cách nghĩa

Phật Quang Đại Từ Điển

(格義) Phương thức dùng nghĩa lí của Đạo gia hoặc ngoại giáo để giải thích đạo lí của Phật giáo. Lúc Phật giáo mới được truyền vào Trung quốc, các nhà trí thức thường cho rằng giáo lí Phật giáo giống với tư tưởng Lão Trang nên tiếp nhận ngay. Đến thời đại Ngụy Tấn (thế kỉ III, IV), tư tưởng Lão Trang lại được dùng để thuyết minh lí không của Bát nhã. Học phong của thời kì quá độ này được gọi là Cách nghĩa, và những nhân vật được xem là tiêu biểu vào thời ấy là 7 nhà hiền sĩ của Rừng tre. Phật giáo do đó đã bị ảnh hưởng bởi các thói quen nói suông về lí không của Lão Trang, nên mỗi khi giảng giải, chú thích kinh điển Phật giáo thường hay trích dẫn các dụng ngữ của Lão tử, Trang tử và kinh Dịch. Đời sau cũng có người đem tư tưởng nhà Nho so sánh và thêm thắt vào Phật giáo, đây cũng có thể được xem như một thứ cách nghĩa. Truyện Trúc pháp nhã trong Lương cao tăng truyện quyển 3 (Đại 50, 347 thượng), nói: Trúc pháp nhã và Trúc pháp lãng đem các việc trong so sánh với sách ngoài làm cho dễ hiểu, gọi là cách nghĩa. Các ngài Trúc pháp nhã, Khang pháp lãng, Đạo an v.v… ở Trung sơn (huyện Định, tỉnh Hà bắc) đều dùng cách nghĩa hoằng dương Phật giáo. Nhưng cách nghĩa khó mà diễn đạt được ý thực của Phật pháp, các vị cao tăng đương thời cũng biết rõ điều này. Chẳng hạn như lời tựa Tì ma la cật đề kinh sớ của ngài Tăng duệ trong Xuất tam tạng kí tập quyển 8 (Đại 55, 59 thượng), nói: Từ khi ngọn gió tuệ thổi sang Đông, lời pháp được lưu bá đến nay, tuy nói giảng theo cách nghĩa, nhưng trái xa với nghĩa gốc, sáu nhà lệch lạc, chẳng đúng với tông Tính không’’. Sáu nhà ở đây là chỉ cho: Bản vô tông, Tức sắc tông, Tâm vô tông,Thức hàm tông, Huyễn hóa tông, và Duyên hội tông. Sáu tông này chuyên môn giảng cứu Bát nhã học ở thời Đông Tấn. Ngài Đạo an (312-385) lúc đầu cũng dùng cách nghĩa giảng giải Phật giáo, chú thích kinh điển, nhưng rất cảnh giác, sợ cách nghĩa sẽ làm sai lệch giáo nghĩa Phật giáo, nên ngài chủ trương phải dùng nguyên nghĩa của Phật giáo Ấn độ để phiên dịch kinh Phật một cách chính xác và căn cứ vào kinh Phật để nghiên cứu lí Phật. Nhưng người đã thực sự gạt bỏ ảnh hưởng của cách nghĩa mà hoằng dương nghĩa chân chính của Phật giáo là ngài Cưu ma la thập (344– 412) và các học trò của ngài. [X. Hán ngụy lưỡng tấn nam bắc triều Phật giáo sử chương 9 (Thang dụng đồng)]. CÁCH NGOA TRẢO DẠNG Cách giầy gãi ngứa. Tiếng dùng trong Thiền lâm. Cũng gọi Cách ngoa tao dạng. Cách ngoa bà dạng. Nghĩa là chân ngứa mà gãi ở ngoài chiếc giầy, ý nói không thể nắm bắt được cái ý nghĩa chính xác của một sự kiện nào đó. Tục truyền đăng lục quyển 12 Nam kinh Ninh lăng an phúc tử thắng điều (Đại 51, 539 trung), nói: Cầm phất trần gõ vào giường giống như gãi ngứa bên ngoài giầy’’. Thiền tông vô môn quan tự (48, 292 trung), nói: Vung gậy đánh trăng, cách giầy gãi ngứa, ăn nhằm gì chăng?’’. CÁCH NGOẠI Cách, hàm ý quy cách, phép tắc, qui định v.v… nói rộng là thước đo của thế gian. Trong đạo, mỗi khi dùng từ cách ngoại là để biểu thị sự vượt ra ngoài qui định thông thường. Có rất nhiều cách dụng ngữ cùng loại này, chẳng hạn như: Cách ngoại cú, chỉ cho câu nói vượt ngoài phép tắc thông thường. Cách ngoại huyền cơ, chỉ cho cơ dụng mầu nhiệm sâu kín của người đại ngộ vượt ngoài sự phân biệt của thường tình. Cách ngoại huyền chỉ, chỉ cho cái ý chỉ vi diệu tự tại vượt ngoài sự tư duy của người thường: Cách ngoại lực lượng, chỉ cho các bậc có căn cơ vĩ đại đã siêu việt tất cả sự đối lập. Bích nham lục quyển 4 tắc 38 (48, 176 ha), nói: Thả câu bốn biển, chỉ câu rồng dữ, Cơ mầu cách ngoại, tìm biết được rồi’’. CÁCH Ô Ý là chiếc hộp Phật hộ thân. Chỉ chiếc hộp nhỏ bằng kim loại mà những người Phật tử Tây tạng và Mông cổ dùng, bên trong có đặt pho tượng Phật nhỏ hoặc là bài chú của Phật để hộ thân. Thông thường hộp được đeo bên cạnh sườn hoặc để trong áo. Các quan quí tộc từ bốn phẩm trở lên, có thể đội trong búi tóc, làm tiêu biểu cho cấp bậc quan chức. CÁCH SINH TỨC VONG Thông thường, những người phàm phu ít phúc đức, hoặc các Bồ tát còn ở giai vị thấp kém lúc mới sinh ra liền quên hết những việc ở đời trước, gọi là cách sinh tức vong (cách đời quên liền). CÁCH TÂY Nói tắt từ tiếng Tây tạng Cách uy hỉ liên. Dịch ý là thiện tri thức.Tương đương với bác sĩ hoặc giáo thụ. Theo chế độ học vấn của phái Cách lỗ thuộc Phật giáo Tây tạng, các học tăng tuần tự học tập năm bộ luận trọng yếu (Hiện quán trang nghiên luận, Nhập trung luận, Giới luật, Câu xá, và trong học trình, cứ mỗi năm vào mùa đông, học luận Nhân minh một tháng), khi học đến luận Câu xá, thì do vị kham bố (trụ trì, người chủ trì) thuộc Trung bộ học viện khảo hạch học lực của học tăng và trao tặng học hàm Cách tây. Tùy theo thành tích tốt nghiệp hơn kém mà chia làm bốn bậc, bậc 1 là Lạp nhiên ba cách tây, bậc 2 là Tào nhiên ba cách tây, bậc 3 là Lâm sắt cách tây, bậc 4 là Nhật nhượng ba cách tây (Độ nhượng ba cách tây).