Cam-Châu-Nhĩ/Ðan-Châu-Nhĩ

Từ Điển Đạo Uyển

甘珠爾丹珠爾; T: kangyur/tengyur [bK’-‘gyur/ bsTan-‘gyur];
Tên của Ðại tạng tại Tây Tạng, bao gồm toàn bộ kinh điển của Phật giáo tại đây. Ðại tạng này bao gồm hơn 300 bộ kinh, được dịch từ văn hệ Phạn ngữ (sanskrit). Cam-châu-nhĩ là Kinh tạng với những lời giáo hoá của Phật Thích-ca, gồm 92 bộ với 1055 bài; Ðan-châu-nhĩ bao gồm các bộ luận của các Ðại sư Ấn Ðộ, có thể gọi là Luận tạng, gồm 224 bộ với 3626 bài.
Kinh luận Phật giáo phát xuất từ Ấn Ðộ ngày nay hầu như chỉ còn trong dạng chữ Hán và Tây Tạng. Trong thời kì đầu của Phật giáo Tây Tạng, nhiều kinh sách được phiên dịch nhưng sau đó vì mất bản gốc chữ Phạn nên các bản dịch đó không được chính thức thừa nhận. Ðến khoảng thế kỉ thứ 11, người ta mới xét lại các bản dịch và cho vào thư mục Ðan-châu-nhĩ/Cam-châu-nhĩ.
Cam-châu-nhĩ được chia làm sáu phần: 1. Mật bộ (Tan-tra); 2. Bát-nhã ba-la-mật bộ (s: prajñāpāra-mitā); 3. Bảo tích bộ (s: ratnakūṭa); 4. Hoa nghiêm bộ (s: buddhāvataṃsaka); 5. Kinh bộ (s: sūtra, giáo pháp Ðại thừa, Tiểu thừa) và 6. Luật bộ (s: vi-naya).
Ðan-châu-nhĩ được chia làm 3 phần: 1. Tán tụng (s: stotra); 2. Tan-tra; 3. Kinh luận. Các tập luận về kinh chứa đựng các tác phẩm Bát-nhã, Trung quán, Duy thức học cũng như A-tì-đạt-ma, và còn có thêm những luận giải về Nhân minh học (lí luận lo-gic), thơ văn, y khoa và ngữ pháp. Văn học Tây Tạng cũng dựa vào các bản dịch mà dần dần phát triển một cách toàn diện.