BƯỚC ĐẦU HỌC LUẬT

Sa môn Tự  Tổ hiệu Nguyên Hiền
ở đất Cổ Sơn Phúc Châu thuật vào đời nhà Minh.
Thích Thiện Phước dịch

QUYỂN TRUNG

KẾT GIỚI

Chỗ ở của Tỳ kheo trước phải kết giới, bởi vì khi yết ma thuyết giới, thọ giới, trị tội… điều nương theo giới mà lập; nếu không có giới thì các pháp yết ma đều không thể thành tựu; người kết giới nên đánh kiền chùy tập chúng không cho dự dục, trước xướng định giới tướng bốn phương, hoặc núi, hang, sông, ruộng, vườn, hoặc thôn phường, rừng cây, hang đá… rồi sau mới bạch nhị yết ma, nên bạch rằng: “Đại đức Tăng lắng nghe, nay ở trụ xứ này, từ hướng Đông đến… Tây đến… Nam đến… Bắc đến… Nếu thời gian thích hợp với Tăng, Tăng lòng cho, nay ở một trụ xứ đây một lần thuyết giới kết giới, bạch như thế. Đại đức Tăng lắng nghe, nay ở trụ xứ này, từ hướng Đông… đến v.v…  nay ở một trụ xứ này một lần thuyết giới kết giới, các trưởng lão nào bằng lòng cho Tăng ở trong một trụ xứ này một lần thuyết giới kết giới thì im lặng, ai không bằng lòng thì nói. Tăng bằng lòng vì im lặng, việc này xin ghi nhận như vậy”.

Có trụ xứ đất rộng người đông, các Tỳ kheo đến xây phòng ở, hoặc dưới gốc cây, hoặc hang đá, ở rải rác khắp nơi, cách thức kết đại giới cũng như trên, chỉ sửa “kết giới” làm “kết đại giới”, sửa “một trụ xứ, một thuyết giới” thành “đồng một trụ xứ, đồng một thuyết giới”, ngoài ra tất cả đều giống nhau.

Chúng năm người, chúng mười người, chúng hai mươi người nhưng không thể đi xa để thuyết giới thì cho ở trong nội tướng đại giới trường, trước hết xướng định tướng của tiểu giới hoặc núi, sông , vách nhà… bạch yết ma như trước, chỉ sửa “kết đại giới” thành “kết tiểu giơi”, “đồng nhất trụ xứ, đồng nhất thuyết giới”, thành “trong bốn phương tiểu giới này kết làm giới trường”, ngoài ra đều giống như trước.

Nếu có các Tỳ kheo muốn nới giới hẹp thành giới rộng, thu giới rộng thành hẹp thì trước hết phải giải giới rồi sau mới tùy ý kết rộng hẹp. Giải đại giới cũng phải bạch nhị yết ma, bạch rằng: “Đại đức Tăng nghe, Tỳ kheo này đồng một trụ xứ đồng một thuyết giới, nếu thời gian thích họp với Tăng, Tăng bằng lòng cho nay giải giới, bạch như thế. Đại đức Tăng lắng nghe, các Tỳ kheo này đồng một trụ xứ đồng một thuyết giới, nay giải giới, ai trong các trưởng lão…” nào phần sau nên tự biết, phương pháp giải tiểu giới cũng giống như thế.

Nếu Tỳ kheo ở hai trụ xứ muốn kết cùng một thuyết giới, cùng một lợi dưỡng thì trước hết phải giải giới, nên nhóm Tăng ở một chỗ, không được nhận dục, nên xướng phạm vi bốn phương của giới tướng rồi sau mới bạch nhị yết ma, cũng như trước, nhưng câu: “Ở trong tăng bằng lòng cho” đến đoạn sau: “Ở trú xứ nào, nơi nào kết cùng một lợi dưỡng cùng một thuyết giới, bạch như thế”. Cho đến phần sau yết ma nên tự biết.

Hoặc có hai trú xứ Tăng muốn thuyết giới riêng, lợi dưỡng chung, thì trước hết phải giải giới bạch nhị yết ma, phương pháp bạch cũng như trước nhưng câu: “Trong Tăng bằng lòng cho” đến đoạn sau sửa thành: “Ở nơi nào, kết nơi nào cùng một thuyết giới, riêng lợi dưỡng, bạch như thế”. Ngoài ra các yết ma khác nên tự biết.

Hoặc có hai trú xứ Tăng muốn thuyết giới riêng, lợi dưỡng chung, vì muốn giữ gìn trú xứ đó, phương pháp bạch cũng như trước, nhưng ở câu: “Tăng bằng lòng cho” trở về sau sửa rằng: “Ở nơi nào, nơi nào kết giới riêng, lợi dưỡng chung, vì để giữ gìn trú xứ vậy”, ngoài ra, có thể biết.

Hoặc có hai trú xứ Tăng thuyết giới chung, lợi dưỡng chung, sau lại muốn thuyết giới riêng, lợi dưỡng riêng, trước hết phải cùng nhau giải giới rồi sau mới kết các giới khác. Nếu tỳ kheo đang đi ở trong thôn xóm xa xôi hay trong đồng trống, nhằm ngày Bố tát, phải hòa họp ở một chỗ cùng nhau thuyết giới, nhưng phải kết tiểu giới, bạch nhị yết ma, rằng: “Đại đức Tăng lắng nghe, nay có bao nhiêu Tăng nhóm họp, nếu thời gian thích  hợp với Tăng, Tăng bằng lòng, kết tiểu giới bạch như thế”. Cho đến pháp bạch yết ma sau nên tự biết, và khi đi phải bạch nhị yết ma giải giới. Phàm có duyên sự phải ra khỏi giới tác bạch yết ma cũng đều căn cứ theo đây. Tiểu giới không có giới tướng của bốn phương, tức là chỉ căn cứ phạm vi số người ngồi hay đứng để kết giới thôi.

BỐ TÁT

Bố tát là lược nhầm từ tiếng Phạn, nói đủ là Bát Đa Đế Đề Xá Na Mị, Trung Hoa dịch là hướng với nhau nói tội, tức là trong mỗi nửa tháng thuyết giới hỏi sự thanh tịnh nhau vậy. Phàm làm Tăng sĩ cùng ở một trụ xứ phải lập một giới đường vào những ngày bạch nguyệt, hắc nguyệt, mười bốn, rằm các tỳ kheo trẻ tuổi nên đi đến nhà thuyết giới trước, để rưới nước quét dọn, trải tọa cụ, (thay) nước sạch, đốt đèn… sắp đặt tất cả những vật cần thiết. Khi đến giờ thuyết giới thì sai một tịnh nhơn hay Sa Di đánh ba hồi kiền chùy, các tỳ kheo vân tập hết vào giới trường chỉ trừ người chưa thọ giới và người đã thọ giới mà phạm tội chưa sám hối thì không cho vào nghe, hoặc người có duyên bệnh, hoặc có Tăng sự đúng như pháp thì phải cho dự dục. Nếu những Tăng sự nhỏ nhặt không đúng như pháp thì không cho dự dục, những người hiện tiền cùng nhau vân tập đây được quyền ngăn mà không ngăn, thế mới gọi là Tăng vân tập một cách hòa họp.

