ca vũ bồ tát

Phật Quang Đại Từ Điển

(歌舞菩薩) Bồ tát hát múa. Có thể chia làm hai loại: Bồ tát ca vũ của mạn đồ la Tịnh độ và Bồ tát ca vũ của mạn đồ la Kim cương giới Mật giáo. Trong các hội vũ nhạc của mạn đồ la Quán kinh (Tịnh độ biến tướng), đều có vẽ Bồ tát ca vũ. Trong bức tranh vẽ trên vách ở hang 139A động Thiên Phật tại Đôn hoàng, ở chính giữa đài có một vị Bồ tát dơ chân làm dáng đang nhảy múa, hai bên tả hữu đều có năm vị Bồ tát ngồi hướng vào nhau cùng tấu nhạc. Trong mạn đồ la Đương ma có vẽ tám đồng tử mầu trắng ở trần đứng trước đài hoặc nhảy múa, hoặc tấu nhạc. Phía sau có hai vị Bồ tát ngồi múa, hai bên đều có bốn Bồ tát ngồi tấu nhạc, gồm tất cả 10 Bồ tát mầu vàng. Về ý nghĩa của bức tranh, theo Đương ma mạn đồ la chú quyển 5 của ngài Chứng không, loại vũ nhạc này biểu thị tham, sân của chúng sinh, lấy tham làm nhạc, sân làm vũ; lấy trí tuệ làm Nội cúng dường, từ bi làm Ngoại cúng dường. Lại lấy từ bi làm sân, trí tuệ làm tham; lấy từ bi làm vũ, trí tuệ làm nhạc. Còn lấy tám vị Bồ tát mới sinh (đồng tử) mầu trắng làm tham dục của chúng sinh. Tức là lấy 10 vị Bồ tát mầu vàng làm sân khuể của chúng sinh. Tức là lấy tham dục của tất cả chúng sinh làm nhạc, vì thế là pháp môn của các phương tiện ví dụ. Có rất nhiều nhạc khí khi hát múa và hình dáng cũng có nhiều loại.Ngoài ra,các Bồ tát ca vũ của mạn đồ la Kim cương giới Mật giáo là chỉ cho bồ tát Kim cương ca và bồ tát Kim cương vũ. (xt. Nội Tứ Cúng Dường).