bùi hưu

Phật Quang Đại Từ Điển

(裴休) (797-870) Ông là người huyện Tế nguyên, Mạnh châu (Hà nam), đời Đường, cũng có thuyết cho là người huyện Văn hỉ tỉnh Hà nam (Văn hỉ Sơn tây). Ông đậu Tiến sĩ khoảng năm Trường khánh (812-824). Khoảng năm Đại trung (847-859), ông được quan Binh bộ thị lang tiến cử làm Đồng trung thư môn hạ bình chương sự. Sau giữ chức Tiết độ sứ Tuyên vũ quân, rồi lần lượt làm Tiết độ Chiêu nghĩa, Hà đông, Phượng tường, Kinh nam v.v… Ông là người điềm đạm, phong độ nhàn nhã, hành xử nghiêm túc, vua Tuyên tông thường gọi ông là chân Nho giả (nhà Nho chân chính). Ông giỏi văn chương, viết chữ rất ngay thẳng đẹp đẽ. Ông vốn tin Phật giáo, theo ngài Khuê phong Tông mật học Hoa nghiêm. Ngài Tông mật soạn kinh sớ thường nhờ ông viết tựa. Ông từng tiếp ngài Hoàng bá Hi vận ở Uyển lăng, cùng nhau bàn về đạo Thiền, ông ghi những lời Thiền sư Hoàng bá nói rồi soạn thành Uyển lăng tập, lưu hành rất rộng rãi. Đời vua Vũ tông và Tuyên tông, Phật giáo gặp đại nạn mới, với tư cách một đại thần trọng yếu, ông đứng ra bênh vực Phật giáo, nhờ thế, chỉ trong vài năm, Phật giáo được hưng thịnh trở lại. Từ trung niên về sau, ông ăn chay, thắp hương tụng kinh, người đời gọi ông là Đại sĩ Hà đông. Ông có các tác phẩm: Khuyến phát bồ đề tâm văn 1 quyển, Truyền tâm pháp yếu 1 quyển (Biên tập ngữ yếu của Thiền sư Hi vận). [X. Tống cao tăng truyện Q.6, Q.11, Q.20, Q.25; Cảnh đức truyền đăng lục Q.6, Q.8, Q.9, Q.12, Q.13; Cư sĩ truyện Q.13; Đường thư liệt truyện 107].