Trong Tăng cử một người có thể yết ma nói giới, người nói giới ngồi ở tòa cao, người nghe ngồi tòa thấp, tất cả đều mặc y bảy điều, cứ theo thứ lớp mà ngồi. Nếu không có duyên sự làm trở ngại thì nên đọc hết giới bổn, còn có duyên sự làm trở ngại thì tùy theo đến chỗ nào… mà dừng. Ngoài ra thì nói rằng: “Đây là những việc Tăng thường nghe”. Hoặc có những việc gấp không thể tụng được thì liền rời khỏi tòa, hoặc người có thế lực muốn đến nghe giới, thì nên tụng trước một ngày, hoặc nán lại tụng vào ngày sau, hoặc ngay trong lúc tụng họ tới thì liền ngưng lại nói: “Đây là những việc Tăng thường nghe”. Hoặc họ ép buộc phải đọc cho hết thì nên tụng đảo lộn thứ tự của các câu khiến cho họ nghe nhưng không hiểu.

Tỳ kheo thuyết giới nếu có bỏ sót, tụng sai thì vị Tỳ kheo ngồi kế bên nên trao cho lời dạy, hoặc có sự duyên không thể tụng hết được thì vị Tỳ kheo ngồi kế bên phải tụng thay.

Nếu đến ngày tụng giới, tất cả Tỳ kheo đều không thể tụng được thì nên lược tụng các bài kệ của bảy vị Phật, nếu lại không ai tụng được thì nên tụng câu:

“Chẳng làm các điều ác
Nên làm các việc lành
Giữ tâm ý trong sạch
Đó là lời Phật dạy”

        Phật dạy Tỳ kheo năm hạ nên học thuộc lòng giới bổn, nếu không tụng thuộc giới thì nên như pháp mà trị tội, nếu không thì trọn đời không được lìa thầy y chỉ.

Nếu trú xứ chỉ có một Tỳ kheo, thì vào  ngày thuyết giới nên đến nhà thuyết giới rưới quét sạch sẽ, trải tọa cụ, (thay) bình nước sạch, đốt đèn dầu, Cụ Xá La; như có tỳ kheo khách đến đủ số bốn người hoặc hơn thì nên bạch yết ma rồi sau mới nói giới, mỗi người hướng với nhau nói rằng: “Nay ngày mười lăm Tăng thuyết giới, tôi tỳ kheo… thanh tịnh”. (Nói như vậy ba lần”. Nếu chỉ có một người thì tâm nghĩ miệng nói, cũng nói 3 lần như vậy. Nếu ba người thì không được nhận người thứ tư thuyết dục và thanh tịnh. Nếu hai người thì không được nhận người thứ ba thuyết dục và thanh tịnh. Nếu một người thì không được nhận người thứ hai thuyết dục và thanh tịnh, tất cả đều nên tự nói.

Ngày thuyết giới có khách Tỳ kheo đến, nếu khách Tỳ kheo ít thì nên theo cựu Tỳ kheo cầu xin hòa họp đồng thuyết giới. Khách Tỳ kheo đến bằng số cựu Tỳ kheo, cũng nên theo cựu tỳ kheo cầu xin hòa họp đồng thuyết giới. Cựu tỳ kheo ít khách Tỳ kheo nhiều thì cựu Tỳ kheo nên theo khách Tỳ kheo cầu xin hòa họp cùng thuyết giới.

Nếu đến ngày thuyết giới, cựu trú Tỳ kheo nhóm họp nói lời tựa của giới kinh, mà có khách Tỳ kheo đến với số lượng ít thì nên bạch rằng thanh tịnh, rồi theo thứ tự ngồi xuống để nghe giới. Nếu đã thuyết giới xong, đại chúng đều giải tán, cũng nên nói rằng thanh tịnh, bằng không thì nên như pháp mà trị. Nếu khách Tỳ kheo đến bằng số cựu Tỳ kheo, hoặc nhiều hơn số cựu Tỳ kheo thì phải thuyết giới lại, bằng không thì nên như pháp mà trị. Nếu cựu Tỳ kheo thuyết giới, cựu trú Tỳ kheo đến hoặc ít hoặc bằng hoặc nhiều cũng như trước, hoặc khách Tỳ kheo thuyết giới, cựu trú Tỳ kheo đến hoặc ít hoặc bằng hoặc nhiều cũng giống như trước.

Tỳ kheo Bồ tát nên làm pháp Bố tát riêng. Người chưa thọ giới Bồ Tát thì không cho nghe, người phạm giới chưa thanh tịnh cũng không cho nghe, mỗi nửa tháng hướng tới hình tượng chư Phật, Bồ Tát tụng mười giới trọng bốn mươi tám giới khinh. Nếu có một người thì một người tụng, nếu hai, ba cho đến trăm ngàn cũng một người tụng, người tụng nên ngồi trên tòa cao, người nghe ngồi ở tòa thấp, tất cả đều mặc y chín điều, bảy điều, năm điều,  theo thứ lớp mà ngồi. Nếu  có người phạm tội thì tự mình phải  ra trước đại chúng thú tội, phạm mười giới trọng thì nên cho sám hối, ngày đêm sáu thời tụng mười giới trọng bốn mươi tám giới khinh, thành khẩn đảnh lễ ba đời chư Phật, đến khi thấy được hảo tướng, hoặc ánh hào quang, hoặc hoa báu thì tội liền tiêu diệt, còn phạm tội khinh thì chỉ cần đối thú phát lồ  thì tội liền tiêu diệt.

Tỳ kheo Bồ tát cũng phải nghe thuyết Tỳ kheo giới, nếu không nghe thì mắc tội vượt pháp, vì nhiếp luật nghi giới là gồm nhiếp tất cả. Hơn nữa, những phép tắc Phật chế trong Tăng đều căn cứ vào pháp thanh văn mà kiến lập, đã cùng nhau ở chung thì  phải cùng nghe, chỉ vì trong đó có khai ngăn không đồng, khinh trọng đều khác, do đó mà hạnh nguyện cũng sai biệt vậy.

THUYẾT DỤC

Thuyết dục tức là đến ngày thuyết giới nhưng có các Tỳ kheo vì Tăng sự như pháp, hoặc bị bệnh, ý muốn đến mà không đến được bèn đem ý muốn này chuyển trao cho người nói giùm. Nên đầy đủ oai nghi đến chỗ người có thể chuyển ý muốn, bạch rằng: “Đại đức một lòng nghĩ, con tỳ kheo… có Tăng sự như pháp xin gởi dục và thanh tịnh”. Người chuyển dục kia đến trong Tăng, khi Tăng hỏi: “Có người nào thuyết dục và thanh tịnh không?”. Vị ấy, đi ra trước chúng sửa sang oai nghi, bạch rằng: “Hôm nay Tỳ kheo… có Tăng sự như pháp đã gởi dục và thanh tịnh”. (Nói một lần). Nếu có người bệnh không thể đến được, lại không có người để mang ý muốn đến  thì trong Tăng nên sai người đến nhận dục, người bệnh nên nói: “Tôi… vì duyên bệnh xin gởi dục và thanh tịnh”, người nhận dục trở về trong Tăng cũng nói y như thế.

Nếu người nhận dục kia, khi nhận dục xong, hoặc có duyên sự khác không thể đến trong Tăng nói thì cũng nên cho gởi dục lại, hoặc có người nhận dục xong đã đến trong tăng nhưng vì ngủ quên hoặc nhập định hoặc qua đời, nếu như không cố ý làm thì cũng thành pháp dự dục, nếu cố không nói thì mắc tội Đột Kiết La.

Người nhận dục của một người rồi, lại cũng được nhận dục của một người khác nữa, đến trong Tăng bạch: “Tỳ kheo… (mỗ giáp), Tỳ kheo… (mỗ giáp), vì có Tăng sự như pháp nên đã gởi dục thanh tịnh” hoặc nhiều quá không thể kể tên từ người một thì chỉ bạch rằng: “Nay có số đông tỳ kheo có Tăng sự đúng như pháp đã gởi dục và thanh tịnh”.

