bổng hạt

Phật Quang Đại Từ Điển

(棒喝) Là phương pháp tiếp hóa đệ tử của các tổ sư Thiền tông. Bậc tông tượng (bậc thầy nhiều kinh nghiệm) trong nhà Thiền, khi tiếp dẫn người học, hay dùng gậy đánh (bổng) hoặc dùng tiếng hét (hát) để dứt hẳn tư duy vọng tưởng hoặc để xét nghiệm chỗ ngộ của họ. Đây cũng là cách chỉ bày và mở tỏ cho học trò. Bích nham lục tắc 2 (Đại 48, 142 trung), nói: Dù có vung gậy như mưa, hét vang như sấm, cũng chưa thể đảm đương được việc hướng thượng trong tông thừa. Tương truyền việc dùng gậy đánh bắt đầu từ các Thiền sư Đức sơn Tuyên giám và Hoàng bá Hi vận; còn việc dùng tiếng hét thì bắt đầu từ ngài Lâm tế Nghĩa huyền (hoặc có thuyết nói ngài Mã tổ Đạo nhất). Vì ngài Đức sơn khéo dùng gậy, ngài Lâm tế giỏi dùng tiếng hét, nên đã có câu: Cây gậy Đức sơn, tiếng hét Lâm tế. Về sau, các Thiền sư tiếp dẫn người học phần nhiều dùng cả đánh và hét, không ngoài mục đích nhờ đó thúc giục người học giác ngộ. Đời sau, đối với việc thức tỉnh sự mê chấp của người gọi là đương đầu bổng hát (đánh và hét đúng lúc đúng cơ). Ngũ gia tông chỉ toản yếu (Vạn tục 114, 25 thượng), nói: Gia phong Lâm tế, toàn cơ đại dụng, đánh hét đều dùng. Vị thủy tổ của tông Lâm tế là Thiền sư Nghĩa huyền chịu ảnh hưởng của ngài Hoàng bá có nói về cái gọi là bốn hét và tám gậy. Tám gậy là: 1. Gậy giải lệnh chi huyền, là gậy phạt. 2. Gậy tiếp cơ theo chính, gậy tiếp dắt người theo về chính đạo. 3. Gậy dựa vào lí huyền vi mà làm thương tổn điều chân chính, là gậy phạt. 4. Gậy ấn thuận tông chỉ, tức là gậy ấn chính cơ đến, là gậy thưởng. 5. Gậy nghiệm thử hư thực, tức là vừa thấy liền đánh để thử xem sự tu hành của người đến học thực hay hư, không liên quan gì đến thưởng phạt. 6. Gậy mù quáng, tức là mắt mù, đánh loạn bậy, do lỗi của thầy. 8. Gậy dẹp trừ phàm thánh, là gậy chân chính cao tột Bốn hét là: 1. Có lúc tiếng hét như thanh gươm kim cương quí báu, có tác dụng chặt đứt sự hiểu biết theo tình chấp. 2. Có khi tiếng hét như sư tử dậm chân, có tác dụng ngăn trở sự hiểu biết theo tình chấp. 3. Có khi tiếng hét như cây sào quơ bóng cỏ, có tác dụng khám nghiệm người học.4. Có khi tiếng hét không có tác dụng của hét, có tác dụng không dám xúc phạm húy.