ca đương phái

Phật Quang Đại Từ Điển

(迦當派) Ca đương, tên Tây tạng: Bkah-gdams. Cũng gọi Cam đan phái, Cát đương phái, Giáo sắc phái. Một trong những giáo phái mới của Phật giáo Tây tạng. Giáo phái này lấy ngài A đề sa (Phạm: Atìza,thế kỉ XI) làm tổ khai sáng, rồi qua đến sư Lạc mẫu đông (Tạng: Hbrom-ston-pa, cũng gọi Chủng đôn ba, 1004-1064) đặt vững nền tảng, và do các sư Phác khung ngõa đồng chàng (Tạng: Phu-chuí-ba Gshon-nu rgyal mtshan), Bác đóa ngõa bảo minh (Tạng: Po-to-ba Rin-chen gsal, 1031- 1105) v.v… phát triển rất rực rỡ. Ở Tây tạng, sau thời kì Phật giáo được mở rộng, sự tu học của chư tăng dần dần trở nên hỗn tạp, Hiển giáo, Mật giáo chia rẽ, nhà vua mới thỉnh ngài A đề sa từ Ấn độ vào Tây tạng hoằng pháp. Ngài A đề sa soạn luận Bồ đề đạo đăng nêu rõ lí Hiển giáo, Mật giáo không mâu thuẫn nhau và việc tu hành phải tuân theo thứ tự. Sau khi ngài A đề sa thị tịch, môn đồ phần nhiều nương theo đệ tử của ngài là sư Lạc mẫu đông để tu hành. Niên hiệu Gia hữu năm đầu (1056) đời Tống, sư Lạc mẫu đông xây chùa Lỗ nhậm (Tạng: Rwa-sgreí) ở Trung ương Tây tạng để mở rộng giáo nghĩa của ngài A đề sa. Đệ tử của sư Lạc mẫu đông là Bác đóa ngõa lấy luận Bồ đề đạo đăng của ngài A đề sa làm Thánh điển cơ bản, và thêm các bộ luận khác như: Đại thừa trang nghiêm kinh luận, Bồ tát địa, luận Đại thừa tập bồ tát học, luận Nhập bồ đề hành, luận Bồ tát bản sinh man và luận Pháp tập yếu tạng v.v… gọi là Ca đương lục luận (sáu luận của phái Ca đương) và dựa vào các luận trên để giải thích rõ thứ tự của phép tu bí truyền, nhờ đó mà tiếng tăm phái Ca đương lừng lẫy. Sau sư Lạc mẫu đông, giáo phái này phát triển thành ba hệ phái: 1. Hệ phái Tông điển. (Tạng: Gshuí-pa) của sư Bác đóa ngõa thành lập, lấy tư tưởng Tất cả kinh luận đều là phương tiện để thành Phật, tất cả giáo điển đều là căn cứ của sự tu hành của ngài A đề sa làm tông chỉ, và lấy bảy bộ luận của phái Ca đương làm kinh luận chủ yếu, bởi thế hệ phái này mang đậm sắc thái Hiển giáo. 2. Hệ phái Giáo thụ. (Tạng: Gdams-íag-pa) do các sư Cẩn nga ngõa, Cồ phạ ô (Tạng: Dgon-pa-ba, 1016-1082) và Nạp ô thư lỗ phạ (Tạng: Sĩehu-ur-pa, 1042-1118) thành lập. Hệ phái này lấy Tam sĩ đạo thứ đệ trong luận Bồ đề đạo đăng làm tông chỉ, truyền dạy lí Tứ đế, Duyên khởi, Nhị đế để nêu rõ nghĩa vô ngã. Tất cả kinh điển Đại thừa là chính y, kinh Hoa nghiêm, luận Bảo man của ngài Long thụ, luận Tập học của ngài Tĩnh thiên và luận Nhập học là biệt y. hệ phái này mang đậm sắc thái Mật giáo. 3. Hệ phái Giáo giới, do sư Phác khung ngõa (1031-1106) truyền lại. Hệ phái này lấy việc răn dạy hằng trụ nơi năm niệm làm tông chỉ, lấy phép tu mười sáu điểm sáng làm pháp môn tâm yếu. Từ Ca đương hàm ý là giáo nghĩa của Tam sĩ đạo thứ đệ (Tạng: Lam-rim) trong luận Bồ đề đạo đăng của ngài A đề sa. Ngài A đề sa tinh thông Trung quán của ngài Long thụ, Du già hành của ngài Vô trước, Nhiếp chân thực (Phạm: Tattvasaôgraha= hội đầu của kinh Kim cương đính) và các Đát đặc la Du già khác. Căn bản của sự dạy học và luận đạo của ngài A đề sa và sư Lạc mẫu đông là ở nơi luận Hiện quán trang nghiêm, cho nên quan hệ rất mật thiết với Di lặc ngũ pháp. Điểm này, nếu đối chiếu với phái Ngạch nhĩ đức (Tạng: Dge-lugspa) đời sau lấy Ngũ bộ tụ của ngài Long thụ làm căn cứ giáo học thì lại càng rõ ràng. Lại nữa, các sư Lạc mẫu đông, Bác đóa ngõa đứng trên lập trường Hiển giáo mà truyền bá đạo thứ đệ của ngài A đề sa. So với phái Ca nhĩ cư thì phái này có thái độ phê phán hơn, và ũng đậm sắc thái Hiển giáo hơn. Trung tâm hoạt động của phái này là chùa Thác định…….. (Tạng: Mtho-ldií) ở phía tây và chùa Lỗ nhậm ở trung ương. Từ thế kỉ XI đến thế kỉ XII thế lực rất mạnh. Các giáo phái Tát ca, Ca nhĩ cư, Hi giải v.v… đều có chịu ảnh hưởng của phái này, để rồi về sau chia ra rất nhiều chi phái. [X. Tây tạng Phật giáo đích Ca đương phái (Pháp tôn); Thế giới Phật giáo thông sử (Thánh nghiêm) thiên II chương 3; L. A. Waddell: The Buddhism of Tibet; H. Hoffmann: Die Religionen Tibets (The Religions of Tibet)].