Nếu có Tỳ kheo bị bệnh không thể gởi dục thì nên khiêng đến trong Tăng, như không thể di chuyển thì đại chúng phải đến chỗ người bệnh để thuyết giới.

Hoặc có Tỳ kheo đã gởi dục xong, nhưng việc đó bỗng nhiên đình chỉ thì phải đến nghe giới, nếu không đến thì như pháp mà trị.

Nếu khi trong Tăng tự tứ nên nói: “Gởi dục tự tứ”. Ngoài ra, lời lẽ đều giống nhau. Phàm trong Tăng tác pháp yết ma tập chúng, người không thể đến đều phải gởi dục, chỉ trừ yết ma kết giới thì không cho dự dục. Do vậy, kết giới phải nhóm hết cả đại chúng.

AN CƯ

An cư : Ban đầu Phật chế an cư ba tháng mùa hạ là để hộ sanh, vì trong mùa hạ phạm vi đất đai một thước vuông đều có trùng, nên Phật chế ra pháp an cư vậy. Kết vào ngày mười sáu tháng tư và giải vào ngày mười lăm tháng bảy. Nên bạch với người mình nương tựa rằng: “Đại đức một lòng nghĩ, con tỳ kheo mỗ giáp… nay tiền an cư ba tháng, phòng xá hư đã sửa sang” (nói ba lần). Người kia bảo: “Nên biết, chớ có buông lung”. Đáp: “Xin thọ trì”. Nếu không có ai để nương tựa thì tâm niệm rằng: “Con Tỳ kheo nương tựa vào Tăng già lam tiền an cư ba tháng. Hậu an cư là đổi chữ tiền thành hậu, ngoài ra văn bạch đều giống nhau. Nếu đến chỗ an cư mà quên không kết cũng thành pháp an cư. Lại nữa, khi mới đến nơi ấy thì liền thành an cư.

Minh Liễu Luận chép: Chỗ không có năm điều lỗi thì được ở trong đó an cư:

1/ Quá xa tụ lạc, vì việc khất thực khó được.

2/ Quá gần thành thị, vì trở ngại đường tu.

3/ Chỗ quá nhiều muỗi, kiến, mình và đại chúng đều tổn hại.

4/ Không thể nương tựa vào người không đủ năm đức, người phải có đủ năm đức mới có thể nương tựa.

5/ Không có thí chủ cung cấp thuốc, y phục, đồ ăn uống.

Có đủ năm đức là:

1/ Chưa nghe khiến cho được nghe.

2/ Đã nghe khiến cho được thanh tịnh.

3/ Có thể quyết nghi cho mình.

4/ Khiến cho mình thông đạt không bị đình trệ.

5/ Trừ tà kiến được chánh kiến.

Phàm người an cư không nhất định phải ở trong chùa, mà có thể ở những nơi như : A Lan Nhã,  dưới gốc cây, trong bọng cây, trong hang đá, trong nhà nóc nhọn, trên thuyền nhưng ở trên phải không đụng đầu. Chỗ ngồi có thể lọt đầu gối thì đều được an cư, nhưng cần phải lìa năm điều lỗi trước. Tỳ kheo ni không an cư phạm Ba Dật Đề, ngoài ra bốn chúng khác không an cư phạm Đột Kiết La.

Người tác pháp an cư vào ngày mười sáu tháng tư gọi là tiền an cư, còn vào ngày mười bảy tháng tư đến mười lăm tháng năm gọi là hậu an cư. Tiền an cư là ở trong  ba tháng trước, còn hậu an cư là ở trong ba tháng sau, nhưng tất cả đều phải đủ chín mươi ngày, không đủ thì không được tính tuổi hạ. Người tiền an cư tự tứ, người hậu an cư cũng đồng tự tứ, nhưng tiền an cư tự tứ rồi là được tính thêm một tuổi, còn người hậu an cư thì không được, do vì chưa đủ chín mươi ngày. Người tiền an cư phân chia vật, người hậu an cư cũng được phân chia, nhưng phải ở lại cho đủ số ngày.

(Lại có thuyết nói: “Có ba loại an cư:

        1/ Mười sáu tháng tư gọi là tiền an cư.

2/ Mười bảy đến mười lăm tháng năm là trung an cư.

3/ Mười sáu tháng năm gọi là hậu an cư.

Nhưng tất cả đều đủ số chín mươi ngày mới được tính tuổi hạ).

Trong thời gian an cư nếu có duyên sự như pháp bắt buộc phải đi, thì nên về liền trong ngày, bằng không thể về kịp trong ngày thì cho thọ pháp bảy ngày, đến ngày thứ bảy thì phải trở về. Pháp thọ là đối thú tự bạch rằng: “Đại đức một lòng nghĩ, con… thọ pháp bảy ngày vì việc… việc xong về lại trong đây an cư” (Nói một lần).

Nếu duyên sự không thể trở về trong bảy ngày thì cho thọ pháp hơn bảy ngày, hoặc mười lăm ngày, một tháng, bạch nhị yết ma rằng: “Đại đức Tăng nghe, nếu thời gian thích hợp với Tăng, Tăng bằng lòng cho con mỗ giáp… thọ pháp hơn bảy ngày, hoặc nói rằng mười lăm ngày… một tháng,  vì duyên sự mỗ giáp… việc xong sẽ trở về trú xứ này an cư”. Bạch như thế, văn yết ma tự nên biết, nhiều người thì có thể yết ma chung. Nếu tỳ kheo an cư rồi, thọ pháp bảy ngày ra ngoài giới, quá bảy ngày mới trở về, tỳ kheo kia kể như phá tiền an cư, trái với điều Phật dạy, mắc tội. Nếu tỳ kheo an cư rồi, (đến bảy ngày) cuối cùng thọ pháp bảy ngày ra ngoài giới, dù có trở về hay không đều không phá tiền an cư, không trái với lời Phật dạy, cũng không mắc tội.

Nếu Tỳ kheo thọ pháp bảy ngày ra ngoài giới, lại bị mẹ giữ lại hơn bảy ngày mới trở về, nhưng không mất tuổi hạ. Nếu Tỳ kheo thọ pháp bảy ngày ra ngoài giới vì đường xá chẳng thông, bị nạn giặc, ác thú… hơn bảy ngày mới trở về, không mất tuổi hạ.

Nếu Tỳ kheo an cư rồi thấy trong đó có mạng nạn, tịnh hạnh nạn, nên đến nói với người đàn việt xin dời đi, người kia cho thì tốt, bằng  không cho thì liền phải vì việc này mà bỏ đi, hoặc chỗ đó có nhiều độc trùng e rằng làm tổn thương sanh mạng, phải vì việc này mà bỏ đi, như thế thì không phá an cư.

Hoặc có Tỳ kheo an cư một mình, nếu thọ pháp bảy ngày, nên tâm nghĩ miệng nói rằng: “Con Tỳ kheo… nay thọ pháp bảy ngày”. Hoặc bạch rằng: “Hơn bảy ngày… ra ngoài giới vì duyên sự… trở về lại trụ xứ này an cư” (Nói ba lần).

