bổng giáo

Phật Quang Đại Từ Điển

(棒教) Tạng: Bon-po. Là tôn giáo nguyên thủy của người Tây tạng trước khi Phật giáo được truyền vào nước này. Một phái thuộc Tát mãn giáo (Shamanism). Cũng gọi Bổn giáo, Bổn ba giáo, Phạm giáo, Phàm giáo. Thông thường gọi là Hắc giáo. Tức là tín ngưỡng dân gian sùng bái linh hồn, chú thuật, cúng dường vật hi sinh. Theo truyền thuyết Tây tạng, vị tổ khai sáng của tôn giáo này tên là Tuyết lạp ba (Tạng:Gshen-rab). Mới đầu lưu hành ở vùng A lí của Hậu tạng, sau truyền bá từ tây sang đông đến khắp các miền Tây tạng. Tôn giáo này thờ cúng thần quỉ tinh linh của trời đất, núi rừng, sông ngòi, đầm rạch và các vật tự nhiên, cho rằng trong vũ trụ có vô số linh hồn tồn tại, có khả năng biến hiện các việc lành dữ, phúc họa; vì các tinh linh nương ở trong những vật thể như cây, đá, chiêng, trống v.v… nên nảy sinh quan niệm sùng bái những vật ấy, coi trọng tế tự, đồng bóng, bói toán, giải hạn, tin tưởng ông đồng bà cốt là môi giới giữa người và các linh hồn, nên ông đồng có thể nói trước mọi việc lành dữ. Ở thời kì đầu triều vua Thổ phồn, Bổng giáo chiếm địa vị thống trị. Vào giữa thế kỉ thứ VII, sau khi Phật giáo từ Ấn độ, Nepal truyền vào, Bổng giáo đã từng chống đối Phật giáo trong thời gian dài. Sau thế kỉ VIII, vì Vương thất Thổ phồn nâng đỡ Phật giáo mà đè nén Bổng giáo, nên thế lực Bổng giáo suy dần. Sau Bổng giáo hấp thụ một phần giáo nghĩa Phật giáo, đổi kinh Phật giáo thành kinh Bổng giáo, phát triển giáo lí mà trở thành một giáo phái tương tự như Phật giáo Tây tạng. Vì chịu ảnh hưởng hình thức tín ngưỡng và giáo nghĩa của Phật giáo, nên Bổng giáo đã chia làm hai thời kì mới và cũ: hình thái thời kì cũ là Bổng giáo nguyên thủy, hình thái ở thời kì mới là Bổng giáo tổ chức, tức tổ chức giáo nghĩa để làm thành kinh điển. Kinh điển Bổng giáo bàn về lí luận tu hành gồm có ba bộ: Thập vạn bạch long, Thập vạn hắc long, Thập vạn ban long. Bổng giáo chịu ảnh hưởng của Phật sâu đậm và đã thay đổi nhiều, được gọi là Bạch bổn ba. Bổng giáo còn giữ được nhiều đặc điểm nguyên thủy thì gọi là Hắc bổn ba. Đầu thế kỉ XV, sau khi ngài Tông khách ba lập nên Hoàng giáo (phái Mũ vàng trong Phật giáo Tây tạng), thế lực bành trướng khắp xứ Tây tạng, thì thế lực Bổng giáo tàn lụi, chỉ còn rớt lại chút ít trong đám dân du mục ở vùng biên thùy phía bắc và miền đông Tây tạng mà thôi. Hiện nay người Tây tạng tin thờ Lạt ma giáo, tuy nói đặc sắc của Lạt ma giáo là Phật giáo hấp thu thành phần Bổng giáo và Bổng giáo cũng lấy Phật giáo làm điểm tựa để tồn tại, nhưng, trong thực chất, cả hai vẫn nghiễm nhiên đối lập. [X. Đường thư Q.196 Thổ phồn truyện; Bạch lưu li luận (Vaidùrya dkar-po); Thập vạn bảo chiếu (Maịi-bka#-#bum); Tây tạng văn hóa chi tân nghiên cứu (Thanh mộc văn giáo); Ch. Bell: Religion of Tibet (Kiều bản quang bảo dịch, Tây tạng chi Lạt ma giáo )]. (xt. Tát Mãn Giáo).