Bôn Giáo

Từ Điển Đạo Uyển

T: bon; nguyên nghĩa của chữ Bôn là “thỉnh cầu”, “tụng niệm”;

Danh từ dùng chỉ các trường phái tôn giáo khác nhau trước khi đạo Phật
được Liên Hoa Sinh (s: padmasambhava) đưa vào Tây Tạng. Danh từ Bôn-pô
(t: bonpo) ban đầu được dùng để chỉ các Ðạo sư với những chức năng khác
nhau như gọi thần phù hộ, thực hành nghi lễ mai táng… Dần dần về sau,
một hệ thống lí thuyết được thành lập với sự ảnh hưởng lớn của các người
du nhập từ phương Tây. Shang-Shung – được xem là một miền đất phía Tây
của Tây Tạng – đóng một vai trò quan trọng trong việc hình thành Bôn
giáo. Bắt đầu từ thế kỉ 11, Bôn giáo chính thức xuất hiện như một tông
phái tự lập. Sự khác biệt chính của giáo phái này với các tông phái Phật
giáo tại đây chính là sự gìn giữ, tiếp nối truyền thống của Bôn giáo
thời xưa của phái này. Ngày nay, Bôn giáo vẫn còn lưu hành và có nhiều
điểm tương đồng với giáo lí của phái Ninh-mã (t: nyingmapa).

Truyền thống Tây Tạng quan niệm rằng, dân Tây Tạng – đặc biệt là nhà vua
– được ba nhóm sau đây hộ trì trước khi Phật pháp được truyền sang: 1.
Những người theo đạo Bôn, được gọi là Bôn-pô (bonpo); 2. Những thi hào
với những bài thơ, bài hát của họ và 3. Những trò chơi, những câu đố đặc
biệt. Dần dần, bản phận của các vị Bôn-pô thay đổi, được mở rộng và
trong thời gian sau, người ta phân biệt ba thời kì.

“Bôn giáo sơ khởi” là giai đoạn đầu, chưa lập văn tự. Trong thời gian
này, các vị Bôn-pô sử dụng những phương tiện khác nhau để “dưới chinh
phục ma quỷ, trên cầu chư thiên, ở giữa làm sạch bếp lửa.” Các phương
pháp tiên tri như sử dụng dây cầu xin, vấn linh được áp dụng thường
xuyên và các lời giải đáp được xem như là quyết định của “Bề trên.”

Với sự giết hại của Tri-gum – một vị vua được nhắc đến trong truyền
thuyết – thời “Bôn giáo đổi hướng” bắt đầu. Bản phận của các vị Bôn-pô
trong thời này là việc mai táng nhà vua theo đúng nghi lễ. Cũng trong
thời gian này, các vị Bôn-pô ở đây bắt mối liên hệ với những Bôn-pô nằm
ngoài Tây Tạng, phần lớn xuất xứ từ phía Tây. Giáo lí của họ được mở
rộng và hệ thống hoá.

Trong thời “Bôn giáo chuyển biến” hệ thống triết lí của đạo Bôn thâu
nhập rất nhiều thành phần của Phật pháp nhưng vẫn giữ những yếu tố
truyền thống. Thời gian này trùng hợp với giai đoạn hoằng hoá Phật pháp
của hai vị Ðại sư Ấn Ðộ là Tịch Hộ (s: śāntarakṣita) và Liên Hoa Sinh,
bắt đầu từ thế kỉ thứ 8 và kéo dài đến thế kỉ thứ 10. Một nhân vật quan
trọng của Bôn giáo xuất hiện trong thời gian này, đó là Shen-rab, được
nhiều người xem là người chính thống sáng lập Bôn giáo.

Trong thời gian sau, giáo lí căn bản của Bôn giáo được hệ thống hoá và
kết tập trong một Ðại tạng vối cấu trúc tương tự như Ðại tạng của Phật
giáo Tây Tạng (Cam-châu-nhĩ/Ðan-châu-nhĩ). Shen-rab chia giáo lí của đạo
Bôn thành chín thừa. Bốn thừa đầu được gọi là “Nhân thừa” (因乘), bốn
thừa kế tiếp được gọi là “Quả thừa” (果乘) và song song với dòng Ninh-mã,
họ cũng có một hệ thống Ðại cứu kính (t: rdzogchen) riêng biệt.