TỰ TỨ

Chữ tứ là mặc cho người khác nêu ra lỗi của mình trong chín tuần tu tập, tinh luyện thân tâm. Con người ta phần nhiều mờ tối, không tự thấy rõ tội lỗi mình, nay mặc để cho Tăng nói ra lỗi lầm của mình cho nên gọi là tự tứ. Chín tuần cấm túc đã mãn, ngày mười lăm tháng trăng sáng tự tứ, nếu có Ni đến thì tự tứ ngày mười bốn, Ni tự tứ ngày mười lăm. Ngay trong ngày đó hoặc lúc tiểu thực, hoặc giờ ngọ trai đến nhà thuyết giới, đánh kiền chùy tập chúng, người chưa thọ đại giới thì không cho vào. Thầy chấp sự bạch rằng: “Đại đức Tăng lắng nghe, nay ngày mười lăm tháng có trăng, chúng Tăng nhóm họp nơi… tự tứ”. Khi Tăng đã vân tập, trước nên sai hai người nhận tự tứ, hai người ấy phải  đủ năm đức:

1/ Năm đức tự tứ : Không ái, không sân, không bố, không si, biết đã tự tứ hay chưa tự tứ.

2/ Năm đức cử tội : Biết thời không cho là phi thời, như thật không cho là hư vọng, có lợi ích không cho là không có lợi ích, nhu nhuyến không cho là thô tháo, từ tâm không cho là sân khuể.

Nếu chúng đông thì sai một lượt hai người, nếu chúng ít thì chỉ sai một người bạch nhị yết ma, bạch rằng: “Đại đức Tăng lắng nghe, nếu thời gian thích hợp với Tăng, Tăng bằng lòng cho, sai tỳ kheo… làm người nhận tự tứ, bạch như thế”. Văn yết ma có thể biết. Bạch yết ma xong, hai người nhận tự tứ mới từ tòa đứng dậy đến trước thượng tòa lễ dưới chân rồi bạch rằng: “Đại đức Tăng lắng nghe, nay là ngày chúng Tăng tự tứ, nếu thời gian thích hợp với Tăng, Tăng bằng lòng cho, Tăng hoà họp tự  tứ, bạch như thế”. Hai người nên bày vai phải, mở giày dép, quì xuống chấp tay đến trước thượng tòa bạch tự tứ, nên bạch rằng: “Bạch Đại đức chúng Tăng, nay là ngày tự tứ, con tỳ kheo… cũng tự tứ, nếu có thấy nghe nghi có tội cúi xin đại đức trưởng lão xót thương chỉ bảo, nếu con thấy có tội nên như pháp mà trị”. (Nói ba lần).

Chúng Tăng lần lượt nên lìa khỏi tòa tự tứ xong, hai người nên đến trước tòa bạch rằng trong Tăng một lòng tự tứ xong, bèn như phép thường mà lui. Nếu có người già bệnh, tùy theo chỗ ngồi đối trước hai người nói.

Hoặc ngày tự tứ có tám nạn khởi lên không thể rộng nói thì nên lược nói hai hoặc một, hoặc tất cả cùng nói ba lần. Nếu gặp nạn sự gấp không thể nói ba lần thì phải vì việc nạn này mà giải tán.

Nếu bốn người trở xuống thì nên đối thú như pháp, phải tập họp cùng nhau tự tứ, tất cả đều bạch rằng: “Đại đức một lòng nghĩ, hôm nay chúng tăng tự tứ. Con Tỳ kheo… thanh tịnh”. (Nói ba lần). Nếu ba người, hai người cũng căn cứ theo pháp này.

Nếu trú xứ chỉ có một người vào ngày tự tứ phải đến nhà thuyết giới, rưới quét, trải tọa cụ… đợi khách tỳ kheo, nếu không có khách tỳ kheo nên tâm nghĩ miệng nói rằng: “Ngày hôm nay chúng tăng tự tứ, con tỳ kheo… thanh tịnh”. (Nói ba lần).

Sau khi tự tứ thì được thêm một tuổi, thêm một tuổi là người xuất gia không lấy năm sanh để tính tuổi mà phải lấy ngày mãn hạ tính thêm một tuổi. Nếu như người đó có phạm lỗi phá an cư, thì không được một tuổi. Bắt đầu từ ngày mười sáu tháng bảy lại gọi rằng “lạp”, nghĩa là giao tiếp, ý nói ngày mười sáu tháng bảy chính là ngày giao tiếp giữa tuổi mới và tuổi cũ vậy.

THỌ DƯỢC

Phật dạy thuốc có bốn loại:

1/ Thuốc đúng thời.

2/ Thuốc phi thời.

3/ Thuốc bảy ngày.

4/ Thuốc trọn đời.

* Thuốc đúng thời có hai loại:

1/ Thức ăn Bồ Xà Ni, nghĩa là cơm, bún, bánh khô…

2/ Thức ăn Pháp Xà Ni, nghĩa là cành lá, hoa quả và những thức vụn vặt.

Hai loại thức ăn này từ khi minh tướng xuất hiện cho đến nửa ngày đều có thể ăn, đây chính là thức ăn đúng thời. Người nhận thức ăn này:

1/ Phải phân biệt là thức ăn hay chẳng phải là thức ăn.

2/ Phải có tâm thí xả.

3/ Phải trao cho đúng như pháp thì mới có thể nhận thức ăn.

* Thuốc phi thời:

Khi qua giờ ngọ thì không được ăn hai loại thức ăn trước. Nếu như có duyên bệnh Phật cho dùng nước trái cây ép như: Lê, táo, mía…. Nếu không làm cho người say thì nên uống phi thời, cũng không nên hôm nay nhận nước trái cây ép để đến ngày hôm sau, nếu uống thì như pháp mà trị.

Luật Ngũ Phần lại khai cho được uống mật ong, nếu các loại nước lắng trong, màu sắc giống như nước bình thường, do vì nước đã lắng trong nên được nhận từ tay tịnh nhơn, rồi đối với một Tỳ kheo nói pháp thọ: “Đại đức một lòng nghĩ, con tỳ kheo mỗ giáp… nay vì bệnh khát, đây là nước… vì muốn uống phi thời. Nay ở trước Đại đức thọ nhận” (Nói ba lần). Nếu không có bệnh khát, thì người uống mắc tội.

* Thuốc bảy ngày:

Phật dạy năm loại tô, du, sanh tô, mật, đường phèn. Có nhân duyên bệnh thì cho uống phi thời, lại thêm pháp thọ rằng: “Đại đức một lòng nghĩ, con Tỳ kheo mỗ giáp… nay vì duyên bệnh… thuốc bảy ngày này là loại tô… vì muốn cùng ngủ chung để uống trong bảy ngày, nay đối trước đại đức con xin thọ” (Nói ba lần). Nếu chứa quá bảy ngày thì mắc tội.

* Thuốc suốt đời:

Những vật có vị mặn, đắng, chua, cay không thể dùng tùy tiện, tức là những loại như gừng, tiêu và hoàn tán. Phật cho dùng thuốc suốt đời, lại thêm pháp thọ rằng: “Đại đức một lòng nghĩ, con tỳ kheo mỗ giáp… nay vì duyên bệnh, những thứ… đây là thuốc suốt đời vì muốn ngủ chung để uống trong thời gian lâu dài, nay đối trước đại đức xin thọ nhận” (Nói 3 lần).

