ca tì la thần

Phật Quang Đại Từ Điển

(迦毗羅神) Ca tì la, Phạm: Kapila. Thần thủ hộ già lam. Cũng gọi Kiếp tỉ la thần, Kiếp tất la thần. Dịch là thần mầu vàng. Một trong bốn Dạ xoa, giữ gìn phương đông. Khi Tam tạng Đàm ma mật đa- nhà dịch kinh đời Tống – đi đến nước Kế tân thuộc bắc Ấn độ, nhờ có đức lớn mà cảm được thần vương Ca tì la đi theo hộ vệ. Đến nửa đường thần này muốn trở lại, mới hiện nguyên hình để từ biệt thiền sư Mật đa và nói (Đại 50, 343 thượng): Thần lực của Ngài biến thông, đi đến tự tại, từ đây tôi sẽ không đi theo Ngài cùng về phương nam nữa. Nói xong, thần Ca tì la biến mất. Ngài Mật đa bèn trở lên chùa Định lâm (cũng gọi chùa Kì hoàn) vẽ tượng vị thần mà Ngài đã thấy lên vách chùa. Lại cứ theo Thường hiểu hòa thượng thỉnh lai mục lục chép, thì vị thần này coi về phúc đức ở thế gian, nếu người đời hết lòng thành khẩn với thần để cầu phúc thì đều được mãn nguyện. [X. kinh Phật mẫu đại khổng tước minh vương Q.trung; kinh khổng tước vương chú Q.hạ; Lương cao tăng truyện Q.3; Thích thị yếu lãm Q.hạ]. CA TÌ LA TIÊN Ca tì la, Phạm: Kapila. Ông tổ của ngoại đạo Số luận. Cũng gọi Kiếp tỉ la tiên, Ca tì la tiên, Khẩn bế la tiên. Gọi đủ là Ca tì la đại tiên. Dịch ý là tiên đầu vàng, tiên giống rùa, tiên mầu đỏ. Vị tiên này râu tóc, sắc mặt đều vàng đỏ nên có tên là tiên vàng đỏ. Tiên Ca tì la sinh vào khoảng thế kỉ VI trước Tây lịch. Khi ông sinh ra tự nhiên đã đủ cả bốn đức: Pháp, Trí, Li dục,Tự tại. Thấy thế gian này mê tối chìm đắm, động lòng đại bi, mới vì bà la môn A tu lợi (Phạm: Asuri) nói nghĩa 25 đế, kế đến, nói pháp cho Ban già thi ha (Phạm: Paĩcazikha) nghe, pháp này gồm 10 vạn bài kệ gọi là Tăng khư luận. Nhưng, theo các học giả hiện nay thì tiên Ca tì la là nhân cách hóa của thần Kim thai (Phạm: iraịyagarbha), chứ về mặt lịch sử thì hoàn toàn không có người đó. Tuy nhiên, thuyết này cũng chưa xác định. [X. kinh Hiền ngu Q.10; luận Kim thất thập Q.hạ; Thành thực luận thuật kí Q.1 phần cuối; Pháp hoa văn cú khoa bản Q.8; Huyền ứng âm nghĩa Q.23]. CA TÌ LA VỆ Phạm: Kapila-vastu, Pàli: Kapilavatthu. Cũng gọi Ca tỉ la bà tốt đồ, Ca tì la bà tô đô, Kiếp tỉ la phạt tốt đổ, Bà đâu thích sí sưu, Ca duy la vệ. Gọi tắt: Ca tì la, Ca duy. Dịch ý là thành đỏ vàng, chỗ ở của người tiên tóc vàng, thành diệu đức v.v… Nay là vùng Tilorakot gần biên giới nước Nepal, là nơi đức Phật ra đời và là đất nước của dòng họ Thích ca. Theo truyền thuyết, thủy tổ của phái Số luận là tiên nhân Ca tì la cũng ở trong thành này, do đó mới lấy tên của ông làm tên nước. Khi đức Phật về già, giòng họ Thích ca ở Ca tì la vệ bị vua Tì lưu li của nước Kiêu tát la giết hại mà suy vong, nên thành này dần dần cũng trở nên hoang phế. Khi ngài Pháp hiển đời Tấn đến đây, thành này đã hoang vu, chỉ có lác đác vài chục nóc nhà. Vào đời Đường, lúc ngài Huyền trang sang Ấn độ, ngài vẫn còn thấy chùa tháp và cột đá lớn do vua A dục tạo dựng. Hiện nay di tích không còn gì, ngoại trừ cây cột đá lớn bị chôn vùi sâu trong đất mới được đào thấy năm 1897. [X. Trường a hàm Q.2 kinh Du hành; kinh Phật bản hạnh tập Q.7; Cao tăng Pháp hiển truyện; Đại đường tây vực kí Q.6; S. Beal: Buddhist Records of The Western World, vol. II; W. W. Rockhill: The life of the Buddha]. CA TÌ MA LA Pham: Kapimala. Tổ thứ 13 (có thuyết nói tổ thứ 12) của Thiền tông Ấn độ. Ngài người thành Hoa thị nước Ma yết đà. Lúc đầu ngài là thầy ngoại đạo thống lãnh 3.000 đệ tử, dùng thần lực nhiễu hại bồ tát Mã minh, nhưng cuối cùng bị luận nghĩa của Bồ tát khuất phục, và xin quy y làm đệ tử Bồ tát. Sau khi được bồ tát Mã minh truyền pháp, ngài đến nam Thiên trúc giáo hóa, soạn luận Vô ngã gồm 100 bài kệ để áp phục ngoại đạo. Sau đến tây Ấn độ, có vị vương tử tên là Vân tự tại cúng dường ngài một hang động trong núi ở phía bắc đô thành để Tôn giả dùng làm nơi ngồi thiền cho tĩnh mịch. Không bao lâu, Tôn giả truyền pháp cho ngài Long thụ để kết thúc nhân duyên hóa độ. [X. Phó pháp tạng nhân duyên truyện Q.5; Phật tổ thống kỉ Q.5; Cảnh đức truyền đăng lục Q.2].