn độ cũng cho rằng nhịn ăn là con đường tắt tốt nhất để đi đến giải thoát, ngoài ra còn thừa nhận sự chết đói là một hình thái chết lí tưởng. Khi đức Thích tôn còn tại thế, phép thực tiễn của tôn giáo có hai loại là khổ hạnh (Phạm: Tapas) và tu định (Phạm: Samàdhi). Căng Yết La Đồng Tử Khổ hạnh là hành hạ thể xác cho đến cực độ để cho tinh thần được nhẹ nhàng thanh tịnh. Còn tu định là phương pháp an định tinh thần, khiến nó thống nhất mà tách lìa khỏi nhục thể. Đức Thích tôn lúc đầu cũng tu định, nhưng chưa giác ngộ, sau lại hành khổ hạnh suốt sáu năm, gầy còm chỉ còn da bọc xương, nhưng cũng chẳng được giải thoát, ngài bèn bỏ khổ hạnh và ăn uống trở lại. Sau khi thân thể hồi phục, Ngài lại ngồi tu định dưới gốc cây và cuối cùng đã khai ngộ. Hai phương pháp tu định và khổ hạnh nói trước, đều đứng trên lập trường tâm, vật nhị nguyên luận, muốn từ thể xác mà cầu được giải thoát trong nội tâm. Nhưng sau, đức Thích tôn tu định thì là phép tu bỏ sự ép xác mà chính quán chân lí tâm vật nhất như. Bởi thế, Ngài đã từng nói với các đệ tử là Ngài đã bỏ cả hai cực đoan: chủ nghĩa khổ hạnh và chủ nghĩa khoái lạc mà theo một phương pháp trung đạo. Sau khi đức Phật nhập diệt, phái bảo thủ trong giáo đoàn đã chế định rất nhiều giới luật, đặc biệt đề cao sự xuất gia diệt dục, nhưng đối với sự khổ hạnh cực đoan thì coi là tà đạo và chối bỏ. Ngoài ra, do chúng tại gia phát khởi cuộc vận động Bồ tát đại thừa, chủ trương tâm vật nhất như, hiện thực và lí tưởng tuyệt đối thống nhất, và thực hiện tinh thần từ bi, lợi tha một cách tích cực trong đời sống hàng ngày, tức từ ngay trong cuộc sống thường nhật mà đạt được lí tưởng: đó là giác ngộ chân chính. Chẳng hạn như sự xả thân cúng dường của Phật giáo Đại thừa, tức là một loại phương pháp Bồ tát tu hành thực tiễn chối bỏ chính mình. Nhưng cũng có khi từ quan điểm Phiền não tức bồ đề, sinh tử tức Niết bàn mà khẳng định tất cả mọi hành vi trong sinh hoạt thường nhật; tuy vậy, lập trường này cũng khó tránh khỏi cái nguy cơ sa đọa, vì thế lại sản sinh tư tưởng khôi phục giới luật nghiêm túc. Tịnh độ giáo thì cho người phàm phu khó có thể tu hành ép xác và giữ giới, cho nên đặc biệt nhấn mạnh ở lòng tin. [X. kinh Đại ban niết bàn (bản Bắc) Q.16; luận Đại trí độ Q.8; Đại minh tam tạng pháp số Q.27; Pháp uyển châu lâm Q.83].