CHIA VẬT CỦA TĂNG QUA ĐỜI

Năm chúng nếu mất, tất cả những y vật không thể riêng có được, vốn thuộc về Tăng. Do vì tài vật của người xuất gia hẳn từ nơi Tăng mà ra, Phật pháp vốn không có phần, cho nên mới nhập vào của Tăng. Nhưng Tăng có bốn phương và hiện tiền khác nhau, vật cũng có khinh trọng sai khác, pháp phân vật được kể đủ như sau:

  1/ Xét người qua đời có thiếu nợ không:

Phật dạy, nên hỏi người nuôi bệnh, ai thiếu nợ tài vật người bệnh, người bệnh thiếu nợ tài vật ai? Nếu như người khác thiếu nợ tài vật người bệnh thì phải đòi để sung vào của Tăng. Nếu người bệnh thiếu nợ tài vật của người khác thì nên đem y dư trả, bằng không thì bán cả ba y mà trả, nếu có dư  thì cho người nuôi bệnh.

 2/ Hỏi trao lời di chúc.

Phật dạy, nên hỏi người nuôi bệnh rằng, người bệnh có trao lời di chúc không, hoặc hỏi rằng người bệnh lúc lâm chung có nói, sau khi tôi mệnh chung vật này cúng cho Phật, pháp, tăng, tháp, người. Hoặc sau khi tôi qua đời nên cho người… Phật dạy nên lấy lại và phân chia cho hiện tiền Tăng.

Luật Ngũ Phần chép: “Nếu lúc còn sống đã hứa cho người mà họ chưa mang đi thì Tăng nên bạch nhị yết ma để cho”.

     3/ Lúc xả vật.

Luật Tăng Kỳ chép: “Nếu người bệnh qua đời, nên đem cái móc cửa (chìa khóa) trao cho vị Tăng tri sự, rồi sau cúng dường xá lợi”.

Luận Tỳ Ni Mẫu chép: “Trước hết đem người mất tẫn liệm, đưa đi an táng xong, chư Tăng trở về chùa mang y vật của vị mất ra để ở trước Tăng, người đem đến bạch rằng: Đại đức Tăng lắng nghe… Tỳ kheo…  ở trú xứ này mạng chung, những y vật có được, giờ đem chia cho hiện tiền Tăng ở trú xứ này, nói như thế ba lần rồi xả”.

        4/ Chia vật khinh trọng (tốt xấu).

Phật dạy, nếu năm chúng có người qua đời, tất cả những vật mà họ có được đều thuộc về của Tăng, nếu có ruộng vườn, trái, cây và những phòng xá khác cho đến những vật như bình đồng, vò đồng, búa, đục, đèn, đài, giường dây, nệm ngồi, nệm nằm, thảm lông, xe kiệu, người giữ  Tăng già lam, bình nước, chậu rửa, tích trượng, bát bằng thiếc, bát gỗ, bát nung, túi da, gậy trúc và các loại vật có giá trị, đều không được phân chia, vì thuộc bốn phương tăng. Trong chúng nên sai một người phân chia những vật có thể chia, còn những vật không thể chia thì để riêng một chỗ.

      5/ Thưởng cho người nuôi bệnh:

Phật dạy, người nuôi bệnh phải đầy đủ năm pháp. Người mà thành tựu được năm pháp này thì nên cho y vật của người bệnh. Năm pháp đó là:

– Biết người bệnh ăn được hay không.

– Không nhờm gớm người bệnh đại tiểu tiện, khạc nhổ, ói mửa.

– Có lòng thương xót, không vì cơm áo.

– Lo liệu thuốc thang cho đến khi hết bệnh hoặc qua đời.

– Có thể nói pháp cho người bệnh nghe, để cho mình được thêm điều lợi ích ở trong pháp lành.

Luật Tăng Kỳ có bốn loại:

– Làm tạm.

– Vì Tăng sai mà làm.

– Tự mình thích làm phước.

– Tà mạng làm.

Như vậy thì đều không hợp với phần thưởng. Nếu  vì đem lại lợi ích cho người bệnh, muốn họ mau hết bệnh, nhẫn đến đốt đèn hơ nóng, giả như người bệnh mạng chung thì cũng được thưởng.

Luật Ngũ Phần chép: “Nhiều người nuôi bệnh thì cũng chia cho  đồng đều”.

Bộ Ma Đắc Lặc Già chép: “Bạch y nuôi bệnh cũng nên cho chút ít”.

Phật dạy, người nuôi bệnh nên cho sáu vật: Ống đựng kim, túi đựng y… Nên bạch nhị yết ma rằng: “Đại đức Tăng lắng nghe, tỳ kheo… đã qua đời, có ba y và các vật khác, nên phân chia cho hiện tiền Tăng, nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng bằng lòng cho, Tăng nay cho vật… tỳ kheo nuôi bệnh bạch như thế”. Văn yết ma như trên có thể biết.

      6/ Phân chia vật kém giá trị.

Nếu năm người sắp lên cùng ở một chỗ, có một người chết, nên làm phép triển chuyển phân vật, trong Tăng sai một người bạch nhị yết ma, bạch rằng: “Đại đức Tăng lắng nghe, tỳ kheo… qua đời, có để lại những y vật, nên chia cho hiện tiền Tăng. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng bằng lòng, nay đem những vật này cho tỳ kheo…  nên hoàn lại cho Tăng, bạch như thế”. Văn yết ma có thể biết. Tác pháp như thế xong, tùy theo hiện tiền Tăng nhiều ít mà lấy y vật của vị Tăng qua đời căn cứ theo số lượng mà chia, nếu khách Tăng đến thì cũng được phần, nhưng việc chia y đã vào tay người hiện tiền rồi,  người mới đến sau thì không được phần.

Luật Ngũ Phần chép: “Nếu không đủ thì hòa Tăng cho Tỳ kheo không có y, nếu chỉ có một y rất tốt thì không được cắt rọc, nếu tất cả đều có thì đi từ trên xuống, người nào cần thì cho”.

Nếu bốn người ở chung mà chết một người, thì nên làm phép chia liền, phải thưởng cho người nuôi bệnh. Nếu chỉ có ba người thì miệng hòa họp đem y phân phó rằng: “Chư đại đức nhớ nghĩ, nay đem y bát… của Tỳ kheo qua đời này cho tỳ kheo nuôi bệnh” (Hỏi 3 lần). Ngoài ra những vật kém giá trị khác nên bạch nhị yết ma rằng: “Đại đức Tăng nghe, nếu thời gian thích họp đối với tăng, tăng bằng lòng cho, Tỳ kheo… qua đời, có những y vật nên phân cho hiện tiền tăng, bạch như thế”. Văn yết ma có thể biết. Khách Tỳ kheo đến cũng giống như trên.

Nếu ba người cùng ở mà mất hết một người thì chia cho nhau, nên thưởng cho người nuôi bệnh, hai người khẩu hòa, đem y ra phân phó nói giống như trên. Ngoài ra, những vật kém giá trị khác, hai người ba lần nói rồi chia cho nhau, nên nói: “Đại đức lắng nghe, Tỳ kheo mỗ giáp… qua đời, y vật này thuộc về của chúng ta” (Nói ba lần)Khách Tỳ kheo có đến cũng giống như trên.

Hai người cùng ở chung, một người qua đời, người còn lại tay cầm y miệng  tự nói: “Y vật này của Tỳ kheo… qua đời, y vật này thuộc về  phần ta” (Nói 3 lần)Nếu có khách Tỳ kheo  đến thì không được cho vì tay đã cầm y rồi vậy.

Nếu có người vì người bệnh tìm cầu thuốc thang, áo cơm và vì việc tháp, việc Tăng, tuy họ không hiện tiền nhưng nên chừa cho một phần. Nếu là tịnh nhơn thì cũng được nửa phần, nếu như qua đời ở nhà bạch y, thì đem vật kém giá trị chia cho năm chúng hiện tiền, còn vật có giá trị đưa gần đến chỗ Tăng già lam, nếu không có năm chúng thì đều đưa đến chỗ gần Tăng già lam.

