CA-NHĨ-CƯ PHÁI

Từ điển Đạo Uyển


迦爾居派; T: kagyupa [bKa’-brgyud-pa]; dịch nghĩa là “Thánh ngữ tương thừa giả”;

Một trong bốn tông lớn của Phật giáo Tây Tạng. Tông này chủ trương thực hành giáo pháp Ðại thủ ấn (s: mahāmudrā) và Na-rô lục pháp (t: nāro chodrug) của Na-rô-pa (t: nāropa). Vào thế kỉ thứ 11, Mã-nhĩ-ba (t: marpa) là người đưa giáo pháp này từ Ấn Ðộ qua Tây Tạng, truyền cho Mật-lặc Nhật-ba (t: milarepa [mi-la-ras-pa]), rồi Ðạt-bảo Cáp-giải – môn đệ chính của Mật-lặc Nhật-ba – trao truyền các ấn quyết đó trong tông này. Từ tông này phát sinh ra những bộ phái khác như Cát-mã Ca-nhĩ-cư (t: karma-kag-yu). Phái Ca-nhĩ-cư rất chú trọng đến việc tâm truyền tâm, từ Ðạo sư trực tiếp đến đến đệ tử.

Giáo pháp của Ca-nhĩ-cư bắt nguồn từ Bản sơ Phật (s: ādibuddha) Phổ Hiền (s: samantabhadra), được xem là hoá thân của Pháp thân (s: dharmakāya; Ba thân) và được Tai-lô-pa (s: tilopa) truyền cho Na-rô-pa (t: nāropa). Mã-nhĩ-ba (t: marpa) – nhà dịch thuật – mang qua Tây Tạng và người lĩnh hội hết các điểm tinh yếu của giáo pháp này là Mật-lặc Nhật-ba (t: milarepa) sau những năm dài tu khổ hạnh. Trong thế kỉ thứ 12, trường phái này hấp thụ thêm giáo pháp của Cam-đan (t: kadampa) và từ đó trở thành một tông lớn, lấy nơi sinh của người sáng lập là Dag-po Kag-yu làm danh hiệu. Chỉ trong thế hệ sau, tông này đã phân thành bốn nhánh:

  1. Kam-tshang hay Cát-mã Ca-nhĩ-cư (karma-kagyu),
  2. Tsal-pa Kag-yu,
  3. Ba-ram Kag-yu,
  4. Phag-mo Druk-pa Kag-yu. Nhánh cuối cùng (4.) lại chia làm 8 bộ phái, trong đó Druk-pa Kag-yu và Dri-gung Ka-gyu còn tồn tại tới ngày nay.

Một tông phái khác có liên hệ với phái Ca-nhĩ-cư do Khyun-po Nal-jor (sinh 1310) thành lập. Tên phái này là Shang-pa Kag-yu và phái này có một hệ thống Ðại thủ ấn riêng do em gái của Na-rô-pa là Ni-gu-ma truyền lại. Ngày nay truyền thống này vẫn còn tồn tại.