PHÁP SÁM HỐI SÁU NHÓM TỘI

Ba La Di : Trung Hoa dịch là khí, nghĩa là mãi mãi bỏ ra ngoài biển Phật pháp, không có phần đạo quả vậy. Người phạm phải nên diệt tẩn, nếu phạm rồi mà không có tâm che giấu, tha thiết cầu xin sám hối, nên yết ma cho làm tỳ kheo học giới, nhưng bị đoạt ba mươi lăm việc, suốt đời thực hành không được vượt qua. Nếu như lúc chúng Tăng yết ma thuyết giới, cho dù đến dự hay không đến dự cũng chẳng phạm, nếu phạm tội trọng một lần nữa thì nên diệt tẩn, nếu chứng đươc quả A La Hán thì mới cho dự vào ngôi vị của đại Tăng.

Luật Tăng Kỳ chép: “Người phạm tội trọng khóc lóc không chịu lìa ca sa, lại có lòng tin ưa Phật pháp thì nên cho học giới. Học giới là những món ăn nào không hợp pháp đối với Tỳ kheo thì cũng không hợp pháp với vị này; những món ăn nào không hợp pháp với vị này thì cũng không hợp pháp với Tỳ kheo. Vị này được Tỳ kheo trao cho thức ăn, ngoại trừ năm thứ thực vật hỏa tịnh và vàng bạc, vị này được theo Sa di nhận thức ăn”.

Luật Thập Tụng chép: “Những giới Phật đã kết, tất cả đều phải vâng làm. Từ bậc đại tỳ kheo đến bậc hạ tòa, không được ngủ chung nhà với đại Tăng ba đêm, tự mình không được ngủ quá hai đêm với người chưa cụ giới, cùng ngủ quá hai đêm, được cùng với tăng làm hai pháp yết ma là tự tứ  và bố tát, nhưng không được tính đủ số để trao cho giới, xuất tội, ngoài ra các pháp khác cũng không được làm, được nhận tuổi hạ. Không được ở trong chúng tụng luật, nếu không ai có thể tụng được thì cho.

PHÁP SÁM HỐI TỘI TĂNG GIÀ BÀ THI SA

Tăng Già Bà Thi Sa: Trung Hoa dịch là Tăng Tàn, nghĩa là tội này gần như bị bỏ, như người bị kẻ khác chặt đầu chỉ còn sót yết hầu phải mau mau cứu chữa, người phạm mà che giấu nên xét theo số ngày che giấu, rồi cho thực hành pháp Ba Lợi Bà Sa, hành pháp Ba Lợi Bà Sa xong lại cho 6 đêm hành pháp Ma Na Đỏa, hành pháp Ma Na Đỏa xong lại cho ở trong hai mươi vị tăng mà xuất tội. Nếu phạm mà không che giấu liền trao cho sáu đêm hành pháp Ma Na Đỏa, sau đó cho ở trong hai mươi vị tăng mà xuất tội. Nếu thời gian thực hành hai pháp này mà phạm trở lại, thì tùy theo điều đã phạm mà hành pháp bản nhật trị.

Ba Lợi Bà Sa: Trung Hoa dịch là “Biệt trú hành”, nghĩa là được yết ma cứu tội xong, đoạt hết ba mươi lăm việc. Ở sau trong Tăng thực hành tám viec, nếu mất một đêm phải bạch Tăng phát lộ, cung cấp chúng Tăng, đến hết số ngày che dấu.

Ma Na Đỏa: Trung Hoa dịch là Cực khổ ty liệt hành, phần lớn đồng với Ba Lợi Thi Sa nhưng ngủ ở trong tăng là khác.

PHÁP SÁM HỐI TỘI THÂU LAN GIÁ

Thâu Lan Giá: Trung Hoa dịch là Xú Ác, có hai loại:

  1/ Tùng sanh.

        2/ Độc đầu.

Tùng sanh Thâu Lan Giá có ba phẩm, từ nơi tội tứ khí mà sanh, tội trọng Thâu Lan Giá gọi là thượng phẩm, nên hướng đến tất cả mọi người trong Tăng sám hối, nếu từ tội Tứ khí mà sanh nhẹ, hoặc từ nơi Tăng Tàn mà sanh nặng thì gọi là trung phẩm, nên ra ngoại giới, sám hối tội lỗi với bốn vị Tỳ kheo. Nếu từ Tăng Tàn sanh nhẹ, nên sám hối với một tỳ kheo thanh tịnh. Độc đầu Thâu Lan Giá cũng có ba phẩm: thượng phẩm là phá chuyển pháp luân Tăng, giết trời, chư thiên, trộm bốn tiền… gọi là thượng phẩm. Phá yết ma Tăng, trộm ba tiền, hai tiền gọi là trung phẩm. Ăn thịt uống máu sống, ác tâm mắng nhiếc Tăng chúng, trộm một vật… gọi là hạ phẩm. Cách sám hối cả ba phẩm giống như tội Tùng sanh.

PHÁP SÁM HỐI TỘI BA DẬT ĐỀ.

Tụ này chia làm hai:

1/ Ni Tát  Kỳ Ba Dật Đề : Trung Hoa dịch là Xả Đọa. Tội này đều căn cứ trên tiền tài mà phạm, nay phải đem tài vật đến xả trong Tăng, cho nên gọi là Xả Đọa.

2/ Ba Dật Đề : Trung Hoa dịch là Đọa. Việc phạm tội này đều căn cứ trên lời nói, việc làm, không có vật để xả, cho nên gọi là Đọa vậy.

+ Cách sám hối tội Xả Đọa là vật này không thể biệt chúng xả, nếu xả như thế thì không thành pháp xả, lại còn mắc tội Đột Kiết La, bắt buộc phải đến xả trong Tăng, trịch áo bày vai hữu, mở giày, guốc, dép, lễ dưới chân thượng tòa xong, qùy xuống chấp tay bạch rằng:

“Đại đức Tăng lắng nghe, con Tỳ kheo mỗ giáp… vì chứa… (bao nhiêu)… y dư, phạm tội Xả Đọa, nay con xả cho Tăng” (Nói một lần).

Xả y xong, liền ở trong Tăng xin sám hối, bạch rằng:

“Đại đức tăng lắng nghe, con Tỳ kheo mỗ giáp… vì chứa… (bao nhiêu)… y dư, phạm tội Xả Đọa, y này đã xả cho Tăng, nay có bao nhiêu tội Ba Dật Đề xin theo Tăng sám hối, cúi xin Tăng cho con là tỳ kheo mỗ giáp… sám hối, xin từ bi thương xót” (Nói ba lần).

Nên thỉnh vị sám hối chủ, vị sám hối chủ cần phải là người chưa từng phạm tội, hoặc có phạm đã sám hối xong, gọi là vị Tỳ kheo thanh tịnh mới có thể nhận sự sám hối. Sửa oai nghi bạch rằng:

“Đại đức một lòng nghĩ, con Tỳ kheo mỗ giáp… nay thỉnh Đại đức làm vị chủ sám hối tội Ba Dật Đề, cúi xin Đại đức vì con làm vị sám hối chủ tội Ba Dật Đề, xin từ bi thương xót” (Nói ba lần).

Người nhận sám hối không thể đáp liền được hay không mà trước phải tác bạch với Tăng rằng:

“Đại đức tăng lắng nghe, con Tỳ kheo mỗ giáp… vì chứa… (bao nhiêu)… y dư, phạm tội Xả Đọa, y này đã xả cho Tăng, trong đây có bao nhiêu tội Ba Dật Đề, nay theo chúng Tăng xin sám hối. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng bằng lòng cho con Tỳ kheo mỗ giáp … nhận Tỳ kheo mỗ giáp … sám hối, bạch như thế”.

Tác bạch như thế xong rồi mới bảo tỳ kheo kia rằng: “Được!”.

Người sám hối sửa đủ oai nghi bạch:

“Đại đức một lòng nghĩ, con Tỳ kheo mỗ giáp… vì chứa… (bao nhiêu)… y dư, phạm tội Xả Đọa, y này đã xả có bao nhiêu tội Ba Dật Đề, nay hướng đến Đại đức phát lồ sám hối, không dám che giấu, sám hối thì được an lạc, không sám hối thì không được an lạc, nhớ nghĩ việc phạm tội nên phát lồ, biết mà không dám che giấu, cúi xin Đại đức nhớ nghĩ con thanh tịnh, giới thân cụ túc, thanh tịnh Bố tát”. (Nói hai lần).

Người nhận sám hối bảo rằng: “Ông phải tự trách tâm sanh lòng nhàm chán xa lìa”.

Đáp: “Xin vâng”.

Sám hối xong nên hoàn trả y trong tăng, phải xét tài vật của mình có thể hoàn trả hay không, như tơ tằm làm ngọa cụ thì không thể hoàn trả mà phải băm nhỏ ra trộn với bùn rồi tô lên cho cứng. Nếu như chứa y dư, bát dư, y một tháng, y cấp thí, thuốc dư. Năm loại dư này chuyển trao trả lại, còn những điều phạm khác nên phải hoàn trả ngay nơi tòa, nếu Tăng chúng khó nhóm họp ngay nơi tòa để chuyển trao, thì Phật dạy, nếu trong Tăng chúng khó nhóm họp, Tỳ kheo này có nhân duyên muốn đi xa, nên hỏi vật này cho ai? Tùy theo lời của vị ấy nói nên lấy cho liền, cho rồi phải trả lại, trong Tăng tác bạch nhị yết ma trao lại.

Bạch rằng: “Đại đức Tăng nghe, Tỳ kheo mỗ giáp … vì chứa… (bao nhiêu) y dư, phạm tội Xả Đọa, y này đã xả cho Tăng, nếu thời gian thích hợp với Tăng, Tăng bằng lòng cho, nay đem y này cho Tỳ kheo mỗ giáp…, tỳ kheo mỗ giáp … hoàn trả lại cho tỳ kheo mỗ giáp … bạch như thế”.

Yết ma rằng: “Đại đức tăng lắng nghe, con Tỳ  kheo… vì chứa… (bao nhiêu) y dư, phạm tội Xả Đọa, y này đã xả cho Tăng, trong Tăng đem y này cho Tỳ kheo mỗ giáp …, Tỳ kheo mỗ giáp … nên hoàn lại cho tỳ kheo này, trong đây các trưởng lão nào bằng lòng cho Tăng đem y này cho tỳ kheo mỗ giáp … Tỳ kheo mỗ giáp … nên trả lại cho Tỳ kheo này thì im lặng, ai không bằng lòng thì nói Tăng đã bằng lòng đem y này cho tỳ kheo mỗ giáp …, Tỳ kheo mỗ giáp … nên trả lại Tỳ kheo… xong, Tăng bằng lòng vì im lặng, việc này xin ghi nhận như vậy”.

Ngay nơi tòa liền trao cho, nếu tội đã phạm chẳng phải là chứa năm loại trước thì nên nương theo pháp này mà trao cho. Lại như có người chứa năm loại trước mà không có nhân duyên muốn đi xa thì được kéo dài đến sáng hôm sau, cũng y theo pháp này mà trao cho, trong Tăng bạch nhị yết ma.

Bạch rằng: “Đại đức Tăng lắng nghe, Tỳ kheo… vì lìa y Tăng Già Lê ngủ, phạm tội Xả Đọa, y này đã xả cho Tăng, nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng bằng lòng cho, nay đem y này trao lại cho Tỳ kheo mỗ giáp …, bạch như thế”. Kế đến văn yết ma cũng căn cứ như trên có thể biết.

Bốn người trở xuống chỉ thực hành pháp đối thú xả y, nên sửa sang oai nghi bạch: “Chư đại đức Tăng lắng nghe, con Tỳ kheo mỗ giáp … vì chứa (bao nhiêu) y dư, phạm tội Xả Đọa, con nay xả cho chư Đại đức”.

Tác bạch như thế xả xong rồi, thỉnh một vị sám hối chủ, văn giống như trước. Người nhận sám hối nên hỏi các Tỳ kheo khác rằng: “Ba vị trưởng lão, hoặc ba vị trưởng lão lắng nghe, con nhận Tỳ kheo mỗ giáp … sám hối, con nay thọ nhận”.

Đáp rằng: “Được”.

Người nhận sám hối chuyển bạch các Tỳ kheo rằng: “Được”. Văn sám tội giống như giới trước.

Trả y bằng cách trao liền, bạch rằng: “Chư đại đức, Tỳ kheo mỗ giáp… vì chứa (bao nhiêu) y dư, phạm tội Xả Đọa,  y này đã xả cho các đại đức. Bây giờ chư Đại đức bằng lòng cho con đem y này trả lại cho tỳ kheo mỗ giáp…  con nay sẽ đem trả lại”.

Đáp rằng: “Được”.

        Pháp xả y đối với một người.

Sửa sang oai nghi bạch rằng: “Đại đức một lòng nghĩ, con Tỳ kheo mỗ giáp… vì chứa… (bao nhiêu) y dư, phạm tội Xả Đọa, nay đem xả cho đại đức”.

Tác bạch như thế xong rồi thỉnh vị sám hối chủ, văn như trước. Đúng ra phương pháp sám hối phải bạch rằng: “Đại đức một lòng nghĩ, con Tỳ kheo mỗ giáp… vì chứa… (bao nhiêu) y dư, phạm tội Xả Đọa, y này đã xả cho Đại đức, có bao nhiêu tội Ba Dật Đề nay hướng đến đại đức phát lồ sám hối, không dám che giấu”.

Những lời khác giống như trên, liền trao y trực tiếp cho, không có lời bạch.

        Pháp sám hối tội nhỏ.

Phật dạy, nếu phạm Tăng Tàn cho đến Đột Kiết La, biết mà cố che giấu, trước hết nên dạy tác pháp sám hối tội Đột Kiết La, nay căn cứ trong pháp Xả Đọa, đầy đủ tám phẩm, tội Đột Kiết La. 1/ Căn bản hai phẩm, nghĩa là tội mặc y Xả Đọa và khi nói giới xét hỏi mà không phát lồ. 2/ Là tùng sanh có sáu phẩm. Hai phẩm đầu gọi là che giấu Ba Dật Đề, đã trải qua một đêm, hai đêm. Hai phẩm kế gọi là che giấu mặc y xả đọa đã trải qua một đêm, hai đêm. Hai phẩm sau là che giấu khi thuyết giới. Khi nói giới có xét hỏi mà không phát lồ, trải qua một đêm, hai đêm. Họp giữa căn bổn và tùng sanh là tám phẩm.

        Nay trước sám hối sáu tội nhỏ tùng sanh.

Sửa sang oai nghi đối với vị sám chủ bạch rằng: “Đại đức một lòng nghĩ, con tỳ  kheo mỗ giáp… vì chứa… (bao nhiêu) y dư, phạm nhiều tội Ba Dật Đề, che giấu qua đêm, theo đêm đó lần lượt che giấu và mặc y xả đọa mắc tội Đột Kiết La, che giấu qua đêm, tùy theo bao nhiêu đêm mà lần lượt che giấu. Tăng đã nói giới, vậy mà nói vọng bằng cách im lặng  mắc tội Đột Kiết La,  che giấu qua đêm, tùy theo đêm lần lượt che giấu đều phạm tội Đột Kiết La, đến nỗi không nhớ số lần, nay đến đại đức phát lồ sám hối, không dám tái phạm nữa, cúi xin đại đức nhớ nghĩ con…”. Các lời khác giống như trước.

         Kế đến là sám hối hai tội căn bản nhỏ.   

Sửa sang oai nghi bạch với vị sám hối chủ rằng: “Đại đức một lòng nghĩ, con Tỳ kheo mỗ giáp… phạm tội mặc y không thanh tịnh, đã trải qua kỳ thuyết nhưng vọng ngữ bằng cách im lặng đều phạm tội Đột Kiết La, tất cả đều không nhớ số lần, nay ở trước Đại đức phát lồ sám hối, không dám tái phạm nữa, cúi xin đại đức nhớ nghĩ con…”. Còn những lời khác giống như  trên.

+ Pháp sám hối tội Ba Dật Đề (tội Đọa). Pháp sám này không có tài vật để xả chỉ cầu xin sám hối, thỉnh vị sám hối chủ và vị chánh sám hối. Ba pháp, văn giống y như Ni Tát Kỳ Ba Dật Đề nhưng về sự việc thì có chỗ bất đồng, tức là tùy theo việc mà thay đổi tên gọi. Nếu phạm tám phẩm tội nhỏ thì có thể tự mình suy lường hoặc có phạm thì liền sám hối như phần trên, chỉ sửa đổi về danh tướng của tội là khác.

PHÁP SÁM HỐI TỘI BA LA ĐỀ ĐỀ XÁ NI

Thỉnh một vị sám hối chủ, văn thỉnh giống như trên, chỉ sửa tên tội, kế đến là vị chánh sám hối, sửa oai nghi bạch rằng: “Đại đức một lòng nghĩ, con… có việc… phạm tội Ba La Đề Đề Xá Ni, không nhớ số lần. Đại đức, con phạm tội đáng quở trách, việc không nên làm, nay ở trước Đại đức xin sám hối”.

Người nhận sám hối nên nói: “Ngươi thấy tội chưa?”.

Đáp: “Bạch đã thấy”.

Nên quở trách rằng: “Cẩn thận chớ có tái phạm nữa”.

Đáp: “Xin vâng”.

PHÁP SÁM HỐI TỘI ĐỘT KIẾT LA

Phật dạy, nếu cố làm thì đáng phạm tội Đột Kiết La phải sám hối, do vì phạm Đột Kiết La trái với oai nghi, nếu không cố làm thì chỉ phạm tội Đột Kiết La. Cố làm thì trước sửa sang oai nghi thỉnh vị sám hối chủ bạch rằng: “Đại đức một lòng nghĩ, con Tỳ kheo… thỉnh Đại đức làm vị sám hối chủ tội Đột Kiết La, cúi xin đại đức vì con làm vị sám hối chủ tội Đột Kiết La, xin thương xót cho con”.

Thỉnh ba lần xong, nên sám hối. Trong pháp này tùng sanh và căn bản cũng cần xét rõ bao nhiêu tướng tội rồi mới đối với vị sám hối chủ bạch: “Đại đức một lòng nghĩ, con mỗ giáp… vì mặc Tăng Già Lê không ngay ngắn phạm tội Đột Kiết La, không nhớ số lần, nay hướng đến Đại đức phát lồ sám hối, không dám tái phạm nữa, cúi xin Đại đức thương xót con”. Ngoài ra những lời khác giống như trước.

Nếu vì nhầm lẫn không cố ý thì sửa oai nghi, sanh lòng hổ thẹn, miệng nói: “Con Tỳ kheo mỗ giáp… vì mê lầm phạm mặc y Tăng Già Lê không ngay ngắn, phạm tội Đột Kiết La, nay con ăn năn tự trách tâm”. (Chỉ nói một lần).

Sáu thứ trên đây gọi chung là sáu tụ, nếu không khai ra thiên Thâu Lan Giá thì chỉ gọi là năm thiên mà thôi. Nếu như trong thiên Đột Kiết La khai ra làm ác tác và ác thuyết thì gọi là bảy tụ. Từ lời nói ra mà phạm thì gọi là ác thuyết, từ thân phạm gọi là ác tác.

Pháp sám hối, trong luật đã nói, nên căn cứ  theo đó mà thực hành, nhưng chỉ diệt trừ được tội phạm giới. Cho nên Đại Trí Độ Luận chép: “Trong giới luật tuy là có những giới nhỏ nhặt, hễ sám hối thì được thanh tịnh, còn phạm giới thập thiện dù sám hối nhưng quả báo ba đường ác không thể trừ diệt”. Giống như phạm các tánh giới cần phải nương vào pháp sám hối của đại thừa, pháp đó nói tóm có hai:

 1/ Sự sám như kinh Phạm Võng chép, ngày đêm sáu thời tụng mười giới trọng bốn mươi tám giới khinh, dốc lòng đảnh lễ ba đời chư Phật, lại như pháp sám hối Pháp Hoa, Đại Bi… dốc lòng thành tu tập thì nhất quyết sẽ được diệt trừ tội chướng.

2/ Lý sám như kinh Niết Bàn chép: “Nếu như tu tập thân giới tâm huệ, quán sát các pháp giống như hư không, dù có tạo ác nghiệp, tư duy quán xét, hay chuyển quả báo nặng ở địa ngục thành quả báo nhẹ ngay trong hiện đời. Nếu như có tội nhẹ mà không tự phát lồ, tâm ban đầu không chịu sám trừ, không chịu tu tập thiện nghiệp, che giấu lỗi lầm, dù có hành nghiệp lành nhưng vì tội lỗi nhiễm ô, nên quả báo nhẹ ở hiện đời cũng chuyển thành quả báo xấu ác nặng ở địa ngục, đó là do ngu si. Nếu như phạm bốn tội nặng, năm tội nghịch, chê bai chánh pháp gọi là phá giới, vì có nhân duyên ấy nên phải cứu vớt, nếu như kẻ mặc áo pháp, thường ôm lòng hổ thẹn, sanh tâm hộ trì chánh pháp, kiến lập chánh pháp, ta nói người này không gọi là phá giới”.

Luận Thành Thật chép: “Có tâm chấp ngã thì những ác nghiệp phiền não nhóm họp, nếu như không có chấp ngã thì các nghiệp không thể kết thành quả báo, do vì không đầy đủ”.

Kinh Hoa Nghiêm chép: “Ví như nhà ảo thuật hay làm lòe mắt người”. Các nghiệp cũng như thế, vì vậy mới gọi là chơn thật sám hối thanh tịnh. Sự sám hối, trước thì chỉ điều phục được nghiệp. Lý sám hối, sau thì liền đoạn hẳn nghiệp báo. Sự lý đều tu thì như xe hai bánh, như thế không có nơi xa xôi nào không đến, có thể ra khỏi biển khổ sanh tử, có thể đến được đạo tràng giác ngộ, há chỉ có thể diệt tội thôi sao?

Pages: 1 2 3